5.Chuyện chúng mình
Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn thân mến,
Khi câu chuyện của tôi được đăng trong quyển “Sống đẹp”, tôi không thể tưởng tượng nổi có ngày mình sẽ nhận được nhiều thư đến thế; đó là thư của những bạn thanh thiếu niên đang gặp phải những hoàn cảnh tương tự như tôi. Thật buồn cười là khi viết câu chuyện đó, tôi cứ tưởng chỉ có mỗi mình tôi phải chịu đựng nỗi buồn khi phải chia tay với một người bạn. Nhưng sau khi đọc thư của các bạn, tôi đã nhận ra rằng, ai cũng có lúc phải gặp những thay đổi, và cũng có lúc phải chia tay một người bạn thân thiết, dù rằng chẳng dễ dàng gì khi phải chịu đựng nỗi cô đơn khủng khiếp ấy. Rất nhiều bạn trẻ tuổi mới lớn từ khắp mọi miền trên thế giới (vâng, đúng là mọi miền trên thế giới đấy!) đã bộc bạch như thế trong các lá thư. Thật tuyệt vời khi biết rằng một câu chuyện đơn giản trong quyển sách lại có thể gợi nhiều cảm hứng để các bạn viết những lời tâm sự chân thành với tôi như thế.
Như đã nói, tôi đã nhận được hàng trăm lá thư của các bạn trẻ từ những đất nước xa xôi như Ấn Đ và Indonesia, rồi Nam Carolina và Canada. Mỗi bức thư đều làm tôi vô cùng xúc động, cảm kích, vì tôi cảm thấy mình được các bạn thấu hiểu; hầu như các bức thư đều viết rằng chuyện của tôi cũng rất giống với chuyện mà các bạn ấy đã từng trải qua.
“Mình đã đọc câu chuyện của bạn trong cuốn ‘Sống đẹp’ và mình rất xúc động, có lẽ là vì mình có thể hiểu được bạn!”
“Tôi thật sự rất thích câu chuyện của bạn vì tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như bạn rồi.” Jessica.
Tôi vẫn thường băn khoăn không biết một câu chuyện phải viết như thế nào thì mới được chọn đăng trong Sống đẹp. Cuối cùng tôi nghĩ tốt hơn hết là hãy viết những gì mà người đọc có thể tìm thấy chính bóng dáng họ trong đó, hãy kể một câu chuyện mà khi đọc xong, họ sẽ ngồi lại và nói, “Sao giống hệt như chuyện của mình vậy nhỉ?”
Dù đã đọc hết những lá thư ấy, nhưng tiếc là tôi không có đủ thời gian để trả lời cho tất cả các bạn. Ai cũng có chuyện để kể, và bài học mà tôi nhận được cũng nhiều hơn hẳn so với những gì tôi đã chia sẻ với các bạn. Có những bạn trẻ cần được giúp đỡ, nhưng cũng có bạn thì chỉ cần một lời khuyên. Thế nên bài học quan trọng nhất mà tôi nhận được chính là giá trị lớn lao của việc sẻ chia kinh nghiệm của mình. Ai trong chúng ta chẳng có lúc phải đối mặt với khó khăn, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải học cho được cách vượt qua chúng.
Tôi trân trọng hết thảy những bức thư mà tôi đã nhận được. Qua những bức tâm thư ấy, các bạn đã trở thành những người bạn thật sự của tôi. Chính các bạn đã giúp cho tôi nhận ra được rằng tình bạn thật quý giáao. Trong cuộc đời, có người rồi sẽ ra đi, nhưng cũng lại có nhiều người khác bước vào trái tim mình và ở lại đó. Đấy chính là cảm hứng của tôi. Xin cảm ơn các bạn đã cho tôi cảm hứng ấy. Sau đây là một trong những bức thư đã có tác động sâu sắc đối với tôi.
Thân ái,
Alicia M. Boxler
Alicia mến,
Mình tên là Carlise Richards. Mình đã đọc câu chuyện có tựa của bạn trong cuốn “Sống đẹp” và mình rất xúc động; có lẽ là vì mình có thể hiểu được bạn! Cô bạn Maria của mình có bạn trai, vì thế hai đứa mình đã nghỉ chơi với nhau. Phải trải lòng ra như thế này thật ngại quá, nhưng mình cảm thấy bạn là người duy nhất có thể hiểu được mình.
Mình đoán là ở mặt nào đó mình đã ghen tỵ với Maria vì bạn ấy có bạn trai, còn mình thì không. Thế là hết những cuộc trò chuyện, hết những lúc vui đùa bên nhau. Ý mình là cứ hễ hai đứa có dịp đi mua sắm hay uống nước với nhau thì y như rằng Maria chỉ toàn nói về anh bạn Ivan. Mình cũng có những người bạn khác, và mình bắt đầu đi chơi với nhóm bạn thiếu niên ở nhà thờ, nhưng tất cả đều không thể thay thế vị trí của Maria trong lòng mình. Mình là học sinh lớp mười hai, còn Maria mới học lớp mười một. Mình không phải là một đứa ích kỷ, nhưng mình muốn năm nay phải tràn đầy niềm vui, thắm thiết tình bạn và ngập tràn kỷ niệm. Hơn nữa, sau khi ra trường, mình không muốn phải nhớ đến những kỷ niệm tồi tệ.
Đêm đêm, trước khi ngủ, mình vẫn thường nghĩ, nếu như có bạn trai, hẳn mình sẽ không còn cảm thấy cô đơn như thế này nữa. Nhưng rồi mình lại nhận ra, rằng có bạn trai cũng không giải quyết được tất cả. Mình cứ tự hỏi, tại sao Maria không nhận thấy là bọn con trai chỉ đến rồi đi, còn bạn bè sẽ mãi luôn bên nhau? Mình muốn luôn được ở bên bạn ấy, nhưng ai sẽ ở bên cạnh mình đây?
Mình rất vui khi bạn ấy hạnh phúc, nhưng mình lại cảm thấy như mình đã mất đi một người bạn thân thiết. Mình viết lá thư này chỉ vì chuyện của bạn đã chạm đến nỗi buồn của mình, và mình mong được chia sẻ tâm sự của mình với bạn.
Thân ái,
Carlise Michelle Richards
6.Những bài học vô giá
Tôi cho rằng, thành tựu lớn nhất không phải lúc nào cũng là phần thưởng hay giải thưởng. Thành tựu lớn nhất của tôi chính là bài học vô giá về tâm hồn con người. Phần thưởng nào rồi cũng sẽ tàn phai, giải thưởng nào rồi cũng có lúc mất đi vòng hào quang, nhưng những bài học thì mãi mãi vẫn còn là những bài học.
Leslie Herrel
Sống đẹp thân mến,
Không phải cuốn sách nào cũng giúp chúng ta nhìn thấu được tâm hồn của chính mình. Thế mà những cuốn sách của các bạn lại làm được điều đó, chúng đã giúp tôi tự đánh giá được bản thân mình. Tôi vẫn thường băn khoăn không biết mình thuộc loại người thích bình phẩm những người không giống mình, hay thuộc tuýp người có thể nhìn thấy ưu điểm ở những người chung quanhCuộc sống của tôi chưa bao giờ hoàn hảo cả. Tôi không phải là người được nhiều người yêu mến và thường bị các bạn trêu chọc, đem ra làm trò cười. Trong tâm hồn tôi lúc ấy, nhiều vết thương dù đã thành sẹo nhưng vẫn còn làm tôi đau đớn. Tôi ghét những đứa hay hành hạ tôi và tôi thề sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng. Nhưng giá như tôi thực hiện được nguyên tắc vàng “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” thì tốt biết mấy. Trái lại, tôi đã đi hành hạ những người kém may mắn hơn mình. Tôi còn nhớ hồi học cấp hai, có một bạn trai trong lớp đã là con nhà nghèo mà còn mắc bệnh béo phì và tật nói ngọng. Vì thế, bạn ấy luôn là trò giải trí của chúng tôi. Sau này khi lên cấp ba, tôi ý thức được những gì mình đã làm và không thể nào tha thứ cho bản thân được. Tôi ước chi mình đã đứng lên bênh vực người bạn ấy, nhưng tôi không thể trở về quá khứ để thay đổi những khuyết điểm của mình được, nên tôi cứ ân hận mãi.
Tôi rất yêu thích những quyển sách của các bạn, vì tôi đã học được rất nhiều điều từ đó. Tôi đã học được bài học về sự cảm thông mà dường như trước nay tôi vẫn còn thiếu; tôi cũng học được cách yêu, cách sống và trải nghiệm những nỗi buồn đau thật sự.
Tôi đã học được rằng, mỗi người đều có tài năng riêng của mình, và dù mọi việc có tồi tệ đến đâu chăng nữa thì cũng không đáng để bạn phải từ bỏ cuộc sống của mình. Tôi cũng vậy, tôi cũng có những người yêu thương mình và có những người sẽ thật sự nhớ mình. Tôi biết rằng ba mẹ tôi cũng đã từng trải qua những gì tôi đang gặp phải, đã từng nhìn thấy những gì tôi đang thấy, và biết rõ tôi cần gì. Hơn hết thảy, tôi học được rằng, tôi không hoàn hảo, và cũng chẳng có ai hoàn hảo cả. Những đứa con trai từng chọc ghẹo tôi, giờ đây tôi đã tha thứ cho chúng. Tôi tin chắc rằng chúng cũng sẽ thay đổi và đều sẽ trưởng thành. Dù chúng đã gây nhiều tổn thương cho tôi, nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã tha thứ cho chúng. Tôi hy vọng cậu bạn mà tôi đã từng hành hạ hồi học phổ thông giờ đây cũng đã trưởng thành, đủ để tha thứ cho tôi.
Những quyển sách của các bạn chứa đựng những niềm vui và cả thất bại, là bài học về sự trưởng thành từ những sai lầm của người khác. Các bạn biết không, tôi đã sống tốt hơn nhờ chính những bài học trong trang sách của các bạn đấy.
Thân mến,
Michele Fiorentini
7.Lau sạch lớp sương mù
Sống đẹp thân mến,
Một tối nọ, khi đang ngồi trong bồn tắm và đọc chương nói về tình bạn trong cuốn Sống đẹp, tôi đã bắt gặp một câu chuyện nói về bạn bè và những người thân trong gia đình, về cách họ xích lại gần nhau trong những thời khắc khủng hoảng.Không biết sao câu chuyện ấy đã thật sự tác động sâu sắc đến tôi. Khi bước ra khỏi bồn tắm, bất chợt tôi nhận thấy toàn bộ những bức tranh treo trên tường đã bị một màn hơi nước nóng dày đặc phủ mờ. Lúc đó tôi chợt nhận ra rằng, bấy lâu nay tôi đang ẩn sau một lớp sương mù để cố sức che giấu cuộc đời mình.
Gia đình và cuộc sống của tôi có rất nhiều chuyện tồi tệ. Bố mẹ tôi vừa mới ly dị, và mẹ tôi (sống cùng với tôi) đã trở nên suy sụp, lúc nào cũng buồn khổ và khóc lóc. Việc mẹ hay khóc lóc thở than ở chốn công cộng khiến cho tôi thấy xấu hổ. Thế là tôi đã làm những gì mà tôi nghĩ là một người bình thường nên làm: tôi giấu biến hết mọi thứ và làm như thể chẳng có gì xảy ra. Bà ngoại và ông nội tôi đều mắc bệnh ung thư. Ông ngoại tôi cũng mất vì căn bệnh ung thư khi mẹ tôi chỉ mới mười hai tuổi. Và giờ đây lại phải trải qua những giờ phút khó khăn ấy một lần nữa khi bà ngoại tôi sắp qua đời.
Ở trường, tôi không muốn ai biết chuyện gì đã xảy ra với mình, cho đến một ngày tôi bật khóc giữa lớp. Thầy giáo biết ngay là tôi cần có ai đó để bày tỏ nỗi lòng, thế là thầy liền bảo một trong những người bạn tốt của tôi đưa tôi ra ngoài nói chuyện. Hai đứa tôi đã ngồi đó và khóc một hồi cho đến khi bảo được nhau là cả hai sẽ cùng nhau vượt qua điều này. (Bạn ấy cũng đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn).
Những lúc ở nhà, tôi chẳng biết phải làm gì cả. Tôi có rất nhiều bạn, và tôi muốn ra ngoài đi chơi, nhưng tôi cũng muốn ở nhà để mẹ biết rằng bên mẹ vẫn còn có tôi. Dù vậy, tôi thật sự không thích nhìn cảnh mẹ cứ sướt mướt, sụt sịt oán than suốt cả ngày. Hễ khi nào mẹ khóc là tôi lại để em tôi ngồi với mẹ và bảo em cố gắngan ủi mẹ.
Rồi đến tối hôm ấy, trong phòng tắm, khi đang lau lớp hơi nước phủ mờ những bức ảnh, tôi nhận thấy cuộc đời mình cũng phải sáng rõ như thế. Tôi nên lau sạch lớp hơi nước phủ mờ cuộc đời mình bằng cách nói cho mọi người biết tôi đang nghĩ gì. Tôi phải cố gắng ở bên gia đình, đặc biệt là trong những lúc nguy khốn. Tôi hiểu ra tất cả những điều này là nhờ đọc những cuốn sách của các bạn đấy.
Thân mến,
Katte Ecker
8.Lời tha thứ dịu dàng
Đối với tôi, nếu bị phản bội là cảm giác tồi tệ nhất, thì được thứ tha có lẽ là cảm giác không gì tuyệt vời bằng.
Rae B. Ramos
Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn thân mến,
Chúng ta đã từng nghe nhiều chuyện không hay về tuổi mới lớn, và chắc chắn đấy là lứa tuổi khiến cho tất cả chúng ta luôn phải lo lắng. Nhưng chúng ta cũng cần phải truyền đi những tin tức tốt lành nữa, và tôi cho rằng những điều viết dưới đây thật sự là một tin tốt lành.
Là hiệu phó một trường trung học nhiều năm liền, tôi có nhiều kinh nghiệm đánh giá tính cách con người và chẳng có điều gì làm tôi ngạc nhiên cả, cho đến khi tôi biết một em học sinh có giọng nói dịu dàng tên là Stephanie. Một ngày nọ, Stephanie bước vào phòng làm việc của tôi, nước mắt lưng tròng, báo rằng cái ví để trong balô của em đã bị ai đó lấy cắp trong giờ Hoá. Các bạn cùng lớp của Stephanie mách rằng đã nhìn thấy một bạn trong lớp tên là Dustin “chôm” cái ví của em và chuồn ra một phòng vệ sinh gần đó. Nhưng đến lúc đội an ninh của trường đến phòng vệ sinh đó thì chỉ tìm được cái ví rỗng không.
Khi tôi cho gọi Dustin đến văn phòng của mình, cậu bé thừa nhận đã lấy cái ví đem đến phòng vệ sinh và có nhìn vào cái ví ấy. Tuy nhiên, cậu lại không nhận là đã lấy cắp tiền, mặc dù rõ ràng là cái ví ấy đã được tìm thấy chính tại cái nơi mà cậu đã khai. Tôi bảo Dustin rằng vì cậu đã lấy cái ví nên giờ đây cậu có trách nhiệm phải trả lại những gì có trong ví. Tôi cho Dustin thời hạn một tuần để đem tiền đến trả, bằng không tôi sẽ đình chỉ việc học của cậu vì tội cắp, và tội này, chiếu theo luật của trường, cũng có nghĩa là cậu sẽ bị đuổi khỏi đội điền kinh.
Tôi cố gọi cho cha của Dustin suốt buổi chiều hôm đó, nhưng đường dây luôn bị bận. Mãi đến bảy giờ tối tôi mới gặp được ông và báo cho ông biết về sự việc này. Ông cam đoan với tôi rằng Dustin sẽ trả lại tiền.
Một tuần trôi qua, lại một lần nữa Stephanie đứng khép nép ở lối vào phòng tôi. Với đôi mắt và nụ cười buồn buồn, em báo với tôi rằng Dustin vẫn chưa trả lại tiền cho em. Tôi lại gọi điện cho cha của Dustin, và lần này điện thoại không bận nữa. Tôi thật sửng sốt khi nghe thấy một giọng nói khác, rõ ràng người cha này không phải là người tuần trước đã nói chuyện với tôi. Tôi giải thích thật nhanh vụ lấy trộm cái ví, và kể cho ông ấy biết tôi đã cho Dustin cơ hội giữ thể diện bằng cách trả lại tiền cho người bị mất. Nhưng Dustin không chỉ bỏ qua cơ hội này mà cậu còn phạm một tội nặng hơn khi dám mạo danh cha mình trả lời điện thoại và không cho cha biết sự thật. Cha Dustin nói rằng ông không xem thường chuyện này, và còn cam đoan sẽ đích thân đưa Dustin đến gặp Stephanie và tôi sau khi nhà trường hủy bỏ quyết định đình chỉ học tập.
Trong lúc ngồi chờ Stephanie đến văn phòng của tôi, cha của Dustin đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của cậu. Hai năm về trước, Dustin sống với mẹ ở Los Angeles cho đến khi bà ấy không thể chịu đựng nổi bản tính hung hãn của thằng bé. Thế là cậu chuyển đến Sacramento sống với người cha có chủ trương phải giáo dục con bằng kỷ luật sắt. Nhưng Dustin rất khó điều chỉnh lối sống của mình, y như ông bố, một người đàn ông đơn thân làm việc nuôi con. Cha Dustin đồng tình và khen ngợi cách giáo dục của tôi, đó là tìm cách trò chuyện với Dustin thay vì trừng phạt bằng đòn roi như hồi ông học ở trường trung học tại Washington, D.C. Ông thổ lộ rằng, ngày ấy, nếu như ông có hành động ăn cắp như Dustin bây giờ, chắc chắn ông sẽ bị đưa đến phòng cải tạo thanh thiếu niên và lập tức bị nhốt ngay.
Khi Stephanie đến, Dustin vẫn kh> tay trước ngực nhưng không ngớt ngọ ngoạy trên ghế. Cha Dustin tự giới thiệu mình với Stephanie và thay mặt Dustin xin lỗi cô bé. Gương mặt Dustin vẫn chẳng biểu lộ chút cảm xúc nào, mắt cứ chăm chăm nhìn vào một bức tranh treo trên tường trong phòng tôi. Sau một lúc lâu im lặng, cha Dustin nhắc con nói vài lời với Stephanie, “Dustin, con không có gì để nói sao?” Dustin nhún vai nhưng vẫn ngồi im, mắt gườm gườm nhìn cha. Đôi lông mày ông bất giác cau lại. Ông rít qua kẽ răng, “Nói gì đi, Dustin! Nói!” Dustin đi về phía Stephanie, miễn cưỡng trao cho cô bé một cái bì thư dán kín và lầu bầu, “Tôi xin lỗi vì đã lấy ví của bạn. Tiền của bạn đây.” Stephanie nhìn Dustin, đôi mắt nâu mở to và dịu dàng nói, “Mình tha thứ cho bạn!”
Dustin đờ người ra, nhìn chăm chăm Stephanie như không tin vào tai mình. Cậu chớp chớp mắt và nhăn mặt như thể có một tia sáng bất ngờ chiếu vào mặt mình.
Sau khi cả hai quay về lớp, cha của Dustin ngồi lại nói chuyện với tôi. Ông cho tôi biết gần đây ông có đưa Dustin đến một bác sĩ tâm lý để chữa trị tận gốc các vấn đề về hành vi của cậu. Lúc Dustin lên tám, có đôi lần cậu bị chấn thương tâm lý, và giờ đây bác sĩ đã khám phá ra rằng, phương pháp tư vấn có thể giúp Dustin loại bỏ được khuynh hướng tự hủy hoại và lấy lại lòng tự trọng của cậu. Tôi nói với cha Dustin rằng tôi rất mừng khi được biết ông đang tìm bác sĩ chuyên môn điều trị cho con trai ông, và hứa sẽ giữ liên lạc với ông nếu như có vấn đề gì khác nảy sinh.Nhưng những vấn đề khác ấy chẳng bao giờ nảy sinh cả.
Dustin vẫn ở trong đội điền kinh, học tập mỗi ngày mỗi giỏi hơn và chưa bao giờ phải đến văn phòng của tôi thêm lần nào nữa. Qua nhiều đợt tư vấn, ccũng đã có thể chấp nhận và thậm chí còn biết yêu bản thân nữa. Chính Stephanie đã giúp Dustin làm được điều đó. Bằng cách tha thứ cho Dustin, Stephanie đã dạy cậu cách tha thứ cho bản thân. Tôi thường hay nghĩ về Stephanie, nhìn bề ngoài, cô bé trông như một đóa hoa mỏng manh mà chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng có thể làm rụng những cánh hoa yếu ớt ấy. Nhưng em đã “đánh lừa” tôi. Tâm hồn em, nơi thật sự quan trọng, đã ngầm dùng trí khôn, sức mạnh và sự dũng cảm để giúp bạn mình thay đổi cuộc đời. Laurence Sterne có lần đã viết, “Chỉ có lòng dũng cảm mới biết cách thứ tha.” Một Stephanie rụt rè, nhỏ nhẹ hoá ra lại là người dũng cảm nhất!
Cám ơn rất nhiều,
Jennifer Martin
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...