Thấy được tính là về nguồn cội,
Lại không huyền diệu để khoe khoang.
Rõ ràng một phiến chân như ấy,
Một niệm sai thôi đủ lạc đường[1].
Phù Phong Phổ Ân
[1] Bản dịch Minh Tâm - Trích trong Những đóa hoa thiền.
Mưa thu đem theo hơi lạnh se se, tựa như chỉ trong một đêm, hơi ấm còn
sót lại của mùa hạ đều đã bay theo gió bụi. Bao người hối hả đi trên đường, quên mang áo ấm, buồn bực muốn tìm một gốc cây, đòi một lời giải thích. Nào ngờ hôm qua nó còn vẹn nguyên vô sự, hôm nay đã trút lá tả tơi. Dòng chảy thời gian vốn chẳng cần nhiều lời, một cái cúi mắt, một lần quay mình, cái nắm tay lúc này lại thành chia lìa ngày mai. Con người hành tẩu giữa thế gian, dù bạn không kinh động không quấy nhiễu, cũng sẽ tổn thương bởi chông gai. Có lúc một tiếng gió thổi, một ánh nắng soi, một giọt mưa móc cũng là dao nhọn, con đường đã đi càng dài thì vết thương lại càng sâu. Tựa hồ phải nếm hết mọi khổ sở, mới xem như hoàn thành trọn vẹn quá trình của đời người vậy.
Mỗi ngày, chúng ta đều trải qua cuộc sống dung dị giản đơn. Ngư phủ đêm khuya quăng lưới, sáng sớm thu hoạch. Tiều phu hừng đông lên núi, nắng tắt quay về. Cô gái giặt lụa đem một sọt đồ đầy bụi đất giặt thành ướt sũng mà sạch sẽ. Bà nội trợ nấu một bát gạo thành nồi cơm chín tới. Cả những người thợ rèn vất vả, mài giũa năm tháng phong sương thành kiếm; khách thơ phong nhã, sắp xếp khoảnh khắc ngắn ngủi thành thơ; tăng nhân đạm định, đem quang âm một ngày, tĩnh tọa thành thiền. Đây chính là chân diện mục của chúng sinh, chẳng có nhiều thiền lý, cũng không có mấy huyền cơ, từng người sống trong cuộc đời riêng, đợi chờ vận mệnh của bản thân. Có một ngày, chúng ta tình cờ gặp gỡ nơi bến đò hoàng hôn, bạn nói bạn là gã bán dầu đi khắp hang cùng ngõ hẻm, tôi bảo tôi là thiếu phụ bình phàm lúi húi cùng gạo dầu mắm muối.
Đọc thơ thiền của Phù Phong Phổ Ân thiền sư đời Minh, trong khoảnh khắc, tôi bỗng cảm thấy lòng bừng sáng, như vừa vén mây trông thấy mặt trời. Phù Phong Phổ Ân là người kế thừa của Ngọc Chi Pháp Tụ thiền sư ở Thiên Trì Nguyệt Tuyền, Hồ Châu, trước khi xuất gia mang họ Kim, quê ở Sơn Âm. Phổ Ân thiền sư mười tuổi đã xuất gia, không rõ nguyên do, có thể là vì gia cảnh nghèo khó, cũng có thể là cơ duyên xảo hợp, chỉ biết ngài đã vứt bỏ hồng trần cuồn cuộn, tĩnh tọa bồ đoàn. Cũng không biết được rốt cuộc đời ngài dài ngắn bao nhiêu. Tóm lại, trước Phật đài, ngài đã tham ngộ thiền cơ, hiểu được hết thảy là không. Thực ra, sống và chết, đến và đi, chẳng qua chỉ trong một ý niệm, giống như chợp mắt dưới gốc bồ đề, hay như chiếc chuông gió dưới mái hiên, gió nổi thì khua, gió ngừng lại lặng.
"Thấy được tính là về nguồn cội, lại không huyền diệu để khoe khoang." Đôi câu thơ sáng tỏ ấy, đã để lại một khoảng trống lớn cho Phật pháp sâu xa. Trong mắt người đời, Phật học là cao thâm khó dò, xa khôn thể với, bởi vậy chúng sinh luôn thích luận bàn huyền diệu, mà chẳng hay mỗi mảnh vụn tầm thường đều là huyền diệu. Vạn vật trên đời đều có Phật tính, chỉ cần quay lại với tự nhiên, làm một bản thân chân thực, ắt có thể thấy được Phật tính của mình. Chẳng cần vứt bỏ đạo lý giản đơn mà tìm kiếm những huyền cơ mờ mịt, như vậy chỉ làm lạc mất bản tính, khiến bản thân rơi vào vực thẳm ảo ảnh mà thôi. Chúng ta luôn kiếm tìm thứ thuộc về mình mà chẳng biết rằng những gì ta sở hữu đã quá nhiều. Chúng ta cứ ngỡ rằng cuộc đời càng phức tạp thì càng ẩn giấu bí mật, chỉ chăm chăm vén mở bức màn hòng thấy được kết cục sau cùng. Song kết cục và khởi đầu, thì ra đều giản dị như nhau.
Đó gọi là một chiếc lá che mờ mắt, rõ ràng bạn đã qua sông bước lên bờ bên kia, song lại lầm tưởng rằng mình đang trầm luân ở bờ này. Bờ ở nơi nào, bờ ở ngay trong lòng ta, ngoảnh lại chẳng qua để nhìn rõ diện mục bản thân, không lạc lối giữa bể đời mênh mông nữa. Suy nghĩ cố chấp ắt sinh lầm lạc, suy nghĩ sáng suốt ắt chuyển chính giác. Sở dĩ con người ta thường không thấy được Phật tính bản thân là vì dục vọng và nghi hoặc quá nhiều. Vạn vật bày ra trước mắt, song chúng ta cứ tô thật nhiều màu sắc lên bối cảnh đơn sơ, che phủ hết khói bụi mịt mù. Ngỡ rằng như vậy có thể tăng thêm chút nội hàm thâm thúy cho mình, nhưng thường thì lại hoàn toàn phản tác dụng, còn khiến bản thân mệt lử. Bởi vậy mới nói, đau đớn, tội lỗi, mệt mỏi trên đời này đều là do bản thân tự chuốc lấy, chứ chẳng ai gán được lên người chúng ta cả.
"Rõ ràng một phiến chân như ấy, một niệm sai thôi đủ lạc đường." Nếu mỗi người chúng ta đều sống chân thực mà thanh đạm, thì bản tính thật sự cũng như Phật tính sẽ rõ ràng sáng tỏ, đâu cần phải sợ bụi bặm hoen ố. Giác ngộ và mê muội, thiện lương và ác độc, tinh khiết và ô uế, đều chỉ cách nhau một ý niệm mà thôi. Chỉ một ý niệm có thể độ hóa khổ ách, tu thành chính quả. Giữa cõi đời hỗn loạn này, chúng ta cứ coi lòng mình như gương sáng, phiền não nhiều tới đâu chăng nữa, trước tấm gương cũng chẳng thể soi ra bóng hình. Để bản thân làm một hạt bụi nhỏ, không câu nệ được mất, cùng hít thở sinh tồn với hết thảy phong cảnh thế gian, bình yên vô sự. Không hỏi đường đến, chẳng quản nẻo về, có lẽ sẽ rơi vào kẽ hở tháng năm, hoặc có lẽ vẫn luôn ở trên đường.
Tấm lòng trong sáng thanh tịnh nhường ấy, thực giống với bài hát "Thụy liên". Đóa sen dưới ánh trăng, từ từ vươn cao theo tiếng đàn, một mình an hưởng quãng thời gian thanh tĩnh. Biết bao bóng người phất phơ tay áo đi ngang, song nó không hề đem lòng vương vấn một cuộc tương phùng bèo nước nào. Chỉ có một mảnh hương lòng lặng lẽ chuyện trò cùng làn nước thanh mát. Thuật lại những câu chuyện giấu trong kiếp trước, chẳng để ai hay, cùng mối nhân quả giữa nó và hồ nước, niềm luyến tiếc với một lá thuyền con. Phù vân trôi nổi, mấy ngàn năm đã qua, khi gặp gỡ vẫn là bộ dạng ban sơ, tâm tình ngày cũ. Bởi thế, một đóa sen xanh, bất luận ở trong hay ngoài cõi thế, đều được người ta hết lòng yêu quý. Bởi sự thanh khiết của nó, có thể giúp người ta tránh khỏi hiểm nguy hiện thực không chút sứt mẻ, khiến chúng ta cảm thấy, luân hồi chính là cố chấp không hối như thế đó.
Núi cao chọc mây xanh, nước biếc trồng sen ngát, vạn vật trên đời quy nguyên bản tính, trầm tĩnh an nhiên. Dù đi hết ngày tháng thanh xuân đến lúc già nua, nếm trải vô hạn phong quang tới hồi hoang lương quạnh quẽ. Chỉ cần giữ lấy bản tính chân thực, cùng năm tháng tương tri như gương, cũng là một dạng an định. Một kẻ đã mất hết phồn hoa, một kẻ biết nghe lời phải, một kẻ cam nguyện bình đạm sẽ không gặng hỏi nhiều rằng vận mệnh rốt cuộc ẩn giấu bao nhiêu huyền cơ. Bởi họ đều hiểu rằng, cái gọi là huyền cơ chính là sự tồn tại chân thực trong sinh mệnh. Non có thề non, nước có tình nước, người có sứ mệnh của người. Trên nẻo đường đời, có lẽ sẽ chẳng có nhiều hơi ấm để chúng ta dựa vào mà sinh tồn. Song sẽ luôn có vài câu chuyện vụn vặt, mấy đoạn thời gian đơn thuần, đợi chúng ta đầu tư tình cảm, thu hoạch ký ức.
Trần thế bộn bề, giữa dòng người đông đúc, có ai chịu cúi xuống vì một nhành hoa ngọn cỏ, dừng bước vì một hạt bụi, cúi đầu vì một con sâu cái kiến? Có thể bằng lòng với hiện tại, kiên định giữ lấy mái nhà của mình, năm tháng của mình, đã là sự cảm ân sinh mệnh rồi. Cần gì phải suy tư xem người thế nào mới có thể khiến vầng dương đổi sắc, nước lặng chảy sâu. Hạnh phúc thực sự, là làm một đôi vợ chồng bình dị, sáng sớm lắng nghe tiếng gà gáy đầu tiên, đêm đến trong mộng thoảng nghe vài tiếng chó sủa.
Chẳng cần đo bờ đê cuộc đời rốt cuộc còn dài bao nhiêu, cũng như chẳng cần đoán con đường núi mùa thu này còn bao xa mới hết. Cuối cùng cũng đợi đến lúc được gặp gỡ lá rơi, dù chẳng có gì trong tay, cũng có thể đem hoàng hôn cho màn đêm, giữ thanh xuân lại cho ngày qua. Quên đi những gì đã trao ra, quên cả những gì còn thiếu nợ, sống cuộc sống trong sạch như nước, hết thảy đều không coi là quá muộn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...