Hoa địa đế nghe qua lời nói của Trần Thiên Tâm vô cùng xúc động, còn hơn cả Liên nhân đế trăm lần, không biết tại sao.
Không đợi cho ba vị vua kịp nói thêm bất cứ lời nào, vị nữ hiệp vội dùng khinh công tuyệt thế đưa Từ Phụng bay về thẳng hướng Quy sơn.
Nghiêm Long nhìn theo Từ Phụng, hết sức lo âu, sợ rằng nàng sẽ gặp phải tai ương, vô cùng nóng ruột, nhưng thân đang bị thương, không thể làm gì, đành nín lặng buông tay.
Giữa lúc đó, Hồ Thiên Khí lại tới, nói qua loa vài ba câu với yêu phi Phí Nguyệt trên cổng thành là muốn cáo lão từ quan, nhờ các vị đồng liêu thay mình lo cho Long thiên đế và sự hưng vong của Long quốc sau này, tự cởi quan bào, dứt khoát ra đi.
Nghĩa nữ của ông là Hồ Điệp, từ ánh nhìn đầu tiên thì đã đem lòng yêu Nghiêm Long, vận hết tuyệt kỹ giang hồ, nào là phi thiên ám khí, khói độc, dị dung thuật.. để che mắt tất cả quần hùng và đánh lui một vài cánh quân Liên quốc, trong thời khắc sau cùng, đã đưa Nghiêm Long lên xe ngựa, theo ánh nắng ban chiều, vội vã rời đi.
Liên nhân đế chẳng còn lòng dạ nào để đánh trận nơi đây, chỉ muốn hồi triều, đi lên đỉnh núi Liên Trì, tìm lại di thể tiên vương.
Vua cố gượng cười, nhìn về hướng của binh lính Long triều mà nói:
- Ta không muốn chết tại nơi này, bất hiếu với tổ tiên.
Nói rồi, cùng ba quân tướng sĩ khởi giá đi về hướng tây bắc.
Hoa địa đế thấy mọi chuyện đã không còn gì căng thẳng, thủng thẳng bay lên đọt cây già, ngồi uống rượu ngâm thơ tình ở đó, khiến cho binh mã Long triều khó hiểu một phen.
Long thiên đế đang đau đớn vô cùng, nằm rên rũ rượi, sai Phí Nguyệt mang cho mình nhiều viên thuốc bổ lạ kỳ do Thành Tinh luyện được, uống gấp để trị thương.
Thật ra Long vương trúng tên không hề nặng, không phạm vào tử huyệt, nhưng do chính những viên trường sinh đan giả mạo này mới suýt lấy mạng vua.
Thành Tinh có mối thù với đạo Lão, nên tuy rằng mặc đồ đạo sĩ, mà giả dạng chân nhân, chuyên dùng bùa ngải, làm hại người đời, ác niệm sâu dầy, tội lỗi khó dung.
Ba ngày sau, nơi Liên quốc có phao tin đồn:
- Long thiên đế băng hà, thiên hạ sắp điêu linh!
Tất cả các nước chư hầu nghe qua thì nửa tin nửa ngờ, cho người thay phiên nhau dò thám cả ngày lẫn đêm.
Lại nói về Nghiêm Long, trong tâm trí chàng không bao giờ thật sự muốn buông bỏ giang sơn.
Nếu như quốc gia còn gặp nạn, thì hảo hán phải chung lo, gánh sầu thay cho thiên tử.
Núi xanh là nơi chàng thích ở, tùng bách vui reo
Gió lộng thổi mát mặt mày râu, non thiêng tình mỹ
Sách Xuân Thu đêm ngày lo đọc, chân tính thêm cao
Một tấc dạ son sắc trung trinh, muôn đời ngưỡng mộ.
Kiêu kỳ là cốt cách tiên thiên của anh hùng cứu thế.
Tuy trong cảnh nguy nàn, tâm khí vẫn hồn nhiên.
Hồ Điệp trong một buổi sáng phong sương đang trèo lên núi cao hái thuốc, bắt một vài con gà rừng đem về để chăm sóc cho Nghiêm Long.
Vừa đi vừa nói chuyện một mình, nụ cười trên môi phơi phới, cây trâm cài tóc màu đen tuyền điểm xuyết một hình tiên.
Nàng là một cô gái giang hồ, không cha không mẹ, đi ăn xin từ năm lên bốn, may mắn gặp được người hiền, nhận làm nghĩa nữ rồi nuôi. Dạy văn rồi dạy võ, lĩnh hội rất nhanh, đọc hết sách binh thư, trong lòng thấu triệt, một trang tài nữ yêu kiều bao người mến mộ, không dễ gì rung động tim yêu. Nhưng cuộc đời nàng sẽ thay đổi vì đã trót yêu Nghiêm Long, một tráng sĩ kiêu hùng nơi đất Đạo.
Vừa sắc thuốc, vừa nấu canh ở nhà sau, mặt mày giai nhân lem luốc, lọ dính trên mi, khiến cho Long cũng phải bật cười khi vừa tỉnh dậy lúc ban trưa.
Long bị thương khá nặng, nhưng may là cả ba mũi tên đều không hề tẩm thuốc độc, nên mới qua hồi cửu tử nhất sinh.
Hồ Điệp ánh mắt dịu dàng, bưng mâm cơm tới, nhìn Long như người cứu thế, lệ nhỏ rưng rưng, nói:
- Long ca! Huynh uống thuốc này thấy trong người có dễ chịu không? Nếu không thì phải nói cho muội biết liền, vì cây cỏ thuốc nam khi uống vào cũng phải tùy theo cơ địa của từng người, huynh có nhớ chưa?
Nghiêm Long cười nói:
- Ta không sao, đa tạ muội.
Hồ Điệp tiếp lời:
- Nếu như không còn chuyện gì nữa, thì muội đi ra bên ngoài trước, cho huynh được dễ bề tịnh dưỡng. Khi nào huynh thấy đói thì cứ việc ăn cơm, rồi đợi một lúc sau thì uống thuốc, chén thuốc muội còn để ở dưới nhà bếp, không có mang lên. Huynh nhớ đó!
Nghiêm Long nhìn Hồ Điệp đang đứng mân mê tay áo của mình, thi thoảng mỉm cười, lại cúi đầu, cảm động muôn phần, ấp úng bâng khuâng, muốn nói thêm điều gì nhưng lại thôi, chỉ vào mâm cơm trên bàn rồi tự chỉ bụng mình, làm trò con nít bâng quơ cho có lệ, nhưng Hồ Điệp không cười trước việc Long đang giả ngây để chọc mình, mà nàng lẳng lặng rời đi.
Long nhìn theo, thở dài một chập.
Dẫu biết xưa nay, bụng dạ đàn bà đôi khi đa tình trắc ẩn, mà trong linh cảm không lầm, ai đã tương tri.
Vận mệnh của Long từ nay cũng muôn vàn sóng gió, kiếp nạn ba đào đeo bám mãi không buông.
Còn Từ Phụng, hiện giờ đang thương nhớ Nghiêm lang, tủi phận khóc một mình, không ai bầu bạn.
Trần Thiên Tâm muốn nhận nàng làm nghĩa nữ, do thấy ở cô nương này có linh khí quang minh, nhãn thần rực rỡ.
Họ Trần mang cô về hang động trên đỉnh núi Thanh Phong, chỉ để lại vài ba mươi quan tiền rồi không đoái hoài gì tới nữa.
Hoa vương nghe trong nhân thế có kẻ nói rằng nơi Liên quốc có một con chim phượng hoàng đang gáy ở Hồi san, lập tức cho mời quan tể tướng Kim Tùng đang trong lúc nửa đêm gấp rút thượng triều để bàn chiến lược chiêu binh.
Vì hiện giờ trong thiên hạ chỉ có ba nước lớn nhất là Liên, Hoa và Long. Nên nếu như trong ba nước có xảy ra chuyện gì trọng đại thì tất cả các nước chư hầu sẽ tranh thủ mọi thiên thời, địa lợi để tranh ngôi.
Chỉ có ngày đêm không ngừng chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí và tập luyện võ nghệ thì mới mong cơ nghiệp tiên đế của Hoa triều mới không bị uổng công. Có đủ sức mạnh trong ngoài rồi thì không lo bị đánh.
Phụng hoàng là điềm báo trong đời xuất hiện thánh nhân, nhất là khi phụng hoàng cất tiếng gáy vang, ai mà chẳng sợ, sợ may này thiên hạ đổi chủ khôn lường, chiến loạn liên miên.
Khi Kim Tùng vâng chỉ dụ của Hoa địa đế, trở lại thân phận giang hồ, gặp gỡ Liễu Phi Thiên, thì có một sự việc hết sức tình cờ xảy ra, đó là Nghiêm Long dẫn theo Chu Nguyên Chương, cùng Từ Đạt, Lưu Bá Ôn, Trần Hữu Lượng cùng qua Liên quốc tìm người, và hai danh môn chánh phái ra đời, danh tiếng vang xa.
Một là Huyền Long giáo, hai là Bạch Phụng bang.
Huyền Long giáo do một người chưa rõ mặt mày, hành tung bí ẩn lập ra.
Bạch Phụng bang do Từ Phụng dựa trên bức sấm đồ hơn ba trăm năm tuổi đời lưu lại trên đỉnh núi Phụng Hoàng tự gầy dựng mà nên.
Từ Phụng hiện giờ bị mất hết võ công, nhưng do là thánh nữ chân kỳ nên chuyện thu nhận môn đồ coi như không đáng ngại, hơn nữa, đang trong lúc nguy khốn tai nàn, thì giai tình càng phát lộ trí thông minh.
Có một buổi sáng tinh sương, khi mới vừa ngủ dậy, Từ Phụng cảm thấy trong người như có hơi nóng râm ran, vô thức đi xuống chân núi ngâm mình trong con suối Thiên Nga, tự nhiên nhớ lại được rất nhiều chuyện từ nhỏ đến giờ, có cả những bài thơ lạ kỳ nghe như sấm Long Châu.
Nghe qua liền lưỡng lự, nhưng suy nghĩ một hồi, tự biết trong thiên tánh có an bài sứ mệnh cứu lê dân.
Thiên hạ thuộc về nước nào không quan trọng, chỉ nghe theo tiếng con tim mình, nữ hiệp rong ruổi giang hồ, số đã định đào hoa.
Kim Tùng từ lâu đã nghe nói về Từ Phụng, một trang sắc nước hương trời, tuổi khoảng đôi mươi.
Ngồi trên đại trà lầu Long Phụng, quan sát dân chúng đi đường, tính nhẩm trước mưu cao, trong ba mươi sáu kế vậy thì chọn con đường tiên lễ hậu binh.
Kim tể tướng nói với các thuộc hạ tùy tùng:
- Các ngươi có thấy vị cô nương đeo sợi thắt lưng màu vàng, đi đôi giày màu trắng kia không? Nàng ấy chính là nữ trung hào kiệt, rồi sau này sẽ thâu nhận rất nhiều môn đồ, ngay cả những môn phái lớn nhất đương thời như Thiếu Lâm, Võ Đan và Cái Bang cũng phải kính nể ba phần, chung sức chung lòng, diệt ác trừ gian.
Những người ngồi ăn uống cạnh bàn của Kim đại nhân nghe xong liền phấn khởi, biết trong nhân thế tuy có lúc đạo đức suy đồi nhưng tạo hóa công bằng, sẽ sai thiên nữ hạ phàm để trăm họ được nương theo.
Trong số những người có mặt tại trà lâu, cũng không thiếu kẻ hiểm ác tham tài, liền ghi nhớ rõ ràng về lai lịch của Từ Phụng trong lòng, trong đêm phi ngựa về hướng của Liên thành, buông lời sàm tấu với Liên hậu là Hoa Tình, xúi giục Liên nhân đế giết hết những người mang họ Từ trong nước để ngăn ngừa tai họa về sau.
Nhưng mưu tà nào đâu dễ đạt, Hồ Thiên Khí từ lâu đã ôm trong lòng hoài bão cao siêu, muốn nhận Nghiêm Long làm đệ tử, dạy cho pháp thuật du hồn, cải tử hoàn sinh.
Đi cùng ông để gặp Kim Tùng có Hoa Đán công chúa, Tình Hỉ công chúa của Long triều, hơn năm trăm binh lính yếu già, võ nghệ chưa tinh.
Ngắm cảnh vật và con người nơi Bao thành, sông núi giao hòa, ước lệ tình thơ, Tình Hỉ trong dạ bâng khuâng những mối đau tình, ray rứt không ngồi, thơ thẩn bước đi mà chẳng một người nào để ý.
Trôi qua ba khắc mà tim nàng xao xuyến vẫn chưa thôi, ngóng đợi một người, Hoa vương trong mộng.
Ngộ kỳ duyên, Hoa Thần điểm đạo
Trực kỳ thời, Tình Hỉ tu tiên.
Hoa vương tướng mạo đường hoàng, khôi ngô trác lệ, dùng ba con bồ câu trắng mang thư tình để thử vận càn khôn, giả vờ như đã say men tình với Tình Hỉ trong lần giải cứu Long quốc vừa rồi, bước đến bờ hồ, mang theo rượu nóng nữ nhi hồng, dùng vài ba câu nói đa sầu để lung lạc giai nhân.
Thấy người mình yêu đang đứng dưới cội hoa đào, Tình Hỉ vui sướng vô ngần, chạy tới sát bên Hoa Thần, run rẩy nói:
- Thần Thần! Muội nghe nói Hoa quốc của huynh đang tính chuyện xưng hùng, rộng rãi chiêu binh, có đúng không? Lỡ như đánh trận không thành, chết khi trẻ tuổi, sao có thể ăn nói với tiên hoàng nơi chín suối U Minh?
Anh hùng trong thiên hạ muôn người như một, khi đứng trước chuyện phong tình thì ai cũng như ai.
Hoa vương trong lòng muôn phần cảm động, trong giây phút mơ hồ, nước mắt cũng nhẹ rơi.
Tình Hỉ biết mình nói sai, ba phần lo lắng, giang sơn đâu dễ thấy anh hùng, nay nếu như đã hội ngộ nơi này, sao không cùng nâng chén tri âm?
Hoàng hôn buông xuống, Hoa vương sợ trễ hành trình, đôi mắt đỏ gay.
Trong lòng của một vị quân vương có khi nào rời thiên hạ, nhưng do gia đạo không vuông tròn, chưa biết phải làm sao.
Thật ra, tuổi trẻ của Hoa vương có phần bồng bột, tính ưa hiếu võ cương cường, xem sách qua loa.
Mười ba tuổi đã xông pha giang hồ, vào sinh ra tử, khí thế ngất trời, binh pháp làu thông, đã không ít lần đắc tội với biết bao anh hùng bản xứ, cũng như gieo rắc kinh hoàng nơi Hoa quốc đẹp xinh.
Thậm chí, có lần còn bị suýt chết khi cởi trần mà nhảy xuống hồ băng trong đêm đông giá rét để nguyện cầu cho võ nghệ siêu nhiên.
Hồ băng đó có tên là thiên dịch hỏa kính băng hồ, rộng lớn vô cùng, dưới đáy có thiên thư.
Hoa vương từng nghe trong nhân gian có kẻ giang hồ thuật sĩ rao vui:
- Thiên thư này đợi đến ngày phụng hoàng gáy ở Hồi sơn thì tự nhiên xuất thế, chỉ lối cho Hoa Thần bình định tứ phương!
Cho nên, không phải khi không mà Hoa Thần vội vã chiêu binh, luyện mài võ nghệ, lo trăm phương ngàn kế trong đầu, áp lực khó cam.
Tình Hỉ thấy trời đã dần tối, muốn biết liệu trong lòng Hoa vương có thật đã yêu mình, nếu như không nói rõ bây giờ, sau này không biết sẽ ra sao?
Nàng đứng lặng nhìn vị vua phong thần trong khoảng giây lâu, mà nỗi sầu dường như thêm cao vợi. Chân bước tới rồi, mà lòng lưỡng lự lại thôi, má hồng khi không trang điểm nhưng nóng hổi men tình, ước lệ thành duyên, lấy hết dũng khí trong người ra để nói với ý trung nhân một lần, cảm động biết dường bao:
- Hoa vương! Nếu ngài không có một chút tình cảm gì với ta, xin ngài cứ nói thẳng. Chớ nên ấp úng, e dè, ta không biết làm sao?Hỡi thế gian, tình yêu là vui sướng hay buồn khổ? Cho ta được sống một lần trong giây phút thiêng liêng! Thiên hạ bây giờ chia năm xẻ bảy, mong manh khó giữ thân người, tuổi xuân này chưa ai nói vì ai!
Hoa vương mím chặt môi rồng, hai tay đưa tới, hoa xuân rơi xuống nhẹ nhàng, cho mơ màng trong đôi mắt uyên ương.
Nghĩ mình từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới nay, chưa thấy người con gái nào nặng tình như mắc nợ nhau từ muôn đời, tim đỏ như son, tiếng yêu thương ngại gì không nói ra cho rồi, để giọt lệ hồng quần thôi rớt trên môi, ung dung như người vừa sau đêm đen tỉnh dậy, Hoa vương cài hoa đào lên mái tóc của Tình Hỉ trong xúc động bồi hồi, bất giác nói vu vơ:
- Muội ba lần âm thầm cứu mạng ta từ hồ băng năm đó, phong thư nhỏ máu ghi sâu mối tình son sắc đến thiên thu. Ta không biết tương lai sau này của đôi lứa ra sao? Nhưng trước mắt, việc nước còn nặng gánh trên đôi vai này, ta cũng cam đành nhẫn chịu mà thôi!
Vừa nói, chàng vừa hôn nhẹ lên tóc của giai tình, ôm lấy dáng tiên nga.
Tình Hỉ nghẹn ngào không lên tiếng được, sao trong tâm tư có linh cảm không lành, tha thiết chuyện thành đôi.
Biết đâu thời thế tạo anh hùng, nhân trung long phụng, đợi nhau cho hết kiếp con người, tim yêu này cháy bỏng giữa hồ băng.
Hoa vương lại nói trong tâm thái mơ màng, như quay về những ký ức tuổi thơ:
- Tình Hỉ, huynh biết muội không muốn gả mình sang Liên quốc, làm vợ của Liên Hoàn, nhưng Long vương tính khí khó dò, chưa chắc gì đã niệm tình máu mủ ruột rà mà không giết muội để làm gương cho những người muốn kháng chỉ xưa nay.
Tình Hỉ cũng hơi sợ chết, nữ nhi đâu thể kiên cường như nam tử tu mi, dựa vào lòng tình lang, hơi thở cứ dập dồn, hai má đỏ gay, nói:
- Muội tuy là tam công chúa của Long triều, vinh hoa phú quý hưởng mãi không hết, nhưng không muốn cả đời bị sai khiến như bù nhìn, không có chủ kiến riêng.
Hoa vương nhớ lại chuyện trước đây đi thuyền thả ngọc, từng gặp qua một người có tướng mạo giống Tình Hỉ tám phần, vui sướng reo lên:
- Huynh tự nhiên lại nhớ đến người con gái đó! Phải, chính là vị cô nương đó! Ha ha ha!
Tình Hỉ không hiểu chuyện gì, liền hỏi:
- Huynh đang nói tới người nào?
Hoa vương đáp:
- Là một người sẽ làm việc gả chồng thay cho muội! Thôi, đừng hỏi! Đợi khi nào thời cơ chín muồi, ta quan sát tinh tượng thấy có thể dàn xếp chuyện này, sẽ đem cô gái họ Phòng đến trước mặt muội, chịu không?
Hai người đưa mắt nhìn nhau, tràn đầy hạnh phúc, Hoa vương tự biết tim mình không thể thiếu giai nhân.
Liên hoa chưởng môn là Liên Tịnh từ lâu đã nghi ngờ thân phận của Từ Phụng, lại được Liên nhân đế giao phó cho mình trọng trách cứu khốn phò nguy, luôn âm thầm đi theo họ Từ không rời nửa bước, hễ có động tĩnh gì khác thường đều phải báo về cho Liên hậu cùng văn võ bá quan.
Có một ngày, khi đang một mình đi hái thuốc trên đỉnh núi Cửu Hoa sơn, nàng vô tình phát hiện dưới tảng đá lớn đặt tôn tượng của ngài Địa Tạng Vương bồ tát có hơi nóng dị thường, cỏ cây xung quanh tươi tốt hơn những nơi khác, một vài chư tăng trong lúc niệm phật nơi này đã sơ ý bỏ quên lại chiếc y vàng khi vội vã ra đi vì một nhân duyên kỳ lạ.
Trên mảnh y vàng có đính rất nhiều kim cương vàng bạc, ngày đêm lấp lánh sáng ngời, tỏa nhẹ một mùi hương.
Biết đâu đây chính là chiếc y trong truyền thuyết, Bá Trượng kim bình, Tam Thánh hoàng y.
Năm xưa, cũng bởi Liên trung đế là Liên Vũ, cha của Liên nhân đế bây giờ trong một lúc điên cuồng lạm sát lương dân, để lại nỗi oan thấu trời cho ba họ Châu-Long-Khúc nơi đất Kim Bình, tuy về sau đã hối hận vô cùng, nhưng trong dân chúng có kẻ lợi dụng chuyện này để mưu sát Liên Hoàn, nên xứ ấy quốc pháp khá nghiêng về cực hình, khiến cho bá tánh thêm lo buồn, việc nước có đôi ba phần lung lạc suy hao.
Cũng từ đây mà sinh nhiều phản loạn, sơn tặc rất nhiều, thủy khấu cũng đông.
Liên Tịnh có lần chết hụt với bọn chúng.
Liên hoa phái lấy Thiếu lâm làm gốc, chỉ thu nhận và nuôi nấng, dạy dỗ kinh phật và thương pháp cho các nữ tử lưu lạc giang hồ, cha mẹ người thân đều đã không còn, trọn đời giữ thân ngọc nữ trinh khiết, không chịu gả chồng, ăn chay kỳ, mặc y phục màu trắng, lưng đeo kiếm, hành hiệp trượng nghĩa một lòng, trị bệnh nan y, rất được lòng dân chúng.
Liên Tịnh gần đây đang dạy cho các đồng nữ ngồi thiền trong Liên hoa động cả ngày, thức ăn không có sẵn nơi này, nên phải đi xin.
Nàng dạo bước xuống thôn làng gần đó, chân mang giày trắng, không nhiễm bụi trần, mắt xanh trong vắt thiên tình, môi sen đỏ thắm nụ cười, như tiên nữ hạ phàm, ai thấy cũng đi theo.
Đứng trước cửa một ngôi nhà họ Đỗ, giai nhân hành lễ khiêm nhường, tỏ phân duyên cớ túng nghèo, xin ít gạo thô:
- Chào lão bá! Con là nữ hiệp giang hồ, đang trong lúc đói, cũng không chút bạc tiền, không biết lão bá có thể giúp cho con một lần, cho xin chút gạo nấu cơm?
Họ Đỗ kia nhìn trinh nữ ăn mặc như trong nhà đang có tang, nhưng mặt mũi hiền lành, giọng nói dễ nghe, nên cũng có lòng muốn giúp đỡ, đi vào trong đong chừng ba cân gạo, tươi tỉnh như được đi chùa cúng phật, cúng tăng, vừa cười vừa nói:
- Con gái! Sao con thích màu trắng vậy? Trong nhà của ta cha mẹ vừa mới qua đời! Thôi đi! Cho con số gạo này để chống đói vài hôm. Nhà ta chỉ còn bao nhiêu đó. Nếu con thấy chưa đủ thì đi lên mấy căn nhà xa trong núi, tuy nghèo khó nhưng đều là cư sĩ tại gia tu hành, sẽ mở dạ bao dung. Chứ không nên xin ở mấy ngôi nhà gần đây, chúng có tiền mà hay lên mặt! Con nhớ chưa?
Trùng hợp là Nghiêm Long và Từ Phụng lúc này đều xuất hiện, hai người cưỡi trên cùng một con ngựa trắng, lất phất mưa phùn, hoa nở đầu non.
Liên Tịnh bất ngờ khi thấy Nghiêm Long, mỉm cười như đôi bạn tri âm lâu ngày gặp lại, nói:
- Ứng Long, huynh đến đây chắc phải là vì chuyện Hoa quốc đang ngày đêm không ngừng chiêu binh mãi mã đó chứ?
Đỗ Thanh nghe hai chữ chiêu binh thì nhớ liền ra một chuyện, vẻ mặt lúc này hơi nghiêm trọng, nói:
- Chiêu binh! Nè con gái à! Lão bá vừa rồi nhớ ra một người bên Long quốc, hắn nói là trước đây từng bị tên yêu đạo Thành Tinh gì đó giết hết cả nhà vì viên ngọc, nên sẽ cấu kết với Hoa quốc để trả thù, đem tinh binh mãnh tướng đánh bại Long triều, giết chết Long Trang!
Từ Phụng hỏi:
- Long Trang là người nào vậy?
Liên Tịnh nói:
- Long Trang chính là Long Tình Diễn, cũng là Long thiên đế, vua của Long quốc hiện giờ.
Nghiêm Long hỏi ngược lại họ Đỗ:
- Tại sao bá phụ lại biết được chuyện này vậy? Mà người muốn trả thù kia là ai? Bá phụ có biết tên họ của người này không?
Họ Đỗ do dự trong lòng, nửa không muốn nói, Liên Tịnh lo lắng muôn phần, làm nũng cầu xin, hôn lên má của ông như cha mình, còn giật giật tóc của ông.
Trước cử chỉ hồn nhiên này, ông không biết phải làm như thế nào, giờ đây, đã xem Liên Tịnh như con gái của mình thật rồi, bấm bụng ba lần, tạch lưỡi nói luôn:
- Nghiêm thiếu hiệp, dù biết là hai vợ chồng tôi sẽ gặp nhiều phiền phức không đáng có sau này, nhưng không thể trơ mắt đứng nhìn sinh linh lầm than. Thôi, để tôi nói! Người mà thiếu hiệp đang muốn biết tên là Công Thận, không biết họ của hắn là gì, hắn độ chừng ba mươi sáu tuổi, mặt mũi hiền hòa, rất giỏi vẽ tranh. Hắn còn là đệ đệ kết nghĩa của con trai lão phu. Vậy được chưa?
Vừa dứt lời xong, đột nhiên có một mũi tên từ đâu bay thẳng tới, chỉ cách yết hầu họ Đỗ có vài phân, cũng may là người này không muốn lấy mạng ông, nếu không thì chết thảm.
Nghiêm Long không muốn tiếp tục dông dài, hết sức khẩn trương, hỏi dồn họ Đỗ:
- Nếu là như vậy, bá phụ có biết hiện giờ người này đang ở đâu không, tướng mạo cụ thể ra làm sao, rất mong được gặp mặt!
Đỗ Thanh bẽn lẽn trả lời:
- Tôi chỉ có thể nói bao nhiêu đó mà thôi! Xin lỗi!
Từ Phụng biết chuyện này không đơn giản, lấy ra từ trong người ba nén bạc, đưa cho ông với ánh mắt chân thành, năn nỉ hết lời, nhưng ông vẫn im ru.
Bất đắc dĩ Từ Phụng phải kề dao lên cổ ông, giả vờ hăm dọa là sẽ giết ông nếu không chịu nói.
Liên Tịnh ôm Từ Phụng cản lại.
Đằng xa có một người điềm nhiên đi lại, mái tóc đỏ bừng như ngọn lửa trong đêm, cầm trên tay cuốn thiên thư, lưng dài mắt sáng, dùng phi tiêu làm gãy đôi con dao trên cổ của Đỗ Thanh rất nhẹ nhàng, hất mặt tự kiêu.
Từ Phụng quay lại hỏi:
- Ngài là ai?
Người đó nói trong tức giận:
- Lũ người cặn bã! Ta là người đã đánh bại Long Châu vào ba mươi năm trước, sánh ngang với minh chủ võ lâm hiện giờ là Liễu Phi Thiên. Còn tên tuổi của ta thì các người không xứng đáng để biết.
Từ Phụng lại hỏi tiếp:
- Tại sao ngài lại cản tôi, không cho tôi cứu bá tánh Long triều qua cơn binh hỏa, phải chăng có mối hận gì với Long quốc xưa nay?
Người bí ẩn vẫn không thèm nói với Từ Phụng, mà quay người sang nhìn Nghiêm Long, cười tươi rồi nhỏ giọng nói:
- Họ Nghiêm kia, đây chính là thiên thư, ta đã lấy nó lên từ đáy sâu ba ngàn trượng của hồ băng ngàn năm nơi Hoa quốc, ngươi hãy học hết tất cả bí kíp ở trong này để cứu độ lê dân. Ba năm sau thì gặp lại. Bảo trọng!
Kỳ nhân nói xong thì dùng khinh công mà biến mất.
Đám người còn lại không hiểu chuyện gì, đưa mắt nhìn nhau.
Hoa địa đế từ khi đăng cơ đến nay, văn võ ngày một siêu quần, lại được nhân tài phò tá, trong tâm cũng có lúc vui mừng, thường hay giả dạng dân thường, thử bụng bá gia, sẵn tiện đi tìm hán kiệt trung nghĩa trong đời, củng cố vị ngôi.
Đi thuyền trên sông Dương Tử, thổi sáo nhịp nhàng, ngâm vịnh thi thư.
Quan ngự sử đi theo là Chương Quản, nhân thấy phong cảnh đẹp như tranh vẽ từ ngàn xưa, sông núi hữu tình, mới hỏi vua một lời gan ruột:
- Hoàng thượng, con người ở trên đời, sanh ra rồi chết đi, không biết ta phải làm gì để cho muôn đời sau này ca tụng mãi bia danh?
Hoa địa đế trầm ngâm giây lát, tay buông cây sáo hững hờ, tay ngâm trong nước, chỉ thở ra ba bốn hơi liền, đôi mắt ưu tư, nhưng vẫn miễn cưỡng nói với tùy tùng đại ý thanh lương:
- Ta cũng là một con người bình thường, không hơn không kém. Muốn cho nhân thế tôn thờ, phải giữ tròn đạo đức lễ nghi. Người vừa có đức vừa có tài thì đi thi đỗ đạt, làm quan trong triều, thương dân như con đỏ trong nhà, trung hiếu cho xong. Trọn đời thanh cao, thuần khiết, tế thế an dân, sau khi chết đi rồi ắt hóa thần trang nghiêm tướng, hoặc xuất gia xuống tóc trong chùa, liễu đạt nguồn tâm.
Người bơi thuyền nghe qua thì rơi lệ, mái tóc đen che phủ mặt mày, bạo dạn hỏi to:
- Trong thiên hạ, thứ gì lớn nhất?
Hoa địa đế mỉm cười, tay chắp hoa sen.
Chương đại nhân hồn nhiên trả lời:
- Ông trời có đức hiếu sinh, nên trong thiên hạ này, mạng người là lớn nhất!
Người bơi thuyền lại nói tiếp:
- Vậy tại sao không cùng chung sống trong cảnh đời thịnh trị, tranh nhau để làm gì, đánh trận có vui không?
Cung nữ ngồi cạnh vua là Ngọc Hoa sau khi thăm dò ánh mắt của những người xung quanh một lượt, lấy chân dọc nước một hồi, sau đó nói nghiêm trang:
- Muốn thái bình có hai cách. Một là dùng tâm nhân từ để hóa giải chiến tranh. Hai là phải dùng chiến tranh để dẹp bỏ chiến tranh. Tùy duyên mà liệu sự, chẳng thể nói suông.
Trên bờ sông có một vị tiều phu đang ngồi câu cá, cũng không ngại chen lời:
- Vẫn còn có cách thứ ba.
Giọng nói ôn hòa, phong dung đĩnh đạc, khiến cho Hoa vương tôn kính ở trong lòng, muốn được nói nhiều hơn.
Nhưng lão tiều phu đã ung dung đứng dậy, dắt theo đứa nhỏ mục đồng đi thẳng về tây.
Hoa vương thật chẳng biết cả ông lão chèo thuyền và lão tiều phu đây đều là danh sĩ đương thời, đức độ uyên thâm. Chỉ ghi nhớ mơ hồ trong tâm trí, mãi cho đến sau này, khi Long thiên đế bắt sống được Hoa vương, muốn giết hết chín họ để trả thù, thì Hoa vương mới trực nhận ra được nghĩa lý thâm huyền trong câu nói của cao nhân.
Một mạch bơi thuyền đi thẳng đến Quy châu, lên bờ rửa sạch đôi chân, thêm phần mát mẻ, đi bộ thêm một quãng đường dài, đói lã bụng không, thấy một quán trọ bên đường thơm mùi hương hoa quế, Hoa vương vào đó ngồi nhìn khắp những người hảo hán võ lâm, đợi lúc tương phùng ba chàng tuấn kiệt.
Trong quán có đãi đồ ăn, rượu, trà và hoa quả.
Hoa vương ăn uống no lòng, định đi ra phía đông, hóng mát gió trong lành, thì Hoa Đán công chúa đã tới nơi, từ đằng sau vỗ mạnh vào vai của hoàng huynh mình mà nói:
- Ca ca, sao chưa lo xong việc lớn nhà mình, còn thơ thẩn đứng ở đây?
Hoa Thần vẫn đứng yên như không nghe thấy.
Tiểu nhị do phải chạy tới chạy lui cả ngày, tình cờ vấp ngã, hất văng chén nước vào người vị hảo hán mặt xanh.
Vị kia mặt nóng phừng phừng như lửa đốt, muốn cho chủ quán một bài học nhớ đời, nên rút kiếm ra uy, trợn mắt lên trời, nói:
- Các ngươi có mắt không? Bộ đui mù hết rồi hay sao? Không thấy ta đang ngồi ăn cơm cùng nương tử!
Ai cũng quay người sang nhìn.
Hoa Đán thấy tức cười, dùng nội công búng hai hột đậu phộng bay thẳng vào mũi của thiếu hiệp bồng bột, khiến cho y thêm tức tối khôn kiềm, định chém giết lung tung.
Hoa Đán nói nửa đùa nửa thật:
- Nếu huynh đài dám giết người, ta sẽ đứng yên cho giết. Còn nếu như không dám, thì tức là rùa rụt đầu! Sao hả?
Chủ quán vội vàng chạy ra cản lại, đưa cho chàng trai trẻ tuổi kia một ít thịt gà, xin hãy bỏ qua.
Lại có vị đạo sĩ râu dài tên Cam Lộ, từ nãy giờ đã thấy khó nhẫn, vờ đập bàn, hơi to tiếng nói:
- Ngươi là người học võ, sao không có đức nhẫn? Còn hung hăng, ngang ngược như vầy, ta muốn dạy dỗ ngươi!
Người mặt xanh đùng đùng nổi giận, lao vào muốn đánh chân nhân, nhưng võ nghệ quá tầm thường, tiếp không nổi ba chiêu, bị té lăn nhào ra mặt đất, xấu hổ vô cùng, liều chết ăn thua.
Hoa Thần nói lời hòa giải, đỡ người kia đứng dậy, an ủi ba lần, cho thêm chút tiền, bảo hãy rời đi. Cúi người ra mắt Cam chân nhân, hỏi thêm về thế đạo luân thường, ai ai cũng kính.
Cam chân nhân hài hước nói:
- Nếu như giữ lòng mình ngây thơ như đứa trẻ, thì cho dù là kết quả thắng hay thua gì cũng đều là một muỗng mật ong.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...