Anh gọi điện cho cô em gái đang ở ga Seoul. Trời đã nhá nhem tối. Cô em im lặng khi nghe thấy giọng anh. Có vẻ như cô muốn anh nói trước. Mặc dù trên tờ rơi có ghi đầy đủ số điện thoại của cả mấy anh em, nhưng cô em anh nhận được nhiều cuộc gọi nhất. Hầu hết trong số đó đều là những thông tin vô giá trị. Có một anh chàng nào đó nói hiện nay mẹ anh đang ở chỗ anh ta. Thậm chí anh ta còn chỉ dẫn tỉ mỉ về nơi anh ra sống. Cô em anh vội vàng bắt taxi đến chỗ chân cầu mà người đó bảo, nhưng ở đó cô chỉ thấy một người say đang ngáy khò khò, một gã đàn ông chứ không phải phụ nữ, ông ta xỉn đến mức nếu có ai vác đi thì ông ta cũng không hề hay biết.
“Anh không tìm thấy mẹ,” anh nói với cô em gái.
Cô em anh thở hắt ra.
“Em vẫn còn ở nhà ga Seoul đấy chứ?”
“Em sẽ ở đây thêm một lúc nữa... vẫn còn mấy tờ rơi chưa phát hết.”
“Anh sẽ qua đó. Anh em mình cùng đi ăn tối nhé.”
“Em không thấy đói.”
“Vậy, anh em mình đi uống một chút nhé.”
“Uống rượu ấy ạ?” Cô em gái lặng thinh một lúc. “Em vừa nhận được cuộc gọi từ một ông dược sĩ ở quầy thuốc Sobu trước cổng chợ Sobu phường Yokchon gọi, ông ấy nói đã xem tờ rơi mà cậu con trai ông ấy mang về. Ông ấy nghĩ đã nhìn thấy một người giống mẹ ở phường Yokchon hai ngày trước... nhưng ông ấy bảo người phụ nữ đó đi đôi dép lê màu xanh. Vì đi lại nhiều nên ngón chân cái bị thương, vết thương ăn vào tận móng, ông ấy đã bôi thuốc sát trùng lên đó...”
Đôi dép lê màu xanh ư? Anh bỏ điện thoại khỏi tai.
“Anh à!”
Anh lại đưa điện thoại lên tai.
“Em sẽ thử đi đến đó xem sao, anh cũng cùng đi với em chứ?”
“Ở phường Yokchon à? Em định nói là ở chợ Sobu, nơi trước đây chúng ta từng sống gần phải không?”
“Vâng.”
“Anh biết rồi.”
Anh không muốn quay về nhà. Không phải vì anh có chuyện gì đặc biệt cần nói khi gặp cô em. Nhưng khi gọi điện cho em gái, anh lại nghĩ, mình không muốn về nhà. Phường Yokchon sao? Anh giơ tay ra vẫy taxi. Anh không tài nào lý giải nổi. Nhiều người gọi điện bảo rằng họ thấy một người giống mẹ anh, đi đôi dép lê màu xanh. Thật kỳ lạ, tất cả những người đó đều nói họ thấy mẹ anh ở khu vực anh từng sống trước đây. Hình như, tất cả họ đều đã nhìn thấy mẹ anh ở đó. Phường Kaebong, Tearim, Oksu, dưới khu chung cư Naksan ở phường Tongsung, phường Suyu, Singil, Chongnung. Nếu anh tìm đến những nơi đó, họ sẽ nói đã nhìn thấy người phụ nữ đó cách đây ba ngày, vài hôm trước hoặc một tuần gì đó. Thậm chí còn có người nói đã nhìn thấy mẹ anh khoảng một tháng trước thời điểm mẹ anh mất tích. Mỗi khi nhận được những thông tin như vậy, anh lại đến đó, một mình hoặc cùng mấy người em, cũng có khi đi cùng bố. Dù những người gọi điện đó đều bảo đã gặp mẹ, anh không tìm thấy ai giống mẹ, đi đôi dép lê màu xanh. Sau khi nghe lời kể của họ, tất cả những gì anh có thể làm là dán tờ rơi lên bốt điện thoại công cộng, thân cây hoặc cột điện trong khu, chỉ cốt để cho yên lòng. Khi đi qua trước những ngôi nhà ngày xưa anh từng sống, anh dừng bước nhìn vào trong, ở đó giờ đây có những người khác sống. Dù anh sống ở ngôi nhà nào trong thành phố này, mẹ chưa bao giờ tự mình đến đó. Những lần mẹ anh lên thành phố thăm con, thể nào cũng có một người trong gia đình ra ga Seoul hay bến xe buýt để đón mẹ. Ở cái thành phố này, mẹ sẽ không đi đâu chừng nào chưa có người tới đón mẹ đưa đi chỗ khác. Khi mẹ lên nhà cậu em trai anh, cậu ấy sẽ đi đón và chăm sóc mẹ, khi mẹ lên nhà cô em gái, cô ấy sẽ đảm nhận việc đó. Dù không ai nói ra, nhưng trong thâm tâm anh và mọi người trong nhà đều cho rằng mẹ không thể một mình đi đến bất cứ nơi nào trong thành phố này. Chính vì vậy, nếu mẹ lên Seoul, bao giờ cũng phải có người ở bên cạnh mẹ. Sau khi đăng quảng cáo trên báo, phát tờ rơi và đăng tin trên mạng tìm mẹ, anh mới nhận ra rằng, mình đã từng sống ở mười hai ngôi nhà trong cái thành phố này. Giờ đây anh ngồi thẳng người dậy nhìn ra ngoài.
Phường Yokchon là nơi đầu tiên anh có thể mua được một căn nhà ở thành phố này.
“Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Trung thu rồi...” Khi ngồi trong xe taxi để đi đến phường Yokchon, cô em gái anh cứ cọ móng tay vào nhau. Anh cũng đang nghĩ đến điều cô vừa nói. Anh hắng giọng và cau mày. Hằng năm cứ đến dịp tết Trung thu, chuyện năm nay có nhiều người muốn ra nước ngoài du lịch vào kỳ nghỉ hơn năm trước lại trở thành vấn đề thời sự của xã hội. Mấy năm trước chuyện đi du lịch vào dịp lễ tết còn bị phê phán mạnh mẽ, nhưng ngày nay thì người ta cứ thoải mái nói, Xin phép các cụ, con sẽ lễ tạ các cụ đầy đủ sau, rồi ra sân bay đi du lịch. Khi mới bắt đầu tình trạng tổ chức ngày lễ tết ở khách sạn trong thời gian đi du lịch, mọi người thường lo lắng không biết linh hồn các cụ có tìm ra được họ không, nhưng giờ thì ai nấy đều vô tư lự nhảy lên máy bay. Sáng nay sau khi xem báo, vợ anh nói cứ như thể đây là tin sốt dẻo, “Xem ra có đến hơn một triệu người sẽ đi nước ngoài dịp này đấy.”
“Người ta chắc quá lắm tiền nhiều của,” anh đáp.
“Những người không thể ra nước ngoài du lịch, ừm, họ chẳng tài cán cho lắm,” vợ anh lẩm bẩm.
Bố anh chỉ lặng lẽ nhìn hai vợ chồng.
“Từ khi bạn bè của con cái chúng ta đi du lịch nước ngoài vào dịp tết Trung thu, chúng cứ nói suốt rằng, ước gì gia đình mình cũng làm được như họ,” vợ anh nói. Khi anh liếc vợ, không muốn nghe chuyện đó thêm chút nào nữa, vợ anh giải thích, “Anh biết đấy, bọn trẻ rất nhạy cảm với những chuyện như thế.” Bố anh đứng lên khỏi bàn ăn và đi vào phòng.
“Em điên à? Sao lại nói những chuyện ấy vào lúc này?” anh quát vợ. Vợ anh vặc lại, “Là em nói chuyện rằng con cái chúng nói như vậy, em có nói là em muốn đi du lịch nước ngoài đâu? Không lẽ, em không được phép nói lại lời của bọn trẻ sao? Thật là quá thể. Không được nói câu nào thì sống làm sao được?” Lần này đến lượt vợ anh đứng dậy rời khỏi bàn ăn.
“Chúng ta không nên tổ chức cúng tết Trung thu à anh?”
“Em đã quan tâm đến ngày lễ tết từ khi nào vậy? Bình thường, đến ngày nghỉ em còn không về nhà cơ mà, sao bây giờ lại quan tâm đến tết Trung thu thế?”
“Em thật có lỗi. Đáng lẽ em đã không nên như vậy.”
Anh quan sát cô em gái thôi không cọ móng tay vào nhau nữa mà cho cả hai tay vào túi áo khoác. Đó là thói quen của cô em gái anh mỗi khi cô thấy căng thẳng trước mặt anh. Đã lâu lắm rồi, thế mà đến giờ cô vẫn chưa bỏ thói quen đó.
Khi hai anh em còn sống với nhau, khi anh còn phải ngủ cùng cậu em trai và cô em gái trong một phòng, cô em gái luôn nằm sát tường, anh nằm ở giữa và cậu em trai nằm cạnh một góc tường khác. Trong khi ngủ, nếu anh giật mình tỉnh giấc vì bị đánh vào mặt, chắc chắn lúc ấy cánh tay của cậu em anh đang dang ra đè cả vào mặt anh. Anh nhẹ nhàng đặt cánh tay của cậu em xuống rồi lại chìm vào giấc ngủ, nhưng chỉ sau đó, đến lượt cánh tay của cô em gái đập lên ngực anh. Đó là thói quen nằm ngủ ngổn ngang trong một căn phòng rộng ở vùng nông thôn, ai nằm thế nào tùy thích. Một đêm, anh thét lên vì bị đập vào mắt. Hai đứa em anh đang chìm trong giấc ngủ choàng tỉnh dậy.
“Ê này!”
Phải mất một lúc lâu sau cô em mới hiểu rõ sự tình, cô vội vã đút hai tay vào túi và cựa người một cách căng thẳng.
“Nếu mày còn tiếp tục như thế nữa thì cút về quê ngay!”
Có phải đáng lẽ anh đã không nên nói những lời như thế? Giờ đây, trong taxi, anh quay sang nhìn em gái.
Thấy thái độ của anh như vậy, ngày hôm sau cô em về với mẹ thật, mang theo tất cả đồ đạc của cô. Mẹ dẫn cô trở lại. Mẹ bắt cô quỳ gối trước anh nhận lỗi và xin anh tha thứ cho. Cô em ương bướng không hề nhúc nhích.
“Hãy xin anh tha thứ đi con!” mẹ nói, nhưng cô không động đậy.
Cô em anh trông có vẻ nhu mì, nhưng khi cô đã quyết định cái gì thì không ai lay chuyển được. Có phải chuyện này xảy ra hồi anh học trung học không nhỉ? Có lần, anh bắt cô giặt đôi giày thể thao ình mặc dù cô không hề muốn. Thông thường, cô sẽ ngoan ngoãn giặt đôi giày thể thao một cách sạch sẽ. Nhưng hôm đó, cô tỏ ra rất bực tức và mang đôi giày mới của anh ra mương ném xuống dòng nước đang chảy. Anh phải chạy đến tận cuối con mương để tìm lại đôi giày trôi dạt của mình. Khi thời gian trôi qua thì những câu chuyện thế này sẽ trở thành ký ức chỉ anh chị em mới chia sẻ được với nhau, nhưng vào lúc đó, anh tức giận trở về nhà, với chỉ một chiếc giày thể thao, giờ đã biến thành màu xanh vì cặn nước và bám đầy các thứ phế phẩm. Anh quát cho cô một trận. Nhưng ngay cả khi mẹ cầm que cời lửa lên và hỏi cô học ở đâu cái tính không thể chấp nhận được như vậy, cô cũng không nhận lỗi. Trái lại cô đâm nổi cáu với mẹ. “Con đã bảo con không muốn làm! Con đã bảo anh ấy là con không muốn làm! Con sẽ không bao giờ làm việc gì con không muốn!”
Mẹ ra lệnh cho Chi-hon, “Mẹ bảo con hãy xin lỗi anh đi. Ở cái nhà này, anh cả cũng là bố mẹ. Nếu con không sửa cái thói mang tất cả mọi thứ rồi bỏ đi chỉ vì anh trai mắng mỏ thì nó sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Chẳng nhẽ đến khi lấy chồng rồi mà có điều gì đó không vừa lòng thì con cũng cuốn gói đồ đạc và bỏ đi sao?”
Mẹ càng bắt cô em gái xin lỗi anh thì hai tay cô càng thọc sâu vào túi quần. Mẹ buồn rầu thở dài, “Thế đấy, giờ đây đứa con này sẽ chẳng nghe lời tôi nữa. Đứa con này không nghe lời tôi vì tôi không có cái gì, tôi không được học hành gì...” Nước mắt lăn dài trên mặt mẹ. Phải đến lúc mẹ khóc thành tiếng, cô em gái mới lên tiếng, “Mẹ! Không phải vậy đâu.” Không thể vỗ về được người mẹ đang ngày càng khóc to hơn, cuối cùng cô em gái đành nói, “Con sẽ xin lỗi, con xin lỗi là được chứ gì.” Phải đến lúc ấy, cô mới rút tay ra khỏi túi và nói lời xin lỗi anh. Từ đó về sau, cứ ngủ là em gái anh lại đút tay vào túi. Bất cứ khi nào anh hơi cao giọng là ngay lập tức cô đút tay vào trong túi.
Sau khi mẹ bị lạc, bất cứ khi nào có ai chỉ ra chuyện gì không hay không phải, dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, cô em gái bướng bỉnh của anh cũng sẽ tự thừa nhận bằng giọng yếu ớt, “Em có lỗi, lẽ ra em không nên làm như vậy.”
“Ai sẽ lau cửa sổ nhà mình, anh nhỉ?” Chi-hon hỏi anh.
“Em nói gì cơ?”
“Độ này trong năm nếu gọi điện về, chắc mẹ đang lau cửa sổ.”
“Cửa sổ ư?”
“Khi em hỏi sao mẹ cứ phải làm vậy thì mẹ nói làm sao mẹ có thể để cửa sổ nhà ta bẩn thỉu khi tết Trung thu sắp đến được chứ?”
Bao nhiêu cánh cửa sổ ngôi nhà thôn quê của anh chợt bừng lên trong mắt anh. Các phòng trong ngôi nhà mới xây lại mấy năm trước đều có cửa sổ, đặc biệt là trong phòng khách, khác với ô kính duy nhất trên cửa ra vào trong ngôi nhà cũ.
“Em đã bảo mẹ thuê người đến lau, nhưng mẹ nói rằng, Ai mà đi đến cái xó xỉnh quê mình để lau cửa sổ chứ?” Cô em gái thở dài rồi đưa tay ra gõ vào cửa xe taxi và lau lau cửa kính. Có phải tầm thời gian này trước đây mẹ hay lau cửa kính không nhỉ?
“Hồi anh em mình còn bé, vào dịp này trong năm mẹ sẽ tháo hết tất cả các cánh cửa ra để lau... chuyện đó anh còn nhớ không?” Chi-hon hỏi.
“Nhớ.”
“Có nhớ không?”
“Anh còn nhớ mà!”
“Nói dối!”
“Sao em lại nghĩ rằng đó là lời nói dối? Anh còn nhớ thật mà. Mẹ thường dán lá thích lên cửa. Vì chuyện đó mà bác chúng ta đã gây khó dễ ẹ suốt còn gì.”
“Công nhận là anh nhớ thật. Thế anh còn nhớ chuyện anh em chúng mình đến tận nhà bác để lấy những chiếc lá đó không?”
“Nhớ chứ.”
Trước khi xây ngôi nhà mới, vào dịp tết Trung thu, mẹ thường chọn ngày nắng ráo rồi tháo tất cả các cánh cửa trong nhà xuống. Mẹ dùng nước rửa các cánh cửa rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, sau đó mẹ quấy một ít hồ rồi dán giấy mới lên cửa. Cứ khi nào nhìn thấy những cánh cửa được nhấc ra, phơi nắng, dựa vào tường nhà, anh lại nghĩ, “A, tết Trung thu đến rồi.”
Trong nhà đầy đàn ông con trai, sao lúc mẹ dán giấy lên cánh cửa không có ai giúp mẹ một tay nhỉ? Cô em tinh nghịch của anh còn nhúng ngón tay vào cái thùng đựng hồ loãng rồi xoa khắp cánh cửa. Một mình mẹ cầm cây chổi phết hồ lên mặt tờ giấy trông cứ như mẹ đang điêu luyện đưa bút vẽ bức tranh hoa lan truyền thống, rồi khéo léo dán giấy lên khung cửa thật ngay ngắn. Cử chỉ của mẹ tràn ngập vui sướng hân hoan. Mẹ đã làm những việc mà giờ đây anh thậm chí không dám thử, mặc dù bây giờ anh lớn tuổi hơn nhiều so với mẹ anh ngày ấy, và mẹ hoàn thành những việc đó cực kỳ nhanh nhẹn và đơn giản. Bản tính lãng mạn của mẹ thăng hoa khi mẹ dán giấy mới lên cửa. Cầm cây chổi quét hồ trên tay, mẹ yêu cầu cô em gái đang hớn hở nghịch thùng hồ, hoặc yêu cầu anh khi đó đang đứng cạnh hỏi xem có giúp được gì ẹ không, là hãy đi nhặt lá thích về Mặc dù nhà anh có rất nhiều cây, cây hồng, cây mận, cây táo, nhưng mẹ đặc biệt yêu cầu lá cây thích, loại cây mà nhà anh không có. Một lần, để có lá thích, anh bắt đầu tìm từ cổng, tìm ra khắp các ngõ ngách, vượt qua con mương rồi đi hết cả con đường mới làm tới tận nhà bác gái, chị của bố anh. Thấy anh nhặt những chiếc lá thích, bác anh hỏi, “Mày lấy mấy cái lá đó làm gì thế? Mẹ mày sai mày đi nhặt lá à? Cái trò lãng mạn vô bổ này của mẹ mày thì được tích sự gì chứ? Vào mùa đông khi mở cánh cửa mà thấy có dán lá thích bên trên thì sẽ có cảm giác lạnh lẽo hơn đấy, nhưng dù tao có bảo đừng làm thế nữa thì mẹ mày cũng vẫn sẽ làm thôi!”
Khi anh mang về hai vốc lá khô, mẹ sẽ đặt những chiếc lá đẹp đẽ đó đối diện nhau ở ngay sát tay cầm của tất cả mấy cánh cửa kia rồi dán chúng lên trên giấy. Đây là nơi mẹ thường dán nhiều lớp giấy để nó không bị rách khi mọi người cứ liên tục chạm phải vùng đó lúc mở cửa. Trên cánh cửa phòng anh, mẹ dán nhiều hơn ở các cánh cửa khác ba chiếc lá, trải năm chiếc lá ra như những bông hoa, cẩn thận dùng lòng bàn tay miết những chiếc lá, rồi hỏi anh có thích không. Năm chiếc lá khô xòe ra như năm ngón tay của đứa trẻ. Cho dù bác anh có nói gì đi nữa, trong mắt anh những chiếc lá đó vẫn thật đẹp. Khi anh khen những chiếc lá đó rất tuyệt vời, khuôn mặt mẹ nở một nụ cười rạng rỡ như bông hoa mẫu đơn. Vốn không hề thích đón lễ tết với những cánh cửa bị thủng hay bị rách, hỏng hóc vì cứ mở ra đóng vào suốt mùa hè, thế nên với mẹ dán giấy cửa mới chính là sự khởi đầu của mùa thu và là sự chào đón tết Trung thu. Có lẽ cũng bởi mẹ muốn chuẩn bị để mọi người trong nhà không bị cảm cúm trước những cơn gió trở lạnh khi mùa hè đã qua đi. Phải chăng đó là cảm giác lãng mạn nhất mẹ được hưởng trong những ngày tháng ấy?
Anh cũng đã thọc tay vào túi quần giống như cô em gái từ lúc nào chính anh cũng không biết. Những chiếc lá thích được dán bên cạnh tay cầm của cánh cửa vẫn tiếp tục ở lại cùng cả gia đình trong ngôi nhà đó khi tết Trung thu đã qua đi, qua cả mùa đông và tuyết rơi, cho tới tận khi những chiếc lá thích mới đâm chồi lúc xuân sang.
Sự mất tích của mẹ đã khơi dậy trong ký ức của anh những câu chuyện anh nghĩ mình đã quên hẳn. Như chuyện những cánh cửa dán lá thích này.
Phường Yokchon không còn là phường Yokchon ngày xưa mà anh vẫn nhớ. Khi lần đầu tiên anh có được ngôi nhà mang tên mình ở cái thành phố này, đây vẫn là một khu có nhiều ngõ ngách với những ngôi nhà tồi tàn, còn ngày nay nơi đây mọc lên như nấm những tòa chung cư cao tầng và cửa hàng quần áo. Hai anh em đi từ trước ra sau rồi lại từ sau ra trước khu chung cư đến hai lần mà vẫn không tìm được chợ Sobu ngày xưa vốn nằm ở trung tâm phường Yokchon, cuối cùng đành phải hỏi một cô bé học sinh đi ngang qua xem chợ Sobu nằm ở đâu. Hóa ra nó nằm ở hướng ngược lại so với họ nghĩ. Giờ một cửa hàng lớn đã thế chỗ cho cái bốt điện thoại mà trước đây ngày nào anh cũng đi qua. Anh không thể nào tìm thấy cửa hàng bán len sợi, nơi vợ anh thường đến mua len vì muốn đan một chiếc áo len để sau này cô con gái mới sinh lớn lên sẽ mặc.
“Em nghĩ nó ở đằng kia kìa!”
Chợ Sobu trong ký ức của anh nằm ngay bên cạnh con đường lớn, nhưng giờ đây nó đã bị bao quanh bởi những con đường mới khiến anh không thể nhìn thấy rõ các tấm bảng hiệu.
“Ông dược sĩ nói rằng quầy thuốc của ông ấy ở trước cổng chợ...” Cô em gái chạy về phía cổng chợ, vòng đi vòng lại quanh đó để nhìn ngó dãy cửa hàng. “Kia rồi!”
Anh nhìn theo hướng tay cô em gái chỉ và thấy tấm biển “Hiệu thuốc Sobu”, quầy thuốc nằm giữa một cửa hàng bán đồ ăn nhanh và quán café Internet. Ông dược sĩ đeo kính, tầm khoảng ngoài năm mươi tuổi, ngẩng đầu lên nhìn khi anh và cô em gái bước vào. Cô em gái anh hỏi, “Có phải chú đã gọi điện cho cháu khi nhìn thấy tờ rơi do con trai chú mang về không?” Ông dược sĩ tháo kính ra nhìn hai anh em.
“Mẹ cô đã bị lạc như thế nào vậy?”
Kể từ khi mẹ bị lạc, đây là câu hỏi khó trả lời nhất với hai anh em. Mặc dù họ cố gắng không để ọi người biết mẹ mình đã bị lạc như thế nào mà chỉ tỏ ra đang cố đi tìm mẹ, song mọi người luôn hỏi chuyện đó đã xảy ra như thế nào. Trong câu hỏi ấy luôn ẩn chứa sự tò mò và trách móc. Hồi đầu mấy anh em thường giải thích tỉ mỉ, Mẹ ở ga tàu điện ngầm Seoul..., nhưng giờ đây họ chỉ trả lời rằng, Chuyện đã xảy ra như vậy đấy. Rồi tỏ vẻ thật thiểu não. Có như vậy họ mới thoát được câu hỏi, “Chuyện đã xảy ra như thế nào?”
“Hay bà ấy bị mất trí nhớ chăng?”
Cô em gái anh không trả lời, thế nên anh lên tiếng phủ nhận.
“Nhưng sao anh lại như vậy khi đang cố gắng đi tìm bà ấy? Tôi đã gọi điện một lúc lâu rồi mà sao giờ anh mới đến?” ông dược sĩ hỏi cứ như thể hai anh em đã có thể tìm thấy mẹ mình nếu đến đây sớm, nhưng giờ đây mẹ đi nơi khác rồi thế nên họ mới đến muộn...
“Chú nhìn thấy bà ấy khi nào? Trông bà ấy có giống mẹ cháu không?” cô em gái lấy một tờ rơi ra và chỉ vào hình của mẹ.
Ông dược sĩ nói ông đã nhìn thấy mẹ anh sáu ngày trước đây. Ông dược sĩ kể lại, ông ấy sống ở tầng ba của tòa nhà này, buổi sáng hôm ấy, ông mở cánh cửa chớp của quầy thuốc ra thì nhìn thấy một bà già đang ngủ bên cạnh thùng rác trước cửa tiệm ăn nhanh bên cạnh. Ông dược sĩ còn nói, bà cụ đi đôi dép lê màu xanh, vì đi lại nhiều nên chỗ gần ngón chân cái bị thương sâu hoắm đến mức gần như nhìn thấy cả xương, vết thương đã bị nhiễm trùng và tái nhiễm trùng rất tệ, chừng như chẳng thể làm gì được nữa.
“Là dược sĩ, khi nhìn thấy vết thương của bà ấy, tôi không thể để như vậy được. Tôi nghĩ ít nhất thì cũng phải sát trùng vết thương cho bà ấy, thế là tôi vào trong lấy thuốc sát trùng và băng gạc ra băng bó vết thương. Bà ấy tỉnh dậy. Mặc dù một người hoàn toàn xa lạ đang sờ nắn bàn chân mình, nhưng bà ấy vẫn không hề động đậy, có lẽ bà ấy đã kiệt sức. Tôi thấy ngạc nhiên vì nếu vết thương nặng đến mức ấy thì lẽ ra khi sát trùng phải kêu lên đau đớn mới đúng, nhưng bà ấy lại không hề có phản ứng gì. Vết thương quá nặng lại để lâu ngày nên mủ cứ chảy ra bốc mùi rất khó chịu. Tôi không nhớ mình đã sát trùng bao nhiêu lần. Sau đó tôi bôi thuốc mỡ lên vết thương, rồi do miếng gạc không đủ rộng nên tôi phải dùng băng quấn vết thương lại. Dù sao đi nữa bà ấy cần phải có ai đó giúp đỡ, vì vậy tôi đi vào trong quầy thuốc gọi điện đến đồn cảnh sát nhưng rồi lại trở ra hỏi xem bà ấy có người thân ở thành phố này không. Lúc đó, chắc vì đói bụng quá nên bà ấy bốc cả nắm kimpap người ta đổ trong thùng rác để ăn. Thấy vậy tôi liền bảo đó là kimpap thừa người ta đổ đi, bà đừng ăn những thứ đó, tôi sẽ lấy cho bà thứ gì đó để ăn tạm, nhưng bà ấy vẫn cứ ăn nên tôi phải giật lấy vứt đi. Mặc dù lúc tôi bảo thì bà ấy không chịu vứt, nhưng khi vứt đi thì bà ấy cũng chẳng phản ứng gì. Tôi bảo bà ấy vào trong quầy thuốc nghỉ tạm, nhưng bà ấy cứ ngồi yên ở đó cứ như không hiểu tôi đang nói gì. Bà ấy bị điếc à?”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...