Lữ Thuần Dương ngủ một mạch tới khi mặt trời đã lên cao mới dậy, hắn thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn qua nhà của nữ chủ nhân, nhưng chỉ nghe tiếng cuốc đất vọng lại từ phía sau nhà.
Hắn lồm cồm bò dậy, lần mò tới nơi phát ra tiếng động, thì ra Ngọc Ngân đang làm đất trồng rau.
Nhìn cô gái thôn quê xinh xắn bận rộn làm vườn khiến hắn cảm giác có chút thú vị, liền tiến lại gần hỏi thăm: “Cô đang trồng rau?”
Ngọc Ngân không đáp mà hỏi lại: “Đêm qua anh đi đâu à?”
Cái cửa ra vào bị rỉ sét, mỗi lần mở là kêu ken két ầm ĩ, muốn không đánh thức người khác cũng khó, có lẽ vì vậy mà nữ chủ nhân biết tối qua hắn ra ngoài.
Lữ Thuần Dương thấy chẳng có gì phải dấu, mà có muốn dấu cũng không được, nên đáp: “Đêm qua tôi đi về phía đỉnh dốc ngắm cảnh một lúc.”
“Khung cảnh ban đêm ở đó thế nào?”
“Chà, không biết nói thế nào, vừa có chút thi vị lại vừa có chút âm u rợn người, có điều… Cô có biết cái giếng ở bên kia chân dốc không?”
Ngọc Ngân vẫn đang xới đất, cứ quay lưng về phía hắn mà trò chuyện: “Đó gọi là Giếng Xương Trắng, thực chất nó chỉ là một cái giếng cạn.
Khoảng hai năm trở lại đây có dân trong thôn và cả khách vãng lai bị mất tích không rõ lý do, sau đó phát hiện trong giếng có xương người chồng chất, từ đó dân trong thôn tránh xa khu vực đó, chỉ có người lạ ở nơi khác tới không biết mới đến gần cái giếng đó thôi.
Đêm qua anh đến đó mà vẫn còn trở về được thì cũng lạ đấy.”
Lữ Thuần Dương gãi gãi cằm: “Chắc thịt tôi ăn không ngon nên cái giếng chê.”
Ngọc Ngân liếc hắn một cái rồi bảo: “Cái giếng đó vào ban ngày thì không nói, nhưng ban đêm thì nó chưa từng chê ai cả, trừ khi miếng thịt nó muốn ăn mà nuốt không trôi thôi.”
“Cô nghĩ là cái giếng ăn thịt người thật à?”
“Nó không ăn thì lấy đâu ra xương trắng chất đầy dưới giếng?”
“Sao cô không nghĩ tới có ai khác ăn xong rồi nhả xương xuống đó?”
Ngọc Ngân lúc này đã bắt đầu gieo hạt mầm xuống rồi lấp đất lên, nói tiếp: “Cái giếng xương trắng đó có phải tự nó ăn hay không thì tôi không biết, nhưng có một chỗ khác cũng có xương trắng mà biết rõ ai là kẻ nhả xương ra.”
Lữ Thuần Dương hiếu kỳ liền hỏi lại: “Đó là chỗ nào?”
“Muốn biết thì phụ tôi một tay.” Rồi cô quẳng cái cuốc qua cho hắn, chỉ về một phía: “Ra kia xới đất, nhổ hết đám cỏ đó lên.”
Hắn tuy sức dài vai rộng nhưng không quen động tác làm nông, nên đến tận buổi chiều mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngọc Ngân nhìn qua một lượt mảng đất trống mênh mông do hắn xới ra thì gật đầu: “Được rồi, anh nghỉ đi, lát nữa tôi đem cơm tối qua rồi kể cho anh nghe.”
Trời chập choạng tối, Ngọc Ngân dọn cơm ra cái bàn đá ngoài vườn, kê sát hàng rào giữa hai nhà rồi gọi Lữ Thuần Dương ra ăn chung.
Cô vừa ăn vừa kể: “Cái dốc mà anh đi tối hôm qua gọi là Dốc Người Chết, bởi đa số những ai dám vượt qua bên kia con dốc vào ban đêm thì hầu như đều không trở về.
Dân địa phương ở đây rất cố kỵ khu vực đó nên bình thường chẳng ai dám bén mảng tới, họa hoằn lắm vào ban ngày mới có người dám đi qua bên đó.
Lữ Thuần Dương ngạc nhiên: “Đã biết là nơi đó nguy hiểm như vậy sao còn qua đó làm gì?”
“Bởi vì bên đó, đi thêm một chút vào bìa rừng sẽ có một loại quả có hình dáng giống con gà, gọi là quả Kê Tử.
Thứ quả này có vị ngọt thanh, mùi lại thơm, ăn vào khiến người ta cảm giác khỏe khoắn, sung mãn, ở chợ thị trấn người ta săn lùng thứ quả này rất nhiều, đem ra bao nhiêu bán cũng không đủ.
Hơn nữa dường như chỉ vào ban đêm thì mới có nguy hiểm, nên vào ban ngày cũng có một ít những kẻ liều mạng băng qua dốc, vào rừng hái quả đem ra chợ bán, kiếm tiền cũng không ít.
Nghe nói ông chủ nhà trọ Phụng Lai ngày trước cũng nhờ một lá gan không sợ chết, kiếm tiền nhờ loại quả này mà phát tài rồi mở ra được cái nhà trọ to nhất vùng này.”
“Cũng thú vị đấy, nhưng ngoài cái Giếng Xương Trắng ra thì còn gì khác nguy hiểm nữa?”
“Vấn đề ở chỗ từng có người kể rằng, bắt đầu chập choạng tối, từ đâu xuất hiện một đám người đốt lửa nướng thịt, nhảy múa.
Người kể lại đó đi chung với hai người bạn khác, cả ba mải mê hái quả mà không để ý trời đã sập tối từ lúc nào, đột nhiên đám người kia xuất hiện, cả ba bị kéo vào cùng nhảy múa mà không cách gì thoát ra được.
Giữa chừng, người đó cảm thấy đau bụng nên chạy đi một khoảng xa để xử lý, nhưng không phải đi một lượt mà tới vài ba lượt, sau đó người ấy mệt quá, lăn ra đất ngủ thiếp đi.
Không ngờ ngủ luôn đến gần sáng nghe tiếng gà gáy mới dậy, tìm đường quay lại chỗ cũ thì không thấy hai người bạn kia đâu, chỉ thấy còn lại hai bộ xương dính chút máu thịt, như kiểu đã bị thứ gì đó ăn tươi nuốt sống.
Từ đó người ấy không dám quay lại bên kia con dốc đó nữa, mà cũng chỉ sống thêm được dăm bữa nửa tháng rồi đau bệnh mà chết.
Thêm nữa, trước đây những ai đi qua đó đều nghe tiếng gà gáy rất nhiều, sau chuyện xảy ra, dân ở đây gọi khu rừng thưa đó là Rừng Gà Gáy.”
“Hồi nãy cô bảo biết rõ ai là kẻ vứt xương ra, không lẽ là…”
“Phải, có lời đồn rằng đám người nhảy múa đó là lũ gà thành tinh hóa thành, dụ dỗ người khác nhảy múa rồi mổ thịt người ta ăn cho đến chết, chỉ còn trơ lại xương.”
Lữ Thuần Dương giả vờ so vai rụt cổ: “Ôi, nghe sợ nhỉ.”
Ngọc Ngân nhướn mắt: “Nếu sợ thì cứ ở nhà là được rồi.”
Nghe nữ chủ nhà xinh đẹp nói vậy thì Lữ Thuần Dương cười hì hì: “Nhưng thôi, cứ thử đi một chuyến kiếm con gà quay ăn vậy, hai bữa nay chỉ ăn rau với cỏ mãi.”
Ngọc Ngân sừng sộ: “Hừ, cho anh ăn cỏ hồi nào, toàn là rau tôi tự trồng và đậu hũ nhà tự làm không thôi đấy nhé.”
Ăn xong bữa cơm, Ngọc Ngân vào nhà, cầm ra một cái hình nhân hình chim bồ câu, đưa cho Lữ Thuần Dương: “Giữ lấy, nếu lúc nguy cấp thì tìm cách cắt tay nhỏ một giọt máu lên nó, nó sẽ bay về đây báo cho tôi biết địa điểm của anh.”
“Rồi cô sẽ chạy đến cứu tôi?”
“Tôi thì làm được gì, chỉ có thể qua sáng mai đi nhặt xương của anh về lo hậu sự cho trọn vẹn.”
Lữ Thuần Dương cười ha hả, cầm lấy con bồ câu cất vào trong áo rồi về nhà xách theo thanh kiếm bọc vải dày, lấy thêm một ít đồ trong ba lô, cứ thế bước thẳng ra khỏi nhà, hướng về phía con dốc mà đi tới.
Đêm nay trăng vẫn sáng như đêm qua, Lữ Thuần Dương leo lên đỉnh dốc rồi lại đi xuống dốc.
Ngang qua cái giếng, hắn đưa mắt nhìn thử, không còn ai ở đó, cũng chẳng có giọng hát nào nữa.
Hắn không dừng lại, tiếp tục tiến nhanh tới trước.
Đến một ngã ba, hắn thấy có cái miếu hoang không rõ là thờ ai, bát hương trơ trọi không có nổi một chân nhang.
Nhớ đến câu “Kính quỷ thần, nhi viễn chi” hắn lấy trong người ra một miếng trầm nhỏ, đốt lên, cắm vào trong bát hương rồi khấn vái:
“Không rõ vị nào ngự ở miếu này, tôi chỉ là kẻ qua đường, hữu duyên mà gặp, dâng nén trầm tỏ thành ý, chút sương khói ấm áp lòng người, thế gian đỡ một phần cô quạnh.”
Đại ý câu nói của tiền nhân nghĩa là dặn dò hậu thế rằng cho dù là người không tin vào quỷ thần, nhưng khi gặp phải những gì không thuộc dương gian, hãy cứ giữ tâm thế thành kính mà đối đãi.
Đừng vì nghĩ rằng bản thân là kẻ vô thần mà tỏ sự khinh bỉ quỷ thần, dễ rước họa vào thân.
Sau này dân gian rút gọn lại thành câu “Kính nhi viễn chi” là có nguồn gốc như vậy.
Từ ngã ba, hắn rẽ trái theo lời Ngọc Ngân hướng dẫn, đi mãi rồi cũng đến khu rừng thưa.
Loanh quanh một lúc hắn thấy có bụi cây lớn, quả trên cành phản chiếu ánh trăng bóng loáng, hắn tò mò hái xuống xem thử.
Loại quả này có hình dáng tựa con gà, có mùi thơm, đoán rằng đây là quả Kê Tử nên cắn thử một miếng, quả nhiên có vị ngọt thanh rất dễ chịu.
Ăn hết một quả, hắn thấy trong người có một nguồn lực dâng trào lạ thường, hèn gì thứ quả này đem ra chợ bán bao nhiêu cũng không đủ.
Hắn nghĩ thầm, đã có quả Kê Tử ở đây thì bọn người nhảy múa chắc cũng không xa.
Nghĩ thế hắn tiếp tục rảo bước tới trước, bỗng nhiên từ đâu đó phía xa, hắn nghe có tiếng trống văng vẳng, có nhịp có điệu: “Tùng – tạch – tùng – tạch – tạch.”
Hắn lần theo về phía phát ra tiếng trống, âm thanh ngày càng rõ, khi tới một khoảng cách đủ gần, hắn ngồi sụp xuống, núp sau một lùm cây quan sát.
Đám đông trước mặt có khoảng hai mươi người, chỉ vài kẻ ngồi dưới đất gõ trống, số còn lại đều quây thành một hình tròn xung quanh đống lửa lớn, một tảng thịt to không rõ là của loài vật nào đang được nướng trên ngọn lửa, mỡ nhỏ xuống xèo xèo, toát ra mùi thơm lừng nức mũi.
Khung cảnh này giống như một cảnh đốt lửa trại nướng thịt thông thường, điều khác thường duy nhất là trang phục của bọn họ.
Ai nấy đều mặc một bộ đồ sặc sỡ, lòe loẹt, mỗi bộ đồ như được tạo nên từ hàng trăm sợi lông gia cầm đủ màu sắc đính lại với nhau.
Các sợi lông phẩy lên phẩy xuống theo mỗi bước nhảy của bọn họ.
Đám người vừa nhảy vừa kêu những âm thanh gì đó mà Lữ Thuần Dương không nghe ra được là thứ tiếng gì, cũng không nghe rõ là họ đang hát hay đang đọc một thứ thần chú hay lời cầu nguyện gì.
Nhưng cho dù là gì thì bọn họ đều đang tập trung một cách rất nghiêm túc.
Ngồi yên quan sát một lúc, Lữ Thuần Dương thấy bọn họ không làm gì khác ngoài việc cứ nhảy vòng quanh đống lửa và kêu những tiếng quái dị thì cũng thấy chán, liền đứng lên lững thững bước ra khỏi lùm cây, tiến về phía đám người.
Đám người dường như không quan tâm đến sự xuất hiện của Lữ Thuần Dương, vẫn tiếp tục nhảy múa.
Hắn tiến đến gần một lão già đang ngồi gõ trống, chậm rãi ngồi xuống bên cạnh.
Lão già vẫn say mê đập tay vào mặt trống thành nhịp điệu đều đặn, không thèm liếc kẻ mới đến lấy một cái.
Ngồi một lúc, Lữ Thuần Dương lại thấy chán liền cắm thanh kiếm bọc vải đứng thẳng trên mặt đất rồi nhập bọn với đám người đang nhảy.
Một cảm giác rất lạ xuất hiện, lúc ở ngoài thì trông có vẻ bình thường, không ngờ vừa nhập vào trong vòng tròn thì Lữ Thuần Dương cảm giác mình đang di chuyển với một tốc độ rất nhanh, gió lướt vù vù qua mặt, tay chân tự động múa theo đúng động tác với đám người còn lại.
Lúc thì dang rộng hai tay đặt lên vai hai người hai bên, lúc thì khép hai tay chỉa thẳng lên trời, lúc lại quỳ rạp trên nền đất nhảy chồm hổm, lúc thì hai tay khép nách, vẫy vẫy cùi chỏ như con gà vỗ cánh.
Lữ Thuần Dương hoàn toàn không thuộc điệu nhảy của họ, nhưng giờ đây mọi cử chỉ, mọi động tác, mọi nhịp điệu đều hoàn toàn ăn khớp cùng nhau.
Miệng hắn cũng há ra kêu thứ tiếng kỳ lạ tương tự, âm sắc trầm bổng hòa cùng âm hưởng của đám người.
Trong đầu hắn còn tự dưng sản sinh ra một thứ đam mê nhảy múa, không muốn dừng lại, chỉ muốn nhảy mãi, nhảy mãi cho đến chết mà thôi.
Người ngoài nhìn vào còn tưởng rằng hắn là một vũ công thực thụ.
Cả người Lữ Thuần Dương cứ thế quay cuồng theo nhịp điệu của tiếng trống, thần trí dần mê man.
Trong chút ý thức còn sót lại, hắn đã kịp hiểu ra nguyên nhân cái chết của những nạn nhân khác.
Kẻ nào lỡ chân lạc bước vào điệu nhảy này sẽ không thể tự dừng lại mà thoát ra được, cuối cùng kiệt sức mà chết, nằm trơ trọi giơ thân mình ra cho lũ gà tinh mặc sức mổ rỉa.
Tuy biết là vậy, nhưng hiện tại bản thân hắn cũng đang trong tình huống tương tự, muốn tự thân thoát ra khỏi trận pháp mê hoặc này là không dễ, còn cứ để dây dưa kéo dài tiếp, e rằng hắn sẽ là bữa tối tiếp theo cho lũ gà này.
Không còn cách nào khác, tranh thủ lúc thần trí vẫn còn sót lại một chút tỉnh táo, hắn cắn đầu chót lưỡi phun ra một ngụm máu, cất tiếng gọi lớn: “Sát Đế!”
Máu của hắn vốn là thuần dương cương huyết, mà trên cơ thể, máu ở đầu chót lưỡi của mỗi người là thứ máu cương dương mạnh mẽ nhất, có thể tạm thời phá vỡ mê hoặc của tà vật, đồng thời trong thoáng chốc có thể phát xung ra nguồn kình lực mạnh mẽ.
Lữ Thuần Dương đã tận dụng khoảnh khắc phát xung kình lực này, cất tiếng gọi thanh kiếm của hắn.
Thanh kiếm đang được cắm thẳng trên mặt đất, gần với lão già ngồi gõ trống, có tên gọi “Sát Đế”, vốn là một trong năm Thượng Cổ Thần Kiếm, ngoài uy lực trừ tà diệt yêu vô cùng mạnh mẽ thì còn đặc tính thông linh với chủ nhân.
Nghe tiếng gọi chứa đầy kình lực mạnh mẽ từ Lữ Thuần Dương, thanh kiếm trở nên rung động tại chỗ, ngày càng mạnh hơn, cuối cùng kiếm rút ra khỏi bao, bay về phía Lữ Thuần Dương.
Bình thường thì hắn có thể giơ tay chụp lấy bảo kiếm của mình, nhưng nay cả hai tay hắn đang bận múa may quay cuồng, máu chót lưỡi chỉ có thể thức tỉnh thần trí trong thoáng chốc chứ không thể cứu hắn thoát hẳn khỏi thế trận mê hoặc, bàn tay hắn lúc này đang thoăn thoắt ngửa ra lật vào một cách mềm mại, hoàn toàn không nằm trong sự khống chế của hắn.
Bởi vậy khi Sát Đế bay tới, chuôi kiếm cứ thế tông thẳng vào trán hắn một cái “Cốp”.
Cú đập khiến hắn choáng váng, nhưng nhờ vậy thức tỉnh tâm trí của hắn phần nào, cả cơ thể tạm thời thoát ra khỏi sự khống chế, tay hắn trở lại trong sự kiểm soát của bản thân.
Hắn giơ tay lên chụp lấy chuôi kiếm, nhủ thầm: “May mà cây kiếm không bay tới bằng cái đầu nhọn của nó.”
Chưa kịp mừng thì hắn thấy cơ thể có dấu hiệu bị hút theo trận pháp nhảy múa trở lại, hắn lẩm bẩm: “Một lần là quá đủ rồi.” Đoạn nhún người nhảy lên cao, xoay chuôi kiếm trong tay nửa vòng cho mũi kiếm hướng về mặt đất, tụ lực đâm mạnh mũi kiếm xuống, xuất ra một chiêu thức trong bộ kiếm pháp của gia tộc: “Thiên Kình Ngự”.
Chiêu “Thiên Kình Ngự” này dùng kiếm ý mạnh mẽ để triệu hồi kiếm ảnh là một thanh kiếm khổng lồ đỏ rực như máu, loang loáng hồng quang, từ trên cao cắm thẳng xuống mặt đất.
Kình lực của chiêu này nện xuống một vùng đất hình tròn rộng xung quanh người Lữ Thuần Dương, đánh bay tất cả mọi thứ trong tầm tác động.
Lũ người nhảy múa lập tức bị hất văng tung tóe, kẻ văng lên cây nằm vắt vẻo, kẻ văng ra xa nằm bẹp dí, tiếng trống cũng ngưng bặt, lá cây bay lả tả như có một trận gió lớn vừa quét qua.
Lữ Thuần Dương ngồi bệt xuống đất, thở dốc.
Nhìn thanh kiếm trong tay, hắn cất giọng mắng mỏ: “Bà nội ngươi, lần sau cẩn thận hơn nha.”
Thanh kiếm rung lắc nhẹ mấy cái rồi thôi.
Hắn nhìn một vòng, quanh hắn là mấy chục con gà, con nào con nấy đều lông cánh sặc sỡ, lũ gà này vừa bắt hắn nhảy múa mệt bở cả hơi tai.
Hắn tiện tay tóm lấy con gà gần nhất, định quẳng vào đống lửa làm món gà nướng thì con gà to nhất, lông dài nhất hóa thành hình người, chính là lão già ngồi gõ trống, đứng khóm lưng, chắp tay thi lễ:
“Đại hiệp, xin tha mạng.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...