A Sinh và Trần sư huynh lại chui xuống dưới bàn thờ, Trần Thọ cũng lấy một miếng bánh.
Nơi này không có nước, chỉ có thể nuốt bánh khô, anh ta đã bị đói cả ngày.
Mỗi ngày chỉ có một miếng bánh, bây giờ lại thêm A Sinh nữa nên càng được ăn ít hơn.
Cho nên Trần Thọ mới không dám dẫn hai người kia đến đây.
Cũng không biết bánh này đã được đặt ở đây bao lâu, cứng như đá vậy.
Trần Thọ cố gắng cắn một miếng, ngậm trong miệng.
Trần Thọ muốn ngậm bánh trong miệng cho mềm ra rồi mới nhai.
Nhưng miệng lưỡi anh ta đều khô khốc, ngay cả nước bọt cũng không còn, đành nhai khô thành bột và nuốt từ từ.
A Sinh thấy vậy, vội vã lấy bình nước trúc trên người ra.
“Đây, sư huynh uống đi.”
Trần Thọ nhìn thấy nước, trong miệng vô thức tiết chút nước bọt.
Anh ta không vội uống ngay mà hỏi: “Nước này lấy ở đâu?”
“Lấy trong ruột trúc, là nước sạch, không phải nước ao đâu.”
Còn chưa hỏi xong, Trần Thọ đã giơ bình nước lên uống hai ngụm.
Tuy vẫn chưa giải khát, nhưng anh ta vẫn đóng nắp bình và đứng dậy, nói: “Giữ lại.
Chúng ta để dành uống từ từ.”
“Sư huynh, những ngày qua anh sống bằng cách nào thế?”
A Sinh vừa hỏi xong thì bị Trần Thọ bịt miệng.
Anh ta lắc đầu với cậu trong bóng tối.
Tiếng bước chân càng lúc càng đến gần.
Lúc bọn họ chạy ra khỏi rạp hát, trên đường cũng không còn “người” nữa.
Nhà nhà đóng chặt cửa, nhường đường vắng lại cho quái vật bắt “gà” ăn.
Quái vật dựa theo mùi để tìm người.
Nó không ngừng lục soát trong trấn, nhìn ngó qua cửa sổ của từng nhà.
“Đói quá.
Đói quá.” Giọng nói vang vọng khắp thị trấn.
Nó ăn thịt người mặt xanh xong lại bắt được người mặt đỏ.
Nó nhai nhóp nhép giống như mút chân gà, ăn sạch hết thịt.
Vừa đi vừa phun ra quần áo và giày của người mặt đen.
Nó xâu nửa cơ thể mặt đỏ trên móng tay sắc nhọn, chậm rãi nhai nuốt và nhả xương xuống đất.
Nó du đãng qua từng căn nhà giống như đang chơi trốn tìm.
Nếu nó thắng, nó sẽ được ăn thêm một con gà, còn gánh hát Cát Khánh lại mất thêm một người.
Nó dừng chân trước nhà từ đường của khu nhà lớn, ghé lỗ mũi sát vào cửa sổ nhà từ đường và hít thật sâu, nước miếng dính trên cửa sổ bằng giấy.
A Sinh và Trần Thọ thu mình sít sao dưới gầm bàn thờ, tấm lụa đỏ phủ trên bàn che kín bọn họ.
Hai người co quắp, không dám thở mạnh.
“Ta ngửi thấy ngươi rồi.” Giọng của quái vật làm chấn động những bài vị được thờ cúng trong phòng.
Nó cười hì hì nói: “Ta ngửi thấy ngươi rồi.
Ngươi ở bên trong.
Ngươi mau đi ra.”
A Sinh cắn chạt răng, dựa sát vào Trần sư huynh.
Lòng bàn tay của hai người đều ướt đẫm mồ hôi, rất sợ con quái vật kia sẽ lật tung nóc nhà lên.
Nhưng mặc dù quái vật vẫn lảng vảng ở bên ngoài, nó vẫn không phá hỏng nhà từ đường.
Nó nhai nốt một nửa cơ thể còn lại của người mặt đỏ, nhìn nhà từ đường một lần nữa rồi đi khỏi.
Lưng của A Sinh ướt đẫm mồ hôi.
Trần Thọ cũng không khác gì.
Lúc này A Sinh mới hỏi: “Sư huynh, làm thế nào mà anh sống sót qua những ngày này?”
Trần Thọ khẽ rùng mình, trong nhà từ đường không có lửa, chỉ có một ngọn đèn dầu, nhưng nó vẫn soi rõ được nỗi sợ hãi trong đôi mắt của anh ta.
Trần Thọ chậm rãi nói: “Buổi tối hôm tôi đến đây là lần đầu tiên quái vật xuất hiện.” Người trong gánh hát quá mức nhiệt tình, nhưng không ai chịu nói ra môn chủ đang ở đâu.
Trần Thọ nảy sinh nghi ngờ.
Hí khúc đã sớm biểu diễn xong, tại sao họ còn ở lại trong trấn mà không trở về? Không những môn chủ biến mất, mà khi anh ta hỏi đến tung tích của những người khác, bọn họ cũng ậm à ậm ừ không chịu nói.
Có mấy người nói thịt dê trên thị trấn vô cùng ngon, bưng một bát canh thịt dê ra mời Trần Thọ uống.
Trần Thọ đang bưng bát chuẩn bị uống thì ngẩng đầu lên và bắt gặp ánh mắt của những người kia.
Quê anh ta từng xảy ra nạn đói, nên anh ta biết ánh mắt của những người đã từng ăn thịt người là như thế nào.
Ánh mắt của những sư huynh đệ này, giống hệt như cơn ác mộng thời thơ ấu của anh ta vậy.
Dường như những người này cảm thấy, chỉ cần cho anh ta ăn “thịt dê” là xong, nếu còn bị ăn thịt nữa cũng là đáng đời anh ta.
Ngay lúc bọn họ đang ép Trần Thọ ăn canh thịt thì quái vật xuất hiện.
Trần Thọ bị quái vật đuổi theo, anh ta vô cùng hoảng sợ, gặp đường nào là chạy vào đường ấy.
Cuối cùng, anh ta chạy đến từ đường.
Con quái vật kia đã trông thấy anh ta chạy vào trong, thế nhưng nó quay lưng bỏ đi.
Nó không muốn phá hỏng từ đường.
“Vì vậy chỉ cần trốn trong từ đường thì sẽ an toàn.” Trần Thọ cũng vì trốn trong từ đường nên mới ăn trộm bánh cúng.
Nghe xong lời kể của Trần sư huynh, A Sinh vô cùng sợ hãi.
Nếu lúc đó cậu ta xông bừa vào đây, thì e là bây giờ đã giống như sư tỷ bọn họ rồi.
Trần Thọ suy nghĩ một lúc, nói với A Sinh: “Môn chủ có lẽ vẫn chưa chết.”
Nghe vậy trên mặt A Sinh xuất hiện ý cười.
“Thật sao? Vậy môn chủ đang ở đâu?”
Trần Thọ lắc đầu: “Không biết.
Tôi… tôi đã từng đào ụ đất mà bọn họ chôn xương người lên.
Bên dưới không có đầu của môn chủ.”
Bọn họ giết người, chặt đầu mang đi chôn, xương cốt ăn còn sót lại thì chất thành đống.
Trước nấm mộ của đứa trẻ chết sớm nhất còn có một tấm bia bằng gỗ.
Có lẽ đó là chút nhân tính cuối cùng của bọn họ.
Trần Thọ không đào được thi thể của đứa trẻ nào nữa.
Anh ta suy đoán có lẽ môn chủ đã giấu những đứa trẻ kia đi, bởi con nít chính là đối tượng dễ bị giết nhất.
A Sinh biết môn chủ vẫn còn sống thì thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng cậu ta chợt nhớ đến điều gì đó, nhìn Trần Thọ và hỏi: “Sư huynh… sư huynh thích sư tỷ đúng không?”
Tất cả mọi người đều nói là Trần sư huynh thích Chử sư tỷ.
Nhưng cậu ta đã trông thấy Chử sư tỷ ăn “hoành thánh” rồi!
Ánh mắt của Trần Thọ trở nên ảm đạm, dựa vào tấm ván sau bàn thờ, nói: “Lẽ ra tôi nên đến sớm hơn.” Có lẽ nếu đến sớm hơn thì anh ta đã cứu được cô ấy rồi.
Nghĩ vậy, Trần Thọ lấy từ trong ngực ra một hộp phấn rồi mở nắp.
Chiếc gương nhỏ phản chiếu khuôn mặt gầy gò của anh ta.
Trần Thọ mua hộp phấn này từ rất lâu, là sản phẩm mới của công ty bách hóa.
Anh ta muốn đợi đến sinh nhật của cô ấy để tặng, cô ấy nhất định sẽ rất thích.
Nhưng bây giờ anh ta cũng không thể tặng nó nữa rồi.
A Sinh không biết phải an ủi Trần Thọ thế nào.
“Sư huynh, chờ trời sáng chúng ta cùng nhau đi tìm Bạch Thất gia nhé.”
Tần Thọ cất hộp phấn vào trong túi.
“A Sinh, không phải tôi không muốn, mà là đồ ăn còn rất ít.” Đồ cúng trên mâm bàn thờ đã vơi đi hai chiếc, nếu thêm hai người nữa thì chắc chắn sẽ không đủ ăn.
A Sinh chớp mắt bảo: “Bọn tôi có mang theo đồ ăn.
Hoắc sư huynh mang nhiều đồ ăn lắm đó.”
Đêm nay con quái vật không gặp may cho lắm.
Nó chỉ bắt được hai con “gà”.
Mắt thấy trời lại sắp sáng, nó tức giận gào thét làm chấn động cả tùng trúc ở trên núi.
Tiếng kêu của quái vật vang rất xa, vang đến cả miếu thổ địa.
Trong miếu thổ địa có một đống lửa.
Ánh lửa tăng thêm mấy phần ấm áp cho ngôi miếu đổ nát, gió đêm thổi vào cũng không cảm thấy lạnh.
Bạch Chuẩn đắp một tấm thảm lên chân, ngồi buồn ngủ mơ màng trước đống lửa.
Nghe tiếng quái vật gầm thét, cậu mở mắt ra như có điều suy nghĩ.
Hoắc Chấn Diệp thêm mấy cây củi vào đống lửa.
A Sinh đã bỏ chạy.
Lúc quay đầu hắn nhìn thấy A Sinh bị một người đàn ông kéo đi, hai người họ đã chạy trốn cùng nhau.
Điều đó nói rõ trong gánh hát vẫn còn người tỉnh táo, chứ không phải tất cả mọi người đều đã biến thành quỷ.
Ngày mai phải tìm được A Sinh và cùng nghĩ biện pháp rời khỏi đây.
Hoắc Chấn Diệp lấy một chiếc nồi nhỏ từ trong hành lý ra, bắc lên đun nước.
Hắn còn lấy ra một bó mì sợi, hỏi Bạch Chuẩn: “Ăn mì không?”
Bạch Chuẩn liếc nhìn chiếc rương đầy ắp của hắn.
Bên trong ngoài hai chiếc bánh mì Pháp và một túi gạo nhỏ còn một gói giăm bông, vài bó mì sợi, và quan trọng nhất là nửa rương đồ hộp.
“Tôi sợ cậu ăn ở ngoài không quen.” Hoắc Chấn Diệp vừa nói vừa nấu mì.
Hắn còn mở hai hộp thịt bò ra, đổ nước thịt vào trong nồi mì, đợi mì chín thì cho thịt bò vào ăn kèm.
Nồi mì nấu vừa mềm vừa nát, Bạch Chuẩn ăn một phần ba, Hoắc Chấn Diệp ăn hết phần còn dư lại.
Hắn còn cầm mấy hộp kẹo và hỏi cậu: “Cậu muốn ăn kẹo hồ đào hay kẹo củ sen?”
Ngôi miếu đổ nát của thị trấn ma, đã bị Hoắc Chấn Diệp làm thành một quán cơm nhỏ.
“Anh đang đi nghỉ mát đấy à?” Bạch Chuẩn cảm thấy mình quả thật đã đánh giá thấp tên công tử bột này.
Hắn đúng là có thể nghĩ ra cách để tiêu tiền hưởng thụ mọi lúc mọi nơi.
Hoắc Chấn Diệp cong khóe miệng.
“Đi ra ngoài cùng cậu, không phải đi nghỉ mát thì là gì?” Rồi tiếp tục lục lọi, mò thêm hộp đào ruột vàng.
“Cậu chọn một cái đi.”
Vốn dĩ Bạch Chuẩn còn muốn bảo hắn nghiêm túc hơn, vì họ còn chưa biết ra ngoài bằng cách nào.
Con quái vật kia là tà thần mà người bản địa thờ cúng, nên chắc chắn nó vẫn còn có chút khả năng khác.
Cậu có thể bản vệ bản thân mình, nhưng cậu không nắm chắc liệu mình có thể mang tất cả người còn sống ra ngoài hay không.
Thấy Hoắc Chấn Diệp cứ đủng đỉnh, nghe tiếng quái vật gào thét mà vẫn còn tâm trạng nấu mì ăn, Bạch Chuẩn cúi đầu, mím môi nói: “Tôi muốn siro đào.”
Chẳng bao lâu trời đã sáng.
Bạch Chuẩn ngủ một lát trên xe lăn.
Cậu ngủ không đủ giấc nên tính khí có chút nóng nảy.
A Sinh dẫn theo Trần Thọ chạy về miếu thổ địa.
Hoắc Chấn Diệp lấy bánh mì ra, mì sợi và đồ hộp là hắn chuẩn bị cho Bạch Chuẩn.
Một mình cậu ăn mì, ba người còn lại thì ăn bánh mì khô.
A Sinh vừa nhai bánh mì vừa nói cho Bạch Chuẩn và Hoắc Chấn Diệp biết, Bát môn chủ và mấy tiểu sư đệ vẫn chưa chết.
Có lẽ họ đã ẩn náu cùng nhau.
Bạch Chuẩn “ừ” một tiếng, sai A Sinh: “Đi chặt mấy cây trúc về đây.”
A Sinh lập tức đến bìa rừng chặt trúc, Trần Thọ cũng đi theo.
Hai người kéo về một bó trúc lớn.
“Để làm gì vậy?” Hoắc Chấn Diệp hỏi.
Hắn lấy dao chẻ từng cây trúc ra làm bốn mảnh để dự phòng.
“Làm ra thứ có thể đưa chúng ta ra khỏi đây.” Bạch Chuẩn không giải thích.
Cậu thả những mảnh trúc mà Hoắc Chấn Diệp vừa chẻ ra lên trên đống lửa, nướng từng cây thành những độ cong khác nhau.
A Sinh và Trần Thọ vừa chặt trúc vừa lấy nước.
Chẳng mấy chốc trong miếu thổ địa đã có vài ống trúc nước.
Khi đi ra đi vào, bọn họ đều có thể nhìn thấy chiếc quan tài được đặt trong ngôi miếu.
Nó được đặt trên hai chiếc ghế đẩu gỗ, không có tên tuổi cũng không có hương hỏa cung phụng.
A Sinh bèn đặt một chiếc bánh trước quan tài và cắm một nén nhang.
Vái hai lần và nói: “Chúng ta hãy chung sống hòa bình, không quấy rầy nhau.”
Bạch Chuẩn ngước mắt nhìn cậu ta, bảo rằng: “Đây là quan tài rỗng.” Nếu có người chết ở bên trong thì cậu đã thắp nhang từ lâu rồi.
Tuy đó chỉ là một chiếc quan tài trống, nhưng nó đã được nâng lên khỏi mặt đất, bên trên lại có những phù chú được viết bằng mực chu sa.
Tuy đã cũ và bị bong tróc, nhưng vẫn có thể thấy được chiếc quan tài này được chế tạo cho một hung thi.
“Hả?” A Sinh mất công dập đầu mấy cái, vội đứng dậy vỗ sạch bụi đất trên người, vẫn còn vui vẻ nói: “Làm tôi sợ hết hồn.
Thì ra là quan tài rỗng.”
Bạch Chuẩn dừng tay, bảo A Sinh đi đến bên bến sông.
“Đi cắt một ít lau sậy về đây.”
A Sinh nghe lời ra ngoài.
Trần Thọ theo sau cậu ta.
“A Sinh, cậu khẳng định Thất gia có thể mang chúng ta ra ngoài sao?”
“Đương nhiên rồi!” A Sinh liếc nhìn Trần Thọ, “Thất gia là Thất môn chủ mà.
Nếu anh ấy cũng không thể, thì…” Thì cũng chỉ còn nước chết ở nơi này.
Trần Thọ vỗ vai A Sinh, cười khẳng định: “Vậy thì tốt.
Vậy thì tôi cũng yên tâm rồi.”
Hai người đi ra mép nước cắt hai bó lau sậy thật dày rồi mang về.
Bận rộn cả ngày, trời cũng sắp tối.
Lúc này Bạch Chuẩn mới đứng dậy, nói: “Đi thôi, đi ra bến đò.”
A Sinh cảm thấy khó hiểu: “Đi ra bến đò làm gì? Chúng ta không thể ở trong miếu thổ địa này được sao?” Nghe nói tượng thần đã che chở cho bọn họ, A Sinh lập tức thắp mấy nén nhang, còn lau dọn bàn thờ thần vô cùng sạch sẽ.
“Đi xem xem có bao nhiêu người đã đến đây.” Bạch Chuẩn thong thả bước đi, Hoắc Chấn Diệp theo sau cậu.
Bốn người đi ra bến đò.
Trời vừa ập tối thì có một con thuyền lướt qua đám lau sậy tới đây.
Trên thuyền vô cùng nhộn nhịp, đám người đêm hôm qua còn muốn lấy mạng họ, lúc này đều đang tươi cười.
“Chử sư tỷ, lần này trở về Trần sư huynh cũng nên xin cưới sư tỷ rồi chứ?”
Tuy hai người đi theo hai sư phụ khác nhau, nhưng bên trên sư phụ còn có sư công.
Người trong môn kết thân, phải tổ chức cho thật náo nhiệt mới được!
Hiện tại Hoắc Chấn Diệp mới nhìn thấy khuôn mặt lúc chưa hóa trang của sư tỷ.
Mặt trắng má hồng, mỉm cười thật tươi, trên tay còn cầm một bó lau sậy vừa bẻ, dùng bông lau đánh khẽ vào người kia.
Chử sư tỷ nói: “Đừng nói linh tinh.”
Người đó cười: “Có phải là Trần sư huynh quá nhát gan?”
Chử sư tỷ đỏ bừng mặt, chớp mắt nói: “Còn không phải là nhát gan hay sao, không dám cầu hôn tôi, vậy thì tôi nói với anh ấy vậy!”
Nghe thấy câu này tất cả mọi người trên thuyền đều bật cười, còn A Sinh ở trên bờ lại cảm thấy vô cùng khó chịu.
Cậu ta muốn an ủi Trần Thọ, nhưng khi cậu ta quay đầu thì không thấy Trần Thọ đâu.
“Trần sư huynh đi đâu rồi?” A Sinh nhìn quanh nhưng không thấy người đâu.
Hoắc Chấn Diệp khoanh tay nhìn A Sinh, nói mập mờ: “Anh ta đi vào miếu rồi.”
Trên thuyền không có Bát môn chủ và những đứa trẻ chạy thoát.
Bóng người và bóng ma của người ăn thịt, người bị ăn thịt chồng điệp lên nhau.
Người khiêng rương, người vác cờ, tiếp tục biểu diễn màn hí khúc không hồi kết.
Ba người quay về miếu thổ địa, thấy mặt đất ngổn ngang.
Hoắc Chấn Diệp đi tới chỗ để vali: “Vali mất rồi.”
Mặt A Sinh tái mét.
Trong rương đựng khẩu phần lương thực mấy ngày của bọn họ, vậy mà Trần sư huynh lại ăn trộm hết.
Hoắc Chấn Diệp kéo chiếc giỏ trúc mà hắn giấu ở bên dưới bàn thờ thần ra.
Bên trong là các lon đồ hộp được xếp ngay ngắn, không thiếu mất món nào.
“Vậy trong rương chứa cái gì?”
“Đá.” Hoắc Chấn Diệp cười gian xảo.
Hắn đã bỏ đầy đá vào trong rương.
_______________
Lời tác giả:
Chương trước:
Bạch thất gia: Chạy trốn với vẻ mặt tỉnh bơ.
Bạch thất gia: Hưởng thụ với vẻ mặt tỉnh bơ.
Hoắc thất thiếu: Ai cũng đừng hòng động vào siro đào.HẾT CHƯƠNG THỨ BỐN MƯƠI CHÍN.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...