Chương 5 Cô Trinh trình bày hoàn cảnh của gia đình Quới Lương với ban giám hiệu nhà trường vào ngay sáng sớm hôm sau.
Và đến giờ ra chơi, thầy Khải tổng phụ trách đội liên đến gặp cô. Thầy đi thẳng vào đề:
-Tôi nghe bán giám hiệu nhà cho biết về trường hợp của em Quới Lương lớp chị!
Cô Trinh hồi hộp:
-Thế thầy tính sao?
-Chị đừng lo! – Thầy Khải nói với vẻ tự tin – Liên đội nhà trường trước nay vẫn có phong trào "giúp bạn vượt khó" và đã từng giúp đỡ em lâm vào hoàn cảnh tương tự như em Quới Lương! Nói chung là rất có kết quả! Cô Trinh bất giác lộ vẻ nghi ngại:
-Kiểu làm này tôi biết rồi nhưng e không thực hiện được trong trường hợp em Quới Lương đâu thầy!
Thầy Khải ngạc nhiên:
-Sao chị lại nói thế?
Cô Trinh vẫn điềm tĩnh:
-Thầy định thông báo hoàn cảnh của em Quới Lương trên loa phóng thanh vào giờ chào cờ đầu tuần và sau đó kêu gọi các em nhịn quà sáng để đóng góp giúp đỡ bạn chứ gì?
-Thì thế!
-Thế thì không được! – Cô Trinh thở dài – Em Quới Lương không giống như những em khác! Em hay tự ái, lại thường mặc cảm mình là con nhà nghèo, nếu làm như cách vừa rồi, em sẽ xấu hổ bỏ học ngay!
Thầy Khải bóp bóp trán:
-Chà, gay go nhỉ!
Cô Trinh chớp mắt:
-Có cách nào khác không thầy?
-Để tôi tính xem! – thầy Khải nhíu mày nghĩ ngợi một hồi rồi bỗng buột miệng "à" lên một tiếng – Hay là như thế này!
Cô Trinh thấp thỏm:
-Là sao hả thầy?
-Vẩn vận động các em đóng góp như trước nay! – Thầy Khải huơ tay – Nhưng thay vì thông báo trên loa thì bên chỉ huy liên đội sẽ thông báo miệng xuống từng chi đội của tất cả các lớp!
Trong khi thầy Khải đang hân hoan trình bày kế hoạch đầy sáng tạo của mình thì cô Trinh vẫn buồn so. Đợi thầy nói xong, cô khẽ lắc đầu:
-Không được, thầy ơi! Cách này cũng không được!
Thầy Khải gãi đầu:
-Mình có thông báo trên loa đâu!
-Thông báo trên loa hay không thông báo trên loa cũng thế thôi! – Cô Trinh thở dài – Hễ vận động quyên góp là thế nào em Quới Lương cũng biết! – Tôi muốn làm sao giúp đỡ em mà em chẳng hay biết chút gì kia!
Yêu cầu của cô Trinh khó đến mức thầy Khải tặc tặc lưỡi và ngẩn người ra mất một lúc.
-Không còn cách nào khác sao thầy? – Cô Trinh hỏi, không giấu vẻ nôn nóng và lo âu.
-Cách thì vẫn có! – Thầy Khải nhún vai – Nhưng cách này thì chẳng liên quan gì đến phong trào "giúp bạn vượt khó" của liên đội!
Giọng thầy Khải có vẻ kém hào hứng vì trong cái cách của thầy sắp nói ra, đội thiếu niên của thầy chẳng được trực tiếp góp phần vào việc giúp đỡ bạn. Nhưng cô Trinh vô tình không chú ý đến điều đó. Nghe nói có cách, mắt cô Trinh mở to:
-Thầy nói đi! Cách gì vậy?
Thầy Khải chép miệng:
-Nhờ hội phụ huynh giúp đỡ!
Cô Trinh nghe như có một luồng điện xẹt ngang đầu mình. Tệ thật! Có thế mà mình cũng chẳng nhớ ra! Cô nhìn thầy Khải, mắt long lanh:
-Cảm ơn thầy nhiều! Nếu thầy không nhắc tôi đã quên khuấy đi mất!
Nhưng niềm hi vọng to lớn của cô Trinh nhanh chóng xẹp ngay sau đó. Đầu giờ chiều khi cô vào trường dự cuộc họp giữa đại diện ban giám hiệu và bác Mẫn, chủ tịch hội phụ huynh học sinh, để bàn về biện pháp giúp đỡ Quới Lương, cô Trinh mới hay ngân quỹ của hội rất eo hẹp. thật ra nói eo hẹp cũng không thật chính xác. Tiền bạc thì vẫn có nhưng vì trường lớn, học sinh đông, số học sinh có gia cảnh cần giúp đỡ khá nhiều nên mỗi trường hợp chỉ được quỹ của hội cấp tối đa là hai trăm ngàn đồng.
Hai trăm ngàn thì chỉ phụ giúp gia đình Quới Lương được khoàng một tháng thôi! Cô Trinh buồn rầu nhủ bụng, nhưng vì đó là quy chế tài chánh của hội từ trước đến nay, cô biết mình khó lòng nài nỉ thêm. Vả lại, đâu chỉ một Quới Lương của lớp cô gặp khó khăn. Những lớp khác chẳng thiếu gì học sinh gặp túng quẫn, cô Trinh chẳng nỡ giành phần hơn về cho học trò mình.
Dẫu biết rằng hội phụ huynh nhà trường chỉ giúp ngặt chứ chẳng thể giúp nghèo và mình không nên yêu cầu hội làm quá khả năng, nhưng vì không kiềm được nỗi bứt rứt về tương lai học tập của Quới Lương, khi tan họp cô Trinh không về ngay mà quanh quẩn đợi bác Mẫn trước cổng trường.
Bác Mẫn vừa bước ra là cô tiến đến ngay:
-Chào bác!
-Chào cô giáo! – bác Mẫn tỏ vẻ ngạc nhiên – Cô chưa về sao?
-Dạ chưa ạ! – Cô Trinh liếm môi và quyết định nói thẳng – Cháu đợi ở đây để được gặp bác!
Bác Mẫn hình như cũng đoán ra cô Trinh muốn gặp bác để làm gì. Bác nói ngay:
-Về trường hợp của em Quới Lương, tôi rất thông cảm với băn khoăn của cô giáo. Tôi biết hai trăm ngàn trong thời buổi này chỉ như muối bỏ bể. Nhưng cô giáo cũng biết đấy, số học sinh cần giúp đỡ ở trường ta rất đông. Và đâu chỉ học sinh. Chả lẽ giáo viên trong trường đau ốm hoặc rủi ro gặp tai nạn, hội phụ huynh lại khoanh tay đứng nhìn. Chúng tôi vẫn phải quan tâm giúp đỡ. Rồi còn phần thưởng cho các em vào cuối năm học. Rồi…
Biết bác Mẫn sắp sửa sa đà vào việc trình bày kế hoạch công tác của hội phụ huynh học sinh "trong năm nay và những năm sau tới" và có nguy cơ bản báo cáo ngẫu hứng này sẽ kéo dài đến tận bữa cơm chiều, cô Trinh đành đấm bụng ngắt lời:
-Thưa bác, cháu gặp bác không phải đòi hỏi thêm quyền lợi cho em Quới Lương! Cháu hiểu những khó khăn của công tác hội. cháu chỉ muốn biết có bao giờ có một trường hợp ngoại lệ xảy ra trong trường ta chưa thôi ạ!
Bác Mẫn không hiểu:
-Ý cô sao tôi chưa rõ!
Sực nhận ra câu nói vừa rồi của mình không được rõ ràng lắm, cô Trinh bẽn lẽn:
-Cháu muốn hỏi là có trường hợp nào một học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn được hội giúp đỡ nhiều hơn số hai trăm ngàn đồng không ạ! Như năm trăm ngàn hay một triệu chẳng hạn!
Bác Mẫn nhíu mày:
-Có lẽ không! Một số tiền lớn như vậy thì quá lớn so với khả năng của hội! – Đang nói bác bất thần đập tay lên trán, gật gù - Ờ, ờ, nhưng mà thỉnh thoảng cũng có đấy!
Cô Trinh mừng rơn:
-Có hả bác?
-Có! Nhưng không phải quỹ của hội!
Cô Trinh ngơ ngác:
-Thế là sao hở bác?
-Nghĩa là như thế này này! – Bác Mẫn chậm rãi nói – Quỹ của hội thì không thể chi một số tiền lớn như thế! Nhưng anh phó chủ tịch hiện nay của hội phụ huynh trường ta…
Bác Mẫn nói chưa dứt lời, cô Trinh đã reo lên:
-Cháu biết rồi! Bác muốn nói đến bác Diêu chứ gì!
-Đúng rồi! – Bác Mẫn mỉm cười – Trước đây, gặp những trường hợp ngạch nghèo, việc yêu cầu giúp đỡ vượt quá khả năng của hội, anh Diêu thường ủng hộ năm trăm ngàn hoặc một triệu với tư cách cá nhân! Nhưng cô giáo nên nhớ, đấy chỉ là những trường hợp thật sự đặc biệt thôi!
Giọng cô Trinh thấp thoáng hi vọng:
-Thế theo bác, trường hợp em Quới Lương có thể gọi là đặc biệt không ạ?
Bác Mẫn "e hèm" một tiếng:
-Tất nhiên hoàn cảnh của em này đặc biệt, vô cùng đặc biệt rồi! Chuyện đó không cần phải bàn cãi!
Niềm vui vừa mới chớm lên trong lòng cô Trinh thì bác Mẫn đã xoa xoa cái trán hói, bối rối "e hèm" thêm một tiếng nữa:
-Nhưng lần này học trò của cô không gặp may rồi!
Cô Trinh hỏi và nghe tim mình thót lại:
-Sao thế hở bác?
Bác Mẫn tặc lưỡi:
-Anh Diêu vừa đi công tác nước ngoài! Khoảng hai tháng nữa mới về!
Rồi thấy gương mặt cô Trinh vừa mừng lên đã vội xịu ngay xuống, bác Mẫn động lòng vỗ nhẹ lên tay cô Trinh:
-Nhưng cô Trinh đừng buồn! Thế nào tôi cũng nói chuyện với anh Diêu để bàn cách giúp đỡ em Quới Lương! Hễ ảnh về là tôi sẽ tới gặp ảnh ngay!
-Thế thì cháu xin cảm ơn bác trước!
Cô Trinh nói với giọng cảm kích và sau khi chào bác Mẫn, cô Trinh lặng lẽ đạp xe về, lòng ngốn ngang trăm mối.
Chương 6 Chiều hôm đó cô Trinh lại một mình quay trở lại xóm lao động nghèo nơi mẹ con Quới Lương cư ngụ.
Lần này quen đường thuộc lối, cô không phải dọ dẫm lần mò như hôm qua. Nhưng cô Trinh không đến thẳng nhà Quới Lương mà dừng xe trước căn nhà có cánh cửa gỗ màu xanh đầu hẻm.
Thấy có khách, một phụ nữ đẫy đà lật đật bước ra, vồn vã:
-Mời cô Trinh ngồi! Cô dùng chi ạ?
Đây ắt hẳn là bà Ba cháo lòng! Cô Trinh thầm đoán và mỉm cười đáp:
-Thưa bác, cháu không đói ạ!
Bà Ba chưng hửng:
-Ủa, thế không phải cô vào đây ăn cháo hả?
-Dạ không ạ! – Cô Trinh lễ phép – Cháu vào đây định nhờ bác một chuyện!
Cặp mắt của người đàn bà vẫn mở to:
-Chuyện gì thế cô Trinh? Chắc cô Trinh định tìm nhà ai trong xóm này phải không?
-Dạ cũng gần như thế! Cháu định nhờ bác đi nhắn dùm một người đến đây gặp cháu!
Bà Ba "à" một tiếng rồi vui vẻ chỉ tay vào chiếc ghế cạnh đó:
-Vậy cô Trinh ngồi nghỉ đi! Để tôi đi kêu cho!
Nói xong, bà Ba hấp tấp rảo bước ra cửa. sự nhanh nhẹn của bà chủ quán khiến cô Trinh hoảng hốt. Cô quýnh quíu gọi:
-Khoan đã, bác ơi! Cháu đã kịp nói cho bác biết cháu định nhắn ai đâu!
Bà Ba đáp một cách tự tin, chân vẫn không ngừng bước:
-Không cần nói tôi cũng biết! Cô giáo định nhắn mẹ thằng Quới Lương chứ gì!
Cô Trinh lập tức ngẩn người ra. Mãi đến khi bà Ba đi khỏi một hồi lâu, cô Trinh mới thôi sững sờ và đoán ra được bà đã được mẹ Quới Lương dặn dò trước về sự xuất hiện của cô Trinh.
Khi bà quay lại, mẹ Quới Lương đã thấp thoáng phía sau. Vừa thấy cô Trinh, mẹ Quới Lương đã buột miệng hỏi ngay:
-Cô giáo! Có việc gì mà cô phải quay ngay lại thế?
-Bác ngồi xuống đi! – Cô Trinh nhoẻn miệng cười và đợi cho mẹ Quới Lương ngập ngừng ngồi xuống chiếc ghế đối diện, cô thủng thỉnh tiếp – Sáng nay cháu đã trình bày hoàn cảnh của gia đình bác với ban giám hiệu nhà trường và cuối cùng hội phụ huynh học sinh đã đồng ý phụ giúp nhà ta mỗi tháng hai trăm ngàn, hi vọng sẽ giải quyết được phần nào khó khăn để em Quới Lương có điều kiện tiếp tục việc học tập!
Nói xong, cô Trinh cho tay vào túi xách lấy ra hai trăm ngàn đựng trong bao thư nhẹ nhàng đặt vào tay người đàn bà trước mặt, ân cần nói:
-Bác cứ cầm lấy đi! Số tiền này thật ra cũng không nhiều nhặn gì đâu!
Mẹ Quới Lương cảm động cầm phong thư. Bà nói và nghe mắt mình ươn ướt:
-Nhiều lắm, cô giáo! Đối với tôi là nhiều lắm! Tôi tuy ít học nhưng cũng biết câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no" mà, cô giáo!
Cô Trinh tự dưng cũng nghe sống mũi mình cay cay. Cô phải giả vờ nhìn ra cửa.
Tiếng mẹ Quới Lương lại rụt rè vang lên:
-Cô bảo nhà trường sẽ cấp cho mẹ con tôi mỗi tháng hai trăm ngàn hả cô Trinh giáo?
-Dạ.
Mẹ Quới Lương chép miệng xuýt xoa:
-Nhà trường đối xử với học sinh như thế thì tốt quá!
Nhưng liền sau đó, bà bỗng lộ vẻ ngại ngần:
-Nhưng không được đâu, cô giáo! Nếu tháng nào cũng nhận tiền của nhà trường tôi thấy kỳ quá! – Rồi không để cô Trinh trấn an, bà nói luôn, vẻ kiên quyết – Tôi đã tính rồi, cô giáo! Sắp tới, sức khỏe suy yếu, không buôn gánh bán bưng được thi tôi bắt chước bà Ba cháo lòng đây sửa sang lại nhà cửa cho thông thoáng một chút rồi mở quán xôi chè bán cho bà con trong xóm. Trước mắt, tôi chỉ xin làm phiền nhà trường chừng hai, ba tháng thôi. Sau đó, làm ăn khấm khá, tôi sẽ hoàn trả lại khoản tiền mà nhà trường đã giúp mẹ con tôi!
Suy nghĩ và tấm lòng của mẹ Quới Lương khiến cô Trinh vừa cảm động lại vừa buồn cười. Cô Trinh âu yếm bóp chặt aty bà:
-Những dự định của bác theo cháu là rất hay! Nhưng bác không cần phải nghĩ đến chuyện hoàn trả các khoản tiền mà nhà trường phụ giúp cho nhà ta đâu! Chẳng ai lại làm như vậy cả!
Cuộc gặp gỡ lần thứ hai với mẹ Quới Lương càng nung nấu quyết tâm mở lớp dạy thêm của cô Trinh.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...