Hãy Chăm Sóc Mẹ


Có lẽ cô đã trở thành vị khách từ rất lâu trước đó, khi cô lên thành phố. Sau khi cô thoát ly, mẹ chẳng bao giờ cáu gắt cô nữa. Trước đây, chỉ cần cô làm gì hơi sai trái là mẹ đã quát ầm lên. Hồi còn nhỏ, mẹ luôn gọi cô là “Con, con gái.” Mẹ hay nói câu ấy mỗi khi phân biệt cô với các anh em trai, nhưng mẹ cũng gọi cô là “Con, con gái” khi mẹ nhắc nhở cô giữ ý tứ trong sinh hoạt, chưa hài lòng với cách cô ăn hoa quả, đi đứng, ăn mặc, nói năng. Cũng có những lúc mẹ nhìn cô đầy vẻ âu lo. Mẹ nhìn cô với vẻ mặt ngại ngần khi muốn nhờ cô căng các góc chăn ga để hồ cho phẳng, hay khi nhờ cô cho củi vào lò để chuẩn bị nấu cơm.
Vào một ngày mùa đông lạnh giá, khi đang ngồi bên giếng lột da con cá đuối để nấu cúng tổ tiên, mẹ buông dao mà nói, “Con phải chịu khó học hành mới có thể bước vào một thế giới tốt hơn”. Lúc đó cô có thực sự hiểu được những lời dặn dò của mẹ không? Hình như cô chỉ thường gọi “Omma” những lúc mẹ mắng cô. Tiếng gọi “Omma” ấy không chỉ gợi cảm giác thân thương mà còn ẩn chứa trong đó lời cầu xin, Mẹ hãy quan tâm chăm sóc con, xin đừng trách mắng và cốc đầu con, hãy ở bên con cho dù con đúng hay sai. Cô không bỏ cách gọi mẹ là Omma thay vì Omoni. Ngay bây giờ khi mẹ đang bị lạc cũng thế. Cô luôn tâm niệm rằng mỗi khi gọi mẹ là Omma, mẹ sẽ luôn được khỏe mạnh. Mẹ sẽ bình an vô sự, sẽ không có bất cứ điều gì xảy ra với mẹ. Cuộc sống ở trên thành phố đầy áp lực, mỗi khi tuyệt vọng người đầu tiên cô nghĩ đến là mẹ.
Mùa thu năm ngoái, cô về nhà mà không báo trước. Chuyện đó hoàn toàn không phải do cô muốn mẹ đỡ vất vả hơn vì mỗi lần cô về nhà mẹ đều tất bật luôn tay. Sáng hôm đó cô đáp máy bay đến thành phố P. Thành phố P rất xa nhà bố mẹ. Cô dậy sớm, gội đầu và ra sân bay để kịp chuyến bay sáng mà vẫn không nghĩ mình sẽ đi thăm mẹ ở thị trấn J. Đường từ thành phố P đến thị trấn J xa và bất tiện hơn đi từ Seoul. Chuyến đi này không nằm trong dự định của cô.
Khi cô về đến nhà, cổng đang mở, cửa nhà cũng mở. Vì trưa hôm sau cô có hẹn ăn trưa với bạn trai nên tối hôm đó cô phải đi tàu lên Seoul. Dù sinh ra ở nơi này, sao giờ đây cô thấy ngôi làng bỗng trở nên xa lạ quá. Thứ duy nhất còn lại từ thời cô còn bé là ba cây tầm ma bên cạnh bờ mương. Ba cây tầm ma giờ đã lớn. Cô đi dọc theo bờ mương dưới tán những cây tầm ma để về nhà chứ không đi theo đường lớn. Nếu đi theo lối này cô sẽ nhìn thấy cổng sau ngôi nhà thơ ấu của mình. Ngày xưa, ngay ngoài cổng sau nhà cô có một cái giếng làng. Trước khi bước vào cổng, cô dừng lại đúng chỗ cái giếng ngày nào. Cô còn nhớ do các nhà trong làng đều làm hệ thống nước riêng nên cái giếng tự nhiên bị lấp đi. Cô giậm giậm chân trên nền bê tông rắn chắc nơi giếng nước dồi dào từng ở đó. Trong lòng cô ngập tràn thương nhớ. Cái giếng sẽ ra sao trong bóng tối dưới con đường này, cái giếng từng cung cấp nước ọi người trong con ngõ nhỏ và đến tận giờ vẫn còn kêu róc rách? Cô không ở đó khi cái giếng bị lấp. Một lần cô về thăm nhà, cái giếng đã biến mất, thay vào đó là một con đường bê tông chạy ngang qua. Có lẽ do cô không tận mắt chứng kiến cái giếng bị lấp nên cô vẫn mãi nghĩ rằng nó vẫn ở đó, róc rách chảy dưới con đường bê tông.
Cô đứng phía trên cái giếng một lúc rồi bước vào trong cổng cất tiếng gọi, Omma! Nhưng không có tiếng trả lời. Ánh nắng mùa thu ngập tràn trên mảnh sân nhìn ra hướng Tây. Cô bước vào trong nhà tìm khắp phòng khách, phòng ngủ nhưng không thấy mẹ đâu. Đồ đạc trong nhà lộn xộn. Chai nước mở nắp để trên bàn ăn, chiếc cốc nằm chỏng chơ trong chậu rửa bát. Cái giỏ đựng giẻ lau úp sấp trên tấm chiếu trải sàn phòng khách, chiếc áo sơ mi dài tay đã dơ vứt bừa trên ghế như thể bố vừa cởi ra liền. Ánh nắng buổi chiều muộn vẫn lan tỏa trong không trung. Mẹ ơi! Dù biết không có ai ở nhà nhưng cô vẫn gọi thêm lần nữa. Mẹ ơi! Cô chạy ra cửa trước, ngó sang mảnh sân bên hiên thì thấy mẹ đang nằm trên cái phản gỗ trong gian nhà kho để cửa mở. Mẹ đang nằm im. Mẹ ơi!, cô gọi, nhưng vẫn không có câu trả lời. Cô xỏ giày rồi bước ra kho. Từ trong kho cô cũng có thể nhìn ra ngoài sân. Trước đây, mẹ cô hay ủ mạch nha trong gian nhà kho này. Cái kho rất hữu dụng, đặc biệt từ khi bố mẹ mở rộng nó ra đến tận khu bên cạnh.
Mẹ đóng những cái giá treo lên tường và chất đồ đạc cũ không sử dụng nữa lên đó, phía dưới là những lọ thủy tinh đựng dưa muối. Chính mẹ đã chuyển cái phản vào đây. Sau khi ngôi nhà cũ đổ nát và ngôi nhà mới theo kiến trúc phương Tây được xây lên, mẹ thường ngồi trên tấm phản này để làm những công việc bếp núc mà mẹ thấy khó làm trong gian bếp hiện đại ở nhà trên. Mẹ giã ớt đỏ thật nhuyễn trong cối để đem muối kim chi, tách quả đậu lấy hạt rồi xát vỏ hạt, làm tương ớt, muối kim chi cải bắp, hoặc sấy khô bánh đậu nành.
Chuồng nuôi chó bên cạnh nhà kho trống không. Đoạn dây xích nằm chỏng chơ trên mặt đất. Lúc đó cô mới nhận ra rằng khi bước vào nhà cô không nghe thấy tiếng chó sủa. Vừa đảo mắt tìm con chó, cô vừa tiến lại gần chỗ mẹ nằm nhưng không thấy mẹ động đậy. Chắc mẹ vừa thái bí ngô để phơi khô. Cái thớt, con dao và đống bí ngô xanh đã đẩy sang bên, những lát bí ngô xanh thái mỏng được bỏ vào trong cái rổ tre cũ nát. Thoạt đầu cô băn khoăn có phải mẹ đang ngủ không? Nhưng mẹ đâu phải là người hay ngủ trưa, cô nghĩ và ghé sát vào mặt mẹ. Mẹ đang đặt một tay lên trán, dường như đang cố hết sức để chống chọi với cơn đau. Đôi môi của mẹ hé mở, các nếp nhăn giữa cặp lông mày cau lại trông như những sợi dây thép.
“Mẹ ơi!”
Mặc cho cô gọi, mẹ cô vẫn không mở mắt.
“Mẹ ơi! Mẹ ơi!”
Cô quỳ gối trước mẹ, lay mãi mẹ cô mới từ từ mở mắt. Hai mắt mẹ đỏ ngầu, vầng trán ướt đẫm mồ hôi. Hình như mẹ không nhận ra cô. Vì quá đau, khuôn mặt mẹ nhăn nhó khổ sở. Phải là một cái gì đó vô hình hết sức tồi tệ mới có thể gây ra bộ dạng kinh khủng đến vậy. Mẹ cô nhắm mắt lại.

“Mẹ ơi!”
Cô trườn hẳn lên phản từ lúc nào không hay, nâng khuôn mặt méo xệch của mẹ lên đặt vào đầu gối mình. Cô đỡ một tay dưới nách mẹ để đầu mẹ không trượt khỏi đầu gối và cứ giữ mẹ ở tư thế như vậy. Sao mẹ lại bị bỏ mặc trong tình trạng này? Ý nghĩ oán giận chợt lóe lên trong đầu cô, cứ như thể có ai đó đã quẳng mẹ cô vào nhà kho trong nông nỗi này. Mặc dù cô mới chính là người rời xa mẹ. Khi vô cùng hoảng hốt thì người ta chẳng thể nghĩ ra phải làm gì. Mình có nên gọi xe cứu thương? Mình có nên đưa mẹ vào nhà? Bố đâu rồi? Những ý nghĩ ấy ào ạt qua đầu cô nhưng cô chẳng làm được gì hơn là nhìn xuống gương mặt mẹ. Cô chưa bao giờ thấy mặt mẹ vẹo vọ đi như thế, vô cùng khổ sở trong cơn đau dữ dội. Bàn tay vừa nãy mẹ đặt trên trán giờ đã bơ phờ rũ xuống sàn nhà. Mạch đập yếu ớt, hơi thở khó nhọc. Mẹ không còn gồng mình cố chống chọi cơn đau nữa, chân tay xoãi ra, mềm nhũn bất động. “Mẹ ơi!” cô gọi to và ôm chặt lấy cơ thể mẹ, tim cô đập thình thịch. Thốt nhiên cô nghĩ e rằng mẹ sẽ chết mất. Một lúc sau mẹ cô từ từ mở mắt ra, hướng ánh mắt về phía cô. Lẽ ra mẹ phải ngạc nhiên khi thấy cô, nhưng đôi mắt mẹ trống không. Mẹ quá yếu nên phản ứng vô cùng chậm chạp. Một lúc lâu sau mẹ gọi tên cô nhưng khuôn mặt vẫn hoàn toàn vô cảm. Mẹ cứ lẩm nhẩm điều gì đó một cách mơ hồ. Cô phải ghé sát tai vào để nghe.
“Khi bác con mất, mẹ thậm chí đã không khóc được.” Nhìn khuôn mặt trắng bệch kinh hoàng của mẹ, cô không thể nói được dù chỉ một lời an ủi.
Đám tang của bác gái cô là vào mùa xuân. Cô đã không đến dự đám tang, thậm chí trong suốt một năm bác ốm đau cô cũng không đến thăm lấy một lần. Cô đã làm gì trong khoảng thời gian đó nhỉ? Hồi cô còn bé, bác như người mẹ thứ hai của cô. Cứ tới kỳ nghỉ hè cô lại đến ở nhà bác, chỉ cách nhà cô một quả núi. Trong mấy anh em cô, bác quý cô nhất, có lẽ là do cô giống mẹ. Bác thường nói rằng cô và mẹ cô giống nhau như đúc. Cứ như thể đang dựng lại không gian tuổi thơ giữa hai chị em, bác cùng cô cho thỏ ăn, bác tết tóc cho cô thành ba bím. Bác thường độn một muỗng gạo trên nồi mì và để dành riêng phần cơm trắng cho cô. Buổi tối, bác cho cô nằm vào lòng và kể chuyện cổ tích cho cô nghe. Cô vẫn nhớ khi mình gối đầu lên tay bác ngủ ngon lành. Dù bác không còn nữa nhưng cô vẫn nhớ mùi hương của bác từ thuở ấy. Khi về già bác trông nom mấy đứa cháu, bố mẹ nó bận mở lò bánh mì. Bác ngã cầu thang khi đang cõng cháu nên phải vào bệnh viện, đến lúc ấy bác mới biết bệnh ung thư đã di căn khắp cơ thể bác, không làm gì được nữa. Khi báo cho cô tin này, mẹ cô đã nói, “Tội nghiệp bác con quá!”
“Tại sao đến tận bây giờ họ mới phát hiện ra căn bệnh chứ?”
“Vì bác con chưa một lần được kiểm tra sức khỏe.”
Mẹ cô thường nấu cháo đặc mang đến bón cho bác ăn. Cô im lặng lắng nghe mỗi khi mẹ gọi điện bảo, “Hôm qua mẹ sang thăm bác, mẹ nấu cháo mè mang đến, bác ăn ngon miệng lắm.” Cô là người đầu tiên mẹ gọi điện báo tin bác mất.
“Bác con mất rồi.”
Cô không nói gì.
“Con bận thế nên không cần đến đám tang đâu.”
Dù mẹ không nói vậy thì cô cũng không thể đến dự đám tang của bác vì đã đến hạn chót phải nộp bản thảo. Sau khi đi dự đám tang của bác về, anh Hyong-chol nói với cô anh đã lo là mẹ sẽ đau khổ tuyệt vọng, nhưng mẹ không hề khóc và cũng không muốn đưa bác ra nghĩa trang. “Thật vậy sao?” cô hỏi lại. Anh cả nói rằng anh cũng thấy đây là chuyện lạ tuy nhiên anh tôn trọng ý muốn của mẹ.

Nhưng ở trong nhà kho ngày hôm ấy, với khuôn mặt xác xơ đau đớn, mẹ đã nói với cô rằng mẹ thậm chí không thể khóc khi bác mất.
“Sao lại phải thế? Nếu mẹ muốn thì mẹ cứ khóc.” Mặc dù không biểu lộ ra nhưng cô thấy trong lòng đã nhẹ đi đôi chút khi mẹ đang trở lại là người mẹ xưa nay của cô.
Mẹ cô khẽ chớp chớp mắt. “Mẹ không thể khóc thêm được nữa.”
Cô không nói gì.
“Đầu mẹ đau như muốn nổ tung.”
Ánh nắng cuối ngày sưởi ấm không gian, cô nhìn chằm chằm vào khuôn mặt mẹ trong lòng mình cứ như lần đầu tiên được nhìn thấy nó. Mẹ bị đau đầu? Nhức nhối đến mức mẹ thậm chí không thể khóc được? Đôi mắt đen tròn sáng rực của mẹ như mắt con bò mẹ lúc chuẩn bị sinh ẩn dưới những nếp nhăn sâu hoắm. Cặp môi vêu vao, tái nhợt của mẹ khô khốc và nứt nẻ. Cô đã không biết rằng mẹ phải chịu những cơn đau đầu dữ dội đến mức không thể khóc được trong đám tang bác. Cô nâng cánh tay xoãi xuống phản của mẹ đặt lên bụng mẹ. Cô nhìn sâu vào những đốm đen trên mu bàn tay tảo tần cả đời lam lũ của mẹ. Cô không thể nói là mình hiểu rõ mẹ được nữa.
Thời bác trai cô còn sống, cứ thứ Tư hằng tuần bác lại đến thăm mẹ cô. Hồi đó bác mới trở về thị trấn J sau nhiều năm lang thang nay đây mai đó khắp đất nước. Bác đến chẳng phải có việc gì đặc biệt, chỉ là đạp xe tới xem mẹ cô ra sao rồi lại quay về. Có khi bác đến mà không vào trong nhà, chỉ đứng ngoài cổng gọi to, “Em vẫn khỏe chứ?” Rồi mẹ cô chưa kịp ra ngoài sân, bác đã nói, “Anh phải đi đây!” và quay xe đi mất. Trước đây cô cứ nghĩ quan hệ giữa mẹ và bác không gần gũi đến thế. Một lúc nào đó trước khi cô sinh, bác đã vay bố cô một khoản tiền lớn mà không trả. Thi thoảng mẹ cô vẫn lại nhắc lại chuyện ấy và tỏ ra rất giận bác. Mẹ nói với cô rằng vì bác mà mẹ luôn cảm thấy mắc nợ với bố cô và bà chị chồng. Mặc dù món nợ là của bác nhưng dường như chuyện bác không trả nợ đã khiến mẹ cô rất khó xử. Trong khoảng bốn năm năm không có tin gì của bác, mẹ cô rất sốt ruột và luôn nhắc nhở, “Không biết giờ bác con ra sao rồi.” Cô không chắc mẹ đang lo cho bác hay đang giận bác.
Một hôm - chuyện này xảy ra trước khi bố mẹ xây ngôi nhà hiện nay - mẹ nghe thấy ai đó đẩy cổng bước vào rồi cất tiếng gọi, “Em ơi, có ở nhà không?” Mẹ cô lúc đó đang ngồi trong nhà ăn quýt với cô, vội vàng đẩy cửa chạy ào ra. Mọi việc diễn ra quá nhanh. Ai mà khiến mẹ cô quýnh quáng lên thế nhỉ? Tò mò muốn biết sự tình nên cô cũng chạy theo ra ngoài. Mẹ cô dừng lại trên thềm, nhìn ra cổng và reo lên, “Anh trai!” rồi cứ để cả chân trần chạy ào ra phía người đang đứng bên cổng. Người đó là bác trai cô. Mẹ cô chạy nhanh như gió đến bên bác, đấm thùm thụp vào ngực bác rồi nức nở, “Anh ơi! Anh ơi!” Đứng trong hiên nhà, cô đã được tận mắt chứng kiến bộ dạng của mẹ lúc ấy. Đó là lần đầu tiên cô nghe thấy mẹ gọi ai đó là “anh trai”. Mỗi khi nhắc đến bác trai cô, mẹ cô thường nói là “bác con”. Chẳng hiểu sao cô lại cảm thấy bất ngờ khi nhìn thấy mẹ chạy về phía bác và gọi “anh ơi” trong nỗi vui mừng khôn xiết, trong khi lúc nào cô cũng nghĩ đó là bác trai của mình. Cô nhận ra rằng, Ồ! Mẹ cũng có anh trai. Đôi lúc cô bật cười với chính mình khi nhớ lại bộ dạng của mẹ hôm đó, người mẹ già của cô nhảy phóc xuống thềm chạy băng qua sân đến chỗ bác cô và hét lên, “Anh ơi!” như một đứa trẻ. Hôm ấy mẹ hành động giống như mẹ là một cô bé con thậm chí còn nhỏ hơn cô. Hình ảnh đó của mẹ đã khắc sâu trong tâm trí cô. Điều ấy khiến cô nghĩ, kể cả mẹ cũng đã từng... Cô chẳng hiểu tại sao phải lâu đến vậy cô mới nhận ra một điều hiển nhiên đến vậy. Với cô, mẹ lúc nào cũng là mẹ. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ cũng từng chập chững bước đầu tiên, mẹ cũng lên ba, rồi mười hai rồi hai mươi tuổi. Cô luôn cho rằng mẹ là mẹ. Mẹ sinh ra đã là mẹ. Cho đến tận khi cô chứng kiến cảnh mẹ vừa gọi “Anh ơi!” vừa chạy ào lại chỗ bác trai như thế. Cô cũng dần dần nhận thức được rằng trong sâu thẳm trái tim mẹ vẫn ấp ủ tình cảm y hệt như tình cảm cô dành cho các anh em trai mình và rằng mẹ cũng có một thời thơ ấu. Từ đấy trở đi, thỉnh thoảng cô lại nghĩ về mẹ như một em bé, một cô gái, một thiếu nữ, một tân nương, một người mẹ trẻ vừa sinh ra cô.
Cô không thể bỏ mặc mẹ để trở về thành phố sau khi thấy mẹ nằm trong nhà kho như thế. Bố cô đã đến Sokcho cùng với một số người ở Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Truyền thống Hàn Quốc, chắc phải hai ngày nữa mới về. Dù không còn đau đớn tột độ, mẹ vẫn không thể thoát được cơn đau đầu và thậm chí không thể mỉm cười. Không chỉ không thể mỉm cười mà mẹ còn không thể khóc. Mẹ thậm chí chẳng hiểu gì khi cô bảo muốn đưa mẹ đi bệnh viện. Lúc cô dìu mẹ lên nhà trên, mẹ bước rón rén, cố kìm giữ cơn đau. Phải một lúc lâu sau mẹ mới nói được. Mẹ nói mẹ đau đầu mãn tính nhưng những cơn đau dữ dội chỉ “lâu lâu mới xảy ra một lần.” Mẹ có thể đối phó được khi những khoảnh khắc ấy qua đi. Liệu các anh em cô có biết chứng đau đầu của mẹ không? Cả bố nữa?
Cô muốn nói với các anh em trai về chứng đau đầu của mẹ và đưa mẹ lên một bệnh viện lớn trên thành phố ngay khi cô trở lại thành phố. Vừa tự mình túc tắc đi lại được, mẹ liền hỏi cô, “Con không phải về à?” Dạo đó những lần về thăm nhà của cô thường ngắn ngủi hơn, cô chỉ ở lại mấy tiếng đồng hồ rồi lên thành phố. Cô nghĩ đến cuộc hẹn với bạn trai vào ngày mai nhưng cô nói với mẹ là cô sẽ ngủ lại đêm nay. Khi nghe vậy, một nụ cười tươi nở trên môi mẹ.
Cô để con bạch tuộc còn sống mua ngoài chợ hải sản ở thành phố P lại trong bếp vì cả hai mẹ con chẳng biết cách làm nó, rồi ra ngồi đối diện với mẹ qua bàn ăn giống như ngày xưa, bữa cơm chẳng có gì ngoài mấy món đạm bạc. Hai mẹ con lặng lẽ ăn cơm với kim chi trắng, đậu hầm, cá đối chiên và rong biển. Thỉnh thoảng mẹ cô lấy rong biển cuốn cơm rồi đưa cho cô như hồi cô còn nhỏ, cô đón lấy và nhai chậm rãi. Sau bữa ăn, hai mẹ con cô đi quanh nhà cho nhẹ bụng. Tuy không còn là ngôi nhà cũ, nhưng cả sân trước, sân bên cạnh và sân sau vẫn thông với nhau như ngày xưa. Vẫn có rất nhiều chum sành xếp hàng ở gò sân sau như thế. Ngày xưa những chiếc chum chứa đầy xì dầu, tương ớt, muối và tương đậu, nhưng giờ đây chúng chỉ còn là những chiếc chum không. Khi hai mẹ con đi vòng quanh ngôi nhà, có lúc mẹ dẫn trước cũng có lúc mẹ tụt lại sau, mẹ bỗng hỏi cô vì sao về nhà đột ngột vậy.

“Con đi thành phố P...”
“Thành phố P cách đây xa lắm.”
“Vâng.”
“Đến đó còn xa hơn đến Seoul đấy.”
“Vâng, đúng vậy.”
“Cái gì đã khiến con đi từ thành phố P về đây trong khi con hầu như chẳng khi nào có thời gian rảnh rỗi về thăm nhà?”
Thay vì trả lời thẳng câu hỏi, cô tha thiết nắm lấy bàn tay thô kệch của mẹ như đang cố túm vào sợi dây cứu sinh trong đêm tối. Cô không biết phải giải thích ra sao cảm xúc của chính mình. Cô kể với mẹ rằng sáng hôm ấy cô có giờ giảng tại Thư viện chữ nổi ở thành phố P.
“Thư viện chữ nổi nghĩa là gì?” mẹ cô hỏi.
“Chữ nổi là kiểu chữ để người khiếm thị đọc bằng tay ấy mẹ.”
Mẹ gật gật đầu khi nghe cô giải thích. Vừa đi quanh nhà, cô vừa kể ẹ nghe về chuyến đi đến thành phố P của cô. Mấy năm lại đây, người thủ thư Thư viện chữ nổi đó thường mời cô đến giảng bài nhưng chẳng hiểu sao lần nào cô cũng vướng lịch nên không thể nhận lời. Đầu xuân năm nay, ông ấy lại gọi điện cho cô. Khi đó cô vừa xuất bản tác phẩm mới nhất của mình. Ông ấy nói họ muốn xuất bản cuốn sách mới của cô bằng chữ nổi. Chữ nổi ư? Cô không biết nhiều lắm về chữ nổi. Cô chỉ biết chữ nổi là ngôn ngữ dành cho người khiếm thị, đúng như những gì cô nói với mẹ. Cô cảm thấy hết sức ấn tượng khi nghe người thủ thư nói, cứ như thể cô đang nghe về một cuốn sách cô chưa từng đọc vậy. Ông ấy nói rằng họ cần sự cho phép của cô. Nếu ông ấy không dùng từ “cho phép”, chưa biết chừng lần này cô đã không đến đó giảng bài. Từ “cho phép” ấy khiến cô mủi lòng. Những người khiếm thị muốn đọc sách của cô, họ xin cô cho phép làm lại cuốn sách của cô bằng một thứ ngôn ngữ chỉ họ mới hiểu được... Nghĩ đến đây cô thấy lòng lặng đi, liền đáp vội, “Được chứ.” Người thủ thư nói cuốn sách sẽ được hoàn thành vào tháng Mười một vì tháng này có “Ngày Chữ nổi”. Ông nói họ sẽ rất cảm kích nếu hôm đó cô có thể tới tham dự buổi lễ ký tặng sách. Cô tự hỏi sao mọi chuyện lại diễn ra như thế nhỉ, nhưng cô chẳng nói được gì hơn ngoài câu “Được chứ.” Cũng may bấy giờ mới đầu xuân nên cảm giác như tháng Mười một còn xa lơ xa lắc. Nhưng thời gian trôi đi, xuân qua, hạ tới, thu về, chẳng mấy chốc đã sang tháng Mười một. Và rồi ngày đó cũng đến.
Mọi việc trên thế gian đều có thể dự đoán được nếu ta suy nghĩ thật sâu sắc về chúng. Ngay cả những việc ta gọi là khác thường, nếu suy nghĩ thấu đáo thì chúng cũng chỉ là những việc đương nhiên xảy ra. Thường thường do ta không suy nghĩ kỹ nên mới gặp những chuyện ngoài ý muốn. Chuyến đi tới Thư viện chữ nổi và những sự kiện xảy ra ở đó đều là những việc có thể dự đoán được nếu cô bỏ thời gian quan tâm đến Thư viện chữ nổi ấy. Nhưng cô đã quá bận rộn suốt mùa xuân, mùa hạ, mùa thu. Ngay cả ngày tới Thư viện chữ nổi, cô cũng không nghĩ về những người mình sẽ gặp gỡ ở đó; cô chỉ lo trễ cuộc gặp lúc mười giờ. Cô bay chuyến tám giờ, đáp xuống sân bay thành phố P, vội vàng bắt taxi đến Thư viện chữ nổi rồi ngồi chờ trong phòng khách. Với sự giúp đỡ của một tình nguyện viên, ông giám đốc thư viện bước vào phòng khách và ngồi đối diện với cô. Ông giám đốc cảm ơn cô vì đã dành thời gian đến đây, ông tự giới thiệu và chìa tay ra. Cố che giấu sự căng thẳng, cô bắt tay ông giám đốc thư viện và vui vẻ cất tiếng chào ông. Bàn tay ông ấy thật mềm mại. Ông giám đốc thư viện trò chuyện về cuốn sách của cô cho tới tận khi diễn ra sự kiện. Cô mỉm cười gật đầu với người đàn ông khiếm thị đã đọc tác phẩm của cô, dù ông không thể nhìn thấy nụ cười và cái gật đầu của cô.
Hôm đó là Ngày Chữ nổi, ngày hội của họ. Khi cô bước vào trong hội trường, có khoảng 400 người đã ngồi ở đó, một số khác đang dò dẫm bước vào theo sự hướng dẫn của các tình nguyện viên. Có cả nam cả nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng không có trẻ em. Buổi lễ được bắt đầu, lần lượt một vài người trong ban tổ chức bước lên sân khấu tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và chuyển lời cảm ơn. Một số người được trao giấy chứng nhận. Khi sách của cô xuất bản bằng chữ nổi được giới thiệu, cô bước lên sân khấu để nhận một cuốn. Ông giám đốc thư viện trao quyển sách cho cô, nó dày gấp hai lần quyển sách bình thường nhưng rất nhẹ. Cô nghe thấy tiếng vỗ tay, sau đó cô cầm quyển sách trên tay đi xuống chỗ ngồi. Buổi lễ vẫn tiếp tục. Khi ban tổ chức đang trao giải thưởng cho những người đọc được nhiều sách chữ nổi, cô mở quyển sách ra xem. Bỗng nhiên cô cảm thấy choáng váng, có vô số dấu chấm nhảy múa trên trang giấy trắng. Cô có cảm giác như thể mình bị rơi vào hố đen, như thể bị lăn xuống cầu thang vì bước hụt do mải nghĩ mông lung trong khi bản thân luôn cho rằng mình đã quá quen thuộc với cái cầu thang đó. Chữ nổi dàn trải ra trên giấy trắng, mỗi chữ là một loạt cái lỗ khắc bằng kim, những con chữ cô hoàn toàn không giải mã nổi. Cô nói với mẹ rằng cô giở qua trang thứ nhất, trang thứ hai, trang thứ ba rồi gấp quyển sách lại. Thấy mẹ đang rất chăm chú lắng nghe câu chuyện của mình, cô kể tiếp. Cuối buổi lễ, cô bước lên sân khấu đứng trước mọi người để nói về tác phẩm của mình. Cô đặt quyển sách trên bục rồi nhìn xuống mọi người, lưng cô cứng đơ ra. Đứng trước hơn bốn trăm người khiếm thị, cô lúng túng không biết nhìn vào đâu.
“Vậy con đã làm thế nào?” mẹ cô hỏi.

Cô nói rằng với cô năm mươi phút đó tưởng chừng như dài vô tận. Cô thuộc típ người thích nhìn thẳng vào mắt người đối diện trong khi nói chuyện, tùy theo cảm xúc trong ánh mắt của đối phương, cô sẽ quyết định nói hết chuyện hay bỏ dở giữa chừng. Trước một vài ánh mắt nào đó, những câu chuyện cô chưa từng kể với ai lại bỗng tuôn trào. Cô băn khoăn liệu mẹ có biết tính cô như vậy. Trước bốn trăm người khiếm thị cô không biết nhìn vào mắt ai và bắt đầu câu chuyện như thế nào. Trong số họ, có những đôi mắt đã nhắm lại, có những đôi mắt nửa nhắm nửa mở, có những đôi mắt ẩn sau cặp kính râm, có đôi mắt lại trừng trừng như thể nhìn xuyên thấu cả con người lẫn sự căng thẳng của cô. Trước những đôi mắt đang hướng lên sân khấu nhưng không thể nhìn thấy gì, cô trở nên im lặng. Cô phân vân liệu có ý nghĩa gì không khi nói về cuốn sách của mình trước những đôi mắt khiếm khuyết ấy. Nhưng sẽ không ổn nếu cô nói chuyện gì đó khác, kiểu như những giai thoại về cuộc sống. Cô nghĩ rằng mình không nên kể giai thoại cho họ nghe, mà họ nên kể cho cô những câu chuyện cuộc đời họ mới phải. Cảm thấy bế tắc, cô cầm micro lên hỏi mọi người, “Tôi nên kể chuyện gì với các bạn bây giờ?” Cả hội trường cười ầm lên. Có phải họ bật cười bởi vì họ nghĩ ý cô là cô có thể kể bất cứ chuyện gì? Hay họ cười để giúp cô rũ bỏ căng thẳng?
“Không phải cô tới để nói về tác phẩm của mình sao?” một người đàn ông trạc bốn mươi đề nghị. Đôi mắt của ông ta nhắm tịt lại dù đang chiếu thẳng vào cô. Vừa nhìn vào đôi mắt nhắm tịt của ông ta, cô bắt đầu kể về tác phẩm được chuyển sang chữ nổi của mình. Cô kể về động lực thôi thúc cô viết cuốn sách đó, những cảm xúc cô trải qua trong suốt thời gian sáng tác và những hy vọng cô dành cho cuốn sách sau khi nó hoàn thành. Cô rất ngạc nhiên. Họ say sưa lắng nghe lời cô kể hơn bất cứ ai cô đã từng gặp. Điệu bộ của họ cho cô thấy họ chăm chú lắng nghe câu chuyện của cô từng li từng tí. Có người gật gật đầu, có người duỗi chân ra trước, có người vươn lên dựa mình vào người ngồi phía trước. Tuy cô không thể giải mã được lấy một chữ trong ngôn ngữ của họ, nhưng họ đã đọc cuốn sách do cô viết, đưa ra những câu hỏi và chia sẻ cảm tưởng của bản thân. Cô nói với mẹ rằng hình như chưa bao giờ cô gặp ai biểu lộ tình cảm tốt đẹp đối với cuốn sách của cô đến như vậy. Mẹ cô nãy giờ chỉ im lặng nghe cô kể chuyện, cuối cùng mẹ lên tiếng, “Dù sao họ đã đọc sách của con.” Cả hai mẹ con cùng im lặng. Một lúc sau mẹ bảo cô tiếp tục đi. Cô kể tiếp. Khi cô ngừng lời, một người trong số họ giơ tay lên nói muốn hỏi cô một điều. Cô bảo ông ấy cứ hỏi. Ông ấy nói rằng dù khiếm thị nhưng sở thích của ông ấy là đi du lịch. Cô rất choáng váng. Một người mù có thể đi du lịch ở đâu? Ông ấy nói rằng cách đây khá lâu ông đã đọc một tác phẩm do chính cô viết lấy bối cảnh là Peru. Nhân vật trong cuốn truyện đó đã đến một nơi gọi là Machu Picchu, ở đó anh ta được chứng kiến cảnh đoàn tàu hỏa đi giật lùi. Sau khi đọc câu chuyện đó, ông mơ ước được đến Peru một lần để đi con tàu kỳ lạ ấy. Ông ấy hỏi cô đã trực tiếp đi trên con tàu đó chưa. Đó là tác phẩm cô đã viết từ mười năm trước. Cô - vốn có trí nhớ tồi đến mức thường xuyên mở cửa tủ lạnh rồi quên khuấy mất mình cần lấy thứ gì, cứ đứng như thế cho luồng khí mát trong tủ lạnh phả lên người cho đến khi cô đành từ bỏ và đóng cửa tủ lại - lúc này lại bắt đầu hào hứng kể về Peru, nơi cô đã đến trước khi viết cuốn sách ấy. Lima thủ đô của Peru, Cusco thành phố nổi tiếng từng được xem là rốn của vũ trụ. Trong buổi sáng đầu tiên ở Peru, cô tới ga San Pedro để đón tàu đi Machu Picchu, nhưng chuyến tàu đó cứ tiến lên rồi lại lùi lại cả chục lần rồi mới khởi hành được. Cô nói với mẹ rằng những địa danh và tên các dãy núi cô đã quên từ lâu bỗng nhiên lại tuôn ra. Cảm nhận được tình bằng hữu từ những đôi mắt chưa bao giờ nhìn thấy đó, những đôi mắt trông như có thể hiểu và thông cảm được với mọi thiếu sót của cô, cô tâm sự một điều cô chưa bao giờ chia sẻ về cuốn sách đó.
“Đó là cái gì?” mẹ cô hỏi.
“Con nói nếu cho con viết lại tác phẩm đó, có lẽ con sẽ không viết như thế.”
“Nói ra điều đó quan trọng lắm sao con?” mẹ cô hỏi lại.
“Vâng, vì như thế là con đang phủ nhận những thứ hiện có, mẹ ạ!” Cảm thấy cô đơn, cô nắm lấy bàn tay mẹ.
Mẹ nhìn cô chằm chằm trong bóng tối và nói, “Sao con phải giấu giếm những lời ấy? Con phải sống cho thật thoải mái, nói ra bất cứ điều gì mình cảm nhận chứ.” Rồi mẹ rút tay khỏi tay cô và xoa xoa lưng cô. Khi cô còn bé mẹ thường rửa mặt cho cô y như thế, với đôi bàn tay thô kệch này.
Mẹ khen, “Câu chuyện của con rất hay.”
“Con ư?”
Mẹ gật đầu và xác nhận, “Phải, chuyện con kể thú vị lắm.”
“Mẹ nghĩ chuyện đó hay à mẹ?”
“Ừ, mẹ thích lắm.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui