[ÁO]
Vienna và mối tình của cô gái xứ Bavaria
TÔI ĐẶT CHÂN TỚI THỦ ĐÔ Vienna của nước Áo xinh đẹp, quê hương của thần đồng âm nhạc Mozart vào những ngày tháng Ba khi trời còn se lạnh. Anh bạn ở Sài Gòn nhắn tin sang dặn: “Thủ đô Vienna tuyệt lắm, có dòng sông Danube, những quán cà phê, những chiếc xe ngựa và điệu valse đầy quyến rũ. Nhớ ghé Nhà thờ Stephan em nhé, đó thức sự là một tuyệt tác đấy!” Tôi mỉm cười và bắt đầu chuyến hành trình thú vị của mình.
Đã từ lâu người ta biết đến Vienna không chỉ là thủ đô âm nhạc của thế giới mà còn là thành phố của kiến trúc với những tòa lâu đài tráng lệ và những công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất châu Âu. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tới Vienna là những chiếc xe ngựa chạy thong dong trên đường phố, lẫn đâu đó là tiếng xe điện và những chiếc xe hơi hiện đại. Vienna khoác lên mình vẻ đẹp của một thành phố cổ nhưng cũng rất trẻ trung và hiện đại.
Cung điện Schönbrunn
Tôi lang thang một mình trong cái lạnh của thành phố với tấm bản đồ trên tay, địa điểm đầu tiên tôi đặt chân đến là Cung điện Schönbrunn – một trong những cung điện được xây dựng theo kiến trúc Baroque[1] lớn và tráng lệ nhất ở Trung Âu, nơi có một khu vườn rộng lớn bao quanh và cũng là một trong những dinh thự quan trọng nhất ở Áo. Schönbrunn dịch ra tiếng Việt có nghĩa là một giếng nước đẹp, tên gọi này bắt nguồn từ một giếng phun nước để cung cấp cho triều đình. Cung điện này có một hồ nước rất đẹp và ở phía bên trên hồ là đồi Gloriette cao chừng 60m. Đứng ở đó, người ta có thể ngắm toàn bộ thành phố Vienna. Có lẽ không quá ngạc nhiên khi ngày nay nơi này trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Áo và cũng là nơi tổ chức các lễ hội quan trọng của người dân Vienna. Ban đầu, đây là nơi săn bắn cho các gia đình quý tộc của Đế quốc Áo, sau đó một cung điện đã được dựng lên nhưng phần lớn cung điện này chỉ là nơi nghỉ hè cho các bà quả phụ của Hoàng đế Ferdinand II. Đến khi Hoàng đến Franz Joseph I lên ngôi, ông mới chọn nơi này là nơi ở chính của mình, bởi thế nên khi dừng chân ở đây, người ta dễ dàng liên tưởng tới câu chuyện tình giữa Hoàng đế Franz Joseph I và cô gái 16 tuổi xứ Bavaria mang tên Elizabeth mà sau này nhiều người được biết đến qua bộ phim Hoàng hậu Sissi do nữ tài tử điện ảnh quá cố Romy Schneider thủ vai. Nàng Elizabeth xinh đẹp, quý phái này là một trong những người phụ nữ đẹp nhất châu Âu thế kỷ XIX, có điều bà chưa bao giờ yêu Vienna. Lúc nào bà cũng muốn thoát khỏi những ràng buộc của dòng họ Habsburg bởi bà cảm thấy cô độc khi ở nơi đây. Là một người yêu tự do, thích du lịch và khám phá, bà luôn tìm mọi cơ hội để thoát khỏi nơi “đè nén” cuộc đời bà, nhưng vì tình yêu dành cho Hoàng đế Franz Joseph I nên bà đã ở lại Vienna.
[1] Kiến trúc Baroque: Là thuật ngữ dùng để mô tả phong cách xây dựng của thời kì Baroque, Ý, bắt đầu vào cuối thế kỷ XVII, tận dụng những ngôn ngữ của kiến trúc Phục Hưng theo một cách thức mới, với sự vận động liên tục của những bức tường uốn lượn.
Lâu đài Hoàng gia
Lâu đài Hoàng Gia
Rời Cung điện, tôi tới Lâu đài Hoàng gia (Hofburg) – biểu tượng của nền di sản văn hóa Vienna – được xây dựng từ năm 1275. Toàn bộ các công trình của cung điện này nằm trên một diện tích khá rộng với những vườn hoa, đài phun nước và những tòa nhà dành cho Hoàng gia. Trước đây, Lâu đài Hofburg là Cung điện Mùa đông của hoàng tộc Áo nhưng hiện nay, nơi đây một phần đã trở thành Thư viện Quốc gia, một phần thành Bảo tàng dân tộc và một phần nữa thành phủ Tổng thống. Phía trước lâu đài có rất nhiều xe ngựa làm tôi liên tưởng đến cuộc sống ngày xưa ở Áo. Trong cung điện Hofburg là viện bảo tàng của Hoàng hậu Sissi và phòng ở của Hoàng đế. Vốn rất mê bà hoàng hậu của nước Áo nên khi tới đây tôi đã dành cả buổi chiều để ngắm nhìn mọi bức hình, đồ vật và tất cả những gì liên quan đến cuộc sống của bà thời xa xưa. Tôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào chính nơi bà từng sống…
Giữa trưa, ánh mặt trời len lỏi vào trong thành phố. Tôi hòa vào dòng người đi trên phố và bách bộ ra Heldenplatz (còn gọi là Quảng trường Anh hùng) – biểu tượng của sự thống nhất và độc lập của Áo. Đây là một quảng trường khá lớn, thu hút được rất nhiều khách du lịch. Quả là một nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tiềm ẩn của Vienna. Ngày trước, khi học lịch sử của Đức và Áo, tôi đã được nghe thầy giáo kể về Hoàng tử Eugène của xứ Savoie, người đã đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ để mang lại vinh quang cho nước Áo. Thế nên, khi đến Vienna, tôi đã muốn tới bằng được quảng trường này. Ngoài bức tượng của hoảng tử Eugène, trên quảng trường còn có bức tượng người anh hùng Archduke Karl đang cưỡi ngựa khoe chiến thắng của mình trong trận Aspern – Essling năm 1809.
Từ đây, người ta có thể đi xe buýt về hướng ga phía Đông để tới Cung điện Belvedere. Nếu như người ta đến Vienna và yêu thích Schönbrunn thì tôi lại thích Belvedere hơn. Tôi không lý giải được vì sao nhưng tôi thích cái cảm giác lang thang từ “cung điện trên” xuống “cung điện dưới”, thích ngồi bên chiếc ghế đá ngắm những chiếc vòi phun nước và những luống hoa đủ sắc màu. Thích đứng ở “cung điện trên” nhìn xuống “cung điện dưới” và có cảm giác như mình đang được ngắm một bức tranh thiên nhiên thơ mộng. Những bức tượng, vườn hoa được chăm tỉa rất kĩ lưỡng. Lác đác xung quanh là những bạn trẻ ngồi đọc sách, nghe nhạc và tận hưởng “vùng trời bình yên” của riêng họ.
Nói đến Vienna thì không thể không tới nhà Hundertwasserhaus do nghệ sỹ người Áo Friedenreich Hundertwasser thiết kế. Bởi đây không đơn thuần là một khu căn hộ mà là một tác phẩm nghệ thuật sinh động góp phần tôn vinh thêm vẻ đẹp cho thành phố vốn đã nổi tiếng về văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc như Vienna. Cũng như người ta không thể bỏ qua Stephandom với cái chóp cao chót vót và được người dân Áo gọi với cái tên trìu mến là “Steffl”. Với độ cao 137m, Stephandom cũng là thánh đường cao nhất ở châu Âu đồng thời cũng là biểu tượng của thủ đô Vienna. Tôi thích những buổi chiều khi nắng vừa tắt và những ánh đèn điện bắt đầu được bật lên, xung quanh là tiếng nhạc của người nghệ sĩ đường phố, là hò reo của những người đang đứng xem ảo thuật, là tiếng xuýt xoa của các em nhỏ khi nhìn những bức hình của những người họa sỹ vẽ “y như thật”, là những tiếng cười của những đôi tình nhân nắm chặt tay nhau. Dường như khi màn đêm bắt đầu buông xuống, xung quanh Stephandom là nơi lý tưởng để gặp gỡ, hẹn hò. Tự nhiên tôi ước giá như mình cũng có một người để… hẹn hò ở đấy, để học lại cách nắm tay một người, điều mà đã từ lâu rồi tôi không còn làm nữa.
Dọc theo con đường Ringstraße – nơi tập trung những địa danh nổi tiếng của thành phố như Tòa nhà Quốc hội, Lâu đài Hofburg, Bảo tàng Mỹ thuật, tôi lang thang trên những con đường, có rất nhiều nhạc sĩ đường phố với những bản nhạc không tên hoặc cũng có thể là những bản nhạc bất hủ của Mozart, của Strauss được vang lên. Đã từ lâu, Vienna được mệnh danh là chiếc nôi âm nhạc cổ điển của châu Âu, có lẽ vì thế nên tới đây, tôi cũng không quá ngạc nhiên khi thấy ngay cả trên những con hẻm nhỏ bé nhất ở Vienna, những điệu nhạc vẫn được vang lên. Ở nơi đây, người ta dễ dàng thấy những quán cà phê xinh đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch. Dường như đối với người dân Vienna, những quán cà phê ấy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Bước vào các quán cà phê, du khách như lạc vào một thế giới khác. Hình thức các quán cà phê cũng rất bắt mắt, những bức tường thường được chạm trổ rất kì công và trên trần nhà còn treo những chùm đèn pha lê lơ lửng.
Tới Vienna, người ta không thể không ghé thăm Nhà hát Vienna Opera House – một trong những nhà hát lớn và đẹp nhất thế giới được xây dựng từ năm 1861 tới năm 1869. Nhà hát này được mệnh danh là Trung tâm ca kịch của thế giới bởi công trình kiến trúc hùng vĩ mang phong cách La Mã này gồm sáu tầng với 1.600 chỗ ngồi, riêng tầng sáu có sức chứa hơn 500 khán giả. Mỗi năm, nhà hát có khoảng 300 buổi biểu diễn.
Trước khi đến Vienna, tôi tự nhủ là phải đến bằng được Naschmarkt – khu chợ lớn nhất của Vienna. Tôi đi từ đầu chợ tới cuối chợ và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ở đây cái gì cũng có, nhất là các món ăn, đặc biệt là pho mát và ô liu. Mùi thơm của các loại trái cây như mít, sầu riêng và cả mùi phở làm tôi nhớ đến những ngày còn ở Việt Nam. Khi đi hết con đường, tôi vòng lại và dừng chân ở một quán ăn Việt Nam, mùi bún bò Huế thơm lừng khiến tôi thấy mình đang sống những khoảnh khắc thật đặc biệt ở một nơi không phải quê hương mình.
Có lẽ đến với Vienna cũng là một cách để yêu và hiểu thêm về dòng sông Danube. Dòng sông dài thứ hai của châu Âu này khi tôi đặt chân tới này vẫn xanh và hiền hòa như tôi từng tưởng tượng. Mùa hè ở đây luôn tấp nập khách du lịch, những quán cà phê và nhà hàng mọc lên ở khắp nơi. Trên dòng sông, có rất nhiều đôi tình nhân rủ nhau đi chèo thuyền. Biết bao nhiêu người từng ao ước được ngắm dòng sông ấy một lần, còn tôi đứng giữa nơi này, chợt nhớ về câu chuyện tình đẹp và buồn của Sissi – người mà sau này từng nói rằng trở thành Hoàng hậu của nước Áo là điều bà vô cùng hối tiếc.
Tôi tới Vienna vào một buổi tối mùa đông se lạnh và rời Vienna vài ngày sau đó vào một sáng sớm tinh mơ buốt giá. Anh đưa tôi ra ga mà tôi thấy lòng mình trĩu nặng. Dù chưa một lần vào một quán cà phê để ngồi nghe những bản nhạc cổ điển, dù chưa ngồi lên xe ngựa để dạo quanh thành phố như người ta vẫn thường làm khi tới Vienna, nhưng kỉ niệm về thành phố này có lẽ sẽ còn đi theo tôi trên suốt những chặng đường phía trước.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...