Đại Ca

Buổi chiều ngày mười lăm tháng Tám, Ngụy Khiêm mua hai hộp bánh trung thu, lúc đi ngang qua bệnh viện tiện thể tạt vào cho mẹ Mặt Rỗ một hộp.

Mặt Rỗ đẩy mẹ đi một vòng, nhưng mẹ gã không dễ chịu lắm, nửa khuôn mặt lồi lõm vì dầu nóng, cơ bản đã biến dạng rồi, thành ra đặc biệt mẫn cảm với ánh mắt của người khác – nếu người ta nhìn mặt bà thì bà sẽ hoảng hốt né tránh, nhưng nếu người ta cố ý không nhìn mặt bà thì bà lại cảm thấy mình rất đáng sợ, trong lòng càng khó chịu hơn.

Chỉ khi gặp bọn Ngụy Khiêm và Tam Béo thì bà mới hơi thả lỏng, hai người đến còn chăm hơn Mặt Rỗ, dù mặt bà cháy thành một cục than đen sì thì cả hai cũng nhìn quen rồi.

“Dì, con có mua ít bánh trung thu, con để lại cho dì một hộp, ăn Tết ít nhiều phải nếm một miếng cho có không khí dì nhé.” Ngụy Khiêm nói, gã mua bánh trung thu loại đóng hộp chứ không phải hàng rời.

Mẹ Mặt Rỗ không cảm ơn, buột miệng nói: “Mua cái này làm gì? Con lại tiêu xài linh tinh!”

Ngụy Khiêm ngoan ngoãn lắng nghe, tiếp tục câu chuyện: “Đúng thế thật, thứ chán ngấy này chẳng hiểu có gì ngon lành mà hai ‘sếp’ nhà con đều thích ăn nhỉ?”

Mẹ Mặt Rỗ cười nói: “Không thể nuông chiều như vậy được, coi chừng chiều quá sinh hư đấy.”

Miệng không nói nhưng trong lòng bà luôn cảm thấy mình là một gánh nặng phiền phức, chẳng ai đủ khả năng kinh tế để mời hộ lý chuyên nghiệp cho bà, thành ra hầu hết thời gian mẹ Mặt Rỗ đành phải một mình lẻ loi ở bệnh viện, ngay cả một người để trò chuyện cũng không. Có người quen đến tâm sự việc nhà việc cửa là tốt lắm rồi.

Huống chi con trai lại bớt ra cả buổi chiều để đẩy bà đi dạo.

Mẹ Mặt Rỗ lâu lắm rồi không vui như vậy, hôm nay, nụ cười của bà dẫu xấu xí thì cũng rất thật lòng.

Thực ra Ngụy Khiêm không quen nói chuyện huyên thuyên, ngồi bầu bạn với mẹ Mặt Rỗ một lúc mà suýt nữa dùng hết sạch nụ cười của hơn nửa tháng, nói muốn khô hết cả miệng, mặt hơi cứng mới đi.

Trong lúc này, Mặt Rỗ vẫn như thường ngày, chỉ ở bên cạnh im lặng lắng nghe.

Lúc rời khỏi bệnh viện, Ngụy Khiêm có cảm giác nhẹ nhõm như dỡ cái gì xuống, gã và Tam Béo đã lôi Mặt Rỗ lại, về sau cùng lắm thì thay nhau trông nom mẹ Mặt Rỗ, dù sao bản thân gã cũng không còn mẹ, thêm một người nữa đâu tính là gì.

Ngụy Khiêm về nhà mở cửa thấy hai đứa trẻ vốn ngồi trên sofa y như chồn đất cùng có động tác thò cổ quay đầu giống hệt nhau, dáng vẻ như đã trông chờ mòn mỏi, Tiểu Bảo định mở miệng kêu ca, ai ngờ nhìn thấy cái hộp trong tay Ngụy Khiêm trước, ánh mắt thèm thuồng, nhảy dựng lên nói năng lộn xộn: “Bánh trung thu! Ti vi hỏng rồi!”

“…” Ngụy Khiêm nhìn nó nói, “Được, để tao sửa.”

Tống Tiểu Bảo vẫy đuôi: “Hì hì hì hì.”

Buổi chiều đã nói quá nhiều, lúc này Ngụy Khiêm lười mở miệng thêm, liền đưa tay chỉ hướng nhà bếp, Tống Tiểu Bảo ngơ ngác nhìn theo tay gã: “Trong bếp còn bánh trung thu ạ?”


Mà Ngụy Chi Viễn đã nhảy xuống sofa, chui tọt vào bếp lấy hòm đồ nghề dưới hộp đựng đồ dự trữ như đã được huấn luyện quen.

Thằng nhỏ tay sai này đã tu luyện đến mức có thể đọc được sóng điện não, Ngụy Khiêm cảm thấy rất mát lòng, đồng thời bất mãn mắng Tống Tiểu Bảo: “Tránh ra, thật tình không tài nào nói thông được với mày!”

Tống Tiểu Bảo ấm ức: “Anh căn bản có nói gì đâu!”

Ti vi nhà gã không chỉ mới sửa một lần… Thực ra thì đồ dùng nhà gã đều không chỉ sửa một lần.

Ngụy Khiêm thành thợ lành nghề từ lâu rồi, gã ngồi bệt xuống đất, thoáng chốc đã mở ti vi ra. Tống Tiểu Bảo thèm nhỏ dãi liếc trộm hộp bánh trung thu, Ngụy Chi Viễn lại rất ngoan ngoãn nhoài lên vai gã xem gã kiểm tra hỏng hóc.

Ngụy Khiêm liếc nó một cái, cảm thấy thằng nhóc này còn xinh xắn và biết quan tâm hơn tụi con gái nhiều.

Ngụy Chi Viễn nhìn gã sùng bái: “Anh hai giỏi ghê, mai mốt em cũng muốn làm thợ sửa ti vi.”

Ngụy Khiêm: “…”

Ngụy Chi Viễn trợn tròn đôi mắt ngốc nghếch nhìn gã.

Ngụy Khiêm: “Bố cho mày đi học để mày làm thợ sửa ti vi?”

Ngụy Chi Viễn do dự nói: “Thế… em có thể làm người bán ti vi!”

Ngụy Khiêm bật cười – thằng nhãi này giả ngu hơi bị dễ thương.

Từ khi Ngụy Chi Viễn bắt đầu nghiêm túc học hành, bảng điểm đã thể hiện đầy đủ thiên phú của nó, bản thân Ngụy Khiêm hồi nhỏ đã là đứa trưởng thành sớm hơn bình thường rồi, nhưng thành tích chưa chắc tốt bằng nó.

Buổi tối, Ngụy Khiêm sửa xong ti vi, cầm dao cắt bánh trung thu, vừa ngồi ăn với tụi nhỏ vừa xem phim.

Trong “Anh hùng xạ điêu” mới chiếu đến đoạn Quách Tĩnh rời Mông Cổ, theo Giang Nam thất quái về Trung Nguyên, thì đột nhiên có người gõ cửa.

Gõ cửa không mạnh, dường như không chắc lắm, gõ vài cái lại hơi do dự.


Ngụy Khiêm cho là anh em nào đến, chẳng thèm mặc áo, cứ thế ngậm điếu thuốc để lộ băng gạc đầy mình mà đi mở cửa.

Vừa mở cửa ra thì gã ngay lập tức sửng sốt, chỉ thấy một bà cụ lạ hoắc đứng trước mặt.

Bà cụ tóc hoa râm nhưng tinh thần quắc thước, còn chưa cao tới vai Ngụy Khiêm, người vừa đen vừa gầy, mặc áo vải vạt bằng kiểu cũ hay thấy ở các cụ già nông thôn, quần không rộng không chật xắn lên để lộ mắt cá chân gầy đét trên đôi chân teo tóp.

Bà cụ vác túi hành lý cũ mèm sau lưng, tay cầm một cái bịch ni lông đựng đầy chai và lon rỗng, tóc chải gọn gàng không rối sợi nào, quần áo cũng rất sạch sẽ, khoảng độ sáu bảy mươi tuổi nhưng lưng vẫn chưa còng.

Bà cụ này có lẽ là một người lượm ve chai, nhưng lại là người lượm ve chai có thể diện nhất mà Ngụy Khiêm từng gặp.

Đồng thời, bà lão hơi hoảng sợ đánh giá cậu chàng rõ ràng không phải dân lương thiện đứng trước mặt, hiển nhiên không ngờ lại là người như vậy ra mở cửa, nhưng bà không lui bước, vô thức ưỡn ngực ngẩng đầu, hùng hồn mở miệng hỏi: “Tống Đại Vĩ ở đây à?”

Thái độ của bà lão không thể nói là tốt, còn thoáng có sự đề phòng cực thiếu thân thiện, Ngụy Khiêm chưa kịp so đo, chỉ cảm thấy ba chữ “Tống Đại Vĩ” rất quen tai, nhưng nhất thời không nhớ là ai.

Thấy gã không đáp mà sắc mặt thì mù tịt, bà lão lại nói: “Thế Tống Ly Ly cũng ở đây đúng không?”

“Tống Ly Ly?” Ngụy Khiêm nhíu mày hỏi ngược lại, “Bà tìm con nhỏ làm gì?”

Tiểu Bảo ở trong nhà nghe thấy thế nhảy nhót chạy ra: “Ai! Ai tìm em vậy?”

Con nhỏ đột nhiên lao ra, bà lão loắt choắt cố hết sức muốn tỏ ra không luống cuống lại thình lình run lên, bà nhìn Tống Tiểu Bảo tò mò thò đầu ra ngoài một cách tham lam mà chăm chú, càng run rẩy dữ dội hơn, rồi đột nhiên ôm chầm lấy con bé trước khi Ngụy Khiêm kịp ngăn cản, sau đó òa khóc rõ là mất mặt.

Mãi đến lúc này, Ngụy Khiêm mới muộn màng nhớ ra, “Tống Đại Vĩ” chính là ông cha dượng đoản mệnh từng cho mình vài năm yên ổn, cha của Tống Tiểu Bảo.

Và rất kịch tính, bà lão này chính là mẹ ruột của cha dượng gã.

Thời bấy giờ, vé xe lửa đường dài không hề rẻ với nông dân các khu vực xa xôi, trào lưu nông dân lên thành phố làm thuê vừa mới hình thành, còn chưa ra hồn; khi đó đến xứ khác làm việc dăm ba năm không về là cực kỳ bình thường, trong thôn gọi điện thoại bất tiện, thành thử liên hệ giữa người thân chủ yếu dựa vào thư từ và gửi tiền.

Tống Đại Vĩ bặt vô âm tín, bà lão vốn cực kỳ sốt ruột muốn đi thăm, nhưng người bạn già bất ngờ trúng gió, mấy năm đó bà không phân thân nổi, số thư nhờ người ta viết cho con trai cũng đều lục tục mất đi tin tức – mẹ Ngụy Khiêm khi đó căn bản không nghĩ đến chuyện liên hệ với gia đình Tống Đại Vĩ, chỉ lo hút chích và tìm đường chết.

Rốt cuộc, vừa qua Đoan ngọ năm nay, ông cụ ốm đau bệnh tật theo bước chân tổ tiên, hoàn toàn về chầu ông vải.


Bà Tống triệt để biến thành một bà lão neo đơn, gào khóc đưa tang ông cụ, rồi thu dọn số gia sản không nhiều lắm, miễn cưỡng gom góp được ít tiền, dựa vào lượm ve chai dọc đường mà đến thành phố phương Bắc từng nhìn thấy trên giấy chuyển tiền của bưu điện, tìm tới nương tựa con trai.

Lúc gõ cửa bà lão còn ưỡn ngực ngẩng đầu, dáng vẻ hung dữ, mặc dù tay xách một bịch lon chưa kịp bán nhưng bà cố hết sức muốn giữ gìn tôn nghiêm của người nông dân giữa thành phố xa lạ.

Mà tôn nghiêm này sau khi phát hiện con trai cũng chết từ đời tám hoánh nào rồi, rốt cuộc đã nát bét.

Tết Trung thu, Tết đoàn viên, người dân Trung Quốc đều sum họp bên gia đình, chẳng ai biết trong khu chung cư cũ nát này, có một bà lão kinh hoàng phát hiện cả người bạn già lẫn con trai đều đã mất hết, giờ thì chẳng còn ai phụng dưỡng lúc tuổi già, cũng chẳng có ai lo ma chay cho, nửa đời trước đều sống uổng hết, rơi vào cảnh chiều thê lương.

Bà ngồi bệt xuống đất khóc muốn điếc tai, khiến mấy anh em ngay cả bánh trung thu cũng chẳng nuốt nổi.

Ngụy Khiêm nhìn tấm ảnh trắng đen cũ rích mà bà cụ mang theo, chàng trai ngốc nghếch trên đó mang máng là dáng dấp của ông cha dượng đoản mệnh, lại kiểm tra phiếu chuyển tiền bà đem đến, cơ bản tin bà lão thật sự là bà nội của Tiểu Bảo.

Dù sao cũng là máu mủ ruột rà, Ngụy Khiêm tuy cảm thấy bà già ngu ngốc này rất phiền, nhưng rốt cuộc không đuổi đi ngay giữa đêm Trung thu, tạm thời cho ở chung phòng với Tiểu Bảo.

Nhưng ai ngờ bà già này chẳng biết phải trái, lau khô nước mắt rồi thì trong đôi mắt ti hí y hệt ông cha dượng Tống Đại Vĩ toàn là vẻ khôn khéo giảo hoạt, nhìn qua là biết ngay Ngụy Khiêm chẳng tốt đẹp gì, liền nói gần nói xa hỏi gã vài câu, lúc đầu vẻ mặt còn hòa nhã, sau biết gã là một tên côn đồ bảo kê trong hộp đêm, bà cụ rốt cuộc khó mà nhịn nổi nữa.

Thời bấy giờ, một bà già nông thôn đâu biết giang hồ với xã hội đen là gì, trong mắt bà lão thì Ngụy Khiêm chỉ là một thằng lưu manh không lo học hành.

… Đương nhiên, cách nhìn của bà lão có sự chính xác nhất định.

Bà lão dĩ nhiên không thể để cô cháu cưng sống chung với một thằng lưu manh, nhưng bà cũng nhận thấy Tiểu Bảo hết sức ỷ lại ông anh hai này.

Bà lão đã trải qua đầy đủ lịch sử cận đại của Trung Quốc, hai cuộc chiến tranh, thay đổi triều đại, thậm chí các hoạt động sau khi hòa bình đều tham gia đủ hết, đấu với trời và đấu với người chính là niềm vui vô cùng, khôn khéo tới mức ba con khỉ cũng thua xa.

Bà biết chuyện gì cũng phải chú ý sách lược, cho nên không hề đỏ mặt tía tai ngay trước mặt Ngụy Khiêm, mà quyết định án binh bất động trước, cân nhắc xem làm cách nào để “cứu” cô cháu cưng khỏi tay thằng lưu manh thối tha này.

Nhưng Ngụy Khiêm chẳng rảnh để đi quan tâm bà lão nghĩ thế nào, bởi vì đêm hôm ấy đã xảy ra chuyện.

Ba giờ rưỡi sáng, cửa bị đập ầm ầm, Ngụy Khiêm giật mình bò dậy, rất kỳ lạ là lúc ngủ say nhất bị đánh thức thô bạo như vậy, phản ứng đầu tiên không phải chửi bới, mà là toát mồ hôi lạnh – giống như dự cảm được có việc xảy ra.

Ngụy Chi Viễn mơ mơ màng màng quấn chăn bò dậy, nó cũng không biết đã xảy ra chuyện gì, đầu óc đặc sệt như một đống hồ, chân trần nhảy xuống giường theo bản năng, theo Ngụy Khiêm đi mở cửa.

Ngụy Khiêm còn chưa mở hẳn cửa ra thì một thứ nhét trong kẽ cửa đột nhiên rơi xuống, gã nhặt lên xem thì thấy đó là một phong thư, bên trong có một xấp tiền.

Tam Béo ngoài cửa mặc áo sát nách, vận quần đùi xỏ dép lê, phơi ra lớp mỡ trắng bóc, rõ ràng là vừa lăn xuống giường, hắn cầm một phong thư giống như đúc, Ngụy Khiêm chưa kịp phản ứng, Tam Béo đã nhanh chóng nói: “Là Mặt Rỗ! Nửa đêm anh dậy đi đái mới nhìn thấy phong thư này, chắc chắn do thằng lỏi con Mặt Rỗ kia nhét vào!”

Khoảnh khắc ấy, đầu óc Ngụy Khiêm bình tĩnh lạ thường, gã thấp giọng hỏi: “Nó kiếm đâu ra nhiều tiền như vậy?”


Tam Béo: “Không phải lại đi bán…”

“Không thể nào!” Ngụy Khiêm ngắt lời, “Không thể nào, ông không biết bọn đấy đâu, chúng muốn ông bán mạng lâu dài, dứt khoát sẽ găm lại chứ không thể trả một lần nhiều như vậy.”

Hiểu được Ngụy Khiêm đang ám chỉ rằng có thể Mặt Rỗ làm việc còn nghiêm trọng hơn buôn ma túy, Tam Béo hiếm khi hốt hoảng luống cuống nhìn gã.

“Lúc chiều tôi có gặp nó… Tôi nên nhận ra sự bất thường từ sớm,” Ngụy Khiêm suy tính nhanh chóng, cầm điện thoại trên bàn gọi cho một người anh em trực từ sau nửa đêm hôm nay, một lúc lâu Ngụy Khiêm mới bỏ điện thoại xuống, sắc mặt khó coi đến đáng sợ.

“Sao rồi…” Tam Béo bất giác nín thở, hạ giọng xuống.

“Ở đó đêm nay đã xảy ra chuyện, nghe nói có một tốp cảnh sát đến lục soát, còn dẫn đi rất nhiều người,” Ngụy Khiêm nhanh chóng khoác áo đi giày, “Không nhìn thấy Mặt Rỗ, chỉ mong nó đừng liên quan đến việc này…”

Tam Béo túm tay gã: “Nó… nó thì liên quan gì đến việc này?”

Ngụy Khiêm hạ giọng: “Sao tôi biết được? Để tôi đi coi sao, còn ông thì vào viện hỏi thử y tá đang trực xem đêm nay nó có tới đó không.”

Ngụy Chi Viễn vội vàng chạy theo Ngụy Khiêm, Ngụy Khiêm tóm tay xách nó về phòng: “Mày đi theo làm gì? Về ngủ! Ngày mai không đi học hả?”

Ngụy Chi Viễn: “Em đi tìm anh Mặt Rỗ giúp anh.”

“Thằng ranh này,” Ngụy Khiêm bực bội lườm nó, “Mày đừng thêm phiền cho tao chính là giúp đỡ rất nhiều rồi.”

Ngụy Chi Viễn dừng bước, đôi mắt lấp lánh lập tức tối đi.

Nó chợt cảm thấy mâu thuẫn – nếu nó tỏ ra trưởng thành sớm thì sẽ không dễ được sự chú ý của anh hai như vậy, nhưng nó tỏ ra ngu ngốc giống Tiểu Bảo, tuy bình thường lấy lòng được anh hai, song đến thời điểm quan trọng cũng sẽ bị coi là nít ranh như Tiểu Bảo.

Hai “người lớn” kia lúc này đã mất bình tĩnh, chẳng ai buồn phỏng đoán tâm tư đầy mâu thuẫn của Ngụy Chi Viễn.

“Nhóc Khiêm…” Tam Béo không nhúc nhích, lòng bàn tay đẫm mồ hôi lạnh, giọng nói khô khốc, “Nếu như nó bị cảnh sát bắt thì sẽ có kết cục thế nào đây?”

Ngụy Khiêm đứng trong phòng khách không bật đèn ngẩng đầu nhìn hắn, đôi mắt trắng đen rõ ràng, ánh mắt như dao.

“Ông nói sao?” Gã hỏi lại.

Lòng Tam Béo chùng xuống.



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui