Kể từ khi có niềm đam mê với hội họa, tôi mới biết mình có một tâm hồn lãng mạn đến thế nào. Thỉnh thoảng, tôi hay dành một chút ít thời gian để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, ghé vào một chỗ nào đó bất kì hay đi dạo xung quanh nhà. Mỗi lần như thế, tâm hồn tôi trở nên thanh thản hơn và những âu lo bộn bề lập tức tan biến mất.
Tôi thường làm những điều đó một mình mà không cần bất cứ ai làm cùng cả. Tất nhiên, nếu có người cùng đi dạo và cùng trò chuyện thì càng tốt, nhưng mỗi lần tự chiêm nghiệm một mình, tôi có cảm giác an tĩnh hơn. Hôm nay cũng vậy. Đợi cho Di ngủ say, tôi mới ra khỏi nhà và chọn cho mình những nơi vắng vẻ để tản bộ.
Đường phố vắng lặng. Mọi người đã đi ngủ hết, chỉ còn những thanh niên không muốn về nhà và những người vô gia cư nằm lay lắt trên những ghế đá công viên, trong những ngõ ngách tối hoặc ngay trên vỉa hè lề đường. Tôi ghé vào công viên gần đó một lúc. Ánh đèn rọi xuống những chiếc ghế đá lờ mờ và những cơn gió mát lạnh thổi những tán cây như ru cả thành phố vào giấc ngủ. Không gian tuyệt vời này, nếu có bút lông, màu và một cuốn sổ vẽ ở đây, tôi nguyện sẽ ngồi ở đó cho đến sáng. Nhưng tôi lại để chúng ở nhà và không thể có chuyện tôi sẽ quay về vào trong đêm. Nếu bị phát hiện, chắc chắn ông bố khó tính của tôi sẽ lại nổi cáu và đuổi tôi ra khỏi nhà.
Nhưng nếu bị như vậy thì tôi sợ gì cơ chứ? Tôi có thể chuyển đến sống cùng Di. Chúng tôi sẽ hôn nhau và làm tình mỗi đêm, như vậy không phải tuyệt hơn sống cùng với ông ta sao? Nhất định, thầy Phúc ở thế giới bên kia cũng sẽ cho phép tôi được chuyển tới nhà thầy sống.
Rốt cuộc, tôi vẫn ngồi thẫn thờ trên một chiếc ghế đá, mắt không ngừng dán vào mặt hồ gợn sóng trước mặt.
- Này cháu, mua cho bà với!
Một bà lão từ đâu đột nhiên xuất hiện trước mặt khiến tôi hoảng hồn, suýt đánh rơi điện thoại trên tay. Nhìn kĩ lại, bà ta là một người bán hàng bình thường, đang cầm một gói tăm bông trước mặt tôi, trước bụng bà ta đeo một giỏ toàn những món đồ nhỏ nhỏ như tăm bông, bật lửa, kẹo cao su, lược, bàn chải đánh răng.. Từ sợ hãi, tôi bỗng chốc trở nên thương bà hơn. Một người mà ở tuổi này đáng nhẽ nên được con cháu chăm bẵm, được ăn sung mặc sướng mà không phải lo nghĩ gì đến việc kiếm tiền lại phải đi kiếm từng đồng một tới tận khuya như này, khi tất cả mọi người hầu như đã về nhà nghỉ ngơi hết. Tôi chợt nhớ đến bà mình ở quê, bà cũng phải lam lũ làm việc dù tuổi già và không có con cháu nào ở cùng để nuôi nấng cả. Vì vậy nên tôi đã bày tỏ thiện chí:
- Cháu chỉ mang theo người một trăm nghìn, nhưng cháu không mua đồ mà biếu bà coi như quà kỉ niệm.
Nói rồi, tôi rút tờ một trăm nghìn trong người ra dí vào tay bà, nhưng bà từ chối:
- Thôi, tiền cháu cho bà không dám nhận không, làm vậy là trái đạo đức. Để bà bán cho cháu đủ tiền..
Tôi mỉm cười:
- Trông bà giống hệt bà nội cháu ở quê, nhưng bà nội cháu không phải kiếm tiền vất vả trên thành thị như bà. Trên này đắt đỏ, bà cứ cầm lấy coi như thêm chút tiền sinh hoạt tháng này. Chỗ đồ đó bà cứ để bán cho người khác đi ạ, nếu đem bán cho cháu hết thì mai bà còn gì để mà bán nữa?
Mắt bà lão rưng rưng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy giọt nước mắt trên khóe mi của người già. Bà rối rít cảm ơn tôi như thể tôi là đấng cứu thế của bà, mặc dù tôi nghĩ số tiền mà tôi cho bà không lấy gì làm nhiều. Nếu ăn bánh mì không suốt nhiều bữa thì gần một tháng là tiêu hết. Nhưng tôi thực sự muốn biết tại sao mà một người như bà lại rơi vào hoàn cảnh này, vì tôi chưa bao giờ tò mò chuyện đó cả!
- Bà ơi, sao bà không ở nhà để con cháu chăm sóc mà lại phải lặn lội mưu sinh vất vả như này?
Lúc này, bà lão mới ngồi xuống ghế đá kể:
- Nói thật với cháu, bà có hai đứa con thì một đứa bị bệnh chết, một đứa bị đi tù cả rồi. Cả hai chúng nó đều chưa có vợ con gì cả, do khi xưa chơi bời nên thành ra không ai thèm yêu đương. Mà đứa cả bị bệnh lạ lắm, đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn đùng ra ốm, đi khám thì bác sĩ bảo chỉ là sốt vi-rút bình thường, ấy vậy mà chỉ hai ngày sau hôm xuất viện thì nó chết bất đắc kì tử. Đứa thứ hai thì chơi ma túy cũng bị người ta bỏ tù lâu rồi, giờ không biết sống chết ra sao nữa. Giờ còn mỗi tấm thân già này, không nai lưng ra kiếm sống thì tiền đâu mà đủ ăn?
Vừa kể, bà vừa khóc rưng rức. Điều đó làm tôi rùng mình. Tôi lặng người ngắm nhìn mặt hồ, không dám nhìn thẳng vào mắt bà vì sợ mình sẽ khóc theo. Sau vài giây hoàn hồn, tôi mới để ý đến chi tiết người con cả chết do nguyên nhân lạ lùng. Tôi không ngại hỏi bà:
- Anh con cả của bà.. chết không rõ nguyên do hả bà?
- Đúng rồi, lúc ra đi, trông mặt nó tội lắm, cứ như vừa bị ai hãm hại ấy!
- Bà bảo trông mặt anh ấy tội, cụ thể là như nào ạ?
- Ngày hôm đó, bà vừa đi bán hàng rong về thì thấy nó nằm lăn ra giường, hai tay buông thõng, mắt lờ đờ, miệng há như vừa bị ai giết bất thình lình. Công an cũng đã đến điều tra mà không phát hiện ra được gì. Cả bác sĩ bệnh viện lẫn công an đều cho rằng nó chết do vi-rút đột biến. Mà vi-rút cúm thông thường thì đâu có đến mức này cơ chứ!
Bà lại khóc nấc lên. Từ khi nãy, nghe đến cái chết kì lạ, tôi đã nghi ngờ vụ này có liên quan tới người đàn bà độc ác đã điều khiển hồn ma của anh chồng bà ta và anh trai Di. Vậy nên tôi nhân đây đi sâu vào câu chuyện, cốt tìm ra một manh mối nào đó dù là nhỏ nhất:
- Trong thời điểm quanh ngày anh mất, bà có thấy một dòng chữ kì lạ nào trong nhà mình không?
Bà lão cố nhớ lại thật kĩ từng chi tiết dù vừa đầm đìa nước mắt. Rồi bà thốt lên:
- Có dòng chữ tiếng Anh màu đỏ hiện lên lúc tôi đóng rèm, nhưng khi tôi lại gần thì nó biến mất, tôi đã tưởng mình bị hoa mắt.
- Vậy là đúng rồi! Con trai bà đã bị một hồn ma giết hại. Nó đã gieo lời nguyền lên anh ấy và khiến anh ấy ra đi đột ngột như thế.
Bà lão tròn xoe mắt. Chắc bà không ngờ rằng tôi đã biết hết sự thật đằng sau.
- Cậu là..
- Gia đình bạn gái cháu cũng là nạn nhân của hồn ma đó, thưa bà. Chính hồn ma anh trai cô ấy và một hồn ma khác trong quá khứ đã bị người khác điều khiển với mục đích trả thù những người bà ta có thù oán. Hiện nay bà ta đã bị bỏ tù nhưng bạn gái cháu vẫn đang phải sống trong lo sợ hàng ngày vì lời nguyền độc địa kia. Cháu đang tìm mọi cách để hóa giải lời nguyền. Cháu cũng đã gặp nhà xuất bản của cuốn sách viết về những vụ án mà chính người anh chồng của bà ta (hồn ma bị điều khiển) ra tay, nhưng vì liên quan đến vấn đề tâm linh nên thậm chí công an vào cuộc cũng không giải quyết được. Cháu nghĩ nếu lần này có sự giúp đỡ của bà, chắc chắn cháu sẽ có khả năng hóa giải được lời nguyền kia và biết đâu sẽ cứu được nhiều mạng người hơn nữa!
Mặt bà lão vẫn còn bán tín bán nghi. Dù cả hai người con mình đều đã chịu những hậu quả không mong muốn và người con cả thì chết không rõ nguyên do, có vẻ như bà vẫn còn chưa dám tin tất cả là sự thật.
- Cứu được người thì tốt, nhưng liệu con tôi có sống lại được không?
Tôi chỉ biết thở dài:
- Người chết thì không sống lại được, nhưng bà vẫn còn sống, nếu giải được oan uổng cho con trai mình thì cũng đã là mang phước cho anh ấy rồi. Dù bà chỉ mới gặp cháu lần đầu, nhưng xin bà hãy tin ở cháu, chúng cháu cũng chỉ là nạn nhân, chúng cháu chỉ đang đứng lên để ngăn chặn hậu quả về sau thôi. Nếu bà không tin, cháu có thể gọi bạn gái cháu ra đây để làm chứng!
Bà lão cúi xuống nhìn tờ một trăm nghìn tôi vừa biếu kẹp giữa xấp tiền lẻ, nói bằng giọng run run:
- Nh.. nhưng.. cậu có thể hóa giải nó chứ?
- Cháu sẽ cố hết sức! Cháu rất yêu cô ấy, vì cô ấy, cháu sẽ làm tất cả. Cô ấy đã mất hết người thân, nếu giờ cô ấy ra đi một cách vô lý như vậy nữa, cháu sẽ dằn vặt cả đời mình mất!
Bà lão chỉ gật đầu. Rồi tôi theo bà về ngôi nhà mà bà đang ở. Lúc đó cũng đã gần ba giờ sáng. Dù đi giữa những cánh đồng hoang không có một ánh đèn điện nào, tôi vẫn tỏ ra can đảm hết sức để làm chỗ dựa cho người phụ nữ già kia. Nếu tôi tỏ ra lo sợ thì sẽ không ra dáng một người có khả năng đứng ra hóa giải lời nguyền.
Sau hai mươi phút đi bộ, căn nhà của bà hiện lên giữa nơi hoang vu là một túp lều nhỏ ở giữa một khu đất bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Ít ra, bà còn có căn nhà như này để che mưa che nắng. Nếu phải sống như những người vô gia cư lấy ghế đá làm giường, lấy hầm cầu làm mái nhà thì không biết liệu bà có trụ nổi những căn bệnh ngày một nhiều của tuổi già hay không?
Chiếu đèn pin quanh căn phòng chưa đầy hai mươi mét vuông, tôi thoáng giật mình khi nhìn thấy tấm di ảnh của anh cả, con trai của bà. Nhìn anh trong bộ áo sơ mi trang nghiêm, tôi không nghĩ quá khứ của anh lại là một kẻ rong chơi lêu lổng như những gì bà kể. Anh mỉm cười nhẹ, nhưng nụ cười ấy ẩn chứa những nét buồn. Nghĩ đến cái chết lạ thường của anh, tôi lại càng rùng mình kinh sợ hơn. Nếu tôi không đủ tỉnh táo, có lẽ tôi đã tưởng tượng ra cảnh anh đang ngó đầu qua tấm ảnh nhìn tôi với gương mặt lạ lẫm khi tôi tới thăm nhà vào nửa đêm.
- Bà cứ đi ngủ đi ạ, để cháu thức trông nhà cho bà. Do hôm qua cháu đã ngủ nhiều rồi nên không cảm thấy buồn ngủ nữa.
Bà lão gật đầu cảm ơn tôi rồi lên giường và chỉ sau một phút đã ngủ say. Lúc này, không có đèn điện, tôi chỉ có thể ngồi một chỗ trên chiếc bàn uống trà thấp tè. Ở bên dưới bàn có một vài ngăn kéo. Rút kinh nghiệm lần tới chơi nhà người góa phụ độc ác kia, tôi không tò mò mở ra xem mà cố nói với tâm khảm rằng chỉ được ngồi im như vậy cho đến khi trời sáng.
Chiếc ghế gỗ có lưng tựa khá cứng, nhưng tôi vẫn ngả người ra đằng sau cho đỡ mỏi. Giá mà bộ bàn ghế này biến thành bộ sofa ở nhà Di- tôi nghĩ. Và khi ngửa mặt lên trần nhà, một cảnh tượng kinh hoàng lập tức đập vào mắt tôi: Một sợi dây thòng lọng được buộc cố định trên xà ngang ngôi nhà, trên dây còn dính lại một chút máu
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...