Cô Gái Mãn Châu

Thanh Ngư Trường kiếm nhấc lên, Đức Uy tiến lên một bước.

Đám đại hán áo vàng run rẩy thối lui.

Đức Uy lạnh băng băng :

- Đừng để kiếm ta vấy máu thêm.

Đám đại hán áo vàng run lẩy bẩy và một tên trong bọn vùng la lớn, giọng hắn nghe như người điên loạn vì quá khủng khiếp :

- Tôi nói... tôi nói, thây của Dương Tông Luân đã bị chủ tướng tôi ném xuống một cái vực trong núi Chung Nam giữa một bầy chó sói.

Toàn thân Lý Đức Uy lạnh buốt và từ phía bên trái một tiếng “bựt” vang lên...

Bàn chân của Lăng Phong lút sâu vào ngực của Lý Hữu, hai tròng mắt của viên hổ tướng lòi ra ngoài, máu từ trong họng hắn trào ra òng ọc...

Một cảnh tượng thật lạnh mình...

Sự căm hờn tột độ đã khiến cho con người không còn ngăn nổi hành động có tính chất dã man, cái chết của Lý Hữu thật đáng, nhưng cảnh chết trông vô cùng khủng khiếp.

Đôi mắt của Lăng Phong đỏ hoe, chân hắn vẫn để yên trong lồng ngực còn hấp hối của kẻ thù.

Lý Đức Uy cố ngăn dòng nước mắt và quay lại đám áo vàng hỏi :

- Ngươi nói thật phải không?

Tên áo vàng khi nãy nói :

- Chính mắt bọn chúng tôi chứng kiến, không tin ông cứ hỏi những người đó.

Lý Đức Uy vùng rống lên một tiếng, thanh Ngư Trường kiếm nhoáng lên.

Nhiều tiếng rú nghe đứt đoạn, đám áo vàng rạp xuống, tên nào cũng bị tiện ngang giữa lưng quần, gan ruột chúng trào búng ra lênh láng.

Lý Đức Uy chỏ mũi kiếm xuống đất để chống lấy thân mình, tay chân hắn run lẩy bẩy.

Cái chết của Lý Hữu và đám thuộc hạ của hắn trông thật là thê thảm, nhưng trước mắt của Đức Uy và Lăng Phong bây giờ không phải cảnh đó mà họ đang thấy, họ lại cái cảnh thi hài của vị tướng lãnh yêu nước thương dân bị ném xuống vực sâu...

Một tên áo vàng còn sót lại đứng sững như mất hồn, hồi lâu, hai chân hắn vùng khuỵu xuống trước mặt Lý Đức Uy và ôm đầu khóc rống.

Đức Uy nhìn hắn bằng đôi tròng đỏ trọc, thật lâu bật nói :

- Đi đi, bảo Lý Tự Thành hãy dọn mình mà đợi chờ ta.

Tên áo vàng đứng lên ngơ ngơ như người mất trí và vụt quay đầu lủi mất vào bóng tối.

Đức Uy đứng cúi đầu, tay chân hắn vẫn còn run.

Bựt!

Bàn chân của Lăng Phong rút ra và đá thân mình Lý Hữu ra xa, dội vào vách tường rớt xuống như đống thịt!

* * * * *

Bóng mặt trời rọi xuống vùng cát bụi đỏ nóng như thiêu.

Thỉnh thoảng một trận gió cuốn lên, mang theo từng vùng bụi đỏ mù trời.

Bụi đất cũng như sương mù, tốc lên và lâu lắm mới dứt. Những người đi được cách khoảng nhau không nhìn thấy, đến chừng đám bụi rơi xuống thì ai nấy bất cứ mặc áo gì cũng đều ngả màu vàng.

Lý Đức Uy đi trong vùng bụi cát, thế nhưng hắn không phải che áo, cũng không đưa tay bịt mũi, hắn đi chầm chậm như người dạo cảnh.

Mặt hắn trơ trơ gần như đờ đẫn.

Trong mấy ngày nay, hắn gần như biến thành một con người khác hẳn.


Hắn đi có một mình, không biết Lăng Phong đã đi đâu.

Đây là một con đường giữa Tiêu Sơn và Lữ Lương sơn, nó là con đường lớn mà hai bên đều là rừng núi.

Khoảng này thuộc vùng đất đỏ, những tàng cây hai bên đường, bất cứ cây nào cũng biến màu lá đỏ, con người đi trên đường này cũng đỏ luôn.

Dọc theo con đường này trải qua rất nhiều thị trấn, từ Lâm Đồng, Hồng Động, Hiếu Nghĩa, Phần Dương, Thanh Nguyên, Tấn Nguyên dẫn đến Thái Nguyên đều phải đi bằng con đường này chớ không có con đường nào khác nữa.

Đi ngang một ngôi từ ở Trần Sơn Tây, chợt nghe tiếng khóc vọng ra.

Tự nhiên, chắc chắn đó là tiếng khóc của người còn sống sót trong cơn quốc phá gia vong, cốt nhục phân ly, từ chỗ xa xôi chạy về trú ẩn.

Lý Đức Uy vừa đi nhanh qua đó, hắn nghe lòng hắn nát tan giống như sự đau thương của tiếng khóc đêm trường.

Hắn không có đủ khả năng cứu trợ, hắn cũng không còn lời an ủi, sự an ủi bằng lời nói bây giờ không còn giá trị.

Và đâu phải một người, đâu phải một đôi làng, nó là sự tang thương của non nước, sự đau khổ của hàng vạn ức con người, lời lẽ nào đủ để sớt chia.

Hắn cũng không dám dừng chân lại, hắn muốn đi qua khỏi chỗ đó cho mau.

Hắn không sợ gì cả, chết chóc lửa binh, đối với hắn đó là sự tự nhiên rồi, cá nhân hắn cũng đã thừa chết thiếu sống rồi, hắn còn gì nữa mà phải sợ nhưng hắn không đành lòng, hắn không đủ can đảm để nghe thấy thêm nữa.

Nhưng khi hắn bước ngang qua sân đền để đi về phía trước thì hắn chợt nghe...

- Đã quyết đuổi cùng giết tận thì đừng có lúp ló gì cả, vô đi, mẹ con ta đang đợi chết đây.

Tiếng của người con gái.

Tiếng nói từ tiền điện của ngôi đền và tự nhiên là nói vọng ra sân, nói với “tiếng bước chân” của hắn.

Vì bên ngoài, bây giờ, trừ Đức Uy ra, không còn có một ai.

Hay là...

Phải rồi, trong ngôi đền có người ẩn nấp, đó là nạn dân, đó là kẻ sống sót trong chiến họa từ một nơi nào.

Lý Đức Uy sửng sốt và đứng dừng lại.

Tiếng người con gái trong tiền điện lại rít lên :

- Đừng có ẩn nấp, mẹ con ta chẳng sợ các người đâu, giết thì giết đi...

* * * * *

Có nhiều người không cần thấy mặt, chỉ xa thấy vóc dáng là nhận được vẻ gì trên con người của họ.

Một thanh niên, một cụ già, chỉ cần thấy thân hình thẳng, vai rộng, tay chân săn chắc to lớn là biết ngay con người sức lực cũng như chỉ cần thấy vóc dáng khoan thai, bước đi tha thướt, thân thể đều đặn, người ta biết đó là một cô gái dễ coi.

Cũng có những cô gái, từ vóc mình đến tay chân, không chỗ nào không đẹp nhưng chỉ có gương mặt thì lại xấu xa, trường hợp đó có nhưng rất ít.

Trước thềm của ngôi đền “Tấn Từ” bây giờ có thêm một người.

Trong bóng tối nhưng lờ mờ đủ thấy đó là người con gái tuy không thấy rõ mặt nhưng bằng vào vóc dáng, đủ thấy đó là một cô gái đẹp.

Nàng vận bộ quần áo màu lục, bóng đêm đã biến một màu đen chỉ có trên tay nàng là trắng, ánh sáng ngời ngời của ngọn chủy thủ.

Nàng nói, giọng nàng rắn rỏi :

- Ta đã ra đây, muốn đuổi cùng giết tận thì hãy giết ta trước rồi hãy hại mẹ ta.

Nàng nói với Lý Đức Uy.

Tự nhiên đó là một chuyện hiểu lầm.


Đức Uy vội nói :

- Cô nương, không phải đâu, tôi chỉ là kẻ qua đường.

Cô gái hình như sửng sốt :

- Ủa, ông là.. người qua đường?

Lý Đức Uy gật đầu :

- Phải, cô nương đã hiểu lầm.

Cô gái “à” nho nhỏ trong miệng và giọng nàng dịu lại :

- Xin lỗi, tôi đã có lời thất thố.

Dứt tiếng, nàng quay bước trở vào.

Đức Uy gọi lại :

- Cô nương...

Người con gái quay mình nhưng không bước tới.

Đức Uy nói :

- Nếu phải là kẻ giặc, kẻ thù họ đến không phải một người đâu, lần sau cô nương không nên rời lịnh đường để đi ra một mình như thế, trừ phi lịnh đường có võ học tương đương tự vệ.

Cô gái lại hơi sửng sốt, nàng thấp giọng vì cảm động :

- Đa tạ, nhất thời rung động, tôi đã quên mất điều quan trọng ấy.

Đức Uy do dự nhưng rồi cũng nói :

- Người ta thường bảo rằng “lập chí báo thù ba năm vẫn chưa là muộn”, tôi không biết kẻ thù của cô nương là ai nhưng căn cứ vào hoàn cảnh hiền mẫu tử phải tránh trong đền này phải là mạnh lắm, lợi hại lắm, trong khi hiền mẫu là phận nữ lưu, đao mỏng sức mềm, theo tôi thì nên tạm thời ẩn nhẫn xem xét.

Nói xong, hắn quay lưng bướt đi.

Cô gái vụt kêu :

- Quan nhơn, xin cho tiểu nữ...

Đức Uy dừng lại.

Người con gái nói :

- Quan nhơn, có lòng khuyên dặn, mẹ con tôi cảm kích vô cùng, chỉ có điều... chỉ vì...

Nàng hơi ngưng lại và ngập ngừng hỏi tiếp :

- Hướng đi của quan nhơn hình như là đến... Thái Nguyên?

Đức Uy gật đầu :

- Vâng, tôi đến Thái Nguyên.

Cô gái kêu lên :

- Thành Thái Nguyên đã bị phá rồi, giặc đã chiếm rồi...

Đức Uy nói :


- Đa tạ cô nương, tôi biết.

Cô gái ngạc nhiên :

- Quan nhơn đã biết?

Đức Uy gật đầu :

- Thật không dám giấu cô nương, tôi đang đi tìm giặc, trên khoảng đường nầy chính tôi đã theo dấu chúng mà đến đây.

Cô gái kinh ngạc :

- Người bồng bế nhau chạy giặc, còn quan nhơn...

Đức Uy nói :

- Người vầy, người khác, nếu ai cũng chạy không thì giặc tràn hết cõi bờ, biết bao giờ dân chúng mới được yên!

Cô gái lầm bầm :

- Quan nhơn là người giết giặc cứu dân...

Đức Uy đáp :

- Cũng có thể tạm nói là như thế.

Cô gái ngập ngừng :

- Nhưng... nhưng quan nhơn chỉ có một mình?

Đức Uy nói :

- Binh đông, giải quyết theo binh đông, một người cũng có cách giải quyết theo phương pháp của một người. Muốn cho người ngã thì phải bắn vào ngựa, muốn cho giặc tan thì phải hạ tên chủ tướng, tôi không thể trừ được thiên binh vạn mã, nhưng tôi có thể giết Lý Tự Thành, giết Lý Tự Thành thì thế giặc phải tan.

Cô gái thở ra :

- Quan nhơn là một con người đầy tâm huyết, thật không ngờ chạy loạn đến Tấn Từ, mẹ con tôi lại gặp được một người như thế... Tôi đã nghe, có nghe trong lịch sử nhiều bậc hiệp sĩ trọng nạn dân hơn sinh mạng, tôi đã có nghe đến con người liều chết của Kinh Kha...

Đức Uy mỉm cười :

- Cô nương quá khen, tôi chỉ là kẻ giang hồ tầm thường nhưng tôi nghĩ quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách... Tôi chỉ cố sức mình chớ đâu dám sánh như bật hào kiệt Kinh Kha.

Cô gái nói :

- Quan nhơn quá khiêm cung, trong cơn dầu sôi lửa bỏng nầy, phần đông chỉ lo cho bản thân thì những kẻ quên mình để gánh vác chuyện thiên hạ phải là bậc anh hùng.

Đức Uy lắc đầu :

- Lời của cô nương đã sơn cho con người tầm thường của tôi một lớp màu danh dự, tôi vừa mừng mà cũng vừa hoảng sợ.

Cô gái vụt nói :

- Tôi là người Thái Nguyên, họ Phó, chẳng hay quan nhơn...

Đức Uy dừng tia mắt ngay mặt cô gái hỏi lại :

- Cô nương họ Phó?

Cô gái đáp :

- Vâng, tôi họ Phó!

Đức Uy hỏi :

- Cô nương có quan hệ bà con gì với Phó Thanh Chủ tiên sinh ở Thái Nguyên không?

Cô gái trố mắt :

- Cha tôi... Quan nhơn có biết cha tôi sao?

Đức Uy nói :

- Chắc cô nương có biết trong hàng cố giao của lịnh tôn có một người gọi là “Ngân Bài lệnh chủ” Bố Y Hầu...


Cô gái nói :

- Đó là tri kỷ bình sanh của cha tôi, quan nhơn là...

Đức Uy chận đáp :

- Bố Y Hầu là nghĩa phụ của tôi, tôi là Lý Đức Uy!

Cô gái mở to đôi mắt :

- Quan nhơn... anh là... là Tiểu Hắc?

Đức Uy sửng sốt :

- Sao cô nương lại biết cái tên thuở nhỏ của tôi?

Cô gái đáp :

- Có một bận, lão bá bá Bố Y Hầu đến thăm cha tôi, tôi có nghe người nói đến Lý huynh. Chẳng hay lão bá bá có mạnh khỏe không?

Đức Uy nói :

- Cám ơn cô nương có lời thăm hỏi, nghĩa phụ tôi vâng chiếu Cần Vương, hiện đang ở Kinh sư.

Cô gái có vẻ xúc động :

- Lão bá bá vì nghĩa Cần Vương, Lý huynh lại mang kiếm đi diệt giặc... đội ơn trời phật còn ngó lại cơ nghiệp Minh triều.

Đức Uy nói :

- Cô nương đã quá lời, cha con tôi chỉ hết sức mình để đền ơn tất đất ngọn rau.

Cô gái nói :

- Đã là người nhà với nhau, xin Lý huynh đừng khách sáo nếu không gấp lắm thì xin thỉnh Lý huynh nán lại vài giây.

Đức Uy nói :

- Chính tôi cũng đang có ý muốn cầu kiến Phó phu nhơn.

Cô gái nói :

- Xin Lý huynh hãy theo tôi.

* * * * *

Thật xứng danh là một ngôi đền cổ của Sơn Tây, ngôi “Tấn Từ” chẳng những chu vi Mất 4 trang 151-154 của :

- Trời đất có linh sao lại không bảo hộ kẻ trung can, Dương đô đốc là rường cột của triều đình, là trụ đá của giang sơn, là linh hồn của Tây ngũ tỉnh, là người vạn dân nương cậy... Lý Tự Thành tội đáng phân thây.

Nghiêm Sương nghiến răng :

- Lý Tự Thành chết vẫn còn thừa, tên đại gian đại ác đó tôi thề phân thây muôn mảnh...

Một người con gái, nhưng có lẽ nàng sanh trong nhà võ, giọng nói của nàng có vẻ nam nhi.

Đức Uy thở ra :

- Dương đô đốc thọ hại, triều đình gãy mất một nhơn tài chống đỡ giang sơn, bây giờ, lửa họa đã tràn lan, tiếng kêu khóc của lê dân chắc cũng đã thấu trời.

Phó phu nhơn hỏi :

- Có lẽ bây giờ Lý hiền điệt đến Thái Nguyên tìm tên giặc đó phải không?

Đức Uy gật đầu :

- Vâng, bá mẫu, hiền điệt không có tư thù, nhưng vì triều đình, vì lê thứ, nhất định phải giết cho kỳ được Lý Tự Thành bất cứ bằng giá nào. Đối chiến, nghinh địch, phải do binh mã triều đình, cháu chỉ có thể tiêu diệt tên chủ tướng theo phương cách giang hồ của cháu mà thôi.

Lão phu nhơn nói :

- Nghĩa khí của cháu động đến cao xanh, bá tánh sẽ không bao giờ quên ơn của cháu, chỉ có điều Lý Tự Thành đã biết gây tội ác tày trời, nên chúng canh phòng vô cùng cẩn mật, tư dinh của giặc vệ sĩ hằng hà, muốn giết được hắn thật không phải là chuyện dễ.

Thần sắc của Đức Uy hừng hừng sát khí, hắn nói :

- Tiểu điệt cũng biết đó là chuyện thiên nan vạn nan, nhưng nếu được thủ cấp của Lý Tự Thành để tạ tội cùng thiên hạ thì có chết tiểu điệt cũng không từ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui