Gặp chính mình nơi miền đất tuyết

3. Mã Cát A Mễ
Tôi mang theo đầy bụng nghi ngờ đi vào Mã Cát A Mễ.
Mã Cát A Mễ là một quán rượu nhỏ kiểu Tạng, nằm ở góc Đông Nam phố Barkhor.
Chung quanh đều là những công trình kiến trúc kiểu Tạng màu trắng, chỉ có ngôi quán nhỏ hai tầng này là quét màu vàng, quán rượu ở tầng hai.
Tầng một chất đống những thứ tạp nham có vẻ bừa bộn, men theo thang gác chật hẹp, tôi leo lên tầng hai.
Đêm nay vừa khéo là đêm Giáng sinh, bầu không khí trong quán rượu khá là sôi động.
Nhóm khách du lịch Nhiêu Tuyết Mạn dẫn tổng cộng có bảy người, ngồi ở chiếc bàn dài gần cửa sổ.
Lúc chập tối nay họ mới tới Lhasa, nghe đâu đã có bốn thành viên trong đoàn mắc phản ứng cao nguyên.
Bàn gỗ cổ kính, trên bàn đặt hai ngọn đèn bơ [1], cũng bày đầy những món ăn Nê-pan, Ấn Độ, Tây Tạng.
Ngoài ra còn có trà bơ thơm nồng, cùng với rượu lúa mì Thanh Khoa [2] quán tự ủ, vị rượu ngọt lành êm dịu.
Trải qua lễ Giáng sinh ở Tây Tạng, đó thực sự là một chuyện chưa từng nghĩ tới.
Mừng Chúa Jesus ra đời ở quốc gia của chư Phật, cũng là một việc rất thú vị.
Không khí bữa tiệc rất rộn ràng, những người quen hay không quen biết nhau đều chúc nhau câu Giáng sinh vui vẻ.
Tôi đứng dậy nhìn ngắm xung quanh, chính giữa quán rượu có kê một cái giá sách, đặt đầy sách cùng với sổ lưu bút.
Mỗi một món đồ trang trí bày trong quán, mỗi một loại dụng cụ, đều tràn ngập phong cách Tây Tạng nồng hậu.
Tường quét màu vàng tối, treo đầy những tấm ảnh cũ cùng những tác phẩm sơn màu đậm ý vị Phật giáo.
Khi tôi nhìn thấy một bức tượng Phật sơn màu trên tường, đột nhiên lại nghĩ tới vòng tròn ánh sáng trên bích hoạ tượng Phật.
Tôi liền ngồi xuống, lấy máy ảnh kĩ thuật số ra, xem xét tỉ mỉ một lần nữa.
“Sao trông anh có vẻ loạng choạng?”
Nghe thấy tiếng nói, tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy một người đàn ông dáng người cao lớn, mặt tươi cười.
“Vì lòng tôi tan nát.” Tôi nói.
Người đàn ông phát ra tiếng cười sang sảng, sau đó ngồi xuống, đối diện tôi.
“Tôi là Thạch Khang.” Anh ta nói, “hiện nay là chủ quán này.”
“Hiện nay?”
“Ông chủ ra nước ngoài chơi, nhờ tôi giúp anh ta trông nom một tháng.”
“Ồ.”
“Thích chỗ này chứ?”
“Rất thích.”
“Biết tại sao quán có tên gọi là Mã Cát A Mễ không?”
Tôi lắc đầu.
“Vào một đêm trăng nào đó của hơn ba trăm năm trước, có một nhân vật thần bí đã đến nơi đây. Vừa khéo lúc này cũng có một thiếu nữ xinh đẹp như vầng trăng bước vào trong quán, dung mạo cùng với nét mặt tươi cười của thiếu nữ khắc thật sâu trong lòng nhân vật thần bí. Từ đó trở đi, người ấy thường hay đến thăm nơi này, những mong gặp lại nàng thiếu nữ xinh đẹp kia.”
Thạch Khang nói đến đây, rót một cốc rượu lúa mì Thanh Khoa, đưa cho tôi. Tiếp tục nói:
“Nhân vật thần bí sau này đã viết một bài thơ, bài thơ ấy ở Tây Tạng hầu như ai ai cũng ngâm xướng.”
“Bài thơ nào?”
“Ở trên đỉnh núi phương Đông cao cao kia,
Mỗi khi mặt trăng sáng màu trắng nhô lên,
Khuôn mặt tươi cười say lòng người của Mã Cát A Mễ,
Sẽ từ từ hiện lên trong tâm khảm tôi.”
“Thiếu nữ ấy tên là Mã Cát A Mễ?” Tôi hỏi.
“Mã Cát A Mễ không phải là tên người.” Thạch Khang lắc đầu, “Mã Cát trong tiếng Tạng có nghĩa là chưa nhuốm, nhưng có thể đọc hiểu thành thánh thiện, ngây thơ. Ý gốc của A Mễ là mẹ, người Tạng cho rằng mẹ là hóa thân của vẻ đẹp người phụ nữ, trên người mẹ có tất cả những nét đẹp trong ngoài của người phụ nữ. Bởi vậy ý nghĩa của Mã Cát A Mễ phải là thiếu nữ thuần khiết hoặc cô gái trẻ chưa lấy chồng.”
“Thì ra là thế.” Tôi gật đầu.
Thạch Khang hướng về phía tôi nâng cốc, tôi cũng nâng cốc, đôi bên cùng cạn.
“Anh có biết nhân vật thần bí kia là ai không?” Thạch Khang đặt cốc xuống rồi nói.
“Không biết.”
“Đạt Lai Lạt Ma đời thứ sáu —— Thương Ương Gia Thố.” [3]
“Hả?” Tôi chấn động, “chẳng lẽ lúc trước Thương Ương Gia Thố thường xuyên lẻn ra khỏi cung Potala, chính là chạy tới quán rượu nhỏ này sao?”
“Không sai.” Thạch Khang cười ha hả, “chính là chỗ này.”
Tôi không tự chủ được đứng lên, ngắm nhìn bốn phía.
Câu chuyện về Thương Ương Gia Thố – Đạt Lai Lạt Ma đời thứ sáu, tràn ngập sắc thái truyền kỳ.
Khi Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm viên tịch, đệ ba của Tây Tạng lúc bấy giờ  —— Tang Kết Gia Thố vì muốn thâu tóm quyền hành, đã giữ bí mật không phát tang, cũng giả thông báo với bên ngoài là Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm còn đang tại thế.
Khang Hi sau khi ngự giá thân chinh Junggar, mới từ miệng tù binh biết được Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm đã viên tịch nhiều năm, liền hạ chỉ chất vấn Tang Kết Gia Thố. Tang Kết Gia Thố buộc phải nhanh chóng để Thương Ương Gia Thố tọa sàng.
Bởi thế tuy rằng 5 tuổi Thương Ương Gia Thố đã được tìm ra là chuyển thế linh đồng, nhưng luôn luôn bị che giấu, đến tận năm 15 tuổi mới tọa sàng, chủ trì cung Potala.
Sau khi Thương Ương Gia Thố tọa sàng, Tây Tạng trong ngoài rối ren hỗn loạn, chính quyền vẫn do Tang Kết Gia Thố độc tài, Thương Ương Gia Thố thực ra chỉ là bù nhìn.
Ngài chán ghét hiện thực, cũng không muốn tranh quyền đoạt lợi, vì thế trở nên lười nhác và ham chơi.

Sau này Lạp Tàng Hãn bắt giết Tang Kết Gia Thố, thâu tóm quyền hành ở Tây Tạng, liền muốn phế bỏ Thương Ương Gia Thố.
Lạp Tàng Hãn tấu lên Khang Hi, chỉ trích Thương Ương Gia Thố suốt ngày đắm chìm vào tửu sắc, không tuân thủ thanh quy [4].
Khang Hi hạ lệnh áp giải Thương Ương Gia Thố về kinh, đang trên đường áp giải về Bắc Kinh, ngài mắc bệnh rồi qua đời ở Thanh Hải.
Sách sử người Tạng tự biên soạn lại nói là Lạp Tàng Hãn phái người sát hại ngài bên hồ Thanh Hải.
Năm ấy Thương Ương Gia Thố mới 24 tuổi.
Nhưng có người nói ngài không chết, bạn tốt, cũng là người hầu theo bên người ngài đã đóng giả ngài để nhận lấy cái chết, bởi vậy ngài ấy đã trốn thoát, sau đó đi qua các nơi để truyền giáo Hoằng pháp.
Bất kể là giả thuyết nào, cung Potala cũng sẽ không có linh tháp pháp thể của Đạt Lai đời thứ sáu Thương Ương Gia Thố.
“Thương Ương Gia Thố ở Tây Tạng luôn là một nhân vật nổi tiếng.” Thạch Khang nói, “ngài ấy cũng thật là độc nhất vô nhị, thân là Lạt Ma, lại viết ra rất nhiều bài thơ tình lãng mạn.”
“Ừ.” Tôi gật đầu, “tôi cũng có vinh dự đọc qua thơ của ngài ấy.”
“Không ở cung Potala làm Lạt Ma, lại thường xuyên lẻn đến đây cùng tình nhân hẹn hò.” Thạch Khang nở nụ cười, “thơ của ngài đã từng nhắc tới chuyện ngài để lại dấu chân trên nền đất tuyết nên bị vạch trần đấy.”
“Có lẽ Thương Ương Gia Thố trước sau vẫn không nhận thấy mình là Lạt Ma, mà chỉ là một người bình thường thôi.”
“Hở?” Nét mặt Thạch Khang có chút sửng sốt.
“Năm mười lăm tuổi Thương Ương Gia Thố mới tọa sàng, ở tuổi đó đã không được coi là trẻ con nữa rồi. Trước khi tọa sàng ngài ấy vẫn luôn sống ở dân gian, có lẽ sống lâu trong thế tục rồi, sẽ cảm thấy bản thân khá giống người bình thường chăng.”
“Có lẽ vậy.” Thạch Khang nói, “chỉ có tự trong lòng tin tưởng chính mình chỉ là phàm nhân, mới có thể làm ra nhiều chuyện phong lưu trái với thanh quy.”
“Mọi người đều nói Thương Ương Gia Thố lẻn ra khỏi cung Potala là để hẹn hò với tình nhân, dường như liền coi việc này là chuyện gió trăng.” Tôi nhìn Thạch Khang, “anh muốn nghe kiến giải của tôi một chút không?”
Thạch Khang lại rót đầy rượu trong cốc tôi, cũng làm một động tác tay “mời”.
“Thương Ương Gia Thố trước khi tọa sàng có một người yêu, khi ở cung Potala, sở dĩ ngài ấy không quan tâm đến chỉ trích khắp nơi, phá bỏ trùng trùng trở ngại mà chạy tới nơi này, đó là bởi vì sườn mặt của thiếu nữ bưng rượu trong quán này, rất giống người yêu của ngài ấy.”
Thạch Khang ngồi thẳng người, mắt sáng lên.
“Từ một người bình thường tự do tự tại, bỗng nhiên trở thành Lạt Ma tối cao, nhất định là rất khó thích ứng. Cuộc sống nơi cung điện giới quy nghiêm ngặt, cả ngày tụng kinh lễ Phật, địa vị suông không có quyền lực, Thương Ương Gia Thố sống chẳng vui vẻ gì. Ngài ấy ngày càng chán ghét đấu tranh chính trị, nhưng không có cách nào trốn chạy, chỉ càng thêm nhung nhớ người yêu đã định trước là không thể ở bên nhau, thậm chí là không thể nào gặp lại.” Giọng tôi rất đều đều, “vì thế, ngài ấy đến nơi đây.”
“Có lẽ Thương Ương Gia Thố thường ngồi ngay ở chỗ tôi đây này, lẳng lặng nhìn sườn mặt thiếu nữ xinh đẹp kia, một mình uống rượu, nhớ nhung người thương của ngài ấy. Chỉ có vào lúc này, ngài ấy mới có cảm giác mình còn sống thôi.”
Tôi bưng cốc rượu lên, nhìn cô nàng người Tạng buộc tóc đuôi ngựa đang bận rộn bên quầy.
Thạch Khang cũng quay người, liếc mắt nhìn quầy.
“Chích khủng đa tình tổn phạm hành, nhập sơn hựu khủng phụ khuynh thành.
Thế gian na đắc song toàn pháp, bất phụ Như Lai bất phụ khanh.” [5]
“Đây là?”
“Câu thơ của Thương Ương Gia Thố.” Tôi nói.
“Làm một người bình thường, xem ra khá là hạnh phúc.” Thạch Khang nói.
“Ừ.” Tôi gật đầu.
Tôi và Thạch Khang cùng trầm mặc một lúc, sau đó Thạch Khang nâng cốc mời tôi cạn.
“Kiến giải của anh khá là thú vị.” Thạch Khang cười cười.
“Muốn biết kết cục của Thương Ương Gia Thố bản Đài Loan không?” Tôi nói.
“Bản Đài Loan?”
“Ừ.” Tôi cười cười, “bởi vì tôi là người Đài Loan.”
“Ha ha.” Thạch Khang cười, “có bạn đến từ phương xa, phải làm ba cốc nữa.”
Sau khi nói xong, tôi và Thạch Khang lại cạn một cốc.
“Ngài ấy không chết vì bệnh ở Thanh Hải, cũng không lưu lạc khắp nơi thuyết pháp, mà lén quay về quê hương, gặp lại người yêu, sau đó an ổn sống hết một đời.”
“Kết cục này quá tốt đẹp.” Thạch Khang lại cười ha hả.
“Có lẽ một vị tiểu thuyết gia Đài Loan nào đó cực kỳ đồng cảm với Thương Ương Gia Thố, bèn sáng tác ra kết cục này.”
Tôi nói, “đây là cái gọi là thiện niệm của tiểu thuyết gia chăng.”
“Chắc anh chính là vị tiểu thuyết gia sáng tác kết cục kia.” Thạch Khang cười cười.
“Tôi không phải là tiểu thuyết gia.” Tôi nói, “chỉ là thỉnh thoảng viết tiểu thuyết thôi.”
“Nghề nghiệp của anh là?”
“Kỹ sư công trình thuỷ lợi.”
“Ồ?” Thạch Khang hơi ngẩn người, “rất khó tưởng tượng.”
“Mọi người đều nói như vậy.” Tôi cười cười.
“Đúng rồi.” Thạch Khang như chợt nghĩ đến điều gì đó, vỗ đầu một cái, hỏi:
“Sao vừa rồi anh cứ nhìn máy ảnh ngẩn người?”
“Anh nhìn xem.” Tôi  quay màn hình máy ảnh về phía anh ta.
“Ơ?” Thạch Khang chỉ nhìn một cái, “sao lại có hai vòng tròn ánh sáng?”
“Tôi cũng nghĩ mãi không ra.” Tôi lắc đầu.
“Máy ảnh giao cho tôi.” Thạch Khang đột nhiên đứng lên, “tôi đi in ra.”
“Được, máy ảnh giao cho anh.” Tôi nói, “nhưng quán này để cho tôi.”
“Trong vòng 20 phút tôi không quay lại, quán này sẽ là của anh.” Thạch Khang vừa chạy vừa nói.

15 phút sau, Thạch Khang đã trở lại, cầm trong tay tờ giấy khổ A4.
“Chỉ kém năm phút đồng hồ.” Tôi nói.
“Nguy hiểm thật.” Thạch Khang cười.
Ảnh in ra giấy, vòng tròn ánh sáng càng rõ nét, tôi cùng Thạch Khang cẩn thận suy xét.
Nhưng trước sau vẫn không có được đáp án hợp lý.
“Có lẽ là Phật hiển linh đấy.” Thạch Khang đùa.
“Thế à?”
“Jokhang có một Lạt Ma, anh có thể đi hỏi thử xem.”
“Lạt Ma muốn gặp là có thể gặp?”
“Tất nhiên không được.” Thạch Khang lắc đầu, “nhưng anh vẫn có thể tìm chút vận may.”
Tôi và Thạch Khang lại thảo luận một lúc, vẫn không tìm ra giải đáp.
Gấp đôi tấm ảnh A4 hai lần, kẹp vào trong giấy thông hành, tôi liền đứng dậy cáo từ.
“Chỉ cần có thời gian, hoan nghênh đến đây ngồi bất cứ lúc nào.” Thạch Khang nói.
“Ừ.” Tôi gật đầu, sau đó vẫy vẫy tay.
Vừa ra khỏi Mã Cát A Mễ, ngẩng đầu nhìn bầu trời sao một cái.
Kia chẳng phải là vầng trăng sáng trong câu thơ của Thương Ương Gia Thố sao?
Hơn ba trăm năm trước, khi rời khỏi nơi này tiếp tục chạy về cung Potala, Thương Ương Gia Thố có tâm trạng gì nhỉ?
Tôi về đến cửa khách sạn, sợ hết hồn, bên trong tối đen như mực.
Mò mẫm theo phương vị trong trí nhớ, vừa mới đi đến bên quầy, lại sợ chết khiếp.
Bên trong quầy thắp nến, ánh lửa lại hắt lên mặt nữ phục vụ người Tạng kia.
“Úm Ma Ni Bát Mễ Hồng.” Tôi nói.
“Đêm nay ở đây mất điện, nhưng mười phút sau điện sẽ có.” Nàng cười cười.
Tôi mở di động ra, mượn ánh sáng yếu ớt của di động, mò mẫm tiến bước.
Cả khách sạn hình như chỉ có mỗi mình tôi trọ, yên tĩnh đến đáng sợ.
Thật vất vả leo lên tầng 4, tìm được số cửa phòng mình, dùng chìa khóa mở cửa đi vào.
Nằm lên giường, cho dù mắt nhắm hay không, bốn phía đều tăm tối.
Tôi cân nhắc xem ngày mai nên đi đâu?
Cứ nghe theo đề nghị của Thạch Khang, đi đền Jokhang đi.
“Bụp” một tiếng, có điện rồi.
 ~*~
*Chú thích:
[1] Đèn bơ: Loại đèn có chất đốt được tinh chế từ dầu thực vật tinh khiết, ngọn lửa ổn định, bền lâu, khi cháy tỏa ra mùi bơ tự nhiên. Được dùng nhiều trong các chùa miếu ở Tây Tạng, trong các lễ tụng kinh được cử hành trong nhà,…


[2] Rượu lúa mì Thanh Khoa: là loại rượu làm từ lúa mạch đặc biệt trên cao nguyên Thanh Tạng, được người Tây Tạng ưa dùng trong mọi cuộc hội hè hay lễ tết.
[3] Thương Ương Gia Thố: Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 của Tây Tạng. Mã Cát A Mễ là người yêu của Thương Ương Gia Thố.
[4] Thanh quy: Quy tắc Phật giáo quy định cho tăng ni.
[5] Dị bản dị bản =.=
Gốc là thế này:
Tằng lự đa tình tổn phạm hành,
Nhập sơn hựu khủng biệt khuynh thành.
Thế gian an đắc song toàn pháp,
Bất phụ Như Lai bất phụ khanh.
Còn mấy bản nữa @@.
Nghĩa (Tạm hiểu):
E rằng chuyện tình với nàng sẽ ảnh hưởng đến việc tu hành của ta. Vào núi
khổ tu lại sợ chia xa nàng. Trên cõi đời này có cách nào vẹn toàn không? Để
cho ta có thể tu hành nhưng không phụ lòng nàng.
4. Lạt Ma ở đền Jokhang
 
Đền Jokhang nằm ở trung tâm thành cổ Lhasa, được khởi công xây dựng vào năm 647 Công nguyên, đến nay đã hơn 1300 năm, là ngôi chùa thiêng liêng nhất trong Phật giáo Tạng truyền, nghi thức thụ giới của các thế hệ Ban Thiền hoặc Đạt Lai đều được tiến hành tại đây.

Nó cũng là kiến trúc kết cấu gỗ sớm nhất của Tây Tạng, dung hợp phong cách Hán, Tạng, Nê-pan, Ấn Độ.
Đền Jokhang mang đến cho tôi rung động còn hơn cả cung điện Potala, không phải bởi kiến trúc huy hoàng tráng lệ của nó, mà bởi những người dân Tạng thành kính phủ phục cả thân người sát đất theo chiều kim đồng hồ vòng quanh Jokhang.
Đứng thẳng, miệng niệm Lục Tự Chân Ngôn, hai tay chắp lại giơ cao quá đầu, tiến về phía trước một bước;
Hai tay giữ nguyên tư thế chắp dịch về trước trán, lại bước một bước;
Hai tay tiếp tục chắp lại di về trước ngực, bước ra bước thứ ba.
Sau khi đầu gối chạm đất toàn thân nằm sấp xuống, lòng bàn tay hướng xuống phía dưới, hai tay duỗi thẳng về phía trước quẹt đất, trán hơi áp vào mặt đất.
Sau đó đứng dậy, lặp lại từ đầu.
Những người Tạng dáng vóc tiều tụy, hai tay và đầu gối đeo đồ bảo hộ, góc áo dài kiểu Tạng dính đầy sương cùng bụi đất.
Thân mình phủ phục trên đất, khi lòng bàn tay hướng về phía trước quẹt đất, phát ra tiếng vang sàn sạt.
Tuy gương mặt họ đầy gió sương, nhưng nét mặt lại luôn nghiêm cẩn.
Dựa vào lòng tin mạnh mẽ, dùng cơ thể đo đất, tam bộ nhất bái, chậm rãi đi vòng.
Cho dù chỉ là thuận theo chiều kim đồng hồ đi một vòng quanh đền Jokhang, cũng phải mất mấy giờ đồng hồ ấy nhỉ.
Nếu là người Tạng ở các nơi xa xôi muốn tới Jokhang hành hương thì sao?
Họ phải trèo non lội suối, ăn gió nằm sương, phủ phục cả thân người sát đất trên đường, hoàn toàn không dựa vào bất cứ phương tiện giao thông nào.
Gặp những lúc phải vượt sông, cũng sẽ dập đầu cho hết khoảng cách chiều rộng của bờ sông, rồi tiếp tục tìm cách qua sông.
Toàn bộ hành trình giữ nguyên tư thế phủ phục cả thân người sát đất, khả năng phải mất mấy năm mới có thể đến được thánh địa trong tim.
Mà ở bên cạnh Jokhang, cũng có một đám người Tạng dập đầu bái lạy ngay tại chỗ.
Tuy họ không cần phải đi bộ, nhưng mỗi người đều cho rằng ít nhất phải dập đầu đủ một vạn lần, mới có thể biểu đạt lòng thành kính.
Tôi bị những người Tạng dập đầu bái lạy ở bên ngoài Jokhang này làm xúc động vô cùng, ngây người hồi lâu.
Cuối cùng sau khi tỉnh lại, mua vé, đi vào đền Jokhang.
Men theo hướng chiều kim đồng hồ tham quan đền, từ hành lang Thiên Phật chạm trổ đầy tượng Phật sơn màu, đi qua điện Dạ Xoa, điện Long Vương, vòng qua mấy trăm cốc đèn bơ, đi vào điện Giác Khang.
Điều nổi danh nhất ở điện Giác Khang, chính là pho tượng Đẳng Thân năm 12 tuổi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Pho tượng Phật Kim Thân này do Ấn Độ tặng cho Trung Quốc, rồi lại được công chúa Văn Thành mang vào Tây Tạng.
Ý nghĩa của nó không chỉ nằm ở giá trị lịch sử, giá trị di sản hay giá trị nghệ thuật, điều quan trọng nhất là, pho tượng Phật này giống hệt chân thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hơn 2500 năm trước.
Tượng Đẳng Thân là tượng Phật mà sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu đắc đạo, đã đáp ứng nguyện vọng của người bộ hành, dựng một pho tượng Phật giống hệt chân thân.
Nghe nói là đã phỏng theo hồi ức của mẫu thân Phật Tổ, cũng do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân khai quang.
Người Tạng rất tín, cầu nguyện trước tượng Đẳng Thân Phật, chẳng khác nào trực tiếp cầu nguyện Phật Tổ.
Hơn nữa chỉ cần đủ thành kính, ước nguyện sẽ được thực hiện.
Tôi thật may mắn vì lúc này du khách vô cùng thưa thớt, chỉ có một mình tôi đứng trước pho tượng Đẳng Thân Phật này.
Giữa lúc vô thức, học theo những người Tạng dập đầu bái lạy phía bên ngoài Jokhang, dập đầu bái lạy ngay tại chỗ trước tượng Phật.
Tôi cầu Phật Tổ phù hộ cho thế giới này tường hòa an khang, cũng cầu phù hộ cho hành trình Tây Tạng của tôi lần này được thuận lợi.
Một lần rồi lại một lần, chẳng biết dập đầu lần thứ bao nhiêu, cho đến khi nghe thấy có người nói:
“Anh đến từ Đài Loan?”
Tôi ngừng phục lạy, đứng lên, quay đầu lại thấy một thầy Lạt Ma khoảng trên dưới 40 tuổi.
“Sao thầy biết ạ?”
Tôi rất hoang mang, chẳng lẽ bản mặt tôi giống khoai lang, nên vừa thấy là đã biết đến từ Đài Loan?
“Giấy thông hành của anh rơi.”
Thầy cầm trong tay giấy thông hành màu xanh nhạt quơ quơ về phía tôi.
Tôi sờ sờ túi áo khoác, quả thực không thấy giấy thông hành, có thể là rơi khi phủ phục ban nãy.
Tôi nhận lấy giấy thông hành thầy đưa tới, nói một tiếng cám ơn.
Thoáng thấy tấm hình A4 kẹp trong giấy thông hành, tôi cố lấy dũng khí nói: “Xin hỏi…”
“Có chuyện gì sao?” Thầy nghe tiếng ngoảnh lại.
Tôi trải tấm hình ra, đưa cho thầy, hỏi: “Thầy có biết đây là chuyện gì không ạ?”
Thầy nhìn tấm hình một cái, dường như hoảng sợ.
“Muốn gặp Lạt Ma không?” Đột nhiên thầy hỏi.
“Có được không ạ?” Tôi có chút không dám tin, “thực sự có thể sao?”
“Hẳn là được.”
“Vậy con nên làm thế nào?” Tôi rất hồi hộp.
“Dâng khăn ha-đa là được.” Thầy mỉm cười.
Tôi chạy nhanh ra ngoài đền Jokhang mua chiếc khăn ha-đa màu trắng trên phố Barkhor, rồi quay trở lại Jokhang.
Lạt Ma dẫn tôi tiến vào trong đền, dọc đường cẩn thận dặn dò một vài điều cấm kỵ, như không được chạm vào thân thể Lạt Ma và đeo tràng hạt, cũng không được đòi hỏi chụp ảnh.
Khi đi đến một gian phòng nhìn như bình thường không có gì lạ, thầy muốn tôi đợi ở ngoài cửa, sau đó thầy đi vào.
Khi thầy ló người ra hướng về phía tôi gật đầu, tôi mang theo con tim kính cẩn và hồi hộp đi vào phòng.
Lạt Ma ngồi trên chiếc giường thấp trải thảm Tạng, gần bên giường đặt chậu bếp lò than củi, lửa than đang cháy rừng rực.
Hai đầu gối tôi quỳ xuống đất, hai tay cầm khăn ha-đa nâng lên qua đầu, cơ thể khom lưng hướng về phía trước, hai tay ngay ngắn bưng khăn ha-đa hạ xuống đến chân Lạt Ma.
Lạt Ma dùng tay nhận lấy, quàng khăn ha-đa lên cổ tôi, sau đó dùng hai đầu khăn bện thành nút thắt.
Khóe mắt thoáng thấy tay phải Lạt Ma cầm quyển kinh thư, khẽ đặt kinh thư trên đỉnh đầu tôi.
Lạt Ma lầm rầm trong miệng, hình như đang tụng kinh văn.
Tôi nhắm mắt lắng nghe, cho đến khi tiếng tụng kinh ngừng lại.
“Con có thể đứng dậy rồi.” Lạt Ma ở phía sau khẽ nói.
Tôi chậm rãi đứng lên, khom lưng cúi đầu, lui về phía sau hai bước đến bên Lạt Ma, đứng thẳng người trở lại.
“Trát Tây Đức Lặc.” Hai tay Lạt Ma chắp lại.

“Trát Tây Đức Lặc.” Tôi nhanh chóng khom lưng cúi đầu, hai tay chắp lại.
Lạt Ma mỉm cười, dù thoạt nhìn tuổi đã quá bảy mươi, nhưng nụ cười lại thuần chân như trẻ thơ.
Vốn định mở lời hỏi về vòng tròn ánh sáng trên ảnh chụp, nhưng lại băn khoăn như thế thật không lễ phép.
Đang không biết nên làm thế nào cho phải, Lạt Ma bên cạnh đã mở lời:
“Mỗi một vòng tròn ánh sáng đại diện ột pho tượng Phật.”
“Dạ?” Tôi lấy làm kinh hãi, quay đầu nhìn Lạt Ma.
“Lạt Ma vừa đã nói với thầy, điều này chứng tỏ con cùng Phật hữu duyên.” Lạt Ma lại nói, “Ngài nhắc nhở con, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, phải giữ thiện niệm ở trong tâm.”
“Dạ vâng.” Hai tay tôi chắp lại, hướng về phía Lạt Ma gật đầu.
Lạt Ma lại mỉm cười với tôi, miệng nói mấy câu.
Lời Lạt Ma hẳn là Tạng ngữ, tôi nghe không hiểu, không biết nên ứng đối thế nào.
“Lam thiên thích bạch mâu, khô liễu phi kim y.” Lạt Ma nói.
“Gì ạ?”
“Lời của Lạt Ma dịch thành Hán ngữ, đại thể là ý này.”
Trong đầu tôi lẩm nhẩm hai câu nói này, nhưng hoàn toàn không hiểu hàm nghĩa.
Lạt Ma nhắc nhở tôi đến lúc rời đi, tôi liền theo thầy đi ra cửa phòng.
“Đó là Kim Cương Kết, có thể tránh ma quỷ.” Lạt Ma chỉ vào nút thắt trên khăn ha-đa trước ngực tôi, “nhớ đừng tháo ra.”
“Con rõ rồi.”
Tôi cùng Lạt Ma nói câu Trát Tây Đức Lặc, thầy cầm tấm hình đưa cho tôi, rồi đi.
Tôi leo lên Kim Đỉnh hoa mỹ ở tầng chót đền Jokhang, nhìn xuống quảng trường Jokhang, lại xa trông cung điện Potala tráng lệ trên đỉnh núi xa xa.
Trầm tư hồi lâu, mới rời khỏi Jokhang.
Đi qua từng dãy bánh xe cầu nguyện hình trụ, tôi bắt đầu xoay tất cả bánh xe cầu nguyện theo chiều kim đồng hồ.
Trên thành bánh xe cầu nguyện có khắc Lục Tự Chân Ngôn, bên trong bánh xe cầu nguyện cũng chứa kinh chú.
Người Tạng tin rằng mỗi một lần làm quay bánh xe cầu nguyện, sẽ tương đương với một lần niệm kinh chú ở trong đó.
Xoay xong bánh xe cầu nguyện, liền ở tùy ý dạo bước trên phố Barkhor, thong thả đi đến Mã Cát A Mễ.
Tôi lên tầng hai, đi vào trong quán, vừa khéo gặp Thạch Khang.
Thạch Khang kéo tôi đến ngồi xuống cái bàn cạnh cửa sổ, sau đó cầm bình trà bơ lại.
“Có gặp Lạt Ma không?”
“Gặp rồi.” Tôi nói.
Thạch Khang rất kinh ngạc, hỏi đủ điều về Lạt Ma, tôi nói cho anh ta hai câu nói kia của Lạt Ma.
“Lam thiên thích bạch mâu?” Thạch Khang ra sức gãi đầu, “khô liễu phi kim y?”
Tôi lắc đầu, tỏ ý tôi cũng không hiểu.
“Ý nghĩa của câu Lam thiên thứ bạch mâu này rất đơn giản.”
Tôi và Thạch Khang cùng quay đầu qua, thấy một anh chàng trẻ tuổi mặc quần áo đen, đội mũ đen đứng bên cạnh bàn.
“Các anh xem.” Tay áo đen trỏ tay ra ngoài cửa sổ, “đó chính là lam thiên (trời xanh).”
Tôi và Thạch Khang đưa mắt nhìn nhau, không biết nên nói gì.
“Rồi lấy cây giáo trắng chọc chọc thử là biết liền.” Tay áo đen lại nói.
“Thằng khốn! Mày nói gì!” Thạch Khang đứng dậy.
Tay áo đen nhanh như chớp chạy đến cửa thang lầu, nói:
“Tôi không phải là thằng khốn, tôi là người thần bí Thái Tuấn.”
Sau khi nói xong, liền chạy xuống tầng.
Thạch Khang nói đất Tây Tạng này dù thiêng liêng, nhưng vẫn có kẻ điên.
“Nhưng câu khô liễu này lại làm tôi nhớ tới một thứ tương tự.” Thạch Khang chợt nói.
“Cái gì thế?” Tôi hỏi.
“Liễu công chúa”.
Thạch Khang dẫn tôi đến quảng trường nhỏ trước đền Jokhang, ở bên tấm bia “Đường Phiên Hội Minh” nổi tiếng, có một bức tường vây, trong tường vây có trồng một cây liễu.
Nghe nói đây là cây liễu năm đó công chúa Văn Thành tự tay trồng, cho nên dân bản địa gọi là “Liễu công chúa”. [1]
Thạch Khang nói Liễu công chúa vào hè vẫn xanh tươi tốt, nhưng mùa đông đến lá cây rụng hết, có thể là chỉ khô liễu.
Chúng tôi ở đứng bên Liễu công chúa rất lâu, cũng đã nghiên cứu rất rất lâu, nhưng mãi vẫn không đoán ra ý nghĩa của “khô liễu phi kim y”.
Sắc trời đã tối, những tiểu thương bán vật phẩm trang sức Tây Tạng cũng bắt đầu thu quán, chúng tôi bèn rời đi.
“Chẳng mấy khi đến Tây Tạng một chuyến, anh hãy đi ra ngoài nhiều hơn một chút.” Thạch Khang nói, “vừa đi vừa suy ngẫm, có lẽ sẽ có được câu trả lời.”
Tôi ngẫm cũng phải, bèn gật đầu, lại cáo từ Thạch Khang.
Quay về phòng khách sạn, sau khi rửa mặt qua loa, định bụng xuống tầng ăn cơm tối.
Đi vào thang máy, nhìn những con số phát sáng trên cửa thang máy: 4, 3, 2, 1.
Số “1″ đang phát sáng bỗng nhiên tối om, đèn trong thang máy cũng tắt ngúm trong nháy mắt.
Hả? Lại mất điện rồi!
~*~
*Chú thích:
[1] Công chúa Văn Thành của nhà Đường khi đến Thổ Phiên có đích thân trồng một cây liễu trước đền Jokhang, cho đến nay cây liễu này vẫn sống, người ta gọi là “Đường liễu”, hay “Liễu công chúa”.
Bánh xe cầu nguyện, hay còn gọi là kinh luân, bánh xe Mani,…
 
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui