Đề bức Túy Tăng đồ của nhà sư Trương Diêu
Được người cho rượu chẳng cần mua,
Suốt buổi cành thông ngoắc một vò.
Thảo thánh muốn thành cuồng lại phát,
Đáng đem họa bức Túy Tăng đồ.
Hoài Tố
Sớm đầu thu, khi làn gió còn se se lạnh, nhận được một bức thư pháp của người bạn gửi tới. Mở tờ giấy Tuyên ra, hai chữ "chính giác" đập ngay vào mắt, tựa hồ đôi chiếc lá lặng lẽ giữa mùa thu, rụng xuống cõi lòng mềm yếu. Vết mực còn tươi, mang theo mùi hương thanh tân dìu dịu, mỗi con chữ rõ rành, đều gửi gắm đầy thiền ý. Bất giác thời gian đã dừng lại tự khi nào, tôi nghĩ rằng, khi bạn viết ra những con chữ này, hẳn là lòng trong như nước, tỏ tường thấu triệt. Một người đã nếm đủ phong trần thế tục, hạ bút lại ung dung điềm tĩnh nhường này, thực khiến người ta kính phục. Tôi quyết định đem bức tranh chữ này đi bồi, rồi treo lên vách tường thanh khiết, hòng giữ lại quang âm thiền tĩnh.
Sực nhớ ra người bạn này là cư sĩ đã quy y, nên mới viết ra hai chữ "chính giác" trong đạo Phật. Chính giác là phép giác ngộ duyên khởi, chứng đắc giải thoát. Tiếc rằng thế tượng mênh mang, muốn thực sự giác ngộ quả rất khó. Dù là đóa sen mọc trước Phật đài, chỉ hấp thu Phạn âm kinh ngữ, dựa vào sự thanh khiết thoát tục của bản thân, cũng chưa chắc có thể giác ngộ triệt để. Có lẽ đối với mỗi người, giác ngộ lại có một hàm nghĩa khác nhau. Thấy hoa như thấy lá, thấy lá tựa thấy hoa, là giác ngộ; bình thản trước gặp gỡ, ung dung trước chia ly, là giác ngộ; uống một chén trà đậm mà như một cốc nước sôi, là giác ngộ; kể một câu chuyện đến hoàn toàn quên lãng, là giác ngộ.
Hai chữ "chính giác" khiến tôi nghĩ tới một nhà thư pháp kết duyên cùng Phật dưới thời Đường, chính là hòa thượng Hoài Tố. Hoài Tố, vốn họ Tiền, tự là Tàng Chân, là người Linh Lăng Hồ Nam. Lên mười tuổi, ngài đột ngột nảy ý muốn xuất gia, cha mẹ ngăn cản không được, đành để ngài xuống tóc làm hòa thượng. Hoài Tố mê rượu như cuồng, yêu thư như mạng, thư ở đây chính là thư pháp, thư pháp của Hoài Tố là loại thảo thư vang danh một thời trong lịch sử thư pháp, được gọi là cuồng thảo. Những ghi chép từ thời Đường về Hoài Tố rất nhiều: "vận bút thoăn thoắt, như mưa rào gió lốc, bay bướm xoay chuyển, biến hóa vạn kiểu, mà vẫn đủ phép tắc."
Bấy giờ trong thành Trường An có rất nhiều vương công danh sĩ muốn kết giao với vị cuồng tăng ấy. Nhiều người, để cầu được một bức cuồng thảo của ngài, biết ngài mê rượu, bèn mua rượu ngon đến khoản đãi. Hoài Tố uống rượu xong bắt đầu viết chữ, lại càng như gió táp mưa sa, tráng sĩ rút gươm, chim bay khỏi rừng, rắn chui bụi cỏ. Múa bút trên giấy như mây như khói, biến hóa vô cùng, chỗ kỳ diệu bên trong, chỉ người nào đạt đến cảnh giới nhất định về tâm linh mới có thể lĩnh hội. Tên tuổi Hoài Tố sánh ngang với một thư pháp gia chuyên về thảo thư khác thời Đường là Trương Húc, được gọi là "Trương điên Tố cuồng", hoặc "Trương điên Tố say".
Đọc một bài thơ của Hoài Tố, chỉ cảm thấy tiêu sái phi phàm. Như một người giữa bể mây vi vút tiếng thông reo, một tay cầm bầu rượu uống tràn, tay kia chấm mực viết điên cuồng, tựa hồ mây trôi muôn dạng, nước chảy ngàn dòng, kiếm múa hoa rơi, gảy đàn vãi nguyệt.
"Được người cho rượu chẳng cần mua,
Suốt buổi cành thông ngoắc một vò.
Thảo thánh muốn thành cuồng lại phát,
Đáng đem họa bức Túy Tăng đồ."
Trong hiện thực, Hoài Tố chính là một vị sư say, tuy xuất gia làm hòa thượng, nhưng dường như chưa hề ngồi thiền. Ngài tính tình phóng túng, trong đời chỉ xem trọng nhất bốn việc là uống rượu, ăn thịt, ngao du, viết chữ. Ngay cả ngủ nghỉ, cũng là sau khi uống say, tranh chữ của ngài, cũng được hoàn thành giữa cơn say khướt. Một vị hòa thượng, tu luyện đến cảnh giới ấy, khiến người ta cảm thấy thực không uổng kiếp này.
"Uống rượu để dưỡng tính, viết chữ để thỏa chí." Mỗi khi uống rượu vào, Hoài Tố lại cảm thấy mình là thần tiên phiêu diêu, bút trong tay cũng trở thành bút thần, có thể mặc sức vung múa, biến hóa vô cùng. Ngài ngộ được bao điều kỳ lạ từ mây, ngộ được sự tuyệt vời trong gió, nghe nước chảy ngộ được quanh co, nghe tiếng đàn ngộ ra thanh vận. Bởi vậy thư pháp của Hoài Tố hết sức tự nhiên, không cần trau chuốt, khiến người xem nguyện vứt bỏ tất cả để thỏa sức bơi lội giữa dòng thủy mặc phiêu diêu hư ảo ấy. Điều này khiến tôi nghĩ tới những đôi nam nữ yêu nhau trên thế gian, rõ ràng đã nói sẽ chung đường, nắm tay đến già, nhưng giữa đường, biết đâu lại có một người dễ dàng bỏ người kia lại, thậm chí ngay cả lý do cũng không có, cái cớ cũng chẳng cho, lời dối gạt cũng lười không nói. Có lẽ họ sẽ không vì một bức thư pháp mà vứt bỏ trần duyên, nhưng những dụ hoặc đầy rẫy trên cõi thế, có khi còn chẳng khiến người ta tạc dạ khó quên bằng một bức họa, một bài thơ, một khúc ca.
Thảo thư của hòa thượng Hoài Tố đã đạt đến cảnh giới vung bút lên tung hoành ngàn vạn tờ chỉ trong nháy mắt. Một nhà sư khổ hạnh, không mua nổi giấy, đành trồng cả vạn gốc chuối trên thửa đất hoang bên ngoài chùa. Hằng ngày lấy tàu chuối làm giấy tập viết, đông qua xuân lại, chưa từng gián đoạn. Đây chính là điển cố nổi tiếng, Hoài Tố viết trên lá chuối. Vì ngài sống trong một rừng chuối, nên gọi là "am Lục Thiên". Nơi ngài mài mực rửa bút hằng ngày, gọi là "suối Nghiên". Còn những ván những biển ngài viết hỏng, cùng rất nhiều bút ngài dùng đến gãy, đều được gom lại chôn chung, gọi là "mộ Bút". Từng chút từng chút cuộc đời của Hoài Tố, đều trở thành cố sự được người đời tấm tắc khen lạ, nhưng sự trường tồn của câu chuyện, xưa nay đều không dính dáng gì đến sinh mệnh. Bất kể ngài đã qua đời bao lâu, thì những câu chuyện đó vẫn như rượu ủ nhiều năm, càng lâu càng thơm ngát.
Rất nhiều bức thư pháp của Hoài Tố đều bị ngài đem đổi lấy rượu thịt hoặc trang trải cuộc sống. Một phần chết đi theo những kẻ sưu tầm, rồi bị chôn tại những nơi chúng ta không tìm thấy được. Nhưng bất luận ở đâu, hay thậm chí đã tan thành tro bụi, chúng ta vẫn tin chắc rằng, những con chữ mang theo cả linh hồn ấy đang ở ngay dưới chân mình.
Những thứ còn lưu lại được người đời trân trọng gìn giữ, có thể đem đổi lấy càng nhiều rượu thịt, chỉ là Hoài Tố không cần nữa, ngài tặng chúng cho năm tháng.
Một người không màng thanh danh và vinh quang, cố gắng hết sức che giấu bản thân, thậm chí còn trốn vào một góc ẩm thấp, mai một trong bùn đất tích tụ bao năm, nhưng hào quang của ngài vẫn không sao giấu được. Một giấc nghìn trùng, chúng ta chẳng cần cưỡi thớt ngựa thời gian rong ruổi về thời Đường ngày ấy làm chi. Bởi chúng ta chẳng cách nào tìm được tung tích của ngài, mà dẫu có tìm được, chung quy vẫn cách một tầng mây. Chi bằng làm một cánh sơn ca không sợ thu lạnh, xuyên qua sương khói mịt mù, đuổi mây đạp mộng, xem hết gấm vóc trên đời cùng vị sư lẻ loi ngoài cõi thế. Nếu trong và ngoài cõi thế chỉ cách nhau một giấc mộng, vậy thì bao cặp nam nữ không thể yêu nhau trên đời, ở trong cõi mộng có thể chẳng cần phân biệt đâu là người, đâu là ta chăng?
Chúng ta đều là du khách đi ngang hồng trần, lưng đeo tay nải đầy vị đời, nặng đến nỗi không cách nào đi thẳng. Dọc đường cứ hấp tấp khoác lên, đến ngày chia lìa, lại chẳng biết làm sao đặt xuống. Chúng ta luôn tự tìm lấy thật nhiều lý do và nguyên cớ, đổ lỗi hết thảy bi ai cho năm tháng. Đãi bôi hạnh phúc thực sự bằng những lời bịa đặt yếu ớt. Nói với người khác rằng, tình yêu của chúng ta, oán hận của chúng ta, khởi đầu và kết thúc của chúng ta, đều là thân bất do kỷ.
Tĩnh tâm lại, ngắm nhìn nét chữ thảo không theo khuôn phép của Hoài Tố, bèn thấy tất cả buồn thương và đau đớn, đều như cơn gió hôm qua. Kiểu chữ phóng khoáng hư ảo của ngài tựa như nước chảy mây trôi, không đi không đến. Dường như ngài đang nói với chúng ta rằng, tất cả vướng mắc dây dưa trên đời, bất luận nông sâu, ấm lạnh, khó dễ, giàu nghèo, chớp mắt đều là mây khói, cần gì phải cố chấp như thế, để ý nhường kia.
Giữa hồng trần mở một cánh cửa Bát Nhã, xách một hồ rượu, ngăn một áng mây lại, hắt mực, vung bút viết một bức thảo thư. Cứ vậy thì dù cho ta có già đi, những ân tình đã ban phát, những món nợ còn chưa trả trong quá khứ, có phải đều có thể một bút xóa sạch không?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...