Hãy Chăm Sóc Mẹ


Xưa nay cô luôn là người cúp máy trước. Trước khi cúp máy, cô thường nói với mẹ rằng sẽ gọi lại ẹ sau nhưng rất nhiều lần cô đã không gọi lại. Cô không có thời gian để ngồi nghe hết những lời mẹ muốn nói. Nhưng lần này mẹ đã dập điện thoại trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau khi cô xa nhà mẹ nổi nóng với cô như vậy. Từ khi cô xa nhà, mẹ thường nói, “Mẹ xin lỗi.” Mẹ cũng hay nói rằng, “Mẹ thật có lỗi khi phải gửi con lên sống với anh Hyong-chol vì mẹ không lo cho con đầy đủ được.” Mẹ cũng là người luôn cố hết sức để kéo dài cuộc trò chuyện mỗi khi cô gọi về. Tuy nhiên dù mẹ dập điện thoại trước cô cũng không cảm thấy thất vọng như với cách mẹ nuôi con chó ở nhà. Cô nghĩ, Tại sao mẹ lại thành ra thế chứ? Mẹ vốn rất quan tâm đến mọi con vật nuôi trong nhà mà. Nhiều khi mẹ lên Seoul với ý định ở lại dài ngày nhưng chưa được ba bữa mẹ đã nằng nặc đòi về chăm con chó. Vậy mà sao giờ mẹ lại có thể vô tâm đến khó hiểu như vậy? Cô cảm thấy rất giận hành động của mẹ.
Mấy ngày sau, mẹ chủ động gọi điện cho cô. “Con không phải là con của ngày xưa nữa, con đã trở thành một người quá lạnh lùng. Nếu mẹ dập điện thoại như vậy, cho dù thế nào con cũng phải gọi lại ẹ chứ, sao con lại cứng đầu cứng cổ như thế?”
Đó không phải là vì cô cứng đầu cứng cổ. Cô không có thời gian để nghĩ mãi về việc đó như thế. Mỗi lúc nhớ lại khi mẹ tức giận dập bộp máy, cô nghĩ mình phải gọi điện ẹ mới được, nhưng rồi vì bận việc này hay việc khác nên rốt cuộc cô vẫn chưa gọi.
“Những người có học đều xử sự như thế à?” mẹ nói thêm câu đó rồi lại dập điện thoại.
Khi cô về nhà vào dịp tết Trung thu, bên cạnh nhà kho đã đặt một cái chuồng chó to. Dưới nền chuồng còn rải một lớp rơm mềm.
Mẹ cô bắt đầu kể lại. “Hồi cuối tháng Mười, khi mẹ đang vo gạo ở bồn rửa bát trong bếp để chuẩn bị bữa sáng, bỗng có ai đó cứ vỗ liên tục vào lưng mẹ. Mẹ quay lại nhưng không có ai cả. Suốt ba ngày liền đều như vậy. Mẹ cảm thấy rõ ràng có cánh tay vỗ liên tục như đang gọi mẹ nhưng khi ngoảnh lại thì không có ai hết. Cho đến tận ngày thư tư. Buổi sáng hôm đó, ngay khi ngủ dậy mẹ đi xuống nhà tắm và thấy một con chó đang nằm cạnh bồn vệ sinh. Con chỉ biết giận mẹ và nói mẹ đối xử tệ với con chó, nhưng con có biết đâu nó là con chó thường lang thang kiếm ăn ở cạnh đường tàu, khắp mình ghẻ lở. Mẹ thấy thương hại mới mang nó về nhà xích lại để chăm sóc cho nó. Vì nếu không nhốt, nó lại chạy đi đâu đó rồi người ta sẽ bắt nó làm thịt cũng chưa biết chừng... Hôm đó nó không hề động đậy. Ban đầu mẹ tưởng nó đang ngủ. Mẹ lay thế nào nó cũng không dậy. Nó chết rồi. Mới hôm trước, nó vẫn ăn cơm ngon lành, cái đuôi vẫn còn vẫy vẫy thế mà khi ấy đã chết, bộ dạng chẳng khác gì đang ngủ cả. Mẹ không biết bằng cách nào nó thoát được dây xích. Hồi đầu mới về nhà, nó gầy trơ xương. Được chăm sóc, nó béo ú lên, bộ lông càng ngày càng mượt bóng. Nó khôn lắm, ngay cả chuột chũi nó cũng bắt được.” Mẹ ngừng kể và thở dài. “Người ta nói rằng nếu cưu mang con người thì rồi sẽ thành ra nuôi ong tay áo thôi, còn nếu cưu mang chó thì con chó sẽ báo đáp chủ. Mẹ nghĩ nó đã đi thay mẹ.”
Lần này đến lượt cô thở dài.
“Mùa xuân năm trước, mẹ có tặng tiền ột thầy tu đi ngang qua nhà, ông ấy đã nói rằng trong năm nay gia đình chúng ta sẽ mất đi một thành viên. Nghe những lời đó trong lòng mẹ rất lo lắng. Suốt cả năm qua, mẹ không thôi nghĩ về lời nói ấy. Mẹ cứ nghĩ rằng thần chết sẽ đến mang mẹ đi, nhưng bởi vì lần nào mẹ cũng bận vo gạo nấu cơm nên thần chết đã bắt con chó thay thế.”
“Mẹ đang nói về cái gì thế? Suốt ngày mẹ đến nhà thờ mà lại đi tin vào những lời đó à?” Cô chợt nghĩ đến cái chuồng chó trống không bên cạnh nhà kho và cái dây xích đã nằm chỏng chơ trên mặt đất. Trong lòng buồn bã, cô đưa tay ôm ngang hông mẹ.
“Mẹ đã đào một cái hố sâu trước sân để chôn con chó.”
Mẹ là người kể chuyện rất hay. Vào đêm trước hôm làm cơm cúng, bà bác và các thím thường mang sang một bát gạo. Thời đó lương thực thực phẩm còn khan hiếm nên tất cả mọi người đều phải góp phần. Cúng đơm xong, mẹ sẽ cho đầy cơm vào những chiếc bát đó để họ mang về nhà. Sau khi cúng, với một dãy bát cơm đặt bên cạnh, mẹ kể với mọi người rằng có một đàn chim đã bay đến đậu lên cơm một lúc rồi lại bay đi. Nếu họ không tin, mẹ sẽ bảo, “Tôi tận mắt nhìn thấy mà! Có sáu con cả thảy. Đàn chim chính là các cụ nhà mình về ăn cơm cúng đấy!” Mọi người cười ầm lên, nhưng cô lại nghĩ cô có thấy những vết chân trên bát cơm trắng ngần. Một lần, mẹ mang theo một chút đồ ăn rồi ra đồng rất sớm, nhưng khi đến mảnh ruộng của nhà, đã có ai đó đến trước và đang cắm cúi nhổ cỏ. Mẹ hỏi xem người đó là ai, người đó nói chỉ là người qua đường, thấy ruộng nhiều cỏ quá nên xuống nhổ giúp. Mẹ và người khách lạ cùng nhau nhổ cỏ. Buổi trưa, để tỏ lòng cảm kích mẹ chia phần cơm mang theo cho người đó ăn cùng. Cả ngày hôm ấy mẹ cùng người khách lạ vừa cùng nhau nhổ cỏ vừa chuyện trò huyên thuyên, đến tận khi trời tối mới chia tay nhau. Khi từ đồng về, mẹ kể chuyện cùng người khách lạ nhổ cỏ cả ngày cho bà bác nghe, bà bác cứng đờ người, vội hỏi mẹ xem hình dáng người khách lạ đó trông thế nào. Rồi bà bác bảo mẹ, “Chắc là ông chủ cũ của mảnh ruộng đó rồi, ông ta đã chết vì say nắng khi đang nhổ cỏ trên mảnh ruộng ấy.” Nghe xong câu chuyện, cô hỏi mẹ, “Ở trên đồng với một người đã chết cả ngày trời như thế mẹ có sợ không?” Mẹ vui vẻ trả lời, “Sợ gì chứ. Nếu chỉ có một mình nhổ cỏ phải mất hai ba ngày mới xong, nên mẹ chỉ thấy biết ơn ông ấy vì đã giúp đỡ một tay thôi.”

Chứng đau đầu dường như đang dần gặm nhấm mẹ. Mẹ nhanh chóng mất đi sinh khí và bản tính chan hòa, mẹ bắt đầu hay phải nằm nghỉ hơn. Thậm chí mẹ còn không thể tập trung vào trò chơi bài cá cược một trăm uôn dù đó là một trong những trò giải trí hiếm hoi của mẹ. Thêm vào đó, mẹ cô cũng dần mất cảm giác với mọi thứ. Có lần, sau khi đặt nồi giẻ lau lên bếp ga để đun, mẹ ngồi phịch xuống nền bếp và không thể đứng dậy được. Nước bốc hơi hết khiến đống giẻ lau bốc cháy và cả gian bếp mù mịt khói, thế nhưng mẹ cô vẫn không thể tỉnh trí lại được. Ngôi nhà chắc đã cháy rụi rồi nếu bác hàng xóm không nhìn thấy cột khói bốc lên và vội vã chạy sang xem chuyện gì đang xảy ra.
Có lần em gái cô - giờ đã là mẹ của ba đứa con - hỏi cô một cách nghiêm túc về người mẹ đang bị chứng đau đầu hành hạ, “Chị có nghĩ mẹ thực sự thích ở dưới bếp không?”
“Sao em lại hỏi vậy?”
“Chẳng hiểu sao em cứ nghĩ mẹ không thích ở dưới bếp.”
Em gái cô là dược sĩ, nó mở hiệu thuốc khi đang mang thai đứa con đầu lòng. Chị dâu cô chăm sóc đứa cháu đó, nhưng chị ấy sống cách xa hiệu thuốc. Đứa bé sống với chị dâu cô suốt một thời gian dài. Rất thương con nhưng em gái cô phải trông hiệu thuốc nên chỉ được gặp con mỗi tuần một lần. Cảnh tượng em gái cô và đứa con tạm biệt sau những lần gặp nhau vô cùng cảm động. Chẳng có cuộc chia tay nào buồn bã hơn thế trên đời. Nhưng trong hoàn cảnh đó dường như em gái cô gặp nhiều khó khăn hơn đứa trẻ. Đứa trẻ thích ứng khá tốt với cuộc sống vắng mẹ, nhưng với em gái cô thì khác, lúc lái xe về nhà sau khi đưa con trở lại nhà chị dâu khi ngày nghỉ cuối tuần kết thúc, em gái cô cứ khóc sướt mướt, nước mắt ướt đẫm cả hai bàn tay ghì chặt trên bánh lái, rồi sáng thứ Hai em gái cô đứng trong hiệu thuốc với đôi mắt sưng húp vì khóc. Mỗi lúc nhìn thấy nó bệ rạc tới vậy cô lại bực bội nói, “Đã như thế em còn bán thuốc làm gì?” Mãi đến khi chồng nó sang Mỹ hai năm để làm nghiên cứu sinh, nó mới đóng cửa quầy thuốc, công việc mà nó làm đến tận tới sau khi sinh đứa con thứ hai. Em gái cô nghĩ rằng cuộc sống bên Mỹ sẽ là một trải nghiệm quý báu cho lũ trẻ, cô cũng bảo em gái nên gác lại mọi chuyện cơm áo gạo tiền ở Seoul để đi cùng chồng sang Mỹ và tranh thủ nghỉ ngơi trong thời gian ở bên ấy. Nó chưa một lần được nghỉ ngơi kể từ khi lập gia đình. Nó sinh thêm một đứa con nữa ở bên Mỹ rồi mới về nước. Việc cơm nước cho gia đình năm người đều do một tay nó đảm đương. Nó kể rằng có lần chỉ trong một tháng mà gia đình nó ăn hết hai trăm con cá đù.
“Ăn hết hai trăm con cá đù trong một tháng? Ngày nào nhà em cũng ăn mòn cá đù sao?” cô hỏi, và cô em gái trả lời là đúng thế.
Đó là thời kỳ trước khi đồ đạc của gia đình từ Mỹ được gửi về, ngôi nhà mới chuyển đến vẫn còn xa lạ, em gái cô không có thời gian rỗi để đi chợ vì đứa con thứ ba vẫn đang còn bú mẹ. Mẹ chồng nó gửi lên ột thùng cá đù ướp muối phơi khô, chưa đầy mười ngày cả nhà đã ăn hết sạch. Nó cười bảo, “Nấu cháo đậu em cũng cho cá đù, nấu canh bí ngô xanh cũng cho cá đù, món nào nhà em cũng có cá đù.” Khi hỏi mẹ chồng xem mua cá đù ở chỗ nào, cô em gái mới biết rằng có thể đặt mua hàng qua mạng. Thùng cá đù đầu tiên ấy ăn không được bao lâu, thế nên nó đặt mua luôn hai thùng.
Em gái cô kể rằng, “Khi cá đù về, em vừa rửa vừa đếm, tất cả là hai trăm con. Sau khi rửa sạch, cứ bốn năm con em lại cho vào một túi nylon rồi bỏ vào tủ đông lạnh để thuận tiện khi nấu, và khi đó đột nhiên em muốn quẳng tất cả xuống sàn nhà cho xong. Em chợt nhớ đến mẹ và băn khoăn không biết trong suốt bao nhiêu năm ngày nào cũng cặm cụi trong gian bếp cũ để lo cơm nước cho đại gia đình, lòng mẹ cảm thấy thế nào? Mà chị có nhớ chúng ta đã ăn bao nhiêu không? Mỗi bữa mẹ đều dọn hai mâm cơm đầy cho cả nhà đấy. Chị có nhớ nồi cơm nhà mình to cỡ nào không. Mẹ phải đóng hộp cơm trưa cho tất cả anh chị em mình, với bao nhiêu món làm từ những thứ rau dưa mẹ kiếm được trên vườn ruộng... làm sao hằng ngày một mình mẹ đảm đương hết từng đó việc nhỉ? Với lại bố còn là con trưởng nên lúc nào trong nhà cũng có thêm mấy người họ hàng ở cùng chúng ta. Em nghĩ mẹ chẳng thích quẩn quanh bếp núc tí nào đâu.”
Những lời của em gái khiến cô phải giật mình. Cô chưa bao giờ nghĩ đến hình ảnh mẹ không gắn liền với gian bếp. Mẹ là bếp và bếp cũng chính là mẹ. Chưa khi nào cô tự hỏi, mẹ có thích quẩn quanh bếp núc không?
Để kiếm tiền, mẹ đã làm đủ nghề, từ nuôi tằm, ủ mạch nha cho đến giúp làm đậu phụ. Nhưng cách tốt nhất để có tiền là không tiêu tiền, vì thế mẹ rất tiết kiệm. Đôi khi mẹ còn bán cả cây đèn cũ, viên đá kỳ cũ, cả chum vại cũ... cho những người mua đồ cũ từ nơi khác đến. Họ muốn mua những thứ đồ cũ mẹ đang dùng và mặc dù chẳng thấy mấy thứ đó có gì ghê gớm, mẹ vẫn đội giá lên rồi mặc cả như một người bán hàng thực sự. Lúc đầu có vẻ như mẹ bị lấn lướt nhưng về sau mẹ luôn giữ thế chủ động. Mẹ sẽ lẳng lặng lắng nghe yêu cầu của người mua rồi nói, “Thế thì chỉ cần đưa tôi bằng này tiền thôi.” Khi đó họ sẽ chế nhạo, “Ai mà đi bỏ từng đó tiền để mua cái thứ vô dụng ấy chứ?” Mẹ bèn vặn lại, “Thế thì ông đi đông đi đoài mua cái thứ này làm gì?” Nói rồi mẹ cầm món đồ lên vờ như không muốn bán. Những người mua đồ cũ lẩm bẩm bảo mẹ buôn bán rắn thế, nhưng rồi cũng đành trả tiền theo giá mẹ yêu cầu.
Khi phải mua thứ gì, mẹ không bao giờ trả đúng giá. Hầu hết mọi thứ mẹ đều tự làm lấy, thế nên khi nào mẹ cũng luôn tay luôn chân. Mẹ khâu vá, đan lát, không lúc nào hết việc đồng áng. Mẹ không bao giờ bỏ trống ruộng vườn. Vào mùa xuân, mẹ gieo hạt khoai tây trên các luống cày, trồng rau diếp, hoa cúc, cẩm quỳ, hẹ, các loại ớt và ngô. Mẹ đào những cái hốc nhỏ dưới hàng rào để trồng bí ngô xanh, tra hạt đậu xung quanh vườn. Mẹ còn trồng cả vừng, dâu tằm và dưa chuột. Suốt cả ngày mẹ không ở trong bếp thì ở ngoài vườn hoặc ngoài cánh đồng. Mẹ dỡ khoai tây, khoai lang, hái bí ngô xanh, nhổ bắp cải và củ cải đỏ. Công việc lao động của mẹ cho thấy rằng nếu không gieo hạt giống sẽ không có gì để thu hoạch. Chỉ những thứ không thể nảy nở từ hạt giống mẹ mới bỏ tiền ra mua. Vào những ngày xuân, ngoài sân lúc nào cũng thả bầy gà vịt, trong chuồng có cả đàn lợn con béo tròn mũm mĩm.

Có năm, con chó đẻ được chín chú cún con. Khoảng một tháng sau, mẹ chỉ để lại hai con để nuôi, những con còn lại mẹ cho cả vào thúng. Nhưng cái thúng nhỏ quá, chỉ đặt được sáu con, mẹ bế con cuối cùng đặt vào tay cô và bảo cô ôm nó đi theo mẹ. Trên chiếc xe buýt cô đi cùng mẹ đông nghịt những người là người, họ cũng vào trong thị trấn để bán đồ như hai mẹ con cô. Họ mang theo cả những bao tải to đựng ớt khô, vừng khô và đậu đen. Cả những chiếc thúng nặng trĩu bắp cải và củ cải đỏ. Họ ngồi thành hàng trước bến xe buýt của thị trấn đợi những người khách qua lại trao đổi mua bán. Cô đặt con chó đang ôm trên tay vào trong cái thúng cùng bầy chó đang rung rúc. Cô ngồi xuống bên cạnh mẹ để chờ bán những chú chó con. Với sự chăm sóc chu đáo của mẹ trong suốt một tháng, mấy chú chó con đều béo tròn khỏe mạnh. Trông chúng thật hiền lành, không hề có tâm lý cảnh giác hay thù địch đối với mọi người. Lũ chó con nhìn ngó và ngoáy tít đuôi với những người ngồi túm tụm quanh cái thúng rồi liếm liếm bàn tay họ. Những con chó của mẹ bán hết nhanh hơn củ cải đỏ, bắp cải hay đậu. Ngay sau khi bán xong con chó cuối cùng, mẹ đứng dậy vặn mình rồi quay sang cô và hỏi cô thích cái gì. Cô nắm tay mẹ và ngước mắt nhìn mẹ vẻ ngạc nhiên, hầu như chẳng bao giờ mẹ hỏi cô như vậy.
“Mẹ bảo là con có thích cái gì không?”
“Sách ạ!”
“Sách ư?”
“Vâng, sách!”
Mẹ tỏ vẻ khó hiểu trước yêu cầu của cô. Mẹ nhìn cô hồi lâu rồi hỏi nơi bán sách ở đâu. Cô đi trước dẫn mẹ đến hiệu sách ở cổng chợ, chỗ ngã năm. Mẹ không bước vào hiệu sách nhưng dặn cô rằng chỉ được chọn một quyển, hỏi xem bao nhiêu tiền rồi ra nói với mẹ. Dù khi mua một đôi dép cao su mẹ cũng thử hết đôi này đến đôi kia rồi cuối cùng vẫn trả thấp hơn giá người bán hàng đưa ra, thế nhưng với sách thì mẹ lại bảo cô cứ chọn một cuốn đi, như thể mẹ sẽ không kỳ kèo mặc cả vậy. Đột nhiên cô có cảm giác hiệu sách giống như một đồng cỏ và hoàn toàn không biết mình nên chọn quyển sách nào. Lý do cô muốn mua sách là vì cô hay đọc những cuốn sách các anh trai cô mượn ở trường về nhưng họ luôn đòi lại trước khi cô kịp đọc xong. Thư viện trường cô không có những quyển sách mà anh Hyong-chol cầm về, những quyển kiểu như Bà Sa đi về phía Nam hay Tiểu sử của Shin Yun-bok. Quyển sách cô chọn trong khi mẹ đang đứng đợi ngoài hiệu sách có nhan đề Con người, quá đỗi con người. Mẹ nhìn chằm chằm vào quyển sách cô vừa chọn mua, quyển sách đầu tiên mẹ trả tiền mà không phải là sách giáo khoa.
“Con cần quyển sách này à?”
Cô gật đầu ngay, lòng đầy lo sợ mẹ sẽ đổi ý. Thực ra cô cũng không biết đó là quyển sách gì. Tên tác giả cuốn sách là Nietzsche nhưng cô không biết người đó là ai. Cô chọn quyển sách này chỉ vì thấy nhan đề Con người, quá đỗi con người thật kêu. Mẹ giúi tiền sách vào tay cô, không bớt một đồng. Trên chuyến xe buýt về nhà, với cuốn sách trong vòng tay thay vì con cún, cô nhìn ra ngoài cửa sổ. Cô thấy một bà cụ lưng còng đang mỏi mắt dõi theo dòng người qua lại hầu mong bán được một đấu gạo nếp.
Trong lúc hai mẹ con cô đi trên con đường núi mà từ đó cô có thể nhìn thấy quê ngoại ngày xưa, mẹ kể với cô rằng ông ngoại cô đã bôn ba khắp nơi đi đào vàng và khai thác than, đến năm mẹ lên ba ông ngoại mới về nhà. Ông vào làm việc tại công trường xây dựng ga tàu hỏa mới rồi chết trong một tai nạn. Khi người trong làng đến nhà thông báo sự việc cho bà ngoại cô, nhìn thấy mẹ vẫn đang tung tăng chạy nhảy ngoài sân họ bèn bảo, Bố chết rồi mà vẫn cứ cười đùa được, đúng là đứa trẻ dại ngơ dại nghếch.
“Mẹ nhớ chuyện đó từ khi mới lên ba ấy ạ?”
“Nhớ chứ.”

Mẹ nói rằng đôi khi mẹ thấy giận bà ngoại. “Mẹ hiểu rõ rằng với hoàn cảnh góa bụa thì bà cũng đã cố hết sức rồi, nhưng dù sao bà vẫn nên ẹ đi học chứ. Anh trai mẹ được đi học ở trường Nhật Bản, chị gái mẹ cũng vậy, thế thì tại sao chỉ có một mình mẹ phải ở nhà? Mẹ sống trong tăm tối, không một chút ánh sáng, cả cuộc đời mẹ đen tối...”
Cuối cùng mẹ cũng đồng ý lên Seoul với cô nếu cô hứa sẽ không nói cho anh Hyong-chol biết. Thậm chí đến tận khi rời nhà với cô, mẹ vẫn không ngừng bắt cô hứa không kể lể với anh Hyong-chol.
Khi đưa mẹ hết từ bệnh viện này tới bệnh viện khác để tìm nguyên nhân căn bệnh đau đầu của mẹ, một bác sĩ đã nói một điều khiến cô kinh ngạc. Bác sĩ nói rằng mẹ cô đã bị tai biến mạch máu não một lần cách đây khá lâu. Tai biến ư? Cô bảo là mẹ chưa bao giờ bị như thế. Bác sĩ chỉ vào một điểm trong tấm phim chụp não của mẹ mà nói đó là vết tích của lần tai biến. Cô thắc mắc, “Làm sao mẹ tôi bị tai biến mà thậm chí bà chẳng hề biết gì?”
Vị bác sĩ nói, “Hẳn là mẹ cô có biết chứ. Khi máu bị ứ đọng lại ở đó, bà ấy chắc chắn cảm thấy rất đau. Chính vì thế lúc nào bà ấy cũng đau đớn. Cơ thể bà ấy luôn đau.”
“Luôn luôn đau đớn là sao? Sức khỏe của mẹ tôi vẫn tốt mà.”
“Tôi không nghĩ vậy.”
Cô cảm thấy như thể một cây kim được giấu kín trong ví bỗng nhảy ra đâm vào tay cô. Bác sĩ dẫn lưu điểm máu tích tụ trong não mẹ nhưng cơn đau đầu của mẹ vẫn không thuyên giảm. Mới phút trước còn đang trò chuyện, phút sau mẹ đã cẩn thận ôm chặt lấy đầu như thể đó là một chiếc bình thủy tinh sắp vỡ rồi đi về nằm xuống tấm phản trong nhà kho.
“Mẹ ơi, mẹ có thích ở trong bếp không?” Khi cô hỏi câu này lần đầu tiên, mẹ chẳng hiểu nổi ý cô là gì. “Hồi xưa mẹ có thích ở dưới bếp không? Mẹ có thích nấu nướng không?”
Mẹ nhìn cô chằm chằm. “Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi còn đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta thích hay không.” Mẹ nhìn cô với vẻ như muốn hỏi, Sao con lại hỏi vậy?, và lẩm bẩm, “Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?”
“Thế thì, sao chứ ạ, mẹ thích hay là không?”
Mẹ đưa mắt nhìn xung quanh như đang định nói điều gì bí mật với cô, rồi cắt tiếng thì thầm, “Nhiều lần mẹ đập bể nắp chum.”
“Mẹ đã đập bể nắp chum sao?”
“Mẹ không thấy điểm kết thúc. Ít nhất là với công việc đồng áng, khi gieo hạt vào mùa xuân thì ta được thu hoạch vào mùa thu. Ở chỗ gieo hạt rau chân vịt sẽ mọc lên cây rau chân vịt, ở chỗ tra hạt ngô sẽ mọc lên cây ngô... Còn công việc bếp núc thì không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Ta ăn sáng rồi ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng thì lại ăn sáng... Sẽ tốt hơn nhiều nếu mẹ có thể thay đổi món ăn thường xuyên, nhưng bởi vì vẫn là những thứ rau dưa trồng ngoài đồng ruộng cả nên mẹ lúc nào cũng làm đi làm lại ngần ấy món. Khi cứ làm thế hết lần này tới lần khác, sẽ có những lúc ta thấy thật sự ngán ngẩm. Mỗi lúc cảm thấy gian bếp như nhà tù, mẹ lại đi ra sân sau nhặt cái nắp chum nào sứt sẹo nhất lên rồi dùng hết sức ném bộp vào tường. Chị gái bố con không hề biết mẹ làm thế. Nếu mà biết chắc bác ấy sẽ cho rằng mẹ là người điên khi cứ đập nắp chum lung tung như vậy.”

Mẹ cô còn kể rằng vài hôm sau mẹ lại mua chiếc nắp mới để đậy cái chum lại. “Mẹ đã tiêu tiền hơi lãng phí. Khi đi mua nắp mới mẹ thấy thật phí phạm và tiếc đứt ruột, nhưng mẹ chẳng thể nào ngừng lại được. Tiếng vỡ của cái nắp chum đã trở thành liều thuốc ẹ. Mẹ cảm thấy như được tự do.” Bỗng nhiên mẹ đặt ngón trỏ lên môi rồi suỵt nhẹ như thể sợ ai nghe thấy. “Đây là lần đầu tiên mẹ kể chuyện này ra đấy!” Nét tinh nghịch và nụ cười bí ẩn thoáng hiện trên khuôn mặt mẹ. “Khi nào không thích nấu nướng thì con nên thử ném một cái đĩa. Dù có nghĩ, Ôi sao mà tiếc thế, con sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Nhưng vì chưa có gia đình nên dù sao con cũng chẳng cảm thấy như thế đâu.”
Mẹ cô chỉ ngồi thở dài. “Dù sao mẹ cũng rất mừng khi các con đều đã trưởng thành. Cho dù đã bận rộn tới mức không có thời gian để sửa lại cái khăn đội đầu nhưng khi nhìn cảnh các con ngồi quây quần bên bàn ăn uống say sưa, đũa bát va cả vào nhau trong khi ăn, mẹ cảm thấy không cần bất cứ thứ gì trên thế gian này nữa. Tất cả các con đều rất dễ nuôi. Các con ăn rất ngon lành dù mẹ chỉ nấu một nồi canh đạm bạc chỉ bí ngô với đậu, còn nếu lâu lâu mẹ hấp cá một lần thì mặt mũi đứa nào đứa nấy trông tươi tắn hẳn lên… Các con đều ăn rất khỏe nên giai đoạn các con đang phát triển nhiều khi mẹ thấy rất lo. Nếu có luộc một nồi khoai tây to để các con ăn tạm sau khi tan trường thì chắc chắn lúc mẹ về đã thấy cái nồi hết veo. Quả thật, có những thời gian gạo trong vại hôm trước hôm sau đã vơi đi trông thấy, thậm chí còn có khi vại gạo hết sạch. Khi mẹ vào trong kho lấy gạo để nấu cơm tối, cái ống bơ đong gạo chạm xuống tận đáy vại, trời ơi, lúc đó lòng mẹ chùng xuống, mẹ nghĩ không biết phải lấy gì cho các con ăn vào sáng mai đây. Thế nên trong những ngày đó chuyện mẹ thích hay không thích làm bếp chẳng còn quan trọng gì nữa. Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con. Giờ có lẽ các con thậm chí không thể hình dung được điều đó, nhưng vào thời điểm ấy chúng ta thực sự luôn lo sợ hết lương thực. Nhà ai cũng thế cả. Việc quan trọng nhất lúc ấy là ăn để tồn tại.” Mẹ mỉm cười nói với cô rằng đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời mẹ.
Cơn đau đầu đã lấy đi nụ cười trên khuôn mặt mẹ. Nó giống như con chuột đồng với những cái răng sắc nhọn không ngừng đục khoét và âm thầm gặm nhấm tinh thần của mẹ.
Người mà cô đến gặp để nhờ in tờ rơi mặc bộ quần áo vải bông đã cũ. Chỉ thoáng nhìn ông thôi người ta cũng có thể nhận ra bộ quần áo đó được may hết sức cẩn thận. Dù biết ông luôn mặc đồ vải bông đã cũ, mọi người vẫn luôn thấy ông thật cuốn hút. Nghe cô kể về tình hình của mẹ xong, ông bảo sẽ thiết kế tờ rơi dựa trên bản nháp của cô rồi in thật nhanh tại cửa hàng in của người quen. Do không có bức ảnh mới chụp nào của mẹ nên anh chị em cô đành phải dùng tấm ảnh gia đình chụp hồi mừng thọ bố, tấm ảnh mà cậu em trai của cô đã đưa lên mạng. Ông nhìn gương mặt mẹ cô trong bức ảnh rồi nói rằng mẹ cô trông rất đẹp.
Bất ngờ trước câu nói của ông, cô cũng khen bộ quần áo của ông thật đẹp.
Ông mỉm cười với câu nói của cô. “Mẹ tôi may bộ này cho tôi đấy.”
“Chẳng phải bà đã mất rồi sao?”
“Mẹ tôi may nó lúc sinh thời.”
Ông kể rằng vì bệnh dị ứng nên từ khi còn nhỏ tới giờ ông chẳng thể mặc gì khác ngoài vải bông. Nếu những loại vải khác chạm vào da, toàn thân ông sẽ mẩn ngứa và phát ban. Thế nên xưa nay ông chỉ mặc quần áo vải bông mà mẹ ông may cho. Trong ký ức của ông, người mẹ lúc nào cũng khâu vá bởi vì mọi thứ đồ của ông đều do bà may lấy, từ cái áo lót cho đến đôi tất chân.
Ông nói sau khi mẹ ông qua đời, ông mở tủ quần áo ra xem, trong đó chất đầy những bộ quần áo vải bông mà ông có thể mặc đến tận cuối đời. Bộ quần áo ông đang mặc đây là một trong số đó. Dung mạo của mẹ ông như thế nào nhỉ? Trong lòng cô cảm thấy xót xa khi nghe ông kể chuyện. Trước sự hồi tưởng về người mẹ kính yêu của ông, cô hỏi, “Ông có nghĩ rằng mẹ ông hạnh phúc không?”
“Mẹ tôi không giống với phụ nữ ngày nay.” Lời nói của ông rất lịch sự nhưng vẻ mặt ông nói lên rằng cô đã xúc phạm mẹ ông.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui