Khoái Xuyên Chi Đả Kiểm Cuồng Ma

Chuyển ngữ: Phong Lưu

Beta: BuBu

Cứ như vậy, lại nửa tháng nữa trôi qua, dưới sự thúc giục năm lần bảy lượt của đế vương, Triệu Huyền cuối cùng cũng tra ra được một chút manh mối, lập tức trình đến trước mặt vua.

An Thân vương không tài nào hiểu nổi thế nào mà những kẻ áo đen kia lại có liên quan đến mình. Đó là bãi săn, canh phòng nghiêm ngặt, gã vốn không có khả năng phái người xâm nhập. Cho dù có, đối tượng mà y ám sát cũng không nên là Cung Thân vương, mà là Thịnh Đế. Một hoàng tử vừa trưởng thành như Cung Thân vương có gây cản trở gì cho gã mà gã phải phái ngần ấy cao thủ đi lấy mạng y?

Ai sáng suốt chỉ cần nhìn là biết người được lợi lớn nhất trong sự kiện ám sát lần này rõ ràng là người ngồi trên ngai vàng kia, vậy mà nhất định phải vu oan cho mình. Nhưng những lời này gã cũng không dám nói thẳng, chỉ có thể quỳ rạp xuống kêu oan trên điện Kim Loan.

Chu Doãn Thịnh khoát tay nói trẫm biết, ngay sau đó ra lệnh giam giữ gã, phái Triệu Huyền đến quý phủ của gã điều tra. Triệu Huyền không ngờ Hoàng thượng lại giao nhiệm vụ quan trọng như vậy cho hắn, tựa hồ rất tin tưởng hắn. Nhưng nghĩ lại, chẳng lẽ trong đó có cạm bẫy gì?

Mặc xác, chỉ cần là người nọ, cho dù tan xương nát thịt, hắn cũng phải nhảy vào thử xem, nhưng tiền đề là phải có người nọ theo cùng. Đến phủ An Vương, binh lính cẩn thận điều tra, thiếu điều đập từng viên gạch tường ra kiểm tra, rốt cuộc quả thực tìm ra vài thứ vi phạm lệnh cấm, trong đó có thư từ mật giữa An Thân vương và một số đại thần, trong thư đề cập đến nhiều nội dung trọng yếu như thuế muối, buôn lậu kim loại, mua bán chiến mã, tích luỹ tư binh…

Có thể nói tâm tư Tư Mã Chiêu, người qua đường cũng biết.

Vừa hay tin, cả triều đình đều ồ lên, An Thân vương vốn còn đang chờ trong cung lập tức bị đưa đến phủ Tông Nhân. Trải qua vài đợt thẩm vấn, chứng cứ đã vô cùng xác thực, không thể bàn cãi, gã bị cách tước vương chức vị, giam cầm trong vương phủ. Những quan viên mà y mượn sức người bị tru di cửu tộc, người bị chém đầu thị chúng, người bị cách chức điều tra, không một ai có kết cục tốt.

Sau hai đợt thanh trừng, khi lần nữa đứng trên điện Kim Loan, thấy rất nhiều gương mặt xa lạ Hoàng thượng mới đề bạt, các triều thần đều cảm thấy tim gan run rẩy, lạnh cả sống lưng. Ai cũng nói thiên tử giận dữ, triệu thây ngả rạ, lần thịnh nộ này của Thịnh Đế tuy không đến nỗi triệu thây ngả rạ, nhưng cũng có thể xưng là máu chảy thành sông.

Những đại thần từng cho rằng Hoàng thượng bị Quý phi mê hồn, đang dần trở nên hèn yếu, mất sáng suốt, những đại thần tự cho rằng tìm thấy cơ hội thăng tiến, quyền cao chức trọng nay đã hoàn toàn dẹp sạch những suy nghĩ ấy. Hổ cũng có lúc ngủ gật, Hoàng thượng vẫn là Hoàng thượng có thể đàn áp ngoại thích từ năm mười bốn tuổi, chỉ kẻ nào chán sống mới dám giở trò trước mặt hắn.

Sau khi thu phục triều đình, hắn lại bắt đầu chỉnh đốn quân vụ. Đại Tề có bốn vùng quân sự lớn, ngoại trừ khu Tây Bắc, tướng lĩnh những khu khác lần lượt đều bị xử trí răn đe, thậm chí có một số người không làm tròn trách nhiệm, tham ô, cướp quân công đều bị xử trảm. Tam quân vốn rời rạc, hỗn loạn trước kia dần đần quy tụ, trở nên vững bền như sắt thép.

Sau khi dọn sạch triều đình, kỳ thi Hội ba năm một lần cũng bắt đầu. Là em trai của sủng phi đương triều, Triệu Kế Đông được rất nhiều người chú ý. Tất cả mọi người đều đang suy đoán liệu lần này cậu ta có được đề tên trên bảng vàng không.

“Chắc chắn là có rồi, người nọ chính là đệ đệ của Tuệ Di Quý phi, là quốc cữu thực thụ, Hoàng thượng thế nào mà chả yêu ai yêu cả đường đi.” – Có người chọc ngoáy. Sự thực cũng hệt như họ đoán, bảng vàng vừa được công bố, tên Triệu Kế Đông chễm chệ ngay đầu bảng, đỗ Hội nguyên. Những sĩ tử đến xem thành tích có người kích động làm ầm lên, nói quan chủ khảo lạm quyền, bôi tro trát trấu Thánh Thượng v.v. Bên trên tựa hồ đã sớm đoán trước được chuyện này, lập tức dán bài thi của mười người đứng đầu lên bảng vàng cho mọi người xem xét minh bạch.

Bài làm của Triệu Kế Đông chẳng những ngôn từ trau chuốt, hoa mỹ, quan điểm cũng vô cùng độc đáo, xuất sắc hơn hẳn những bài thi kế bên. Dẫu là sĩ tử có tên trên bảng vàng hay những người thi trượt, sau khi đọc bài làm của cậu ta, người nào người nấy đều tâm phục khẩu phục, không còn ai dám bịa đặt sinh sự. Sau đó, trong kỳ thi Đình, cậu ta lại viết ra một áng văn tuyệt diệu, Thịnh Đế xem xong rất lấy làm hài lòng, luôn miệng khen cậu ta tài trí hơn người, ban cho cậu ta danh hiệu Trạng nguyên khoa thi lần này, thậm chí còn gọi cậu ta lên cùng uống mấy chén tại bữa tiệc Quỳnh Lâm (*) sau đó, dường như vô cùng coi trọng.

(*) Yến tiệc mà triều đình tổ chức để chúc mừng những sĩ tử mới đỗ đạt.

Bắt lấy cơ hội này, Triệu Bích Huyên lập tức nhắc khéo đế vương chuyện tước vị. Thấy đế vương chỉ trầm ngâm mà không phải phản đối, ả liền gửi lời về cho gia đình, giục cha dâng sớ xin sắc phong thế tử. Thấy bọn họ quả nhiên hành động theo kịch bản của mình, Chu Doãn Thịnh không khỏi cười nhạo, vung bút phê chuẩn, thậm chí trực tiếp đề bạt Triệu Kế Đông lên vị trí Hàn lâm viện Thị độc học sĩ Tòng ngũ phẩm.

Thánh chỉ được đưa đến phủ Văn Viễn Hầu, Phương thị và lão Văn Viễn Hầu hiển nhiên vui như mở cờ. Lý thị và Triệu Hân Nhiên lại giận đến nổ phổi, chỉ muốn sai người đến phá phủ hầu, cùng lắm thì kẻ sứt càng, người gãy gọng.

“Húc nhi đáng thương của ta, rõ ràng tước vị là của con, lại bị tiện nhân kia cướp mất, sau này con lớn phải sống sao giữa đất kinh thành này! Thánh thượng mông muội, lại để cho thiếp đè đầu thê, thứ tử đoạt tước vị đích tử, không coi lễ giáo thể chế tông tộc ra gì, sao xứng…”

“Đủ rồi!” – Không để Lý thị gào xong, mặt mũi Triệu Huyền liền sa sầm, lập tức cắt ngang. Tâm trạng hắn lúc này cũng rất khó chịu. Vì ả dâm phụ Triệu Bích Huyên kia mà Tề Dịch Ninh có thể tổn hại cả lễ giáo thế tục, điều này khiến hắn rất muốn trói người kia lại giáo huấn một trận. Nhưng dẫu tức giận đến đâu đi chăng nữa, hắn cũng không chấp nhận người khác chửi bới người nọ dù chỉ nửa lời.

“Dám phê phán Hoàng thượng, mẹ có mấy cái đầu? Về sau đừng bao giờ nhắc lại lời như vậy nữa, nếu không con cũng không bảo vệ được mẹ đâu. Sau này con sẽ truyền tước vị của mình cho Húc nhi, nếu mẹ không an lòng, con lập tức đi dâng sớ xin Hoàng thượng.” – Hắn rũ mắt, vuốt ve chiếc nhẫn trên ngón cái.

“Con cho Húc nhi tước vị Ngu Quốc công? Vậy con trai con thì sao?” – Lý thị giật mình.

“Con sẽ không có con, tước vị truyền cho Húc nhi là hợp nhất.”

“Sao con lại không có con? Ý của con là gì, lẽ nào không định lấy vợ sinh con? Hay là con bị thương chỗ đó lúc chinh chiến ngoài biên quan? Ôi con tôi, sao số con tôi lại khổ thế hả giời!” – Lý thị liên tục truy hỏi, càng hỏi càng cảm thấy suy đoán cuối cùng kia của mình là thật, không khỏi đấm ngực khóc như mưa.

Triệu Hân Nhiên sau khi từ hôn được huynh trưởng sắp xếp cho một cuộc hôn nhân khác. Phu quân tuy không giữ chức vị cao trong triều, nhưng trên không phụ mẫu dưới không huynh đệ, bên cạnh cũng sạch sẽ không có cơ thiếp, lại thêm là thuộc hạ của huynh trưởng, đương nhiên trung thành với hắn, nói gì nghe nấy. Lấy người nọ, Triệu Hân Nhiên nghiễm nhiên là chính thất, là bà chủ gia đình, không có thứ tử chướng mắt, không có thiếp thất quấy rầy, cuộc sống thanh nhàn miễn chê. Nay thị cũng đã nghĩ thoáng mọi chuyện, nghe thấy động tĩnh bèn vội vàng chạy đến an ủi mẫu thân. Biết huynh trưởng bị thương chỗ ấy, không thể có con nối dõi, thị cũng không khỏi âu sầu, úp mặt lên vai mẹ mình khóc thút thít.

Triệu Húc sáu tuổi mới bắt được một con dế vừa hay đi ngang qua, đi vài vòng xung quanh hai người, đoạn cũng khóc oa oa, làm cả đám vú già luống cuống tay chân.

Triệu Huyền căn bản không muốn để ý đến mớ bòng bong trong phủ, chỉ sầm mặt tản bước giữa phố xá sầm uất. Hắn đang nghĩ xem có nên nhân lúc đêm khuya mò vào cung, lột quần áo giáo huấn người nọ một trận hay không, càng nghĩ trong lòng càng xuất hiện nhiều tư tưởng không lành mạnh.

“Triệu đại ca, lên làm một chén chứ?” – Bỗng nhiên có tiếng gọi từ trên vọng xuống, Triệu Huyền ngước mắt nhìn, hoá ra là Cung Thân vương Tề Cẩn Du.


Vì thời nhỏ từng quen biết, quan hệ giữa Cung Thân vương và hắn xưa nay luôn rất tốt, Cung Thân vương thường trốn ra khỏi cung chơi với hắn, luôn miệng “Triệu đại ca” “Triệu đại ca” vô cùng thân thiết, không hề có dáng vẻ ngạo mạn của một hoàng tử, thậm chí muốn tương giao ngang hàng với hắn. Khi ấy, hắn vừa hay đang tìm cơ hội leo lên, bèn qua lại xã giao một hồi. Tình hữu nghị này bắt nguồn từ một cuộc đầu tư chính trị, nhưng cuối cũng hắn vẫn chưa nhận được gì, thay vào đó là Thịnh Đế hết lòng nâng đỡ trọng dụng mới có Ngu Quốc công ngày hôm nay. Dẫu bản tính ngông cuồng đến đâu đi chăng nữa, Triệu Huyền vẫn hiểu đạo lý uống nước nhớ nguồn, đương nhiên sẽ không dễ dàng bị Cung Thân vương lung lạc. Huống hồ người đương ngồi trên ngôi vị hoàng đế là người hắn tâm tâm niệm niệm, muốn mà không được. Cho dù tự tay huỷ hoại người nọ, hắn cũng sẽ không để người khác chạm đến một sợi tóc của người nọ.

Triệu Huyền thầm cười nhạo, sắc mặt lại hơi dịu xuống, bước vào tửu điếm. Đây là quán ăn lớn nhất cũng như thanh tao nhất kinh thành, kiến trúc hình chữ tỉnh (井), bốn toà nhà mộc mạc thanh thoát bao quanh một khu vườn toàn những hoa thơm cỏ lạ, có thể ngồi trên tầng vừa thưởng thức món ngon vừa ngắm nhìn phong cảnh, vị giác và tinh thần đều được thoả mãn. Trong vườn có dựng vài mái đình nghỉ mát, xung quanh liễu rủ liền dải, gió thổi phất phơ, cảnh sắc say lòng người. Nếu muốn dùng bữa ở đó, chỉ riêng tiền đặt chỗ đã mất mười lạng bạc, nhưng vẫn được rất nhiều quan lại quyền quý tranh đoạt.

“Sao không dùng bữa trong đình?” – Triệu Huyền từng đến nơi này với Tề Cẩn Du vài lần, lần nào cũng là bày tiệc giữa vườn, chưa từng lên tầng hai bao giờ.

“Chỗ kia có người đặt mất rồi.” – Tề Cẩn Du cười nhạt.

Ánh mắt hơi hấp háy, Triệu Huyền cười nói – “Ồ, là thần tiên phương nào mà có thể khiến chưởng quỹ không nể mặt cả Cung Thân vương?” – Tuy ngoài miệng hỏi thế, nhưng trong lòng hắn cũng đã đoán ra thân phận của người này. Nhớ đến đôi mắt sáng ngời và cặp má ửng hồng của người nọ, hắn không thể không thầm than trong bụng: Quả thực đúng là thần tiên hạ phàm.

“Còn ai vào đây nữa.” – Tề Cẩn Du chỉ chỉ đỉnh đầu, không cần nói cũng hiểu.

Đến đúng lúc thật. Triệu Huyền nâng chén rượu nhấp một ngụm, hết sức hài lòng.

“Mà nhắc mới nhớ, lần này hoàng huynh chỉnh đốn tam quân, mấy ngày nữa sẽ đến lượt khu Tây Bắc. Triệu đại ca, tốt hơn hết huynh nên chuẩn bị sớm thì hơn. Triệu đại ca đổ biết bao mồ hôi xương máu ở Tây Bắc, quen với đao thương chính diện, chắc hẳn không biết những cuộc tranh đấu chốn cung đình tiềm tàng lắm mưu ma chước quỷ đến nhường nào. Cứ nhìn mấy đợt dọn dẹp triều đình này mà xem, đã có biết bao nhiêu người mất đầu, đến ta cũng phải lo lắng đề phòng, nơm nớp lo sợ một ngày nào đó bị thanh trừ, huống gì quan lại trong triều.” – Tề Cẩn Du uống cạn một hơi, nét mặt bi ai.

Đoạn lời này một là nhằm ly gián mối quan hệ giữa Triệu Huyền và Thịnh Đế, cảnh cáo hắn đừng đứng về phía Thịnh Đế, tránh bị qua cầu rút ván; hai cũng là nhằm lôi kéo đồng minh về phe mình. Tề Cẩn Du tốn bao tâm sức xếp đặt suốt ba năm ròng, hy sinh cả người phụ nữ mình yêu thương nhất, tưởng chừng đã ngày càng gần với vị trí cao quý nhất thiên hạ nọ, ngờ đâu Thịnh Đế bỗng dưng nổi điên, chẳng mấy chốc đã đánh tan vây cánh mới mọc của y. Y vừa kinh hãi vì tài bày mưu tính kế cũng như bản lĩnh sát phạt quyết đoán của đối phương, lại vừa không cam lòng trước cục diện này.

Nghe vậy, Triệu Huyền thở dài một tiếng, nhưng trong bụng lại thầm cười khẩy. Người này mới vừa tính kế hắn xong, quay lưng đã lại muốn mượn sức hắn, coi người ta là kẻ ngu chắc? Nếu là trước kia, vì tìm kiếm kích thích, có lẽ hắn sẽ giúp một tay, nhưng nay tuyệt đối không thể. Trên đời này, chỉ có hắn mới được động đến người nọ, nếu ai dám táy máy tay chân, hắn nhất định sẽ bắt kẻ đó phải trả giá đắt.

Đương suy nghĩ, tầng dưới vang lên tiếng kêu bè gọi bạn. Hai người buông chén rượu nhìn xuống, hoá ra là Triệu Kế Đông cùng một đám văn sĩ ăn mặc nho nhã. Đám người đi theo tiểu nhị đến một mái đình khang trang đẹp đẽ. Một lát sau, lại một thanh niên mặc nho sam xanh biếc, tay cầm quạt xếp chậm rãi đi vào, khiến cả đại sảnh đang ồn ào nhốn nháo phút chốc lặng ngắt như tờ. Quan lại quyền quý yên lặng vì họ nhận ra thân phận của người này, còn những thực khách bình thường khác quên nói chuyện thì là bởi dung mạo của người này quá tuyệt trần.

Thân hình hắn dong dỏng như tùng trúc, khí chất cao quý như sương tuyết, khuôn mặt tuấn mỹ như ngọc chạm, đôi mắt đen láy sáng như sao. Bước đi của hắn mang theo gió nhẹ, tựa ngự mây mà đến, quả thực khiến người ta mê đắm. Thực khách trong sảnh đều thầm khen tuyệt, mãi đến khi hắn đi xa mới có vài quan chức quý tộc hoàn hồn, định đuổi theo hành lễ.

Chu Doãn Thịnh xua tay, chỉ chỉ nho sam trên người, ám chỉ hôm nay họ cải trang xuất hành, không thích hợp để lộ thân phận. Mấy người cúi mình gật đầu, xem như thể hiện sự kính trọng.

Ngay một khắc trước khi hắn bước vào, Tề Cẩn Du đã hạ mành trúc xuống, tránh cho bị hắn trông thấy. Triệu Huyền đứng sau mành trúc, thông qua khe hở ngắm nghía người nọ từ đầu đến chân. Thấy người nọ ăn diện nho nhã, bước nhanh như gió, hắn không khỏi cười lạnh một tiếng. Mới mấy ngày đã lại bắt đầu trêu hoa ghẹo nguyệt, không biết chừng mực, đúng là vừa hết sẹo đã quên đau. Đáng lẽ ngay từ đầu không nên vì yêu quý mà khoan dung với hắn.

Hắn phong lưu lắm chứ gì? Vậy thì cho hắn phong lưu đủ.

Nghe thấy tiếng cười lạnh đầy ác ý của Triệu Huyền, Tề Cẩn Du còn tưởng hắn bất mãn với Tề Dịch Ninh, tức thì mừng thầm trong bụng. Phòng riêng của hai người đối diện đình nghỉ mát, chỉ cần hơi nghiêng đầu là có thể trông thấy hết tình huống ngoài đình. Người nọ đi đến mái đình, thấy Triệu Kế Đông đứng dậy đón tiếp, bèn lấy quạt gõ nhẹ bả vai cậu ta, thái độ vô cùng thân mật. Các văn sĩ khác bị dung mạo và khí độ của hắn thu hút, cũng lặng ngắt mấy giây như mọi người trong sảnh, đoạn lấy lại tinh thần, sôi nổi bắt chuyện với hắn.

Bởi vì Tiên đế đặc biệt coi trọng ngoại hình, hễ quan viên nào có diện mạo ưa nhìn, tốc độ thăng chức ắt nhanh hơn đồng liêu một chút, thậm chí thích nhất tam hoàng tử có dung mạo tuyệt trần trong số con trai của mình. Để nâng đỡ hắn, Tiên đế không tiếc ép Hoàng hậu nhận nuôi hắn, cho hắn danh phận đích tử, khi băng hà còn lập di chiếu chỉ định tam hoàng tử kế vị. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Tiên đế chính là một tên nhan khống. Tục ngữ có câu “trên làm dưới noi theo”, dân chúng Đại Tề cũng thừa hưởng sở thích yêu cái đẹp của Tiên đế, luôn hào phóng rộng lượng với mỹ nhân, hơn nữa rất coi trọng ngoại hình của mình. Ở Đại Tề, không chỉ phụ nữ thích chải chuốt làm đẹp, mà ngay cả đàn ông cũng thường dặm phấn cài trâm, tô mày vẽ mi, ăn diện nổi bật xuống phố.

Mỹ nhân tuy nhiều, nhưng đẹp đến như vậy thì cực kỳ hiếm thấy. Mọi người nhìn Triệu Kế Đông – người có ngoại hình tương tự Tuệ Di Quý phi bảy, tám phần rồi lại nhìn người đến, đồng loạt nghĩ bụng đây mới thực sự là mỹ nhân đệ nhất Đại Tề. Hiển nhiên họ đã quên rằng chính tiên đế cũng từng khen tam hoàng tử như vậy, chỉ cần suy nghĩ kỹ, cũng không khó đoán ra thân phận người này.

Một lúc sau, dần dần có người ngẫm ra, nét mặt trở nên kính cẩn. Nhưng cũng có kẻ bị sắc đẹp mê hoặc, đầu óc choáng váng, liên tục mời rượu người nọ. Chu Doãn Thịnh biết người yêu đang nhìn mình từ tầng hai, ánh nhìn nóng rực như sắp đốt thủng quần áo hắn. Không biết tâm trạng anh ta lúc này ra sao nhỉ? Nhìn được không xơi được, chắc ngứa ngáy khó chịu lắm nhỉ?

Nghĩ thế, Chu Doãn Thịnh lại thấy sướng cả người, ai kính rượu cũng không chối từ. Triệu Kế Đông vốn định uống đỡ hắn, thấy hắn hứng trí như vậy cũng bèn thôi. Uống được một lúc, có người bắt đầu đưa ra đề nghị thi làm thơ, lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ mọi người.

“Lấy đề tài gì?”

“Đề tài về người.”

“Người nào?”

“Bất kỳ ai ở đây.”

“Được, đề tài hay đấy.”

Sau một hồi thảo luận, mọi người gọi tiểu nhị mang văn phòng tứ bảo đến, chuyển đồ ăn ra nơi khác rồi trải một tấm vải lên bàn, sau đó nâng bút viết. Những người này đều là văn sĩ nổi tiếng chốn kinh thành, tài năng đương nhiên bất phàm, chưa quá ba mươi phút đã lần lượt dừng bút. Chu Doãn Thịnh dạo qua từng bài, đột nhiên sắc mặt sa sầm. Triệu Kế Đông vốn đang lo có người đem Hoàng thượng ra viết những bài thơ dâm tục khó coi, thấy hắn đột nhiên biến sắc, trong lòng không khỏi giật thót, đang định đến gần hỏi thăm thì Hoàng thượng đã chẳng nói chẳng rằng mà phất tay áo bỏ đi. Lâm An theo sát đằng sau, ánh mắt dường như toát vẻ tức giận.

Mãi đến khi họ đi xa, Triệu Kế Đông mới cầm lấy bài thơ cuối cùng mà hắn nhìn đến nọ, sắc mặt bỗng chốc tái nhợt. Cậu ta mắng đầu sỏ gây tội một trận té tát, nhưng bụng biết cho dù biết là tả mình, Hoàng thượng cũng sẽ không gán thứ thơ từ này lên người mình, tuy tức giận là chắc chắn, nhưng cũng sẽ không xử phạt công khai. Như vậy, hôm nay ít nhất cũng giữ được chút thể diện cuối cùng. Xé nát giấy Tuyên Thành, cậu ta giận dữ bỏ đi, nghĩ bụng sau khi trở về nhất định phải truyền lời cho tỷ tỷ, nhờ tỷ tỷ nói đỡ vài câu trước mặt Hoàng thượng, xin Hoàng thượng đừng giận cá chém thớt.


“Huynh đoán người nọ viết gì?” – Ánh mắt Tề Cẩn Du toát vẻ vui cười trên nỗi đau của người khác.

“Chuyện như này tốt nhất là không nên biết.” – Triệu Huyền không có hứng thú, chỉ ngồi thêm một lúc rồi cáo từ. Đến một ngõ hẻm yên ắng, hắn giơ tay ra hiệu với không trung. Ngay lập tức, một người áo đen đột nhiên xuất hiện, nói thầm vào tai hắn điều gì đó.

Mặt nhường phủ phấn tô hoa, môi son điểm sắc chu sa ghen hờn. Xa kia suối tóc mơn mơn, nghe hương đã thấy dập dờn đêm xuân… (1) Khá khen cho một áng thơ dâm tục, nhãi ranh ngươi dám! Hắn nở một nụ cười dữ tợn, lệnh cho người nọ đi tìm văn sĩ vừa rồi kia, bẻ gãy mười ngón tay gã ta, cho gã ta cả đời này không nhấc bút lên được nữa. Sau đó, hắn lén bám theo Tề Dịch Ninh, đánh lạc hướng thị về và tuỳ tùng bên cạnh người nọ, cuối cùng đánh ngất người nọ mang đi.

Khi Chu Doãn Thịnh tỉnh lại, trước mắt là một khoảng đen tuyền, cổ cũng đau nhoi nhói, không khỏi nghiến răng nghiến lợi thầm mắng người nọ ra tay quá mạnh. Hắn định đứng dậy xem xét tình hình, không ngờ lại thấy cả người mềm nhũn, không có chút sức lực nào, tựa hồ bị trúng thứ thuốc mê nào đó tương tự nhuyễn cân tán.

“Tỉnh rồi?” – Một giọng nói trầm khàn vang lên bên tai, ngay sau đó lại nghiến răng nghiến lợi thêm một câu – “Hôm nay ngươi làm ta rất tức giận.”

“Ngươi là ai? Dám năm lần bảy lượt ra tay với trẫm, chờ trẫm điều tra ra, nhất định sẽ khiến ngươi sống không bằng chết!” – Tốt nhất là cho ngươi nhịn đến chết! Chu Doãn Thịnh rủa thầm trong bụng.

“Sống không bằng chết? Nói hay lắm.” – Triệu Huyền cười gằn, xách bầu rượu lên, hỏi – “Ngươi thích uống rượu chứ gì? Thích làm thơ chứ gì? Vậy ta cũng làm một bài cho ngươi nghe. Giai nhân mắt ngọc mày ngài, gặp rồi nhớ mãi khó tài nào quên. Một ngày không thấy dáng bên, ngày dài da diết trắng đêm hao lòng… Ngóng ai chín đợi mười mong, bao giờ mới được thoả lòng ước ao. Không phận kết tóc duyên trao, lòng đau khôn xiết đoạ vào trầm luân. (2) Ta đã trầm luân vì ngươi, ngươi có cảm nhận được không?” – Triệu Huyền cầm lấy bàn tay mềm nhũn của hắn, đặt lên trái tim đập rộn của mình, cuối cùng đưa bầu rượu đến bên miệng hắn.

Ngửi thấy mùi rượu, Chu Doãn Thịnh vội vàng nghiêng đầu né tránh, nhưng đến cùng vẫn bị cưỡng chế rót đầy miệng, thậm chí có giọt chảy vào khí quản, khiến hắn ho sặc sụa.

“Ngươi lại dám… có ý đồ xấu xa như vậy… với trẫm. Đồ dê xồm… đừng để trẫm bắt được!” – Hắn uy hiếp với giọng đứt quãng.

Triệu Huyền lặng thinh không đáp, chỉ si mê ngắm nhìn gương mặt đỏ bừng vì ho của người nọ, suy đoán nếu giờ phút này tháo tấm vải đen che trên mắt đối phương xuống, liệu có thể trông thấy những giọt nước mắt long lanh trong suốt hay không. Hình ảnh ấy nhất định là rất đẹp. Hắn nhấn nhẹ ngón tay lên tấm vải, quả nhiên đã hơi ẩm ướt.

“Ngươi đẹp quá. Nếu không phải ngươi quá mê hồn, ta sao có thể trở nên như vậy? Muốn trách cũng chỉ có thể trách ngươi trêu hoa ghẹo nguyệt. Lần trước, lúc đi ta đã nói gì với ngươi, ngươi còn nhớ chứ? Mới mấy ngày thôi mà ngươi đã lại gây chuyện rồi.” – Triệu Huyền vừa đanh giọng quở trách, vừa liên tiếp rót rượu vào miệng đế vương.

Chu Doãn Thịnh bị sặc vài lần, ngay cả mũi cũng phun ra rượu, thực sự khổ không nói nên lời. Nhưng tệ nhất chính là hắn dần dần không chống chọi được tác dụng của rượu, bắt đầu trở nên váng vất.

“Ta thích ngươi, ngươi có thích ta không?” – Triệu Huyền hỏi với giọng dụ dỗ.

“Biến thái!” – Chu Doãn Thịnh cố gắng giữ chút tỉnh táo cuối cùng.

Triệu Huyền không biết biến thái có nghĩa là gì, nhưng chỉ nghe thôi đã biết không phải lời hay ý đẹp gì, tức thì cười gằn. Hắn liên tiếp rót rượu mạnh vào miệng người nọ không ngừng nghỉ.

[…]

Đợi hắn ngủ say, Triệu Huyền lập tức cởi tấm vải đen xuống, hôn lên bờ mi ướt nhẹp của hắn, trong lòng tràn đầy tình cảm.

“Chỉ có lúc này mới là ngoan ngoãn nhất.” – Hắn bật cười, lấy ngoại sam bọc kín người nọ, sau đó đưa đến một chiếc xe ngựa đỗ trong hẻm khuất. Lâm An bị đưa vào hẻm, phát hiện Hoàng thượng còn nguyên lành nằm trong xe, tức thì mừng đến phát khóc. Rốt cuộc chuyện là thế nào? Vì lẽ gì mà đường đường đấng quân vương Đại Tề lại năm lần bảy lượt bị bắt cóc. Nếu bắt được tên gian tặc kia, nhất định phải băm hắn ra thành trăm mảnh!

Khi tỉnh lại, Chu Doãn Thịnh thấy mình đã nằm trong cung Càn Thanh, trên đầu là mành lụa màu vàng kim, xung quanh là mùi long tiên hương thoang thoảng. Hắn đỡ trán, chống người dậy. Cảm nhận thấy huyệt thái dương đau giần giật, hắn không khỏi chửi thầm một tiếng.

Nghe thấy động tĩnh, Lâm An vội vàng chạy vào điện thỉnh tội.

“Đứng dậy đi. Chuyện hôm nay đừng để lộ ra ngoài.” – Phe phái Thái hậu vẫn đang hau háu ngôi vị Hoàng đế dưới mông hắn, nếu tin hắn mất tích bị truyền ra, Thái hậu chẳng những sẽ không tìm hắn, mà còn sẽ lập tức câu kết với triều thần tiến cử Cung Thân vương lên nắm quyền. Xem ra Triệu Huyền cũng biết nỗi băn khoăn của hắn nên mới không kiêng nể gì như vậy. Mẹ, lại dám chuốc say hắn, làm hắn mơ mơ màng màng không biết hôm nay là hôm nào. Giờ hồi tưởng lại, hắn chỉ thấy như vừa mơ một giấc mơ đẹp, chứ muốn nghĩ kỹ hơn thì trong đầu lại trống rỗng.

Trong lòng tức giận tột độ, Chu Doãn Thịnh chỉ ước sao có thể treo ngược Triệu Huyền lên mà quật một trận. Nhưng sau khi kiểm tra 008, phát hiện mỗi lần bắt cóc mình, người nọ đều chuyển một chuỗi dữ liệu vào, Chu Doãn Thịnh lại cảm thấy tâm lý cân bằng, bụng bảo dạ thêm vài lần nữa cũng không sao.

Triệu Huyền rời nhà với bộ mặt khó đăm đăm, khi về lại vui như trẩy hội, nét tươi cười ôn hoà hiếm có khiến mấy mẹ con Lý thị sợ hết hồn.

“Nhìn ta làm gì, ăn cơm đi.” – Thấy em gái nhìn mình với ánh mắt xót xa đau buồn, hắn gõ gõ bát, cân nhắc một hồi rồi lên tiếng – “Gia nghiệp bên phủ Hầu mọi người không cần tranh, sau này cứ phân rõ giới hạn với họ là được. Chuyện truyền tước vị cho Triệu Húc mà con nói lúc trước là thật, cũng đã viết sớ rồi, mai con sẽ dâng lên Hoàng thượng.”

“Huyền nhi, con thực sự không thể có con ư?” – Lý thị nước mắt lưng tròng, hỏi.

“Vâng, trừ phi người nọ có thể sinh cho con.” – Tựa hồ nhớ đến điều gì thú vị, hắn chợt cười khẽ vài tiếng, ánh mắt tràn đầy hứng thú.


Triệu Hân Nhiên và Triệu Húc chưa từng thấy anh trai mình hiền hoà như vậy bao giờ, không khỏi ngây người.

Lý thị vội bắt lấy từ khoá mà gặng hỏi – “Người nọ sinh cho con? Con có người trong lòng? Mau nói cho mẫu thân, mai mẫu thân sẽ đi hỏi cưới cho con. Cho dù gia thế nhà người ta thế nào, thanh danh hiển hách hay bình dân bách tính đều không thành vấn đề.” – Con trai thị đã cận kề ba mươi, tính tình lại cứng nhắc, một thân sát khí đến thần Phật cũng phải lui bước. Chỉ cần hắn chịu thành thân, Lý thị đều không dám bắt bẻ mảy may. Nay biết cơ thể hắn không thành vấn đề, một chút xót xa cuối cùng cũng tan biến sạch.

“Mẫu thân đừng xen vào, con có dự định của riêng mình. Tính người nọ rất bướng, còn cần dạy dỗ nhiều hơn.” –  Nhớ lại hình ảnh người nọ hùng hùng hổ hổ mắng hắn với chất giọng mềm nhũn, Triệu Huyền không khỏi mỉm cười. Rõ ràng đã say bí tỉ vậy rồi mà vẫn ngoan cố doạ dẫm, sao trên đời lại có người tuyệt diệu đến vậy? Đúng là khiến hắn không biết nên yêu thương thế nào cho đủ.

Nghĩ vậy, hắn lại lắc đầu cười nhẹ.

Lý thị và Triệu Hân Nhiên nhìn nhau, chỉ cảm thấy toàn thân nổi da gà. Họ chưa từng thấy con trai (anh trai) mình dịu dàng đến vậy bao giờ, không lẽ là trúng tà?

——————–

Chỉ mới chớp mắt, mấy tháng nữa lại trôi qua. Thấy con trai càng ngày càng bị đẩy xa khỏi triều chính, dần dần trở thành một Vương gia nhàn tản, Thái hậu vô cùng nóng ruột, vội vàng hạ chỉ tổ chức hôn lễ sớm cho y. La Chấn là Lại bộ Thượng thư, cắm rễ sâu trong triều, mạng lưới quan hệ rất lớn. Có ông ta giúp sức, con trai bà ta sẽ có thể tích tụ lực lượng lần nữa.

Tề Cẩn Du không muốn chút nào, nhưng vì tiền đồ, y không thể không nghe theo.

Nhưng ngoài dự liệu của y, La Chấn – người vốn rất hài lòng với cuộc hôn nhân này – nay lại bắt đầu do dự. Mấy năm trước, Hoàng thượng chìm đắm trong nữ sắc, bỏ bê việc triều chính, khiến trong ngoài triều đình nhiễu nhương. Ông ta rất thất vọng vì chuyện này, cho rằng Tiên đế đã chọn sai người. Nếu Hoàng thượng không chịu tỉnh ngộ, hoạ Đát Kỷ (3)nguy Bao Tự (4) ắt gần ngay trước mắt. Ông ta hiểu ý đồ của Thái hậu khi tứ hôn cho Cung Thân vương và con gái mình, thường ngày cũng âm thầm quan sát, cảm thấy Cung Thân vương là một nhân tài tiềm năng. Nếu cho y thêm năm, sáu năm tôi luyện, chưa chắc y không thể thay thế Hoàng thượng.

Nhưng dường như chỉ trong một đêm, Hoàng thượng lại lấy lại sự tỉnh táo, quét sạch triều đình với khí thế sấm chớp. Đáng quý hơn cả chính là hắn không lạm sát kẻ vô tội, vẫn giữ lại những người có tài năng thực thụ. Hắn đặc biệt khoan dung nhân tài, hơn nữa có phương pháp dùng người của riêng mình. Hắn đi ngược lại lời dạy của thánh nhân, tuy trọng dụng hiền thần, nhưng đồng thời cũng không xa cách tiểu nhân. Hắn xếp họ vào những vị trí phù hợp nhất, để họ có thể phát huy tác dụng lớn cho triều đình, cho quốc gia. Hắn là người có chính kiến, sẽ không tin tưởng mù quáng lời nói của bất kỳ triều thần nào, vậy nên cũng sẽ không phạm phải lỗi lầm vì nghe lời nói từ một phía. Phụng sự một đế vương anh minh thần võ như vậy hiển nhiên sẽ khiến cho người ta có cảm giác an toàn.

Giờ đây, Thịnh đế trù tính trong màn trướng, thắng lợi vạn dặm bên ngoài. Cung Thân vương chẳng những hãy còn non trẻ, mà dẫu có thêm hai mươi tuổi nữa, y cũng không phải đối thủ của Thịnh Đế. Nếu Thái hậu vẫn trông chờ La Chấn có thể kéo Cung Thân vương hay giúp y leo lên, ông ta tuyệt đối sẽ không đồng ý, thậm chí còn chẳng dám nghĩ nhiều. Chính vì vậy, hiện tại La Chấn rất đau đầu với cuộc hôn nhân này, nghĩ bụng giá như bắt được cơ hội từ chối cuộc hôn nhân này thì tốt.

Nhưng ông ta cũng biết đây chỉ là mơ tưởng hão huyền, đành cố lấy tinh thần chuẩn bị của hồi môn cho con gái mình. Nhưng ngày tỗ chức hôn lễ đã đang cận kề, con gái ông ta lại đột nhiên bị giặc cỏ tập kích trên đường đi lễ Phật, suýt nữa bị bắt đi. May thay có một viên quan đang trên đường về kinh thành báo cáo công việc đúng lúc đi ngang qua, lại mang theo rất nhiều đầy tớ vai u thịt bắp, nhờ thế mới đánh lui giặc cỏ, cứu nàng ta ra.

La Lam vừa về đến nhà liền ngã bệnh liệt giường. La Chấn vừa tìm kiếm danh y chữa trị cho con gái vừa âm thầm điều tra việc này. Do dạo gần đây Hoàng thượng liên tiếp chấn chỉnh triều chính, lại càn quét bao nhiêu võ tướng có lòng dạ không an phận dừng chân tại kinh thành, khiến kinh đô và các vùng lân cận vốn đang có xu thế rung chuyển trở nên đặc biệt thái bình, yên ổn, hơn nữa xung quanh cũng không có châu huyện nào gặp thiên tai, sao tự dưng lại xuất hiện giặc cỏ?

Vài ngày sau, kết quả điều tra được đưa đến tay La Chấn, khiến ông ta vừa bất ngờ vừa tức giận. Thì ra người ra tay tàn nhẫn với con gái ông ta không phải ai khác, mà chính là cháu gái ông ta – đích thứ nữ của Tĩnh Quốc công – La Văn. Thị đã sớm mang lòng yêu thích Cung Thân vương, tự coi mình là em họ của Cung Thân vương, quan hệ mật thiết, lại đường đường là đích nữ của Tĩnh Quốc công, thân phận cao quý. Nếu Thái hậu muốn tuyển phi cho Cung Thân vương thì đáng ra nên chọn thị mới đúng.

Ngờ đâu Thái hậu lại trực tiếp bỏ qua thị, chọn La Lam thuộc bàng chi. La Văn từ nhỏ đã hay so bì với La Lam, thấy vậy hết sức bất bình, bèn thuê vài tên du thử du thực cải trang thành giặc cỏ, bắt La Lam đi mấy ngày. Đợi đến mấy ngày sau, chúng sẽ thả nàng ta về, lúc ấy nàng ta đã thân bại danh liệt, mất hết trinh tiết, danh hiệu Thân vương phi sẽ thuộc về thị.

La Chấn xem đi xem lại báo cáo điều tra vài lần, buồn nôn như thể nuốt phải mấy trăm con ruồi. Nhưng đây dù sao cũng là chuyện xấu trong nhà, không thể vạch áo cho người xem lưng, La Chấn chỉ có thể mang tất cả chứng cứ đi tìm đại ca, hy vọng lão về sau dạy bảo con gái mình cẩn thận.

Tĩnh Quốc công tính cách hẹp hòi, tầm nhìn thiển cận, nếu không cũng không nuôi dạy ra một đứa con như La Văn. Lão hứa đi hứa lại sẽ xử phạt con gái mình nghiêm khắc, trong lòng lại âm thầm tiếc rẻ vì mưu tính thất bại.

——————–

Chú thích:

(1) Trích “Kính rượu Lưu trưởng sử vịnh danh sĩ duyệt khuynh thành” của Lưu Hoãn.

Phiên âm:

Phấn quang do tự diện

Chu sắc bất thắng thần

Dao kiến nghi hoa phát

Văn hương tri dị xuân.

Dịch thơ:

Mặt nhường phủ phấn tô hoa

Môi son điểm sắc chu sa ghen hờn

Xa kia suối tóc mơn mơn

Nghe hương đã thấy dập dờn đêm xuân.

(Phong Lưu dịch)

(quay lại)


(2) Trích “Phượng cầu hoàng” của Tư Mã Tương Như.

Phiên âm:

Hữu mỹ nhân hề

Kiến chi bất vong

Nhất nhật bất kiến hề

Tư chi như cuồng.



Hà thời kiến hứa hề

Úy ngã bàng hoàng



Bất đắc vu phi hề

Sử ngã luân vong.

Dịch thơ:

Giai nhân mắt ngọc mày ngài

Gặp rồi nhớ mãi khó tài nào quên

Một ngày không thấy dáng bên

Ngày dài da diết trắng đêm hao lòng.



Ngóng ai chín đợi mười mong

Bao giờ mới được thoả lòng ước ao.



Không phận kết tóc duyên trao

Lòng đau khôn xiết đoạ vào trầm luân.

(Phong Lưu dịch)

(quay lại)

(3) Đát Kỷ (hay Đắc Kỷ) là một nhân vật nổi tiếng trong huyền sử Trung Quốc thời nhà Thương. Bà là Vương hậu của Đế Tân (tức Trụ Vương), vị quân chủ cuối cùng của nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc.

Hình tượng phổ biến nhất về Đát Kỷ có lẽ là sự tích do hồ ly tinh hóa thành. Trong nhiều câu chuyện cổ đến tiểu thuyết, sân khấu, nàng luôn được mô tả là có nhan sắc yêu kiều làm mê đắm lòng người, thuộc hàng đại mỹ nhân của Trung Hoa. Tuy nhiên, do là một yêu tinh và có nhiều hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm chết quá nhiều người, nên dân gian thường gọi bà là yêu cơ. Tác phẩm Phong thần diễn nghĩa, một tiểu thuyết phổ biến hình tượng Đát Kỷ nhất, cho rằng Đát Kỷ chỉ là người bình thường, nhưng trên đường dâng nạp cho Trụ Vương đã bị hồ ly tinh nhập xác để thực hiện nhiệm vụ của Nữ Oa giao cho làm cho Trụ Vương mê muội và nhà Thương sụp đổ, tạo điều kiện cho nhà Chu thu phục thiên hạ.

(Nguồn: Wikipedia)

(quay lại)

(4) Bao Tự (hay Tụ Tự) là vương hậu thứ hai của Chu U vương, vị Thiên tử cuối cùng của giai đoạn Tây Chu trong lịch sử Trung Quốc.

Truyền thuyết kể rằng, Bao Tự là một mỹ nhân cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ, Chu vương mê say nàng nhưng chưa bao giờ thấy nàng cười nên ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng. Để làm nàng cười, Chu U vương nghe theo một nịnh thần, đã đốt lửa trên cột lửa hiệu triệu chư hầu, đùa giỡn với chư hầu rồi gây họa làm mất Cảo Kinh. Việc nhà Chu suy yếu bắt đầu từ đây.

Mỹ danh của Bao Tự về sau thường được lưu truyền như một Hồng nhan họa thủy, thường được liệt kê vào danh sách các mỹ nhân nổi tiếng và ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nàng cùng Muội Hỉ và Đát Kỷ được xem là 3 đại thiên cổ yêu cơ, khiến cho lần lượt cơ nghiệp của Tam Đại (gồm Hạ, Thương, Chu) phải diệt vong.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui