Dạt Vòm

Chương 11
Tôi vừa nộp bài thi học kỳ. Mọi việc ổn thoả. Thế nhưng ẩn ngay phía sau sự ổn thoả ấy, lại là trạng thái khó chịu. Hệt như khi người ta mặc trên người một cái áo ướt, dấp dính trên da, lạnh giá nhưng không sao thoát ra được. Thời gian rảnh, đám bạn trong lớp la cà quán xá, tụ tập tán dóc hoặc ngồi co ro trong các phòng máy tính. Bỗng dưng, những điều bình thường đó lại khiến tôi cáu kỉnh phát điên lên. Bên trong tôi, luôn có một thứ gì đấy như đã nứt vỡ, sắp bung toác ra. Thỉnh thoảng, trong lúc vẽ bài trên lớp, tôi lại cãi vã với một ai đó, toàn các nguyên cớ không đâu. Có lần, một cậu bạn ba hoa về sex và bọn con gái bằng mớ ngôn từ nhố nhăng, tôi lao đến túm chặt cổ áo, toan nện đầu cậu ta vào bức vách. Thế nhưng khi nhìn cái đầu thất thần trong hai bàn tay nổi giận của mình, tôi lại chán nản khôn tả. Tôi quay lưng bỏ đi trong tiếng càu nhàu chửi bới với theo từ nạn nhân. Tụi bạn nhìn tôi ái ngại. Hầu hết đều nghĩ tình trạng không bình thường của tôi, bắt đầu từ khi rời bỏ ngôi nhà đầy đủ tiện nghi để lao vào cuộc sống bấp bênh vô định, đang ngày càng trầm trọng. Tốt nhất là im lặng. Không cần thiết chia sẻ với những người hời hợt chung quanh. Họ sẽ diễn giải vấn đề của tôi theo những cách kỳ dị và chỉ khiến tôi thấy mình thêm lạc lõng. 
Một lần nữa, tôi lại cần tiền khủng khiếp. Công việc buổi tối ở phòng thiết kế đủ sống. Tuy nhiên giờ đây, tôi muốn kiếm được nhiều hơn. Tôi không sao chịu đựng nổi mỗi khi đi cùng nhau, muốn làm cho Châu vui, tôi lại phải tính toán như một kẻ keo kiệt khốn kiếp. Vậy đấy, tiền bạc chẳng làm cho người ta tử tế gì mấy. Nhưng ít nhất, nó cũng cho anh chút ít tự tin và tự do thực hiện vài điều cần thiết. Tranh thủ mọi buổi sáng rảnh rỗi, tôi lại chạy xe ôm. Các khu phố mùa đông đầy ắp người hay hoàn toàn yên tĩnh. Những mái nhà cũ kỹ ướt át mưa hay các cao ốc mới tinh phản chiếu mặt trời mùa đông. Rồi nhóm người cười nói xôn xao phóng vút đi trên các xe máy đắt tiền sẽ được nối tiếp bởi những người buồn bã ủ dột đi bộ trên hè phố... Cứ thế, từng chút một, các mảnh nhọn của thế giới bên ngoài len lỏi đâm vào da thịt tôi. Những ý nghĩ buồn bã làm cuộc sống xám màu đi, như đợt nước biển tàn nhẫn nhấn chìm tôi xuống. Rồi tôi lại trồi lên. Dù sao đi nữa thì vẫn phải tin những điều tốt lành. Có thể ít ỏi. Có thể chưa gặp. Nhưng chúng vẫn vẫn hiện diện đâu đó trong cuộc đời này. Tôi không nên u ám nặng nề nữa 
Đôi lần tôi lạc đường chạy lòng vòng hoặc chở khách đi quá địa chỉ cần đến. Họ gắt gỏng ầm lên. Khi trả tiền, họ nhìn tôi hoang mang, đầy bực bội. Mấy lúc như vậy, tôi chẳng còn hơi sức đâu để biện minh hay tranh cãi. Ừ, suy cho cùng, thật sâu xa, thật ra tôi làm tất cả những điều này đâu chỉ vì tiền. Công việc bận rộn là một rào chắn tốt nhất ngăn cách tôi với thực tế buồn rầu đến kinh hãi mỗi khi tôi thốt nghĩ về Châu. Cuộc sống tôi đang đối diện ngoài kia là thế. Tình yêu giấu kín trong tôi là thế. Chừng như các sự kiện không sao hoà nhập nổi vào nhau. Tôi mắc kẹt ở giữa. Và tôi không cho phép mình thất bại. Nếu tôi để lộ nỗi tuyệt vọng, dù chỉ là một mảy may, mọi thứ tốt đẹp cuối cùng mà tôi đang gắng gỏi dựng lên quanh Châu sẽ sụp xuống, vỡ tan hết cả. 

Châu chuyển sang giai đoạn điều trị ngoại trú. Gia đình cô nhóc thoạt tiên hẳn đã chết khiếp khi biết mối quan hệ của cô con gái yêu quý với một tên xe ôm nhếch nhác như tôi. Có phen họ đuổi tôi biến đi thẳng cánh. Nhưng rồi dần dần họ cũng phải quen những buổi sáng tôi đến trước nhà, kiên nhẫn ngồi lì trên yên xe bên ngoài cánh cổng lớn, đón Châu, đưa cô nhóc đến bệnh viện. Có lần, họ còn mời tôi vào nhà. Một phòng khách với những cái ghế bọc da mềm mại. Đồ đạc tiện nghi sáng bóng. Nhạc hoà tấu rỉ ra từ cái loa nào đó giấu kín. Cốc cà phê sữa toả khói trên bàn, nước đọng trên thành ly như những con mắt tò mò, đầy chế nhạo. Bỗng dưng tôi chán ngấy cái bầu không khí này. Khác nào ngôi nhà tôi đã rời đi. Mọi thứ đều đẹp đẽ hoàn hảo. Các đồ đạc đều gợi nên cảm giác đầy đủ ấp áp. Nhưng thật ra bên trong là gì chứ? Các thành viên trong nhà đều bận rộn đuổi theo các mục đích riêng. Chẳng ai còn đủ thời gian để quan tâm đến nhau thực thụ. Ngay cả khi một thành viên đau ốm, bất hạnh, thì sự chia sẻ duy nhất mà người thân có thể thực hiện là chu cấp tiền bạc, vài lời hỏi han, những động viên chẳng đâu vào đâu. "Mọi thứ rồi sẽ tốt lên", "Đừng đánh mất hy vọng!". Ai cũng thừa sức phun ra những cây nói như thế, với nụ cười kẻ cả. Nhưng cứ thử đặt mình vào tình thế ấy xem. Tốt lên ở chỗ nào chứ nếu mỗi ngày ta gầy rộc đi, tóc rụng nhiều hơn? Hy vọng vào đâu khi mỗi hơi thở còn cảm thấy là sự may mắn, cuộc sống cứ co hẹp lại không thể cưỡng chống, chẳng còn biết bám víu chắc chắn vào thứ gì cả? Tôi nhổ toẹt vào những biểu lộ ngọt ngào nhưng che giấu sự ích kỷ vô tâm. Tôi chẳng ốm đau gì, thế mà giai đoạn trước khi bỏ nhà đi, tôi đã chán ghét tất tật mọi thứ. Đến nỗi tôi giam mình cả tháng trời trong phòng, vùi đầu đọc hàng đống sách, lang thang trên net, rúc vào mọi xó xỉnh, chui vào các chat room bắt chuyện linh tinh với hết thảy mọi kẻ không quen biết mà chẳng để làm gì... Tôi sẽ như thế mãi, sẽ phát điên hoặc chết mục, nếu không sớm rời nhà ra đi. Tình thế của Châu còn tệ hơn tôi nhiều. Biết vậy, nên bất kể chuyện gì xảy ra, những người sang trọng trong nhà cô có coi rẻ tôi, thiếu thốn và vất vả, nhất định tôi chẳng bỏ cuộc. Tôi chỉ biết một điều duy nhất, là lúc này đây, tôi cần cho người yêu của tôi hơn bao giờ hết. 
Đầu tuần vừa rồi, ông kiến trúc sư ở phòng thiết kế, nơi tôi làm thêm, đưa cho tôi một cặp vé xem kịch. Tôi từ chối phắt. Tâm trí đâu mà kịch cọt nữa chứ. Ông kiến trúc sư đã trố mắt nhìn tôi như quái vật: "Thế hệ chú mày chẳng biết hưởng thụ văn hoá gì sất!". Phải lúc khác, tôi sẽ ngoác mồm chứng minh cho ông ta rõ văn hoá nằm ở khối nơi khác, đâu chỉ ẩn náu trong mấy vở kịch hay vài buổi trình diễn nhạc cổ điển. Khối kẻ chui vào nhà hát chỉ để cười hềnh hệch hay ngủ gà ngủ gật, chẳng thu lượm nổi tí ti văn hoá nào. Nhưng lúc ấy, tranh cãi chẳng để làm gì cả. Tối khuya, gọi điện thoại cho Châu, tôi thử nói với cô về vở kịch. Tôi đã sợ cô nhóc sẽ cười phá lên, nghĩ tôi chỉ là một gã nhảm nhí hạng nặng. Thế nhưng, bất ngờ làm sao, Châu vui mừng kỳ lạ. Cô hỏi mãi không ngớt nội dung vở diễn. Tôi đành trộn lẫn Sherk với siêu phẩm Titanic. Nếu không tính đến việc con gái vẫn ưa thích những câu chuyện uỷ mị kiểu Titanic, thì tôi chỉ cải biên phim bộ phim hoạt hình 3D ưa thích mà thôi. 
Tối thứ bảy, tôi được nghỉ làm việc. Từ chiều, tôi đã mượn phòng tắm của bà chủ nhà, tắm nước nóng sạch sẽ. Trước đó, tôi còn là ủi cẩn thận bộ cánh bảnh nhất, tức là bộ quần áo cất dưới đáy ba-lô, chỉ dành những dịp nghiêm trọng, không đem ra dùng khi chạy long rong xe ôm. Tắm xong, mặc quần áo vào người, tôi thoáng sững lại. Cái quần jeans Levi's hồi nào tôi mặc thật vừa giờ đây rút lên trên mắt cá. Chiếc áo pull mềm mặc trong cũng ngắn lên, lơ lửng ngang thắt lưng. Chỉ có chemise mặc ngoài còn khả dĩ, rộng lùng thùng nên chẳng phát hiện được gì. Ngồi thừ trên mí giường, tôi chợt hiểu tôi vẫn đang lớn lên. Bàng hoàng. Ừ, nếu người khác, hẳn họ sẽ vui lắm. Còn tôi, tôi chỉ biết nhìn vào sự thật là tôi còn cao hơn, sẽ trở thành người trưởng thành thực thụ, sống tiếp cuộc đời này. Trong khi đó, Châu chấm dứt. Cô mãi mãi là một cô gái bé thơ, không chia sẻ với tôi bao điều tốt lành phía trước nữa. Ý nghĩ ập đến, với tất cả sức mạnh đau đớn của nó, biến thành cú đấm choáng váng, làm tôi ngã sấp trên giường. Điện thoại cô nhóc gọi, nhắc tôi đừng đến đón muộn. Tôi dắt xe ra đường. Bộ quần áo ngắn lỗi mốt, đôi giày cũ không đủ ấm chẳng làm tôi bận tâm nữa. Tất cả mọi thứ chỉ là lớp vỏ, bọc kín nỗi cay đắng buồn thảm. Mà tôi nói rồi. Tôi không để Châu đoán ra ý nghĩ bi quan cất giấu bên trong tôi đâu. 

Nghe tiếng xe tôi, cô nhóc hiện ra ngay từ sau cánh cổng. Tôi há hốc miệng. Chúa ơi! Dù hàng trăm lần tôi biết cô nhóc rất đáng yêu, nhưng chưa bao giờ tôi nhận ra cô còn hơn thế nữa. Dùng chữ gì nhỉ? Một cô gái đặc biệt ư? Nghe rất thường. Nhưng làm sao nói hết được vẻ kỳ diệu của cô ấy, trong cái áo hở vai màu trắng và chiếc khăn len to xanh nhạt quấn quanh cổ trùm xuống cánh tay, trên đôi giày cao gót có chiếc nơ lấp lánh trong bóng tối, và nhất là mái đầu nhỏ xinh, tóc xơ xác bay tung trước gió vào lúc này cơ chứ? Tôi im thít như một anh ngốc, chở Châu đi trên đường, rồi cùng vào khán phòng. Khối cặp mặt nhìn theo hai chúng tôi, chế nhạo hay ghen tị. Nhưng tôi mặc kệ đấy. Có một lúc, tôi len lén cầm bàn tay Châu nữa cơ, bàn tay mềm, ấm áp tin cậy khi đặt vào lòng tay tôi có những vết chai sần. Tôi siết nhẹ bàn tay yêu thương. Cứ thế, thời gian trôi qua. 
Vở kịch ra sao tôi cũng chẳng rõ. Chắc là chẳng tệ. Các diễn viên nổi tiếng. Tiếng la hét thất thanh. Tiếng khóc nức nở. Tiếng cười vang động. Rất nhiều câu pha trò ngốc nghếch xen lẫn những câu triết lý cao xa. Châu cười thành tiếng, vui vẻ. Nhưng có khi cô lặng thinh. Mấy lúc như thế, tôi hoảng sợ ngoảnh sang, ngỡ cô đã biến mất. Cô nhóc ngước nhìn tôi, mỉm cười, đôi mắt lấp lánh, sáng trong, trìu mến. Lúc tan vở, mọi người chen nhau đi về phía cửa. Tôi nắm nhẹ khuỷu tay Châu, nép vào bên lối đi, chờ vãn. 
Bất thần, một người lao về phía chúng tôi. Một gã cao lớn, ăn mặc sành điệu. Nhìn cái áo khoác xám khói da mềm gã vắt hờ bên tay thì biết. Gã vươm cổ về phía trước, như một con công khoan thai, hài lòng với bộ cánh đẹp đẽ, luôn ngầm bảo với thiên hạ xung quanh rằng hãy ngắm ta đi, hãy khâm phục ta đi! Chẳng buồn liếc qua tôi, gã bảnh choẹ ấy bất thần vồ lấy cô nhóc, đúng cách của một con công đỏm dáng vồ lấy con gà bông yếu ớt: 

- 100 năm rồi anh mới gặp em đấy, Châu à! - Giọng gã mới du dương làm sao. Cách ví von nghe hay ho gớm. Những ngón tay của gã dài khác thường, trắng bệch. 
- Ôi, anh Bảo! - Cô nhóc cũng reo lên - Anh vẫn học bên nhạc viện chứ? 
- Tất nhiên. Làm sao khác được. Tuần tới anh có buổi diễn với dàn nhạc đấy. Em có muốn đến xem không? 
- Cho em hai vé nhé! - Cô nhóc đề nghị. 

- Vé gì chứ? - Bây giờ thì con công liếc nhìn qua tôi. Đôi mắt sắc lẻm chẳng buồn che giấu tia nhìn giễu cợt khi soi thẳng vào ống quần jeans ngắn hở cả đôi tất mỏng nhăn nhó của tôi. Gã ngước nhìn Châu, cười khoe hàm răng sáng bóng - Tốt nhất là anh ghé qua nhà, đón em và dẫn vào chỗ khách mời đặc biệt. 
Cô nhóc mỉm cười, bàn tay vẫn nắm nhẹ tay tôi. Cả hai nói chuyện về các đĩa nhạc, về những kẻ xa lạ nào đó đang ở khắp nơi trên thế giới. Thỉnh thoảng, giữa câu chuyện, một trong hai người lại cười thành tiếng, đầy vui thích. Mọi thứ hoàn toàn xa cách với tôi, một gã sinh viên quèn. Một tên hoạ viên nghèo khổ. Một tên xe ôm khốn đốn kiếm từng đồng cắc một. Thốt nhiên, tôi thấy trọn vẹn sự lố bịch của mình. Quá đủ rồi. Rút nhẹ tay khỏi tay Châu, tôi rảo bước ra ngoài nhà hát. Gió mát lạnh. Tôi đi thẳng ra bãi gửi xe. Rồi như một tên điên, tôi rồ ga, lao vào bóng tối phía trước.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui