Bạn thường có thói quen gọi ình vào những lúc bạn bị người ta bắt nạt. Ngày xưa thôi, giờ thì khác, bạn luôn im lặng. Ngay cả khi vợ bỏ, ngay cả khi bạn hàng lừa tiền, ngay cả khi bị người đời lợi dụng và hắt hủi. Ngay cả khi không gia đình, không nhà, không con cái, không tiền.
Một ngày, mình ngồi nghĩ về sự im lặng ấy của một người đàn ông bốn mươi. Im lặng – Nghĩa là gì?
Chắc chắn không phải mang ý nghĩa của lãng quên, vì mình tin bạn không thể quên mình, y như không thể quên nhiều thứ khác trong cuộc đời này. Cũng không phải là sự im lặng kẻ cả, bạn chưa học được thái độ đó. Im lặng không phải là từ chối, vì mình chưa từng xin bạn bất cứ thứ gì để cho bạn có cơ hội từ chối.
Mình ngồi điểm lại quá khứ như ngồi đếm sỏi trong hồ nước, có những thứ nhìn thấu và có những thứ một đi không trở lại. Thời gian chắc chắn là một mặt hồ rất rộng mà chúng ta ném vào đó tuổi trẻ, sự xinh đẹp ngây thơ, hồn nhiên tuổi vào đời, ném cả vào đó những thứ ta từng muốn quên.
Hồi mới quen nhau vài năm, ngày nghỉ mình thường cùng bạn bè chạy xe hai chục cây số xa thật xa qua chỗ bạn ở, để nấu một bữa cơm, ngồi ăn tán gẫu, rồi đạp xe hai chục cây số về. Bạn kỳ cục là, bạn là chàng trai duy nhất, là người duy nhất có xe máy, là người đang lĩnh lương cao nhất, nhưng bạn luôn để các bạn gái chạy xe thật xa tới, mua đồ ăn, tự nấu ăn cho bạn.
Và nếu chậm mời bạn vào ăn cơm, bạn sẽ dỗi, bạn nằm lăn ra cái võng mắc ngoài hiên, giả vờ ngủ. Cố tình cho bạn bè biết là bạn đang dỗi!
Hồi đó mình chỉ thấy, bạn thật kỳ cục bởi bạn luôn cư xử không công bằng với những bạn bè yêu mến như mình, và lại quá chiều chuộng những kẻ chẳng tử tế gì với bạn. Lương cao bạn dành cho lũ con trai người dưng ăn bám ở nhà bạn, nuôi chúng nó, trả tiền học cho chúng nó, xin việc cho lũ chúng nó, đi lãnh hậu quả cho những vụ ăn cắp giựt tiền của chúng nó. Nhưng tiền ấy chẳng để dành cho bạn bè đi chợ mua cơm nấu ăn chung một bữa thi thoảng.
Bạn sẵn sàng để lũ con gái đạp xe đường trường tới thăm, chứ ngày nghỉ để xe máy cho lũ trai ăn bám bạn chúng nó vi vu đi cưa gái. Và bạn chỉ giận bạn bè, không bao giờ giận lũ người dưng.
Nhìn bạn co quắp nằm võng, như một con cá khô nhẳng và phật ý, mình thấy sao cậu bạn giống một thằng nhóc năm tuổi, cố tình quậy phá, cố tình ăn vạ để được người ta chú ý tới sự có mặt của nhóc.
Xe máy mình bạn trả góp để cả lũ con trai ấy… xài chung, rồi cũng bị bán mất. Mà bạn chả giận.
Nhưng mình nổi giận. Khi một ngày, mình mang chiếc xe đạp Martin 107 mới mua đem tặng ột chị cave về già đang nuôi con nhỏ 5 tuổi, nhờ bạn mang xe tặng chị ấy, thì lũ con trai nhà bạn mang xe bán ngay lấy tiền đánh bạc. Mà bạn chẳng giận chúng nó. Bạn còn trách mình, bảo, đằng nào xe cậu chẳng đem cho đi, thì cho ai chả được? Bán hay cho khác gì nhau?
Mình lặng lẽ cắt đứt liên lạc sau đó. Bản thân không hiểu nổi mình đang yêu ghét cái gì, mà sao không thể quên được viên sỏi khinh bỉ ném xuống cái mặt hồ chung tuổi trẻ của tất cả lứa chúng ta khi ấy.
Mình nghĩ, lòng tốt có giới hạn, và lòng tốt có nguyên tắc của tốt. Mình nghĩ tốt bụng là tử tế một cách có nguyên tắc. Còn bạn nghĩ tốt bụng là bao dung nuôi lớn một lũ người dưng ích kỷ.
Gần hai mươi năm sau gặp lại, bạn vẫn không hề đổi khác. Vẫn gầy, đen, đang nuôi báo cô một lũ trời đánh và vô tâm nào đó. Khá hơn là chiếc xe máy rách của bạn đang đi không phải loại xe trả góp, nhưng nhà vẫn đi thuê, tiền thường không dính túi một xu. Và buôn bán được bao nhiêu tiền, dành để trả học phí lẫn nuôi không công ột thằng sinh viên đại học Bách Khoa, một thằng sinh viên cao đẳng nghề, một thằng thất nghiệp ham số đề. Trong khi đứa con gái ruột của bạn, mẹ nó mang đi phương trời nào, không biết, không nuôi.
Và tệ hơn, bạn tự động biến mất không tăm hơi dù chỉ sống cách nhà mình vài phút đi bộ.
Thì ra, vở kịch của mình công diễn tại TPHCM, lúc đó mình bận ở Hà Nội vài ngày, bạn không nhận được vé mời xem, nên bạn giận.
Y như giận vì chưa thấy cái lời mời cơm hai mươi năm trước. Bất chấp những quãng đường xa hai mươi cây số giờ đã thành hai nghìn cây số. Bất chấp chúng ta đều đã cùng trở nên già cũ, trải đời bằng những cách khác hẳn nhau.
Viên sỏi ném mãi chả chìm xuống tới đáy hồ.
Đến bao giờ bạn mới trở thành đàn ông, hở cậu bé bốn mươi?
2011
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...