Hai tháng trôi qua, công việc hè cũng kết thúc.
Kỳ Thư sung sướng đặt tiền lương vào ngăn tủ cất dành.
Tình cờ cô nghe được có gian hàng bánh trung thu ở chợ Bình Điền đang cần tuyển người.
Tuyến đường đi khá xa mất hơn một giờ với hai chặng xe buýt mới đến được cổng chợ nhưng đổi lại thu nhập khá tốt.
Nam Phong không ủng hộ nhưng Kỳ Thư kiên quyết đi làm để tích góp trang trải cho cả học kỳ tới.
Trước ngày đi làm, Nam Phong cùng cô đón xe buýt trước cổng trường đến bến xe miền Tây rồi từ đó đón chuyến tiếp theo đến chợ.
Anh cẩn trọng chỉ dẫn cho cô mọi thứ trên đường.
Xe dừng ở cổng chợ, Kỳ Thư cuốc bộ ba mươi phút mới tới gian hàng.
Không gian rộng lại đông người, tiếng các vật dụng, tiếng rao, tiếng nói vang động ồn ĩ.
Công việc Kỳ Thư bắt đầu từ bảy giờ sáng.
Cô lau dọn tủ, trưng bày bánh ra quầy, gấp hộp và soạn bánh theo đơn đặt hàng rồi phân loại chuyển cho người giao hàng.
Đơn hàng sỉ rất nhiều, đôi khi cả ngày cô hì hụi gấp hộp giấy và soạn đơn cũng không kịp.
Đến sáu giờ cô chạy ù ra cổng đón xe buýt trở về cho kịp chuyến cuối.
Ngày mưa, khu chợ nhếch nhác nước bẩn và mùi hôi.
Buổi trưa, Kỳ Thư phát tờ rơi cho tiểu thương trong chợ.
Họ niềm nở hỏi đủ thứ về bánh và khuyến mãi khiến cô say sưa đáp quên cả mệt mỏi.
Những buổi xong việc sớm, Nam Phong liền đến đón cô rồi phụ gấp hộp.
Anh ngồi gần mái hiên nên mưa tạt vào áo anh ướt lem.
Đến tối, tạm xong công việc trời vẫn chưa dứt mưa nên họ đội mưa về trường.
Kỳ Thư pha gói cháo nóng hổi ăn ngon lành.
Thảo ân cần đưa cho cô ly bột đậu nành.
Mùa hè nên các chị trong phòng đã về quê cả chỉ còn Thảo ở lại dạy thêm.
Kỳ Thư nằm co ro cuộn trong chăn nhớ về gia đình rồi nhớ đến ánh mắt xót xa của Nam Phong khi thấy những vết xước cắt trên tay cô và nhớ lúc cô ngủ gật suýt ập mặt xuống đất may mà anh chụp lại kịp..
********
M ột ngày mưa to từ sáng sớm khiến đường xá ngập lênh láng.
Chiếc xe buýt dừng lại khó nhọc khi bến xe miền tây ngập nửa mét.
Hành khách nháo nhác kêu than, vùng vằng bước xuống xe.
Cảnh tượng khiến cô nhớ đến trận bão lịch sử quê cô khiến tất cả chìm trong biển nước đen ngòm phù sa và bùn.
Nhưng ở đây lềnh bềnh rác thải, chai lọ..
với mùi hôi nằng nặc.
Kỳ Thư đi về hướng chiếc xe đang nhấp nháy đèn đợi những hành khách cuối cùng một cách khiên cưỡng.
Nước tràn lên khỏi bậc tam cấp của xe, chảy tràn lan dưới chân.
Những chiếc xe cố rồ ga chạy qua tạo sóng ập vào, chú tài xế bẳn gắt văng tục.
Xe tắt máy ngổn ngang trên đường, người tất tả hì hục đẩy.
Bước xuống cổng trường, nước ngập lút đầu gối.
Toàn thân Kỳ Thư run bần bật khiến Nam Phong quặn lòng.
Hai người bì bõm lội nước ra quán hủ tiếu gõ sau trường, đôi chân lạnh cóng.
Cây dù nhỏ chỉ đủ để che vài hạt mưa trên tóc.
Gió giật mạnh làm tấm bạt che của quán hủ tiếu đập lật phật, té nước tóe loe.
Nước dưới chân ngập gần tới yên ghế ngồi.
Kỳ Thư cầm đũa lên, nước mắt trào ra giàn giụa rơi vào tô hủ tiếu, nghẹn ngào nói:
- Em nhớ nhà quá! Mưa như thế này thì ở nhà dột nát hết, không có chỗ mà ngủ nữa.
Nước mắt tuôn theo làn mưa, cô và lấy đũa hủ tiếu rồi nức nở.
Nước mắt hay mưa Nam Phong không còn phân biệt được nữa.
Anh xoa lên mái tóc cô rồi để cho cô được khóc.
Cô nhớ lại khi còn nhỏ, những ngày mưa lũ phải chèo xuồng trong nhà.
Buổi cơm vội với trứng luộc trên cái bếp kê tạm.
Cũng có khi chỉ cơm trắng với nước cơm thậm chí chỉ có khoai mì luộc.
Mùa mưa năm cha mẹ ly thân còn thảm thương hơn nữa.
Những năm cấp hai, cô cuốc bộ hơn một giờ mới đến trường.
Đường ruộng vắng người qua lại, cỏ gai rậm rịt, rắn rết nhiều.
Mùa mưa trời tối đen lại thêm cây cối hai bên um tùm, nước mênh mông lạnh lẽo.
Mỗi chiều tan học, các cô chú hàng xóm chạy xuồng ghe ra đón con mà cô thầm khẩn khoản có ai đó gọi lại cho quá dang.
Nhưng có lẽ họ không nhìn thấy cô? Còn cô thì không có tiền để trả cho họ.
Lúc họ rời đi, đầu óc cô sa sầm.
Cô lầm lũi một mình, trượt té rồi bò dậy đi tiếp.
Có khi cô bị trượt xuống ruộng người ta, có lúc phải bơi tắt qua sông vừa lạnh run vừa sợ nhưng cố trấn an.
Chỉ một tiếng động nhẹ, tiếng gió rít qua, tiếng lay khua của cỏ cây cũng làm cô giật nảy người nhưng không bao giờ dám khóc.
Khi về tới khu dân cư, gia đình người ta đã quây quần bên nhau dưới ánh đèn vàng ấm hắt ra đường yếu ớt.
Mười đầu ngón chân cô đau cứng lại.
Trong bóng tối mờ mịt cô vẫn cảm nhận được căn nhà mình hiện ra trước mắt.
Cô đi vòng ra sau nhà, dội nước sạch sẽ rồi thay đồ.
Đôi lúc trong nhà có những người lạ hung hăng, khi thì người lớn cãi vã.
Cô rón rén bới bát cơm nguội ăn với bất kỳ thứ gì đó còn lại rồi lụi cụi chui vào mùng ngủ.
Tờ mờ sáng cô bò dậy ra sau nhà học bài..
Nam Phong lặng im nghe khóe mắt cay cay.
Làn khói ấm nóng của tô hủ tiếu không kịp xua đi cái lạnh buốt đã trơ ngắt trong mưa giông.
Kỳ Thư cuộn chăn mơ về quê nghèo xa xôi mà sống ngay trong lòng cô dào dạt..
Thắm thoát học kỳ mới đã bắt đầu được hai tuần nhưng Kỳ Thư miệt mài đi làm từ sáng đến tối nên chưa tham gia buổi học nào.
Ban Cán sự lớp đến tận phòng nhắc nhở.
Các chị nài nỉ nói đỡ cho cô.
Cơm áo gạo tiền không nhẩn nha, làng nhàng với con chữ.
Cô định làm xong mùa trung thu rồi chuyển sang công việc khác để có thể vừa đi học.
Còn Nam Phong bắt đầu học phần cuối rồi đi thực tập và thi tốt nghiệp.
Thời gian đúng là công bằng cho tất cả.
Nó là thứ mà dường như chúng ta vừa sở hữu vừa không sở hữu, đặc biệt là không có tính khứ hồi..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...