Bầu trời như một cái bụng lừa phồng to lơ lửng đầy hăm dọa ngay trên đầu người. Cơn gió nồm ẩm thổi bay đám lá lưa thưa và hung hăng lắc những thân chuối còi cọc điểm trang mặt tiền tòa thị chính.
Vài người dân El Idilio và một nhúm khách từ vùng quê lân cận tập hợp lại trên bến, đợi chờ tới lượt mình ngồi xuống chiếc ghế di động của bác sĩ Rubicundo Loachamín, một nha sĩ, người chuyên dùng thứ thuốc tê bằng lời rất đặc trưng để xao dịu cơn đau cho bệnh nhân.
“Có đau không?” Bác sĩ hỏi.
Bệnh nhân của bác tóm chặt hai tay vịn ghế, đáp lại bằng đôi mắt mở to nhìn bác chằm chằm, mồ hôi đổ như tắm.
Vài người còn cố gạt đôi tay sỗ sàng của bác ra khỏi miệng mình để xả đầy tai bác những gì bác đáng phải nghe, nhưng mọi nỗ lực của họ bị đôi cánh tay rắn chắc của nhà phẫu thuật răng cùng những âm thanh hết sức độc tài chặn đứng.
“Bình tĩnh, đồ ngốc! Bỏ tay xuống! Ta biết là đau chứ. Nhưng lỗi của ai đấy? Nào! Của ta à? Không hề! Đấy là lỗi của chính phủ! Nhét nó vào cái óc bã đậu của cậu đi. Răng cậu bị sâu là tại chính phủ. Cậu bị đau răng là tại chính phủ.”
Kẻ khốn khổ kia đành nhắm nghiền mắt lại hoặc yếu ớt gật đầu thừa nhận.
Bác sĩ Loachamín rất ghét chính phủ. Tất cả các chính phủ. Là đứa con trai không giá thú của một người nhập cư Iberia, bác thừa hưởng từ cha mình nỗi căm ghét kinh khủng đối với bất cứ thứ gì có mùi quyền lực, nhưng nguyên do của thứ hằn thù ấy đã rơi rớt mất trong những cuộc ăn chơi rượu chè thời trai trẻ, và rồi thứ chủ nghĩa vô chính phủ lộn xộn của bác trở thành một nét phản ánh tinh thần mang lại cho bác vẻ cuốn hút nào đó.
Bác hung hăng gọi cả chính phủ đương thời lẫn lũ ngoại bang(1) từ những mỏ dầu Coca đến là bọn xâm phạm lãnh thổ thô bạo, chẳng thèm xin phép đã lôi máy ảnh ra chụp lấy chụp để những cái miệng bệnh nhân của bác đang ngoác rộng.
Gần đó, nhóm thủy thủ tàu Sucre đang bốc những buồng chuối xanh và túi cà phê hạt lên tàu.
Xếp đống cả trên bến là những két bia, rượu rum Frontera, muối, và những bình ga butan mà họ đã dỡ xuống từ hồi sáng.
Tàu Sucre sẽ lên đường ngay sau khi bác sĩ sửa sang xong các bộ răng, rồi tiếp tục ngược dòng Nangaritza, chuyển sang dòng Zamora, và, chậm nhất là sau bốn ngày, sẽ cập bến El Dorado.
Con tàu, thật ra là một mảnh thuyền cũ nát còn biết nổi trên mặt nước, được thúc đi nhờ một viên trưởng tàu kiêm thợ máy, toàn bộ sức lực của hai thủy thủ vạm vỡ, và nhờ cả thứ bệnh lao kinh niên của cái động cơ diesel cổ lỗ. Con tàu sẽ không trở lại cho tới tận sau mùa mưa lúc này đang lăm le ập đến với cả bầu trời đầy mây.
Bác sĩ Rubicundo Loachamín đến El Idilio mỗi năm hai lần, cũng giống cái anh đưa thư hầu như chẳng mang thư đến cho ai bao giờ. Ló ra khỏi mép cái thư xơ mòn của anh ta chỉ có những giấy tờ của chính phủ gửi cho ngài thị trưởng hoặc mấy bức chân dung nghiêm trang của các vị thống đốc gần đây nhất đã bị nhòe hết màu vì ẩm ướt.
Người ta mong chờ con tàu đến chỉ với hy vọng được cung cấp khoản dự trữ muối, ga, bia, và rượu rum, nhưng mọi căng thẳng thực sự tan biến khi người ta thấy bác sĩ đến, đặc biệt là những người sống sót qua trận sốt rét, đã chán trò khạc nhổ vụn răng, chỉ mong sao quyét sạch chúng ra khỏi miệng để còn chọn lấy một trong những bộ răng giả được bày ngay ngắn trên tấm vải màu tía vốn gợi ngay ra hình ảnh các vị Hồng y Giáo chủ.
Vừa lớn tiếng phản đối chính phủ, bác sĩ sẽ vừa nhấc mẩu răng cuối cùng ra, rồi bảo họ súc miệng bằng một ngụm rượu rum.
“Xong. Bộ này ổn không?”
“Chật quá. Tôi không ngậm lại được.”
‘Quái thật! Bọn mình đúng là một lũ khéo léo làm sao! Nào, thử cái này xem.”
“Lỏng quá. Tôi mà hắt xì là nó rơi ngay.”
“Vậy thì đừng có ốm, đồ dốt. Mở miệng ra.”
Và họ ngoan ngoãn nghe lời.
Sau khi thử nhiều bộ khác nhau, họ sẽ tìm được bộ vừa nhất và mặc cả trong khi bác sĩ khử trùng những bộ còn lại bằng cách nhúng ngập chúng vào trong nồi clo sôi sùng sục.
Cái ghế di động của bác sĩ Loachamín đúng là một trạm y tế thật sự đối với những người sống khắp bên bờ sông Zamora, Yacuambi, và Nangaritza.
Thực ra nó là một cái ghế cắt tóc cũ, chân tráng men trắng và đủ cả hai tay vịn. Phải gom cả sức lực cơ bắp của cả viên trưởng tàu cùng đội thủy thủ tàu Sucre mới nâng được nó lên và đặt xuống thật vững trên cái bệ phẳng rộng một mét vuông mà bác gọi là “phòng khác” của mình.
“Quái quỷ! Ta là chủ cái phòng khám này. Ở đây cậu phải làm tất cả những gì ta bảo. Khi xong việc, cậu có gọi ta là thằng cướp răng, kẻ chõ mũi, tên xoắn lưỡi, bất cứ cái tên nào cậu muốn cũng được, mà rồi ta còn để cậu mời ta một chén nữa là đằng khác.”
Một nỗi đau đớn khủng khiếp hiện trên khuôn mặt của những người đang chờ tới lượt mình, và những người đã xong cuộc hẹn với cái kìm nhổ răng trông cũng chẳng vui vẻ gì hơn.
Những kẻ duy nhất mang bộ mặt tươi cười hớn hở quanh phòng khám là đám người Jibaro, đang ngồi chồm hỗm mà quan sát.
Jibaro là những thổ dân bị chính những người cùng dòng giống, tộc Anhđiêng Shuar, từ bỏ, vì bị coi là lũ thoái hóa biến chất mà bọn Apache hoặc người da trắng đã mua chuộc.
Chuyên mặc đồ thừa của người da trắng, người Jibaro chấp nhận không chút phản kháng cái tên giễu cợt(2) mà những kẻ xâm chiếm người Tây Ban Nha gán cho.
Luôn có sự khác biệt khổng lồ giữa một người Shuar kiêu hãnh và tự hào, người biết rõ những vùng đất bí mật của Amazon, với một người Jibaro, như những người Jibaro đang tụ tập trên bến El Idilio này, chỉ khao khát một giọt rượu thừa rơi rớt.
Đám người Jibaro cười lộ hàm răng nhọn hoắt được mài bằng đá ngoài sông.
“Còn các ngươi, nhìn ngó cái gì thế hả? Rồi sẽ đến ngày lũ khỉ các người rơi vào nanh vuốt của ta,” bác sĩ nạt.
Khi nhận ra lời nói ấy là nhằm vào mình, đám người Jibaro đáp lại đầy hào hứng.
“Người Jibaro răng tốt. Người Jibaro ăn thịt khỉ nhiều.”
Đôi lúc một bệnh nhân chợt kêu thét lên làm kinh hoàng lũ chim, rồi tay này hất chiếc kìm của bác sĩ ra, tay kia tóm lấy tay nắm con dao rựa.
“Kìa, cư xử như một người đàn ông đi chứ, đồ ngốc. Ta biết là đau chứ, và ta cũng bảo với cậu đó là lỗi của ai rồi cơ mà. Đừng có đổ vấy cho ta. Ngồi yên đi, xem cậu gan dạ đến đâu nào.”
“Nhưng đau đến xé óc ra rồi, bác sĩ ơi. Cho tôi uống một ngụm đã.”
Bác sĩ xử lý xong bệnh nhân cuối cùng, thở phào một cái. Bác gói những bộ răng giả không tìm được chủ mới vào tấm vải tía Hồng y, và khi đang tẩy trùng các dụng cụ làm răng, bác nhìn thấy một cái xuồng của người Shuar đang trôi tới.
Một anh chàng thổ dân đứng trên đuôi chiếc xuồng mảnh mai, chèo thật êm. Khi tới gần tàu Sucre, anh quạt mạnh mái chèo hai cái để ghé xuồng sát vào con tàu.
Khuôn mặt chán chường của viên trưởng tàu nghé ra bên hông tàu. Anh chàng Shuar bắt đầu kể lể gì đó với ông, lấy cả cơ thể mà diễn tả, và liên tục khạc nhổ.
Bác sĩ lau khô các dụng cụ xong, xếp chúng gọn vào chiếc cặp da. Rồi bác cầm cái chậu đựng chỗ răng vừa nhổ hất xuống nước.
Viên trưởng tàu và anh chàng Shuar đi qua chỗ bác sĩ, về phía văn phòng của ngài thị trưởng.
“Chúng ta phải chờ rồi, bác sĩ ạ. Họ sắp đem xác một tên ngoại bang đến.”
Tin ấy chẳng làm bác hài lòng chút nào. Tàu Sucre là một cỗ máy cổ quái khó chịu, đặc biệt là trên đường về, khi nó mang đầy những chuối xanh với cà phê cuối mùa sắp thối.
Nếu mưa đổ xuống giữa đường, mà có thể lắm, vì họ đã bị chậm lại một tuần do mấy lần hỏng máy, thì cả hàng hóa, khách đi tàu, lẫn thủy thủ sẽ phải chen chúc dưới một tấm bạt căng trên boong, chẳng còn tí chỗ hở nào để mà treo võng, và nếu thêm một cái xác vào nữa thì chuyến đi sẽ thành khó chịu gấp đôi.
Bác sĩ giúp nâng cái ghế di động lên tàu rồi đi bộ ra tít xa cuối bến. Antonio José Bolívar Proaño đang chờ bác ở đó, một lão già có làn da sạm sương gió, hoàn toàn chẳng bận tâm đến ý nghĩa rối rắm của cái loạt tên nghe kêu như chuông kia.
“Chưa chết à, Antonio José Bolívar?”
Trước khi đáp, lão cúi ngửi hai nách mình.
“Hình như thế. Chưa thấy bốc mùi gì cả. Bác thì sao?”
“Bộ răng của lão sao rồi?”
“Đây,” lão đáp, luồn tay vào túi áo. Lão giở chiếc khăn tay đã bạc màu, giơ ra bộ răng giả.
“Sao không mang nó vào hả lão ngốc kia?”
“Tôi cho vào ngay đây. Không ăn không nói thì mang răng vào làm gì chứ?”
Lão chỉnh bộ răng giả cho vừa, tắc tắc lưỡi, phun ra một bãi đờm, rồi đưa cho bác sĩ một chai Frontera.
“Cảm ơn. Tôi nghĩ là hôm nay đã kiếm đủ cho một chai này rồi.”
“Chắc chắn rồi. Hôm nay bác đã nhổ được hai mươi bảy bộ với một đống răng vụn cơ mà. Nhưng bác vẫn chưa phá được kỷ lục của chính bác đâu.”
“Lão vẫn đếm đấy à?”
“Bạn bè thì phải thế chứ. Phải ăn mừng những quả trúng đậm của nhau chứ. Nhưng bác không nghĩa là hồi bọn khai hoang trẻ tuổi còn đến đây thì tốt hơn à? Bác còn nhớ cậu tá điền người Montuve không, cái cậu trai đã phải nhổ hết cả bộ răng chỉ vì cá cược ấy?”
Bác sĩ Rubicundo Loachamín hơi nghiêng đầu cố rây lọc cái sàng ký ức để cuối cùng, nó hiện ra hình ảnh một anh chàng không được trẻ lắm, ăn mặc kiểu Montuve – toàn đồ trắng, chân đất, mà lại đeo cực thúc ngựa bằng bạc.
Anh chàng Montuve đến phòng khám của bác cùng với khoảng hai chục người nữa say bí tỉ. Đó là những kẻ tìm vàng nay đây mai đó. Người ta gọi những người này là bọn lang thang, chúng chẳng quan trọng việc tìm được vàng ở dưới sông hay là vàng trong túi đeo của người khác. Anh chàng Montuve đổ sụp xuống ghế, đờ đẫn nhìn bác.
“Nói xem có vấn đề gì nào.”
“Nhổ hết đi. Từng cái một. Rồi xếp thành hàng trên bàn ấy.”
“Há miệng ra.”
Anh chàng ngoan ngoãn làm theo, và bác thấy còn rất nhiều răng quanh mấy cái răng hàm đã hỏng, vài cái có lỗ, số còn lại còn rất tốt.”
“Cậu còn khá nhiều răng tốt đấy. Cậu trả được đủ số tiền để nhổ hết chứ?”
Vẻ ngu ngốc biến mất khỏi khuôn mặt anh ta.
“Như bác thấy đấy, bác sĩ, những người bạn của tôi đây không tin khi tôi bảo tôi là một đấng trượng phu. Tôi nói với họ là tôi sẽ nhổ hết sạch răng cùng một lúc mà không một tiếng rên. Bọn tôi đã cá với nhau rồi, bác và tôi sẽ chia nhau phần thắng cược.”
“Đến lúc bác ta bắt đầu nhổ, mày sẽ đùn thối ra trong quần rồi khóc đòi mẹ cho mà xem,” một người trong nhóm kia lớn tiếng chế nhạo, rồi lũ còn lại cười phá lên ha hả.
“Tốt nhất là đi uống thêm nữa rồi nghĩ cho kỹ đi. Tôi chẳng khoái những trò ngu ngốc,” bác sĩ nói.
“Được thôi, bác sĩ, nếu bác không để tôi thắng cú này, tôi sẽ xin cái thủ của bác bằng người bạn thân mến của tôi đây.”
Đôi mắt anh chàng Montuve lóe sáng khi anh ta vuốt ve tay nắm con dao rựa.
Và thế là cuộc cá cược bắt đầu.
Anh chàng há miệng ra và bác sĩ nhẩm đếm cẩn thận. Có mười lăm cái răng tất cả, khi bác công bố con số ấy, nhân vật chính xếp đủ mười lăm mẩu vàng lên tấm vải tía Hồng y đang bày sẵn các bộ răng giả. Mỗi mẩu cho một cái răng, và những kẻ đánh cá kia, dù được hay thua, cũng phân chia bằng những mẩu vàng. Tổng số vàng đã tăng lên đáng kể sau cái răng thứ năm.
Anh chàng Montuve chịu đựng bảy cái răng đầu tiên nhổ ra không mảy may động đậy. Người ta còn nghe được cả tiếng một con bọ hạ cánh. Rồi, khi cái thứ tám đang bị nhấc lên, máu bất ngờ tràn ra đầy miệng anh ta. Không nói được, nhưng anh ta ra hiệu cho Loachamín ngừng lại.
Anh chàng phun mấy cục máu đông ra sàn, nốc một hơi rượu dài khiến cả cơ thể quằn quại đau đớn trên ghế, nhưng vẫn không một tiếng kêu than, sau khi khạc nhổ một lần nữa lại ra dấu cho bác sĩ tiếp tục.
Đến cuối cuộc tàn sát, móm hoàn toàn, mặt thì sưng vù suốt từ bên tai nọ đến bên tai kia, anh chàng Montuve vẫn thể hiện niềm sung sướng khủng khiếp trước chiến thắng khi cùng bác chia chác chiến lợi phẩm.
“Chao ôi, đúng vậy. Những ngày xa xưa ấy,” bác sĩ Loachamín lầm rầm, tu một hơi rượu dài.
Thứ chất cay làm từ đường mía đốt cháy cổ họng bác, và mặt bác cau có khi đưa trả lại cái chai.
“Đừng có khó coi thế chứ, bác sĩ. Cái này sẽ giết sạch bọn ký sinh trong bụng bác đấy,” Antonio José Bolívar lên tiếng, nhưng lão dừng ngay lại.
Hai chiếc xuồng đang tiến tới gần, ló ra trên mép xuồng là mái đầu vàng hoe của kẻ thiệt mạng.
—————————————-
(1) Gringo: biệt danh không mấy thiện cảm thô dân khu vực Mỹ Latinh dành cho những người nước ngoài, không nói tiếng Tây Ban Nha, đặc biệt ám chỉ cư dân nói tiếng Anh, nhất là từ Mỹ.
(2) Jibaro, hay Jivaro, theo tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là “người rừng”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...