Kinh Thanh Tịnh Các Nghiệp ChướngTÔI NGHE NHƯ VẦY:Một thuở nọ, Đức Phật ở tại Vườn cây Nại Nữ gần thành Quảng Nghiêm, cùng với 500 vị đại Bhikṣu [bíc su] và 32.000 chư đại Bồ-tát.Tên các ngài là: Hoại Ma Bồ-tát, Thần Thông Du Hí Quang Diễm Bồ-tát, Liên Hoa Thân Bồ-tát, Phóng Quang Vương Bồ-tát, Thường Điều Thân Bồ-tát, Mãn Chúng Nguyện Bồ-tát, Bảo Trang Nghiêm Kiên Ý Bồ-tát, Tạp Hoa Nhãn Bồ-tát, Tịnh Âm Thanh Vương Bồ-tát, Quang Chiếu Minh Bồ-tát, Diệu Chân Kim Bồ-tát, Hàng Phục Nhất Thiết Chư Căn Cảnh Giới Bồ-tát, Đại Lôi Âm Bồ-tát, Như Ý Quang Tích Bồ-tát, và Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử; tổng cộng là 32.000 vị Bồ-tát như thế làm thượng thủ.Lúc bấy giờ có một vị Bhikṣu tên là Vô Cấu Quang.
Ngài vào thành Quảng Nghiêm và đi khất thực theo thứ tự.
Do chẳng biết, nên ngài đã vào nhà của một dâm nữ.
Sau khi Bhikṣu Vô Cấu Quang đã vào nhà đó rồi, bấy giờ dâm nữ khởi lòng nhiễm ô đối với ngài.Cô ta liền nghĩ:"Giờ mình phải cùng với vị Bhikṣu này làm chuyện dâm dục mới được.
Giả như không được toại ý, chắc mình sẽ chết mất."Nghĩ như thế xong, cô ta liền đóng cửa lại và thỏ thẻ với vị Bhikṣu rằng:"Xin Tôn Giả hãy cùng em hoan lạc.
Giả như không được toại ý, chắc em sẽ chết mất."Khi ấy Bhikṣu Vô Cấu Quang liền nói với dâm nữ rằng:"Xin dừng, đại tỷ! Tôi không thể vi phạm việc như vậy!Vì sao thế? Bởi Đức Phật đã lập ra giới luật nên tôi phải phụng hành.
Dẫu có chết thì tôi cũng không hủy phạm giới này."Bấy giờ dâm nữ lại nghĩ rằng:"Giờ mình phải dùng chú thuật và xuân dược để khiến cho vị Bhikṣu này hành dâm với mình."Rồi cô ta lại thỏ thẻ với vị Bhikṣu ấy rằng:"Nay em chẳng thể khiến ngài khởi tâm hủy phạm giới cấm.
Thôi thì ngài hãy nhận phần thức ăn cúng dường này của em vậy."Thế là cô ta liền trở vào nhà và đọc chú vào thức ăn.
Ngay khi thức ăn vừa đổ vào bình bát của vị Bhikṣu, do bởi sức mạnh của chú thuật nên đã khiến cho vị Bhikṣu ấy mất ngay chính niệm và lòng dâm dục khởi lên hẫy hừng.Khi nhìn thấy sắc mặt của vị Bhikṣu đó biến đổi, dâm nữ liền nắm tay dìu vào trong để cùng hành dâm.
Khi đã cùng với dâm nữ âu yếm khoái lạc xong, vị Bhikṣu ấy cầm bát trở về tinh xá.❖Khi đã về tinh xá, trong lòng của vị Bhikṣu đó hối hận và ưu sầu khổ não tột cùng, rồi tự quở trách mình rằng:"Ôi trời, bây giờ ta đã hủy phạm trọng giới, không còn xứng đáng để thọ nhận cúng dường của người khác! Những kẻ phá giới như ta chắc chắn sẽ đọa địa ngục!"Nghĩ như thế xong, Bhikṣu Vô Cấu Quang đi đến chỗ của các vị Bhikṣu đồng tu tịnh hạnh mà nói lời như vầy:"Tôi đã phá giới nên nay không phải là Đạo Nhân nữa.
Tôi chắc chắn sẽ đọa địa ngục!"Bấy giờ các vị Bhikṣu mới hỏi Bhikṣu Vô Cấu Quang, rằng do nhân duyên gì mà lại phá giới như vậy.
Khi ấy Bhikṣu Vô Cấu Quang liền thuật lại tường tận sự việc.Khi ấy các vị Bhikṣu mới nói với Bhikṣu Vô Cấu Quang rằng:"Này Hiền Giả! Nên biết rằng, có một vị Bồ-tát tên là Diệu Cát Tường.
Ngài ấy đã đắc Vô Sinh Pháp Nhẫn, khéo có thể diệt trừ các nghiệp tội của phá giới, và cũng khiến cho chúng sinh xa lìa năm sự ngăn che và mười điều trói buộc.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ của Diệu Cát Tường Đại Bồ-tát để giúp giải trừ ưu lo của thầy."Khi ấy, Bhikṣu Vô Cấu Quang chẳng kịp thọ trai mà liền cùng với các vị Bhikṣu đi đến chỗ của Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử để thưa hỏi.
Khi đến nơi, họ cung kính cúng dường và liền thuật lại tường tận sự việc trên với ngài Diệu Cát Tường.Nghe xong, ngài Diệu Cát Tường nói với Bhikṣu Vô Cấu Quang rằng:"Bây giờ ông hãy ăn trước đã.
Khi ăn rồi, chúng ta sẽ cùng nhau đến chỗ của Như Lai để thưa hỏi việc này.
Đức Phật dạy như thế nào thì chúng ta sẽ thọ trì như thế ấy.❖Khi đã ăn xong, Bhikṣu Vô Cấu Quang và các vị Bhikṣu khác cùng với ngài Diệu Cát Tường đi đến chỗ của Phật.
Khi đến nơi, họ đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi ngồi qua một bên.Do lòng của Bhikṣu Vô Cấu Quang khi ấy tràn đầy sợ hãi nên không dám thưa hỏi Thế Tôn.
Thế nên ngài Diệu Cát Tường liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, rồi hướng về Đức Phật và thuật lại tường tận sự việc trên.Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Bhikṣu Vô Cấu Quang rằng:"Có thật là như thế không?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ phải, thưa Thế Tôn."Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Bổn tâm của ông trước đó có muốn vi phạm giới dâm không?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ không, thưa Thế Tôn."Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Nếu bổn tâm của ông trước đó đã chẳng muốn, thì làm sao mà gọi là vi phạm?"Bhikṣu Vô Cấu Quang thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Con sau đó mới sinh tâm dâm dục.""Này Bhikṣu! Nếu thế thì tâm của ông có vi phạm chăng?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ có, thưa Thế Tôn."Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Chúng sinh cấu nhiễm là do tâm cấu nhiễm; chúng sinh thanh tịnh là do tâm thanh tịnh.
Đó chẳng phải là lời Ta thường dạy hay sao?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ phải, thưa Thế Tôn!"Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Ý ông nghĩ sao? Ông có khi nào đã từng hành dục trong mơ mà tâm của ông nhận biết được việc ấy chăng?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ có, thưa Thế Tôn!"Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Khi ông sắp vi phạm giới dâm, đó chẳng phải do tâm mà nhận biết được sao?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ phải, thưa Thế Tôn!""Này Bhikṣu! Nếu là vậy, thì việc phạm giới dâm giữa lúc thức và khi mơ có gì khác biệt?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Việc phạm dâm giữa lúc thức và khi mơ không có gì khác biệt."Đức Phật bảo:"Ý ông nghĩ sao? Trước kia chẳng phải Ta đã nói rằng, hết thảy các pháp đều như giấc mộng sao?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ phải, thưa Thế Tôn!"Đức Phật bảo:"Ý ông nghĩ sao? Các pháp đều như giấc mộng, thì nó có thật chăng?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Dạ không, thưa Thế Tôn!"Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Ý ông nghĩ sao? Tâm lúc thức và khi mơ, cả hai tâm ấy có chân thật chăng?""Dạ không, thưa Thế Tôn!"Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Nếu chẳng phải chân thật, thì nó có hiện hữu chăng?""Dạ không, thưa Thế Tôn!"Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Ý ông nghĩ sao? Nếu pháp không chỗ có thì nó có sinh chăng?""Dạ không, thưa Thế Tôn!"Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Nếu pháp chẳng sinh thì nó có diệt mất, có trói buộc, hay có giải thoát chăng?""Dạ không, thưa Thế Tôn!"Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Ý ông nghĩ sao? Có thể nào Pháp vô sinh mà sẽ đọa Địa ngục Vô Gián, ngạ quỷ, hay bàng sinh chăng?"Vị Bhikṣu thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Pháp vô sinh còn chẳng có, huống nữa là sẽ đọa ba đường ác."❖Phật bảo vị Bhikṣu rằng:"Bổn tính của tất cả các pháp là thanh tịnh.
Tuy nhiên, do các phàm phu ngu si vô trí nên đối với Pháp vô sinh mà chẳng biết như thật, lại còn vọng sinh phân biệt.
Do bởi phân biệt nên họ mới đọa ba đường ác."Đức Phật lại bảo vị Bhikṣu rằng:"- Do các phàm phu chấp trước tham dục, sân hận, và si mê nên hiện ra đủ mọi pháp chẳng thật.- Do phân biệt các pháp nên chẳng được như như, không phải là chân thật."Đức Phật lại bảo vị Bhikṣu rằng:"- Các pháp hư vọng, bởi chúng như ảo ảnh.- Các pháp như mộng, bởi bổn tính tự nhiên của chúng sẽ thanh tịnh.- Các pháp cứu cánh, bởi chúng như trăng trong nước và như bọt nước.- Các pháp tịch tĩnh, bởi chúng chẳng có sinh già bệnh chết và các hoạn nạn.- Các pháp không nắm lấy, bởi chúng chẳng phải pháp hình sắc và không thể thấy.- Các pháp không hội tụ, bởi chúng như hư không.- Các pháp vô tính, bởi chúng siêu vượt các tính.- Các pháp thâm sâu, bởi chúng siêu vượt hư không.- Các pháp quảng đại, bởi chúng không có xứ sở.- Các pháp không chỗ làm, bởi chúng cứu cánh tịch nhiên.- Các pháp không chỗ nương, bởi cảnh giới của chúng rỗng không.- Các pháp không nguồn gốc, bởi chúng cứu cánh rỗng không.- Các pháp lìa ngăn che và trói buộc, bởi phiền não và kết sử chẳng thể nắm bắt.- Các pháp lìa bốc cháy, bởi tính chúng chẳng sinh.- Các pháp không chướng ngại, bởi bổn tính của chúng thanh tịnh.- Các pháp không báo ứng, bởi chúng tựa như bóng.- Các pháp như huyễn, bởi chúng chẳng như như.- Các pháp không chỗ nương, bởi hư vọng phân biệt.- Các pháp lưu chuyển, bởi các chúng sinh chấp trước vào hai bên.- Các pháp không khởi sinh, bởi mỗi tính của các duyên trái nghịch nhau.- Các pháp không nhiễm ái, bởi không chỗ kết nối.- Các pháp không ô uế, bởi tất cả kết sử chẳng thể nắm bắt.- Các pháp không dơ, bởi thanh tịnh rỗng không.- Các pháp vô vi tướng, bởi tướng chúng tịch tĩnh.- Các pháp điều nhu, bởi tính chúng chẳng sinh.- Các pháp như như, bởi ở trước, giữa, và sau chẳng sai khác.- Các pháp giải thoát, bởi chúng chẳng nối liền với nhau.- Các pháp không nghe biết, bởi chúng như ngói vụn.- Các pháp không hình sắc, bởi chúng đồng hư không.- Các pháp bình đẳng, bởi chúng không tích tụ.- Các pháp không thể cầm giữ, bởi chúng giống như hư không chẳng thể nắm lấy.- Các pháp không chỗ được, bởi người trí tìm cầu chẳng thể được.- Các pháp không nhiễu động, bởi ba đời thanh tịnh.- Các pháp không trói buộc, bởi phá trừ đen tối.- Các pháp không gai góc, bởi lìa các ràng buộc.- Các pháp an ổn, bởi chúng như tịch diệt.- Các pháp không sợ hãi, bởi vượt qua các sợ hãi.- Các pháp không bờ kia, bởi không có bờ này.- Các pháp không số lượng, bởi vượt qua toán số.- Các pháp vô tướng, bởi tướng chúng rỗng không.- Các pháp vô tác, bởi đoạn trừ các nguyện.- Các pháp vô hành, bởi hành hư vọng.- Các pháp không hí luận, bởi diệt trừ giác quán.- Các pháp không phải nhà hay hang, bởi lìa mọi trú xứ.- Các pháp không ô trược, bởi chúng luôn thanh tịnh.- Các pháp đồng tịch diệt, bởi sinh chẳng thể được, rỗng không, chẳng có.Này Bhikṣu! Nên biết rằng, các pháp như thế thì chẳng thể tuyên nói.
Bởi vậy thuở xưa khi ngồi ở Đạo Tràng, ta chứng đắc mà không có chỗ chứng đắc.
Không một pháp nào mà có sinh, có diệt, có siết trói, hay có cởi ra.
Cũng không một pháp nào có chướng ngại, có ràng buộc, có buồn lo, hay có hối tiếc.Vì sao thế? Bởi các pháp thanh tịnh và không tạp uế."❖Lúc bấy giờ, Bhikṣu Vô Cấu Quang sau khi nghe những lời thuyết Pháp ấy thì cõi lòng hân hoan, cảm giác buồn vui lẫn lộn.
Lập tức lệ tuôn như mưa, chắp tay và nhất tâm quán tưởng Phật.Sau đó ngài liền nói kệ rằng:"Lành thay Thế Tôn đại công đứcTrời người kính ngưỡng và quy yKhéo hiểu tất cả diệu thắng hạnhCúi đầu, bậc khéo đoạn khổ nãoAi không chỗ nương làm chỗ tựaAi mất phương hướng làm đạo sưAn trụ thật Đạo luôn thanh tịnhCúi đầu, Thế Tôn đại uy đứcVì đời tối tăm làm đèn sángNhững ai không mắt làm mắt họChấp sâu hư vọng khéo độ thoátCúi đầu, dũng mãnh đại tinh tấnĐã lìa nhiễm ô không sân hậnMọi sự trói buộc đã giải thoátThân oán bình đẳng khéo cởi raCúi đầu, chân thật công đức tụKhô cạn tham ái và si mêPhá hoại các cõi trừ khổ áchSinh tử luân hồi từ lâu đoạnCúi đầu, đại lực Vô Thượng ThừaNơi các phân biệt chẳng chấp trướcGiải thoát diệu trí khó nghĩ bànBa cõi tối thắng lìa cấu nhiễmCúi đầu, thanh tịnh bậc vô cấuCon nay chí cầu Đạo như vậySẽ cứu chúng sinh không chỗ nươngNguyện khiến con đắc thừa như thếMãi không Nhị Thừa đoạn các lậuỨc yojana [dô cha na] vô lượng kiếpDẫu luôn chịu khổ chẳng bỏ ĐạoNhư ánh trăng rằm giữa vì saoCon quán Như Lai cũng như thếVí như có người vào biển cảÝ họ hạ liệt tìm thủy tinhDẫu gặp vô lượng trân bảo quýBỏ chúng mà lấy vật rẻ mạtNhư người nghe Phật sức vô lượngMà chẳng sinh niệm họ sẽ đượcLàm việc rộng lớn trong Đại ThừaBuông bỏ Đại Đạo chứng Thanh VănVí như có người thấy đại vươngĐược hàng quần thần theo hầu cạnhLại mong làm thần chẳng mong vuaPhải biết ý họ không sáng suốtNhư người nghe Phật đại công đứcViệc làm diệu thắng và trí tuệMà nơi Nhị Thừa lòng vui thíchĐó là hạ liệt tâm lười biếngChúng sinh không nên ưa Nhị ThừaBởi như đom đóm trong đêm tốiHãy cầu nhật quang chiếu sáng khắpPhá tan hết thảy mọi tối tămPhật có vô lượng đại danh vănNghe thấu trời người các đường ácPhật quang vi diệu tối thượng nhấtChiếu soi tối tăm ở thế gianVí như sư tử giữa dã canTâm họ ưa thích bầy dã canBỏ đi những việc của sư tửMà lại làm theo việc dã canNhư có trượng phu giữa Thanh VănHọ như sư tử giữa dã canƯa thích Pháp nhỏ cho là đủPhải biết hạng này hành Đạo bầnNếu ai muốn cầu Pháp Đại ThừaHãy nên luôn khởi tâm như vầyLợi ích thế gian trừ khổ áchĐừng nên giống như hàng Thanh Văn"Khi nghe Bhikṣu Vô Cấu Quang nói kệ xong, 42.000 vị thiên tử ở trong Pháp hội phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.
Sau đó, họ liền rải hoa vi diệu âm lớn, hoa sen vàng, và những loại hoa khác để cúng dường Thế Tôn và Diệu Cát Tường Bồ-tát.Họ lại ngợi khen Bhikṣu Vô Cấu Quang và nói lời như vầy:"Lành thay, lành thay, Vô Cấu Quang! Ai có thể làm những việc lợi ích ở trong Phật Đạo, đó chính là báo đáp ân đức của Phật."❖Lúc bấy giờ Thế Tôn liền mỉm cười.
Như thường Pháp của chư Phật, hễ khi mỉm cười sẽ có ánh sáng năm màu phóng ra từ miệng, như là xanh, vàng, đỏ, trắng, và màu pha lê hồng.
Chúng chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, cao đến cõi Phạm Thiên, và che lấp tất cả ánh sáng của nhật nguyệt.
Sau đó, chúng bay trở về chỗ của Phật, nhiễu Phật ba vòng, rồi lặn ở trên đỉnh đầu.Lúc bấy giờ ngài Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng Phật và bạch rằng:"Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Ngài vừa mỉm cười? Chư Phật Thế Tôn sẽ không mỉm cười mà chẳng có nhân duyên?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Bhikṣu Vô Cấu Quang này đây có trí tuệ sâu rộng và đã phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.
Bởi thế Ta nay sẽ thọ ký Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác cho ông ấy."Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Vào đời vị lai, Bhikṣu Vô Cấu Quang này đây sẽ đắc Vô Sinh Nhẫn ở chỗ của Đức Phật Từ Thị, cũng như gặp và cúng dường 1.000 Đức Phật ở kiếp Hiền.
Sau đó lại trải qua 20 kiếp, khi đã cúng dường cho 20 ức chư Phật, ông ấy sẽ thành Phật, hiệu là Công Đức Liên Hoa Tối Thắng Diệu Hành Sư Tử Lôi Âm Như Lai."Đức Phật lại bảo ngài Khánh Hỷ:"Ở thế giới của Công Đức Liên Hoa Tối Thắng Diệu Hành Sư Tử Lôi Âm Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri kia do bảy báu tạo thành và có vô lượng Pháp âm.
Nơi ấy không có đệ tử Thanh Văn hay Duyên Giác, mà chỉ toàn là chư Bồ-tát.
Đức Phật ở thế giới đó luôn chuyển Pháp luân bình đẳng không thoái chuyển.Này Khánh Hỷ! Bhikṣu Vô Cấu Quang này đây sẽ nhanh đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.Vì sao thế! Bởi ông ấy ngồi nơi Pháp thù thắng vi diệu mà thanh tịnh Phật độ vậy."❖Lúc bấy giờ Thế Tôn lại bảo ngài Khánh Hỷ rằng:"Ví như ánh sáng của mặt trời rọi tới nơi đâu thì mọi tối tăm đều tan biến.
Cũng như thế, Khánh Hỷ! Nếu có chúng sinh nào nghe được Kinh này, thì phải biết nơi đó có ánh sáng lớn chiếu soi, và có thể làm cho chúng sinh không bị chướng ngại ở trong tất cả pháp."Bấy giờ ngài Khánh Hỷ liền ở trước Phật thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Vì sao nói rằng chúng sinh sẽ không bị chướng ngại ở trong tất cả pháp?"Đức Phật bảo:"Thôi đi, Khánh Hỷ! Cần gì phải hỏi điều như thế.
Nếu Như Lai nói về những việc chướng ngại và không chướng ngại, thì cả người lẫn chư thiên đều sẽ sinh lòng hoài nghi.Khi ấy Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Kính mong hãy nói về những việc chướng ngại và không chướng ngại.
Như thế, chư Bồ-tát trong đời ác năm trược ở vị lai sẽ có thể không sinh nhiễm trước đối với các pháp thế gian."Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:"Những việc chướng ngại đó là:- tham dục là chướng ngại,- sân hận là chướng ngại,- si mê là chướng ngại,- bố thí là chướng ngại,- trì giới là chướng ngại,- nhẫn nhục là chướng ngại,- tinh tấn là chướng ngại,- thiền định là chướng ngại,- diệu tuệ là chướng ngại,- niệm Phật là chướng ngại,- niệm Pháp là chướng ngại,- niệm Tăng là chướng ngại,- niệm không là chướng ngại,- niệm vô tướng là chướng ngại,- niệm vô nguyện là chướng ngại,- niệm vô hành là chướng ngại,- niệm bất sinh là chướng ngại.Này Diệu Cát Tường! Nói tóm lại, nếu đối với các pháp mà có trói có mở, thì phải biết đó đều là chướng ngại."❖Khi ấy Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Vì sao bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và diệu tuệ là những pháp chướng ngại."Phật bảo Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử:"Tính của tất cả pháp đều không chướng ngại.
Tuy nhiên, hàng phàm phu ngu si vô trí thì tự khởi sinh phân biệt mà làm chướng ngại đối với bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và diệu tuệ.Vì sao thế, Diệu Cát Tường? Bởi khi làm bố thí, những kẻ phàm phu ngu si chẳng sinh lòng cung kính đối với các chúng sinh nghèo túng.
Do không cung kính, họ liền sinh tâm sân hận.
Do tâm sân hận, họ sẽ đọa đại địa ngục.Hoặc khi thấy kẻ phạm giới, người trì giới lại sinh lòng khinh mạn và nói về việc xấu ác của họ, khiến cho những người khác nghe được nên không sinh lòng cung kính.
Do không cung kính nên họ phải đọa đường ác.Hoặc có người tu hành nhẫn nhục mà sinh lòng cao ngạo.
Họ cho rằng mình có nhẫn nhục, còn những kẻ khác đều xấu ác.
Do tu nhẫn nhục như thế nên họ buông lung.
Phải biết đó chính là gốc của mọi nghiệp tội.Hoặc có người tu hành tinh tấn nhưng lại khởi niệm như vầy đối với những ai lười biếng:'Mấy kẻ ngu si như thế không nên ăn đồ cúng dường của tín thí, và cho đến không nên uống một giọt nước.'Họ tự đối với chính mình mà khởi lòng cao ngạo và xem thường người khác.
Phải biết hạng người như thế là kẻ ngu si vô trí.Hoặc thấy kẻ tán loạn, người tu hành thiền định lại khởi niệm như vầy:'Ta luôn tu thiền định, còn những vị Bhikṣu khác thì trong lòng đầy tán loạn và thuyết giảng tà luận.
Những kẻ như thế cách Đạo xa xăm, làm sao mà có thể thành Phật?'Khi đã khởi niệm này và tùy theo chỗ khởi niệm, với mỗi niệm làm một kiếp, họ phải trở lại để chịu sinh tử.
Khi đã thọ sinh tử, họ sẽ lại tu hành Phật Đạo.Hoặc có kẻ ỷ vào sự đa văn của mình và với trí tuệ không chân thật mà hư vọng khởi sinh phân biệt đối với Chính Pháp.
Khi thấy có điều sở đắc, họ khởi tâm kiêu mạn ngông cuồng.
Ta nói hạng người như thế là ngu si cực điểm, là kẻ vô trí, và bị những sự hiểu biết che lấp.
Dẫu cũng chí tâm cầu Đạo nơi Đại Thừa nhưng họ không phải là bậc đại nhân.Họ sẽ nói lời như thế này:'Ở vào đời sau, ta sẽ là bậc tối thắng.'Còn đối với hàng Thanh Văn và những vị tu Nhị Thừa, họ không có tâm cung kính, khinh mạn chê bai, và rao nói lỗi lầm của họ.
Do dùng ác tâm nói lời thô xấu nên họ phải đọa đường ác."❖Lúc bấy giờ Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Bồ-tát không nên ở trong Phật Pháp mà hư vọng rao nói điều ác của người."Đức Phật bảo:"Như thị, như thị, Diệu Cát Tường! Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát luôn khởi lòng từ, thương xót nhớ tưởng đối với các chúng sinh, và không dùng ánh mắt độc ác để nhìn họ đúng không?"Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:"Đúng vậy, thưa Thế Tôn!""Lại nữa, Diệu Cát Tường! Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát có thể nào quên lãng dẫu chỉ một chúng sinh mà không dùng Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, hay Đại Thừa để hóa độ chăng?""Dạ không, thưa Thế Tôn!""Bồ-tát chưa từng lìa bỏ một chúng sinh mà không hóa độ.
Bồ-tát luôn khởi tâm bình đẳng đối với tất cả."Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:"Đây ví như có một vị lương y khéo chữa trị mọi chứng bệnh.Vì quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, và các nhân dân nghèo khổ nên ngài luôn nghĩ như vầy:'Làm thế nào để khiến chúng sinh thoát khổ và miễn trừ các chứng bệnh?'Này Diệu Cát Tường! Bồ-tát cũng lại như thế.
Họ luôn khởi tâm đại bi và bình đẳng đối với chúng sinh.
Các ngài luôn nghĩ làm sao để khiến hết thảy chúng sinh tu hành Phật Pháp và chẳng để đoạn tuyệt.Đây cũng như khi có một vị lương y hiểu biết y thuật, kinh thư, và chú thuật mà chẳng để thất truyền, người ấy mừng rỡ trong lòng và hớn hở vô cùng.Này Diệu Cát Tường! Bồ-tát cũng lại như thế.
Các ngài chẳng để chủng tính của chư Phật bị đoạn tuyệt.
Họ sinh tâm hoan hỷ cũng lại như vậy.Này Diệu Cát Tường! Không phải tất cả chúng sinh đều như vị lương y khéo chữa trị mọi chứng bệnh.
Giả sử có người thì cũng rất khó được.Này Diệu Cát Tường! Bồ-tát cũng lại như thế.
Không phải chúng sinh nào cũng như Phật, phát khởi Đạo tâm để tự trang nghiêm.
Giả sử có người thì cũng rất khó được.Đây cũng như một vị lương y hiểu biết y thuật, kinh thư, và những phương pháp bí truyền, thì không nên lười biếng, mà hãy tu bồi y học.Này Diệu Cát Tường! Bồ-tát cũng lại như thế.
Bồ-tát không nên lười biếng như người bệnh gầy yếu, mà hãy phát khởi Đạo tâm.Này Diệu Cát Tường! Có trí tuệ tự nhiên không thầy dạy thì rất khó được.
Chẳng từ người khác mà biết thì cũng rất khó được.
Tâm thù thắng vi diệu thì cũng rất khó được.
Tu hành Phật Pháp thì cũng rất khó được."❖Lúc bấy giờ Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Tâm của Bồ-tát làm sao được thanh tịnh và không bị chướng ngại đối với tất cả pháp?"Phật bảo Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử:"Nếu có Bồ-tát nào quán sát tham dục là tất cả pháp, quán sát sân hận là tất cả pháp, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào đối với năm dục mà không sinh tâm yêu mến, cũng chẳng buông lung, và quán sát thật tính của dục chính là Phật Pháp, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào ở trong năm sự ngăn che mà cầu Đạo, khi quán sát như thế mà chẳng được năm sự ngăn che cùng với Đạo, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào quán sát chín pháp phiền não chính là lòng từ, khi tư duy quán sát chín pháp phiền não mà người khác và chính mình đều chẳng thể được, thì gọi là tối thượng từ, do bởi các pháp đều không có chỗ được.
Bồ-tát quán sát nhẫn nhục cũng lại như thế.
Đây gọi là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào quán sát phạm giới chính là không phạm giới, quán sát phi luật chính là luật, quán sát trói buộc chính là giải thoát, và quán sát sinh tử chính là cảnh giới tịch diệt, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào quán sát tham dục chính là cảnh giới tịch diệt, sân hận và si mê cũng lại như thế, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào quán sát tất cả pháp chính là Phật Pháp, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào quán sát tất cả pháp đều chẳng có thể tướng và cũng không căn gốc, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào quán sát keo kiệt và bố thí mà chẳng khởi hai tưởng, quán sát trì giới và phá giới mà chẳng khởi hai tưởng, quán sát sân hận và nhẫn nhục mà chẳng khởi hai tưởng, quán sát lười biếng và tinh tấn mà chẳng khởi hai tưởng, quán sát tán loạn và thiền định mà chẳng khởi hai tưởng, và quán sát si mê và diệu tuệ mà chẳng khởi hai tưởng, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu có Bồ-tát nào quán sát các phiền não chính là Phật Pháp, thì tức là thanh tịnh các nghiệp chướng.Lúc bấy giờ Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm sao quán sát các phiền não chính là Phật Pháp?"Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:"Ý ông nghĩ sao? Ông có thấy pháp nào mà có thể trở lại cùng với pháp để trói buộc chăng?Đáp rằng:"Dạ không, thưa Thế Tôn!""Này Diệu Cát Tường! Ý ông nghĩ sao? Ông có thấy pháp nào mà có thể làm cho các pháp được giải thoát chăng?""Dạ không, thưa Thế Tôn!""Này Diệu Cát Tường! Bồ-tát làm thế nào để đắc Vô Sinh Nhẫn?"Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Tất cả phiền não tức là Vô Sinh Nhẫn.Vì sao thế? Bởi tất cả phiền não đồng như tính của hư không.
Căn cứ vào nghĩa đó, con quán các pháp đều vô trí, vô đoạn, vô tu, vô chứng.
Tuy nhiên, các phàm phu thì bị chướng ngại che lấp, không có Phật Pháp, và do tu Phật Pháp mà thấy có đoạn trừ ràng buộc."Lúc bấy giờ Thế Tôn ngợi khen Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử rằng:"Lành thay, lành thay, Diệu Cát Tường! Ông có thể khéo giảng nói pháp vô tận như thế.❖Này Diệu Cát Tường! Vào thuở quá khứ lâu xa về trước, vô lượng vô biên vô số kiếp chẳng thể nghĩ bàn, lúc ấy có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Nhật Vô Cấu Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.Này Diệu Cát Tường! Thọ mạng của Nhật Vô Cấu Quang Như Lai là 90 kiếp.
Quốc độ tên là Chúng Hương.
Ở thế giới của Đức Phật kia có rất nhiều chúng sinh ưa thích Pháp nhỏ, và ít có ai tu tập vô thượng Đại Thừa.
Sau khi Đức Phật Thế Tôn kia vào Cứu Cánh Tịch Diệt, Chính Pháp trụ thế 1.000 năm, và việc phân phát xá-lợi cũng giống như sau khi Ta diệt độ--không chút sai khác.Vào thời ấy có một vị Bhikṣu tên là Dũng Thí.
Ngài luôn biết hổ thẹn, rất ưa thích học tập, khéo tu trì giới luật, và đa văn trí tuệ.
Ngài có tướng mạo đoan chính và thành tựu sắc tướng vi diệu thanh tịnh đệ nhất.Bấy giờ Bhikṣu Dũng Thí đắp y và cầm bát đi vào thành Nan Thắng để khất thực theo thứ tự.
Trong lúc đi khất thực, ngài đến nhà của một trưởng giả.
Ở trong nhà ấy có một người con gái với dung mạo xinh đẹp và nàng vẫn chưa có chồng.Lúc trông thấy Bhikṣu Dũng Thí, con gái của trưởng giả sinh lòng yêu thương và thầm nghĩ như vầy:'Nếu như chẳng được Bhikṣu Dũng Thí làm chồng, chắc ta sẽ tự kết liễu đời mình.'Về điều thầm nghĩ đó, nàng chưa hề nói cho ai biết.
Sự mong muốn trong lòng của nàng càng thêm siết chặt và lâu dần thành bệnh.Khi đã khất thực xong, Bhikṣu Dũng Thí trở về tinh xá.Ít lâu sau, cha của người con gái đó qua đời.Lúc ấy mẹ nàng hỏi con gái rằng:'Tại sao con lại bị bệnh như thế?'Khi ấy nàng im lặng và vẫn tiếp tục không ăn uống gì hết.Lúc đó mẹ của nàng bí mật sai những cô bạn đến gần gũi, những người đã từng đồng cam cộng khổ với nàng, và hỏi rằng:'Vì cớ sao mà bạn mắc bệnh vậy?'Khi ấy nàng đáp rằng:'Khoảng thời gian trước, mình thấy có một vị Bhikṣu với tướng mạo khôi ngô nên liền sinh lòng mong muốn và dần dần thành bệnh.
Nếu mà được lấy chàng, bệnh của mình sẽ lành.
Còn như chẳng được, chắc mình sẽ chết mất.'Khi nghe việc đó rồi, những cô bạn trở về nói lại tường tận cho mẹ nàng hay.Khi nghe xong, mẹ nàng suy nghĩ rằng:'Bây giờ con gái của mình mắc bệnh như thế.
Giả sử không được Bhikṣu Dũng Thí thì phải tính làm sao?'Lại suy nghĩ rằng:'Ta nay sẽ thường xuyên thỉnh Bhikṣu Dũng Thí đến nhà, rồi sai con gái của mình đi theo nghe Kinh Pháp.'Lại một thời gian khác, Bhikṣu Dũng Thí vào thành khất thực và cũng đến nhà đó.Khi trông thấy thân thể của con gái trưởng giả gầy gò, ngài hỏi mẹ nàng rằng:'Con gái của thí chủ sao lại mắc bệnh như thế?'Lúc ấy người mẹ đáp rằng:'Con gái của con rất thích nghe Kinh Pháp nhưng con lại luôn ngăn cản.
Bởi vậy trong lòng không được toại ý nên mới thành bệnh.'Bấy giờ Bhikṣu Dũng Thí bảo mẹ nàng rằng:'Thí chủ chớ nên ngăn cấm con gái của mình không được nghe Pháp.'Người mẹ đáp rằng:'Nếu Tôn Giả có thể giảng dạy Kinh Pháp cho ái nữ, con sẽ cho phép.'Lúc đó Bhikṣu Dũng Thí liền chấp thuận.Người mẹ nói rằng:'Từ nay về sau, xin Tôn Giả hãy thường đến nhà con.'Bhikṣu Dũng Thí đáp rằng:'Thôi được!'Khi nghe được lời ấy, con gái của trưởng giả vui mừng vô cùng và nghĩ rằng:'Từ nay ta hãy làm đủ mọi cách để khiến cho vị Bhikṣu này sinh lòng yêu mến với mình.'Lúc đó con gái của trưởng giả thưa với Bhikṣu Dũng Thí rằng:'Kính mong Tôn Giả hãy thương xót mà thường đến nhà của con.'Bấy giờ Bhikṣu Dũng Thí im lặng nhận lời, rồi thọ nhận thức ăn và trở về tinh xá.Khi ấy người mẹ bảo con gái của bà rằng:'Từ nay về sau, con hãy trang điểm cho đẹp.
Hãy dùng hương đàn hảo hạng và muôn loại tạp hương để thoa lên thân.
Hãy mặc những bộ quần áo tinh sạch và lộng lẫy.
Hãy trang điểm như thế thì mới có thể chiếm được lòng của người con yêu.'Về sau, Bhikṣu Dũng Thí thường hay đến nhà của trưởng giả và lâu dần càng thân thiết.
Do luôn trông thấy con gái của trưởng giả nên ngài mất chính niệm và sinh lòng ham muốn.
Thế là ngài cùng với người con gái đó hành dâm, trong lòng nhớ nhung, và thường xuyên lai vãng.Khi thấy vị Bhikṣu này thường xuyên lai vãng, người chồng của cô gái đó sinh lòng nghi ngờ và tức giận.
Thế là anh ta liền nghĩ cách và muốn giết chết ngài.Khi hay được việc ấy, Bhikṣu Dũng Thí liền nghĩ thầm:'Ta hãy lấy thuốc độc đưa cho cô ấy và sai nàng hãy giết chồng mình.'Bấy giờ Bhikṣu Dũng Thí liền lấy thuốc độc trao cho cô gái đó và bảo rằng:'Nếu em còn nhớ đến anh thì hãy cầm thuốc độc này mà giết chết chồng em đi.'Lúc đó con gái của trưởng giả liền lấy thuốc độc bỏ vào trong thức ăn và sai tỳ nữ đưa thức ăn này cho chồng của nàng dùng.
Khi ăn cơm xong, người chồng lập tức tử vong.❖Khi nghe tin kẻ kia đã chết, lòng của Bhikṣu Dũng Thí sinh hối hận vô cùng và suy nghĩ rằng:'Ta nay đã làm một việc ác tày trời.
Sao có thể gọi là Bhikṣu mà làm chuyện dâm dục và còn giết chết người khác? Giờ đây lòng ta tràn đầy ưu sầu, phải biết làm sao đây? Nếu sau khi chết, ta nhất định sẽ đọa đường ác.
Ai có thể giúp ta thoát khỏi?'Do bởi việc ấy, ngài từ tinh xá này đến tinh xá khác, sợ hãi đến nỗi chạy hớt hơ hớt hải và cả y phục cũng rơi xuống đất.Ngài lại than rằng:'Ôi trời ơi! Ta nay chính là chúng sinh của địa ngục.'Vào thời ấy có một tinh xá tên là Tuyết Tự.
Nơi đây có một vị Bồ-tát tên là Úy Giải Thoát.
Bhikṣu Dũng Thí liền vào phòng của ngài và quăng cả thân mình trên đất.Bấy giờ vị Bồ-tát kia hỏi Bhikṣu Dũng Thí rằng:'Tại sao lại quăng cả thân mình trên đất như vậy?'Đáp rằng:'Thưa đại đức! Con nay chính là chúng sinh của địa ngục.'Lại hỏi rằng:'Ai bảo thầy là người của địa ngục?'Bhikṣu Dũng Thí đáp rằng:'Con đã trót tạo một đại tội.
Con đã phạm giới dâm và còn giết chết người.'Lúc ấy vị Bồ-tát kia bảo Bhikṣu Dũng Thí rằng:'Bhikṣu chớ sợ hãi! Ta nay có thể thí vô úy cho thầy.'Khi nghe tiếng thí vô úy của vị Bồ-tát kia, Bhikṣu Dũng Thí sinh lòng vui mừng và hớn hở vô cùng.
Lúc bấy giờ Úy Giải Thoát Bồ-tát liền cầm tay phải và nhấc Bhikṣu Dũng Thí đứng dậy.
Tiếp đến, họ đến một nơi ở trong rừng cây.Bấy giờ Úy Giải Thoát Bồ-tát vọt lên hư không với độ cao bằng một cây cọ và bảo Bhikṣu Dũng Thí rằng:'Nay thầy có sinh lòng tin sâu ở nơi ta chăng?'Bhikṣu Dũng Thí lập tức chắp tay và đáp rằng:'Con nay thấy Tôn Giả như gặp bậc đại sư và cũng như gặp Thế Tôn.'❖Lúc bấy giờ Úy Giải Thoát Bồ-tát liền vào Chư Phật Cảnh Giới - Đại Thừa Diệu Môn - Như Lai Bảo Ấn Chính Định.
Sau khi đã nhập định, từ phần trên của thân ngài liền phóng ra vô lượng chư Phật.
Thân của chư Phật đều là màu vàng với 32 tướng và bao trùm khắp rừng cây.Lúc bấy giờ chư Phật liền đồng thanh nói kệ rằng:'Các pháp như gương ảnhCũng như trăng trong nướcPhàm phu tâm ngu muộiPhân biệt sân si áiPháp vô tác vô xứNhư hư không thanh tịnhCũng chẳng có giác triHư ngụy chẳng kiên cốỞ trong tìm sân áiChưa từng có ai đượcPhàm phu sinh ái nhiễmNhiễm trước thật chẳng cóNhư lúc ngủ nằm mơNhiễm trước nơi các sắcCũng như dao cắt đồMà dao không biết gìPhàm phu cũng như thếNgu mê vọng phân biệtNơi ái sinh nhiễm trướcNơi sân càng tranh cãiThế gian tựa như mộngRỗng không chẳng bền vữngNhư lửa, mây giữa trờiSi ái tịch vô tướngCác pháp như cỏ câyTâm chẳng ở trong ngoàiÁi chẳng phải thọ mạngTự tính không chỗ cóPhàm phu thấy các phápXét từ nhân duyên sinhVô tác chẳng thể giữTính lìa thường tịch tĩnhCác pháp tựa như huyễnPhàm phu sinh chấp trướcTính huyễn không kiên cốTham sân si cũng vậyCác pháp thường vô tướngTịch tĩnh không căn gốcVô biên chẳng thể nắmTính dục cũng như thếChúng sinh như gương ảnhChấp trước là của mìnhLìa Chân, vọng phân biệtKhông bền mà nắm lấyCác pháp như âm vangTham sân vô xứ sởNhư huyễn, mộng, thủy nguyệtThật không người nhiễm sânCảnh giới không chân thậtRỗng không chẳng thể bắtPhân biệt pháp vô chủCăn bổn thường tịch tĩnhVí như người biến hóaChẳng có tham sân siHuyễn mộng với các phápXứ sở chẳng thể đượcNhư trăng hiện trong nướcMà chẳng ở trong nướcPhàm phu nhiễm sân siSi ái sân vô tínhTham dục sân si mêCác duyên luôn rỗng khôngKhông chúng sinh thọ mạngHư vô thường tịch tĩnhKhông mắt cũng không taiMũi lưỡi cũng như thếPhàm phu ngu vô tríHư vọng cho kiên cốVô biên như hư khôngVô tận chẳng đến điCác pháp cũng như vậyNhư tay sờ hư khôngMuôn loại pháp phân biệtThật chẳng ai phân biệtPhàm phu tính các uẩnMà thật không chỗ sinhTa quán tất cả phápTính tướng không chỗ cóChẳng sinh cũng chẳng diệtChưa từng có hợp tanCác pháp, tính giải thoátTịch tĩnh không xứ sởChẳng thể mong nắm giữAi hiểu gọi là trí'Vì để nghe Pháp của Úy Giải Thoát Bồ-tát, lúc bấy giờ có 12.000 vị thiên tử đã đến hội họp trong rừng.
Lúc nghe kệ này, họ lập tức đều đắc Vô Sinh Pháp Nhẫn.
Còn Bhikṣu Dũng Thí, khi thấy chư hóa Phật với thần thông biến hiện, ngài tư duy tuyển lựa ở trong các pháp, lìa xa các sự ngăn che và điều trói buộc, rồi đắc Vô Sinh Nhẫn.Này Diệu Cát Tường! Ông chớ sinh lòng hoài nghi.
Úy Giải Thoát Bồ-tát thuở đó nào có ai khác, nay chính là Từ Thị Bồ-tát.
Còn Bhikṣu Dũng Thí nào có ai khác, nay chính là Bảo Nguyệt Như Lai."Lúc bấy giờ ngài Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Có phải Bhikṣu Dũng Thí đã thành Phật rồi chăng?"Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:"Bhikṣu Dũng Thí hiện đã thành Phật ở phương tây.
Vượt qua số cõi Phật nhiều như cát sông Hằng, có thế giới tên là Thường Quang.
Bảo Nguyệt Như Lai thành Phật ở nơi đó.Này Diệu Cát Tường! Ông hãy quán sát Pháp này.
Nó có năng lực khiến chúng sinh lìa các nghiệp chướng.
Dẫu đã làm chuyện dâm dục và đoạn mạng căn người khác, nhưng Pháp này có thể khiến cho ông ấy hiện đời được Vô Sinh Nhẫn.Vì sao thế? Bởi ông ấy có thể quán ba cõi như bóng và như âm vang.
Ví như nhà ảo thuật nhìn vào người huyễn hóa mà không có chướng ngại.Này Diệu Cát Tường! Do hàng phàm phu vọng sinh phân biệt nơi pháp không hiện hữu nên phải đọa các đường ác, và chịu vô lượng tỷ nỗi khổ."❖Lúc bấy giờ ngài Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát nào nghe được Kinh này, rồi thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, và tôn trọng tán thán, thì ở hiện đời họ sẽ được lợi ích gì?"Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:"Ý ông nghĩ sao? Ví như ánh sáng của mặt trời chiếu soi các chúng sinh ở châu Thắng Kim, nó có bao nhiêu sự lợi ích?"Ngài Diệu Cát Tường thưa với Phật rằng:"Thưa Thế Tôn! Ví như ánh sáng của mặt trời chiếu soi các chúng sinh ở châu Thắng Kim, nó làm lợi ích nhiều vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn.""Này Diệu Cát Tường! Phải biết Kinh này cũng lại như thế.
Nó có thể khiến chư Bồ-tát phá trừ các sự trói buộc và có thể sinh vô lượng quang minh của trí tuệ.
Họ cũng được không chướng ngại đối với các pháp và nhanh có thể thành tựu biện tài vô ngại.
Giả sử khi thuyết Pháp, họ sẽ không bị chúng ma và ngoại đạo phá hoại hay chặt đứt lời họ muốn nói.Này Diệu Cát Tường! Đây ví như lửa lớn cháy rụi cỏ cây mà không chút thừa sót.
Phải biết Kinh này thiêu đốt tất cả trói buộc cũng lại như vậy.Đây ví như ngọn núi chúa Tuyết, các núi Đen khác đều chẳng thể chướng ngại hay che lấp.
Nếu có Bồ-tát nào nghe được Kinh này thì cũng lại như thế; những hàng ngoại đạo khác đều chẳng thể phá hoại và hủy báng họ.Này Diệu Cát Tường! Đây ví như vị Chuyển Luân Thánh Vương, các tiểu quốc vương đều chẳng dám trái nghịch.
Nếu có Bồ-tát nào nghe được Kinh này thì cũng lại như thế; những người tài giỏi trong hết thảy tạp luận đều chẳng thể chế phục họ.Này Diệu Cát Tường! Đây ví như vị Bhikṣu khéo tu trì giới luật.
Ngài có thể dẹp trừ sự phá giới và điều hoài nghi của kẻ khác.
Phải biết Kinh này cũng lại như vậy.
Nó có thể khiến chúng sinh xa rời các sự ưu lo và điều hối tiếc.Này Diệu Cát Tường! Đây ví như Nhật Thiên Tử.
Hễ đến nơi nào thì đều có thể phá tan mọi tối tăm.
Nếu có Bồ-tát nào nghe được Kinh này thì cũng lại như thế.
Họ có thể phá trừ mọi vô minh hắc ám, và có thể phát sinh tất cả quang minh vi diệu của trí tuệ.Vì sao thế? Bởi họ khéo tu trí tuệ ở Kinh này vậy."Lúc bấy giờ ác ma đến chỗ của Phật và bạch Phật rằng:"Bạch Thế Tôn! Như Lai với lòng đại bi thương xót nên luôn ban an vui cho tất cả.
Kính mong Thế Tôn chớ thuyết giảng Kinh này.Vì sao thế? Bởi nếu Ngài thuyết giảng Kinh này, các cung điện của ma thảy đều chấn động.
Do Kinh điển này lưu hành ở châu Thắng Kim nên các mũi tên của ưu sầu khổ não đều ghim vào trong thân con.Thưa Thế Tôn! Con nay sẽ khiến chẳng có ai thọ trì đọc tụng và biên chép cúng dường Kinh điển như vầy.
Con sẽ làm cho Kinh này giống như tà đạo và khiến cho các chúng sinh dấy khởi tà kiến.
Còn những vị Bhikṣu đọc tụng Phương Quảng Kinh điển của Đại Thừa sẽ sinh lòng ngờ vực và phỉ báng Kinh này."Khi ấy Năng Thiên Đế nương thần lực của Phật, ngài liền ở trước Phật, cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Thế Tôn, rồi lấy hoa nhu nhuyễn cõi trời mà rải lên Đức Phật và thưa rằng:"Thưa Thế Tôn! Thiên Ma Ác Giả thiết lập các phương kế để mong làm chướng ngại Kinh này.Thưa Thế Tôn! Con sẽ thọ trì, đọc tụng, biên chép, và cung kính cúng dường Kinh này.
Sau khi Như Lai diệt độ, con cùng với Tôn giả Khánh Hỷ sẽ làm cho Kinh này rộng lưu hành khắp châu Thắng Kim.
Con cùng với Tứ Thiên Vương và tất cả quỷ thần sẽ luôn ủng hộ và thuyết giảng Kinh này.Nếu có ai thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, và kính trọng Kinh này, con sẽ luôn hộ vệ và xem họ như tông chủ."Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo ngài Khánh Hỷ:"Ông hãy thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, và kính trọng Kinh điển như thế.
Ông cũng lưu truyền rộng rãi Kinh này cho người khác.Vì sao thế, Khánh Hỷ? Bởi Kinh này chính là gương soi của các pháp."Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:"Như lời Thế Tôn dạy, con sẽ thọ trì.Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì, và chúng con phụng trì như thế nào?"Phật bảo ngài Khánh Hỷ:"Kinh này tên là Thanh Tịnh Các Nghiệp Chướng, cũng tên là Vào Trong Các Pháp Với Trí Tuệ Không Chướng Ngại."Khi Phật thuyết kinh này xong, có 60 vị Bhikṣu không còn chấp trước vào các pháp và được lậu tận ý giải.
80 vị Bồ-tát đắc Vô Sinh Pháp Nhẫn.Lúc đó Tôn giả Khánh Hỷ, Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử, cùng trời, người, tầm hương thần, phi thiên, và những loài hữu tình khác, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sinh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.Kinh Thanh Tịnh Các Nghiệp ChướngDịch sang cổ văn: Tên người dịch đã thất lạcDịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên ThuậnDịch nghĩa: 6/7/2015 ◊ Cập nhật: 19/8/2021☸ Cách đọc âm tiếng PhạnBhikṣu: bíc suyojana: dô cha na.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...