Kí Ức Của Mưa FULL


Hạ về trên phố phường ngập đầy sắc vàng hoàng điệp, tím thắm cánh bằng lăng và màu cháy đỏ của cánh phượng hồng.

Mùa hè cuối cùng của Nam Phong là mùa hè đầu tiên của Kỳ Thư.

Anh tiễn cô về quê thăm nhà còn anh ở lại làm công việc hè.
Căn nhà mái lá cũ kĩ có phần xiêu quẹo nằm heo hút trên con đường mòn làng mọc đầy cỏ dại hiện ra trước mặt.

Cô ngửi thấy mùi hơi đất chứng tỏ những cơn mưa mới vừa hôm qua, đường đất nhão nhoẹt sình lầy.

Bụi cải mẹ trồng nhú lên mơn mởn.

Làn khói trắng bốc ra từ phía mái nhà sau nồng rực mùi củi dừa thơm nức khiến cổ họng Kỳ Thư nghẹn lại.

Cô chạy vào nhà ôm chầm bà nội rồi hai em và thưa kể về việc học của cô với cha mẹ.
Trời sập tối, đàn muỗi đã bắt đầu vo ve.

Cô chui vào mùng, thỉnh thoảng kể chuyện và xoa bóp cho bà.

Vài giọt nước lành lạnh rơi trên mặt khiến cô giật mình.

Trời đổ mưa, cơn gió đập phầm phập vào vách lá, mưa dột xuống những chỗ mái lá bị nhũn nát.

Bà vẫn ngủ yên.

Cô nhón nhén kéo tắm bạt phủ đầy bụi lá mục ruỗng cột chặt về phía bà nằm.

Nơi thị thành náo nhiệt Nam Phong vẫn ngồi thờ thẫn ở khuôn viên trường, cảm nhận nỗi cô đơn nhớ nhung quay quắt, khao khát được cùng người mình yêu trải qua những ngày tháng đầy hỉ nộ ái ố của trần gian dù ở nơi cùng trời cuối đất.
********
Nằm cuộn trong chăn, Kỳ Thư đã nghe tiếng chim chíu chít cùng với thanh âm rôm rã của hàng xóm đang chài lưới ngoài đồng.

Kỳ Thư qua giường khảy khảy vào lòng bàn chân thằng út khiến nó ngồi bật dậy nhăn nhó.

Cô chèo xuồng qua con mương nhỏ, neo một đầu lưới vào rễ cây đước rồi buông lưới dài ra neo vào bụi cỏ.

Cô vòng xuống cuối con mương, đập đập cây dầm tạo sóng để cá hoảng loạn chạy về đầu nguồn.

Thằng út hồn nhiên nằm phe phẩy trên xuồng hát li la li lô còn lếu láo trêu khích cô.


Khi thấy cá lao vào lưới nó sòng sành nhổm dậy làm chiếc xuồng lắc lư.

Kỳ Thư hớn hở chèo thật nhanh rồi thất thểu với hai con cá bé tẹo.

Cô lúi cúi gỡ cá rồi thu lưới lại.

Đến những trảng to, cô đậu xuồng ở xa, rón rén lội xuống sông xõa lưới bao quanh.

Cô chạy lên ụ đất nổi vòng lại phía sau, tát nước tung tóe đánh động lũ cá.

Đoạn nước sâu ngang vai, cô cố vung tay khỏa nước.

Đến được đầu lưới bên này cô cũng mệt nhoài.

Cô ngồi bệt trên trảng cỏ lăm xăm mặt nước, thở hổn hển.

Nắng bắt đầu lên cao dần, cô ngả lưng xuống cánh đồng cỏ nước mặn nghe thanh bình an yên.

Mỗi đợt gió nhè nhẹ tạo những gợn sóng dập dềnh đẩy toàn thân cô bồng bềnh trên đầu ngọn cỏ, làn nước dưới lưng mát rười rượi, mắt ngắm bầu trời cao trong xanh vời vợi chợt hiện lên hình ảnh Nam Phong.

Bất ngờ có tiếng gọi làm cô bật dậy, nước ướt đẫm từ trên đỉnh đầu chảy xuống.

Cảnh Lam đang đợi cô bên kia bờ.

Những sợi cỏ và rong rêu còn bám nham nhỡ trên tóc và lưng cô.

Cô cầm con cá vẫy vẫy, cười tít mắt để lộ hàm răng trắng đều dưới ánh nắng giòn tan khiến Cảnh Lam bật cười.

Kỳ Thư ngồi phía sau, cầm cây dầm khua nhẹ làn nước, mặt ửng đỏ vì nắng.

Cô ngân nga câu hát: "Nghe nói Cà Mau xa lắm..".

Cảnh Lam hướng mắt mông lung nghe tiếng hát của cô.

Có lẽ sẽ rất lâu anh mới được nghe lại lần nữa.

Từ trước đến nay anh luôn đặt cô làm kim chỉ nam định hướng nhưng giờ anh phải tìm một lối đi riêng.

Anh đã xin thôi học và chuẩn bị đi nước ngoài.

Hai người ngồi trên thân cây dừa bật gốc nằm chỏng chơ trước sân nhìn ra ruộng nước xa xa, hàng đước ngả nghiêng sàn sạt theo gió.

Cả hai trầm ngâm đượm buồn.

Họ không nói với nhau thật nhiều như mọi khi, nhưng yên lặng đã nói hộ tất thảy những gì không thể giải bày trong họ.
Nửa đêm trời mưa to, nằm trên giường như đang nằm giữa trời trơ trọi.

Bà nội thức giấc ngồi thu lu trong góc.

Mưa giật mạnh tạt ướt khắp nơi trong nhà.

Kỳ Thư cùng cha mẹ lấy thau chậu hứng nước mưa dột.

Cha cô soi đèn pin vào khe cửa, những cơn gió đập mạnh khiến nó lung lay.

Cây cột nhà nhiều năm tuổi như phất phơ trước gió.

Chỉ có hai đứa em là ngủ say.

Mưa làm ướt mem mớ sách cũ mà cha cô đã gìn giữ mấy chục năm.

Ông vội vàng tỉ mỉ lau từng trang.

Dù theo thời gian nó đã ố vàng và lỗ chỗ những vết mối mọt đục khoét nhưng ông không nỡ vứt đi.


Với ông, đó là một góc tâm hồn! Cô phụ cha lau và sắp xếp mớ sách qua chỗ khác.

Không ai nói với ai lời nào chỉ có tiếng mưa rào rào trên mái lá cùng với tiếng gió đập vào vách và khung cửa phành phạch.
Trưa hôm sau, Kỳ Thư đang đút nước cho em gái thì có hai người khách đến tìm cha mẹ cô.

Cô không biết họ là ai nhưng sự cáu cạnh trên gương mặt họ khiến cô bồn chồn.

Cô chạy thật nhanh ra đầu bờ ruộng gọi cha mẹ.

Nhìn thấy họ, ánh mắt cha mẹ cô chùng xuống.

Họ đến đòi tiền gạo.

Cha cô xin khất và không lấy gạo đợt này cho đến khi trả được một ít tiền.

Mẹ cô hằn học cha cô vì nửa tháng tới không có gạo để ăn rồi bực dọc ra khỏi nhà.

Cô chạy theo hỏi, bà gắt gỏng rồi lảng đi mất.

Chiều xuống, Kỳ Thư nhấp nhổm nhìn ra bờ đê mong ngóng.

Cảm giác đó khiến cô hoảng sợ nhớ lại năm cha mẹ ly thân.

Chiều nào cô cũng trèo lên cây dừa đã bị chặt ngang gốc, dõi trông, hy vọng thấy bóng dáng mẹ quay về cho đến khi chạng vạng rồi tối mịt.

Chợt có tiếng động rất mạnh từ trong nhà.

Cô hớt hải chạy vào, thấy em gái đang nằm vật ra dưới nền nhà, toàn thân cứng ngắt co giật, mắt trợn ngược, đàm đặc quánh trào ra khóe miệng, hơi thở phì phò.

Cô hoảng hốt đỡ lấy em rồi hét lên thất thanh.

Cha cô vụt chạy vào sơ cứu.

Em qua cơn nguy hiểm nhưng cơ thể hoàn toàn yếu nhược.

Cha cô trông nom em gái còn cô nhen bếp nấu nồi cháo.

Bà nội không thấy mẹ cô đâu, tấm tức khóc rồi than trời trách đất.

Cô tất tả chạy qua nhà hàng xóm gọi thằng út về tắm rửa.

Trước sau trong nhà chỉ có tiếng thở dài hăng hắc.

Trời tối sầm, mẹ cô bước vào nhà với bịch gạo trên tay.


Cô biết là mẹ đã phải nài nỉ nhà họ hàng.

Một lúc sau, có vài người kéo đến nhà nặng nhẹ và đối chất cãi cọ.

Mẹ cô ra ngoài ngóng chuyện, câu được câu mất rồi lại kể cả khắp nơi.

Cha cô biết rõ tính thị phi của bà nên nhẫn nhục xin lỗi họ.

Một đêm dằng dặc, ngột ngạt không ai nói lời nào.
Kỳ Thư quyết tâm lên Thành phố sớm để làm thêm dịp hè.

Cô ghé qua phòng trọ hai chị đợi chuyến xe đêm.

Hai chị vừa ra ca về ăn cơm.

Họ trò chuyện với nhau trong vội vã, buồn tủi.

Chị hai dúi mấy cái đồ vào ba lô của cô và đưa cô một ít tiền.

Kỳ Thư lấy đủ số tiền đi xe và một trăm nghìn để ăn uống còn lại cô nói chị để dành gửi về nhà.

Cơn gió nhẹ làm lật ngược bảng tên công nhân đeo trước ngực chị hai hiện ra tấm hình Kỳ Thư tươi cười gắn ở mặt sau.

Khi xe đến đón, hai chị ngân ngấn nước mắt.

Kỳ Thư nhìn ra ngoài đường tối om, mờ mịt như những bước đi của cô hiện tại.

Lên đến Ký túc xá, cô thả mình bơ thờ cạnh góc phòng rồi nhắn cho Nam Phong.

Chỉ một lúc sau, anh đã đứng trước cửa phòng cô.

Anh đưa cô đến bờ sông hò hẹn.

Anh dịu dàng áp đầu cô vào ngực áo anh vỗ về ngổn ngang, căm lạnh trong lòng cô.

Cô không biết rằng khi yêu, nỗi nhớ là điều thường trực còn ánh mắt chính là gương soi trong lòng..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui