Chị Khuê sốc nặng.
Chị hỏi Vinh:
- Mày điên à?
Vinh nhẹ nhàng đáp:
- Dạ, em không điên.
Em đã suy nghĩ kỹ rồi.
Ra Giêng em được tuổi, em rước chị về là hợp lý ạ.
- Cưới vợ chứ có phải trò đùa đâu hả? Mày hỏi ý kiến của người lớn chưa? Có bậc phụ huynh nào trong cái làng này cho con trai mình lấy vợ hơn chục tuổi không?
- Dạ, thưa chị là có phụ huynh nhà em ạ.
Mẹ em mê chị từ cái đợt mẹ em nói xạo là mẹ em nghèo rồi được chị bán cho mười quả mướp với giá một ngàn đó ạ.
Ba em tuy không mê chị nhưng ba em mê mẹ em, mẹ em nói sao thì ba em nghe vậy.
Ông Tạm băn khoăn hỏi:
- Thế anh có mê con Khuê nhà bác không?
- Dạ, con mê chị Khuê đắm đuối luôn bác ạ, chứ mà mê bình thường thì con chả xin cưới chị đâu.
Anh Kiệt nghe Vinh tâm sự mà ngứa hết cả tai.
Bà Được trái lại rất vui, bà tra khảo:
- Gia đình anh như thế nào?
- Dạ, gia đình con tương đối ổn định ạ.
Ba mẹ con trước đây là diễn viên múa, nay đã về hưu và đều có lương hưu.
Con là con một.
Hiện tại, con là biên đạo múa.
- Thảo nào! Người ngợm mày nom nó lại cứ dẻo như cái kẹo kéo, da dẻ mịn màng hơn cả con gái.
- Dạ, bác Được quá khen ạ.
Báo cáo với hai bác và ông bà, ngoài nghề chính ra thì con còn có nghề phụ là buôn rau ạ.
Cuối tuần, con thường thu mua rau củ quả số lượng lớn ở quê rồi đem lên thành phố bán cho các chợ.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm ngoái, con đã xây nhà ba tầng.
Mục tiêu năm nay của con là lấy chị Khuê và mua xe bốn bánh rước chị đi chơi ạ.
Bà Ổn và bà Được đều rất hài lòng.
Ông Tạm nhìn ông Khá gật đầu.
Ông Khá bấy giờ mới lên tiếng:
- Được rồi, anh có chí tiến thủ, ông duyệt.
Anh về kêu ba mẹ xem ngày lành tháng tốt rồi chuẩn bị trầu cau đem sang đây, ông gả chị Khuê cho.
- Dạ, con đội ơn ông ạ.
Trái ngược với sự lễ phép của Vinh, chị Khuê nói năng có phần hỗn xược:
- Hâm! Ai đã đồng ý lấy đâu mà trầu với chả cau?
Ông Khá nhấp chén trà rồi bình thản bảo:
- Cháu gái Khá Ổn và con gái Tạm Được thì chỉ cần bốn người Khá Ổn Tạm Được đồng ý là xong rồi.
Cái người tên Khuê cứ thế mà theo thôi!
- Theo theo cái gì? Vợ chồng anh Khá chị Ổn, vợ chồng anh Tạm chị Được đừng bao giờ thấy em lành mà lấn lướt nhá! Em nói cho các nền anh nền chị nghe là em không bao giờ lấy chồng vội vã như thế cả.
Cả nhà cười sằng sặc.
Ông Tạm xỉa xói:
- Đúng rồi.
Chị có bao giờ lấy chồng vội đâu, chị chỉ quất thằng Kiệt ngay trong một nốt nhạc thôi à!
- Thì quất nhanh quá thành ra quất luôn phải thằng hèn đó anh.
Trước đây, em nông nổi nên cuộc đời em nó mới nát.
Bây giờ, em phải rút kinh nghiệm.
Em phải tìm hiểu thật kỹ rồi mới tính tới chuyện cưới xin.
Bà Ổn bĩu môi nói lớn:
- Kỹ càng mà làm gì? Có miếng mồi ngon không đớp nhanh để con khác nó đớp mất à? Chị có còn trẻ trung gì nữa đâu mà làm giá? Cứ lấy đi! Ở với nhau dăm bữa nửa tháng thấy không hợp thì bỏ.
- Thế thì em lại mang tiếng gái nhiều đời chồng á, xấu hổ với thiên hạ lắm!
Ông Tạm cau có hỏi con gái:
- Thiên hạ có hạnh phúc thay cho chị không mà chị sợ thiên hạ gièm pha? Gái nhiều đời chồng thì sao? Phải xinh đẹp, có duyên ngầm thế nào mới được nhiều anh chết mê chết mệt chứ? Con Hồng ế chớt bà ra, chả ai đem trầu cau tới rước, nó không ca thán thì thôi, chị sắp sửa được mặc váy cưới lần hai, sướng bỏ xử đi được, õng ẹo cái nỗi gì?
Anh Vinh từ tốn lên tiếng:
- Dạ, thôi thì con xin cả nhà đừng dồn ép chị con, tội nghiệp chị.
Bữa nay, con qua đây đặt gạch được trước thế là con phấn khởi rồi ạ.
Chị Khuê chưa ưng con thì để con tán thêm đến bao giờ chị đổ thì con rước chị về nhà ạ.
Mọi người nhao nhao khen chị Khuê giỏi, chả cần thả thính cũng vợt được trai tân trẻ măng luôn à.
Việc chị chiếm trọn sự quan tâm của cả họ Phạm khiến Khánh rất khó chịu.
Bộ tiểu thuyết “Nỗi bi thương của Khánh An” đã biến Khánh trở thành trung tâm của sự chú ý trên mạng xã hội, nhưng tiếc rằng, nó lại không giúp được gì cho cô trong những mối quan hệ ngoài đời.
Có lẽ, ánh hào quang ảo chẳng bao giờ có thể giúp chúng ta toả sáng trong thực tế.
Ở trong cái họ Phạm này, nào ai nghĩ số phận Khánh bi thương như Khánh An đâu mà xót xa, cũng chẳng ai tin chị Khuê xấu xa như nữ phụ M mà căm ghét.
Họ chỉ thấy chị Khuê vừa tức vừa ngượng nên thi nhau trêu ghẹo chị thôi.
Khánh cũng muốn được trêu ghẹo, được yêu thương.
Ngặt nỗi, chẳng ai thèm đoái hoài tới cô cả.
Sự giàu sang phú quý của Khánh chỉ có thể làm lác mắt người ngoài chứ tuyệt nhiên không thể mua chuộc được tình cảm của người thân.
Âu cũng là lẽ thường tình, nếu như có một thứ tình cảm nào đó bị mua chuộc thì chắc chắn nó không phải tình thân.
Tuy vậy, Khánh vẫn sẵn sàng vung tiền để mua thứ tình cảm đó.
Tiếc rằng, không một ai rao bán.
Tết nhất là dịp họ hàng nhà ông Khá sum vầy, tận hưởng những giây phút thư giãn bên nhau chứ không phải là dịp xun xoe, nịnh nọt và thảo mai với nhau để vòi vĩnh cái nọ cái kia.
Khánh buồn bực bóc gói mứt dừa Vinh tự làm, nếm thử một miếng rồi ghé tai bà nội thủ thỉ:
- Mứt dừa đem đi hỏi cưới mà chả giòn tí nào thế này thì chứng tỏ tâm ý cũng chẳng đến đâu bà ạ.
Bà Ổn nhỏ nhẹ bảo Khánh:
- Đàn ông con trai khó tránh khỏi sự vụng về.
Con nhận xét về kỹ năng nấu ăn là được rồi, đừng đoán già đoán non tâm ý của người ta.
Ông Khá ngồi gần hai bà cháu nên hóng hớt được đôi chút.
Ông bĩu môi bảo:
- Tâm ý của thằng Vinh như nào thì là việc của chị mày, phận tiểu tam như mày bép xép ít thôi.
Khánh buồn ứa nước mắt.
Cô thương ông bà nhiều hơn cả ba mẹ mình, vậy mà ông bà lúc nào cũng chỉ bênh chị Khuê thôi.
Đến bữa cỗ, ông bà rủ chị và Vinh ngồi ở mâm trên.
Khánh và anh Kiệt chanh sả như thế mà phải ngồi ở mâm dưới.
Anh Kiệt thực ra chẳng quan tâm tới việc phải ngồi ở mâm nào.
Mâm nào chả được, có rượu là được.
Anh cạn hết chén này tới chén khác, tu rượu ừng ực như tu nước lã.
Khánh trìu mến nhìn anh.
Dạo gần đây, mỗi khi say, anh thường không phân biệt được đâu là mộng, đâu là thực.
Anh hay ôm cô, hôn lên bụng cô và nói lời xin lỗi.
Khánh thích anh tình cảm với mình như thế lắm.
Chị Khuê ngồi ở mâm trên liếc xuống thấy anh Kiệt đã nốc hết một chai rượu nhân sâm rồi mà Khánh vẫn tiếp tục mở nắp chai rượu mới liền ngứa mắt quát:
- Thằng kia! Mày sang ăn cỗ Tết hay là ăn nhậu đấy?
- Không phải việc của cô.
Anh Kiệt làu bàu rồi tiếp tục uống cạn chén rượu Khánh mới rót cho mình.
Chị Khuê cáu kỉnh bảo:
- Sao lại không phải việc của tao? Đây là nhà ông bà nội tao mà, mày nốc cho lắm rượu vào rồi mày ói ra đấy thì lại chả đến cái thân tao dọn.
Khánh ỏn ẻn nói:
- Chị Khuê đừng lo, anh Kiệt mà ói thì em sẽ dọn ạ.
Chẳng mấy khi Tết nhất, chị đừng giở thói bà già hay xét nét, chị để mọi người vui vẻ một tí nha.
- Mày ngậm bà cái mồm mày lại đi.
Nốc một đống rượu như thế thì hại dạ dày chứ vui vẻ cái nỗi gì? Cất chai rượu ngay! Đừng để tao nóng!
- Chị! Sao chị cứ phải nghiêm trọng hoá vấn đề thế?
- Mày có cất rượu đi không hay để tao phải nhảy xuống tao phang chai rượu vào đầu mày thì mày mới cất hả?
Thấy chị Khuê cáu, anh Vinh vội vã đi xuống mâm dưới giành lấy chai rượu trên tay Khánh.
Mấy thím trông thấy cảnh đó liền vô tư tám chuyện:
- Sau này thằng Vinh mà sợ vợ thứ hai thì ai sẽ là người sợ vợ thứ nhất đây?
- Làm gì có ai? Ai mà tranh được cái cúp người nền ông sợ vợ nhất làng với nó nữa! Chị Khuê của nó chỉ cần lừ mắt một cái là nó đã sợ xoắn quẩy lên rồi kìa.
- Khiếp! Con Khuê nhà này nó đào hoa quá cơ! Vừa bỏ Kiệt sáu múi đã vợt ngay được em trai mặt hoa da phấn, chị nói một câu em không dám cãi nửa câu.
Anh Vinh lễ phép nói:
- Dạ, con thưa các thím, phận là thằng nền ông si mê chị Khuê, con cho rằng cãi chị là đại nghịch bất đạo.
Sợ chị, đội chị lên đầu mới là trường sinh bất tử.
Chị Khuê bật cười sằng sặc.
Chị mắng:
- Đồ con nít ranh! Chỉ được cái nịnh là giỏi thôi!
- Ra Giêng hẹn hò với em nhá, tha hồ nghe em nịnh.
Anh Vinh gạ gẫm.
Thấy chị Khuê chần chừ, anh nhanh nhẹn đánh vào bệnh sĩ diện của chị:
- Chị sợ bị em cưa đổ nên không dám hẹn hò à?
Chị Khuê nóng mặt quát:
- Điên! Chị mày mà phải sợ thằng nhãi nhép như mày hả? Được! Hẹn hò thì hẹn hò! Gì mà căng?
Anh Kiệt thấy chị Khuê dễ dàng bị đưa vào tròng thì cay không sao tả xiết.
Nhưng anh chị bỏ nhau rồi, anh có quyền gì mà lên tiếng? Anh gằn giọng bảo anh Vinh:
- Đưa chai rượu đây.
- Thôi, anh Kiệt uống nhiều rồi mà.
Anh nên ăn miếng bánh chưng cho nó ấm bụng đi ạ.
Bánh chưng chị Khuê gói đấy anh.
Chị luộc bánh mười hai tiếng nên bánh không bị lại gạo đâu ạ, dẻo lắm á.
Anh cắn một miếng thôi là anh sẽ cảm nhận được cái bọn đậu xanh, thịt ba chỉ, tiêu, nếp hoà quyện trong miệng mình, thấy mê à!
- Cậu mê kệ cậu, tôi không mê!
- Không mê sao anh nốc nhiều rượu thế? Em lại cứ tưởng trong lòng anh đang dâng lên một sự ghen tuông không hề nhẹ cơ đấy!
- Thèm vào mà ghen.
- Vâng, cho dù anh có ghen thì bây giờ cũng đã muộn rồi.
Em mà bóc được bánh chưng thì em sẽ chén sạch, anh chỉ còn cách bóc chiếc bánh chưng khác thôi.
- Đồ trẻ ranh vắt mũi chưa sạch, nếu không muốn vỡ mặt thì mau ngậm mồm lại và đưa rượu đây!
- Anh doạ đấm em ạ? Em lại sợ quá cơ! Nào! Em mời người nền anh đứng dậy thể hiện bản lĩnh của mình để em được có cơ hội sợ ạ.
Anh Kiệt nóng mặt đứng dậy.
Chị Khuê khẽ thở dài.
Hai thằng hâm! Bánh chưng đầy ra đấy, không chén cái này thì chén cái khác, làm gì mà phải doạ dẫm đánh đập nhau như dân đầu đường xó chợ thế nhỉ?
- Thôi Tết nhất rồi, hai đứa chúng mày mỗi đứa nhường nhau một tí cho cỗ nó ngon hộ tao với.
Chị Khuê khuyên nhủ.
Bà Tráo lên tiếng:
- Bọn nó đánh nhau thì ảnh hưởng qué gì tới độ ngon của cỗ bàn? Kiệt! Vinh! Mau ra ngoài sân thể hiện khí chất đàn ông đi các con! Mợ cược hai chục cái bánh chưng cho Vinh tát sấp mặt Kiệt.
Cô Trở hớn hở chen vô:
- Anh Kiệt cơ bắp vạm vỡ lắm mợ ơi! Mợ cược thế thì khác nào mất trắng? Mợ ngốc quá à! Con cược ba chục cái bánh dày cho anh Kiệt đấm toè mỏ anh Vinh.
Ông Khá bĩu môi bảo:
- Nhân cách thối tha thì có vạm vỡ đến đâu cũng không được độ đâu.
Ông cược hai khoanh giò cho thằng Vinh ôm vinh quang trở về mâm cỗ.
Tết năm nào người họ Phạm chả chơi cá cược cho xôm.
Sau khi có kết quả, họ sẽ lấy tất cả đồ của phe thua chia đều cho những người ở phe thắng.
Mọi người ở phe thắng hầu như chẳng bao giờ tị nạnh nhau, bởi vì họ thường cược đồ có giá trị gần như nhau.
Ngặt nỗi, tự dưng bữa nay lại có đứa cháu học thức cao thích chơi trội:
- Con xin phép cả nhà cho con đặt cược mười triệu cho chiến thắng của anh Kiệt ạ.
- Úi! Khánh thoáng tay thế thì phe Kiệt lại sang xịn mịn quá đỗi à? Tội nghiệp Vinh ghê á!
Bà Được cố ý khích tướng con gái.
Chị Khuê bị mắc bẫy liền, chị hấp tấp tuyên bố:
- Có chị Khuê ở đây, không ai được phép tội nghiệp Vinh hết.
Mười triệu thì có cái gì mà ghê? Chị Khuê đặt mười ngàn bát miến gà cho Vinh thắng cuộc.
Anh Vinh sửng sốt thốt lên:
- Mười ngàn bát miến gà thì nó lại đẳng cấp ngoài sức tưởng tượng của em rồi.
Vậy thì em xin được phép đặt cược theo phe của anh Kiệt.
Cả nhà nhao nhao chửi anh Vinh bị điên, hết khôn dồn đến dại.
Anh tủm tỉm phân trần:
- Riêng vụ cá cược hôm nay, con xin phép ông Khá cho con một đặc ân ạ.
Đó là bất kể kết quả như nào thì phần đặt cược của con và chị Khuê đều sẽ không được tính vào đồ của chung.
Nếu anh Kiệt thắng, chị Khuê sẽ phải nấu mười ngàn bát miến gà cho riêng một mình con.
Nếu con thắng anh Kiệt, tức là con thua cá cược, con xin được phép trích ra mười ngàn nụ hôn của mình để trả chị Khuê ạ.
Ông Khá chẹp miệng nói:
- Dài dòng.
Tóm lại là anh muốn cược riêng với chị Khuê chứ gì? Anh đánh thắng Kiệt thì anh được ăn miến gà, anh thua Kiệt thì anh được hôn chị Khuê phải không? Anh khôn nó cũng một vừa hai phải thôi chứ!
Ông Khá bĩu môi nói.
Anh Vinh lễ phép bảo:
- Dạ, nếu như con chỉ khôn một vừa hai phải thì không xứng đáng làm cháu rể tương lai của một người thông minh, hào hoa, lịch lãm như ông đâu ạ.
- Câu nói của anh có phần thảo mai và hơi vụ lợi.
Tuy nhiên, nghe nó cũng có chút bùi tai nên thôi, ông duyệt cho anh và chị Khuê cược riêng với nhau.
Anh Kiệt đã giận tím tái mặt mày rồi anh Vinh còn rót thêm dầu vào ngọn lửa đang cháy rừng rực:
- Em thừa nhận với anh rằng kết quả kiểu gì thì em cũng có lợi.
Nhưng mà anh đừng lo em thi đấu chểnh mảng nha, em thích hôn chị Khuê nhiều hơn ăn miến gà nên em sẽ cố gắng hết mình á! Nào! Em xin kính cẩn nghiêng mình mời người nền anh ra ngoài sân!
Anh Kiệt lạnh lùng đi ra ngoài sân.
Những người chưa đặt cược vội vã chọn phe rồi cùng nhau ôm dép tổ ong đem ra ngoài hiên ngồi hóng hớt.
Có đôi dép kê mông nó lại cứ bị êm đáo để.
Rất nhiều cặp mắt diều hâu đã và đang dồn về hai người đàn ông nọ.
Bọn họ đứng cách nhau khoảng nửa mét, người trẻ tuổi hơn mở lời trước:
- Ông anh mau nhào dô ô ô ô ố ồ ồ ô ô!
Người già đáp lời:
- Chấp cậu vào trước.
- Thôi anh ạ, em muốn kính lão đắc thọ á!
- Tôi không muốn mang tiếng bắt nạt con nít.
- Em cũng không muốn mang tiếng uy hiếp người già.
Dứt lời, anh Vinh nhanh như sóc lao tới chỗ anh Kiệt, đấm một quả cực mạnh vào đầu anh Kiệt khiến tất cả mọi người đều hoang mang.
Ơ hay? Tưởng hẵng còn đang đưa đẩy xem ai là người đánh trước cơ mà? Sao tự dưng lại chơi bẩn, ra tay bất ngờ khiến đối thủ không phòng bị kịp thời thế hả? Nhân lúc đầu anh Kiệt choáng váng, đau buốt, anh Vinh lễ phép xin xỏ:
- Dạ, em xin phép người nền anh cho em được gửi thêm một quả đấm nữa ạ.
Anh Vinh tiếp tục thụi một quả đấm nữa vào ngực anh Kiệt.
Chị Khuê thấy mặt anh Kiệt hầm hầm như thú dữ thì cực kỳ lo cho anh Vinh.
Chị chỉ đặt cược cho vui vậy thôi chứ chị thừa biết anh Vinh không phải đối thủ của anh Kiệt.
Đúng như chị dự đoán, anh Vinh bị anh Kiệt đập cho như giã gạo.
Mặc dù đã bị hộc máu mồm, anh Vinh vẫn kiên cường chơi bẩn.
Anh Vinh nhào tới ôm eo anh Kiệt rồi kiễng chân, cắn lên má anh Kiệt.
Anh Kiệt phát tởm.
Anh lầm bầm:
- Bây giờ thì tôi đã hiểu thế nào là cao thủ không bằng tranh thủ.
Anh Vinh tủm tỉm trả treo:
- Cao thủ cũng phải bỏ lỡ vài nhịp thì tranh thủ mới có cơ hội giành ưu thế chứ!
- Đã gọi là cao thủ thì có bỏ lỡ vài nhịp cũng chẳng nhằm nhò gì cả.
Anh Kiệt khẳng định.
Anh Vinh cũng khẳng định:
- Đúng là bỏ lỡ vài nhịp thì chẳng nhằm nhò gì, nhưng bỏ lỡ một người là vĩnh viễn lỡ cả nhân duyên..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...