Chương 3
Dáng vẻ thất thểu của tôi hẳn trông rất khiếp. Một ông trung niên, khi dắt xe ra từ ngôi nhà có bức tường tôi đang dựa lưng, đã thắng két lại, yêu cầu tôi biến đi cho khuất mắt. Vẻ mặt ông ta giận dữ trông mới ghê gớm làm sao. Hệt như tôi sắp sửa đánh cướp ngôi nhà của ông ta chứ chẳng phải chỉ là đứng nhờ một lúc. Chẳng ai dám tin ai, chẳng ai chịu khó nương nhẹ với người khác làm gì. Hình như là thế. Ông trung niên chạy xe chầm chậm, ngoái cổ ra sau nhìn, xem tôi thật sự biến đi chưa. Đành vậy. Không nên chiến đấu vô lối với kẻ mạnh làm gì, nhất là khi hắn ta đầy lợi thế: Ở gần nhà, và có một chiếc xe máy to đùng như một con bò mộng, có thể lao thẳng vào nghiền nát tôi ra như bụi trong gió.
Tôi rời khỏi bức tường, lếch thếch đi vài bước. Sực nhớ cái mobile nhét túi phụ phía ngoài ba-lô. Màn hình trống trơn. Lướt mắt qua những cái nick của đám bạn vẫn tụ tập, tôi tìm một ai đó khả dĩ liên lạc. Những cái tên lướt qua, không thể dừng lại. Phải chăng, vào lúc trống trải nhất, người ta mới phát hiện ra lâu nay sống trong tình thế lơ lửng, với những mối liên hệ hời hợt, và sự chia sẻ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thử nhấn tên thằng bạn hay tán gẫu. Nó không nhấc máy. Một đứa nữa. Chuông đổ dài, như mãi mãi chỉ kêu như thế.
Hôm nay thứ hai, ngày trình bản vẽ giữa học kỳ. Giờ này, mấy thằng bạn cận thị học gạo của tôi căng thẳng vây quanh anh trợ giảng, nuốt ừng ực các hướng dẫn lê thê, rối tinh rối mù và thật ra đâu có hữu ích gì mấy. Ngay học kỳ đầu tiên, tôi đã phát hiện việc máy móc tuân theo chỉ bảo cặn kẽ của giảng viên là cách mau lẹ nhất tiêu huỷ mọi thử nghiệm khoái trá lẽ ra sẽ tìm được trong các bài tập. Mấy thằng bạn tôi đâu có ngốc. Ra quán cóc gần trường mà xem. Đứa nào cũng than vãn chán ghét những bài làm khuôn mẫu. Nhưng cuối cùng, không đứa nào dám bỏ phí thời gian mầy mò, rồi còn nhận phải nhận điểm số không ra gì. Nói chung là ai cũng biết. Nhưng rồi ai cũng vui mừng vì mình không hành động dại dột. Chê bai cười cợt, ra vẻ ta đây biết tuốt, bộc lộ lòng công phẫn với những điều bất hợp lý thì dễ. Tuy nhiên đâu có ai dám chấp nhận đánh cuộc sự an toàn của chính mình... Ồ, mà tôi cũng không nên mỉa mai đám bạn. Thật ra tôi có khác gì chúng nó đâu.
Cuối danh bạ, có tên của Xuyên. Chưa lần nào tôi nói chuyện tử tế với cậu ta quá ba câu. Ở lớp Xuyên thuộc nhóm khác, hoặc chính xác hơn, cậu ta không chơi với ai cả. Chẳng nhớ tôi lưu số cậu ta trong trường hợp nào. Tôi bấm hú họa. Tức khắc Xuyên nhấc máy. Không ngạc nhiên mảy may. Không huyên thuyên dài dòng. Tôi đọc địa chỉ nơi tôi đang đứng. Đúng 20 phút sau lời hứa, cậu ta có mặt trên chiếc xe tay ga đời mới đen bóng. Xuyên chở tôi đi, cũng không nói gì cả.
Thang máy lao vút lên tầng 7, êm ru. Đứng trong cái thùng sắt sáng lóa, sang trọng một cách đáng e ngại, bỗng dưng tôi hoàn toàn mất tự tin. Xuyên im lặng. Có một lúc rất nhanh, cậu ta liếc nhìn tôi qua tấm gương lớn. "Huy ăn sáng chưa?" - Cuối cùng cậu ta cũng nói điều gì đấy. Tôi chẳng giấu diếm: "Nếu có gì ăn lúc thì thật tốt!". "Điều này thì không khó khăn!" - Xuyên mỉm cười bằng mắt, tia nhìn hiền dịu.
Hành lang các dãy căn hộ cao cấp không một hạt bụi. Kể ra cũng hơi bất ngờ khi Xuyên sống ở khu vực này. Tôi chẳng biết gì nhiều về cậu ta ngoài việc Xuyên lớn hơn mấy đứa trong lớp một vài tuổi. Nhà cậu ta ở tỉnh. Nhưng khác với những thằng bạn sống xa nhà, chịu thiếu thốn và trong đầu luôn âm vang từ "tiết kiệm", Xuyên sống khá thoải mái. Cậu ta dùng thẻ ATM, thường xuyên đổi mobile loại mới nhất. Trong lớp, bài vẽ của Xuyên nổi bật lên bởi lối vẽ tỉ mẩn trau chuốt. Thậm chí, đôi khi nhìn chúng, tôi bực bội. Cảm giác giống như lúc này đây, khi tôi nhìn đôi giày trắng tinh, mũi vểnh lên mà cậu ta đang đi dưới chân. Ồ, chỉ là cảm giác thoáng qua thôi! Tôi cũng đâu có tử tế gì. Thế mà toàn cáu kỉnh với đủ thứ vặt vãnh.
Căn hộ ba phòng, sàn lót gỗ. Phòng khách có một cái TV to tướng và một ô cửa sổ to không kém. Đứng từ đấy, tôi nhìn thấy dòng sông phía Đông thành phố. Một dòng sông màu xám bạc, với những chiếc thuyền bé xíu, trầm nâu, trôi lặng lờ. Gần hơn, ngay dưới tầm mắt, các vòm cây cổ thụ căng phồng, như sắp vỡ bùng ra thành vô số đám khói hình nấm. Ô tô và xe máy nối nhau lao vun vút trên đường, hệt như các mô hình đồ chơi... "Này, nhà của cậu thật tuyệt!" - Tôi nói to với Xuyên đang lúi húi trong bếp. Cậu ta ngẩng đầu, nhìn ra: "Căn hộ này không phải nhà của tôi đâu!". Tôi thoáng bối rối: "Cậu thuê à? Chắc là đắt lắm. Chỗ tớ ở trọ là cái nhà kho vứt đi, thế mà cũng 600 ngàn một tháng rồi". Xuyên không trả lời, chăm chú nấu nướng trong bếp. Tôi ngắm qua vài khung tranh treo tường. Hộp xúp Campbell -phiên bản bức pop art nổi tiếng của Warhol, vài khung kính lồng các bản vẽ thiết kế phái siêu cấu trúc của kiến trúc sư Maki. Tất cả đều tinh tươm và sáng bóng. Bất giác, tôi nhận ra ở góc khung kính bức pop art, gắn một bức ảnh nhỏ. Một gia đình, đứng trước rẫy cà phê. Phải chăm chú, tôi mới phát hiện ra Xuyên. Cậu ta trắng trẻo hơn so với mấy đứa em đi chân đất, vẻ mặt bối rối của người lần đầu đứng trước ống kính. Xuyên mang mì xào và thức ăn ra phòng khách. Cậu ta nhìn lướt qua tôi, giải thích: "Ẳnh chụp lâu rồi. Trước khi tôi xuống thành phố thi đại học. Đã mấy năm nay, tôi không về nhà..."
Chúng tôi ngồi trên sàn gỗ. Tôi ăn thật ngon miệng. Xuyên lấy trong tủ lạnh chai bia, mở cho tôi. Cậu ta uống nước lạnh. Vừa ăn, tôi vừa kể cho cậu ta nghe vụ mất sạch tiền trên xe bus, diễn tả gương mặt bà chủ nhà trọ tàn nhẫn tống cổ tôi đi. Xuyên hỏi:
- Tại sao Huy quyết định nhảy ra ở trọ trong khi có thể bấu chặt gia đình?
- Vài chuyện rắc rối của ba mẹ khiến tớ đau đầu. Bà chị tớ thì cư xử không giống người bình thường. Mà này, để bắt đầu một quyết định nào đó, bao giờ cũng cần vài lý do lọt tai, phải không? Thật sự, tớ nghĩ đến việc sống tự lập từ lâu và phải thực hiện ngay trước khi kẹt cứng trong thói quen ăn bám. Bây giờ hơi khó khăn với một thằng thiếu kinh nghiệm như tớ. Nhưng rồi sẽ ổn hết.
- Huy bỏ nhà đi dễ dàng, vì mọi thứ trong cuộc sống Huy đã diễn ra một cách dễ dàng. Tôi ngược lại. Tôi muốn được gắn bó, được ấm áp - Xuyên lại nhấp chút nước lạnh, hỏi tiếp - Có bao giờ Huy cần cảm giác được thương yêu chưa?
- Tớ rất thương con nhóc em ruột. Nó cũng yêu quý tớ kinh khủng.
- Một đứa em gái đôi khi không đủ. Tình cảm gia đình, tốt đấy, nhưng tôi chắc chắn người ta luôn cần một cái gì đó lớn hơn.
Không nắm rõ lắm ý của Xuyên, tôi nói vớt vát:
- Con em của tớ nó bé bỏng lắm. Hình như nó giống như tớ ngày xưa, nhưng nó vẫn là nó. Con bé rất khá. Nó luôn nói thật ý nghĩ của nó, bất kể điều đó có thể gây nguy hiểm, làm cho nó bị trừng phạt bằng roi vọt. Nghĩ về con bé, tớ không sao sống tệ bạc cho được...
Xuyên vẫn lắc đầu, mỉm cười thờ ơ:
- Tôi đang nghĩ về điều khác cơ. Hơi ấm của một người khác, đến từ một nơi hoàn toàn xa lạ, vào một thời điểm đầy bất ngờ. Với một người lạ, rồi trở nên thân thương, người ta có thể phơi bày hết bản thân mình, không phải giấu diếm gì cả. Cho dù đó là bí mật kinh khủng nhất. Huy đã trải qua điều ấy bao giờ chưa?
Thú thật, càng nghe Xuyên, tôi càng khó nắm bắt những ẩn ý trong lời nói của cậu ta. Chắc cũng như tôi, cậu ta hay suy nghĩ, sắp xếp chúng thành những hình ảnh rõ ràng, gần gũi với cậu ta, nhưng lại xa lạ với một kẻ lần đầu tiên lắng nghe như tôi. Uống cạn chai bia, tôi nhìn quanh căn hộ, tò mò hỏi cho có chuyện:
- Cậu sống ở đây một mình ư?
- Cũng không hẳn - Sau khoảng im lặng nặng nề khó hiểu, cậu ta bỗng nói nhanh - Tôi sống với một người bạn lớn tuổi hơn. Anh ta thuê căn hộ này cho tôi. Thỉnh thoảng anh ấy ghé qua đây.
- Cậu là gay ư? - Tôi buột miệng - Mối quan hệ của hai người là tình yêu ư?
Xuyên gật đầu, lơ đãng nhìn đâu đó, chừng như không thật vững tin. Thật may là tôi không cầm thứ gì trong tay để đánh rớt. Tôi cũng không tái mặt đi như đồ ngốc mặc dù hiếm khi nào tôi bàng hoàng đến vậy. Mỗi người có một lựa chọn riêng. Tôi chúa ghét những kẻ tự ình là hoàn hảo, luôn cao giọng phán xét hoặc cười nhạo người khác. Nhưng, chấp nhận một sự thật ở ngay đối diện thì cũng chẳng mấy dễ dàng. Chúng tôi quay sang chuyện khác. Những câu nói sau đó bỗng nhiên rời rạc, không thể gắn kết với nhau. Xuyên hỏi: "Huy mệt phải không? Vào phòng tớ mà ngủ một lúc!". Quả thật, tôi cũng rất mệt. Tôi vào phòng ngủ. Tiếng máy lạnh êm ru. Ngả lưng xuống nệm, tôi mau chóng chìm vào giấc ngủ nặng trĩu.
Một cảm giác chạm nhẹ mơ hồ phớt qua má tôi. Một hơi thở ấm. Một bàn tay lướt qua lưng. Tôi mở choàng mắt. Gương mặt Xuyên rất gần, đôi mắt cậu ta cúi sát mặt tôi, như lục tìm một thứ gì đó. Tôi sợ hãi ngồi bật dậy. Bàn tay Xuyên bấu chặt vai tôi, ghì xuống. Cậu ta thở dốc, nói dồn dập: "Ở lại đây. Nhé. Tôi buồn lắm. Tôi cần được thương yêu thật sự. Huy cũng thế. Nhé!". Nhanh hơn ý nghĩ, tôi cung tay, đấm mạnh vào giữa mặt Xuyên. Cậu ta ngã vật ra, đập đầu vào thành giường. Nằm bất động. Tôi lao ra ngoài phòng khách, chộp lấy quai ba-lô, mở tung cửa, lao ra ngoài hành lang. Tôi bấm liên hồi nút thang máy. Cái thang chết tiệt chậm rì. Tôi chuyển hướng, chạy như điên xuống bảy tầng thang bộ. Hình ảnh gương mặt tái xanh, cái mũi chảy máu, đôi mắt mở to nhìn trần, ánh nhìn trống rỗng buồn thảm của Xuyên nhấp nhô trước mắt tôi. Xuyên, tớ xin lỗi. Tớ hiểu tình thế của cậu. Tớ cảm thông nỗi buồn của cậu. Nhưng tớ không thể chia xẻ nhiều hơn...
Tôi lấy lại nhịp thở và vẻ mặt bình thường khi đi bộ ra ngoài khu vực chung cư. Ở một tiệm điện thoại di động gần đấy, tôi ghé vào, bán cái mobile còn khá mới. Số tiền đủ cho tôi trả tiền cọc ba tháng thuê nhà. Tôi đi bộ một lúc thì đến trạm xe bus, đúng tuyến về nơi tôi thuê trọ. Chiều muộn. Xe trống trải. Gió thốc qua cửa, lùa vào mặt tôi lạnh toát. Tôi nhìn ra ngoài xe. Bên trái là những toà nhà trong khu đô thị mới xây. Bên phải là dòng sông. Xe chạy rất êm, có thể nghe thấy tiếng nước khe khẽ vỗ vào bờ kè bê-tông. Vài chiếc xà-lan chở cát chậm chạp trôi qua. Mấy chiếc thuyền nhỏ như những chiếc lá trôi dạt. Vài bóng đèn vàng và đỏ chớp nháy bên hông các xà-lan nặng nề, hắt các vệt sáng xuống mặt nước đỏ sẫm đang chuyển qua tím biếc. Khi xe bus chạy qua hết đoạn đường viền theo dòng sông thì bóng tối đã căng phồng. Hình dáng vòng cung của cây cầu khổng lồ vắt qua hai bờ sông in hằn lên nền trời đen mịn như nhung. Những dãy nhà và khu biệt thự mở đèn sáng choang. Trên đường vào thành phố, xe tải, xe hơi và xe máy lao vun vút.
Lúc tôi nhảy xuống xe, một hành khách bước lên. Gương mặt thoáng qua, quen thuộc. Cô gái áo khoác jean đã đánh cắp ví tiền của tôi! Tôi hét lên, đuổi theo. Nhưng cái xe bus đã lăn bánh, hòa vào dòng xe cộ đông đúc trên đường.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...