“Hoàng hôn chìm xuống núi,
Trăng theo mình trên cành,
Ngoằn ngoèo bên dòng suối,
Mút tầm mắt xanh xanh... ”
Một trong những bài thơ hay đã tăng thêm lòng hâm mộ được viếng cảnh Chung Nam sơn, một thắng cảnh được nhiều người truyền tụng.
Một dãy núi khá cao, khá rộng tọa lạc không xa về phía Tây thành Trường An, nơi mà những thi nhân mặc khách ít nhất cũng phải có một lần đến viếng.
Cảnh núi vừa đẹp vừa hùng vĩ, khí vị rất thoát trần.
Lý Đức Uy và Mẫn Tuệ chưa đến giờ ngọ là đã có mặt ở phía Tây triền núi.
Đã từng quen chiến trận kinh nghiệm về đối địch có nhiều, vừa đến triền núi là đã tập trung thính giác để dò xét tình hình.
Hắn nhận rất rõ, chẳng những nơi đây không có người mà chung quanh đó cũng không hề có dấu vết gì chứng tỏ có người mai phục.
Hắn đứng lặng gần như nhiều kinh ngạc.
Nghệ Thường mỉm cười :
- Lý huynh, sao thế?
Lý Đức Uy nhìn trở xuống dưới núi và nói :
- Có lẽ mình đến sớm.
Mẫn Tuệ nói :
- Bây giờ cũng đã gần đến giờ ngọ rồi, nếu có chuyện lạ như trong thơ đã nói thì ít nhất cũng đã phải bắt đầu rồi chớ.
Lý Đức Uy cười :
- Tại làm sao lại “phải”? người ta muốn bắt đầu bao giờ là người ta bắt chớ? Hoặc là người ta buồn, người ta không chịu “bắt đầu” thì sao?
Nói xong câu nói đùa đó, Lý Đức Uy bỗng giựt mình.
Trong những ngày gần đây, nhứt là sau chuyện La Hán gây rối ở Đô đốc phủ, hắn gần như có mặt thường xuyên ở đó, cùng với Dương đô đốc và Mẫn Tuệ bàn kế hoạch đối phó, tìm Triệu Nghê Thường để cứu vãn một nhân tài, nhân đó hắn có dịp gần gũi và nói chuyện nhiều với Mẫn Tuệ. Hai người không còn một khách sáo, rất tự nhiên đúng với danh xưng huynh muội. Tuy Mẫn Tuệ không phải trong giới võ lâm, nhưng nàng đã từng học võ, đã từng đi lại Kinh sư với Công chúa Trường Bình, sự giao thiệp nhiều đã làm cho nàng dạn dĩ chớ không như những cô gái nhà quan khác, thêm vào đó, vì muốn gởi gắm con mình, vì muốn con gái mình có chỗ tựa nương trong cơn quốc biến mà thân làm tướng không hẹn ở ngày mai, Đô đốc cố tạo không khí tự nhiên, gia đình với Lý Đức Uy, càng làm cho cặp trai tài gái sắc này gần gũi thêm nhiều.
Thế nhưng, là con người đã được sự dưỡng dục của Bố Y Hầu, một cao thủ võ lâm mà cũng là một người học thức, đạo cao đức trọng Lý Đức Uy đã hấp thụ khá nhiều về đạo lý, hắn không bao giờ có ý nghĩ chớ đừng nói cử chỉ quá buông lung. Bây giờ, giữa cảnh mênh mông của rừng núi, giữa khung cảnh thiên nhiên dễ cho lòng người cởi mở, hắn đã để cho sự hồn nhiên bộc lộ và đã nói với nàng một câu có tính cách bông đùa.
Tuy câu nói vui trong nghĩa thông thường, nhưng hắn vẫn cảm thấy thân mật quá, gần gũi quá, bất giác hắn nhìn lại người bạn gái bên mình.
Đã cải nam trang nhưng không vì thế mà làm cho Mẫn Tuệ bị giảm cái đẹp của người con gái. Thông thường, một người đàn ông giả gái, rất dễ thấy sự gượng gạo, nhiều khi lố bịch, trái lại, một người con gái, nhứt là một cô gái đẹp cải nam trang, chẳng những không hề mất đẹp mà lại còn tăng thêm phần... dễ cảm.
Giựt mình vì câu nói không hay của mình rồi ngó lại phát giác ra chuyện con người.... dễ cảm đó càng làm cho hắn giựt mình hơn nữa. Có lẽ đây là lần thứ hai Lý Đức Uy phải giựt mình đối với một người con gái, trong hoàn cảnh của một người con trai không thể nghĩ đến chuyện tình khi đất nước đang trăn trở ngặt nghèo.
Cũng may, hình như Mẫn Tuệ không chú ý về sự sợ sệt đó của Lý Đức Uy, và cũng ngay trong lúc ấy, nàng phát hiện một chuyện lạ, nàng chỉ tay về phía trước nói nhanh :
- Lý huynh, xem kià!
Lý Đức Uy cũng nhìn ra và gật đầu :
- Nãy giờ mình chỉ chú ý chỗ kín mà không nhìn ngoài trống, cũng may Dương muội nhìn ra, nếu không chuyến đi này đã phí công rồi.
Mẫn Tuệ cau mặt :
- Nhưng cứ theo dấu mũi tên chỉ này thì không phải tại triền núi phía tây Chung Nam sơn như trong thơ đã nói hay sao?
Lý Đức Uy trầm ngâm :
- Cũng có thể giờ chót họ thay địa điểm, cũng có thể...
Mẫn Tuệ thúc :
- Cứ theo dấu chỉ của mũi tên đi, không khéo trễ mất.
Tánh háo kỳ làm cho nàng nôn nóng, nói xong là nàng đã vội băng mình đi trước...
Lý Đức Uy lật đật kéo tay nàng :
- Dương muội, đừng đi trước...
Lại một lần nữa, Lý Đức Uy giựt mình, lần này không những giựt mình mà hắn còn đỏ mặt...
Đối với Dương đô đốc, hay đối với bản thân của hắn trong trường hợp để cho Mẫn Tuệ theo, trách nhiệm của hắn nặng nề, thảng hoặc có gì bất trắc xảy ra cho nàng, không những dối với Dương đô đốc hắn sẽ không biết phải nói làm sao mà đối với lương tâm của hắn, hắn cũng sẽ bị suốt đời ân hận.
Chính vì thế, nên khi thấy Mẫn Tuệ càn lên đi trước, Lý Đức Uy hốt hoảng, hắn lật đật kéo tay nàng lại, nhưng khi bàn tay hắn chạm vào tay nàng, chạm vào cánh tay mềm mại của con gái hắn chợt cảm nghe rúng động...
Lần thứ nhất, trong trường hợp đối địch trước một vấn đề sanh tử tồn vong, hắn cầm tay Tổ Thiên Hương giữa bữa tiệc trong hoa viên nhà họ Tổ, cũng cầm tay người con gái, cũng cánh tay của người con gái đẹp, nhưng tinh thần hắn đang tập trung đối phó với trường hợp khó khăn, hắn không có thì giờ để nghĩ tới chuyện gì khác nữa, nhưng lần này thì khác, lần này giữa cảnh thiên nhiên vắng vẻ, giữa tinh thần huynh muội chớ không phải “đối phương”,vừa cầm tay nàng là hắn có ngay cảm giác nóng bừng, thứ cảm giác tự nhiên giữa hai động vật không cùng giống.
Mẫn Tuệ cũng bỗng đỏ bừng hai má, nàng đứng khựng ngay lại và chớp nhanh đôi mắt, cúi đầu...
Nếu nói sự cọ xát của hai cao thủ là biên giới của tử vong thì sự đụng chạm của đôi trai gái đã sẵn nhiều thiện cảm với nhau là “lằn ranh” giữa bằng hữu với ái tình, một lằn ranh mỏng manh, một lằn ranh như đường tơ kẽ tóc.
Không cần nhích chân, chỉ cần nhích hơi bằng tâm tưởng, lằn ranh không thấy nét ấy, lập tức bị xóa tan.
Thật là may, không biết nhờ vào nghị lực hay nhờ vào lương tri của bổn phận, Đức Uy phản ứng thật nhanh, hắn phản ứng bằng cách... không phản ứng, hắn giữ vẻ tự nhiên bằng cách cau mặt của một người anh :
- Dương muội thật là cẩu thả, phải để ngu huynh đi trước. Phải cẩn thận chớ!
Phản ứng của hắn thật nhanh, nhưng phản ứng của nàng cũng không chậm, vừa ửng mặt nàng bỗng sững sờ vì thái độ nghiêm trách giọng “bề trên” của hắn, và cũng chỉ một thoáng sững sờ là nàng lại thấy ngay tận “tim đen” của hắn, nàng hé nụ cười kín đáo, không phải nụ cười e thẹn vì sự đụng chạm vừa rồi mà là nụ cười sung sướng, thứ nụ cười của một cô gái vừa mới... biết yêu.
Nàng “tự nhiên” theo sau hắn.
Mũi tên chỉ vào một hướng, không có đường mòn, cũng không trống trải, mũi tên chỉ ngay vào một khoảng cây chồi xen lộn với cỏ tranh cao khuất tới đầu.
Không biết khu rừng này còn sâu đến đâu, Lý Đức Uy và Mẫn Tuệ đứng nhìn ngược ra sau, mút tầm mắt không thấy chỗ tận cùng.
Đám rừng chồi có thể sẽ đi quanh theo triền núi, có thể đi giáp dãy núi không chừng, và nếu mũi tên không dừng lại mà cứ chỉ tới hoài thì hai người đi không biết bao giờ mới giáp.
Đức Uy và Mẫn Tuệ đi vào đám rừng chồi được chừng hai mươi mấy trượng thì gặp ngay một khối đá bằng phẳng khá lớn, mũi tên chỉ đường chỉ ngay vào phiến đá đó.
Lý Đức Uy dẫn Mẫn Tuệ bước ngang qua phiến đá đi thẳng theo hướng mũi tên, nhưng vừa bước qua phiến đá Lý Đức Uy vùng khựng lại.
Trên phiến đá, có người dùng đá trắng viết mấy hàng chữ: “tại nơi này là người có danh phận, xem kịch không nên “mua giấy” đứng, vì thế, ta đã vì các hạ mà “dành chỗ” trước nơi đây.
Hoang sơn cùng cốc, tìm được một phiến đá vừa bằng vừa sạch sẽ không phải là dễ, cho nên, nơi đây coi như “thượng hạng” ở những đại hí viện, vả lại các hạ vốn là con người dễ tánh, chắc chắn các hạ sẽ vừa lòng.
Từ giờ ngọ đến giờ mùi, vở kịch bắt đầu mở màn, “sân khấu” ngay dưới chân núi trước mặt, xin phiền các hạ cố đợi.
Tại hạ vì còn bận chút việc, không thể nghinh tiếp, đó là sự thật, mong các hạ đừng lấy lòng bí mật mà độ người không hề bí mật biết nhau không cần danh tánh”.
Đọc xong mấy hàng chữ, Lý Đức Uy thật dở cười dở khóc.
Con người như hắn, lại được “thiên hạ” an bài như thế hay sao? Nhưng sự thật là như thế. Người ta đã biết có kịch hay, chỉ đường và “mua sẵn ghế”, như vậy không an bài thì còn gì nữa?
Mẫn Tuệ cười :
- Căn cứ theo lời lẽ này, hiển nhiên người “mời” không phải xa lạ với Lý huynh?
Nhưng không biết ai thế?
Lý Đức Uy cười :
- Giá như mà biết thì hay biết bao nhiêu.
Mẫn Tuệ ngó ngay mặt hắn :
- Lối viết đó là quen rồi chớ còn gì nữa.
Lý Đức Uy cười :
- Những người quen biết, trong đời ngu huynh rất có chừng hạng, trong số không nhiều đó, có bạn có thù. Bạn thì không thể dùng cách này đối với bạn còn thù thì họ luôn tìm cơ hội để kết liễu tính mạng của mình, nhưng xem dáng cách này thì không có gì chứng tỏ đây là thù cả. Đã không phải bạn mà cũng không phải thù, thật không biết phán đoán ra sao cho đúng.
Mẫn Tuệ trầm ngâm :
- Càng đoán không ra việc càng đáng sợ, càng không nhận được là việc cần phải vô cùng cẩn thận.
Lý Đức Uy nói :
- Nhưng bốn phía chung quanh đây không có điểm khả nghi nào cả.
Mẫn Tuệ cười :
- Người có lòng thì ta không nên phụ vì phụ kẻ có lòng là đắc tội, vậy mình cứ ngồi xuống đây đợi thử xem sao.
Nàng ngồi xuống một bên phiến đá, còn lại phân nửa chừa cho Lý Đức Uy.
Phiến đá không rộng lắm, hai người ngồi xuống là vai có thể đụng nhau, nhưng cô gái đã ngồi, đã để phần lại, người con trai không đủ “can đảm” để ngồi xuống hay sao?
Vả lại, nếu mình ké né, chứng tỏ trong lòng bất an, mà trong lòng có bất an là chứng tỏ mình có “vấn đề”! Lý Đức Uy đành phập phồng mà ngồi xuống.
Thật cũng không nên trách người “mua giấy” vì họ mời có một người chớ đâu dè lại đi một cặp, mà nếu họ biết đi có cặp thì sự chọn “chiếc ghế” không rộng như thế này, có phải là chuyện đáng trách hay đáng mang ơn?
Lý Đức Uy muốn có vẻ tự nhiên nên ngồi xuống, nhưng ngồi xuống rồi hắn mới thấy lòng không ổn, nhưng đã ngồi rồi nếu đứng lên thì lại càng không ổn hơn nữa, hắn bấm bụng trân mình.
Hai cái vai của hai người quả thật chạm vào nhau, chạm hơi mạnh mà chạm mạnh chứng tỏ là ngồi quá khít, quá sát vào nhau.
Mẫn Tuệ hơi ửng mặt, thế nhưng nàng không tỏ thái độ lúng túng, thân mình nàng cứ để tự nhiên chớ không hề khép nép.
Người con gái đã không khép nép thì đàn ông con trai lại “bết” hơn sao? Như thế là hắn cũng “tự nhiên”.
Đã là vật thể thì cái gì cũng có co có giãn, có “tóp” có bung, con người cũng thế, khi đứng, bề ngang có thể tóp lại, nhưng khi ngồi thì nhứt định nó sẽ bung ra, càng tự nhiên nó càng bung dữ mà cứ để nở tự nhiên như thế ấy thì, hai thân mình lại càng khít rịt vào nhau.
Lý Đức Uy cảm nghe vừa nóng mà cũng vừa hơi... mát, da thịt của người con gái thật là huyền diệu.
Hơi hám trong người họ hình như rất đủ mùa, chỉ trừ mỗi một mùa “đông”.
Thời gian bị “đọng” lại một lúc như để lắng nghe, nhưng sau đó thì Mẫn Tuệ lên tiếng trước, nàng hỏi :
- Lý huynh không biết ai kỳ cục vậy hơ?
Ai kỳ cục! Mà “kỳ cục” cái gì? Nàng hỏi chuyện nào? Vì trong trường hợp này, hỏi chuyện nào trong hai tiếng “kỳ cục” đó đều đúng cả.
Mời xem kịch một cách “kỳ cục”, sắp đặt chỗ ngồi một cách “kỳ cục”, mà hai người cố làm ra vẻ tự nhiên, nhưng tim cứ nhảy nghe dồm độp như thế cũng... kỳ cục luôn.
Lý Đức Uy phải lắc đầu, vì câu hỏi.... kỳ cục quá.
Hình như cũng cảm thấy ngay cái “kỳ cục” đó, nên Mẫn Tuệ cười gỡ rối :
- Lý huynh có biết ai viết đó không?
Bây giờ hắn mới có thể trả lời, hắn đáp :
- Không.
Mẫn Tuệ vụt nói :
- Xem nét chữ thì hình như không phải từ bàn tay người đẹp?
Lý Đức Uy đáp nhanh :
- Đâu có, đâu phải!
Nói xong bốn tiếng vội vàng đó, hắn mới nhận ra mình thất thố.
Tại làm sao lại trả lời như thế? Tại làm sao dùng những tiếng nghe in là đính chánh, nghe in là như “chối” thế? Có gì đâu mà phải chối?
Mà nếu có thì tại hạ làm sao lại chối với nàng?
Cho hay, con người ta có lúc cũng phải kém thông minh. Lý Đức Uy là con người nói chuyện rất giỏi, nhất là “ăn miếng trả miếng” rất hay, thế nhưng trường hợp này thì lại quá vụng về.
Cho hay, khi đã dính vào chuyện khó nói giữa hai người bạn không cùng một giống, con người lanh lợi cũng hóa thật thà, thật thà đến mức tự bộc lộ cái cần phải giấu trong lòng của mình ra cho người đối diện.
Không biết có thấy cái chuyện “vô lý mà hữu lý” ấy hay không nhưng Mẫn Tuệ lại thêm một câu :
- Tôi cũng đâu đã nói như thế...
Câu nói được tuôn ra, không những Đức Uy thở hơi không kịp mà chính Mẫn Tuệ cũng nghe tim đập rộn ràng.
Nàng muốn nhìn mặt hắn, nhưng nàng không đủ can đảm quay đầu, vì bây giờ mà quay đầu lại thì nhứt định hai mặt sẽ chạm vào nhau vì ngồi khít quá và trường hợp bây giờ, khoảng cách tâm tình của hai người giống y một miếng giấy quyến thấm nước đã lâu, chỉ cần một chút cử động, thật nhẹ thôi, miếng giấy quyến đó cũng sẽ rách toang, khoảng cách mỏng manh giữa hai người, của hai cõi lòng tha thiết, sẽ không còn giới tuyến!
Đức Uy làm thinh.
Mẫn Tuệ cũng làm thinh.
Không phải đã hết chuyện nói, nhưng họ nói không ra tiếng.
Thật lâu, Mẫn Tuệ vụt lên tiếng :
- Lý huynh nè, nghe nói một người con gái, lại là con gái nhà quan như tiểu muội, lại vạn dặm đường xa vào Kinh sư du ngoạn một mình, khi trở về lại cải trang thành người mặt thẹo như quỷ vậy, Lý huynh không cảm thấy không kỳ dị chút nào sao?
Đức Uy nhướng mắt :
- Kỳ dị? Sao lại kỳ dị?
Mẫn Tuệ nói :
- Là một đứa con gái nhỏ tuổi, lại con nhà quan, thế mà không giữ đúng tư cách tiểu thơ “khuê môn bất xuất”, một mình vào kinh kết bạn như thế, không kỳ à?
Đức Uy cười :
- Có gì đâu mà kỳ dị? Lão bá là một danh tướng, lẽ tự nhiên có con phải là “cân quốc anh hùng” chớ làm sao như những cô gái như cành liễu rũ? Ngu huynh không lấy làm lạ mà còn cho là chuyện tự nhiên.
Mẫn Tuệ nhướng mắt :
- Thật à?
Đức Uy cười :
- Thật chớ không lẽ lại giả với Dương muội?
Mẫn Tuệ cũng cười :
- Nói chuyện hay quá.
Nàng vụt nghe mặt mình nóng bừng và Đức Uy cũng nghe rung động.
Chỉ mấy tiếng đó thôi, mấy tiếng rõ ràng không thể giải thích gì ngoài nghĩa đó, nhưng cả hai vụt cảm nghe thân thiết quá, cái thân thiết mà lúc nãy chưa có.
Nhưng Mẫn Tuệ đã nói lảng ra :
- Nghĩ cũng đáng cảm kích gia phụ, cha tôi không thủ cựu nên tôi mới được tự do như thế.
Đức Uy nói :
- Tại triều đình, lão bá là một kẻ trung can nghĩa khí, tại dân gian, là một vị quan biết thương dân, tự nhiên trong gia đình cũng đâu có thể là người cha hẹp lượng, vả lại, lão bá không có con trai.
Mẫn Tuệ nói :
- Đúng như Lý huynh nói, cha tiểu muội thật tốt, chỉ hiềm vì gia mẫu lại qua đời quá sớm.
Nàng cúi đầu, nét mặt chợt buồn hiu.
Đức Uy hỏi :
- Lão bá mẫu tạ thế từ bao giờ Dương muội?
Mẫn Tuệ đáp :
- Lúc tiểu muội vừa mười sáu tuổi, gia mẫu không nói gì với tiểu muội cả, chỉ cầm tay tiểu muội và nói nhỏ vào tai gia phụ, người dặn khi tiểu muội đến tuổi trưởng thành, đừng gả tiểu muội cho những con quan, đừng kén rể trong quan trường.
Không hiểu tại sao, Lý Đức Uy ngồi nghe mà tim mình cứ đập từng hồi rộn rã.
Mẫn Tuệ đều đều kể tiếp :
- Lúc đó, tiểu muội không hiểu, không hiểu tại sao khi sắp mất, gia mẫu lại trối trăn như thế, nhưng giờ thì tiểu muội đã biết rồi. Đó là cái lý “không ai biết con cho bằng mẹ”. Gia mẫu biết cảnh tình của tiểu muội không thể làm dâu con một nhà quan, biết tính của tiểu muội không thể gò bó trong khuôn khổ và có thể họ sẽ cho rằng tiểu muội là mất gia phong, thứ gia phong “quan lại” đó biết không?
Lý Đức Uy trố mắt :
- Nhưng gia phong...
Mẫn Tuệ chận ngang :
- Lý huynh không biết gia phong của bậc quan kỳ cục lắm, phiền phức lắm, cái này cũng không được, cái kia cũng không được, theo tâm lý của họ thì dâu con nhà quan là phải “khuê môn bất xuất” ngoài chồng ra không được nói chuyện với ai, phải trọn đời lúc thúc trong phòng, trong nhà sau, nếu không thế là... bại hoại gia phong, thứ gia phong đó, tiểu muội nuốt không vô, gặp một người chồng có quan niệm như thế thì chắc... chết còn sướng hơn nhiều.
Đức Uy trầm ngâm :
- Trong quan trường cũng không phải là không có những kẻ giang hồ hào phóng.
Mẫn Tuệ nói :
- Cũng có thể có, nhưng đến bây giờ, ngoài gia phụ ra, tiểu muội chưa thấy thêm được một nhà nào.
Đức Uy nói :
- Cũng có thể tại vì Dương muội chưa thấy được nhiều.
Mẫn Tuệ lắc đầu :
- Không, con người của tiểu muội đối với bất cứ người nào, bất cứ chuyện gì cũng không hề có thành kiến đâu. Cứ như chuyện Mãn Thanh xâm chiếm mà nói, tiểu muội cũng không vì thế mà căm hận đến mức không suy xét. Họ xâm chiếm cũng có lý do của họ, triều Minh bây giờ trong thì gian nịnh ngồi không hưởng lộc, ngoài thì tham quan hung hiếp vơ vét của dân, cương thổ không còn là vấn đề cần phải liều chết bảo vệ đối với họ. Những kẻ mang quân, đem thân ra nơi chiến trận, có mấy ai không biết nhớ quê hương, có mấy ai không biết thương cha mẹ vợ con, có mấy ai muốn cho thân mình vùi lấp, không người thu liệm? Đáng hận chăng là bọn tham quan ô lại, mãi quốc cầu vinh mà thôi.
Đức Uy làm thinh, hắn cảm thấy đối với kiến thức của một người con gái như nàng quả thật rất ít thấy, nhứt là không làm sao tìm ra được một người con gái nhà quan như thế.
Từ cảm mến đến khâm phục, từ khâm phục gia tăng cảm mến, hắn thấy người con gái này thật phi thường.
Mẫn Tuệ chầm chậm nói tiếp :
- Loạn thần tặc tử là hạng mà ai ai cũng mong tru diệt, nhưng biết bao giờ, biết thế hệ nào mới tiêu diệt sạch được bọn sâu dân mọt nước? Chết một tên, không chừng đã đẻ ra hai tên, triều đại nào cũng thế, tiểu muội không bi quan, nhưng không thấy tươi sáng một chút nào!
Đức Uy trầm ngâm và mỉm cười :
- Nhưng nếu không có loạn thầ? tặc tử thì chắc cũng không có nghĩa sĩ trung lương, không có những vị tôi thần lương đống can trường cho lịch sử đề tên, ngàn năm bia tạc?
Mẫn Tuệ cũng cười :
- Lý huynh muốn nói đời phải có hề có tướng, có nịnh có trung, có cái xấu mới sanh ra cái tốt phải không? Như vậy, thôi thì đừng có cái tốt làm chi, miễn sao đừng có cái xấu là được!
Nàng bật cười thành tiếng :
- Thôi, bỏ đi, nói riết rồi coi chừng không tìm ra kết luận.
Ngưng một giây, nàng lại nói :
- À, nè, tiểu muội biết sư thừa của Lý huynh, mà Lý huynh thì vẫn chưa biết gì về chuyện đó của tiểu muội phải không?
Đức Uy nghe trong lòng hắn có nhiều mâu thuẫn. Đối với một người con gái kiến thức rộng và cởi mở như thế, ai lại không muốn được cùng nàng nói chuyện, ai lại không muốn cùng nàng tâm sự? Hắn cũng thế, nhưng đồng thời không hiểu sao, hắn bỗng hơi lo ngại.
Giữa con người với con người, càng nói chuyện với nhau nhiều càng hiểu sâu về nhau, khoảng cách giữa hai người sẽ do đó mà rút lại càng lúc càng ngắn. Giữa hắn và nàng sẽ rút ngắn đến mức nào?
Trong một hoàn cảnh hiện tại của hắn, trong hoàn cảnh đất nước mà ngày mai không ai dám nghĩ đến tương lai, hắn không dám nghĩ gì cả.
Hắn mỉm cười :
- Biết thì tốt lắm, là cần lắm, nhưng không dám hỏi.
Không hiểu tại sao, đối với Đức Uy, đôi mắt của Mẫn Tuệ gần đây bỗng... có đuôi, nàng nhìn hắn trong đôi mắt đó, nàng cười.
- Khách sáo lắm, không dám hỏi, Lý huynh, lời lẽ gì mà... xa lạ quá vậy?
Nàng vụt hỏi :
- Lão hầu gia, có khi nào nói với Lý huynh về một lão Ni mù mắt không?
Lý Đức Uy kêu lên :
- Manh đại sư!
Mẫn Tuệ gật đầu :
- Đúng rồi, thầy của tiểu muội đó.
Đức Uy cau mặt hỏi :
- Như vậy thì...
Mẫn Tuệ chận ngang :
- Lão Ni chỉ nhận tiểu muội là đệ tử chớ không cho phép chuyện xuất gia, Lão Ni bảo rằng duyên nghiệp của tiểu muội không phải đi vào hướng tu hành và bảo đừng bao giờ nghĩ về chuyện đó. Lão nhân gia đã có chọn người để truyền y bát, người đó là Công chúa Trường Bình.
Đức Uy kêu lên :
- Sao lại chọn Công chúa...
Mẫn Tuệ thở ra :
- Lão nhân gia bảo mỗi người đều có nghiệp duyên, không chọn tiểu muội mà lại chọn Công chúa, chuyện thật cũng kỳ.
Đức Uy hỏi :
- Chuyện đó Công chúa có biết chưa?
Mẫn Tuệ lắc đầu :
- Chưa biết, chỉ có tiểu muội biết thôi, lão nhân gia bảo chưa tới lúc, Công chúa còn phải thêm một thời gian ngấm bụi phí hoa nữa, đến lúc rồi người mới cho biết.
Đức Uy bỗng cúi đầu tư lự.
Thế nước đang hồi nguy biến, nhà đại Minh quả thật mong manh, một vị lão ni thông kim bác cổ khám phá trần ai đã nói như thế là ý nghĩa gì? Hắn không hiểu rõ ràng nhưng trong trực giác hắn chợt cảm nghe rúng động.
Phải chăng...
Hắn chưa kịp suy nghĩ gì thêm thì Mẫn Tuệ vụt chỉ tay xuống núi :
- Lý huynh xem kìa!
Đức Uy lật đật nhìn theo...
Từ phía Trường An, một cỗ xe hoa lệ rèm che kín mít đang lao tới, trước xe bốn con kiên mã chở trên lưng bốn gã đại hán áo đen, sau xe mấy mươi kỵ sĩ tiền hộ hậu ủng, thinh thế lẫy lừng.
Cỗ xe sang trọng lắm, bậc hầu gia có lẽ cũng đến mức đó thôi.
Đức Uy thì thầm :
- Nhân vật nào thế cà...
Mãi đến khi vừa tầm mắt, nhìn thấy rõ tên đánh xe, Đức Uy buột miệng kêu lên :
- Nam Cung Nguyệt!
Mẫn Tuệ cũng giựt mình :
- Nam Cung Nguyệt? “Đạo sư” Nam Cung Nguyệt, tại sao?
Đức Uy nói :
- Chính hắn, hắn là người đánh xe đó?
Đức Uy gật đầu :
- Đúng rồi, đám đại hán áo đen là “Hắc Y đấu sĩ”, đoàn quân tinh nhuệ của tướng cướp miền Nam đó.
Mẫn Tuệ thắc mắc :
- Một kẻ danh tiếng lẫy lừng, chưa hề biết cúi mặt trước ai, thế sao lại làm kẻ đánh xe. Chẳng lẽ người trong xe lại là nhân vật cao hơn hắn nữa hay sao?
Đức Uy lắc đầu :
- Làm sao biết được? Là một con người hung bạo ngang tàng lại đi đánh xe cho kẻ khác đủ thấy người ngồi trong xe là...
Ngay khi đó, ba tiếng nổ vang lên, bốn con kiện mã đi đầu vụt chồm lên đứng dựng bằng hai cẳng sau, hất bốn tên kỵ sĩ áo đen xuống đất.
Cỗ xe dừng lại, đám kỵ sĩ phía sau tràn tới.
Đức Uy kêu nhỏ :
- “Phong Lôi tiễn” của Cung Thần Kim Nguyên Bá!
Mẫn Tuệ ngạc nhiên :
- Tuy không ưa nhau, nhưng nghe đâu từ trước đến nay họ không hề đụng chạm, thế sao hôm nay Kim Nguyên Bá lại công nhiên khai chiến?
Đức Uy cũng băn khoăn :
- Thật là lạ, khó mà đoán được lắm. Đúng là màn kịch bỏ qua rất uổng.
Mẫn Tuệ cười :
- Nhưng biết có chắc phải là “màn kịch” người viết thơ mời mình xem đó hay không hay là chuyện tình cờ?
Đức Uy cười :
- Làm gì có chuyện tình cờ?
Hai người chỉ mới nói mấy câu, tình hình dưới núi đã có nhiều biến động.
Trước đoàn xe ngựa của Nam Cung Nguyệt lại xuất hiện thêm một đoàn người ngựa nữa.
Một con bạch mã ở hàng trước nhứt chở trên lưng một lão già, vị “vạn hộ” Trường An Tổ Tài Thần.
Đi kèm sát Tổ Tài Thần là Cung Thần Kim Nguyên Bá, sau cùng là đám cao thủ được Tổ Tài Thần quý trọng, được ông ta “nuôi dưỡng” chu đáo để cùng bảo vệ ngôi vị của ông ta và sau chót là hơn trăm tên cung thủ thuộc hạ được huấn luyện tay cung cứng nhứt của Kim Nguyên Bá.
Hằng trăm tên, tên nào cũng đã thẳng dây, đao cũng tuốt ra khỏi vỏ, đúng là chuẩn bị nghinh đại địch.
Thinh thế của phe Tổ Tài Thần càng mạnh, càng nâng giá trị đối phương, chứng tỏ họ đã đánh giá Nam Cung Nguyệt đúng mức chớ không phải xem thường, mặc dầu đây là phần đất của họ còn Nam Cung Nguyệt mặc nhiên là lực lượng viễn chinh.
Ngoài hai lực lượng đối đầu chính yếu, phía bên trái, cách hàng trận xa xa còn có một tốp người. Họ khoảng chừng hai mươi mấy tên kỵ sĩ, ngựa của họ cao lớn khác thường, y phục của họ cũng nổi bật vì sang trọng và uy vũ.
Chỉ cần nhìn qua, không đợi Đức Uy nói, Mẫn Tuệ cũng biết ngay đó là đoàn vệ sĩ Mãn Châu đứng đầu là người con gái như hoa như ngọc, người con gái hoàng tộc cầm đầu đoàn quân gián điệp xâm nhập Trường An, Thất Cách Cách.
Vị công tử Phúc An đứng phía sau lưng nàng.
Họ không có vẻ “tham chiến”, bằng vào dáng cách đủ thấy họ đến để chứng kiến hoặc “tham quan”.
Đức Uy buột miệng lầm thầm :
- Tại làm sao cũng có nàng?!...
Nói lầm thầm nhưng Mẫn Tuệ cũng đã nghe và nàng cũng nhìn theo hướng mà Đức Uy chăm chú, nàng hỏi :
- Ai?
Đức Uy trả lời nhưng vẫn chứ nhìn về hướng đó :
- Thất Cách Cách của Mãn Châu.
Ánh mắt của Mẫn Tuệ vụt ngời lên, nàng nhìn Đức Uy bằng đuôi mắt :
- Quả là một vị “Kiều nữ” của Hoàng tộc Mãn Châu, thật nghe danh không bằng thấy mặt. Người ta bảo nàng là “giai nhân tuyệt sắc” thật không ngoa chút nào cả. Cái đẹp của cô gái Mãn Châu... Lý huynh, chính tiểu muội là gái mà thấy cũng muốn xiêu đó, chỉ có điều hình như cái đẹp của nàng có nhiều sát khí...
Câu nói chứa nhiều ý của Mẫn Tuệ làm cho Đức Uy “cảnh giác”, hắn lật đật “chuyển đề” :
- Tổ Tài Thần chận đường Nam Cung Nguyệt, bọn Mãn Châu lại đứng một bên làm “khán giả” như thế là nghĩa lý làm sao cà?
Như đã “xoi” thấu ruột gan của người con trai vũ dũng mà đầy chất hào hoa, Mẫn Tuệ cười :
- Kìa, Lý huynh hãy nghe, Tổ Tài Thần nói chuyện với Nam Cung Nguyệt...
Bây giờ Đức Uy mới chịu dời tia mắt về phía bên hàng trận.
Quả nhiên, họ đang nói chuyện với nhau...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...