Năm 1983, Đặng Lệ Quân bắt đầu nổi như cồn, từ khung cửa sổ tầng 2 của số nhà 19 đường An Tức thỉnh thoảng lại vọng ra lời hát: “Cỏ xanh biêng biếc, sương sắng mênh mang, có cô gái đẹp, ở bên nước hồ.”
Đó là món quà bác tặng Lộ Minh Nguyệt nhân dịp sinh nhật, một chiếc đài nhập khẩu từ Nhật Bản. Ông bác làm trong chính phủ lúc nào cũng kiếm được những món đồ hay ho. Cô mua được cuốn băng Đặng Lệ Quân ấy trong tiệm nhỏ ngoài phố. Cô muốn đêm nào cũng theo tiếng ca ấy chìm vào giấc ngủ. Lộ Minh Nguyệt vừa tròn 13 tuổi, đã không còn là một cô bé con, có lúc cô sẽ lén nhìn mấy cậu thiếu niên từ xa, ví dụ như cậu bé sống ở tầng hầm trong ngôi nhà đối diện. Cô chưa từng nói chuyện với cậu, trên phố cũng chẳng có đứa trẻ nào chịu chơi với cậu, nghe nói mẹ cậu bị bố cậu đầu độc chết, sau đó bố cậu cũng bị bắn chết. Nhưng nhiều đêm cô vẫn nhìn về phía cậu từ cửa sổ tầng 2, trông thấy căn phòng tầng hầm sáng ánh đèn, cậu thiếu niên đang nằm bò ra đọc sách, dưới ánh sáng màu vàng u ám, gương mặt cậu tựa như được dát vàng.
Cô hỏi thăm ông cụ nhà đối diện mới biết tên cậu thiếu niên ấy là Thân Minh.
Ông cụ đã hơn 80 tuổi, là người biết rất nhiều câu chuyện, các lãnh đạo lớn từ Bắc Kinh thường xuyên tới thăm ông, còn cả các nhà báo nước ngoài đến phỏng vấn ông nữa. Ở bên kia đường An Tức còn có cả một bà cụ hơn 60 tuổi, mọi người đều gọi bà là cô Tào. Ông cụ và bà thường đi dạo dưới hàng cây ngân hạnh, thỉnh thoảng lại nói những câu tiếng nước ngoài mà chẳng ai nghe hiểu, rồi hai người nhìn nhau, cười chào tạm biệt.
Một năm trước, mẹ nuôi của Lộ Minh Nguyệt chết chìm trong lòng sông Giang Tô, bởi vì bố nuôi ngoại tình với người phụ nữ khác ở bên ngoài.
Từ đó về sau, cô không còn được sống ngày nào vui vẻ nữa, nhất là vào những đêm bố nuôi say rượu.
Cô muốn giết lão ta.
Mùa hè năm đó có một thiếu niên chuyển đến sống trong nhà cô - con trai ông bác - Lộ Trung Nhạc. Hai vợ chồng ông bác đi công tác nước ngoài hai tháng nên gửi con lại nhà chú ruột Lộ Kính Nam vì trong nhà vẫn còn nhiều phòng trống.
Trên trán Lộ Trung Nhạc có một cái bớt màu xanh nhạt.
Thằng nhóc này không thích học hành, suốt ngày chỉ sưu tầm thẻ bài từ bao thuốc lá, cứ rảnh rỗi là lại ra vệ đường chơi đập bài với bọn trẻ con. Hắn thích nghe ngóng hóng hớt khắp nơi nên nhanh chóng biết được bí mật của Lộ Minh Nguyệt - cô chỉ là con gái nuôi, chẳng có chút quan hệ huyết thống nào với nhà họ Lộ cả.
Một tối nọ, Lộ Trung Nhạc 13 tuổi thì thào với Lộ Minh Nguyệt: “Tớ thích cậu.”
Kết quả là bị cô cho một cái tát.
Mùa hè đằng đẵng trôi qua, Lộ Trung Nhạc quay về nhà hắn, nhưng thỉnh thoảng lại đến nhà ông chú thăm “em họ”. Hắn không thích đường đường chính chính đi cửa lớn mà toàn trèo tường nhày vào dọa cho cô giật mình.
Mỗi lần thấy Lộ Trung Nhạc xông vào, cô lại cảm thấy sợ hãi.
Giữa mùa thu năm 1983.
Một đêm mưa rơi lâm thâm, Lộ Minh Nguyệt bị lão bố nuôi say khướt tóm chặt, cô thiếu nữ liều mạng chống cự, rồi nhặt một mảnh kính vỡ cứa vào cổ họng lão.
Bố nuôi đã chết.
Trong lúc cô đang kinh hoàng nhìn xuống cái xác, luống cuống không biết phải làm gì thì phát hiện ra một gương mặt bên ngoài cửa sổ.
Lộ Trung Nhạc.
Cũng như những lần trước, hắn lại lén lút trèo tường nhảy vào tìm cô chơi, bất ngờ chứng kiến vụ án mạng.
Máu dính đầy trên gương mặt, cô hung hãn cầm mảnh kính vỡ xông ra cửa sổ, Lộ Trung Nhạc sợ đến nỗi mặt mày tái mét, mưa lớn khiến hắn ướt sũng, hắn ngọ nguậy đầu bảo: “Tôi không nhìn thấy gì hết! Tôi xin thề sẽ không bao giờ nói chuyện này ra với ai.”
Nói rồi Lộ Trung Nhạc trèo tường bỏ chạy.
Cô thu dọn lại hiện trường giết người, giẫm cho mảnh kính hung khí nát tan thành bột vụn. Những dấu vết Lộ Trung Nhạc trèo tường vào tình cờ cung cấp cho cảnh sát manh mối về hiện tượng có kẻ bên ngoài đột nhập vào giết người báo thù.
Lộ Minh Nguyệt bước ra khỏi ngôi nhà, ngồi trên bậc cửa bên vệ đường An Tức khóc thút thít, cô không hề hay biết rằng trong căn hầm của ngôi nhà đối diện, một cậu thiếu niên đang lặng lẽ nhìn cô qua tấm màn mưa.
Cảnh sát thẩm vấn cô rất nhiều lần, nhưng cô nhất quyết không trả lời rằng ai đã đột nhập vào nhà, chỉ nói rằng nửa đêm nghe thấy tiếng động dưới nhà, khi xuống dưới xem thì trông thấy bố đang gục trong vũng máu, cô muốn đỡ ông dậy thì bị máu tươi dính lên khắp người.
Không một ai nghi ngờ lời cô nói, họ chỉ tranh luận về việc hung thủ đột nhập vào như thế nào, rồi nhận định rằng đây là một vụ án giết người với mục đích báo thù.
Mùa đông, Lộ Minh Nguyệt được một đôi vợ chồng không có con nhận nuôi, đổi tên thành Hà Thanh Ảnh, chuyển đến ngôi nhà cũ nơi sau này Tư Vọng được sinh ra.
Đêm trước cái ngày chuyển đến nhà mới, cô nhét cuộn băng nhạc của Đặng Lệ Quân cùng với những tấm thẻ bài thuốc lá của Lộ Trung Nhạc vào một hộp bánh bằng sắt in hình “Hồng lâu mộng” rồi giấu vào hốc tường trong phòng mình. Nhưng cô cũng giữ lại một chiếc hộp bánh “Hồng lâu mộng” khác, bên trong có một cuộn băng khác của Đặng Lệ Quân, âm thầm mang theo nó về nhà mới.
Mẹ cô là nhân viên quản lý cục lưu trữ, bà nhận lời khẩn khoản van vỉ của cô, động chạm một chút với hồ sơ tài liệu để cho Lộ Minh Nguyệt và Hà Thanh Ảnh trở thành hai người không liên quan gì đến nhau.
Cô muốn cắt đứt hoàn toàn với quá khứ.
Tuy gia đình mới chỉ thuộc dạng thường thường bậc trung, nhưng bố mẹ nuôi đối xử với cô rất tốt. Họ cho cô đi học đến hết trung cấp rồi xin cho cô vào bưu điện làm việc. Cô không còn phải chịu khổ nữa, chuyện xưa đã bị cô chôn vùi sâu dưới ba tấc đất, cũng không có người quen cũ nào tới tìm cô. Cũng may gia đình bố mẹ nuôi cũng chẳng có mấy họ hàng thân thích, nên chẳng một ai biết gì về quá khứ của cô cả.
Năm 24 tuổi, bố mẹ nuôi gặp tai nạn giao thông qua đời, cùng năm đó, cô gặp Tư Minh Viễn.
Hà Thanh Ảnh không biết mình có thực sự yêu anh ta hay không, nhưng có một điều chắc chắn là, anh ta thực sự rất yêu cô.
Tháng 4 năm 1995, Hà Thanh Ảnh kết hôn với người đàn ông đó.
Kết hôn được gần hai tuần thì cô theo chồng đến nhà máy gang thép Nam Minh nơi anh làm việc để tham dự liên hoan cán bộ công nhân viên và gia đình, bất ngờ bị một người nhận ra.
“Minh Nguyệt?”
Gã thanh niên có vết bớt xanh trên trán cứ nhìn chằm chằm vào cô mãi, cho tới khi Tư Minh Viễn cản hắn lại.
Dù cô không thừa nhận mình là Lộ Minh Nguyệt, nhưng đêm đó cô lại nằm mơ thấy ngôi nhà hung trên đường An Tức ấy.
Lộ Trung Nhạc lại một lần nữa xông vào cuộc đời cô. Hắn theo cô đến trước cổng bưu điện nơi cô làm việc hoặc khi cô một mình trên đường về nhà.
Một ngày nọ hắn cầm theo một bức thư đến gặp cô, người nhận thư có địa chỉ ở Bắc Kinh. Hắn khẩn khoản nhờ cô giúp thay đổi thời gian trên lá thư thành nửa năm trước rồi đóng dấu của bưu điện lên mặt chính phong bì. Cô lập tức từ chối, bởi ngụy tạo thư tín là hành vi vi phạm pháp luật, nếu bị phát hiện sẽ bị đuổi việc.
“Em gái à, anh đã nhìn rất rõ những gì em làm trên đường An Tức mười hai năm về trước đấy nhé.”
Đối mặt với sự uy hiếp trắng trợn như thế, Hà Thanh Ảnh buộc phải khuất phục, cô bị ép thay đổi thời gian gửi thư, đóng dấu lên chiếc phong bì được coi là của Thân Minh gửi cho Hạ Niên.
Không ngờ Lộ Trung Nhạc lại một lần nữa hẹn cô đến xưởng gang thép Nam Minh. Khi bước vào nhà kho ngầm hoang phế trong khu xưởng, hắn bảo rằng đấy là nơi hắn thường đến chơi hồi cấp 3, khu Ma nữ tà ác bậc nhất trong truyền thuyết.
“Minh Nguyệt, trong mắt anh, em chính là ma nữ”. Hắn khẽ vuốt tóc cô, nhìn đăm đăm vào ánh mắt xấu hổ của cô, “Em từng giết người, anh phục em lắm, anh sẽ giữ kín bí mật của em, chỉ cần em đồng ý...”
Đột nhiên, Hà Thanh Ảnh nhấc chân lên đá mạnh vào háng hắn rồi bỏ chạy khỏi lòng đất khu Ma nữ.
Cô biết bí mật này không thể giấu được lâu nữa, Lộ Trung Nhạc say mê nhan sắc xinh đẹp của cô nên sẽ còn giở trò uy hiếp dọa nạt. Nhưng cô cũng không thể nói cho chồng biết việc này được, nếu Tư Minh Viễn biết được vợ mình từng giết người thì...
Hà Thanh Ảnh bắt buộc phải tự mình giải quyết vấn đề.
Cô viết một bức thư cho Lộ Trung Nhạc, hẹn hắn đúng 10 giờ tối ngày 19 tháng 6 đến gặp riêng ở khu Ma nữ. Cô nói thực ra mình chẳng thích ông chồng Tư Minh Viễn chút nào, có lẽ nên chuẩn bị kế hoạch khác trong tương lai.
Thực ra, cô đã chuẩn bị sẵn một con dao sắc.
Ngày 19 tháng 6 năm 1995, Hà Thanh Ảnh ra khỏi nhà từ sáng sớm. Cô giấu dao trong người rồi bước vào khu Ma nữ, ẩn mình trong bóng đêm đen kịt không thấy nổi năm đầu ngón tay từ sáng cho đến tối mịt, chờ đợi gã đàn ông đó xuất hiện.
Mười giờ tối, từ bên ngoài vọng lại tiếng sấm, tiếng mưa ùng ục như nước sôi và sau đó là tiếng bước chân vội vàng hoảng loạn của một người đàn ông.
Trong khoảnh khắc cánh cửa hầm bị đẩy ra, cô trông thấy bóng dáng một người đàn ông trẻ tuổi, đúng lúc đối phương đang quay người lại, cô cắm phập con dao sắc vào lưng anh ta.
Con dao đâm trúng vào tim không chệch một li.
Cô nhìn xác người đàn ông cùng với máu tươi chảy tràn mặt đất rồi rọi đèn pin trong tay xuống, mới phát hiện ra rằng đó không phải là Lộ Trung Nhạc.
Hắn không đến, dù hắn có nhận được bức thư đó hay không thì điều duy nhất có thể xác định được ở đây là, cô lại giết chết thêm một người nữa.
Hà Thanh Ảnh quỳ sụp xuống bên cạnh người đàn ông xa lạ đã lìa trần, cầu khấn linh hồn anh ta hãy tha thứ cho cô, nhưng cô vẫn sẽ phải giấu giếm chuyện này y như đã từng làm mười hai năm về trước. Cô rút con dao sau lưng người chết ra, cẩn thận kiểm tra từng góc nhỏ trên hiện trường giết người rồi lấy đi tất cả những gì có thể được dùng làm manh mối.
Sau đó, cô vội vàng rời khỏi lòng đất, bỏ người đó lại giữa vòng luân hồi tối tăm.
Khi Hà Thanh Ảnh về đến nhà đã là nửa đêm, Tư Minh Viễn vẫn đang chơi mạt chược bên ngoài. Đó là do cô cố tình sắp xếp sẵn cho chồng đi chơi. Cô giặt đi giặt lại tất cả quần áo, riêng chiếc áo ngoài đẫm máu thì đem đốt bỏ.
Vốn tưởng rằng cô sẽ thức trắng đêm nay, nhưng không ngờ trong lúc bất giác thiếp đi cô lại nằm mơ. Cô mơ một giấc mơ rõ ràng chân thực hơn bất cứ giấc mơ nào trước đó. Trong mơ có một thiếu niên quần áo giản dị quê mùa, ánh mắt u uẩn đang thắp một ngọn nến, đứng bên giường cô khóc nức nở...
Hà Thanh Ảnh vẫn còn nhớ gương mặt đó, năm 1983 trên đường An Tức, trong tầng hầm ngôi nhà đối diện, tên cậu là Thân Minh.
Tờ mờ sáng, Tư Minh Viễn mới quay về nhà, người đàn ông phổi bò ấy chẳng hề phát hiện ra điều gì khác thường.
Cũng chính trong ngày đó, Hà Thanh Ảnh phát hiện ra mình có thai. Chồng cô đưa cô đi bệnh viện kiểm tra, thì ra cái thai đã được hơn hai tháng.
Hôm sau, bức thư Hà Thanh Ảnh gửi cho Lộ Trung Nhạc bị trả về bưu điện. Do phòng chuyển phát thuộc nhà máy gang thép có sai sót nên Lộ Trung Nhạc đã không nhận được bức thư của cô.
Nhưng Lộ Trung Nhạc cũng không bao giờ xuất hiện trước mặt cô nữa.
Bụng cô càng ngày càng lớn, cô cảm nhận được sinh mệnh bên trong đang chầm chậm quẫy đạp. Cơ thể cô dâng lên một nỗi sợ hãi vô hình. Bởi vì, cô tình cờ nghe thấy chồng nói rằng: người đàn ông chết trong khu Ma nữ hôm 19 tháng 6 chính là thầy giáo ngữ văn vừa bị sa thải của trường cấp 3 Nam Minh gần đó, tên anh ta là Thân Minh.
Không phải cô chưa từng nghĩ đến việc phá thai, nhưng cứ đi đến cổng bệnh viện là cô lại lùi bước, đứa trẻ trong bụng khẽ đạp, dường như đâu đó thấp thoáng tiếng khóc của trẻ sơ sinh, cô ép mình phải nuốt lệ trở về nhà.
Ngày dự tính sinh rơi vào tháng 1 năm 1996, nhưng không ngờ đứa bé đòi ra sớm, Hà Thanh Ảnh bị đưa vào viện suốt đêm, đến ngày 19 tháng 12 cô sinh ra đứa con của mình và Tư Minh Viễn.
Khi y tá bế đứa bé đến trước mặt cô, nhìn gương mặt bé nhỏ nhăn nheo của nó, òa khóc.
Cô đặt tên con trai là Tư Vọng.
Tư Vọng vừa sinh ra được mấy ngày thì mẹ cậu phát hiện ra một cái bớt nhỏ xíu sau lưng cậu. Vết bớt hẹp dài giống y như sẹo, nằm ngay bên trái cột sống, tựa như ngay sau tim. Có cảm giác đứa bé bị đâm một dao từ trong bụng mẹ vậy. Trong đầu Hà Thanh Ảnh xẹt qua hình ảnh cái đêm mưa bão nửa năm trước, trong nhà kho hoang phế dưới lòng đất nhà máy gang thép đường Nam Minh, cô đã đâm chết một người đàn ông từ sau lưng.
Con dao cắm đúng vào vị trí đó.
Cho nên, cô chờ đợi ngày con đầy tháng cùng với vô số ác mộng.
Hà Thanh Ảnh chưa bao giờ nói cho con trai biết bí mật ấy, bố đứa bé cũng chưa từng nói - dù sao cũng đâu có ai nhìn rõ được lưng mình.
Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, đứa bé đã biết đi và biết nói quá sớm, Hà Thanh Ảnh cảm thấy nó càng lớn càng kỳ lạ. Đứa bé trầm mặc ít lời, trong nhà bày la liệt súng đồ chơi, xe đồ chơi mà bố mua cho, nhưng nó cũng chỉ giả vờ chơi đối phó một lát rồi thôi, cũng chẳng hề chạy nhảy lung tung đụng vào đồ đạc như những đứa trẻ khác.
Khi vẫn còn ở tuổi uống sữa, có lần nó nhân lúc mẹ ngủ quên, bò đến giá sách lén lấy một cuốn “Tuyển tập Tống từ”, kết quả bị Hà Thanh Ảnh phát hiện, nó lập tức xé quyển sách làm đôi. Cô nghiêm khắc dạy dỗ con trai. Từ đó, mỗi khi nó ngẩn người bên cửa sổ, người làm mẹ như cô lại tỉ mỉ quan sát. Ánh mắt nó không giống người thường, cũng hoàn toàn khác với những đứa trẻ bình thường, nó luôn chú ý đến những chỗ quan trọng, dường như còn đọc được tất cả các chữ Hán.
Hàng đêm con trai cô thường hay nói mê, Hà Thanh Ảnh dán sát tai vào miệng thằng bé, nghe thấy toàn những lời người lớn nói. Trong đó có đường Nam Minh, khu Ma nữ, đường An Tức... và cả cái tên Tiểu Chi.
Năm Tư Vọng 5 tuổi, nhà máy gang thép phá sản, Tư Minh Viễn thất nghiệp quay về nhà, trở nên càng ngày càng cục cằn. Có người công nhân về hưu trong lúc uống say kể với mọi người rằng mùa xuân 5 năm trước đã trông thấy kỹ sư Lộ Trung Nhạc với vợ của Tư Minh Viễn xuống dưới căn hầm trong nhà máy. Tuy đúng là sự thật nhưng Hà Thanh Ảnh kiên quyết phủ nhận. Cô chiến tranh lạnh với chồng hai năm, cho đến khi anh ta chơi cổ phiếu nợ chồng chất rồi mất tích.
Trong nhà chỉ còn lại mẹ góa con côi.
Có lần cô nghe thấy bài hát “Canh bà Mạnh” của Du Hồng Minh hát trên ti vi - “Nếu như thực sự có một loại nước/ Có thể khiến em khiến anh uống vào nhưng chẳng say/ Vậy thì có lẽ sẽ có một loại nước mắt/ Có thể khiến em khiến anh khóc mà không đau đớn/ Chúng ta cứ tưởng tình yêu quá hoàn hảo/ Cảm giác đánh cược xa xỉ một lần đó/ Đời này nợ đời trước một lời hứa/ Mới phát hiện nước đã tràn thành lệ/ Dẫu không nhìn thấy không nghe thấy/ Nhưng trốn không được quên chẳng xong/ Đến cả mái tóc em bên gối/ Cũng biến thành nỗi giày vò/ Dù em biết và anh cũng biết/ Nhưng nước mắt cứ ào ạt thoát khỏi tim/ Hết giây phút này hết nụ cười này/ Uống bát thuốc giải ấy/ Quên đi tất cả những nỗi cô liêu...”
Bỗng nhiên cô nghe thấy tiếng thút thít khe khẽ, nhìn xuống mới thấy cậu con trai 7 tuổi đang lệ ướt đầm mi.
“Vọng Nhi, sao con lại khóc?”
Cậu giãy giụa thoát ra khỏi vòng tay mẹ, trốn vào phòng ngủ khóa trái cửa. Hà Thanh Ảnh móc chìa khóa ra mở cửa, thấy con trai đang nằm bò trước bàn trang điểm, vùi mặt khóc nức nở.
Canh bà Mạnh?
Ba năm sau, khi cô đến nhà Cốc Thu Sa với tư cách là mẹ đẻ Tư Vọng, tình cờ gặp lại Lộ Trung Nhạc, hai người bối rối nhìn đối phương, nhưng chẳng hề nói với nhau một câu nào.
Dù cô kiên quyết phản đối việc Tư Vọng đến nhà họ Cốc làm con nuôi, nhưng cuối cùng, vì cuộc sống bức bách, vì muốn Tư Vọng tránh được sự quấy nhiễu của bọn cho vay nặng lãi để có thể bình an trưởng thành, cô đành nén đau gửi con đến bên cạnh kẻ đáng sợ nhất.
Lộ Trung Nhạc âm thầm đến tìm cô, gã đàn ông ủ dột này chẳng thể nào khôi phục lại bộ dạng năm xưa nữa. Hắn nói chuyện trên đường An Tức đã qua hơn hai mươi năm rồi, hắn sẽ không dựa vào đó để uy hiếp cô nữa, huống hồ hắn chẳng có chút dục vọng nào với phụ nữ nữa rồi, hy vọng hai bên sẽ không gây bất lợi gì cho nhau nữa.
Nhưng hắn không hề biết rằng năm 1995, kẻ giết chết Thân Minh, chính là Hà Thanh Ảnh.
Không lâu sau, Tư Vọng quay về bên mẹ, Lộ Trung Nhạc trở thành tội phạm giết người bị truy nã.
Chắc chắn rằng người đàn ông duy nhất cô yêu trên đời này chính là Tư Vọng - đứa trẻ cứ tự cho mình là thông minh, giấu giếm khéo léo, hơn mười năm bưng bít được mẹ mình.
Vọng Nhi à, tất cả các bí mật của con, mẹ đều biết cả.
Nhưng bí mật của mẹ thì con chẳng hề hay biết gì.
Thực ra con chẳng phải là thiên tài gì cả, chỉ là một đứa trẻ ngốc nghếch mà thôi.
Phải biết rằng trên đời này, chẳng có bố mẹ nào là không hiểu con cái, chỉ có con cái không hiểu được bố mẹ mà thôi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...