Trong lúc mọi người thảy đều chăm chú ngắm nghía pho tượng bảo thạch màu đỏ có những đường gân máu kỳ lạ. Pho tượng cao đúng ba tấc, tỷ trọng
nặng khác thường do một tay điêu khắc thiên tài mài dũa tạo nên.
Nhìn lâu mới thấy một vầng ánh hồng đỏ nhạt tỏa ra, chung quanh phảng
phất có mùi thơm như hoa phong lan, bạch hường pha lẫn trong không khí.
Đặt giữa đống bảo ngọc, trân châu, mã não khác mới so sánh thấy đúng là
vật quý vì ở trên đời này tìm kiếm đâu ra một tảng hồng ngọc to lớn để
mài dũa thành một pho tượng như vậy?
Lạc Trí Toàn cứ trố mắt nhìn mãi không thôi tỏ ý ngẩn ngơ tiếc công phu
chui hầm đào đá của mình gian khổ bao nhiêu ngày tháng, chỉ thu được
chút ít vàng ròng, quên phắt rằng ở trên đời, ngọc còn quý giá hơn vàng
gấp bội.
Lão Nhiếp Thủ nói chọc tức :
- Pho tượng đẹp quá! Hiếm có thực! Dù hòa thượng mọc lông lỗ tai có đúc
nổi pho tượng Di Đà lớn bằng trái núi rồi cũng bị những thằng ăn trộm
trong thiên hạ ngày nay nó đến ‘đục’ một vài lạng, ngày mai nó ‘khoét’
một vài miếng thành loang lỗ như chuột gậm nhấm mất thôi. Trái lại pho
tượng này lửa đun không cháy, búa đập không vỡ, tồn tại cùng nhật nguyệt tuế thời, ngửi mùi hương lan phảng phất như theo thuyền Bát Nhã trôi
đến Nam Hải để cung yết Phật bà cầu xin giải thoát. Thiệt là bảo vật!
Bảo vật!
Nghe lão Nhiếp Thủ ca tụng pho tượng, Lạc Trí Toàn căm tức vô cùng. Lão Nhiếp Thủ nheo mắt nói tiếp :
- ‘Quý vật tầm quý nhân’. Trời sanh tay ngọc để tiếp ngọc, còn tay thợ
nguội chỉ thu hút được sắt vụn, gang đồng chẳng khác chi kẻ xúc phân thì chỉ... tiếp nhận phân người mà thôi.
Văn Tú Tài cắt ngang :
- Thôi chúng ta không nên bàn ngang tán dọc để yên Cung tiểu tôn sư kể chuyện lai lịch pho tượng cho nghe.
Lạc Trí Toàn cũng xì một cái và bịt mũi :
- Phải chúng ta nên nghe chuyện khác, đừng để thằng cha cụt nó thơ những câu ô uế... không thể ngửi đặng!
Lão Nhiếp Thủ cũng gáy :
- Mày tưởng mày có đôi bàn tay hút được chất vàng là quý lắm hả! Còn đôi bàn tay bị cụt thì dỡ lắm hả! Nè, ta nói cho mà biết, người quân tử
thường ví hoàng kim là ‘đổ vật’, tanh hôi. Vàng rắn, vàng nát hay phân
người chẳng là vàng cả ư? Mày bảo ta thở hôi thối, còn đôi bàn tay mày
thì... dễ thường thơm lắm đấy?
Mọi người phải xúm lại can khéo đôi bên một lần nữa, vì hai người nhất định choảng nhau một trận kịch liệt.
Văn Tú Tài giục giã :
- Thôi lão đệ kể chuyện đi! Họ nghe họ sẽ không cãi vã nhau!
Cung Đình bắt đầu kể chuyện như sau :
- Hồi tôi chưa uống thuốc hoàn đồng và chưa về lập đạo quan ở Châu Hòa
trấn còn đi hành hiệp ở vùng Giang Nam với danh hiệu là Giang Nam Kiếm
Khách. Hồi ấy, sư tỷ đã luyện thành phi kiếm, nhưng tôi chưa đạt được
tài lại đó nên đi đâu cũng đeo thanh bảo kiếm của sư phụ trao cho. Thanh kiếm tuy chưa có lai lịch lừng lẫy như các thanh kiếm trong tay các quý vị nhưng thanh Cự Khuyết của tôi cũng nhuốm khá nhiều máu đào của những tay kiếm trứ danh. Tôi thường khoe khoang ở trên đời này không có vật
chi là không thể dùng thanh Cự Khuyết chém đứt làm đôi. Để chứng tỏ lời
nói không sai, đã có lần tôi xếp năm lần áo giáp dầy mà chỉ một nhát
kiếm chặt xuống, ngọt hơn là dao xắt củ chuối. Các lần thiết giáp bị đứt phăng. Tài đánh kiếm của tôi nổi danh nhất nhờ ngón sở trường chẻ ba
tiện năm.
Đan Tâm hỏi liền :
- Thế nào mà lại gọi là ‘chẻ ba tiện năm’.
- Nghĩa là phải chém ngang bổ dọc nhanh hơn máy, nếu chém ngang thì đầu
mình bắp vế ống chân phải tiện đứt rời thành năm khúc trước khi thân
mình đổ gục xuống. Còn bổ dọc thì thay vì xả một nhát thành hai mảnh thì phải xả đều nhau thành ba.
Nàng Thái Cơ bịt tai nhắm mắt le lưỡi nói :
- Eo ôi! Kinh sợ quá! Đánh chém nhau đâm chém người ta một nhát đã chết dừ dừ. Đằng nào cũng chết tại sao tàn ác đến thế?
Cung Đình giải nghĩa :
- Luật rừng xanh nó tàn ác lắm cô nương ạ! Người ta đã nói ‘nghề chơi
cũng lắm công phu’. Vậy thì làng đao kiếm chém chết nhau, mỗi tay đã nổi danh cự phách phải chém một kiểu đặc biệt như cố ý đánh dấu cho thiên
hạ biết, cứ xem cái lối giết cũng đủ biết người hạ thủ đó là ai rồi. Đã
không chém thì thôi, đã xuất kiếm phải chẻ ba tiện năm cho thiên hạ
khiếp! Về sau cứ nghe xưng danh hiệu là chân tay đối thủ đã run rẩy như
cầy sấy.
Đan Tâm gãi cằm gật gù :
- Đệ cũng có lần muốn ra lò món chẻ ba tiện năm, nhưng về sau khoái nhất ngón chém lật ngành, đầu đã đứt nhưng vẫn còn miếng da đeo lủng lẳng
nơi gáy hoặc yết hầu. Chém đứt dưới mé bụng, lưỡi kiếm dính chất dơ nặng mùi khó ngửi lắm!
Lão Nhiếp Thủ tức thời bàn góp :
- Tán đồng ý kiến! Chém xuống phía dưới trúng phải bàng quang khai thấy
mồ! Kiếm linh nhiễm chất ‘ố vật’ rồi cũng có ngày mất linh. Vì vậy tôi
khoái món lấy tay móc mắt đoạt lấy đôi nhỡn cầu.
Nói rồi lại đưa mắt nhìn Lạc Trí Toàn ra vẻ hăm dọa sẽ có ngày ăn cắp đôi mục nhỡn của vị quái hiệp.
Lạc Trí Toàn tức tối cũng phải thổ lộ tâm tình :
- Bần đạo rất thích tu tâm, nhưng khi đã ngứa con ráy, rụng chút lông lỗ tai là cũng có thể biết chém lắm! Nam Mô A Di Đà Phật! Sám hối! Bần
tăng không có chém chẻ tiện năm và không trảm thủ da dính cổ, không xé
xác, móc mắt, lột da nhồi trấu, nhưng bần tăng thượng mổ mề, hạ thiến bộ phận sinh dục...
- Tại sao vậy?
- Ở bất cứ thời đại nào, chỉ những thằng no cơm ấm cật ‘nhàn cư vi bất
thiện’ sung sướng quá rồi mới đâm ra rửng mỡ làm chuyện đồi bại. Vậy mổ
mề xem trong bao tử nó đã đựng những chất gì? Còn cắt bộ phận phía dưới
thì tự nhiên cái lưỡi phía trên cũng đỡ liến thoắng, đấu hót và trở nên
câm tịt.
Lạc Trí Toàn mặc cho mọi người cười ồ, day mặt ngó xiên lão Nhiếp Thủ và nói tiếp :
- Tỷ dụ như thằng cha cụt kia, nó được ăn nhiều nấm tươi của ta trồng, nó không ơn thì chớ mà cứ xấc láo, gây hoài.
Lão Nhiếp Thủ biết Lạc Trí Toàn xỏ ngọt mình nên ngồi nín thít.
Văn Tú Tài lại phải giục Cung Đình kể chuyện. Trong phòng sực nức mùi
hương từ pho tượng tiết ra. Các ngọn bạch lạp cháy gần hết đã được nối
dài.
- “Đeo thanh Cự Khuyết sau lưng tôi rong ruổi giang hồ, thích gặp những
đối thủ có bản lĩnh cao siêu để trổ tài hơn kém. Bữa nọ, đặt chân đến
đất Hà Nam, vào quán rượu ăn uống, theo như thông lệ cá tính của tiểu
đệ, liền hỏi chủ quán rằng :
- Trong vùng này, tôi nhờ cụ chỉ cho biết người nào theo ý cụ là đã giết người ‘nhiều’ nhất?
Chủ quán ngạc nhiên hỏi lại :
- Ông quả là người ở xa mới đến nên mới đặt câu hỏi ngây ngô như vậy. Vì vậy nên mới không nghe đến danh từ Vạn Sát của Vạn Sát tiên sinh. Ba họ nhà tôi ba đời nay không hề bao giờ dám tự tay mình thọc huyết một con
chó, con heo, con bò chứ đừng nói cầm dao giết lấy một mạng người.
Như vậy cái nhà ông “thiên lôi” này dám đả sát một vạn nhân mạng. Vậy
phải coi là giết nhiều nhân mạng, nếu không nhất nước thì cũng nhất vùng nhất xứ.
Tôi nhắc đi nhắc lại danh từ Vạn Sát tiên sinh xem trong trí nhớ đã từng nghe qua cái tên đa sát này lần nào chưa? Lẽ tất nhiên là chưa nhưng
cũng thắc mắc không hiểu đã là tiên sinh tại sao lại còn Vạn Sát? Thằng
chả này thuộc bạch đạo hay hắc đạo, hay hắc bạch lẫn lộn, nửa ác ma nửa
thiện nhân?
- Vạn Sát tiên sinh là người ở đâu? Ông quán nói nghe chơi?
- Tiên sinh trước kia là người rất phước thiện, phải gọi là Vạn Đức tiên sinh mới đúng. Ông mất vợ từ lâu chỉ có một mụn con gái yêu quý tuyệt
vời. Vạn Thùy Oanh tiểu thư rất đẹp, bỗng dưng mắc chứng bệnh lạ lở mồm
lở lưỡi, mỗi lần nói năng thở hơi xú uế hôi thối khủng khiếp, thuốc nào
cũng không khỏi. Thế là Vạn Đức tiên sinh đổi tính trở nên Vạn Sát tiên
sinh. Người ta đồn đại từ ngày ông kiếm được khối hồng ngọc trong tảng
đá là ngày tiểu thư bắt đầu nhuốm bệnh.
Xưa nay thạch trung ẩn ngọc cho là đá tầm thường thì không sao, nhưng
phá vỡ đá lấy được khối ngọc ra như người thợ đá Biện Hòa khi xưa thì cô con gái không thở ra những hơi thơm như ngọc như châu mà trái lại cứ
thum thủm như mùi cóc chết hoặc trứng thối.
Tuy hai sự việc không liên can gì với nhau, nhưng người trong vùng đều
cho là ông đã phạm vào vị thần linh nào nên bị phạt tội như thế. Ông
kiếm được thợ ngọc tài giỏi đem về nhà khiến mài dũa khối ngọc thành pho tượng theo ý muốn của ông ta.
Người thợ mài ngọc là một chàng trai trẻ tuổi, đẹp trai nổi danh, hiếu
tử thờ phụng mẹ cha cho tới khi cả hai mãn phần. Tuy không được liệt vào nhị thập tứ hiếu nhưng nhiều người kính mến lắm. Anh thợ mài ngọc thấy
nhan sắc cô gái rất mê, song lẽ cũng không chịu nổi hơi thở nặng mùi của cô ta, nhưng chỉ là thầm yêu trộm nhớ chứ đâu dám đũa mốc lại chòi mâm
son, kẻ hạ tiện đòi làm chàng rể ông hung thần ác sát kia.
Biết là khối ngọc quý muôn vàn, anh muốn từ công phu tạo khối ngọc đó
trở thành pho tượng đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát để muôn đời sau biết
tài điêu khắc thiên bẩm của anh ta. Nhưng Vạn Sát tiên sinh lại muốn mài dũa thành tượng hình ác quỷ mọc sừng dùng làm một binh khí giao đấu
giết người.
Thế mới oái ăm giữa hai ý muốn trái ngược. Nhưng anh thợ ngọc biết nếu
trái ý ông chủ thì ông đập cho một phát chết tươi nên phải tạo hình
tượng ác quỷ.
Đúng là một pho tượng ác quỷ dữ dội nhất trên đời ai trông cũng hãi
khiếp. Và chủ nhân pho tượng quyết nhúng pho tượng vào vạn sát để tăng
thêm ma lực cho vật lạ này.
Đấy câu chuyện Vạn Sát tiên sinh tôi chỉ biết có thế, ông tò mò muốn
biết nên tôi mới kể cho nghe. Nhưng tôi khuyên ông một điều là đừng nên
gặp Vạn Sát tiên sinh kẻo máu ông dùng để nhuộm cho pho tượng quái gở đã đỏ lại thêm đỏ mà thôi.
Tôi trả tiền chủ quán và lẳng lặng ra đi.
Đêm hôm đó sau khi dò hỏi đường lối, tôi lẻn vào trang viện để xem pho
tượng kỳ quái, mục đích muốn thâu đoạt và giết lão chủ nhân tàn ác, trừ
hại cho mọi người.
Pho tượng được đặt trên bệ cao, tỏa ánh sáng đỏ uy nghi khác thường,
người thợ mài dũa ra nó quả thực là một thiên tài có một không hai. Tôi
có ý nghĩ đập bể pho tượng và nhờ người thợ đó mài thành đôi song thoa
kính tặng sư tỷ đáng mến của tôi để người luyện kiếm thay cho đôi trâm
vàng cài tóc.
Óc đương ngẫm nghĩ như vậy thì nghe gió thoảng sau lưng, tôi biết Vạn
Sát tiên sinh đã ra mặt. Y võ công tuyệt giỏi, nên mới có cử động nhẹ
nhàng như thế.
Thấy tôi đứng ngắm pho tượng, thần sắc vẫn ung dung, hắn biết tôi cũng
là một nhân vật khó chơi. Vì buồn rầu nên mặt mày hắn trở nên hốc hác,
các nếp nhăn khiến vẻ mặt thêm hung dữ, tàn phá những cái gì gọi là phúc hậu, vị tha trên dung mạo của một vị đại phú hộ danh tiếng đồn đại một
thời.
- Đêm hôm khuya khoắt, tôn ông hạ cố đến tệ trang vì chủ nhân hay vì pho tượng, xin cho biết quý hiệu?
Tôi lạnh lùng đáp :
- Vì cả hai. Pho tượng thì đập nát, còn người thì chém bỏ.
Vạn Sát tiên sinh vuốt râu cười khanh khách như đười ươi sắp xé xác mồi.
- Hay! Hay! Câu trả lời nghe thực oanh vàng thỏ thẻ, rất hợp tai ta.
Nhưng xem diện mạo khách giang hồ thường là đầu to, mũi lân thì hình như lão đệ là Giang Nam Hiệp Khách lừng danh thì phải?
Tôi kiêu hãnh gật đầu đáp :
- Đã biết danh hiệu thì ưng chịu ý muốn ta chứ?
Hắn bình tĩnh đáp :
- Suốt dải Giang Nam, hiệp sĩ đã muốn cái gì là trời muốn ai dám cản ý.
Nhưng hai việc yêu cầu đập bể tượng và chém bỏ người thì các hạ muốn yêu cầu việc nào trước, việc nào sao? Xin cho biết để làm xứng tôn ý.
- Đập bể pho tượng hung thần ác sát trước để mi khỏi hy vọng nhúng máu
tô tượng. Sau rồi mới tới chuyện mượn thủ cấp để giải hồn oan những
người đã thác khiến cho vạn cô hồn được đầu thai khỏi ngậm hờn nơi chín
suối.
Hắn tỏ vẻ thích chí xoa tay đáp :
- Thực nghe danh không bằng biết người, đáng mặt hiệp khách vị thế trừ
gian lắm. Lão phu này đã giết đủ vạn mạng có thừa mà không có thiếu một
nhân mạng nào, pho tượng đã xứng danh là Vạn Sát thần tượng nên cũng
chẳng cần đến máu hiệp khách làm chi?
- Vậy xin ngài cứ tùy tiện, mang pho tượng xuống mà đập bể đi cho rồi ta không ngăn cản. Làm xong việc thứ nhất rồi sẽ làm đến việc thứ hai. Đầu lão phu lúc nào cũng sẵn sàng để các hạ khai kiếm.
Tôi thấy Vạn Sát tiên sinh lễ phép thuận tình như vậy nên nghi ngờ là
hắn có mưu kế gì nên vận thần quang nhìn thẳng vào đáy mắt hắn để dò
xét. Hắn như hiểu ý liền thong thả lại bệ cao, lấy tay nhấc pho tượng
đến đặt trước mặt tôi nói :
- Không có cơ quan máy móc hãm hại gì hết! Tôn ông đã nghi ngại thì đây
pho tượng vạn sát đặt trước mặt tôn ông để tùy nghi định liệu. Tượng cao gần năm tấc nặng vô kể, trong suốt đã nhuốm máu hàng vạn người bị đập
bể óc tan xương. Đấy, tôn ông xem cho kỹ trước khi tiêu hủy nó đi.
Nói rồi, Vạn Sát tiên sinh buông tượng để đứng trên mặt bàn lùi lại phía sau không có chút ác ý hại ngầm chi cả.
Tôi chú mục quan sát càng nhìn càng thấy ánh đỏ rung rinh, thân hình quỷ mọc sừng như nhảy nhót, thách thức. Tôi vận hết đủ mười thành công lực
bình sinh rút kiếm phạt cho một nhát tượng dù là cột đá to bằng gốc cổ
thụ cũng bị sụm đổ.
Choang! Hào quang chớp nhoáng, tia lửa bắn tung tóe, thanh Cự Khuyết
lưỡi cong như vành trăng khuyết lớn đã gãy làm năm đoạn, những mảnh vụn
cắm ngập sâu trong tường vách chung quanh cả tấc.
Thôi thế là Cự Khuyết biến thành khuyết hoàn toàn, trong tay tôi chỉ còn chuôi cán khảm vàng nạm ngọc. Nhìn lại pho tượng vẫn trơ trơ, mặt quỷ
nhăn nhở như khiêu khích trêu rỡn.
Máu sôi sục trong huyết quản, tôi cầm lấy pho tượng vận khí lực dùng
phép tập công đại chưởng đánh cho tan nát bỏ ghét. Tiếng nó vang ầm, tòa trang viện cơ hồ muốn sụp mái, bụi bay mù mịt, lửa đỏ tóe ra mà pho
tượng vẫn trơ trơ không sây sứt một vết bợn nhỏ.
Vạn Sát tiên sinh vẫn trịnh trọng kính cẩn hỏi :
- Việc thứ nhất tôn ông không làm xong lại hư mất thanh Cự Khuyết. Như vậy không thể làm xong việc thứ hai rồi!
Trong lúc thần trí tôi còn đương hoang mang, hắn đã nhẹ nhàng đến tiếp lấy pho tượng và đặt ngay ngắn trên bệ đá cao như cũ.
Kế đó hắn quay lại vòng tay thi lễ và đơn đả mời chào :
- Bây giờ xin kính mời Giang Nam Hiệp Khách lừng danh giang hồ sang bên
khách đường để lão phu được mời uống trà chơi chúng ta đàm đạo chuyện
đời cho thỏa lòng hâm mộ.
Mặt tôi lúc bấy giờ tưởng như được hắn thêm một làn da tê giác, cứ dày
thộn, nghĩ bụng ba mươi chước, đào vi thượng sách, còn mặt mũi nào dám
vô uống trà nói chuyện với chủ nhân nữa.
Tôi liền vòng tay đáp lễ. Miệng nói hai chữ kiếu từ. Nhưng chân đã đánh
bài tẩu mã phi hành đến vút ra ngoài và có lẽ từ trước đến nay, đây là
lần đầu tiên Giang Nam Hiệp Khách hiểu nghĩa mấy chữ thế nào là vắt hai
giò lên cổ mà chạy...”
Mọi người nghe chuyện lấy làm thích thú. Thái tử phải tấm tắc ngợi khen :
- Cung khanh có biệt tài kể chuyện nghe chừng câu chuyện về pho tượng kỳ bí này còn dài. Thị vệ tìm xem còn bao nhiêu rượu và món nhậu vừa nghe
chuyện đêm nay. Ngàn vàng dễ có, chuyện hay không phải dễ được nghe!
Câu Hồn vẫn ngủ ngáy khò không ai dám động đến cô gái nhỏ, Lạc Trí Toàn liền hỏi :
- Cô nhỏ ngủ, sao không sai người vực vô giường cho cô ấy được an giấc.
Cung Đình vội xua tay :
- Ấy chớ! Đừng động đến con mũi khoằm ấy nó tỉnh dậy thì lắm chuyện lắm.
Lạc Trí Toàn nghĩ bụng không biết con bé này nó là ai mà xem mọi anh
hùng hiệp khách có mặt ở đây đều có vẻ sợ hãi nó như vậy. Mình là thằng
cả đời chuyên làm việc kỳ ngộ, sưu tầm những cái gì chướng tai gai mắt
nhất thiên hạ, thế mà câu chuyện về pho tượng hồng ngọc này với cô gái
gục ngủ nơi kia mà không biết mảy may gì về tượng và cô gái thực chẳng
xứng đáng với chữ khảo cứu gia uyên bác một chút nào.
Nhưng Cung Đình đã kể tiếp nên chẳng tiện hỏi thêm.
- “Từ ngày bị xể mặt, gãy kiếm báu tôi mới cố gắng học phi kiếm như sư
tỷ nếu không chơi dao mãi có ngày bị đứt tay, chơi kiếm bị gãy kiếm còn
trơ hai tay không, dễ bị nguy lắm!...
Ẩn tích giang hồ trong một thời gian khá lâu để luyện kiếm ngày tôi tái
xuất hạ sơn là nghĩ ngay đến Vạn Sát tiên sinh muốn tìm để xem kẻ giết
vạn người còn hiếu sát hay không?
Ngày đó ma đầu đại đạo, lục lâm cường khấu đầy rẫy khắp nơi nhưng đôi
ngân kiếm của tôi không dùng để chém ngang bổ dọc như hồi trước. Tôi rất thận trọng trong việc phi kiếm giết người. Tôi dự định muốn giết ai thì phi kiếm, chỉ đâm lỗ nhỏ trúng giữa ót không làm nhỏ một giọt máu.
Trừ trường hợp một cự địch ngàn người, không thì giờ đâu chọn nhằm trúng huyệt, mới lia cho rụng đầu mà thôi.
Danh tiếng Vạn Sát tiên sinh cũng bị tiêu ma rồi. Tòa trang viện nguy
nga rộng rãi khi xưa chỉ còn là một bãi trống hoang tàn. Tường xiêu vách đổ, chỗ nào cũng cỏ lau mặt đất rêu phong dấu giày”.
Văn Tú Tài hỏi :
- Vị võ sư nào đã đả bại Vạn Sát tiên sinh? Tại sao pho tượng ác quỷ
bằng hồng ngọc cao năm tấc lại thành pho tượng Phật bà ba tấc? Ai mà mài dũa nên?
- “Tôi chịu khó lân la thăm dò tin tức. Thực ra thì không có một ai đánh thua tiên sinh. Trái lại, từ sau khi lu mờ danh tiếng Giang Nam Hiệp
Khách của tôi, di tích thanh Cự Khuyết bị gãy làm năm bảy đoạn tại tư
thất tiên sinh đã nâng cao địa vị ông ta lên ngôi tột bực trong chốn
giang hồ.
Nhưng ông vẫn như một con cọp dữ hành động biệt lập không lập một hệ
thống tôn phái nào cả. Ông đa sát chỉ vì thất vọng bởi bệnh tình của cô
con gái ông ta mà thôi.
Người thợ mài ngọc vô danh đã tạo ra loại võ khí giết hàng vạn người đó, hình như bị lương tâm cắn rứt. Hắn quyết hy sinh để mài dũa cho pho
tượng ác sát quỷ thành pho tượng Phật bà cứu nhân độ thế mong thay đổi
tính nết chủ nhân pho tượng.
Hắn nói với tiên sinh là có thể mài dũa cho bộ mặt quỷ sứ thêm dữ tợn,
những nét khắc chạm trước kia còn chưa được tinh xảo để xứng đáng là tác phẩm đệ nhất. Vạn Sát tiên sinh hồi đó đã biến thành một ác quỷ sống
thực sự rồi. Thấy nói vậy thì thích lắm trao cho người thợ pho tượng để
bổ khuyết lại những nét xét ra còn quê kệch.
Pho tượng không được đem về nhà. Phải sửa chữa ngay trong trang viện lẽ tất nhiên là dưới sự canh phòng của chủ nhân ông.
Anh thợ lại được dịp gặp gỡ cô gái mắc bệnh xú khẩu nhưng cam tâm. Anh
ngỏ ý kiến muốn tái tạo cho khối ngọc thành hình tượng Phật bà với sự
tán thành rất mực của cô này.
Thấy con gái săn sóc sự mài dũa nên chủ nhân cũng không theo dõi làm gì, cho tới ngày Vạn Thùy Oanh tiểu thư hớn hở chạy lại báo cho cha biết
tin mừng là pho tượng đã hoàn thành đẹp đẽ bội phần? Vạn Sát tiên sinh
thất kinh kêu lớn :
- Ủa! Sao lại xinh đẹp! Phải nói là kinh khiếp hung tợn chứ?
Ông quá chú tâm đến pho tượng nên không để ý tới một sự biến đổi phi thường ở ngay ái nữ của ông.
Nghĩa là, tôi muốn nói, hơi thở của cô ta thơm phức như lan như huệ, đúng là miệng hoa lòng gấm.
Vạn Sát tiên sinh chạy vô thư phòng thấy pho tượng chỉ còn ba tấc cao,
tạc hình đức “Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”. Một tượng từ bi tươi sáng như bình minh, ánh sáng phản chiếu tỏa hồng quang dưới
nhiều góc cạnh, nếu chú ý mới biết kẻ mài dũa đã đặt hết cả lòng thành
kính, tâm niệm và tinh hoa nghề nghiệp tạo nên.
Anh thợ như người mất hồn chỉ đăm nhìn pho tượng không chớp mắt. Vạn
Thùy Oanh chắp tay quỳ bên, mắt nhắm miệng lâm râm khấn vái những gì
không rõ.
Hình ác quỷ mọc sừng quen thuộc đã biến đi mất rồi! Tiên sinh máu sôi
sùng sục trong đầu, nghiến răng nghiến lợi quát tháo như sấm động :
- Ai xúi chúng mày làm vậy để phá bảo vật binh khí của tao?
Người thợ ngọc say sưa với tác phẩm của mình đâu có trả lời.
Và bốp, Vạn Sát tiên sinh đã không ngần ngại cầm pho tượng đập vào hoa
cái người tạo ra nó. Máu đỏ chảy thành dòng nhuốm thân hình tượng tạo
nên những đường gân máu mà quý vị trông kìa, không tài nào lau chùi sạch vì... máu đó đã thấm vô sâu bên trong.
Vạn Thùy Oanh mở mắt thấy vậy thét lớn và lăn ra chết giấc. Lúc đó, Vạn
Sát tiên sinh mới hay là con gái mình đã khỏi bệnh. Nhưng nàng mở mắt
nhìn cha với đôi mắt u buồn não nuột, và yêu cầu xin cho được ôm pho
tượng vô ngực, rồi cứ thế thiêm thiếp từ trần.
Mùi lan hương nhẹ nhàng phảng phất trong hơi thở ấm áp cuối cùng trút ra như quyện lấy bầu không khí thê lương trong phòng”.
Và đến đây Cung Đình ngừng lại, nhấc chén vàng đựng rượu uống một tợp,
đôi cánh mũi lân nhè nhẹ hít hương thơm đương tự pho tượng tỏa rộng ra
thơm ngát căn phòng.
Câu Hồn đương ngủ, đôi lỗ mũi cũng hấp hây hít hương thơm và đôi mí mắt khẽ chớp chớp.
Lão Nhiếp Thủ hai mắt nhìn trừng trừng vô pho tượng, hỏi dồn dập :
- Thế là hết đời đôi trẻ! Sao nữa? Thằng Vạn Sát ra sao? Bồ có tìm đến chém nó đứt mẹ cái đầu đi không?
- “Có, có tìm đến, và tìm gặp nó trong một tiểu am đổ nát, pho tượng
Quan Thế Âm đặt trên bệ thờ trong một đêm mưa tầm tả, dưới bóng sáng hiu hắt của bấc đèn dầu gần tàn lụi.
Vạn Sát tiên sinh chỉ còn là một người ốm nhom, thân hình tiều tụy quần áo rách như xơ mướp.
Nó giương đôi mắt mờ sâu hoắm, giọng yếu ớt bảo ta rằng :
- Tôi mất công chờ hiệp khách nhiều tháng trời ròng rã. Tôi biết thế nào hiệp khách cũng trở lại tìm tôi. Và hắn kể lại đoạn sau câu chuyện mà
các quý hữu vừa nghe, tại sao con gái hắn và người thợ ngọc đã chết?
Kết cục câu chuyện đau lòng này không ai rõ. Mọi người chỉ biết trang viên bị cháy rồi hai cha con Vạn Sát mất tích luôn.
Từ nay không còn kẻ giết người nhiều nhất tại miền Hà Nam. Danh hiệu Vạn Sát và truyền thoại pho tượng thần bí sẽ đi dần vào bóng tối. Hắn yêu
cầu tôi ra tay phi kiếm chém cho hắn chết theo con gái và lấy pho tượng
mang đi. Nhưng hắn có biết đâu rằng, tôi đã thờ thẫn bỏ đi không quay
trở lại tòa am nhỏ... Trong óc tôi vẫn phảng phất thấy hình dáng Vạn
Thùy Oanh ôm pho tượng và gọi người cha điên dại về bên kia cõi chết...”
Mọi người nghe Cung Đình kể chuyện cũng thấy buồn lây, một mối buồn mênh mông; một pho tượng và ba tâm hồn đau khổ.
Nhưng Câu Hồn đã nhỏm dậy từ hồi nào, lấy tay ký cho Cung Đình một cái kêu cốc làm cậu nhỏ ôm đầu kêu ối chao!
- Nè! Cái đầu óc mê gái này...
Cô nhỏ nhái lại giọng trầm buồn: ‘Đầu óc tôi... vẫn phảng phất hình dáng Vạn Thùy Oanh’... Bồ yêu con nhỏ đó hả! Này tôi nói cho mà nghe, con
nhỏ ấy nó cậy nó xinh đẹp nói hỗn với tôi nên tôi lấy lông sâu róm chà
sát vào trong miệng lưỡi, nên phát sinh chứng lở lói miệng lưỡi như vậy
biết không?
Mọi người trố mắt nhìn Câu Hồn ba hoa giải thích. Nhất là Lạc Trí Toàn chú ý tới cô nhỏ từng câu nói một.
- Còn thằng bố đẻ ra nó, chính tao bắt phải giết đủ vạn mạng. Nó nổi
tiếng nhơn đức lắm mà, cứu vớt hàng trăm ngàn kẻ khó cứu người lấy
tiếng, giết người cũng để lấy tiếng, thế là huề.
Lạc Trí Toàn lẩm bẩm :
- Không biết con ranh con này là ai? Mũi gì mà gồ như trái núi giữa mặt, nom phát ghét. Nghe nói thôi cũng biết lòng rắn tâm heo của nó, nghĩ
phát ớn lạnh! Vẻ thật đáng ghét!
Cô nhỏ Câu Hồn trừng đôi mắt cú vọ long lanh phát tia sáng nhìn ngắm Lạc Kỳ nhân rồi nói nheo nhéo.
- Người với chả ngợm! Trông chả ra cái giống đếch gì cả mà lại có chùm
lông tự trong tai mọc ra. Này nói cho biết: Chỉ có các bồ của tao mới
được nói đụng chạm đến cái mũi của tao. Còn mầy là thằng nào xía vô tao
cũng làm cho miệng thở hơi thúi hoắc cho mà coi. Pho tượng này làm ta
tỉnh ngủ. Vật này từ nay kể của ta đứa nào mó vào bà đập chết tươi. Vàng bạc châu báu ở đâu mà lắm thế này? Tìm được kho tàng rồi hả? Bản đồ kho tàng này do tao tìm thấy trước nhất, việc chia do tay tao.
Nói rồi thò tay thủ lấy pho tượng cài vào thắt lưng. Cung Đình vò đầu bứt tai.
- Thôi thế là bỏ mẹ rồi! Lạy van mọi người đừng ai trêu chọc vào nó lúc này mà khốn! Nó phá đám không gì cản trở nổi!
Các người khác biết tính nết bà cô ông mãnh nhỏ tuổi này nên tiếp tục ăn uống và tán tụng Câu Hồn. Riêng có Lạc Trí Toàn thấy cô nhỏ quá ư làm
tàng nên không thể nhịn nổi, liền hét rằng :
- Này con nhỏ nghe ta nói! Ở đây toàn người lớn. Mày có buồn ngủ thì vô
trong nhà mà ngủ để cho người lớn nói chuyện. Đừng thấy mọi người chiều
chuộng tỏ thái độ nhõng nhẽo. Ăn đòn nghe!
Câu Hồn quắc mắt đáp :
- Thằng người nộm này mới được móc ở lỗ nào chui lên vậy? Mày nói những
gì nghe kỳ cục quá chừng? Ở đây con ông vua, bà vương, Thiên tuế, Quận
chúa, tước hầu, tướng quân binh chủ đều quý nể ta. Chiêu đãi ta. Thế mà
mày muốn cho ta đi ngủ, ban ngày mầy bắt tao đi ngủ, tao chịu. Còn ban
đêm ta muốn thức mà lại bắt ta đi ngủ thì phải cho uống thuốc mê uống
rượu cho say từ lúc mặt trời chưa lặn.
- Tao đã thức giấc mà lại muốn trái ngược lại thì Hoàng đế cũng chẳng có tài bắt ta được nữa là mi!
Lạc Trí Toàn đưa mắt hỏi lão Nhiếp Thủ như muốn nhờ giái thích vì hắn chẳng hiểu cô nhỏ nói chi, có bị lãng trí hay không?
Lão Nhiếp Thủ thực thà xác nhận :
- Nó nói thiệt đấy, không xí gạt cụ đâu. Đừng trêu chọc nó. Phiền bực lắm!
Lạc Trí Toàn nửa thực nửa bỡn bảo Câu Hồn :
- Nhỏ con đưa tay ta chẩn mạch coi xem bị bệnh gì mà lại ưa nói xàm như vậy?
Miệng nói tay dùng miếng cầm nã Thiếu Lâm chộp lấy tay cô nhỏ. Nhưng Câu Hồn dùng ngón tay điểm vào huyệt Xích Trạch định làm tê bại cánh tay
đối thủ. Lạc Trí Toàn giật mình thụt tay lại, vận hết nội lực định
truyền sức hút để trị tội Câu Hồn vô lễ.
Hai bàn tay chạm nhau, Lạc Trí Toàn tưởng là nắm phải toàn mũi kim nhọn
làm đau buốt thấu óc. Hắn liền dùng độc thủ định bẻ gảy cánh tay khẳng
khiu của cô nhỏ. Lại một thất bại nữa vì Câu Hồn đã định dùng cườm tay
chặt bàn tay Lạc Trí Toàn, rắc!
Vì chém hụt nên góc bàn bị rớt xuống đất như lưỡi sắc phạt nhầm. Câu Hồn từ từ đứng dậy giao hẹn với mọi người :
- Tôi xin đừng ai cản ngăn. Tôi đập cho nó chết bà! Phen này rồi thằng
Chí Thanh cũng sẽ bị tôi vấn tội vì dạy võ Thiếu Lâm cho thằng người nộm này mà không xin phép bà chị hắn.
Miệng nói tay vung pho tượng đuổi đánh Lạc Trí Toàn. Đạo hồng quang bay
vun vút khí thế như con rồng đỏ xuất hiện, tiếng rít xé không khí tưởng
chừng không có một năng lực nào có thể đương cự nổi làm Lạc Trí Toàn
xuất hạn đầm đề, miệng kêu cứu chân chạy nhanh như gió tìm nơi ẩn núp.
Chỉ đến thoáng một cái hai người đã đuổi nhau ra ngoài sân. Rồi nghe
thấy tiếng đá đổ ầm ầm gió bảo nổi lên như cuồng phong lốc cuốn. Không
ai biết làm cách gì để ngăn cản Câu Hồn ngưng tay.
Lão Nhiếp Thủ cầm bát rượu uống ừng ực, rồi cất tiếng la lối :
- Chui xuống giếng mà trốn mới thoát được! Chậm chân chậm cẳng chết nát xác với nó đấy. Cụ ơi!...
Nghe lời mách nước như sực tỉnh cơn mê Lạc Trí Toàn ba chân bốn cẳng
chạy vào trong nhà giam chui tụt xuống giếng sâu để tránh những miếng
đòn ác liệt của cô nhỏ người nhưng không nhỏ sức.
Vốn đã quen với địa thế trong hang ngầm, Lạc Trí Toàn khấp khởi mừng thầm nghĩ bụng :
- “Mày mà đuổi theo ông xuống dưới hang sâu này thì chết với ông! Ông sẽ lừa dẫn vô mê lộ cho trượt chân té xuống suối ngầm cho chết mất xác”.
Tưởng đâu tài len lách trong kẽ đá của mình nhanh như con trạch, ai ngờ
Câu Hồn hình như thích thú với trò cút bắt trong bóng tối lúc nào cũng
rượt theo bén gót. Đã đôi ba lần Câu Hồn phóng chưởng đánh theo đá núi
rơi lả tả suýt trúng Lạc Trí Toàn làm hắn ta kinh hồn bạt vía, than thầm mạng ta nguy mất. Con nhỏ lợi hại vô cùng. Dám đoán quyết là Chí Thanh
thiền sư có ra tay đối chọi với nó cũng không dễ đánh lại, huống hồ,
trong tay nó có vật chí bảo đập trúng đâu đá nát vàng tan nơi đó.
Cũng may mà trong bóng tối, mình quen thuộc đường lối nếu không thì đã
mất mạng vì tay cô nhỏ rồi. Kỳ lạ thay, mấy lần nấp đã kỹ nơi bóng tối
thế mà Câu Hồn cũng tìm tới dễ dàng, hình như mắt nó có dạ quang, trong
bóng tối xanh lè như mắt ma coi đến khiếp.
Trong lúc thậm cấp chí nguy, nghe văng vẳng có tiếng gọi :
- Chạy mau lên lối này mới sống được!
Lạc Trí Toàn chẳng biết sao nữa, đành phải leo lên chỗ phát ra tiếng
nói. Đương nhoài mình ngoi lên thì thấy có bàn tay thò ra kéo hắn chui
vào một khe nhỏ khác trong địa đạo tối om.
Cứ tưởng có mình tài giỏi chui lủi trong lòng núi, ai ngờ còn có người
len lỏi nhanh hơn mình và biết rõ đường lối hơn mình. Người thân hình
quả cầu tròn đi trong lòng đất vun vút nhanh khôn tả. Bị người đó nắm
tay lôi đi sềnh sệch qua những ngõ ngách mà chính hắn ở lâu dưới địa
huyệt cả tháng mà cũng không biết là lối đi nào?
Thấy nước suối chảy ào ào ướt sũng mặt mũi quần áo, rồi cả hai như pháo
thăng thiên vọt ra đến ngoài. Nhờ ánh sao, Lạc Trí Toàn mới biết kẻ cứu
mình chính là ông già lùn Thần Hành Nụy Cước. Chân ông ta ngắn ngủn,
nhưng tài độn thổ của ông ta thực không kém Đậu Nhất Hổ đời Đường thuở
trước.
Ra tới bên ngoài, Nụy Cước bảo :
- Chúng ta phải chạy về tụ nghĩa sảnh kêu xin Đông Cung thái tử can thiệp bảo con nhỏ ghê gớm đó dừng tay mới xong.
Hai người phi thân chạy mau về phía ngôi nhà lớn, đèn đuốc còn thắp sáng trưng, vừa bước tới ngưỡng cửa, quần áo còn ướt lướt thướt đã thấy con
nhỏ mũi gồ quỷ quái ngồi chễm chệ trên ghế giữa hai bồ của cô ta là cậu
Trương Bỉnh Nhi và Cung Đình trò chuyện, ăn kê thang, vừa ăn vừa trò
chuyện như chưa hề xảy ra chuyện chi cả.
Đúng là trẻ nít không biết nhớ lâu. Nóng giận đấy rồi lại quên ngay đấy. Cô nhỏ kể chuyện đuổi nhau cút bắt trong hang hốc có vẻ vui thích cái
trò đùa đó lắm.
- Thằng mọc lông lỗ tai chạy trốn nhanh lắm suýt nữa đánh trúng nó mấy
lần. Chơi trò ú tim với nó, thực là khoái chí. Ăn xong cháo gà, chúng ta xuống dưới đó nô rỡn coi chơi xem sao.
Lão Nhiếp Thủ tán róc :
- Đuổi bắt người không khó. Phải ráng tìm bắt những con thằn lằn núi mới khó. Tôi thách đố mấy cô, cậu xuống dưới bắt cho tôi vài con để nếm thử xem thịt nó có ngon không?
Trương Bỉnh Nhi nói :
- Tanh hôi thấy mồ ăn thế nào được? Anh Cung Đình nói dối cụ chứ ăn thịt thằn lằn sẽ đau bụng mà chẳng thể mọc được thịt ngón tay đâu?
Cung Đình cũng chế nhạo :
- Lão già tham ăn nên dễ bị người ta xí gạt. Con người ta đã có chủ kiến trong đầu dễ bị lầm lẫn. Lão già tham ăn nên trở nên ngu ngốc như Trư
Bát Giới. Giả thử không bảo ăn thịt thằn lằn, bảo ăn phân thằn lằn lão
cũng ăn tuốt.
Lão Nhiếp Thủ biết Cung Đình và Câu Hồn là hai thứ dữ chỉ cười xòa không dám tỏ vẻ tức giận.
Trương Bỉnh Nhi bảo Câu Hồn :
- Bồ lấy tượng Phật bà đuổi đánh người ta như vậy là lỗi lắm.
Câu Hồn dẫu mỏ hỏi :
- Tại sao vậy?
- Tượng Phật để thờ cúng chứ đâu phải là vật để giao chiến. Bồ lấy tượng đặt trên bàn coi kỹ xem.
Sau khi pho tượng hồng ngọc được đặt ngay ngắn trên bàn. Trương Bỉnh Nhi cắt nghĩa :
- Người ta bảo Phật bà Quan Âm hay phù hộ độ trì cho những kẻ lâm bước
khốn cùng. Cứ tụng niệm danh hiệu của Phật giới thì Phật bà sẽ hiện ra
cứu giúp, Phật bà hay cứu giúp những đàn bà trẻ nít. Thành tâm cầu khẩn
việc gì thì sẽ được như nguyện. Phật bà rất linh ứng nên khắp trong nhân gian, không đâu là không có hình ảnh tượng thờ Phật bà và danh hiệu
Quan Thế Âm Bồ Tát thì ai ai cũng có sẵn trên môi. Hãy trông nét mặt từ
bi của người thì hiểu lòng từ bi của người vô lượng, vô hạn. Ngày xưa Tề Thiên Đại Thánh đại náo Thiên Cung, không một thiên binh thần tướng nào chế ngự nổi thế mà Phật chỉ giơ bàn tay ra là thành năm quả núi đè lên
con khỉ thành tinh giam hãm nó năm trăm năm chừng tới khi con khỉ chịu
quy y mới giải thoát. Mang tượng Phật bà làm đồ binh khí đi đánh đập
người ta là một sự lợi dụng nặng tội lắm.
Câu Hồn lắc đầu không tin :
- Đó chỉ là những huyền thoại. Chỉ những người ưa tin nhảm mới tin như
vậy. Những người giỏi võ nghệ, luyện tập công phu như chúng ta không nên tin nhảm. Chỉ có sức mạnh là đáng kể. Đầu óc của kẻ mạnh không nên mê
tín. Lập ra một thần tượng để mọi người tin theo, thành một sức mạnh lôi cuốn để chế phục và ngự trị thiên hạ, ta thấy cũng rưa rứa như nhau.
- Cũng như nhau, nhưng một đằng chiêm bái để cho tâm hồn thảnh thơi,
thoải mái, mát mẻ như kẻ khát được uống bát nước suối lành. Còn một đằng tôn thờ một thần tượng để đuổi theo một cuộc chém giết vô tận cũng như
đã khát mà lại uống thêm nước mặn. Máu mặn và tanh hôi lắm! Tượng Phật
trả vào đền thờ cúng. Còn đôi bàn tay của bồ sắc hơn dao dùng để đánh
nhau cũng được rồi.
Câu Hồn bảo Trương Bỉnh Nhi rằng :
- Không ai có thể bảo ta phải chịu nghe lời. Chỉ có bồ bảo sao ta phải
nghe vậy vì chí có một mình bồ là tốt với ta, che chở ta lúc ban ngày
khi chân lực bị phân tán. Vậy nếu bồ thích ta cho bồ pho tượng Phật bà
đấy. Mang pho tượng này chỉ tổ nặng thêm, hai bàn tay ta đủ sức bóp chết voi rồi!
Cung Đình cười hi hí :
- Con nhỏ mũi gồ đêm nay ngoan ngoãn quá. Rất đáng khen. Thế này thì ban ngày chẳng nên bắt nó uống thuốc mê hay đổ rượu cho nó say ngủ nữa. Ban ngày phải cho nó ăn ngon và ngủ ngày, nghỉ ngơi tùy ý.
Phong Vân và mọi người đều xúm nhau vào tán tụng :
- Câu Hồn nữ chủ cô nương ngoan ngoãn rất mực đáng hoan hô!
Câu Hồn ngạc nhiên hỏi mọi người :
- Tôi đáng được hoan hô lắm phải không? Hoan hô thì hoan hô nhưng điều
tôi ưng ý nhất là ban đêm tôi không bắt nạt các người thì ban ngày các
người cũng không nên bắt nạt tôi, nghe!
Thái tử nói :
- Ta cam đoan là ban ngày ai mà đụng tới Câu Hồn nương nương thì ta sẽ nghiêm trị!
Câu Hồn thích chí vỗ tay cười lớn :
- Nương nương! Lần đầu tiên ta được nghe con ông vua gọi ta là nương
nương. Thái tử là người tốt. Đã phong cho ta chức nương nương thì các
người khác phải xưng hô ta là đại nương nương.
Lạc Trí Toàn từ ngoài khúm núm bước vô :
- Kính thưa đại nương nương! Đứa nào ban ngày động chạm tới lông chân
nương nương, bần đạo sẽ tặng cho nó ba chưởng bể sọ. Mô Phật!
Câu Hồn gật gù nhắm tít cả hai mắt thưởng thức danh từ xưng tụng của địch thủ hồi nãy của mình.
Lạc Trí Toàn hướng về pho tượng, chắp tay vái lấy vái để :
- Phép lạ đã tựu thành! Kẻ ác đã hồi tâm! Câu Hồn nương nương tỉnh giấc ban đêm là điều hạnh phúc cho nhiều sinh mạng.
Bà Song Trâm khôn ngoan thu lấy pho tượng cất đi và nói rằng :
- Phật bà Quan Âm thật là linh ứng! Câu Hồn không muốn người ta bắt uống thuốc ngủ ban ngày thì bây giờ đã được như nguyện. Phật bà hay thương
trẻ nít lắm mà...
Nói rồi ghé tai Phong Vân bảo :
- Cất kỹ bảo vật, ta e Câu Hồn mang linh tượng trong người, vừa giải
được cơn say rượu, không chừng lại giải cả hai huyệt Thiên Trụ và Quang
Nguyên vì ánh sáng bảo vật đã làm lành sợi gân bị tê liệt phong bế hai
huyệt này.
Cao Tú Sĩ nghe thấy vậy giật mình kinh sợ, lấy tay véo đùi Đan Tâm ngồi cạnh như để thông cảm ý tưởng trong đầu óc hai chàng :
- Trời! Chúng ta chỉ còn có một bí thuật là cọ sát hai mảnh kim khí phát ra những tiếng rít lanh lảnh để chế ngự nó. Bây giờ nó không còn sợ
tiếng hai đồ vật kim khí chạm nhau thì trở nên của bất trị rồi! Lấy gì
kiềm giữ con nhỏ la sát đó!
Hai chàng thầm khen phục bà Song Trâm cao trí hơn và yên tâm khi thấy
Thiết Như Hoa tiểu thư vâng lệnh mang pho tượng cất giấu đi nơi khác.
Mọi người đương bàn soạn hỏi chuyện Lạc Trí Toàn có đủ năng lực thuyết
phục Chí Thanh thiền sư, chiêu nạp những vị sư võ nghệ giỏi nhất để ủng
hộ Thái tử đánh bại Hắc Y Đạo đương bành trướng thế lực ra khỏi Bạch Hoa cương không?
Chợt thấy quân canh chạy vào cấp báo có kẻ lạ bị vọng gác địa đầu chặn
lại. Kẻ lạ mang trong người một bức thư nói là vâng lệnh Mao Sơn bang
chúa đến mời chủ trại Mỏ Diều tới phó hội.
Bà Song Trâm truyền lệnh vị chủ soái đương bận mật nghị tại đại sảnh nên không tiếp sứ giả. Nếu có văn thư quan trọng lấy trình bà xem.
Đọc xong phong thư, mọi người mới vỡ lẽ là những bảo vật kim ngân trong
kho tàng không phải hoàn toàn do bọn cướp Mỏ Diều đánh cướp các nơi đem
về tàng trữ mà phần lớn là do Mao Sơn bang chúa nhờ cất giữ vì Bạch Khô
Lâu là nơi hiểm địa.
Hắc Y Đạo đã phát lệnh cho những cuồng khấu, đạo thiết nhất tề nổi dậy
đánh phá phách các nơi, những tên trùm đầu trộm đuôi cướp tranh nhau
chức vị nên có tổ chức một đại hội mục đích đem trình bày những đồ vật
đã đánh cắp được. Đồ vật nào quý giá nhất sẽ ấn định ngôi vị cao nhất
cho người làm chủ nó.
Rồi tùy theo sự lượng giá vật mà định thứ vị trong hàng ngũ anh em cướp
đường, cướp chợ, cướp ngày, cướp đêm, bẻ khóa, móc túi hay cướp giật...
Tượng ngọc Phật được kể là một trong những vật chí bảo có thể giúp cho
Mao Sơn bang chúa đứng ngôi trùm “Thanh Tượng”. Còn vô số chức vị khác
như Hắc Cẩu, Bạch Miêu, Hoàng Thừ chỉ những kẻ đã gia nhập trong đoàn
thể “coi của người cũng như của ta” và có tài thách đố nhau lấy được
những vật kỳ lạ và khó khăn nhất trên đời. mới được ưa chuộng mà thôi.
Mao Sơn bang chúa cung kê khai một vài bảo vật có thể là đối tượng tranh chấp với tượng Ngọc Di Đà như Linh Chi Kỳ Diêp, Bạch Tuyết Liên Hoa,
Lạc Hồn thủ pháp kỳ thư, Sơn ca điểu biết nói tiếng người, cổ kiếm, bảo
đao, Bát tiên, cổ họa...
Lẽ tất nhiên đa số những người ngồi quanh Thái tử đều là giang hồ kỳ
hiệp, người nào cũng để hết tinh thần theo dõi bước thứ nhất là đoạn kê
khai những vật chí bảo trong nhân gian.
Khi thấy kê tên quyển sách kỳ quan “Lạc Hồn thủ pháp Kỳ Thư” thì không
những chỉ riêng có Câu Hồn giật mình kinh sợ vì không hiểu tại sao cả
đến bọn “ăn sương” chạy hiệu cũng có quyển sách hiếm có ấy được?
Cao Tú Sĩ nhớ lại chính Lý Thanh Hoa cũng phải tử công phu mới dùng sức
óc thuộc nhớ một phần, U Linh nữ chủ cũng chỉ có một đoạn, Câu Hồn sở dĩ làm mưa làm gió, muốn làm những việc vá trời lấp bể cũng nhờ quyển sách nhỏ này. Cả đến Cung Đình muốn “cải lão hoàn đồng” cũng phải dụng công
phu rất nhiều theo phương sách truyền dạy trong bí kíp đó.
Thế mà ngày nay phương thuật cao siêu đó đã rơi lọt vào tay những tên vô danh tiểu tốt, lưu manh “hạng bét” thì có tức cười không?
Câu Hồn nổi đóa muốn đứng dậy, ngay đêm đó tức khắc đi tìm Mao Sơn bang chúa để vấn tội quân ăn cắp.
Cung Đình vội cản ngăn :
- Bồ đừng nóng giận như vậy! Bây giờ khởi hành, tới nơi trời đã sáng tỏ. Mao Sơn bang chúa sẽ bắt bồ dễ như bồ bắt cóc, bắt nhái. Chưng khi ấy,
bồ làm thế nào để chống đỡ lại, không lẽ lại giở trò “ngủ nhè” để lạy
van nó sao? Tốt hơn hết phải bình tâm để những người trầm tĩnh, có mưu
kế thần diệu bàn soạn tìm phương pháp tiêu diệt bọn chúng, rồi tận thu
bảo vật có hơn không?
Câu Hồn đành ngồi xuống, buồn thiu, và không dám phản ứng nữa. Phong Vân quận chúa nói :
- Đối với kẻ cướp lưu manh, mình không tới nó, nó sẽ tìm tới mình ngay.
Nếu chúng biết Thái tử ngự giá tại đây, tất nhiên tin tức sẽ loan truyền nhanh chóng. Chúng ta cô thế, thiếu lực làm sao thụ địch bốn bề thật là nguy hiểm!
Bà Song Trâm nói thêm :
- Xem kỳ hạn trong thư thì chúng ta chỉ còn được vài tuần. Xuất binh lúc này e không tiện. Địch đương lùng ta. Chúng không ngờ ta đương náu mình trong ổ giặc. Đó là một điều rất có lợi, ra ngoài dự liệu của địch.
Nhưng không thể ở đây lâu được, vậy nên tìm lực lượng tương trợ cho kịp
thời.
Cao Tú Sĩ nói :
- Từ đây đến Diên Bình không xa. Tôi có thể đi gấp đường bằng Bạch Mã
Long Câu đến Quảng Mục trường, hội ngộ cùng Thanh Diện Thần Quân và Tiểu Bạch cô nương hỏa tốc đem bản bộ thuộc hạ đến cứu giá. Một khi lực
lượng đã đông đảo thì chúng ta đi phá tan những đảng cướp mới nhen nhúm. Đồng thời chặt dần vây cánh Hắc Y và bảo vệ Thái tử về triều lật mặt
những tên giả mạo.
Nàng Chi Mai bàn tiếp :
- Nếu bà Song Trâm mà cùng mưu việc với bà Mã phu nhân thì công việc
được vẹn toàn vì Mã phu nhân “thần cơ diệu toán” vô cùng. Việc đối đầu
với Hắc Y Đạo nên giao cho Lý Thanh Hoa công tử. Tôi chắc chắn trên đời
này không ai có thể chống cự được với thanh Siêu Điện Kiếm của Lý công
tử. Tôi đã từng mục kích Lý công tử chém đứt đầu Bạch hổ tinh. Nên sai
người mời công tử lại giúp Thái tử thì hơn. Tôi sẽ tình nguyện đi cùng
Lý công tử vô hoàng thành do thám, phá phách chúng một phen cho chúng
thất điên bát đảo.
Thái tử cũng nói :
- “Cứu binh như cứu hỏa”. Không thể lấy nước xa mà chữa cháy lửa gần.
Cao khanh nên mời Thanh Diện Thần Quân đem toàn lực lại đây hợp với lực
lượng của ta về chiếm đóng Nhữ Nam. Ta sẽ phát hịch kể tội Thân vương và phái kiếm khách nào tài giỏi vô hoàng thành bảo vệ phụ hoàng. Danh
chính ngôn thuận toàn dân theo ta, ta cử binh về tái chiếm thủ phủ, đó
là kế hoạch chính đáng nhất.
Bà Song Trâm chưa kịp nói gì, Thái tử đã nheo mắt nhìn Cao Tú Sĩ đề nghị :
- Cao huynh nên đi cùng Văn Tú Tài. Hai người ý hợp tâm đầu không để lớn việc lớn, vả chăng ngựa Thanh Phong của Văn huynh cũng là một tuấn mã
hiếm có, ngày đi ngàn dặm. Văn huynh sẽ chỉ cho biết nàng Thiếu Cơ của
Cao hiệp sĩ hiện đang ở đâu tới đó mà tìm. Công tư vẹn cả đôi đường,
nhất cử tam tứ tiện, như vậy, người được giao việc mới phấn khởi chu
toàn công việc.
Cao Tú Sĩ vui vẻ đáp :
- Đối với Văn huynh, tiểu đệ thụ đại ân cứu mẫu thân tiểu đệ. Tiểu đệ
lúc nào cũng cảm kích coi như ân nhân, nếu được Văn huynh đi cùng thì
tiểu đệ sẽ lãnh hội được nhiều điều dạy bảo, chỉ dẫn có ích.
Văn Tú Tài lặng thinh không đáp. Chỉ những người lanh mắt mới nhìn thấy
chàng thư sinh đưa mắt lườm Phong Vân một cái hình như ngầm đe dọa sẽ có ngày tiến cử lại công tác khó khăn hơn vậy!
Mọi người giải tán đi nghỉ, nhưng hai chàng trẻ tuổi sửa soạn khăn gói
lên đường. Hai con tuấn mã hình như quen biết hí lên những tiếng vui
mừng, Thần Hành Nụy Cước, theo thường lệ cũng leo lên đẫy da bên hông
ngựa phía sau.
Bên ngoài, đêm lạnh làm khí đá bốc lên nghi ngút. Hai chàng trẻ tuổi
thủng thẳng cho ngựa kiệu bước một ra khỏi Bạch Khô Lâu theo người hướng đạo đi phía trước.
Cao Tú Sĩ lên tiếng :
- Được đi cùng Văn huynh trên đường thiên lý, tiểu đệ lấy làm cảm khoái vô cùng. Chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều đáng học.
Văn Tú Tài mỉm cười đáp :
- Cao huynh là một tay kiếm khách đại tài. Còn tiểu đệ chỉ là một chàng
hủ nho, nghêu ngao mấy câu thơ phú, e sợ Cao huynh chưa biết mà thôi,
nếu biết thì không thể thương nổi anh đồ gàn bát sách này đâu. Đáng lẽ
không muốn làm rộn chân Cao huynh, ngặt vì Phong Vân cứ ép đệ phải đi
tìm cô ả Thiếu Cơ cho tôn huynh, vì trọng tấm tình yêu của Cao huynh nên phải đi hỏi thăm họ “người đẹp” ấy thôi.
- Văn huynh đã hy sinh giúp mẫu thân tiểu đệ thoát nạn. Bây giờ lại cố
công đứng ra chu toàn cho mối tình sâu đậm của tiểu đệ, nếu được đệ xin
tôn thờ làm “ân sư” sánh ngang song thân tiểu đệ.
Chàng cũng muốn bắt chuyện dò tin tức Thiếu Cơ ở đâu, nhưng nhìn nét mặt nghiêm trang của Văn Tú Tài, e sợ hỏi như thế quá ư sỗ sàng chăng nên
đành sóng cương cho ngựa chạy và không dám đả động đến chuyện tâm tình
riêng tư của mình.
Cuộc lữ hành buổi nay nhắc cho chàng một kỷ niềm ngày trước. Lần đầu
tiên Văn Tú Tài cưỡi Thanh Phong mã rượt theo chàng khi chàng chạy vào
những đường hẻm dẫn lên ngọn núi. Ngày đó, chàng ngờ Văn Tú Tài là kẻ
địch nên không dám dừng ngựa lại nói chuyện.
Lần thứ hai, trên đường chạy đua đến căn nhà nhỏ của Nam Bình hầu phụ
thân chàng, cũng đã phi ngựa rượt kịp theo tới. Chàng tự hỏi, lấy làm lạ sao chàng văn nhân này không hiểu tại sao lại luôn luôn liên can, đi
ngang qua đời chàng.
Mà hắn ta lại biết chỗ ở của Thiếu Cơ? Nếu hắn cũng yêu Thiếu Cơ thì ta
có ghen tức với hắn không? Trang thư sinh kỳ lạ, mình cũng chẳng biết
hắn đã yêu ai và cô nào đã đặt mắt xanh vào hắn chưa?
Ra tới quãng lộ rộng rãi, hai ngựa chạy mỗi lúc một mau. Con Bạch Tuyết
hý vang, bờm ngựa tung bay, cất vó sải nhanh như chớp. Con Thanh Phong
mã cũng không chịu kém, cụp tai về phía sau, nhoài mình dài ra và lao về phía trước như tên bắn.
Cây cối, bụi rậm mọc hai bên đường thi nhau lui về phía sau liền liền. Cao Tú Sĩ thích thú cả cười :
- Thực là không mong ước hai chúng ta đã được dịp phi ngựa như ý muốn.
Văn Tú Tài tấm tắc khen ngợi :
- Con ngựa trắng của túc hạ thật là tuyệt đẹp! Trên đời khó có con thứ
hai. Không biết giống này ở đâu mà chạy tôt như vậy. Thực không khác
“phi mã” mọc cánh trên lưng.
- Ngựa bờm xanh “Thanh Phong” cũng hiếm lắm. Chắn chắn nó dòng giống Phi Lôi Báo của Tần Thúc Bảo đời Đường mỗi lần xung trận hý lên làm ngựa
khác té lăn cù. Có vậy mới là vua giống ngựa. Túc hạ thử thả hết dây
cương, chúng ta cho hai con ngựa phi hết sức xem sao?
Hai chàng trẻ tuổi cùng ra roi, ngựa sung sức sương sớm khí trời mát mẻ, người ngựa lao đi như chân cẳng không còn chấm đất.
Đương lúc hai người đang cao hứng, đột nhiên có tiếng nói nheo nhéo từ phía sau đưa lên :
- Cha chả! Ngựa chạy chi mà nhanh dữ vậy? Dẫu ta có trổ tài “thần tốc” phi hành cũng không dễ bắt kịp.
Tiếng nói nghe rất quen, không lạ tai. Nhưng nhất định không phải tiếng
nói oang oang của Thần Hành Nụy Cước. Hai chàng trẻ tuổi đều bụng bảo dạ :
- Thực quái lạ! Tiếng nói của ai nghe quen tai... như tiếng nói nheo
nhéo của con nhỏ Câu Hồn vây? Câu Hồn phi thân đuổi theo chúng ta để làm gì vậy? Sao nó không ở sơn trại với Cung Đình và Trương Bỉnh Nhi? Mà nó theo hai người ra khỏi Bạch Khô Lâu từ khi nào?
Cao Tú Sĩ quay đầu nhìn lại phía sau. Chỉ thấy bụi mù mịt không thấy bóng một người nào đuổi theo.
Tiếng nói giọng “kim” lại eo éo nổi lên :
- Mát quá ta! Khoái quá!
Văn Tú Tài cãi rằng :
- Có phải Câu Hồn “nương nương” đó không?
- Đích thị là ta! Đi theo hai người là phải vì trong đám ta có cảm tình
với hai người nhiều hơn. Đan Tâm và Chi Mai cũng tốt nhưng ta không muốn phá quấy đôi trẻ nam nữ ấy, để chúng được tự do tâm sự thủ thỉ với
nhau. Ta muốn giúp Cao Tú Sĩ tìm đặng nàng Thiếu Cơ, thành đôi uyên ương hạnh phúc. Yêu như Cao Tú Sĩ mới gọi là biết yêu. Ta cũng yêu thằng
Cung Đình, ta bắt chước Thiếu Cơ thử bỏ nó chơ vơ một mình xem nó có bị
“tương tư” lặn lội đi tìm ta không?
Hai người nghe nói vừa buồn cười, vừa tức mình bị con “bà cô” đi theo ám ảnh.
Ngựa bị gò cương chạy thong thả dần. Văn Tú Tài ngoái cổ nhìn lại, lên
tiếng gọi Thần Hành Nụy Cước không nghe thấy trả lời, trong bao da chỉ
thấy Câu Hồn lù lù ngồi bó kheo trong đó.
Hai người hết sức ngạc nhiên, không biết Câu Hồn đã nhấc ông già lùn ra từ hồi nào và ngồi vào đây từ lúc nào?
Câu Hồn thấy hai người ngơ ngác thì nói :
- Thằng già lùn, tôi để nó ở lại sơn trại rồi, tôi “phạt” không cho nó
đi theo hai người vì nó đã xía vô câu chuyện của tôi. Tôi đã giao hẹn
với mọi người là mặc tôi sửa trị thằng người “nộm” đó một trận cho nó hú vía. Tôi đương đánh đuổi nó mê tơi, sắp bắt đặng thì anh già lùn đen
như nhọ chảo lại chỉ đường, dắt nó chạy thoát. Vì vậy tôi mới “điểm
huyệt” chú lùn. Vứt chú nằm lăn keo dưới đất rồi lẻn lên đây cho ngựa
chạy mát một phen.
Văn Tú Tài không dám kêu khổ. Hai ngựa chạy quãng đương xa lắm, quay lại cũng mất thì giờ. Hơn nữa, trời đã gần sáng, công lực của Câu Hồn phân
tán, khuyên bảo cũng không khó khăn.
Nghĩ vây đành nén lòng nói rằng :
- Thần Hành Nụy Cước phạm tội vô lễ đối với nương nương mà nương nương
phạt như vậy là nhẹ lắm. Thôi được, nương nương đi cùng chúng tôi là
“hân hạnh” cho chúng tôi lắm. Chúng tôi xin nương nương ngồi yên để
chúng tôi cho ngựa tiếp tục chạy. Trời tối, đường vắng, ngựa chạy lợi
đương đất. Ban ngày không thể đi nhanh được.
Câu Hồn ngây thơ ngửng mặt nhìn lên trời :
- Văn công tử lịch sự vô cùng, gọi ta là “nương nương” lễ phép làm ta
rất ưng ý. Ta sẽ truyền dạy cho công tử một vài võ công thượng thặng.
Vì có Câu Hồn ngồi sau nên Cao Tú Sĩ chẳng thể cởi mở, hỏi chuyện tâm
tình với Văn Tu Tài nên đành ra roi cho ngựa chạy một mạch đến sáng.
Tới khi rạng đông tỏ mặt người, hai người cho ngựa chạy chậm lại và lấy lương khô ăn bình nước uống.
Câu Hồn tính nết nhõng nhẽo, thấy có người chiều chuộng thì lại giữ nguyên nết cũ tật xưa.
- Mọi đêm ngủ không đói. Đêm qua thức lại chơi mãi trò cút bắt, chạy
ngựa nên bao tử trống rỗng nhanh lắm. Nếu ăn lương khô thế này thì một
mình Câu Hồn ăn cũng không đủ. Phải tìm hàng quán tìm xem món ăn xíu
mại, tỉu sắm mua nhiều nhiều ăn cho sướng miệng.
Vì vậy hai người đành phải tuân lệnh “nương nương” hỏi thăm để đến làng mạc mua thực phẩm ngon, nóng cho Câu Hồn ăn lót dạ.
Hai ngựa dừng trước một chợ nhỏ, đông dân làng tụ tập mua bán. Câu Hồn thính mũi, chỉ về phía đầu chợ nói rằng :
- Trời! Mùi bánh chiên, bánh bao thơm phức! Lại quán kia nhất định có nhiều món điểm tâm.
Hai người xuống ngựa, thủng thẳng dắt ngựa đến trước quán ăn. Quả nhiên, nơi này chủ quán đang chiên bánh rất ngon. Mùi bánh thơm ngào ngạt và
trong quán có rất nhiều người ngồi thưởng thức món điểm tâm uống trà và
hút thuốc, chuyện trò vui vẻ.
Hỏi ra mới biết nơi đây là một làng ăn học. Dân trong làng với nếp sống
cổ truyền ưa ngâm thơ bình phú, trong quán ăn, trên tường, ngoài những
hàng chữ kê khai thực phẩm, quả phẩm còn có những bài thơ nét bút tung
hoành.
Biển hiệu đề ba chữ “Tịnh Sinh Quán”. Lại thêm đôi câu đối rất trữ tình:
Lá xanh trời xanh biếc
Hoa đào má đào xinh.
Hai người buộc ngựa, Câu Hồn cũng leo xuống ngựa vào trong quán tìm bàn
trống ngồi gọi tửu bảo mang trà bánh lại ăn. Trà đúng là loại trà búp
ngắt trên ngọn Vũ Di sơn pha trong ấm đất gan gà, rót ra chén đá trắng
thấp màu trong xanh uống có hương vị nồng nàn sánh đậm khiến tinh thần
thêm sảng khoái.
Bánh bột lọc trắng tinh, đủ các loại nhân đường, nhân thịt, nhân thập cẩm ăn hết chiếc này lại muốn ăn chiếc nữa.
Cái thú buổi sáng tinh sương uống trà ăn bánh, đọc thơ đã mang lại nhà
hàng số đông thực khách, toàn những người hào phú trong làng. Họ quay
nhìn hai chàng trai trẻ không chớp mắt. Một nghi biểu tuấn tú rõ là một
trang hảo nam tử phong lưu mã thượng. Một chàng thì dung mạo phong quang cốt cách một văn nhân tài tử vào bậc cao sang. Trái lại con nhỏ ngồi
bên trông thật “bẩn mắt” không có cảm tình. Cái mũi cô gồ “cô phong độc
chủng” như chửi mọi người, đã nhìn thấy ngoảnh đi không muốn nhìn lại
lần thứ hai nữa.
Đã thế Câu Hồn không để ý đến ai, hết đĩa bánh này đem vào cô nhỏ chỉ
ngốn đớp mấy cái là hết trơn, uống trà lại càng ít nghệ thuật hơn nữa,
đổ ấm trà vô bát uống ừng ực như lạc đà chết khát.
Tửu bảo lấy làm lạ về tài ăn uống của cô nhỏ. Nếu các thực khách đều
ngốn mạnh như cô nhỏ thì nhà hàng chỉ cần tiếp một vài cô cậu mới thì đủ hầu tiếp “cả làng” ra ăn.
Cao Tú Sĩ dõi mắt thấy Văn Tú Tài đương đọc một bài thơ đề trên tường lời lẽ rất tình tứ của một thiếu phụ mong kẻ hành quân xa?
Mười tám về làm vợ,
Thiếp e thẹn bẽ bàng...
Trăng tròn mi mới nở.
Nguyện ghi tạc đá vàng.
Tự cảm đau lòng thiếp.
E tàn tạ hồng nhan.
Sớm chiều nhìn ánh nước,
Mong ngóng đợi tin chàng...
(Tao loạn triều miên hận)
Nhìn Cao Tú Sĩ chăm chú nhìn mình, Văn Tú Tài hỏi :
- Không biết tâm sự nàng Thiếu Cơ lúc này có nhớ tới Cao huynh không nhỉ?
Câu Hồn ngừng nhai và đáp :
- Nhất định là tôi không nhớ một chút nào tới thằng “mũi lân” và chắc chắn nó thấy tôi đi khỏi thì cũng coi như thoát “gánh nợ”.
Cao Tú Sĩ uống hớp trà ngon và buông nhẹ :
- Thói thường Lộng Ngọc nhớ Tiêu Lang trong một khúc du dương với gió.
Thiếu Cơ có nhớ đến tôi chỉ khi nghĩ tới mức cao thấp trên ba sáu quân
cờ, tôi nhớ đến nàng khi nàng đội chiếc mão xinh xinh... Còn Cung Đình,
biết đâu ông ta lại không buồn sỉu vì nghĩ đến Câu Hồn đương lâm cảnh
phận “đào tơ liễu yếu” bị thiên hạ người ta ý sức mạnh dày vò bắt nạt
trên quãng đường thiên lý nơi tứ cố vô thân... sầu vạn độ!...
Chàng cố tình nói câu sau cùng làm Câu Hồn đương ăn ngon lành, bỗng dưng buồn bã nghĩ tới cậu bạn cùng cảnh ngộ.
Trên vách phấn chữ ai “lạc thảo” bài tương tư:
Mong tìm chàng Dương Đài lối mộng,
Hẹn hò chàng Tương phố bến xưa...
Cô nàng thở dài một cái thật ảo não. Giá là lúc mặt trời đã lặn thì bao nhiêu thực khách đều bay ra ngoài ráo trọi.
- Tôi nhớ anh Cung Đình quá! Anh Cung Đình xứng đáng là bạn tình của tôi. Thôi hai người ở lại để tôi một mình trở lại Bạch...
Nhanh tay, Cao Tú Sĩ vội bịt miệng Câu Hồn năn nỉ :
- Bạch Diêm trang phải không?
Nói rồi ghé tai Câu Hồn nói nhỏ :
- Xin “nương nương” đừng nói tới Bạch Khô Lâu thiên hạ tưởng lầm chúng
mình là đồ đảng ăn cướp, cáo quan bắt bỏ tù cả lũ bây giờ.
Ở bàn bên một vài người chợt nghe Câu Hồn nói vậy thở dài :
- Buồn thay thế sự đảo điên! Luân thường đạo lý, nếp sống cổ truyền ngày một trôi sông mất hết rồi! Thiếu nhi, nhãi ranh, nhóc con, chưa ráo máu đầu, chưa hết mùi hôi sữa mẹ mà đã nói tới vấn đề tình ái yêu đương.
Đúng là quân mất dạy! Bố mẹ chúng nó đâu mà không biết dạy nó?
- Con hoang vô số! Lấy ai làm bố mẹ trong thời thế Ma Vương tái sinh này?
Cao Tú Sĩ nháy mắt Văn Tú Tài đứng dậy ra ngoài quán. Trước khi rời khỏi bàn, chàng không quên chi tiền rất hậu làm chủ quán muốn cúi rạp sát
đất.
Tiễn hai người và cô nhỏ ra trước cửa, chủ quán tự tay cởi dây buộc ngựa và khẩn khoản mời nài :
- Tệ quán đây gần chợ chưa hẳn là nơi xứng đáng để tiếp đón các thượng
nhân. Một vài kẻ phàm phu tục tử hãy còn ăn nói chưa còn thanh lịch.
Cách đây không xa có Mẫu Đơn đình đương mùa hoa nở. Đấy mới là nơi gặp
gỡ chính thức của các vị tao nhân mặc khách trong vùng. Đấy mới là nơi
thi nhân đến tìm tứ, họa sĩ tới tìm đề, thượng quan, giai nhân tài tử
tới đó để hưởng hoa trước khi dâng tiến về Kinh. Các thượng nhân có dịp
qua đây không tới đó thưởng ngoạn cũng uổng.
Ba người lên ngựa, theo lối đi chủ quán chỉ dẫn tới Mẫu Đơn đình.
Thực là một nơi phong cảnh hữu tình, cả một vùng toàn những hoa là hoa.
Cao Tú Sĩ biết Văn Tú Tài thế nào cũng vô ngoạn cảnh nên dặn dò Câu Hồn
rằng :
- Nơi đây người ta trồng hoa quý làm chậu kiểng rất đẹp. Nương nương có vô xem thì đừng dùng tay ngắt hoa e gây rắc rối.
Câu Hồn ăn nhiều bánh, uống nhiều trà bụng to phềnh như cái trống không
muốn cử động, cứ nằm khèo trong bao đẫy chân thò ra ngoài thiu thiu ngủ.
Nghe nói vậy tức thì trả lời rằng :
- Tôi không thích hoa dù là hoa gì, ngoại trừ các loài hoa độc làm chết
người thì sưu tầm để làm độc dược chơi. Các hoa đây tuy có hương sắc
nhưng đối với tôi vô dụng. Ngủ còn khoái hơn xem hoa.
Hai chàng đành để Câu Hồn vừa ngủ vừa coi ngựa, cùng nhau dẫn tay leo bực thềm lên đình cao ngắm hoa.
Nhìn về hướng bắc thấy tòa thảo trúc lẫn giữa bóng tùng bách xanh rờn.
Nhiều bồn mẫu đơn đại đóa xếp dọc hai bên lối đi. Ngoài ra còn thấy
nhiều loài hoa lạ chẳng biết giống hoa gì mà đâm chồi nảy lộc, nụ chi
chít đầy cành.
Tự nơi đó chim hót ríu rít. Văng vẳng lại có tiếng giao cầm thánh thót
tơ đồng. Thật là u nhã, lựa có phải đi tìm Thiên Thai ở chỗ nào?
Ở trên đình thượng và phía ngoài, du khách có nhiều nên tiếng cười nói, tiếng bước chân rộn ràng làm cho mất hứng khởi.
Hai người liền dạo bước tới khu tiểu trúc. Văn Tú Tài cười bảo Cao Tú Sĩ rằng :
- Tiểu đệ đương muốn có một nữ lang vô tình vịn tay làm gãy một cành mẫu đơn để tiểu đệ bỏ tiền ra chuộc lỗi. Rồi nữ lang đó sẽ yêu tiểu đệ và
kết hôn với tiểu đệ.
Cao thiếu hiệp cũng cười đáp :
- Phong thái rực rỡ dung quang khả ái, mỹ mạo như Văn huynh, cô gái
“thiên hương” nào trông thấy chẳng chết mê chết mệt, hà tất phải chờ đợi người ta làm gãy cành mẫu đơn mới ngỏ được cửa tâm hồn hay sao? Sống
hòa mình với thiên nhiên thống khoái thực! Chỉ vì biết bản thể mình với
thiên nhiên là một nên nếu vì đại cuộc phải hy sinh cũng coi nhẹ tính
mệnh như lông hồng, không nhút nhát như những kẻ sống trong vật chất, xa lánh thiên nhiên.
Văn Tú Tài hỏi :
- Cao huynh muốn nói đến cái thú làm thi nhân nằm chết lịm giữa muôn
hoa, khi tỉnh giấc nghe tiếng chim kêu mới biết mùa xuân đã trở về với
cuộc sống, phải không?
Ở đời tựa giấc chiêm bao!
Làm chi mà phải lao đao nhọc mình!
Suốt ngày mượn chén khuây tình,
Say rồi nghiêng ngửa bên mảnh hàng ba,
Tỉnh ra nhìn mé trước nhà,
Một con oanh hót trong hoa ngọt ngào.
Hỏi xem ngày ấy tháng nào.
Đàn chim ríu rít đón chào mùa xuân?
(Thơ Lý Bạch)
Chợt nghe tiếng đàn ngưng. Có tiếng chân người đi tới. Hai người chưa
kịp định thần thì dưới hoa đã hiện ra một nữ lang nhan sắc tú lệ nhưng
có vẻ không được đoan nghiêm vì nụ cười đôi mắt long lanh khêu gợi một
cách dễ dãi.
Hai người chưa kịp thốt lời nào thì nữ lang đã cất tiếng oanh vàng thánh thót :
- Em không vịn gãy cành hoa, nhưng em xin tặng hai người mỗi người một
cành. Nói rồi giơ hai tay về phía trước mặt đưa cho mỗi người một bông
hoa lạ. Phong lan không phải Phong lan, không ra Hồng, Thược dược mùi
thơm rất ngát tuy không đưa lên mũi ngửi mà hương thơm cứ xông vô mũi.
Hôm nay bất ngờ du ngoạn Mẫu Đơn đình được gặp hai chàng nghe lời ngâm
thơ phong nhã đủ biết hai chàng là bậc tài hoa hiếm có trên đời.
Hai chàng quả là “hoa thượng chi hoa”. Nơi đây đất tốt nhiều màu mỡ, mùa hè không nắng gắt, mùa đông không lạnh giá, hoa quanh năm nở không bao
giờ ngớt, những người trong vùng toàn đồ hủ hóa dốt nát đạo đức giả nên
vườn hoa không có bóng hồng.
Ở đây hoa thực thì nhiều mà con gái xấu như ma mụi. Đàn ông con trai thì cù lần. Hai chàng chắc chắn là khách phương xa tới. Nhác trông phục
trang cũng biết không phải người bản xứ.
Chúng em cũng không phải là người sinh trưởng ở vùng này, vì chủ nhân có lệnh sai đi lấy hoa về trồng nên ngẫu nhiên mới có mặt tại đây. Bởi
thấy cảnh đẹp sinh tình nên mới dạo mấy đường tơ làm nhàm tai bậc tao
nhã phong lưu.
Ước mong hai chàng được chủ nhân tiện thiếp tiếp kiến thì thực là một cuộc hạnh ngộ vô cùng độc đáo.
Văn Tú Tài đưa mắt nhìn Cao Tú Sĩ nói :
- Tiểu sinh không dám định đoạt nhận lời mời. Bởi vì Cao huynh còn... phải...
Cao Tú Sĩ nghiêm trang đáp :
- Rất tiếc chúng tôi còn mắc việc bận phải lên đường gấp không thể trì hoãn được. Để khi xong việc trở về sẽ xin tái kiến.
Nữ lang có vẻ giận dỗi :
- Đây đâu là nhà của em “Thiên tải một thời” đã chẳng nhận lời thì là
chẳng bao giờ nữa. Ô kìa, may mắn quá chủ nhân em tới rồi kìa...
Một thiếu phụ khác dưng kiệu ngoài đình, thấy đôi ngựa đẹp ngắm nhìn
không chớp mắt. Chừng bước vào sân đình, thấy hai chàng đương đứng nói
chuyện với nữ lang, trong tay mỗi người đương cầm một cành hoa thì nét
mặt bỗng thay đổi tươi hơn hoa đào, hai mắt sáng rực lên.
Nàng trang điểm lộng lẫy, xiêm áo trang sức lóng lánh khắp người đâu
cũng là vàng đeo ngọc dát. Tới trước hai chàng tự giới thiệu :
- Thiếp là chủ nhân đình “Cẩm Hương” cách đây không xa. Đã buồn phiền vì mẫu đơn nở đúng mùa, mà xem mặt khách thưởng ngoạn quanh vùng toàn là
“tục khách”. Vì vậy nên em sai Trầm Lệ đến chọn vài gốc đẹp định bứng
đem đi phủ thành để tìm vị vương tôn công tử nào danh bút một thời để
ban cho vài nét tuyệt vời đánh dấu mùa hoa trước khi tàn tạ.
Nhác trông thấy hai công tử, đã biết đều là bậc phi phàm. Đúng là “kim
mã ngọc đường” để chúa hoa khỏi tủi, kính mời lưỡng vị quá bộ lại tệ
đình để được lãnh tài hoa họa đề thi.
Thiếu phụ mời mọc ân cần, lại thêm lời lẽ ngọt ngào. Cao Tú Sĩ dù khăng
khăng khoái thác nhưng thấy Văn Tú Tài văn thơ tuyệt giỏi, e sợ làm
chàng cụt hứng chăng? Văn Tú Tài hình như cũng muốn thử thách xem lòng
dạ chàng thiếu hiệp trước sức quyến rũ của môi thắm má đào, làn thu ba
thiếu phụ tống tình như muôn ngàn ngọn sóng mạnh.
Cao Tú Sĩ nghĩ bụng, mình đã có người yêu là nàng Thiếu Cơ nay Văn Tú
Tài cũng cần có một hình bóng giai nhân trong tâm tưởng chớ!
Không thấy trả lời tức là ưng thuận, ra tới ngoài, kiệu ruổi ngựa bay.
Chẳng mấy chốc tới khu trang việc có ba chữ vàng để “Đình Cẩm Hương”
chói lọi đã hiện ra trước mắt.
Nơi đây cây cối um tùm. Một vài mái nhà xanh đỏ thấp thoáng trong rặng
cây xanh làm phong cảnh tăng phần u nhã. Cao Tú Sĩ có cảm giác mình
đương đi vào thế giới chuyện hồ tinh xưa. Các chàng trai mỹ mạo tài hùng thường bị giống hồ hiện thành gái đẹp nhử vào động để mê hoặc...
Đừng nhìn ngắm tới mỹ nhân thì thôi, càng chú ý càng thấy tuyệt đẹp
không chỗ chê bai. Từ giọng oanh vàng tới mái tóc, từ sống mũi đến bàn
tay, từ đôi môi đến dáng điệu chàng thiếu hiệp thấy hai tai nóng bừng
khẽ cúi đầu nhìn xuống mặt đất trải cát vàng như không dám nghĩ vẩn vơ
nữa.
Thấy chàng bỗng đặt tay chuôi kiếm “Thiên Linh” đeo bên cạnh sườn, thiếu phụ kiều diễm liếc mắt tủm tỉm cười bảo chàng :
- Trông tướng quân uy dũng hiên ngang, khác phường tục tử. Dân vùng này
trọng văn khinh võ, Cẩm Hương đình lần đầu tiên được tiếp đón một vị
tướng trẻ tuổi, tiện thiếp cảm kích muôn vàn.
Không biết vườn Thượng Uyển hoàng cùng đẹp như thế nào không rõ, đình
Cẩm Hương có những bồn hoa đẹp đẽ hiếm có. Cách thức trình bày khéo léo
công phu tuyệt xảo, không thiếu một giống hoa nào, đặc biệt có một vài
gốc mẫu đơn nở những bông hoa to hơn cái bát, toàn những cây cảnh lựa
chọn ở vườn “Mẫu Đơn” khi nãy mang về.
Cao Tú Sĩ thấy không có chi khác lạ, chỉ thấy gia nhân toàn phụ nữ không có đàn ông con trai. Cô nào cũng xinh đẹp khả ái, cúi chào mỗi khi chủ
nhân đi tới rất là lễ phép.
Văn Tú Tài nhìn bông hoa nào cũng ưng ý, vừa buột miệng khen ngợi là
“Thượng Uyển nhất chi hoa”, tức thời vừa quay đi cảnh đẹp đó đã được
ngắt hái bỏ vô lẵng do thị tỳ xách mang theo.
Cuộc du ngoạn trong huê viên mất khá lâu thì giờ, khi mặt trời đứng
bóng, nữ chủ nhân mời hai chàng lên đình dùng trà và nghỉ ngơi trước khi dùng tạm bữa cơm trưa.
Trà ngon do người đẹp châm mời uống thêm đậm. Tiếng giao cầm thánh thót
du dương, bữa ăn thanh đạm, món nào cũng chút xíu, để trên những bát đĩa kiểu bằng sứ, trình bày ưa mắt miệng nếm thêm ngon.
Từ trên đình cao nom xuống tàu ngựa dưới huê viên, hai ngựa gặm cỏ, cô
nhỏ Câu Hồn nằm kheo trong bao đẫy ngủ không ai đánh thức.
Hai chàng ăn xong, chủ nhân lui gót. Nhìn hàng chữ tiêu đề bức tranh vẽ
đủ loại hoa trên tường mới biết thiếu phụ họ Bạch tên Phù Dung. Tranh vẽ khéo, thơ đề hay, tỏ ra Bạch Phù Dung có tài văn học mẫn tiệp lại thêm
phú hào.
Văn Tú Tài thở dài nói :
- Xem chừng nữ chủ nhân có nhiều thiện cảm với Cao huynh chỉ chờ một lời của “tướng quân” ưng thuận là nữ chủ nhân “thoát bào nhượng vị”. Đúng
là chuột sa chĩnh gạo, cơm no Bạch Tuyết cưỡi, tội vạ gì một đời bôn ba, nay đây mai đó cho rạc cẳng?
Cao Tú Sĩ cười nói :
- Đệ đã có Thiếu Cơ rồi, Văn huynh thử đấu hót xem, nếu nữ chủ nhân chưa có một đức lang quân thì nộp tiền hoa tiên xin được phê chuẩn, tội gì
kéo dài cuộc đời cô tiêu, không người xướng họa, không người nâng khăn
sửa túi, cất bài và... rửa chân?
- Người ta khoái chức “tướng quân” chứ? Không nghe “người ta” nói vùng
này thiếu gì thư sinh mặt trắng? Thôi không rỡn nữa, lo đi Diên Bình chu toàn công việc đã. Hết hoa lại tửu rồi lại sắc... thì Thái tử đến thiệt khổ công quên Bạch... Lâu.
Văn Tú Tài đưa tay lên môi :
- “Suỵt” nữ chủ nhân ra rồi kìa...
Quả nhiên Bạch Phù Dung đã ra mời hai chàng vào nghỉ trưa trong thư phòng đến chiều sẽ lên đường.
Giường cao thanh mát, phòng thoáng khí, rộng rãi. Giấy tứ bảo, bút nghiên sắp đặt thứ tự trên án thư. Cao Tú Sĩ nghĩ bụng :
- “Nữ chủ nhân thiệt tình mà mình cứ nghĩ ngại hoài”.
Đến chiều, sau cuộc trà đạo, hai chàng kiếu từ, Bạch Phù Dung nói :
- Hai chàng vội vã mà chi? Quên những bông hoa ngắt hồi sáng, thiếp đã
trưng bày trong khách viện. Xin mời hai chàng đã xem hoa ngoài trời
trong thiên nhiên thì cũng tạm lưu bước qua xem những cánh hoa cắm trong lọ bình trần thiết trong nhà. Hoa muốn “nói” nhiều mà khách vẫn “vô
tình”. Phu quân thiếp đã tịch trần. Thân góa bụa chỉ còn sống trong hoa
thư tư tưởng. Hai chàng đã chẳng lưu bút thì cũng để lại cho thiếp một
kỷ niệm xem hoa để thiếp đỡ buồn lòng.
Lẽ đời “bình thủy tương phùng” cánh bèo bọt nước, nay gặp nhau, mai đã
đi. Ngày nay hoa nở, ngày mai hoa tàn. Cành khô lá úa xin để mãi trên
đình Cẩm Hương chẳng bao giờ xê dịch.
Nghe thiếu phụ nói lời thắm thiết quá, hai chàng đành riu ríu sang bên phòng khách xem hoa trong phòng.
Nơi đây bốn bề pha lê bóng lộn e gió lọt chống hoa tàn. Muôn hoa nghìn tía thu lại trang trí trong căn phòng tương đối nhỏ hẹp,
Có loại hoa cắm trong lọ sứ nhỏ, có loại hoa cắm trong độc bình men cỡ
lớn, có loại hoa leo, có loại hoa cắm trong bồn đá có sỏi trắng, mỗi hoa một vẻ trên án thư trên tủ khảm, trên song, trên kỷ, trên tường, trên
trần y như một động tiên tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Nào hạnh, đào, tường vi, hoàng anh, kim đồng, trạng nguyên hải đường,
thủy tiên, cúc, lan liên, huệ, Bạch Phù Dung giải thích cặn kẽ cách thức gọt, xén, cắm, bầy, đôi khi lại thêm vài sự tích bông hoa, ý nghĩa hồn
hoa.
Văn Tú Tài hỏi :
- Hoa cũng có “hồn” ư?
- Có chứ. Phải nói là bướm mới hiểu “hồn hoa” trong các giấc mơ hoa, chỉ có loại hoa này là có tâm hồn đáng yêu hơn cả, em rất thích loại hoa
này.
Nói rồi cầm một cành hoa tím đưa lên mũi ngửi, vẻ mặt say sưa.
- Hai công tử thử ngửi xem mùi hoa có lạ không?
Hai chàng trẻ tuổi cầm lấy mỗi người một bông hoa thưởng thức mùi thơm
hắc lạ. Bất đồ, mới hít nhẹ đã thấy trời đất quay cuồng tứ chi bủn rỉn,
xây xẩm mặt mày.
Biết có sự biến, Cao Tú Sĩ vội vận nội công rút thanh Song Nhan Thiên
Linh để đối phó nhưng thanh gươm vừa ra khỏi vỏ thì chàng thấy tay nặng
chĩu và toàn thân khuỵu xuống. Văn Tú Tài cũng ngã theo. Trái lại mỹ
nhân vẫn tiếp tục ngửi hoa, khẽ mỉm cười với đôi mắt long lanh tinh
quái.
- Trẫm Lệ đâu? Để hai chàng nằm yên đây cho xác thịt ướp mùi hương ta ưa thích. Chừng tới tối, vực vô cấm phòng để ta hưởng thụ. Nên nhớ là buổi nay ta ưa thích chàng võ nhân trước rồi mới tới văn nhân sau.
Giọng nói đầy vẻ yêu mị, dâm tà của một “hồ ly tinh” đội lột người phàm
trần, thì ra Bạch Phù Dung là một ma nữ luôn luôn dùng kế dụ bắt các
chàng trai làm vật du hí giúp ả ngập chìm trong biển sâu ân ái. Khi nào
chán bỏ thì quẳng xuống đáy giếng thủ tiêu.
Vốn cùng Bạch Kỳ Lân nữ chủ là một loại dâm nữ, nàng biết dùng mê hoa,
hít một loại bông thì không sao nhưng hít vài loại độc hương thì sẽ bị
rũ liệt tứ chi trong một thời gian tùy nàng định liệu. Như vậy nữ yêu hồ tha hồ mặc tình hưởng thụ ái ân đã ghi trong sách “Bá Lạc Thư” và dẫn
dụ cho tình lang khỏe mạnh trở lại.
Khi màn đêm buông xuống Cẩm Hương đình, Cao thiếu hiệp dần dần hồi tỉnh, nghe rõ, nhìn rõ, nói rõ nhưng đặc biệt chỉ có tứ chi rũ liệt ngoại trừ các cơ quan khác trong người.
Trông thấy thanh “Song Nhạn” treo trên vách mà không tài nào đứng dậy
cầm lấy nó đặng. Thân mình không còn một mảnh vải che, chỉ còn một mảnh
lụa mảnh quấn quanh hạ thể. Thế này là nghĩa lý gì? Mùi thơm vẫn ngào
ngạt trong căn phòng nhỏ đẹp trải toàn nhung tơ nõn với gấm võ hồng
điều.
Chàng la hét gọi vang Văn Tú Tài và Câu Hồn, không thấy ai thưa vì âm
thanh không lọt khỏi phòng the tường gấm. Chàng chửi rủa tên sư phụ Bạch Phù Dung. Nhưng cánh cửa hé mở, Bạch Phù Dung còn nguyên xương nguyên
thịt đã hiện ra trước mắt.
Với giọng nói vẫn ngọt ngào như đường mật, Bạch Phù Dung cầm to canh nghi ngút khói mời mọc :
- Có chi đâu mà la lối dữ vậy? Này “cưng” chịu khó ăn cho có sức. Ngoan
ngoãn chỉ vài bữa là tứ chi hoàn lực, đi đứng như thường không bại xuội
mãi như thế này đâu! Không làm vậy, cưng nổi quạu đánh em đau làm sao
đươc? Ở khoái hoạt phòng với em đây không là mục đích đáng sông trên đời sao, còn muốn gì hơn nữa. Ăn xong, em sẽ giảng cho mình biết thế nào là hồn hoa tuy chàng không phải là bướm, có bằng lòng không?
Có tiếng nheo nhéo làm Bạch Phù Dung giật mình suýt làm rớt mất tô canh :
- Bằng lòng đứt đuôi đi chứ lỵ! Canh ngon, gái đẹp thế kia không muốn còn muốn gì?
Cao Tú Sĩ mừng rỡ reo lớn :
- Câu Hồn! Câu Hồn! Cứu tôi với!
- Có việc chi mà phải cứu. Cô này có cắt tiết anh đâu mà lo. Cô cho anh
ăn thì cứ ăn đi, xem chừng cô yêu anh hơn Thiếu Cơ yêu anh đấy, yêu đi!
Dù ta trông thấy gì ta cũng không mách lẻo với nàng Thiếu Cơ đâu mà sợ
cô ấy ghen.
Bạch Phù Dung đặt muỗng và tô canh xuống ghế nhỏ, vội vã cầm chiếc gối tạm che để khỏi lộ liễu, giận dữ nói :
- Con nhỏ kia! Ai cho phép ngươi vô đây?
- Bạn ta bảo ta vô cứu “ông” này thì ta vô. Bạn ta đi Diên Bình phủ bảo
ta biết ông này bị mắc lưới hồn hoa ở nơi này. Chân tay bại xuội thì ta
phải vào cứu ông ấy. Can chi mà mày sai mấy con đầy tớ hung hãn của mày
quăng lưới định bắt ta và quăng ta xuống giếng. Trái lại ta đã lấy ngón
tay chọc thủng chán mấy con a hoàn vô lễ đó và vứt nó xuống giếng rồi.
Trong vườn hoa đẹp đẽ này mày ngâm gì mà lắm xác chết dưới giếng thế,
lấy nước đó tưới hoa tốt lắm phải không! Tao chỉ biết có con mụ Bạch Kỳ
Lân cũng hay lấy nước xác chết tưới hoa lắm!
Bạch Phù Dung nghe cô nhỏ nói trúng phóc, toàn thân trắng như bột lọc
trở nên xám ngoét như gà cắt tiết. Ả sợ hãi khôn tả mở cửa phòng ù té
chạy mất...
Ả quên rằng mình không mặc xiêm áo trên người, chỉ có chiếc gối thêu cầm tay che chỗ hở hang nhất trên người mà thôi.
Cao Tú Sĩ thoát nạn hỏi Câu Hồn rằng :
- Văn Tú Tài đâu? Cưỡi ngựa đi Diên Bình rồi à?
Câu Hồn gật đầu. Cao Tú Sĩ yêu cầu giải cứu thì Câu Hồn chậm rãi đáp :
- Chân tay rũ liệt do phấn hoa độc gây ra, vài bữa sẽ khỏi. Anh có bị ai điểm huyệt hay đánh đấm gì đâu mà giải cứu. Để ta đi bắt con mụ vừa rồi nó vô chăm sóc chừng tới khi anh khỏe mạnh thì thôi. Tôi đâu biết nấu
cơm.
Nói xong chạy tót ra ngoài tìm bắt Bạch Phù Dung, Cao Tú Sĩ thở dài nằm yên.
Lát sau hai người trở lại Bạch Phù Dung đã vận xiêm áo tử tế. Câu Hồn bảo nữ ma đầu rằng :
- Bón cho bạn ta ăn đi, để bạn ta nằm đấy. Muốn yêu thì yêu miễn là không được làm bạn ta chết
Cao Tú Sĩ la lớn :
- Không thể được! Không thể được!
- Tại sao không thể được. Anh muốn yêu Thiếu Cơ, Bạch Phù Dung muốn yêu anh, chẳng lẽ bắt nó phải “ghét” anh ư?
Biết lý sự với Câu Hồn thì cũng như nói chuyện với “bà chè”, chàng thiếu hiệp trả lời :
- Yêu thì yêu nhưng phải phạt con mụ này vì Câu Hồn đang ngủ trưa mà nó
chụp lưới quăng xuống giếng thì bây giờ còn mồm đâu mà lải nhải. Nó chờ
đến tối mới ra tay nên mới bị thất bại. Vậy Câu Hồn nghe tôi, ở luôn với tôi trong phòng cho đến khi tôi giải độc. Chúng mình còn lương khô ăn
mà. Không cắt đầu mụ là khoan hồng lắm rồi. Xin cho một chưởng “tiễn
phát” thế mạng đi thôi.
Câu Hồn ngẫm nghĩ một lát, bằng lòng đáp :
- Ừ thì phạt Bạch Phù Dung cho nó trọc tếu một phen.
Bàn tay khẽ vung qua đầu thiếu phụ xinh đẹp đa tình tức thời mái tóc
cánh phượng, lông mày, lông mi đã rớt xuống lả tả thành một đống, trơ da thịt nhẵn thín như là cái bình vôi.
Bạch Phù Dung nhìn vô tấm gương lớn, kêu thất thanh ôm lấy đầu lủi mất. Câu Hồn định đuổi theo nhưng Cao Tú Sĩ ngăn lại...
Khi chàng bình phục cùng Câu Hồn lên ngựa Bạch Tuyết tới Diên Bình thì
Quảng Mục trường đã vắng ngắt. Thanh Diện Thần Quân và Tiểu Bạch đã hỏa
tốc lên đường cứu giá đã ba ngày.
Cao Tú Sĩ và Câu Hồn đành trở lại Bạch Khô Lâu Sơn thấy đoàn cấm binh đã nhổ trại chắc đã tới chiếm giữ Nhữ Nam vội lật đật lên ngựa tới nơi thì thấy nhân dân trong thành kéo nhau đi tỵ nạn đã trở về.
Họ ca tụng công đức Thái tử, người đã thương dân nên sau khi chiếm thành phủ nghe tin Trụ Ma Thiên Vương và Ngũ Đạo tướng quân dẫn đại binh về
đấu chiến thì đã rút binh, để sinh linh đỡ phải vạ đao binh.
Thái tử và các quần hùng rút quân đi đâu thì chưa rõ, nhưng chính nhờ
cuộc nhượng bộ này mà toàn dân đâu cũng ca ngợi công đức của người,
nguyện là dù người ở đâu, cũng hết lòng ủng hộ người để vạch trần âm mưu của tên Thân vương tàn ác và đảng Hắc Y hay mượn chiêu bài mập mờ đánh
lận con đen.
Trên con đường thiên lý, một chàng trai trẻ cưỡi một con ngựa trắng cao
lớn đằng sau có một cậu nhỏ có cái sống mũi gồ như tổ quạ đương bon bon
giữa lộ. Vẻ mặt chàng buồn rợi, hai mắt nhìn thằng về phía chân trời xa. Cậu nhỏ Câu Hồn cải nam trang hỏi :
- Buồn lắm hả? Yêu Thiếu Cơ đến thế cơ à?
Cao Tú Sĩ không trả lời, lấy trong túi ra một chiếc mũ “tử hà” nhỏ xinh
cầm tay ngắm nghía, nhìn mũ nhớ người, phảng phất mùi trầm từ trong
chiếc mũ bay ra thơm dịu...
Rõ đúng là “Hương gây mùi nhớ”... dầu chàng cất chiếc mũ vô bọc mà mùi
hương vẫn còn thoang thoảng mãi. Dư hương làm tâm hồn chàng nhẹ nhõm.
Ngựa vẫn đều nhịp vó, gió làm mùi hương ngào ngạt hơn lên.
Chàng đã hiểu tuy Bạch Phù Dung chưa giảng thế nào là “mảnh hồn hoa”? Chẳng nhẽ lại có cả hồn “mũ” nữa sao?
Mũi chàng ngửi thấy cũng mùi hương đó từ sau lưng bay lại. Thì ra Câu Hồn đang phe phẩy chiếc quạt “bài thơ” của Văn Tú Tài.
- Quạt nào thế bồ?
- Của Văn Tú Tài bỏ trong đẫy con Thanh Phong mã. Tôi nằm trong tìm
thấy, lấy ra phe phẩy quạt chơi cho ra vẻ... con nhà văn học.
- Bồ cho mượn cái quạt xem!
Càng quạt càng mát. Mà lạ thay đúng cùng một mùi hương trầm thoang
thoảng. Văn Tú Tài là ai? Câu Hồn cải nam trang. Vậy Thiếu Cơ cũng có
thể cải nam trang được. Truyện xưa thiếu gì gái giả nam trang? Văn Tú
Tài là Thiếu Cơ của ta chăng? Nếu vậy thì còn gì sung sướng bằng?
Thiếu Cơ chưa tặng ai kỷ vật bao giờ, mà ta có đến hai kỷ vật của nàng.
Một trăm mối tình chín mươi chín phần trăm là ngang trái, là đa đoan, là trớ trêu bởi định mệnh “ta yêu nàng, được nàng yêu” trong năm mươi hai
pho tình sử tình hận, tình cừu, tình oán, tình ghen, tình nghĩa, tình
si, tình nghĩa, tình ta nằm gọn trong hai chữ “tình ân”. Thần chết lên
nhân gian cũng sợ loài người vì biết rằng không thắng nổi mối tình yêu.
Có được tình yêu của một người mới hòng đoạt được tình yêu nhân loại!... kẻ không biết yêu thì như cây gỗ chết!
Chàng võ sĩ đeo gươm quạt mạnh mãi thêm lên, dư hương quyện lấy tâm hồn, đưa chàng lên không gian cao ngất...
Câu Hồn ngồi sau lưng nói rỡn :
- Cho tôi mượn cái mũ xinh đội chơi, tôi biếu bồ chiếc quạt ấy. Bồ là
đàn ông nên dễ bị ngây ngất vì “hồn hoa”. Văn Tú Tài là gái cải trang
nên không bị ngây ngất vì mùi hoa, nên nàng dắt ngựa chạy như bay rỡn
chơi với “chú bướm” rồi.
Cao Tú Sĩ chợt như tỉnh cơn mơ :
- Ồ! Vậy nhỉ! Văn Tú Tài là “gái”! Phải yêu một người... “chỉ có tình yêu” đáng quý như “kim cương” chẳng thể hủy hoại được.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...