Mai Nở Dưới Sao

- o-

Bàn xong mọi chuyện, ông Năm thả cho ông Đen trở về. Tất nhiên, trước khi ông Đen ra khỏi cửa, ông Năm và bọn đàn em không quên trấn áp tâm lí thêm một lần. Ông Năm vừa run run đùi, vừa nói với ông Đen - Mai tao qua bắt nó, mày liệu hồn giữ lời, không thì cái nhà mày nát bét với tao. - Ông ta liếc nhìn đứa đàn em, gã đó liền rút dao ra, kề vào cổ ông Đen, ông Đen run lẩy bẩy, ông Năm nói nốt câu cuối - Mày tưởng mày trốn là bọn này không tìm ra mày hử? Cứ thử đi.

Sự đe dọa của ông Năm làm ông Đen ra đến ngõ mà vẫn còn sợ hãi. Ông ta đương nhiên có ăn gan hùm cũng không dám nuốt lời.

Hôm đó, ông Đen tự cuốc bộ từ nhà ông Năm về nhà mình. Trên đường về, ông ta nhặt được một cái kẹp tóc.

Cái kẹp thảm thương rơi trên đất, ông ta vô tình giẫm lên. Vốn dĩ cũng chẳng muốn nhặt đâu, nhưng chợt nghĩ đến Sao… Ông lại bỏ cái kẹp vào túi.

Về đến nhà, vẫn như thường lệ, ông thấy Sao đang ngồi nấu cơm bên bếp còn mẹ và em của ông thì đứng bên cạnh mắng nhiếc. Vừa thấy mặt ông, cô Ngang liền kéo ông vào, kể biết bao nhiêu tội lỗi của Sao cho ông nghe để chờ ông phụ họa theo mình, đánh đập bé.

- Anh hai! Em nói cho anh nghe! Nó nha, hôm nay nó đem võng qua bên kia mắc, chẳng biết bị khùng bị điên gì mà quên luôn võng ở đó, người ta cuỗm mất cái võng rồi! Nhà còn có cái võng để ngủ trưa, anh xem! Nó đáng bị đánh không?!

Sao nghe dì Ngang chửi, tay quệt lên mắt.

Ông Đen thấy, trên cánh tay gầy yếu của cô bé chằng chịt vết bầm.

- Chắc bị con Ngang dần cho một trận rồi. - Ông nghĩ.

Thế rồi ông đi lướt qua cô Ngang, đi thẳng vào nhà mà không nói gì.

- Anh… Hai… - Cô Ngang sững người, bỡ ngỡ vì lần đầu tiên ông Đen không hưởng ứng cô.

Bà Ác cũng nhìn theo sau ông Đen với vẻ mặt nghi ngờ.

Riêng Sao, cô bé cảm thấy rất kinh ngạc.

Đôi mắt to tròn hướng xuống nồi cơm đang sôi sùng sục, tim đập thình thịch. Mặc dù Sao không hiểu vì cớ gì cha không nổi giận, nhưng lòng cũng nhẹ đi, cảm giác như vừa được miễn án tử vậy.




Đến tối, đợi cho bà Ác và cô Ngang ăn xong, bé Sao mới lặng lẽ ra sàn rửa bát. Cô bé vừa rửa mà bụng vừa kêu, hôm nay làm mất võng, bà nội và dì không cho ăn cơm.

Sao cắn răng, cố gắng chịu đựng.

Tay và chân vì đói cứ run lẩy bẩy liên hồi, khiến cô bé làm việc khó khăn lắm thay.

- Sao. - Đột nhiên có tiếng cha vang lên.

Sao quay lại, giật mình.

Ông Đen đang đứng phía sau cô bé, trên tay là bát cơm. Ông ngồi xuống, đẩy bát cơm về phía Sao, không nhìn cô bé mà ngập ngừng nói - Ăn đi.

Sao chớp mắt nhìn ông.

Cô bé không hiểu. Không hiểu tại sao cha lại đối xử tốt với mình như vậy.

Ông Đen không chú ý vẻ ngỡ ngàng của Sao, ông tiếp tục lấy cái kẹp trong túi ra đưa cho bé. Sao nhìn cái kẹp, sững sờ.

Đó là một cái kẹp bình thường, chẳng có hoa văn trang trí gì. Một cái kẹp đơn điệu màu nâu.

Tuy nhiên… Nó vẫn là một cái kẹp. Dù trên nền sơn nâu có in dấu vết của một cú giẫm, những đó vẫn là một cái kẹp.

Sao lặng đi, không tin nổi vào mắt mình.

Cha cô bé… Tại sao lại trở nên kì lạ như vậy?


- Hừ! - Thấy Sao nghệt mặt ra mà không nhận lấy kẹp, ông Đen liền ấn nó vào tay cô bé. Ông cũng đặt bát cơm vào lòng Sao, đứng dậy và nói thật nhanh - Con gái con đứa gì mười ba tuổi đầu không có một cái kẹp tóc!

Sao hóa đá.

Trong lúc cô bé hóa đá, ông Đen liền bỏ đi. Ông đi mất hút, không dám ở lại nhà nữa.

- Cha…

Sao mân mê chiếc kẹp, chậm rãi cài nó vào tóc. Tóc của Sao không dài, nó ngắn ngang vai. Chiếc kẹp này là dạng kẹp dùng để giữ tóc mái. Mặc dù Sao không để tóc mái, nhưng cô bé vẫn kẹp nó lên một bên tóc, việc này thật sự khiến Sao lạ lẫm.

Cô bé đứng dậy, tiến đến mảnh gương giắt bên vách. Chiếc kẹp kia là món phụ kiện duy nhất cô bé có trong đời.

Sao chạm vào chiếc kẹp, lòng run lên, khóe mắt cay xè.

Đó lại là món quà mà cha tặng…



Sau khi rửa bát xong, Sao ăn hết bát cơm mà ông Đen đưa rồi mới đi ngủ. Cuộn người trong chăn, cô bé không ngừng xoa lên chiếc kẹp trên tóc, dù đi ngủ nhưng cô bé không gỡ nó xuống.

Đôi mắt to tròn nhắm lại, lòng chợt bình yên.

Trong sự bình yên đó, mâu quang màu nâu tuyệt đẹp của chàng trai lạ mặt kia lại hiện diện.

Sao giật mình, choàng tỉnh.


Cô bé rúc sâu vào trong chăn, lòng bồi hồi nhớ lại cảnh tượng khi ấy, cả bầu trời rơi đầy cánh mai…

Giọng nói của người đó rất ấm.

Sao băn khoăn.

Nếu không phải bắt cóc, phải chăng anh ta là thần tiên?

- o-

- Sao! Mới ra hả? - Bác bảy gái chèo xuồng đi ngang qua Sao, hôm nay, bác bảy trai có việc bận nên không cùng đi hái điên điển với bác được. Chỉ có bác bảy gái đi một mình. Lúc vừa ra khỏi nhà chẳng bao lâu, bác thấy Sao đang lội dưới đồng đằng xa, thế nên mới chèo xuồng đến gần.

- Dạ. - Sao mỉm cười tươi tắn, mái tóc được kẹp gọn gàng, không còn xõa lòa xòa che hết mắt như mọi khi.

- Ô, hôm nay trông lạ nha. - Bác bảy gái ngạc nhiên cười.

- Vâng… - Sao đứng lại, hơi cúi xuống, xấu hổ.

- Con hái được chút nấm nào chưa? - Bác chuyển chủ đề.

- Chưa ạ. - Sao dẩu môi, nhìn vào chiếc rổ tre trống không - Con chỉ vừa mới ra thôi.

- Hôm nay có vẻ con ra muộn. - Bác bảy gái chống xào xuống nước, chuẩn bị đẩy xuồng rời đi.

- Dạ… Tối qua con hơi khó ngủ. - Sao ngập ngừng nói.

- Ôi giời, trẻ con mà đã khó ngủ rồi ư? - Bác bảy gái bật cười, lắc đầu rồi chèo đi. Bác vốn định mua nấm giúp cho Sao nhưng cô bé chưa hái được gì cả. Vì vậy, bác đành tiếp tục công việc của mình thôi. Phải tranh thủ hái ít điên điển, chút còn giao cho bà Sáu bán bún cá trên chợ.

- Bác đi nhé! - Xuồng đã trôi được nửa mét, bác bảy gái quay lại nói với Sao.

- Vâng! - Sao vẫy tay, lòng thầm mong bác sẽ hái được thật nhiều điên điển.

Chia tay bác bảy gái xong, cô bé lại tiếp tục công việc của mình. Sao đi đến những đụn rơm mà người ta để lại sau vụ thu hoạch, giở từng lớp rơm lên.


Vào mùa thu hoạch, trước khi mùa nước về, người dân sẽ gặt lúa và để lại rơm trên cánh đồng. Đến khi mùa nước nổi đến, nước sẽ tràn vào đồng và làm ẩm rơm, khiến những lớp rơm ẩm sinh ra nấm.

Sao thu hoạch số nấm này để đem ra chợ bán và làm thức ăn cho gia đình.

Đôi khi, cô bé cũng đi hái điên điển như bác bảy gái, ở miền tây, cứ đến mùa nước nổi là lại có hàng loạt sản vật khác nhau để con người khai thác.

Đang đi thì Sao vướng phải bùn. Cô bé cố gắng nhấc chân lên, không ngờ lại chao đảo mà té xuống nước. Sao đứng dậy, chiếc kẹp trên tóc vô tình rơi ra. Sao sờ lên tóc, thấy kẹp đã mất, cô bé hốt hoảng thụp xuống nước, tìm kiếm.

Tìm mãi, tìm mãi, quậy cho chỗ nước nơi ấy đen đặc bùn, Sao mới tìm thấy kẹp. Cô bé rửa chiếc kép lấm bẩn một cách kĩ lưỡng rồi lại cài lên tóc.

Sao chẳng biết vì cớ gì mình lại quý chiếc kẹp này đến vậy. Chỉ là… Khi phát hiện ra nó bị mất, cô bé cảm thấy vô cùng tiếc nuối và buồn.

Chiếc kẹp này là thứ duy nhất cô bé nhận được từ cha. Trong suốt bao nhiêu năm qua, người đàn ông đó chưa bao giờ có một cử chỉ yêu thương với Sao. Cô bé từng nhiều lần nghe ông ta mắng chửi người mẹ đã qua đời của mình bằng những lời độc địa và khinh miệt nhất. Trong tâm tưởng của cô bé, ông Đen không phải là cha. Cô bé chưa từng hiểu thế nào là tình phụ tử cả.

Sao cứ ngỡ rằng, mối quan hệ giữa cô bé và ông Đen sẽ mãi mãi như vậy. Sao không còn mong chờ gì ở ông và ông cũng không xem cô bé là con cái.

Thế nhưng, khi được nhận chiếc kẹp này, Sao lại vui mừng và trân trọng nó đến vậy. Hóa ra, tận sâu trong lòng, Sao vẫn mong chờ tình thương từ người cha luôn xua đuổi mình đó.

Cài kẹp lên tóc thật chặt rồi, Sao lại tiếp tục hái nấm. Cô bé muốn hái thật nhiều để có thể kiếm thêm ít tiền.

Mai Lang Vương đứng trên ngọn tre gần đó quan sát Sao. Thần Tình ngồi bên cạnh chàng, cây tre mỏng manh nhường ấy lại có thể chịu đựng sức nặng của hai người họ mà không đổ xuống đất.

Những chiếc lá tre tươi xanh, thuôn dài vây lấy vạt áo thiêu hoa của Thần Mai. Thiếu nữ khoác áo bà bà bên cạnh ngậm lấy một chiếc lá tre non, thương xót phẩy quạt - Xem kìa, coi trọng cái kẹp đó đến vậy… Đúng là đứa trẻ đáng thương, chưa bao giờ biết thế nào là tình cảm gia đình mà…

- … - Mai Lang Vương không nói.

Thần Tình liếc mắt nhìn chàng, nàng thấy, vẻ mặt Mai Lang Vương vừa xa xăm, vừa mờ mịt.

Đứa trẻ không được hưởng tình thương gia đình.

Thần Tình lặng người, nàng một lần nữa lặp lại điều vừa nói trong tâm thức.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui