Đại Tạng Kinh - Kinh Điển Phật Giáo


Kinh Đại Phật Đỉnh Cứu Cánh Kiên Cố và Mật Nhân của Như Lai về Chư Bồ-tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa ♦ Quyển 1TÔI NGHE NHƯ VẦY:Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu [bíc su] ở tại Tinh xá Kỳ Viên gần thành Phong Đức.

Tất cả đệ tử của Phật đều là những bậc đại Ứng Chân vô lậu, khéo trụ Pháp và trì Pháp.

Các ngài khéo siêu việt các cõi và có thể thành tựu uy nghi ở mọi nơi đến.

Họ theo Phật chuyển Pháp luân và diệu kham nhận di giáo của Thế Tôn.

Nghiêm trì và thanh tịnh trong giới luật, họ là những bậc đại gương mẫu cho các chúng sinh trong ba cõi.

Các ngài ứng hiện vô lượng thân để độ thoát chúng sinh, bạt trừ và cứu độ những chúng sinh ở vị lai để họ vượt khỏi tất cả trần lụy.Tên các ngài là: Đại trí Thu Lộ Tử, Tôn giả Đại Thải Thục Thị, Tôn giả Đại Tất, Tôn giả Mãn Từ Tử, Tôn giả Thiện Hiện, Tôn giả Trần Tính, và các vị khác như thế làm thượng thủ.Lại có vô lượng bậc Độc Giác đã đạt đến quả vị Vô Học, cùng với những vị sơ phát khởi Đạo tâm, cũng đồng đến chỗ của Phật và các vị Bhikṣu đang cư trú.Khi ấy là vào ngày Tự Tứ, ngày cuối cùng của an cư mùa hạ, chư Bồ-tát trong mười phương đều tụ hội và mong muốn được chỉ dẫn để đoạn trừ lòng nghi.

Tất cả đều khâm phụng Đức Từ Nghiêm, và chuẩn bị lắng nghe mật nghĩa của Phật.Lúc bấy giờ Như Lai trải tọa cụ, ngồi tĩnh lặng an nhiên, rồi vì mọi người trong chúng hội mà tuyên thuyết Pháp thâm áo.

Tất cả đại chúng trong tiệc Pháp được điều chưa từng có.

Thanh âm của Đại Tiên như tiếng của chim diệu thanh và biến khắp tất cả thế giới trong mười phương.

Chư Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng đều đến hội họp ở Đạo Tràng, với ngài Diệu Cát Tường làm thượng thủ.Khi ấy vua Thắng Quân nhân ngày giỗ của cha nên đã thiết lễ chay trong vương cung.

Nhà vua thỉnh Phật và đích thân nghênh đón Như Lai, rồi dọn rất nhiều cao lương mỹ vị.

Ngài cũng lại đích thân mời chư đại Bồ-tát đến dự.

Giữa lúc ấy ở trong thành, các trưởng giả và cư sĩ cũng chuẩn bị thức ăn cho chư Tăng, và họ đứng đợi Phật đến tiếp thọ cúng dường.

Đức Phật bảo ngài Diệu Cát Tường hãy thứ tự mà phân chia chư Bồ-tát và những vị Ứng Chân đến tiếp thọ thức ăn chay cúng dường của các trai chủ.Chỉ có Tôn giả Khánh Hỷ, do trước đó nhận lời thỉnh riêng và đang đi xa chưa về, nên đã không kịp đến giữa lúc chư Tăng phân chia đi khất thực.

Ngài một mình trên đường trở về và không có thượng tọa hay thầy giáo thọ đi cùng.Vào ngày ấy, do chẳng có ai cúng dường nên khi đến giờ, ngài Khánh Hỷ cầm bát, rồi đi vào thành tuần tự khất thực.

Giữa lúc khất thực từ vị thí chủ đầu tiên cho đến vị cuối cùng, ngài luôn tự nghĩ trong lòng sẽ nhận thức ăn từ mọi người, chẳng kể là từ vua chúa tôn quý thuộc dòng dõi thanh tịnh hay những kẻ làm nghề mổ giết thuộc dòng dõi ô uế.

Với tâm thực hành bình đẳng và từ bi, ngài chẳng hề kén chọn sang hèn, mà chỉ phát tâm viên thành để hết thảy chúng sinh được vô lượng công đức.Tôn giả Khánh Hỷ biết Như Lai đã quở trách Tôn giả Thiện Hiện và Tôn giả Đại Ẩm Quang, là những vị Ứng Chân mà tâm chẳng bình đẳng.

Do vậy ngài khâm tuân lời dạy của Như Lai về sự khất thực bình đẳng, và không để có người sẽ khởi lòng nghi hay phỉ báng.Giữa lúc đi ngang qua cái hào của thành kia, Tôn giả Khánh Hỷ đi chầm chậm tới cổng ngoài.

Với uy nghi trang nghiêm tề chỉnh, ngài cung kính tuân theo Pháp khất thực.

Do bởi khất thực theo thứ tự, khi ấy ngài Khánh Hỷ đi ngang qua một nhà chứa, và bất chợt bị trúng đại huyễn thuật.

Với sức mạnh chú thuật của Phạm chí Hoàng Phát đã có được từ một vị trời ở Phạm Thiên, một cô gái thuộc tộc Mātaṅga [ma tân ga] đã cám dỗ ngài lên dâm sàng.

Rồi cô ta áp sát vuốt ve cho đến khi giới thể của ngài sắp phá hủy.Biết ngài Khánh Hỷ đang bị dâm thuật khống chế, Như Lai thọ trai xong thì liền quay về.

Vì muốn nghe Pháp yếu, nhà vua cùng các đại thần, trưởng giả, và cư sĩ đều đi theo Phật.Lúc bấy giờ từ trên đỉnh nhục kế, Thế Tôn phóng ra 100 luồng ánh sáng báu vô úy.

Trong quang minh xuất hiện một hoa sen báu nghìn cánh.

Trên đó có một hóa Phật đang ngồi xếp bằng với tư thế hoa sen và tuyên thuyết thần chú.

Khi ấy Đức Phật sắc lệnh cho ngài Diệu Cát Tường mang thần chú này đến bảo hộ Tôn giả Khánh Hỷ.

Khi ác chú tiêu diệt, Diệu Cát Tường Bồ-tát đỡ ngài Khánh Hỷ lên, rồi khuyên ngài và cô gái cùng trở về chỗ của Phật.❖Khi thấy Phật, ngài Khánh Hỷ đỉnh lễ và than khóc.

Ngài hối hận vì từ hồi nào đến giờ chỉ chuyên hướng đa văn mà chưa hết mình tu tập Đạo lực.

Tôn Giả ân cần khải thỉnh Đức Phật hãy thuyết giảng cho ngài về những phương tiện tối sơ dẫn đến sự chứng đắc vi diệu của Chỉ Quán và thiền định mà chư Như Lai trong mười phương được thành Phật Đạo.Giữa lúc ấy lại có số lượng Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng, cùng với các bậc đại Ứng Chân, Độc Giác, và những vị khác từ các thế giới trong mười phương, tất cả đều vui thích muốn nghe.

Họ ngồi xuống và chờ đợi trong yên lặng để tiếp thọ thánh chỉ.Lúc bấy giờ ở giữa đại chúng, Thế Tôn duỗi cánh tay sắc vàng và xoa lên đỉnh đầu của Tôn giả Khánh Hỷ, rồi bảo ngài Khánh Hỷ cùng các đại chúng rằng:"Có một chính định tên là Đại Phật Đỉnh Cứu Cánh Kiên Cố Vương Cụ Túc Vạn Hạnh.

Nó là cánh cửa đặc biệt đến một con đường vi diệu trang nghiêm mà chư Như Lai trong mười phương siêu xuất thế gian.

Ông nay hãy lắng nghe."Ngài Khánh Hỷ đỉnh lễ và chờ đợi thánh chỉ từ bi.Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Ông và Ta đồng chung một dòng tộc, và chúng ta chia sẻ tình cảm thiêng liêng giữa thân tộc.

Vào lúc đầu tiên khi phát tâm tu Đạo, ông đã thấy tướng hảo thù thắng gì ở trong Pháp Ta mà khiến ông liền dứt bỏ ân ái thâm trọng của thế gian?"Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Khi thấy 32 tướng hảo thù thắng tuyệt diệu của Như Lai với thân hình ánh triệt tựa như lưu ly, con thường tự suy nghĩ rằng, các tướng hảo này không thể từ ái dục mà sinh ra.Vì sao thế? Bởi dục khí thô trược, tinh dịch của giao cấu tanh hôi, và máu mủ tạp loạn thì không thể sinh ra một thân thể thù thắng tịnh diệu với ánh sáng vàng tím kết tụ.

Do đó con khát ngưỡng và cạo bỏ râu tóc để theo Phật."Đức Phật bảo:"Lành thay, Khánh Hỷ! Các ông phải biết rằng từ vô thỉ đến nay, tất cả chúng sinh thọ sinh tử tương tục, bởi đều là do chẳng biết thường trụ chân tâm và tính tịnh minh thể.

Thay vào đó, họ sử dụng các vọng tưởng.

Do tâm tưởng này chẳng thật nên họ phải luân chuyển sinh tử.Ông nay muốn nghiên cứu về Đạo vô thượng để chân thật nhận ra bổn tính trong sáng.

Ông hãy nên trả lời câu hỏi của Ta với tâm chính trực, bởi vì chư Như Lai trong mười phương thảy đồng đi qua con đường này để ra khỏi sinh tử.

Do đều dùng tâm chính trực và lời chính trực như thế, cho nên trong suốt tiến trình tu tập từ quả vị đầu tiên cho đến cuối cùng, họ vĩnh viễn không gặp những khúc mắc.Này Khánh Hỷ! Ta nay hỏi ông, khi nhờ duyên ở 32 tướng hảo của Như Lai mà ông sơ khởi phát tâm, ông đã thấy gì trong các tướng hảo đó, và ai là người yêu mến chúng?"Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Con yêu mến chúng với tâm và mắt của mình.


Do mắt con thấy các tướng hảo thù thắng của Như Lai nên tâm sinh yêu mến.

Cho nên con phát tâm nguyện rời sinh tử."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Đúng như lời ông nói.

Tâm và mắt của ông là nguyên nhân cho sự yêu mến đó.

Nếu ai chẳng nhận biết tâm và mắt ở đâu thì sẽ không thể nào hàng phục được trần lao.

Ví như khi đất nước bị giặc xâm nhiễu và nhà vua khởi binh dẹp trừ, những binh sĩ này trước tiên cần phải biết bọn giặc đang ở chỗ nào.

Đây là lỗi của tâm và mắt mà khiến ông lưu chuyển sinh tử.Ta nay hỏi ông, chính xác thì tâm và mắt của ông hiện đang ở đâu?"❖Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Mười loại chúng sinh ở tất cả thế giới đồng tin rằng thức tâm của họ cư ngụ trong thân.

Như con nhìn xem đôi mắt hoa sen xanh của Như Lai thì biết chúng là một phần trên gương mặt của Phật.

Con nay xem xét mắt tai mũi lưỡi tiếp xúc với bốn trần và chúng đều thuộc ở trên gương mặt con.

Do đó thức tâm chắc chắn cũng ở trong thân.Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Như hiện tại ông đang ngồi trong giảng đường của Như Lai, ông có thể thấy Rừng cây Chiến Thắng.

Vậy nó bây giờ đang ở đâu?""Thưa Thế Tôn! Đại giảng đường Trùng Các thanh tịnh này ở tại vườn Cấp Cô Độc, và Rừng cây Chiến Thắng thật sự đang ở bên ngoài của giảng đường.""Này Khánh Hỷ! Bây giờ đang ở trong giảng đường, ông thấy gì trước tiên?""Thưa Thế Tôn! Con hiện đang ở trong giảng đường, trước tiên con thấy Như Lai.

Tiếp đến con thấy đại chúng, rồi khi nhìn kỹ ra ngoài thì thấy viên lâm.""Này Khánh Hỷ! Tại sao khi nhìn kỹ ra ngoài, ông có thể thấy viên lâm?""Thưa Thế Tôn! Do những cánh cửa và cửa sổ của đại giảng đường này mở toát, nên con có thể ở trong giảng đường mà thấy được rất xa."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Đúng như lời ông nói.

Tuy thân ở trong giảng đường nhưng bởi những cánh cửa và cửa sổ mở toát, nên họ có thể ngắm xa đến viên lâm.

Giả sử có người đang ở tại giảng đường này không thấy Như Lai, thế thì họ có thể thấy ở bên ngoài của giảng đường chăng?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Nếu ở tại giảng đường mà không thấy Như Lai thì làm sao có thể thấy khu rừng hay suối nước.

Thật không có việc ấy!""Này Khánh Hỷ! Ông thì cũng như thế.

Tâm của ông có thể hiểu rõ tất cả.

Vậy nếu tâm hiện tiền của ông thông hiểu mọi thứ mà nó thật sự lại ở trong thân, thế thì nó phải biết rõ ở trong thân trước nhất.

Có chúng sinh nào thấy ở trong thân trước, rồi sau đó mới nhìn thấy cảnh vật ở ngoài chăng? Dẫu cho nếu họ không thể thấy tim, gan, lá lách, hay dạ dày, thì ít nhất họ vẫn có thể nhận ra khi móng với tóc mọc dài, gân chuyển động, hoặc mạch đập.

Sao họ lại chẳng biết? Nếu ở trong mà chẳng biết thì làm sao biết bên ngoài?Cho nên phải biết rằng, điều ông nói là tâm hiểu rõ và phân biệt ở trong thân, thật không có việc ấy!"❖Ngài Khánh Hỷ cúi đầu và thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Nay con nghe Như Lai tuyên giảng Pháp âm như thế, con tỏ ngộ ra rằng, tâm của con phải ở ngoài thân.Vì sao con lại nói thế? Ví như có một cây đèn được thắp sáng ở trong phòng thì nó chắc chắn phải chiếu ở trong phòng trước, rồi ánh sáng của nó sẽ chiếu xuyên qua cánh cửa và ra đến sân.

Hết thảy chúng sinh không thấy ở trong thân mà chỉ thấy ở ngoài thân, việc đó cũng như ngọn đèn được đặt ở phía ngoài căn phòng, nên nó không thể chiếu vào trong.

Nghĩa lý này rất rõ ràng, tuyệt đối không nghi ngờ, và đồng với liễu nghĩa của Phật nên chẳng thể sai, có đúng không ạ?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Vừa rồi những vị Bhikṣu ở đây đã theo Ta đến thành Phong Đức và tuần tự đi khất thực.

Sau đó họ trở về Rừng cây Chiến Thắng, rồi vo tròn thực phẩm thành nắm và lấy ăn.

Ta đã thọ trai xong, nhưng ông hãy xem các vị Bhikṣu, nếu chỉ một người ăn thì mọi người có no chăng?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ không, thưa Thế Tôn!Vì sao thế? Tuy các vị Bhikṣu này đều là những bậc Ứng Chân, nhưng thân thể và lối sinh hoạt của mỗi người chẳng giống nhau.

Thế thì làm sao chỉ một người ăn mà có thể khiến cho mọi người đều no chứ?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Nếu tâm của ông nhận thức rõ và thấy biết rằng nó thật sự ở ngoài thân, thì thân và tâm của ông sẽ tách rời và chúng không có liên quan gì với nhau.

Thân sẽ không thể cảm nhận được những gì tâm biết, và tâm cũng sẽ không thể biết được những gì thân cảm nhận.

Ta nay đưa ra bàn tay mềm mại như bông gòn cho ông thấy, tâm của ông có khởi phân biệt khi mắt nhìn thấy chăng?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ có, thưa Thế Tôn!"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Nếu mắt và tâm cùng nhận biết thì làm sao tâm có thể ở ngoài chứ? Cho nên phải biết rằng, điều ông nói là tâm hiểu rõ và phân biệt ở ngoài thân, thật không có việc ấy!"❖Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Đúng như lời Phật dạy.

Do không thấy trong thân nên tâm con không có ở đó.

Do thân và tâm làm việc chung và chẳng tách rời nhau, nên tâm con cũng không ở ngoài thân.

Nay con nghĩ đã biết nó ở đâu."Đức Phật bảo:"Thế thì nó ở đâu?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Bởi cái tâm hiểu rõ này không biết gì ở trong nhưng lại có thể thấy bên ngoài, theo sự suy nghĩ của con thì nó ẩn nấp trong con mắt.Ví như có người đặt những cái tách lưu ly ở trước con mắt của họ, tuy có vật ngăn che nhưng thị giác không bị chướng ngại.

Căn mắt có thể thấy và phân biệt tùy theo hoàn cảnh.

Cũng vậy, tâm hiểu rõ và phân biệt của con không thấy ở trong là vì nó ở trong căn mắt.

Nó có thể nhìn kỹ và phân biệt rõ ràng mà không bị chướng ngại là vì nó ẩn nấp trong con mắt."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Hãy cứ cho là tâm ẩn nấp trong con mắt như lời ông nói qua thí dụ về tách lưu ly.

Vậy khi người ấy đặt những cái tách lưu ly ở trước con mắt rồi nhìn sông núi, họ có thấy những cái tách lưu ly chăng?""Dạ có, thưa Thế Tôn! Người ấy thật sự nhìn thấy những cái tách lưu ly khi đặt chúng ở trước mắt của họ."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Nếu tâm của ông thật sự tương tự như thí dụ về tách lưu ly và nhìn thấy sông núi, tại sao ông lại không thấy con mắt của mình? Còn nếu ông có thể thấy con mắt của mình, con mắt của ông sẽ đồng như cảnh vật bên ngoài, nên tâm và mắt sẽ không thể làm việc với nhau.

Nếu chẳng thể thấy, tại sao lại nói rằng cái tâm hiểu rõ này ẩn nấp trong căn mắt, như qua thí dụ về tách lưu ly?Cho nên phải biết rằng, điều ông nói là tâm hiểu rõ và phân biệt ẩn nấp trong con mắt thì cũng tương tự như thí dụ về tách lưu ly, thật không có việc ấy!"❖Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Con nay lại suy nghĩ như vầy.

Nội tạng của chúng sinh ở bên trong, còn chín lỗ thì ở bên ngoài.

Nội tạng che trong tối, còn chín lỗ thì có ánh sáng.

Bây giờ ở trước Phật với hai mắt mở, con thấy ánh sáng và gọi đó là thấy ở ngoài.

Thấy đen tối khi nhắm mắt lại, con gọi đó là thấy bên trong.

Nghĩa lý này có đúng chăng?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Lúc ông nhắm mắt lại và thấy đen tối, cảnh tượng đen tối này là ở trước mắt ông hay là chẳng phải ở trước mắt ông?Nếu sự đen tối ở trước mắt ông, sao có thể nói là ở trong? Cứ cho là nó ở trong, thì khi ông ở trong một căn phòng tối tăm chẳng có mặt trời, mặt trăng, hay đèn đuốc, cảnh tối tăm ở trong phòng phải là cảnh tối tăm ở bên trong của ông.Còn nếu sự đen tối chẳng ở trước mắt ông, sao ông có thể thấy? Cứ cho là ông có thể thấy ở trong bằng một cách khác hơn so với thấy ở ngoài, khi nhắm mắt lại và thấy đen tối thì gọi đó là thấy ở trong thân, rồi khi mở mắt thấy ánh sáng, tại sao ông chẳng thấy gương mặt của mình?Nếu ông chẳng thấy gương mặt của mình thì không thể thấy bên trong.


Nếu ông thấy gương mặt của mình thì cái tâm hiểu rõ này cùng với mắt sẽ ở hư không.

Thế thì làm sao chúng thuộc về thân thể của ông chứ?Nếu tâm và mắt ở hư không, thì chúng không thuộc về thân thể của ông.

Còn nếu tâm và mắt thuộc về thân thể của ông nhưng ở hư không, thì bây giờ Như Lai thấy gương mặt của ông, nó đáng lẽ cũng phải thuộc về thân thể của ông.

Nếu là thế thì khi mắt của ông nhận biết điều gì, thân của ông sẽ chẳng biết được.

Nếu một mực bảo rằng mắt và thân, mỗi thứ có sự nhận biết riêng, thì ông sẽ có hai thứ nhận biết, và một thân thể của ông sẽ trở thành hai vị Phật.Cho nên phải biết rằng, điều ông nói là thấy đen tối thì gọi đó là thấy ở trong thân, thật không có việc ấy!"❖Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Con từng nghe Phật khai thị cho bốn chúng đệ tử rằng:'Do tâm sinh nên muôn pháp sinh, và bởi muôn pháp sinh nên muôn cảnh giới của tâm khởi sinh.'Bây giờ con nghĩ rằng, thể tính của suy tư đích thật là tâm tính của con.

Tùy thuộc sự kết hợp mà tâm theo đó khởi sinh.

Nó không tồn tại chỉ một trong ba nơi--trong, ngoài, và ở giữa."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Nay ông nói rằng, do pháp sinh nên muôn cảnh giới của tâm khởi sinh, và tùy thuộc sự kết hợp mà tâm theo đó khởi sinh.

Nhưng với một cái tâm như thế thì nó chẳng có thể tính, và không thể kết hợp với bất cứ gì.

Nếu một cái tâm chẳng có thể tính như thế mà vẫn có thể kết hợp thì tức đã có 19 giới, nhân qua sự kết hợp của trần thứ bảy.

Nghĩa lý này không thể được.Còn nếu một cái tâm có thể tính như thế, thì khi ông lấy tay tự nhéo mình, tâm của ông có nhận biết được là từ bên trong ra hay từ bên ngoài vào chăng? Nếu nó từ bên trong ra thì ông cũng sẽ thấy ở trong thân.

Còn nếu nó từ bên ngoài vào thì ông sẽ thấy gương mặt của mình trước."Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Cái thấy là do con mắt, và tâm nhận biết chứ không phải con mắt.

Nói rằng tâm nhìn thấy thì chẳng hợp nghĩa."Đức Phật bảo:"Nếu con mắt có thể thấy, thì khi ông ở trong phòng, lẽ ra cánh cửa nhìn thấy cảnh vật ở ngoài chứ không phải ông.

Lại nữa, một khi ai đó đã chết nhưng con mắt vẫn chưa hư hoại thì con mắt của người ấy lẽ ra phải thấy cảnh vật.

Làm sao đã chết mà còn nhìn thấy cảnh vật chứ?Này Khánh Hỷ! Nếu tâm hiểu rõ và phân biệt của ông thật sự có thể tính, thì nó là một thể tính hay nhiều thể tính? Thể tính này biến khắp hay chẳng biến khắp thân thể của ông?Hãy cứ cho nó là một thể tính, vậy khi ông dùng tay nhéo một ngón tay thì bốn ngón khác có cảm giác chăng? Nếu có thì cảm giác bị nhéo đó không thể chỉ dồn ở một nơi.

Còn nếu cảm giác bị nhéo đó chỉ dồn ở một nơi thì tâm ông không thể chỉ có một thể tính.Nhưng nếu tâm ông có nhiều thể tính, ông sẽ trở thành nhiều người.

Vậy thì thể tính nào là ông?Lại nữa, nếu một thể tính biến khắp thân thể của ông, thì một cái nhéo sẽ lan tỏa cảm giác khắp toàn thân.

Nhưng nếu chẳng biến khắp toàn thân, thì khi ông chạm vào đầu và chân cùng một lúc, ông sẽ cảm giác sự xúc chạm ở trên đầu mà không có cảm giác sự xúc chạm ở chân.

Nhưng đó không phải là những gì ông cảm nhận.Cho nên phải biết rằng, điều ông nói là tùy thuộc sự kết hợp mà tâm theo đó khởi sinh, thật không có việc ấy!"❖Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Con cũng nghe khi Phật đàm luận thật tướng với ngài Diệu Cát Tường và những vị Pháp Vương Tử khác.

Thế Tôn cũng nói rằng tâm không ở trong và cũng không ở ngoài.Nay con suy nghĩ rằng, nếu tâm ở trong thì nó sẽ không thấy gì, và nếu tâm ở ngoài thì nó và thân chẳng biết nhau.

Do tâm chẳng biết ở trong nên nó không thể nào ở trong.

Do thân và tâm biết lẫn nhau nên nó không thể nào ở ngoài.

Vì vậy, do thân và tâm biết lẫn nhau và tâm chẳng thể thấy ở trong, nên tâm phải ở giữa."Đức Phật bảo:"Ông nói rằng tâm ở giữa.

Ở giữa thì phải ở một nơi nhất định nào đó.

Thế thì cái ở giữa này của ông ở đâu? Có phải nó ở ngoài hay ở trong thân? Nếu nó ở trong thân, nó có thể ở trên bề mặt của thân hoặc nơi nào đó bên trong.

Nếu nó ở trên bề mặt thì nó không thể gọi là ở giữa.

Còn nếu nó ở bên trong thì nó sẽ đồng như ở trong.

Cái ở giữa này có vị trí chăng? Nếu có thì có dấu hiệu gì về vị trí đó chăng? Nếu không có dấu hiệu gì về vị trí đó, thì ở giữa chẳng tồn tại.

Và dẫu cho có dấu hiệu gì về vị trí của nó, vị trí đó là bất định.Tại sao thế? Ví như khi có người làm ký hiệu để định dạng vị trí ở giữa.

Khi nhìn từ hướng đông thì nó ở hướng tây.

Khi nhìn từ hướng nam thì nó ở hướng bắc.

Ký hiệu như thế sẽ không thể làm một điểm ở giữa nhất định, và tương tự như thế, nó không rõ ràng cho cái tâm ở giữa nghĩa là sao."Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Ở giữa mà con nói thì không phải ở những nơi đó.

Như Thế Tôn đã dạy, căn mắt và sắc trần làm duyên để sinh ra thức của mắt.

Căn mắt hiển lộ hình ảnh, sắc trần thì vô tri, và thức của mắt sinh ra ở giữa chúng.

Đó là nơi của tâm."Đức Phật bảo:"Nếu tâm của ông ở giữa căn mắt và sắc trần, thể tính của tâm đồng như thể tính của căn mắt và sắc trần hay không? Nếu thể tính của tâm đồng như thể tính của căn mắt và sắc trần, nó sẽ lẫn lộn của cái gì nhận biết và cái gì chẳng nhận biết.

Việc ấy là trái nghịch.

Cái ở giữa này ở đâu? Và dẫu cho thể tính của tâm chẳng đồng như thể tính của căn mắt và sắc trần, thì tâm sẽ chẳng phải nhận biết hay chẳng phải không nhận biết.


Cái tâm như thế sẽ không có thể tính.

Vậy thì sao nó có thể ở giữa chứ?Cho nên phải biết rằng, điều ông nói là tâm ở giữa, thật không có việc ấy!"❖Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Xưa con thấy Đức Phật cùng với bốn vị đại đệ tử--Tôn giả Đại Thải Thục Thị, Tôn giả Thiện Hiện, Tôn giả Mãn Từ Tử, và Tôn giả Thu Lộ Tử--cùng chuyển Pháp luân và thường nói rằng, cái tâm hiểu rõ và phân biệt không phải ở trong, cũng không phải ở ngoài hay ở giữa; nó đều chẳng ở những nơi ấy.

Nơi không nhất định gọi là tâm.

Có thể nào nơi không nhất định gọi là tâm chăng?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Ông nói rằng tính của tâm hiểu rõ và phân biệt không ở nơi nhất định.

Tuy nhiên, mọi cảnh tượng trên thế gian, như là không khí, đất, nước, những loài biết bay hoặc đi đều có nơi nhất định.Thế thì cái tâm ở nơi không nhất định của ông đang ở nơi nào, hay nó chẳng ở nơi nào? Nếu nó chẳng ở nơi nào, thì cũng như rùa có lông hay thỏ có sừng.

Làm sao ông có thể nói về thứ mà chẳng có nơi nhất định? Giả sử có thứ tồn tại mà không có nơi nhất định.

Những gì chẳng tồn tại thì không có tướng.

Những gì tồn tại thì có tướng.

Và bất cứ thứ gì có tướng đều có nơi.

Làm sao ông có thể nói rằng tâm không ở nơi nhất định?Cho nên phải biết rằng, điều ông nói là tâm hiểu rõ và phân biệt không ở nơi nhất định, thật không có việc ấy!"❖Lúc bấy giờ ở giữa đại chúng, ngài Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính và thưa với Phật rằng:"Con là người em họ út nhất của Như Lai và được Phật rải lòng từ ái.

Tuy nay con đã xuất gia nhưng vẫn cậy nương tình thương ấy, cho nên chỉ đa văn mà chưa được vô lậu.Do không thể chiết phục chú thuật của Phạm chí Hoàng Phát, con bị nó dụ dỗ vào nhà của dâm nữ.

Tất cả là vì con chẳng biết làm sao để tìm cảnh giới của chân thật.

Kính mong Thế Tôn đại từ thương xót mà khai thị cho chúng con về con đường tu Chỉ, để chỉ dẫn những ai tin không đủ nơi Pháp và đối kháng với những tà kiến mọi rợ."Khi nói lời ấy xong, ngài Khánh Hỷ đỉnh lễ sát đất, rồi cùng với các đại chúng đứng đợi khao khát để cung kính lắng nghe giáo Pháp.Lúc bấy giờ từ khuôn mặt, Thế Tôn phóng ra muôn loại tia sáng với nhiều màu sắc.

Ánh sáng đó chói lòa như trăm nghìn mặt trời.

Khi đó, khắp thế giới của chư Phật đều chấn động sáu cách, và có số lượng quốc độ nhiều như vi trần ở khắp mười phương đồng thời hiện ra.

Do uy thần của Phật nên khiến các thế giới hợp thành một thế giới.

Ở trong thế giới đó, tất cả chư đại Bồ-tát đều ở cõi nước mình, chắp tay và cung kính lắng nghe.Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, do muôn thứ điên đảo nên đã tạo những hạt giống nghiệp và tự nhiên sẽ như chùm quả côm lá hẹp.

Sở dĩ những người tu hành không thể thành tựu Đạo vô thượng--các vị như là Thanh Văn, Duyên Giác, cùng với hàng ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma--là bởi họ chẳng hiểu hai loại căn bổn và nhầm lẫn trong sự tu tập.

Họ ví như có kẻ nấu cát mà muốn thành thức ăn ngon vậy.

Dẫu cho trải qua số kiếp nhiều như bụi nhưng kết cục là chẳng thể nào đạt được.Những gì là hai, Khánh Hỷ?1.

Cái tâm tìm cầu nơi duyên mà nay chính ông và các chúng sinh cho là tự tính của mình, là căn bổn của sinh tử từ vô thỉ.2.

Thể tính thanh tịnh bổn nguyên của tuệ giác tịch diệt, không có khởi đầu.

Nó là sự hiểu biết bổn nguyên, là thật tính của thức, có thể sinh các duyên, và bị các duyên của chúng sinh làm mất đi.

Do các chúng sinh làm mất đi sự hiểu biết bổn nguyên này, mặc dầu nó luôn hiện hữu ở mọi lúc, nhưng họ chẳng tự biết và nhầm lẫn mà sa vào các đường.Này Khánh Hỷ! Do bởi ông nay muốn biết về con đường tu Chỉ để ra khỏi sinh tử, nên bây giờ Ta sẽ hỏi ông thêm một lần nữa."Lúc bấy giờ Thế Tôn nhấc cánh tay sắc vàng và cong năm ngón tay của Ngài--mỗi ngón tay đều có hình bánh xe, rồi bảo ngài Khánh Hỷ rằng:"Giờ ông có thấy gì chăng?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ thấy!"Đức Phật bảo:"Ông thấy gì?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ, con thấy Như Lai nhấc cánh tay lên rồi cong những ngón tay của Ngài thành nắm tay và từ nơi đó phóng ra ánh sáng chói lòa mắt con."Đức Phật bảo:"Ông dùng cái gì để thấy?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ, con và đại chúng đều thấy với mắt của mình."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Ông nay đáp rằng, Như Lai cong những ngón tay của Ngài thành nắm tay và từ nơi đó phóng ra ánh sáng chói lòa tâm và mắt của ông.

Con mắt của ông có thể thấy nắm tay, nhưng điều gì mà ông cho rằng tâm của ông chói lòa bởi nắm tay của Ta?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Bây giờ Như Lai hỏi con về vị trí của tâm.

Con dùng tâm để tìm kiếm cùng khắp và khả năng ra sự quyết định đó là tâm của con.Đức Phật bảo:"Ôi không, Khánh Hỷ! Đó chẳng phải là tâm của ông!"Ngài Khánh Hỷ kinh ngạc, rời chỗ ngồi, đứng dậy và chắp tay bạch Phật rằng:"[Bạch Thế Tôn!] Nếu đó chẳng phải là tâm của con thì là gì?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Đó là tưởng tâm sinh khởi từ tướng hư vọng của trần cảnh hiện tiền.

Nó mê hoặc chân tính của ông, khiến ông từ vô thỉ đến đời hiện tại đã nhận giặc làm con và đánh mất tâm bổn nguyên thường hằng của ông.

Do đó mà ông phải thọ luân chuyển trong sinh tử."Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Con là người em họ được Phật thương nhất.

Do lòng thương mến Phật mà con xuất gia.

Tâm của con không chỉ riêng cúng dường Như Lai, mà cho đến phụng sự chư Phật và các vị Thiện Tri Thức biến khắp quốc độ nhiều như cát sông Hằng.

Con đều dùng cái tâm phát đại dũng mãnh ấy để làm những việc khó làm ở trong Chính Pháp.Giả sử nếu có khi nào con hủy báng Chính Pháp và vĩnh viễn từ bỏ căn lành của mình, thì cũng sẽ chính là cái tâm đó.Nếu sự hoạt động của thấu hiểu này chẳng phải là tâm thì con không có tâm.

Con sẽ đồng như nắm đất hay khúc gỗ, bởi rời khỏi sự hiểu biết này thì chẳng có gì tồn tại.Vì sao Như Lai nói đó không phải là tâm con? Nay con thật sự kinh hoàng, và toàn thể đại chúng nơi đây, không ai là chẳng hoài nghi.

Kính mong Như Lai rủ lòng đại bi mà khai thị cho những kẻ chưa khai ngộ."Lúc bấy giờ Thế Tôn khai thị cho ngài Khánh Hỷ và các đại chúng để dẫn tâm họ vào Vô Sinh Pháp Nhẫn.Từ trên tòa sư tử, Đức Phật xoa đỉnh đầu của ngài Khánh Hỷ và bảo rằng:"Như Lai thường nói rằng, các pháp sinh ra chỉ là sự biến hiện của tâm.

Do đó tất cả đều bị chi phối bởi định luật nhân quả.

Từ thế giới cho đến hạt vi trần, nhân bởi tâm mà được hình thành.Này Khánh Hỷ! Nếu xem xét căn nguyên của hết thảy mọi thứ trên thế giới, cho đến cỏ lá hay chỉ một sợi tơ, chúng ta sẽ thấy chúng đều có thể tính.

Dẫu cho hư không thì cũng có tên và đặc tính.

Huống nữa là tâm thanh tịnh, trong sáng vi diệu, là tính của tất cả trạng thái não bộ mà chẳng có tự thể hay sao?Nếu ông khăng khăng cho rằng, tính hiểu rõ, phân biệt, và nhận biết là tâm, thì cái tâm đó lẽ ra phải có tự tính riêng biệt và tách rời tất cả sự hòa hợp với các trần--sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Tuy nhiên, như bây giờ ông đang lắng nghe Pháp của Ta, nhân bởi âm thanh mà ông có thể phân biệt nghĩa lý.

Dẫu cho ông có thể làm im bặt tất cả sự thấy nghe, hiểu biết, và giữ lắng đọng bên trong, thì hình bóng của sự phân biệt về pháp trần vẫn còn.Ta không phải bảo ông chỉ chấp nhận đó chẳng phải là tâm, mà ông hãy xem xét tỉ mỉ về tâm của ông.

Nếu có tính phân biệt mà lìa khỏi những diễn biến của não bộ, thì đó tức là chân tâm của ông.

Trái lại, nếu tính phân biệt chẳng có tự thể khi lìa khỏi các trần, thì đó tức là diễn biến của não bộ, là hình bóng của sự phân biệt.

Trần cảnh thì không thường trụ.

Nếu khi cái tâm đó biến đổi hoại diệt, thì nó tức đồng như lông rùa hay sừng thỏ.

Như vậy Pháp thân của ông cũng theo nó mà đoạn diệt.


Thế thì ai là người tu hành để chứng Vô Sinh Pháp Nhẫn đây?"Bấy giờ ngài Khánh Hỷ cùng các đại chúng đều lặng câm và không nói được gì.Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Sở dĩ vô số người tu hành ở thế gian, mặc dầu hiện tiền đã trải qua chín loại định theo thứ tự, nhưng vẫn không được lậu tận và thành bậc Ứng Chân, đều là do chấp trước cái vọng tưởng sinh tử này mà nhận lầm là chân thật.

Cho nên, tuy ông nay đa văn học rộng nhưng vẫn không thành tựu thánh Quả."Khi nghe xong, ngài Khánh Hỷ lại rơi lệ xót thương.Tôn Giả đỉnh lễ sát đất, hai gối quỳ, chắp tay, và thưa với Phật rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Kể từ khi phát tâm theo Phật xuất gia, con đã cậy nương uy thần của Phật.

Con thường tự nghĩ rằng, mình không cần phải khổ nhọc tu hành, bởi Như Lai sẽ ban chính định cho mình.

Con hoàn toàn chẳng biết rằng, thân tâm của mỗi người chẳng thể thay thế cho nhau.

Do đó con đã đánh mất bổn tâm của mình, và tuy thân xuất gia nhưng tâm chẳng vào Đạo.

Con như kẻ cùng tử đã bỏ cha chạy trốn.

Mãi đến hôm nay con mới biết rằng, tuy mình đa văn học rộng nhưng nếu không tu hành, thì mình sẽ chẳng học được gì.

Đây ví như có người cứ nói về thức ăn thì sẽ không bao giờ no cả.Thưa Thế Tôn! Nay chúng con bị siết bởi hai chướng ngại [--chướng ngại của phiền não và chướng ngại của hiểu biết--] nên do đó chẳng biết tự tính thường tịch của tâm.

Kính mong Như Lai thương xót chúng con, là những kẻ cùng khổ, mà hiển lộ diệu minh chân tâm và mở con mắt Đạo của chúng con."Lúc bấy giờ từ chữ vạn trên ngực của Như Lai vọt ra quang minh báu.

Ánh sáng đó chói lòa với trăm nghìn màu sắc, cũng đồng thời chiếu khắp tất cả thế giới nhiều như vi trần của chư Phật trong mười phương, rồi nó rót vào khắp đỉnh đầu của chư Như Lai ở trong mỗi Phật độ báu.

Sau đó ánh sáng trở về, rồi chiếu đến ngài Khánh Hỷ và các đại chúng.Khi ấy Phật bảo ngài Khánh Hỷ rằng:"Ta nay sẽ vì ông mà dựng lên Pháp tràng lớn và cũng khiến cho hết thảy chúng sinh trong mười phương được con mắt thanh tịnh để vào vi diệu bí mật của tính tịnh minh tâm.❖Này Khánh Hỷ! Vừa rồi ông đáp rằng, ông thấy nắm tay của Như Lai phóng ra ánh sáng.

Nguyên nhân gì khiến nắm tay của Như Lai phóng ra ánh sáng? Ta làm thành nắm tay như thế nào? Và ông đã dùng gì để thấy?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"[Thưa Thế Tôn!] Do toàn thân thể của Phật có màu sắc như vàng ở dưới sông tại châu Thắng Kim và đỏ thắm như hòn núi báu, nên do từ thanh tịnh mà có ánh sáng phóng ra.

Con thật sự tận mắt nhìn thấy Như Lai nhấc cánh tay lên cho mọi người thấy, rồi cong năm ngón tay với hình bánh xe của Ngài lại, nên mới có tướng của nắm tay."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Bây giờ Như Lai sẽ nói lời thành thật cho ông rõ.

Qua thí dụ đó, những ai có trí tuệ sẽ được khai ngộ.Này Khánh Hỷ! Hãy dùng nắm tay của Ta làm thí dụ.

Nếu chẳng có tay, Ta sẽ không thể làm một nắm tay.

Nếu chẳng có mắt, ông sẽ không thể thấy.

Qua thí dụ về căn mắt của ông và nắm tay của Ta, sự so sánh ấy có giống nhau chăng?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ có, thưa Thế Tôn! Nếu chẳng có mắt, con sẽ không thể thấy.

Vì vậy, qua thí dụ về căn mắt của con và nắm tay của Như Lai, sự so sánh ấy là giống nhau."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Ông nói rằng sự so sánh của chúng giống nhau, tuy nhiên, chúng chẳng tương đồng.Vì sao thế? Bởi một người không có tay thì sẽ chẳng bao giờ làm được một nắm tay, nhưng người không có mắt thì chẳng phải hoàn toàn không thấy.Vì sao thế? Bởi nếu ông hỏi những người mù trên đường phố rằng:'Anh có thấy gì chăng?'Những người mù kia sẽ không ngần ngại mà trả lời ông rằng:'Bây giờ tôi chỉ thấy tối om ở trước mắt và không có gì khác để nhìn.'Quán sát về ý nghĩa này, trần cảnh ở trước tự tối, chứ thị giác chẳng hề tổn giảm."Ngài Khánh Hỷ bạch rằng:"[Bạch Thế Tôn!] Những người mù chỉ thấy tối om ở trước mắt thì làm sao có thể gọi là thấy?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Nếu bỏ chung những người mù chỉ thấy tối om ở trước mắt với người mắt sáng ở trong một căn phòng tối om, hai loại đen tối ấy có khác biệt hay chẳng khác biệt?""Dạ không, thưa Thế Tôn! So sánh về hai loại đen tối giữa người mắt sáng ở trong căn phòng tối om và người mù kia thì hoàn toàn chẳng khác biệt.Này Khánh Hỷ! Giả sử người mù chỉ thấy tối đen ở trước mắt, bỗng nhiên được mắt sáng trở lại và giờ thì họ thấy đủ mọi hình sắc ở trước mắt.

Ông có thể gọi đó là mắt thấy.

Giả sử người mắt sáng ở trong căn phòng tối om kia chỉ thấy tối đen ở trước mắt, bỗng nhiên ngọn đèn được thắp sáng và giờ thì họ cũng thấy đủ mọi hình sắc ở trước mắt.

Ông có thể gọi đó là đèn thấy.Bây giờ, nếu đèn có thể thấy thì nó không còn gọi là đèn nữa.

Vả lại, nếu đèn có thể thấy thì có liên quan gì với người mắt sáng đâu.Cho nên phải biết rằng, cái đèn có thể hiển lộ hình sắc và sự thấy như thế là con mắt chứ chẳng phải cái đèn.

Con mắt có thể hiển lộ hình sắc và tính thấy như thế là đến từ tâm chứ chẳng phải con mắt."❖Mặc dầu ngài Khánh Hỷ và các đại chúng đã nghe lời Phật nói, nhưng tâm vẫn chưa khai ngộ nên giữ im lặng.

Hy vọng rằng sẽ tiếp tục nghe được âm thanh từ bi tuyên giảng của Phật, họ chắp tay, thanh tịnh tâm ý, và chờ đợi lời dạy bảo từ bi của Phật.Lúc bấy giờ Thế Tôn duỗi cánh tay ra, rồi mở bàn tay chói sáng, mềm mại như bông gòn, có màng lưới giữa các ngón tay, và hiển lộ hình bánh xe ở trên những ngón tay.Đức Phật bảo ngài Khánh Hỷ và các đại chúng rằng:"Sau khi thành Đạo, Ta đi đến vườn Nai và vì nhóm năm người của Bhikṣu Giải Bổn Tế cùng bốn chúng đệ tử các ông mà nói rằng:'Sở dĩ các chúng sinh không thành tựu Phật Đạo hay trở thành bậc Ứng Chân là do họ đều bị mê hoặc bởi phiền não tựa như những du khách và vi trần.'Đương thời các ông do nhân duyên gì mà khai ngộ và nay được thành tựu thánh Quả?"Khi ấy ngài Giải Bổn Tế đứng dậy và thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Trong tất cả những vị trưởng lão hiện diện ở giữa đại chúng nơi đây, con là người độc nhất được tên gọi là Giải, nhân bởi con giác ngộ hai chữ khách trần mà thành tựu thánh Quả.Thưa Thế Tôn! Ví như có một du khách dừng chân ở quán trọ để ăn uống hoặc ngủ qua đêm.

Một khi đã nghỉ ngơi hoặc ăn uống xong, họ liền thu xếp hành trang mà lên đường và không nhàn rỗi nán lại.

Nhưng nếu người ấy đích thật là chủ quán thì không thể rời khỏi.

Suy ngẫm qua thí dụ này, người không ở lại gọi là khách và người ở lại gọi là chủ.

Do chẳng trụ lâu nên nó là tạm thời.Lại ví như bầu trời khi mưa vừa tạnh ở buổi sáng, một luồng ánh sáng trong thanh từ mặt trời nhô lên chiếu xuyên qua lỗ hổng và hiển lộ những hạt bụi ở không trung.

Thể chất của vi trần dao động nhưng hư không thì tịch nhiên.

Suy ngẫm qua thí dụ này, lặng yên gọi là hư không và dao động gọi là vi trần.

Do có dao động nên nó là di chuyển."Đức Phật bảo:"Như thị!"Lúc bấy giờ ở giữa đại chúng, Như Lai cong năm ngón tay với hình bánh xe thành nắm tay.

Khi đã cong thành nắm tay rồi lại mở ra.Khi đã mở năm ngón tay ra rồi lại cong thành nắm tay và bảo ngài Khánh Hỷ rằng:"Bây giờ ông thấy gì?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ, con thấy Như Lai mở và khép lòng bàn tay có hình bánh xe trăm báu ở giữa đại chúng."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Ông thấy bàn tay của Ta mở và khép ở giữa đại chúng.

Là tay của Ta có mở và khép, hay là thị giác của ông có mở và khép?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ, bàn tay báu của Thế Tôn có mở và khép ở giữa đại chúng.

Mặc dầu con thấy tay của Như Lai tự mở và khép, nhưng thị giác của con không có mở hay khép."Đức Phật bảo:"Cái gì động và cái gì tĩnh?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ, bàn tay của Phật có dao động, nhưng thị giác của con còn vượt ra khỏi sự tịch tĩnh.

Huống nữa là có dao động hay sao?"Đức Phật bảo:"Như thị!"Lúc bấy giờ có một luồng ánh sáng báu phóng ra từ lòng bàn tay có hình bánh xe của Như Lai và xẹt ngang qua vai phải của ngài Khánh Hỷ.

Ngài Khánh Hỷ lập tức xoay đầu và nhìn sang bên phải.

Đức Phật lại phóng một luồng ánh sáng ở bên vai trái của ngài Khánh Hỷ.

Ngài Khánh Hỷ cũng xoay đầu và nhìn sang bên trái.Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Vừa rồi tại sao ông xoay đầu?"Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Dạ, con thấy Như Lai phóng một luồng ánh sáng báu vi diệu xẹt ngang qua vai phải của con, rồi một luồng ánh sáng khác xẹt ngang qua vai trái của con.

Cho nên con xoay đầu của mình qua bên phải và trái để nhìn.""Này Khánh Hỷ! Khi ông xoay đầu qua bên phải và trái để nhìn Phật quang, là đầu của ông dao động, hay là thị giác của ông dao động?""Thưa Thế Tôn! Đầu của con dao động, nhưng thị giác của con còn vượt ra khỏi sự tịch tĩnh.

Huống nữa là có dao động hay sao?"Đức Phật bảo:"Như thị!"Khi ấy Như Lai bảo toàn thể đại chúng rằng:"Tất cả chúng sinh cần phải hiểu rằng, những thứ gì dao động là vi trần và chúng tựa như du khách chẳng ở lại.

Như vừa rồi các ông thấy đầu của Khánh Hỷ dao động, nhưng thị giác của ông ta chẳng hề dao động.Lại nữa, khi Khánh Hỷ thấy bàn tay của Ta khép và mở, nhưng thị giác của ông ta chẳng khép hay mở.Thế thì tại sao nay các ông vẫn cho những gì dao động là thân của mình, và cho những gì dao động là cảnh của nó? Vả lại chúng hình thành và hoại diệt trong từng niệm.

Các ông đã đánh mất chân tính của mình và làm những việc điên đảo.

Do bởi đánh mất chân tính của tâm và nhận lấy trần cảnh làm của mình, nên các ông vẫn luôn lưu chuyển trong luân hồi."Kinh Đại Phật Đỉnh Cứu Cánh Kiên Cố và Mật Nhân của Như Lai về Chư Bồ-tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa ♦ Hết quyển 1Dịch sang cổ văn: Pháp sư Cực Lượng ở Thế Kỷ 7-8Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên ThuậnDịch nghĩa: 5/8/2016 ◊ Cập nhật: 16/5/2019☸ Cách đọc âm tiếng PhạnBhikṣu: bíc suMātaṅga: ma tân ga.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui