Tiểu Long tin rằng anh của Ðỗ Lễ sẽ được cho về sớm. Nhưng sớm là chừng nào thì nó không biết. Nó chỉ biết anh Nghĩa bị giữ thế là đã hơn mười ngày rồi. Và nó đóng vai anh Nghĩa thấm thoát đã được một tuần.
Trong tuần lễ đặc biệt đó, Tiểu Long hầu như không gặp điều gì trở ngại trong việc làm anh thằng Ðỗ Lễ.
Trừ ngày đầu tiên, bà của Ðỗ Lễ đòi xem vết sẹo khiến Tiểu Long phải vờ ôm bụng và chạy vù xuống bếp, còn từ ngày thứ hai trở đi, mọi việc diễn ra hoàn toàn thuận lợi và suôn sẻ.
Tối nào bà của Ðỗ Lễ cũng ngồi trên giường lắng tai nghe Tiểu Long và Ðỗ Lễ học bài, thỉnh thoảng lại trò chuyện dăm ba câu, hỏi thăm chuyện học tập vui chơi trong ngày của hai đứa với vẻ điềm nhiên, không chút nghi hoặc.
Tiểu long dần dần quen thuộc với vai trò của mình, không còn thắc thỏm như ngày đầu.
Ðã được Ðỗ Lễ dặn dò kỹ lưỡng những khi bà hỏi tới nó, Tiểu long đều trả lời một cách tự tin, trôi chảy khiến thằng Ðỗ Lễ ngồi cạnh không ngừng gật gù tán thưởng.
Trong những ngày êm thắm đó, bà thằng Ðỗ Lễ dường như đã quên mất vết sẹo nơi cườm tay của đứa cháu. Lúc vết thương chưa lành, Tiểu Long ngày nào cũng nơm nớp sợ bà nhắc tới và đòi nó đưa cho bà xem.
Nhưng khi vết thương đã thành sẹo, không nghe bà hỏi han gì, Tiểu Long lại đâm sốt ruột. Bây giờ nó lại trông cho bà hỏi tới để nó nhanh nhẹn chìa tay ra. Nó muốn chứng minh cho bà biết nó đích thực là thằng Ðỗ Nghĩa của bà, chứ không phải là đứa nào đội lốt, mặc dù bà chẳng nghi ngờ gì về điều đó. Nếu bà không hỏi chẳng hoá ra việc nó bấm bụng chịu đau tạo nên vết sẹo nơi cườm tay là một sự hy sinh vô ích?
Bà thằng Ðỗ Lễ vẻ như không hiểu được tâm sự của Tiểu Long. Thỉnh thoảng bà vẫn kêu nó lại ngồi cạnh bà, vẫn đưa tay dịu dàng vuốt tóc nó, vẫn âu yếm nắn nắn chỗ đốt xương lồi trên vai nó và tấm tắc khen nó mập nhưng tuyệt nhiên bà chẳng đả động gì đến vết sẹo kia.
Cho tới một hôm Tiểu Long không kiên nhẫn được nữa.
Sau khi thấy bà rờ rẫm khắp đầu cổ nó mà chẳng hé miệng một lời về điều nó chờ đợi, nó liền chìa tay ra:
- Bà ơi, vết sẹo nơi cườm tay cháu hôm nay bé lại rồi bà ạ.
- Ðâu, cháu đưa bà xem nào.
Bà cầm lấy tay Tiểu Long, rờ rẫm vết sẹo một hồi rồi tấm tắc:
- Ừ, nó bé hơn hôm trước cháu ạ.
Tiểu Long khoái chí:
- Tại dạo này cháu kiêng ăn thịt bò đấy bà ạ.
- Ừ, cháu giỏi lắm! - Bà gật đầu - Mà cháu cũng phải kiêng cả rau muống nữa nhé.
Tiểu Long ngoan ngoãn:
- Vâng, cháu biết rồi. Cả thịt bò lẫn rau muống đều có thể làm mình lồi thịt phải không bà?
- Ừ! - Bà hấp háy mắt, vừa nói bà vừa vuốt tóc nó - Cháu nhớ như vậy là tốt lắm.
Ðược bà khen, Tiểu Long vô cùng sung sướng. Trong một thoáng, nó quên mất nó chỉ giả vờ làm cháu bà thôi. Nó cứ tưởng nó là cháu bà thật. Một dòng suối êm mát chảy ngang qua lòng nó.
Tiểu Long mất bà từ bé. Nó chỉ còn ông. Lâu nay nó vẫn xem bà của Quý ròm như bà của mình. Bà Quý ròm cũng rất quý Tiểu Long. Nhưng bà Quý ròm không vuốt tóc nó, không nắn nắn các khớp xương nó rồi khen nó mập.
Chỉ có bà Ðỗ Lễ mới đối xử với nó như thế thôi. Tất nhiên nó biết bà Ðỗ Lễ tưởng nó là anh Nghĩa. Nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần bà âu yếm nó, nó vẫn thấy xao xuyến lạ. Nó cảm nhận được một tình cảm ấm áp toát ra trong từng lời nói, từng cử chỉ của bà.
Ðỗ Lễ trêu Tiểu Long:
- Tao thấy bà tao thương mày còn hơn cả tao nữa đấy.
- À, ghen tị hả? - Tiểu Long trợn mắt doạ - Dễ thôi, tao sẽ thú thật với bà tao không phải là anh mày, tao vờ làm thế cốt để lừa bà thôi, hẳn bà mày sẽ hết còn thương tao.
Câu nói trêu của Tiểu Lng làm Ðỗ Lễ nhảy dựng:
- Ấy, ấy, mày không được làm thế!
Tiểu Long cười hì hì:
- Tao nói đùa ấy! Nhưng dù tao có làm thế hay không thì rõ ràng bà mày vẫn thương anh Nghĩa hơn mày.
- Ai bảo mày vậy?
- Cần gì ai bảo! - Tiểu Long nheo mắt - Chỉ đóng vai anh mày một tuần tao đã biết bà mày quan tâm đến anh mày hơn mày. Ðúng không?
Tiểu Long tưởng có thể chọc tức được bạn. Nào ngờ Ðỗ Lễ vẫn thản nhiên:
- Ừ. Nhưng đấy là do tao ngoan hơn anh tao. Anh tao lúc nào cũng nhong nhong ngoài phố nên bà tao rất lo. Hễ anh tao về tới nhà bao giờ bà tao cũng bắt lại ngồi cạnh bà.
- Chi vậy?
Ðỗ Lễ cười:
- Bà tao muốn kiểm tra xem anh tao chạy xe có bị té ngã, bị trầy xước gì không ấy mà.
Nghe vậy, Tiểu Long toét miệng cười theo:
- Thì ra vậy!
Ðỗ Lễ vừa kể chuyện đó với Tiểu Long hôm trước, hôm sau Tiểu Long đã áp dụng liền.
Khi bà nắn nắn cánh tay nó, nó oằn người kêu lên:
- Bà ơi, bà đừng có làm cháu nhột. Hôm nay cháu chẳng có thêm vết trầy nào đâu.
Bà chà chà tay lên vết xước trên bả vai Tiểu Long:
- Chứ cái gì đây?
Tiểu Long ngoẹo cổ nhìn xuống vai, giải thích:
- Ðây là cháu bị quẹt vào cánh cửa. Nếu ngã xe, cháu phải trầy nhiều chỗ cơ!
Bà có vẻ tin lời Tiểu Long nên không hỏi nữa. Bà chỉ dặn:
- Lần sau đi đứng phải cẩn thận nghe cháu!
Rồi bỗng dưng bà thắc mắc chuyện khác:
- Sao dạo này bà chẳng nghe tiếng xe của cháu?
Câu hỏi bất ngờ của bà làm tóc gáy Tiểu Long dựng đứng cả lên. Ðỗ Lễ ngồi đằng bàn cũng tái mét mặt.
Khi bàn bạc với nhau, cả Ðỗ Lễ lẫn Tiểu Long đều quên khuấy mất chi tiết quan trọng đó. Nay nghe bà hỏi, hai đứa há hốc miệng nhìn nhau.
Mãi một lúc, Tiểu Long mới nghĩ ra cách trả lời:
- Dạo này, cháu tắt máy xe ở ngoài cổng bà ạ. Sau đó cháu mới dẫn bộ vào.
Nghe Tiểu Long ba hoa, Ðỗ Lễ hồi hộp quá xá. Vừa hồi hộp vừa tức cười. Tiểu Long cứ làm như nhà thằng Ðỗ Lễ là cơ quan nhà nước không bằng. "Yêu cầu tắt máy, xuống xe, dẫn bộ". Chỉ thiếu mỗi khoản "xuất trình giấy tờ" nữa thôi.
May mà bà không để ý. Chắc xưa nay bà ít đến các cơ quan. Bà chỉ hỏi:
- Thế sao lúc cháu đi ra khỏi nhà, bà cũng chẳng nghe động tĩnh gì?
- Lúc đi cũng vậy bà ạ! - Tiểu Long vừa đáp vừa thè lưỡi với Ðỗ Lễ - Cháu dắt bộ một đỗi xa mới đạp máy.
- Sao thế hở cháu?
Tiểu Long liếm môi:
- Ðấy là phép lịch sự bà ạ. Cháu vừa được học là phải làm như thế để tránh gây tiếng ồn cho những người trong nhà.
Tiểu Long vừa đáp vừa thầm phục mình quá chừng. Nó nghĩ chơi với Quý ròm cũng có cái lợi, thỉnh thoảng cũng nói được vài câu ba hoa xích thố.
Bà đặt tay lên vai Tiểu Long, giọng hài lòng:
- Ừ, cháu bà ngoan lắm.
Nghe bà nói vậy, vẻ căng thẳng trên mặt Ðỗ Lễ lập tức biến mất. Nó cười tít mắt, tay bụm miệng để không bật thành tiếng.
Còn Tiểu Long thì mặt mày tươi tỉnh hơn hớn.
Nhưng Tiểu Long chỉ tươi tỉnh được có một lúc. Sau đó mặt nó đâm dàu dàu. Nó chợt nhớ đến lát nữa đây, khi về nhà nó phải vất vả đối phó với những chất vấn của ba mẹ nó.
Dạo này thấy tối nào nó cũng tót ra khỏi nhà, ba mẹ nó thắc mắc ghê lắm.
- Con đi đâu mà tối nào cũng đi thế hở con?
Lần đầu tiên nghe mẹ hỏi vậy, Tiểu Long định bảo là nó đi dạy kèm. Nhưng rồi nó bỏ ngay ý định đó. Bảo những đứa giỏi giang như Quý ròm hay nhỏ Hạnh đi dạy kèm người nghe còn tin được. Còn làng nhàng cỡ nó mà khoe đi dạy chắc chẳng ai tin. Bảo nó đi học kèm thì may ra.
- Con đi học thêm mẹ ạ.
- Học ở đâu thế? Sao chẳng thấy con xin tiền đóng tiền học?
- À, con học ở nhà Quý ròm ấy mà! - Tiểu Long nói đại.
Năm ngoái Tiểu long từng ôm tập đến "thọ giáo" với "sư phụ" Quý ròm mấy tháng ròng rã nên lần này nghe nó nói thế, mẹ nó tin ngay. Nhất là năm nay lại là năm cuối cấp nữa.
Khi phịa như vậy, Tiểu Long không ngờ Quý ròm bỗng nhiên mò đến nhà nó đúng vào lúc nó... đang đi học ở nhà Quý ròm.
Khổ nỗi, trước đó Tiểu Long đã không hề dặn dò gì Quý ròm. Thoạt đầu, nó không hở môi với thằng ròm vì muốn tự mình điều tra về những bàn lọt lưới của Ðỗ Lễ trong trận cầu với tụi 9A3. Ðến khi đã rõ đầu đuôi rồi, nó lại tiếp tục giấu Quý ròm vì không muốn ai biết thêm chuyện anh thằng Ðỗ Lễ bị bắt.
Vì thế mà tối hôm qua, khi vừa đút đầu vô cửa nhà bạn, nghe nhỏ Oanh reo lên:
- Ủa, anh Quý! Anh đi đâu đây?
Quý ròm không khỏi ngạc nhiên:
- Sao em lại hỏi vậy? Tất nhiên là anh đi tìm anh Tiểu Long rồi!
Nhưng Quý ròm ngạc nhiên một thì nhỏ Oanh ngạc nhiên mười:
- Ði tìm anh Tiểu Long? Anh Tiểu Long đang ở nhà anh mà!
Quý ròm trợn tròn mắt:
- Làm gì có!
- Ủa, chứ không phải anh Tiểu Long đang học thêm với anh sao?
- Học thêm với anh? Ai bảo thế?
Nhỏ Oanh bắt đầu sinh nghi. Nó nhìn Quý ròm không chớp mắt:
- Anh Tiểu Long bảo chứ ai. Cả tuần nay tối nào ảnh cũng ôm tập đến học chung với anh kia mà!
Tới đây thì Quý ròm đâm ngờ ngợ. Nó đoán Tiểu Long đang chơi trò dốc tổ. Hẳn dạo này tối tối Tiểu Long chuồn ra khỏi nhà đi đâu đó nhưng lại phịa là đi học thêm với nó. Khỗ nỗi, Tiểu Long lại không hề hó hé gì về chuyện này khiến tự dưng hôm nay nó mò tới và ú ớ trước những câu hỏi của nhỏ Oanh.
Ðầu xoay như chong chóng, mãi một lúc Quý ròm mới tìm ra cách lấp liếm:
- Ờ... ờ... anh nhớ rồi. Hôm trước anh Tiểu Long có định như vậy thật...
Nhỏ Oanh nhíu mày:
- Thế hôm nay thì sao hở anh?
Quý ròm tặc lưỡi:
- Hôm nay thì có thay đổi một chút xíu. Nghĩa là - Quý ròm gãi muốn toẹt cả cổ - Nghĩa là... anh Tiểu Long không học với anh nữa mà học với chị Hạnh.
- Với chị Hạnh ư?
- Ðúng thế, với chị Hạnh.
Quý ròm toét miệng cười. Nhưng nhỏ Oanh không khờ khạo như Quý ròm tưởng. Nó không để Quý ròm cười quá ba mươi giây:
- Ðã biết anh Tiểu Long học ở nhà chị Hạnh sao anh còn đến đây tìm?
Quý ròm rủa thầm một tiếng và ấp úng đáp:
- Tất nhiên là trước khi đến đây, anh không biết anh Tiểu Long học ở nhà chị Hạnh. Chỉ khi nghe em nói thế, anh mới sực nhớ ra. Hôm trước, anh Tiểu Long đề nghị tới học chung với anh nhưng anh bảo dạo này anh bận lắm. Thế là anh Tiểu Long nói sẽ đến học với chị Hạnh. Anh cứ tưởng anh Tiểu Long chỉ nói suông thế thôi...
Quý ròm phịa muốn toát mồ hôi. Phịa một hơi dài, lại đầy đủ tình tiết lớp lang, đâu phải chuyện đơn giản.
Nhỏ Oanh hơi tin tin:
- Anh nói thật đấy hở?
- Thật chứ!
Quý ròm quẹt mồ hôi trán, đáp. Rồi sợ nhỏ Oanh tiếp tục hỏi những câu cắc cớ, nó lật đật quanh xe ra:
- Bây giờ anh qua nhà chị Hạnh ngay đây!
Quý ròm chỉ nói thế thôi, chứ nó biết Tiểu Long làm quái gì có mặt ở nhà nhỏ Hạnh vào giờ này. May mà nhà Tiểu Long không mắc điện thoại, nếu không nhỏ Oanh chỉ cần một cú phôn là khám phá ra sự gian dối của nó ngay.
Quý ròm không ghé nhỏ Hạnh, cũng không về thẳng nhà. Nó đứng đợi Tiểu Long ở ngoài đầu hẻm.
Nó phải gặp Tiểu Long trước khi thằng mập về tới nhà. Giờ này chắc nhỏ Oanh đang "mai phục" sẵn trong kia. Nếu không gặp nó, chắc chắn Tiểu Long sẽ "lòi đuôi" ngay khi vừa giáp mặt nhỏ em của mình.
Quý ròm đợi lâu thật lâu. Thoạt đầu nó còn ngồi trên xe, chống một chân xuống đất. Sau, sốt ruột quá, nó dựng xe bên lề rồi ngồi bệt xuống vỉa hè, bụng thắc mắc không biết thằng mập mắc chứng gì mà đi lang thang lúc đêm hôm như vậy.
Tiểu Long không biết Quý ròm đang chờ mình. Nên khi về gần tới nhà, nó giật bắn người khi nghe tiếng gọi sát bên tai:
- Tiểu Long!
Tiểu Long ngoảnh lại, sửng sốt khi thấy Quý ròm nhô lên cạnh gốc cây và đang toét miệng cười.
- Mày đi đâu đó? - Tiểu Long ngỡ ngàng buột miệng.
Quý ròm nheo mắt:
- Câu đó phải để dành cho tao hỏi.
Quý ròm hất hàm:
- Trả lời tao đi! Mày đi đâu về đó?
- Tao hở? - Tiểu Long gãi đầu - Thì tao đi loanh quanh chứ đi đâu!
- Ði loanh quanh?
- Ừ, giống như đi dạo mát vậy mà.
Quý ròm gật gù:
- Té ra là mày đi dạo mát.
Tiểu Long mừng thầm, tưởng đã gạt được thằng ròm:
- Thì mày cũng biết rồi đó...
- Tao chả biết gì cả - Quý ròm lạnh lùng cắt ngang - Vậy mà tao cứ tưởng từ nãy đến giờ mày ôm tập qua học chung với tao chứ!
Câu nói của Quý ròm khiến Tiểu Long chết đứng. Nó đờ người ra:
- Mày... mày...
- "Mày, mày" cái gì - Quý ròm hừ giọng - Nhỏ Oanh đã nói hết với tao rồi. Mày khai thật đi, cả tuần nay mày đi đâu vào buổi tối?
Biết không thể đánh lừa thằng bạn tinh quái này được, Tiểu Long đành khụt khịt mũi thuật lại mọi chuyên.
Nghe xong, Quý ròm vỗ đùi đánh đét:
- Hèn gì! Mấy hôm nay thấy mầy với thằng Ðỗ Lễ hay cặp kè với nhau, tao đã nghi nghi!
Rồi Quý ròm dán mắt vào mặt Tiểu Long :
- Thế mày tập làm "thám tử cô đơn" tự bao giờ thế?
- Mày đừng có trêu tao! - Tiểu Long ngượng nghịu - Tại thằng Ðỗ Lễ không muốn mọi người biết chuyện này thôi!
- Tao đùa đấy! - Quý ròm đặt tay lên vai bạn - Ngày mai tao sẽ nói chuyện với nhỏ Hạnh, rồi hai đứa tao sẽ tìm cách giúp mày và thằng Ðỗ Lễ!
- Giúp tao? - Tiểu Long tròn mắt - Giúp tao như thế nào?
Quý ròm cười bí mật:
- Mai mốt mày sẽ biết!
Quý ròm liếc về phía đầu hẻm:
- Còn bây giờ mày phải bình tĩnh đối phó với mọi người trong nhà mày nghe chưa. Cứ bảo là mày ở nhà nhỏ Hạnh về. Khi nãy tao bảo là thoạt đầu mày định học chung với tao nhưng vì bận nên đến học với nhỏ Hạnh...
Quý ròm bày cách cho bạn cặn kẽ.
Nhưng đến khi Tiểu Long lặp lại những lời bạn mách nước, mọi người lại chẳng tin.
- Thế sao ngay từ đầu con không bảo là đến nhà Hạnh, lại nói là đến nhà Quý?
- Con nghĩ chuyện đó có gì quan trọng đâu hở mẹ! - Tiểu Long chống chế.
Anh Tuấn nhún vai:
- Tao nghi lắm! Từ ngày mày bỗng dưng hớt đầu đinh, tao thấy mày là lạ!
Anh Tú vung tay:
- Ngày mai bảo nhỏ Oanh đến hỏi nhỏ Hạnh là biết ngay thôi chứ khó gì!
Bây giờ nhớ lại ánh mắt nghi ngờ của mọi người Tiểu Long vẫn còn lo lắng, mặc dù sáng nay ở lớp, nhỏ Hạnh đã ôn tồn bảo nó:
- Long cứ yên tâm! Nếu có ai hỏi, Hạnh sẽ bảo là tối nào Long cũng ôm tập đến nhà Hạnh học chung...
Nguồn: hgth /diendan/showthread.php?t=15749#ixzz2OBPBJnK5
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...