Tất cả lực lượng cảnh sát đã bao vây lấy căn nhà giữa khu đất hoang ngay từ tờ mờ sáng. Bà lão tôi mới gặp hôm qua được đưa đến sở cảnh sát để lấy lời khai, còn tôi thì ở lại hiện trường cung cấp thêm thông tin vì những gì mình đã thấy và nghe được. Đoàn cảnh sát có khá nhiều người, không giống như lần tôi và Dạ Quang đến điều tra vụ tự tử của tác giả Tam Khánh. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận ra một gương mặt quen thuộc. Đó chính là một trong hai người cảnh sát đến khám nghiệm nhà ông ta hôm đó.
- Em khỏe không? - Anh ta cũng nhận ra tôi nên đã chào trước.
- Dạ em khỏe!
- Nhìn em không giống khỏe cho lắm! Hai mắt hơi thâm, chắc do cả đêm qua đã không ngủ?
- Anh đoán đúng, em đã có một đêm không ngủ.
Anh ta bảo tôi vào nhà bà lão hôm qua để nói chuyện. Trong nhà có tầm ba, bốn người khác trong đội khám nghiệm hiện trường đang miệt mài tìm kiếm dấu vết. Chiếc thòng lọng ngay trên bàn uống nước vẫn còn ở đó, nhưng kì lạ là vết máu đã không còn.
- Em quen người phụ nữ này.. ngày hôm qua?
- Dạ vâng! Em không ngủ được nên đã đi dạo trong công viên và gặp bà ta. - Tôi cố lảng tránh những chi tiết liên quan đến Di vào đêm hôm trước.
- Em thật liều lĩnh đấy!
- Dạ?
Tôi không hiểu anh cảnh sát nói vậy là có ý gì, nhưng người đàn bà đó rốt cuộc đã không làm hại gì đến tôi suốt khoảng thời gian từ đêm hôm qua cho tới tận sáng nay, trước khi bà ta được đưa đến sở cảnh sát.
- Em không biết chuyện gì đã xảy ra thật hả?
Tôi thật thà kể lại cho anh nghe:
- Thì.. lúc em gặp bà ấy là hơn mười hai giờ đêm. Thấy bà ấy phải bán mấy thứ đồ lặt vặt cho tới tận khuya, em cũng thấy đồng cảm khi nghĩ đến bà nội mình. Thậm chí khi em cho tiền, bà ấy cũng nhất quyết không lấy mà đòi bán cho em bằng đủ tiền thì thôi. Bà ấy kể mình có hai người con, anh cả thì chết không rõ nguyên do, còn người em út thì bị bắt vào tù vì chơi ma túy. Bây giờ chỉ còn mỗi mình bà sống trong căn nhà mục nát này, phải đi kiếm sống qua ngày bằng nghề bán hàng rong. Khi em nói rằng con cả bà đã bị một hồn ma sát hại và gia đình bạn gái mình cũng bị như vậy, bà đã dẫn em về căn nhà này, sau đó..
- Sau đó em trông nhà cho bà ta ngủ?
- Dạ đúng, dù gì em cũng không ngủ được ở nhà người lạ nên đành thức cho tới sáng, ai ngờ đâu phát hiện sợi dây này..
Anh cảnh sát thở dài nhìn tôi:
- Vừa nãy bên sở cảnh sát đã gọi cho anh.
- Họ đã nói gì ạ? - Tôi tò mò.
- Họ nói người đàn bà kia chính là thủ phạm của một vụ giết người hàng loạt, trong số đó có cả chồng và con trai mình.
- Hả?
Tôi đứng hình tới mức không thể cử động theo nghĩa đen sau khi nghe thấy câu nói gây sốc kia của anh cảnh sát. Chợt, tôi nhớ tới người đàn bà ác độc, vợ của tác giả Tam Khánh. Bà ta cũng đã giết chồng mình, cũng từng nhìn thấy dòng chữ "Hurt me" bí ẩn kia và cũng đã được giải đến đồn cảnh sát chờ ngày thi hành án. Có lẽ nào.. người đàn bà dẫn tôi về nhà hôm qua.. chính là bà ta?
Càng nghĩ, tôi càng run sợ. Mồ hôi tôi chảy túa ra thấm đều lòng bàn tay và các kẽ ngón tay. Cứ nghĩ đến cảnh mình vừa thoát chết trước mũi dao của kẻ lang sói, tôi không thể nào ngồi yên được. Nếu không có cảnh sát đến từ tờ mờ sáng, chắc hẳn giờ này tôi đã chung số phận với những người bà ta từng giết, lời nguyền kia sẽ không ai hóa giải được và Di sẽ cô độc cho tới lúc lời nguyền ứng nghiệm lên nó.
Anh cảnh sát tôi quen bỏ mình tôi lại trong căn nhà để ra bên ngoài làm nhiệm vụ cùng đồng đội của mình. Lúc này, không khí xung quanh căn nhà trở về với vẻ đáng sợ, dù bên ngoài trời sáng trưng và xe cảnh sát vẫn còn đỗ ở đó. Tôi không dám ra khỏi nhà chỉ một li vì nghe theo lời anh cảnh sát ở yên trong căn nhà này tới khi anh quay lại. Đành vậy, tôi cố đánh mắt sang hướng khác để nỗi sợ hãi không bủa vây lấy mình. Nhưng người ta đã nói "càng tò mò thì càng sợ hãi, càng sợ hãi thì lại càng tò mò", tôi vô tình liếc mắt sang bức di ảnh của người con trai cả trên chiếc bàn thờ mọt khoét. Đầu tôi như ngất lịm đi ngay sau đó khi người trong ảnh không phải một ai xa lạ như tôi đã thấy đêm hôm qua mà lại chính là.. anh trai của Di!
Tôi dám chắc mình không nhìn nhầm, vì trong giấc mơ bị lạc vào căn phòng bí ẩn trong nhà Di, tôi đã thấy tấm di ảnh của bố mẹ và anh trai nó. Người anh với gương mặt hiền lành, hơn chúng tôi tầm năm, sáu tuổi đang nhìn thẳng vào mắt tôi không chút cảm xúc, nhưng lại khiến tôi phải rùng mình. Tôi lấy tay dụi mắt, nhưng cũng chỉ vài tích tắc sau thì tim lại chết lặng một lần nữa khi thấy ở bên cạnh bức di ảnh của anh trai Di là ảnh của bố mẹ nó. Chưa kịp định thần lại thì từ phía cửa ngôi nhà, người đàn bà dẫn tôi về nhà hôm qua đã lao vào tôi với một con dao sáng loáng trên tay. Tôi chỉ còn biết nhắm mắt lại và hét lên thật lớn, hai chân như bị đóng băng trên nền nhà. Không nhẽ.. cuộc đời tôi sẽ kết thúc ở đây thật sao?
- Kiên! Tỉnh dậy đi!
Mở mắt ra một cách khó nhọc, tôi thấy mình đang nằm trên chiếc giường mà thường ngày Di vẫn hay nằm. Hóa ra tất cả câu chuyện vừa rồi chỉ là một giấc mơ! Vậy đây là lần thứ hai tôi mơ một giấc mơ kì lạ trên chiếc giường này. Giấc mơ ấy thật đến nỗi tôi có thể cảm nhận được hình ảnh của người đàn bà bán hàng rong kia và hình ảnh anh cảnh sát mà tôi từng gặp hiển hiện rõ ràng trước mắt, cứ như bị báo mộng vậy!
- Anh dậy mau đi, có chuyện rồi!
Di không ngừng kêu tôi dậy trong sự hối thúc mạnh mẽ. Lúc này tôi chợt nhớ ra rằng đêm hôm qua, sau khi đưa Di về giường xong, tôi đã ngồi ở đó và thiếp đi lúc nào không hay. Đến sáng nay chắc hẳn Di đã dậy sớm hơn tôi khá lâu nên nó mới đánh thức tôi vội vàng như này.
- Chuyện gì vậy? - Tôi ngơ ngác hỏi.
- Dạ Quang.. Dạ Quang đã..
Nghe thấy hai từ "Dạ Quang", trái tim nhỏ bé của tôi như muốn ngừng đập. Sau bao nhiêu vụ không may xảy ra, tôi hoàn toàn không muốn mình mất thêm bất cứ người thân quen nào nữa. Sự ra đi của thầy Phúc là quá đủ để vùi lấp chuỗi ngày đen tối không chút ánh sáng sau lời nguyền của anh trai Di. Vậy nên tôi đã vội vàng hỏi ngay:
- Dạ Quang làm sao?
- Bạn ấy.. bạn ấy bị ngã cầu thang gãy chân, giờ đang đi cấp cứu trong bệnh viện!
Tôi thở đánh thượt một hơi. Có lẽ tin đó khiến tôi cảm thấy vui hơn là buồn. Hai chúng tôi đã dính phải lời nguyền "Một trong hai phải chết" của tác giả Tam Khánh, tôi luôn sợ người ra đi sẽ là Dạ Quang chứ không phải mình. Nên khi nghe Di gọi tên Dạ Quang với gương mặt mếu máo, tim tôi đã thực sự rớt một nhịp. Việc Dạ Quang chỉ bị thương có lẽ chính là lỗ hổng lớn để tôi tìm ra lời giải thực sự cho lời nguyền kia.
Chúng tôi cùng nhau đi tới bệnh viện nơi Dạ Quang đang nằm bằng taxi. Bây giờ mới là bốn giờ sáng, ngoài đường không có nhiều người đi lại. Tôi cảm thấy giấc mơ hôm qua sao mà chóng vánh và gây ám ảnh còn hơn giấc mơ lạc vào căn phòng bí ẩn nơi thờ bố mẹ và anh trai của Di. Tôi đang tính nhân tiện đây quay sang kể cho nó nghe luôn về câu chuyện đó, nhưng lại không muốn nhắc đến gia đình nó nên thôi. Dù gì thì Di cũng vừa trải qua nỗi mất mát lớn, giờ không phải lúc để khơi lại những kí ức đau buồn!
- Chú cứ cho bọn cháu xuống đây ạ!
Khi taxi vừa tới gần cửa bệnh viện, Di đã bảo người tài xế dừng xe để chúng tôi đi bộ vào. Tôi chợt nhớ rằng mình chưa từng hỏi địa chỉ nhà của Dạ Quang. Nó cũng không sống cùng bố mẹ, vậy ai là người đã đưa nó vào bệnh viện khi nó gặp tai nạn?
Phải đến khi lên tới phòng hồi sức cấp cứu nơi Dạ Quang đang nằm thì tôi mới tìm ra câu trả lời. Người đang đứng cạnh nó lúc đó là một bác trai cũng khá cao tuổi. Khi chúng tôi chào hỏi và được Dạ Quang giới thiệu, tôi mới biết đó là bác đằng nội của nó, người còn ở lại chăm sóc nó tới giờ. Bác cũng đã có tuổi và hằng ngày chỉ đẩy xe bánh mì kiếm sống nên nó phải ra ngoài kiếm thu nhập thêm. Thỉnh thoảng, nó cũng hay đi phụ giúp bác, tuy rằng bác luôn muốn nó chỉ tập trung vào việc học.
- Bác có nghe Dạ Quang nói thầy giáo dạy thêm mới mất, bác cũng muốn nó đến dự đám tang thầy nhưng ngặt nỗi một tuần trước nó bị ngã cầu thang nên hôm nay mới dám nhắn tin cho cháu hỏi han và thông báo về sự việc này. Mong cháu thông cảm và cho bác chia buồn cùng gia đình cháu!
Di bối rối:
- Dạ không sao đâu bác, cháu cũng hiểu mà! Chắc là do Dạ Quang ngại không muốn nói với cháu vì bạn ấy cũng đã thôi học thêm ở nhà cháu từ lâu rồi. Việc ông cháu mất cũng nằm ngoài dự tính của cháu nên có lẽ cũng khó cho những người xung quanh. Dù gì thì cháu cũng cảm ơn bác nhiều vì lời chia buồn..
Nói đến đó, chợt Di òa lên khóc nức nở. Cả tôi, Dạ Quang và bác của nó cũng không biết xử sự ra sao. Trong thâm tâm, có lẽ chỉ mình tôi hiểu giọt nước mắt lần này của nó không phải là giọt nước mắt đau buồn vì cái chết của thầy Phúc mà là giọt nước mắt bất lực trước lời nguyền ác độc kia.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...