Edit: Nguyệt Hoa Dạ Tuyết
Vốn dĩ chỉ có hai chiếc thuyền nhỏ chắn hết đường đi, ba bốn đại hán ra mặt ngăn cản, đợi đến khi Cung Viễn Hòa dẫn người ra ngoài thì trong màn đêm mênh mông, không biết mười chiếc thuyền nhỏ bỗng từ đâu chui ra và vây quanh thuyền hắn. Trên mỗi chiếc thuyền ấy đều có vài đại hán lực lưỡng đang đứng, sắc mặt không tốt.
Lúc này người lái thuyền mới luống cuống, trắng hết cả mặt, vội vàng chạy tới bên cạnh Cung Viễn Hòa và nói: “Cung lão gia, ngài phân xử công bình đi ạ, bến tàu này không phải của riêng nhà ai, dựa vào cái gì mà có nơi cập bến lại không cho chúng ta neo đậu? Không cho neo đậu còn chưa tính, bảo nhiều người vây quanh như thế để làm gì chứ? Chẳng lẽ muốn cướp thuyền sao? Đây là thời thái bình thịnh thế cơ mà!"
Vì sự thuận lợi và an toàn, các thuyền buôn trà thường sẽ hợp thành tốp năm tốp ba, bằng hữu (làm cùng nghề) giúp nhau giành chỗ là chuyện cực kỳ bình thường; nhưng làm như thế lại chẳng giống cách làm của các hiệu buôn trà. Cung Viễn Hòa nghĩ đến đấy, chợt nghe thấy tiếng người cười nói trên thuyền đối phương: "Đây là thời thái bình thịnh thế, không sai! Không phải bến tàu của riêng nhà ai cũng chẳng sai! Nhưng mọi việc phải có thứ tự trước sau, đúng chứ? Các người tới sau, hỏi cũng không hỏi đã chiếm lấy vị trí mà chúng ta giữ giúp bằng hữu (làm cùng nghề), đây là đạo lý mà các người nói ư? Đã làm quan thì càng phải hiểu đạo lý biết nói đạo lý mới phải, các huynh đệ thấy ta nói có đúng hay không?"
Cung Viễn Hòa giương mắt nhìn lại, chỉ thấy một hán tử tầm ba mươi tuổi, mặc trường bào cổ tròn có hoa văn hình tròn nốt, mặt trắng không râu đang khoanh tay đứng giữa thuyền, có vẻ chẳng ăn khớp gì với bộ y phục ngắn trên người hán tử. Ánh mắt sáng ngời của người nọ đang nhìn mình, trên mặt không hề có nét kiêu ngạo ngang ngược, cũng không có vẻ khiếp đảm sợ hãi, ung dung bình thản, dương dương tự đắc, hiển nhiên là một người từng trải việc đời.
Bọn đại hán ầm vang như sấm dậy, dùng mái chèo đập vào thuyền: "Đúng! Mặc kệ hắn làm quan gì, tới địa bàn của chúng ta cũng phải dựa theo quy tắc mà làm việc! Thức thời thì mau mau lùi lại, bằng không coi chừng chúng ta không để ngươi cập bến đâu!"
Người lái thuyền bị hù dọa không ít, hốt hoảng quay đầu lại và la lớn: "Có kẻ muốn cướp thuyền! Các vị thương gia phân xử công bình đi, ở đâu ra đạo lý này chứ!"
Bốn phía thuyền buôn trà đều có nhiều người vây xem náo nhiệt nhưng không ai dám mở miệng. Hán tử kia chỉ thản nhiên nhìn Cung Viễn Hòa, chẳng hề tỏ thái độ.
Cung Viễn Hòa bảo người lái thuyền ngừng lại, khoanh tay cười nói: "Vị huynh đài này nói rất đúng, tốt hơn hết thì việc gì cũng phải có thứ tự. Chúng ta đi đường xa mà đến, rong ruổi một ngày đường, đêm dài người mệt nên mới muốn đỗ thuyền sớm một chút để nghỉ ngơi, trông thấy nơi cập bến liền muốn ngừng lại cũng là lẽ thường tình, dù sao thì chỗ cập bến vẫn chưa được đánh dấu, nói rõ để lại cho ai, đúng chứ?"
Hán tử kia gật gật đầu: “Đúng. Ngươi nói câu này, phải chăng đã có lòng muốn giành vị trí này với ta?"
Cung Viễn Hòa lắc đầu cười nói: “Cũng không phải. Huynh đài mới nói đấy, mọi việc đều có thứ tự trước sau, ta không phải kẻ không nói đạo lý, nếu các người đã giữ thay bằng hữu (làm cùng nghề), đương nhiên ta sẽ không cố chấp chiếm lấy. Chỉ là ta muốn hỏi huynh đài một câu, nếu đạo lý ở chỗ huynh, vì sao huynh lại không phân rõ phải trái nhỉ? Không chỉ cất lời đả thương người khác, huynh còn một hai phải bày trận lớn như vậy, ngay cả bến cũng không cho ta đỗ, từ phương diện này mà nói, lại là huynh có đạo lý nhưng cũng chẳng có đạo lý, lấy thế ép người. Hôm nay ta là nam tử, không sợ huynh hù dọa, nếu là người già, phụ nhân và trẻ con, hành vi và trận thế của huynh ỷ thế hiếp người như vậy, có khác gì với không phân rõ phải trái chứ?"
Người nọ liếc nhìn một cái và đánh giá Cung Viễn Hòa từ trên xuống dưới, thấy Cung Viễn Hòa mặc trường bào bằng vải bố màu xanh mộc mạc, dáng đứng ngang tàng, trên mặt không hề có vẻ sợ hãi, ngẩng đầu ưỡn ngực, không có sự ngang ngược kiêu ngạo của người làm quan mà cũng chẳng có nét thanh cao của người đọc sách, thoạt nhìn lịch sự nho nhã nhưng vẫn không mất đi khí tiết chính trực và sự uy nghiêm. Y lập tức khoanh tay cười nói: "Quả thật là ta không nói lý rồi, các người lui ra đi!"
Một tràng tiếng nước chảy, hơn mười chiếc thuyền con nhanh chóng trật tự rồi biến mất giữa trời chiều.
Cung Viễn Hòa cười nhẹ, lệnh cho người lái thuyền lái tiếp, tìm chỗ khác để đỗ, nói xong hắn liền xoay người bỏ đi, người nọ (hán tử kia) lại cất tiếng nói: "Xin huynh đài dừng bước! Xin hỏi tôn tính đại danh của huynh đài là gì?"
Cung Viễn Hòa cười nói: “Tệ nhân* họ Cung tên Viễn Hòa."
*Tệ nhân - khiêm ngữ, dùng nói về sự vật có liên quan đến mình, ở đây là nói một cách khiêm tốn.
Người nọ im lặng một hồi, bỗng nhiên bật cười ha ha: "Lũ lớn làm trôi miếu Long Vương, người một nhà mà lại chẳng biết là người một nhà! Ca ca đã nói mà, người có khí độ như thế là ai, hóa ra là Cung lão đệ ngươi! Không cần nói nhiều, đệ cứ đỗ lại nơi này đi!" Không khỏi phân bua, người nọ lập tức bảo mấy kẻ khác nhường đường, bảo người lái thuyền đỗ thuyền vào chỗ trống ban nãy.
Khẩu khí của y cực kỳ thân thiết, tự xưng mình là ca ca. Phụ tá ở bên cạnh Cung Viễn Hòa nghe vậy liền nhíu mày, Tẩy Tụy càng muốn mắng y là đồ vô lễ, ai là huynh đệ với du côn lưu manh như y chứ? Cũng không sợ đau đầu lưỡi à?!
Trên mặt Cung Viễn Hòa vẫn không có vẻ gì hớn hở, hắn xoay người lại, trịnh trọng thi lễ và nói: "Xin hỏi tôn tính đại danh của huynh đài là gì?"
Người nọ cười nói: “Ta tên Lang Côn, đệ không biết ta, nhưng đệ gọi ta một tiếng ca ca cũng không thiệt đâu. Đệ từ huyện Thanh đến Thủy Thành phủ phải không? Khi nào đi Tương Châu?"
Cung Viễn Hòa thật sự tò mò, dường như người này hiểu rõ tất cả mọi thứ về hắn như lòng bàn tay, nhưng hắn lại không quen người này. Lang Côn cũng không nói nhiều, chỉ nói rằng: "Đệ chờ chút, lát nữa là biết."
Sắc trời tối dần, cuối cùng cũng nhìn thấy vài ánh đèn đỏ nổi trên mặt sông, đến gần mới nhìn rõ là một chiếc thuyền lớn, Lang Côn cười nói: "Tới rồi! Đệ có dám đi cùng ta xem kết quả hay không?"
Cung Viễn Hòa cười nói: “Sao lại không dám?" Hắn chưa từng làm chuyện trái lương tâm, trên thuyền cũng chẳng có gia sản đáng giá, sợ gì chứ! Cung Viễn Hòa lập tức bảo Tẩy Tụy đi nói một tiếng với Minh Phỉ rồi tự mình nhảy lên thuyền con của Lang Côn. Lang Côn dùng sức vỗ vai hắn, nói: “Giỏi lắm!”
Cung Viễn Hòa không cam lòng yếu thế mà vỗ lại vai đối phương: "Như nhau như nhau!"
Lang Côn nhe răng, cười nói: “Sức lực cũng không nhỏ đâu!" Y vừa sai người lái thuyền, vừa bước gần về phía chiếc thuyền lớn.
Khi chỉ còn cách khoảng ba trượng*, nữ tử trên thuyền lớn bỗng cười nói: "Là Lang Đại đương gia sao?"
*Ba trượng - đơn vị đo chiều dài, 1 trượng bằng 10 thước.
Lang Côn cười ha ha: “Ngoài ta ra còn có thể là ai? Nhưng đêm nay nàng tới muộn rồi, vị trí ta giữ giúp nàng lại nhường cho cố nhân nàng, nàng tới thì phải đỗ thuyền ở chỗ hơi xa rồi!"
“Cố nhân ư?” Một đèn lồng đỏ ló ra, thế nhưng người đứng đầu thuyền lại là Đặng Cửu đã mấy năm không có tin tức. Nàng đã quen mặc thanh y như hồi trước hành tẩu giang hồ, vừa hoạt bát vừa xinh đẹp, càng có phong thái hơn trước đây.
Buổi tối Lang Côn bày tiệc chiêu đãi người của đôi bên, Minh Phỉ và Đặng Cửu ngồi chung một chỗ, không khỏi xúc động bùi ngùi. Đặng Cửu cười nói: "Rốt cuộc ta vẫn không thể làm nữ nhân khuê các, vẫn cứ làm nghề ban đầu -- buôn trà. Ông trời có mắt, mấy năm qua coi như ta cũng đường hoàng kiếm (bằng sức lao động) được một phần gia sản, nửa đời sau cơm áo không lo, Sơn Nhi cũng có thể an tâm đọc sách." (ý nói đi học)
Minh Phỉ kính nể mà nói: “Tỷ lang thang kiếm sống một mình, hẳn là rất gian nản phải không? Chúng ta từng phái người đi tìm tỷ, nhưng tìm khắp nơi lại không thấy."
“Ta đổi tên, làm sao các người có thể tìm được?" Đặng Cửu cười nói: “Cũng không gian nan đến vậy. Ta đã quen ăn mặc thế này, làm việc đến mức "ngựa quen đường cũ", huống hồ số ta lại gặp được nhiều quý nhân, trước kia là các người, bây giờ là Lang Côn." Nàng rũ mắt xuống, khẽ mỉm cười, nói rất nhẹ: "Đầu năm, ta và Lang Côn đã định thân rồi." (đính hôn)
Minh Phỉ mừng rỡ, lập tức rót ba ly rượu chúc mừng nàng. Đặng Cửu cười và uống, mời Minh Phỉ năm sau đưa con cái đến nhà mình làm khách, trong bữa tiệc nàng còn nhắc đến Song Thọ: "Ta nghe nói năm trước hắn thành thân, không biết tân nương tử ra sao?"
Minh Phỉ cười nói: "Khi ấy thân mình ta không đi được (có thai), không tự mình đến làm khách, nhưng nghe nương tử của quản sự tặng lễ xong về nói rằng tân nương tử dịu dàng hào phóng, ngày tháng của hắn cũng rất khá."
Đặng Cửu khẽ thở dài: “Vậy thì ta yên tâm rồi."
Ban đêm, hai người nói chuyện với nhau tới tận canh ba, đồ ăn vẫn chưa được ăn bao nhiêu, chỉ uống vỏn vẹn một vò rượu, mãi đến khi Cung Viễn Hòa đến đón mới giải tán.
Minh Phỉ uống say chếnh choáng, dựa vào lòng Cung Viễn Hòa, nghe tiếng nước chảy và tiếng gió thổi bên ngoài khoang thuyền, nhìn vầng trăng lưỡi liềm đang chìm dần ngoài cửa sổ, hồi tưởng kiếp trước kiếp này, không khỏi bùi ngùi.
Gần đây nàng đã ít nhớ lại chuyện lúc trước, khuôn mặt phụ mẫu (hiện đại) dần trở nên mơ hồ, mà khuôn mặt của Cung Viễn Hòa, Thư Mi, Triển Dương lại ngày càng rõ ràng.
Cuộc sống của nàng và hắn có một chút tranh cãi, một chút ầm ĩ, vẫn có hiểu lầm, sẽ có tức giận, nhưng trong lòng cả hai, đối phương mới là người thân cận với mình nhất, là người mà mình sống nương tựa lẫn nhau nhiều nhất, không có hiểu lầm nào không hóa giải được, không có chuyện gì so sánh được với việc tìm được nửa kia phù hợp trong biển người mênh mông, quan trọng hơn là ở lại bên cạnh người ấy, bảo vệ người ấy.
Ba năm qua đã xảy ra rất nhiều chuyện, nhưng tóm lại đều là chuyện tốt. Nhị di nương đã chết, Thái Quang Chính đưa cả nhà rời đi, không biết kết cục ra sao; Thái Quang Đình thăng quan, Hàm Dung lại sinh thêm một nhi tử; Thang Thịnh và Minh Ngọc thành thân, đến năm thứ hai hắn liền thi đậu Tiến sĩ, dẫn theo Minh Ngọc vô cùng cao hứng mà đi nhậm chức, Minh Ngọc viết thư gửi tới nói mình đã có thai, phu thê hòa thuận vui vẻ, giữa những hàng chữ tràn đầy niềm vui sướng hài lòng.
Thái Quang Diệu thi đậu Tú tài khiến Thái Quang Hoa cực kỳ chịu khó tiến tới; Cung Tịnh Kỳ gả tới Tôn gia một cách vẻ vang, giúp phu quân dạy con, trải qua tháng ngày cực kỳ yên tĩnh; Cung Viễn Trật được như ý nguyện thi đậu Cử nhân, không ngừng cố gắng chuẩn bị cho kỳ thi kế tiếp, sau khi thành thân với Đại tiểu thư Thẩm gia, phu thê kính yêu lẫn nhau, Đại tiểu thư Thẩm gia là đương gia quản lý tài sản rất giỏi, xử lý mọi chuyện trong nhà gọn gàng ngăn nắp, ngay ngắn trật tự; tuy rằng Cung Trung Tố vẫn thích thổi gió (kiếm chuyện), cách vài bữa lại lôi chút chuyện ra nói, nhưng đối với cuộc sống đã đi vào nề nếp của người nhà họ Cung, chẳng qua đấy chỉ là một con sóng nhỏ giữa biển --- trong sự bình tĩnh thêm chút lạc thú mà thôi, không ai đáp lại ông ta cả.
Về phần Thôi Cát Cát, quả nhiên năm trước vẻ vang trở thành Chính phi của Thất Hoàng tử, nàng còn nhỏ tuổi mà đã thành thạo đối nhân xử thế, không bao lâu đã truyền ra hiền danh, được Thái hậu và Hoàng hậu yêu thương sâu sắc.
Minh Phỉ không biết có nên kể ra lời đoán mệnh "quý không thể nói" của Tống Đạo sĩ về Thôi Cát Cát hay không, dù sao trước mắt Hoàng đế hoàn toàn không có dấu hiệu sẽ phế Thái tử, sau khi nếm trải sự thất bại, Thái tử kẹp chặt đuôi làm người, hạ thấp đến mức không thể thấp hơn, ngược lại Triệu vương kia đã hơi rục rịch ngóc đầu dậy. Nhưng tất cả những việc ấy đều đã cách nàng quá xa, mục tiêu của nàng và Cung Viễn Hòa là làm đến nơi đến chốn, sống thật tốt qua từng ngày, bảo vệ được mình và người nhà, nỗ lực phấn đầu, làm tốt từng việc trong khả năng cho phép của mình, làm gương tốt cho trẻ nhỏ, không để lòng mình phải hối hận.
Năm tháng sau này vẫn còn rất dài, nàng không biết về sau mình sẽ gặp phải chuyện gì, cuộc sống sẽ có thay đổi như thế nào, cũng chẳng thể đoán trước tương lai của bọn nhỏ là mừng hay lo, là đắng hay ngọt; nhưng nàng hoàn toàn có lý do để tin tưởng, hắn ở đây, nàng ở đây, không có cửa nào chưa từng bước qua, không có sông nào chưa từng lội xuống.
Nàng không biết trên thế gian thật sự có thần linh tồn tại hay không, nhưng nàng biết chính xác rõ ràng rằng chỉ cần nàng không buông tay, chỉ cần nàng nỗ lực, chỉ cần trong lòng có hi vọng, mất đi tất cả cũng có thể tìm về, một cánh cửa đóng lại tất nhiên sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Có lẽ phong cảnh bên ngoài cửa không giống nhau nhưng vẫn tươi đẹp như cũ, độc nhất vô nhị.
Cung Viễn Hòa khẽ vuốt tóc mai của nàng: "Nàng nghĩ gì thế?"
Minh Phỉ nở nụ cười ngọt ngào, khẽ ôm chặt eo hắn, nói nhỏ: "Ta nghĩ, đợi đến khi tới Tương Châu rồi, chúng ta nên sinh thêm một hài tử."
Cung Viễn Hòa ôm chặt thê tử vào lòng, nhỏ giọng nói: "Tất cả đều theo ý nàng, nàng nói cái gì thì chính là cái đó."
Hoàn chính văn --- Tung bông tung hoa
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...