“Tối qua anh chạy đi đâu đấy?” Vừa bước vào giảng đường, Noãn Noãn nhìn thấy tôi đã hỏi phủ đầu: “Em tìm mãi mà không thấy.”
“Tìm anh có việc gì không?”
“Không có việc gì thì không được tìm anh nói chuyện à?”
“Chúng ta vẫn cứ là đồng bào thì hơn” tôi nói.
“Nói cái gì thế?”
“Ừm,” tôi gật đầu, “chủ đề này uyên thâm lắm, anh phải suy nghĩ cái đã.”
Nói đoạn tôi bèn ngồi xuống, mặc cho Noãn Noãn tần ngần chẳng hiểu mô tê gì.
Tối qua cứ trằn trọc lăn qua lăn lại trên giường, trong đầu toàn là mấy câu đối thoại với cậu em khóa dưới.
Tiếp xúc với Noãn Noãn mấy ngày nay, khoảng cách giữa đôi bên ngày càng gần lại, dần dần nảy sinh một ảo giác: cảm thấy mỗi ngày nhìn thấy Noãn Noãn, nói chuyện với Noãn Noãn là một chuyện rất hiển nhiên, cũng là một thói quen; quên mất rằng đây là cuộc gặp gỡ tình cờ trong đời, sau cuộc gặp gỡ này, mỗi người vẫn lại phải tiếp tục đi theo con đường riêng của mình.
Giờ này ngày mai, chắc tôi đang trên xe lên đường ra sân bay, lúc đó tâm trạng tôi sẽ thế nào đây?
Tâm trạng Noãn Noãn sẽ thế nào đây?
“Bị nhện đột biến gen cắn rồi, sẽ biến thành người nhện bảo vệ chính nghĩa.” Tôi thở dài nói: “Nhưng bị chó dại cắn rồi chỉ có thể mắc bệnh dại.”
“Lại nói gì thế?” Noãn Noãn hỏi.
“Đạo lý trên thế gian này, người trẻ như em sao có thể hiểu nổi?” tôi nói.
“Anh vẫn mơ ngủ đấy à?” Noãn Noãn nhìn tôi.
Đúng vậy, tối qua không ngủ được, giờ lại bắt đầu nói năng lảm nhảm rồi.
Thầy giáo đứng lớp hôm nay cũng là người hôm qua đứng lớp ở Trị Bối Tự Viên trường Bắc Đại, những bài giảng hôm nay là về Khổng Mạnh.
Nghe đến đây tôi đã muốn làm một giấc mộng rồi.
Tuy rất muốn lấy lại tinh thần, nhưng mi mắt lại là thứ “đời nhẹ khôn kham *”, chỉ cần nó muốn khép lại, thì cố sức mấy nó cũng chẳng mở ra được.
* “Đời nhẹ khôn kham”: Tên một tiểu thuyết của nhà văn Czech – Milan Kudera.
Giảng đường nay đã trở nên quen thuộc với tôi, tôi không còn thấy lạ lẫm nữa, mà có một cảm giác rất yên bình, hệt như ở nhà; còn lời giảng của thầy như tiếng mẹ gọi dịu dàng: Con ơi, mệt rồi, về nhà thôi.
Thoảng nghe có tiếng văng vẳng bên tai: “Nho gia nhấn mạnh luân lý đạo đức, coi trọng tính xã hội của con người; Đạo gia lại nhấn mạnh sự thực cuối cùng, coi trọng tính tự nhiên của con người...”
Sau đó tôi chẳng màng đến nhân thế nữa.
Bất chợt tỉnh dậy, thấy tờ giấy trắng trước mặt có viền mấy chữ “bắc thất”, đếm đi đếm lại, có tất cả 17 chữ.
“Anh tỉnh rồi à?” Noãn Noãn thì thào hỏi.
“Hồi quang phản chiếu * thôi,” tôi cũng thì thào nói.
* Hồi quang phản chiếu: Nguyên là từ trong Phật giáo, chỉ hiện tượng người hấp hối đột nhiên tỉnh táo lại trước khi chết.
“Đừng ngủ nữa.”
“Anh cũng muốn lắm.”
Noãn Noãn cầm bút viết lên trước mặt tôi: Em muốn tới Noãn Noãn.
“Anh tỉnh rồi.” tôi nói.
Giờ nghỉ giải lao đi rửa mặt mũi, gắng đuổi cơn buồn ngủ.
Vào giờ, lúc nào cũng cảm thấy Noãn Noãn đang dò xét bên cạnh, tinh thần tôi căng thẳng, nên cũng không mơ màng được nữa.
Cuối cùng cũng hết tiết, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Đột nhiên nghĩ tới đây không những là buổi học cuối cùng của tôi ở Bắc Kinh, mà còn là buổi học cuối cùng trong đời sinh viên của tôi.
Không ngờ buổi học cuối cùng lại kết thúc bằng cảnh ngủ gật thế này, tôi thật là đến cuối đời còn chẳng giữ nổi tiết tháo.
Buổi trưa, mọi người đi xe tới cố cư của Kỷ Hiểu Lam.
Vừa xuống xe đã nhìn thấy hai cây tử đằng la đan quấn lấy nhau, thân cây cong cong thế rồng, cành lá sum suê, hoa tỏa hương ngào ngạt.
Hai cây tử đằng la này do Kỷ Hiểu Lam tự tay trồng, đã hơn 200 tuổi mà vẫn tươi xanh đầy sức sống.
Tử đằng la vốn nằm trong vườn cố cư, nhưng khi làm đường khu vườn bị cắt mất một phần, thành ra cây lại nằm ngay bên đường.
Nếu như không phải dưới gốc cây có một tấm biển đá ghi rõ lai lịch, thì dù bạn có đi ngang qua cũng chưa chắc chú ý đến nó.
Chái đông cố cư Kỷ Hiểu Lam có tiệm cơm Tấn Dương, là nơi chúng tôi ăn trưa.
Tiệm cơm Tấn Dương tuy gọi là “tiệm cơm”, nhưng lại nổi tiếng với các món mì Sơn Tây.
Thầy Lý gọi mì xắt lát, mì tai mèo, mì tát cá, kêu chúng tôi ăn xả láng một bữa.
Vừa nghe thấy tai mèo còn đang thắc mắc, hóa ra đây là món mì được nặn thành từng miếng nho nhỏ như tai mèo.
Còn mì tát cá là mì nước, hơi giống như mì mụn cóc, nhưng cục mì đầu thon bụng tròn, giống như hình con cá.
Món ăn Sơn Tây vị khá nồng, cũng khá mặn, bề ngoài không bắt mắt nhưng hương vị rất độc đáo.
Nhất là hai món vịt chiên bơ và đậu phụ kén tằm đều được mọi người nắc nỏm tán thưởng.
Ăn xong chúng tôi vào thăm quan cố cư của Kỷ Hiểu Lam.
Người chủ ban đầu ở đây không phải là Kỷ Hiểu Lam, mà là một đại tướng thời Ung Chính, hậu duệ của Nhạc Phi, Nhạc Trung Kỳ.
Về sau Nhạc Trung Kỳ bị kết án giam, khi đó phụ thân của Kỷ Hiểu Lam lại vừa tới kinh thành nhậm chức, bèn mua lại ngôi nhà này.
Hơn hai trăm năm nay, ngôi nhà đã qua nhiều đời chủ, trải qua bao thăng trầm, tiệm cơm Tấn Dương cũng kinh doanh ở đây.
Năm 2001 tiệm cơm Tấn Dương chuyển đến chái phía tây cố cư, đồng thời Kỷ Hiểu Lam cố cư cũng bắt đầu được tu sửa, một năm sau đó thì chính thức được mở cửa đón khách tham quan.
Kỷ Hiểu Lam cố cư giờ chỉ còn lại hai gian nhà chính và một mảnh sân hướng Nam Bắc, rộng không đến một phần ba diện tích ban đầu.
Phía Nam là chính sảnh, hiện đang dùng làm phòng lưu niệm, trưng bày cuộc sống thường nhật của Kỷ Hiểu Lam cùng các tài liệu lịch sử liên quan, ví dụ như tuyển tập Tứ khố toàn thư ông từng làm chủ biên và Duyệt Vi Tảo Đường Bút Ký ông sáng tác những năm cuối đời; còn có một số những vật dụng và tàng thư trước kia Kỷ Hiểu Lam từng dùng, bao gồm cả tẩu thuốc nổi tiếng của ông.
Bên trong có một bức tranh vẽ Kỷ Hiểu Lam cao bằng người thật, một ông lão có khuôn mặt xanh gầy, chòm râu dài buông trước ngự
Phản ứng của đám sinh viên chúng tôi khi lần đầu nhìn thấy bức tranh đều kinh ngạc, ông lão trước mắt tướng mạo tầm tầm, thậm chí có thể nói là xấu hoắc; còn hình tượng Kỷ Đại học sĩ trong lòng mọi người lại là bậc phong lưu tài tử.
Như vậy cũng tốt, Kỷ Hiểu Lam thông minh đa tài, hóm hỉnh hài hước, nếu như cả tướng mạo cũng hơn người, thì thật hơi quá.
Vài cậu sinh viên nở một nụ cười an ủi, có lẽ trong lòng bọn họ đang nghĩ kẻ tướng mạo chẳng ra sao cũng có thể hào hoa phong lưu.
Kẻ hào hoa phong lưu có thể tướng mạo tầm tầm, nhưng không có nghĩa kẻ tướng mạo tầm tầm là có thể dễ dàng hào hoa phong lưu.
Lưu Đức Hoa nhìn như con lợn, con lợn nhìn như Lưu Đức Hoa, ý nghĩa của hai trường hợp này hoàn toàn không giống nhau!
“Hôm nay anh sao thế?” Noãn Noãn hỏi. “Cứ lầm bầm cái gì trong miệng.”
“Thế à?” Tôi định thần lại.
Noãn Noãn săm soi mặt tôi một hồi, gật đầu nói: “Có vẻ rất kỳ quái khó tả.”
“Có thể vì tối qua không ngủ được, sáng nay lại ngủ kỹ quá.” Tôi cười cười, nói tiếp: “Em có thấy bức tranh vẽ Kỷ Hiểu Lam, rất giống với ông lão hôm qua chúng ta đã gặp trên phố Tô Châu không?”
Noãn Noãn chăm chú xem xét bức tranh, nói: “Anh nói mới thấy, đúng là có nét giống thật.”
“Em còn mang tiền đồng không,” tôi nói, “đưa cho ông ấy một đồng, hỏi xem ông ấy ở đây có vui không?”
“Nhạt phèo” Noãn Noãn nói.
Phía Bắc là thư phòng của Kỷ Hiểu Lam - Duyệt Vi Thảo Đường.
Trong thảo đường có một bức vẽ Kỷ Hiểu Lam mặc quan phục, nhìn oai nghiêm mà cũng rất tự tại.
Trên tường treo kín tranh chữ, còn có một bức chân dung của Khổng Tử.
Thảo đường được phân thành ba nơi chính, một nơi dùng để tiếp khách uống trà, một nơi để đọc sách viết lách, còn một nơi để sinh hoạt.
Nhìn tổng thể, gian thư phòng rất giản đơn, thể hiện rõ tính đạm bạc tiết kiệm của Kỷ Hiểu Lam.
Chúng tôi đi ra sân, sân rất nhỏ, bốn phía trồng cỏ lơ thơ, phía tây có một ang nước lớn.
Một cây hải đường cao chừng hai tầng nhà cô đơn đứng ở góc đông bắc, nổi bật giữa mảnh sân giản dị.
Thẳng cây hải đường có một bức tượng hình người tì nữ, tay cầm một cây quạt.
Thầy Lý dẫn mọi người đến bên cây hải đường, bắt đầu kể sự tích về cái cây này.
Cây hải đường này do chính tay Kỷ Hiểu Lam trồng, trước vốn có hai cây, một cây đã bị chặt bỏ khi cải tạo nhà.
Kỷ Hiểu Lam đã trồng hai cây này để tưởng nhớ đến mối tình đầu của ông – nàng Văn Loan.
Khi Kỷ Hiểu Lam gặp Văn Loan lần đầu, nàng mới 13 tuổi, là người trong nhà chú Tư của Kỷ Hiểu Lam.
Văn Loan tính tình đáng yêu, thông minh xinh đẹp, hai người lại trạc tuổi, thường chơi đùa cùng nhau dưới gốc cây hải đường nhà chú Tư.
Một năm sau, cha của Kỷ Hiểu Lam đem theo con rời quê lên kinh nhậm chức, Kỷ Hiểu Lam vô cùng lưu luyến, trước khi lên đường còn vội vàng chạy tới nhà chú Tư tạm biệt Văn Loan, tặng nàng một cây quạt làm kỷ niệm.
Mấy năm sau Kỷ Hiểu Lam trở về quê cũ, Văn Loan đã trở thành thiếu nữ, xinh đẹp thướt tha, rung động lòng người.
Hai người đứng dưới cây hải đường thề ước nguyện chung thân, hẹn sau khi Kỷ Hiểu Lam đạt được công danh sẽ về quê cưới nàng làm vợ.
Lần đầu ứng thí, Kỷ Hiểu Lam bị rớt, mãi đến năm 24 tuổi cuối cùng mới đỗ cao Giải Nguyên.
Ông không quên lời hẹn ước năm xưa, lập tức cử người tới nhà Văn Loan cầu thân.
Nhưng cha Văn Loan nhân cơ hội vớ được con rể vàng, thách cưới một khoản tiền rất lớn, hôn sự vì thế mà bị chậm trễ.
Văn Loan không hề biết chính cha mình là người cản trở bên trong, ngỡ rằng Kỷ Hiểu Lam đã quên sạch lời ước hẹn, từ đó buồn sầu mà lâm bệnh, ngày một héo hon, cuối cùng chết trẻ.
“Kỷ Hiểu Lam đau khổ tột cùng, bèn đích thân trồng hai cây hải đường ở đây,” thầy Lý nói: “Hai mươi năm sau, lúc Kỷ Hiểu Lam ngủ bên dưới gốc cây này, có mơ thấy một người con gái nhẹ nhàng bước lại, đứng yên không nói năng gì. Sau khi tỉnh lại, biết là Văn Loan, bèn hỏi thăm chỗ Văn Loan được chôn cất, nhưng người nhà nói mộ Văn Loan từ lâu đã bị cây dại cỏ hoang che kín, không còn nhận ra nổi nữa. Kỷ Hiểu Lam xúc động nghẹn ngào, viết nên bài thơ ‘Thu Hải Đường’. Đoạn mộng cảnh này được tả lại trong Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của ông, các bạn có thể đọc qua.”
“Thầy có biết bài thơ ‘Thu Hải Đường’ không ạ?” Noãn Noãn hỏi.
Thầy Lý mỉm cười, chỉ lên tấm bia đá bên cạnh, nói: “Bài thơ đó được khắc lên ‘Hải Đường Bi Ký’ đây.”
Mọi người quây lại xem tấm bia, trên tấm bia viết cây hải đường Kỷ Hiểu Lam trồng đã hơn 200 tuổi, đến nay vẫn mỗi khi ân sang hoa nở đầy cây, mỗi khi thu đến quả sai trĩu cành. Tấm bia cũng viết lại tâm sự Kỷ Hiểu Lam lúc đó: Vạn nỗi đau buồn thương tiếc, trồng cây hải đường này, trồng cây nhớ người xưa ấy, một đời ta mãi bên nhau.
Cuối cùng còn có thêm mấy câu thơ trong bài “Thu Hải Đường”: Võ vàng u hoa cực đáng thương, tà dương sân xuống ngày thu muộn, từ nhân lão đại kém phong tình, hẵng còn buồn thương bóng hồng tàn.
Mọi người không nén nổi thở dài, lúc này cũng mới vỡ lẽ bức tượng người tỳ nữ cầm cây quạt kia chính là nàng Văn Loan.
Thầy Lý kêu chúng tôi đi dạo dưới gốc cây hải đường, thử cảm nhận một Kỷ Hiểu Lam nặng tình nặng nghĩa.
“Các giai thoại về Kỷ Hiểu Lam đều không nằm ngoài phong lưu đa tình, hôm nay coi như đã giúp Kỷ Hiểu Lam phục hồi danh dự rồi,” thầy Lý nói xong, liền đi ra chỗ khác.
Tôi và Noãn Noãn nhẹ bước thả bộ quanh sân.
Nhìn thấy trên tấm biển quảng cáo “Tiệc danh nhân Duyệt Vi Thảo Đường” được tiệm cơm Tấn Dương bày ra có một món ăn tên là “Tâm tư hải đường”.
Tôi rất băn khoăn những người biết điển cố về cây hoa hải đường này, liệu có ăn nổi món “Tâm tư hải đường” này không?
“Noãn Noãn,” tôi nói, “bố em tính tình thế nào?”
“Hỏi bố em làm gì?” Noãn Noãn hỏi.
“Chỉ là muốn biết thôi.”
“Bố em tính tình rất tốt.”
“Thế thì tốt rồi” tôi nói.
Thầy Trương gọi mọi người cùng đứng lại dưới cây hải đường chụp kiểu ảnh, sau đó chúng tôi rời khỏi Kỷ Hiểu Lam cố cư.
Thầy Lý mua vài túi táo tàu khô là đặc sản quê Kỷ Hiểu Lam, chia cho mỗi người một ít mang lên xe.
Đi qua cây tử đằng la trước cửa, thầy Lý nói từng có mấy vị văn nhân vĩ đại như Lão Xá, đã thưởng rượu ngon ngẫm thời xưa dưới giàn tử đằng la này.
Tôi vội vàng nhón lấy quả táo tàu bỏ vào miệng, rồi lại ngẩng đầu ngắm những chùm hoa tử đằng la san sát tựa mây.
“Làm gì thế?” Noãn Noãn hỏi.
“Về sau khi người ta nhắc đến những danh nhân từng đứng đây thưởng rượu ngon ngẫm thời xưa, cũng sẽ tính cả anh nữa,” tôi nói.
Noãn Noãn không đếm xỉa đến tôi đi thẳng lên xe.
Chúng tôi ngồi trên xe vừa ăn táo vừa nghe thầy Lý kể những giai thoại về Kỷ Hiểu Lam, chẳng bao lâu đã tới Ung Hòa Cung.
Ung Hòa Cung do Khang Hy hạ lệnh xây dựng, tặng cho người con thứ tư là Ung Thân Vương làm phủ đệ, vốn gọi là Ung Thân vương phủ.
Ung Chính sau khi đăng cơ đã sửa vương phủ thành hành cung, đặt tên là Ung Hòa Cung; hoàng đế Càn Long cũng được sinh ra tại đây.
Vào thời Càn Long, Ung Hòa Cung lại được sửa thành Lạt Ma tự viện, tu viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất Trung Quốc.
Mỗi người chúng tôi mua một bó hương lớn, để vào tự viện thắp.
Bước vào trong cung, khói hương vấn vít xa xa, tiếng chuông du dương bên tai, khiến người ta có cảm giác u nhã tĩnh mịch, sâu lắng
“Ung Hòa Cung là nơi rất có tính Phật, khi khấn Phật hãy nghĩ thầm nguyện ước trong lòng, nếu như bạn đủ thành tâm, ước nguyện sẽ dễ dàng trở thành sự thực,” thầy Lý nói.
Nếu là mười năm trước, nguyện ước của tôi sẽ là bảng vàng ghi danh; nếu là một năm trước, nguyện ước của tôi sẽ là thuận lợi tốt nghiệp; nếu là mười ngày trước, nguyện ước của tôi sẽ là sớm tìm được một công việc vừa ý.
Nhưng lúc này đây, nguyện ước của tôi rất đơn giản, đó chính là có thể thường xuyên nhìn thấy nụ cười của Noãn Noãn.
Thế là mỗi khi đến một điện thờ, nhìn thấy một bức tượng Phật, bất kể lớn bé, bằng đất, bằng đồng, hay bằng gỗ, tôi đều cầm nắm hương cúi đầu nghĩ tới nguyện ước hiện tại của mình.
Khóe mắt tôi liếc thấy cây hương trên tay Noãn Noãn cứ lắc qua lắc lại, chao đảo không yên.
“Cầm hương cho chắc.” Tôi đưa tay giúp em chỉnh lại cây hương. “Dễ làm bị thương người khác đấy.”
Noãn Noãn có vẻ ngượng ngùng, lè lè lưỡi.
Bước vào đại điện của Ung Hòa Cung, thầy Lý nói nơi này tương đương với Đại Hùng Bảo Điện.
“Đại Hùng Bảo Điện bình thường thờ phụng Hoành Tam Thế Phật *, ở giữa là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trụ trì cõi Ta Bà, bên trái là Đức Phật Dược Sư trụ trì cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông, bên phải là phật A Di Đà trụ trì cõi Cực Lạc Phương Tây. Đây là ba cõi Phật trong không gian, tượng trưng nơi nào cũng có Phật. Nhưng ở đây lại thờ phụng Phật cõi Thụ tam,” thầy Lý nói. “Ở giữa là Phật Thích Ca Mâu Ni của Hiện tại, bên trái là Phật Nhiên Đăng của Quá khứ, bên phải là Phật Di Lặc của Tương lai. Đây la ba cõi Phật của dòng thời gian, tượng trưng cho hiện tại, quá khứ, và tương lai, vì vậy không lúc nào là không có Phật.”
* Hoành Tam Thế Phật: Gồm đức phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A Di Đà, đức phật Dược Sư.
Không gian cũng được, thời gian cũng xong, dù là nơi nào lúc nào, tôi đều muốn thấy nụ cười của Noãn Noãn.
Vừa nhẩm xong ước nguyện hiện tại lần thứ 27, tôi đột nhiên cảm thấy đau nhói, vội vàng rụt tay lại.
Hóa ra Noãn Noãn mải mê ngắm bức Thangka *, cây hương trên tay chọc trúng vào cánh tay trái tôi.
* Thanka: Cuộn tranh vẽ của Tây Tạng, thường vẽ về chủ đề tôn giáo.
“Á?” Noãn Noãn nói, “Em xin lỗi. Không sao chứ?”
“Không sao,” tôi nói, “nếu vừa vặn chọc trúng giữa trán, thì giờ anh đã thành Quan Âm rồi.”
“Đừng nói nhảm,” Noãn Noãn nói.
Tuy miệng nói không sao, nhưng lúc cầm cây hương cúi đầu, cánh tay trái vẫn cứ râm ran một cảm giác nhoi nhói.
Bước vào Vạn Phúc Các, đập vào mắt là pho tượng Phật cao lớn sừng sững – Phật Mại Đạt La.
“Mại Đạt La là tiếng Mông Cổ, tiếng Tạng là Champasak, tiếng Phạn là Di Lặc, tiếng Hán chính là Phật Đương Lại Hạ Sinh,” thầy Lý nói, “cũng chính là Phật Tương lai trong Tung Tam Thế Phật.”
Bức đại Phật Mại Đạt La được đẽo nguyên cây gỗ đàn hương trắng, dưới mặt đất cao 18 mét, trên mặt đất cao 8 mét, tổng cộng cao 26 mét, là bức tượng Phật đẽo bằng gỗ lớn nhất thế giới.
Đầu tượng Phật đội mũ Ngũ Phật, thân khoác áo cà sa vàng, eo buộc thắt lưng ngọc khảm đá quý, tay mang khăn ha-ta lụa vàng; toàn thân tượng thếp vàng, đeo đầy các loại châu báu ngọc ngà như dây tua trang sức, ngọc lam, hổ phách…
Hai mắt Phật lim dim, nhìn thẳng về phía trước, thần thái tuy trang nghiêm nhưng vẫn có nét hiền từ, khiến người ta bất giác trầm trồ thán phục.
Mọi người hỏi tại sao pho tượng Phật này phải lớn đến vậy?
“Trong Kinh Phật nói, ở thế giới tương lai, khi Phật Di Lặc hạ sinh nhân gian, loài người sẽ cao lớn hơn bây giờ, vậy nên Phật Tương lai càng phải cao lớn hơn người bây giờ, vì vậy mới đẽo khắc Phật Tương lai to là vậy.” Thầy Lý giải thích xong, ngừng một lát, rồi nói tiếp:
“Thế giới hỗn loạn như vậy, không tránh khỏi con người kỳ vọng vào Phật Tương lai – Phật Di Lặc có thể sớm hạ sinh cõi Ta Bà, phổ độ chúng sinh. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân vì sao tượng Phật Tương lai lại lớn như vậy.”
“Tôi có một câu muốn hỏi các bạn,” thầy Lý nói, “pho tượng Phật này được chuyển vào Vạn Phúc Các bằng cách nào?”
Mọi người bất giác quay lại nhìn cửa miếu, lập tức sững sờ.
Tượng Phật cao lớn là thế, dù có đặt nằm ngang vác vào, cũng không thể vào nổi bên trong.
“Lương Lương,” Noãn Noãn hỏi, “làm sao có thể đem tượng Phật vào đây được?”
“Đây không phải là chuyện có thể hay không thể,” tôi nói, “mà là chuyện cần thiết hay không cần thiết.”
“Bạn Thái,” thầy Lý chỉ tôi, nói, “Thử phát biểu ý kiến xem sao.”
“Người bình thường thì không cách nào có thể chuyển bức tượng vào trong miếu được, nhưng có lẽ một người thông minh tuyệt đỉnh sẽ nghĩ ra cách. Nhưng nếu như thật sự thông minh tuyệt đỉnh, thì sao có thể không nghĩ tới cách đơn giản nhất là dựng tượng Phật trước rồi mới xây miếu chứ?” tôi nói.
“Các bạn đã hiểu ra chưa?” Thầy Lý cười cười. “Mọi người trong lòng ai cũng định sẵn rằng Vạn Phúc Các có trước, tượng Phật có sau, dù cho có cách thông minh đến đâu, thực ra lại là cách tồi nhất. Trong lòng có giới hạn, thì suy nghĩ sẽ không thể vẹn toàn được.”
Cả bọn bỗng nhiên hiểu ra, nhớ lại tình cảnh vừa nãy vắt óc suy nghĩ, không kìm được bật cười khanh khách.
“Có những lúc hoàn cảnh không tốt, bạn sẽ nghĩ đến việc cải thiện hoàn cảnh để thỏa mãn bản thân, nhưng kết quả thường khiến người ta nhụt chí nản lòng. Sao bạn không thử coi mình như Vạn Phúc Các, coi hoàn cảnh như bức tượng Phật khổng lồ, đem chính mình chuyển động phối hợp với hoàn cảnh bất động?” Thầy Lý nói xong bèn bật cười, hít một hơi dài, rồi tiếp tục:
“Đây là chuyến đi cuối cùng của chúng ta ở Bắc Kinh, nhiệm vụ của tôi đến đây cũng coi như đã hoàn thành. Trong Ung Hòa Cung vẫn còn rất nhiều thứ có thể thăm quan, các bạn có nửa tiếng tự do, sau đó cả đoàn tập trung trước cửa cung.”
Mọi người lần lượt tách ra, tôi và Noãn Noãn đi ngược trở lại, ngoài điện chính ra cũng rẽ vào các điện thờ phụ hai bên.
Noãn Noãn rất hứng thú với bức Thangka, cả đoạn đường đi, em dừng lại khá lâu trước bức tranh ấy.
Đến giờ tập trung, trước khi chuẩn bị lên xe, tôi chạy đi mua một ít hương Tây Tạng.
“Anh muốn khấn Phật hả?” Noãn Noãn hỏi.
“Không. Anh muốn khấn anh,” tôi nói, “Trước khi thi thắp vài nén, sẽ thơm khắp cả người, y như Phật. Làm thế có khi lúc thi, gặp phải câu chưa học không biết chừng trí não lại có thể đột nhiên được khai thông.”
“Lại nói nhảm.” Giọng Noãn Noãn mang chút trách móc. “Thế này thì nguyện ước của anh sao mà thành sự thực được?”
Tôi sững sờ, gần như quên cả lên xe.
Về đến trường, tôi cảm thấy hơi mệt.
Không phải vì kiệt sức, mà vì cảm thấy chuyến đi này vậy là sắp kết thúc, có một cảm giác bất lực trống rỗng.
Mọi người dường như cũng đều chung cảm giác ấy, cả giảng đường hết sức yên tĩnh, hoàn toàn khác với không khí huyên náo mấy ngày trước.
“Tiền đã tiêu sạch rồi,” thầy Lý đùa đùa nói, “tối nay chúng ta tự nặn sủi cảo ăn.”
Mọi người cùng nhào bột, trộn nhân, nặn sủi cảo, luộc bánh, tiếng cười mới dần dần được đánh thức.
Lúc ăn cơm sao có thể thiếu tiết mục góp vui được?
Mọi người thống nhất, về nguyên tắc sẽ chia theo các nhóm, lần lượt đăng đài biểu diễn, nhưng cũng không hạn chế, ai muốn lên cứ lên.
Nhóm đầu tiên lên biểu diễn không biết kiếm đâu ra được một mảnh vải, ngăn giữa bục giảng.
Sinh viên Bắc Kinh đứng bên trái, sinh viên Đài Loan đứng bên phải.
Hai bên đứng cách nhau một tấm vải, nhìn bóng của bên còn lại, dỏng tai lắng nghe.
Bên này có động tĩnh, bên kia lập tức chụm lại thầm thì.
Mới đầu tôi không hiểu họ đang diễn gì. Về sau mới dần dần hiểu ra.
Tôi không khỏi nhớ lại lúc mới đến Bắc Kinh, sinh viên hai bên từ xa lạ đến dần dà thân thiết, thường nghe thấy sinh viên Bắc Kinh mở lời bằng: “Nghe nói bên ấy các cậu….”, nhưng không tránh khỏi úp úp mở mở.
“Nghe nói bên này các cậu…” sinh viên Đài Loan cũng mở lời, nhưng đều mơ mơ hồ hồ.
Đôi bên rất muốn thỏa mãn trí tò mò của mình nhưng lại sợ không cẩn thận dẫn đến hiểu lầm.
Hệt như cầm chiếc gậy dài đi thăng bằng trên dây cáp giữa không trung, cẩn trọng từng li từng tí duy trì thăng bằng với cây gậy trong tay, rồi lại thận trọng nhẹ nhàng từng bước từng bước nhích dần về phía trước.
Mức độ thân quen càng tăng dần, dây cáp dưới chân càng rộng dần, cuối cùng trở thành một tấm ván gỗ.
Cây gậy dài liền bị vứt ra xa, bước chân trở nên thuần thục, thậm chí còn bắt đầu nhảy nhót.
Phản ứng đầu tiên khi vừa nghe câu hỏi của đối phương luôn là kinh ngạc, sao có thể có kiểu nhầm lẫn như vậy, đến cuối cùng lại phá lên cười thoải mái, thấy sợ nhầm lẫn của đối phương là một chuyện hết sức thú vị; đồng thời cũng thấy sự nhầm lẫn của mình rất thú vị.
Hóa ra đôi bên đều chẳng hiểu gì nhau, lại cứ nghĩ rằng mình đã hiểu rõ lắm.
“Chúng ta phải giải phóng cho đồng bào Đài Loan” sinh viên Bắc Kinh bên trái đột nhiên nói.
“Tới đi tới đi, đợi lâu lắm rồi đây” sinh viên Đài Loan bên phải đáp lại.
“Đừng nói bừa!” Thầy Trương bên Bắc Kinh ngồi phía dưới rất căng thẳng.
“Mọi người thích đùa thôi, không sao đâu.” Thầy Lý ngược lại còn bật cười.
“Chúng ta phải cứu đồng bào Đại lục đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng” sinh viên Đài Loan nói.
“Này!” Thầy Lý và thầy Ngô bên Đài Loan không chỉ đồng thanh, mà còn gần như cùng lúc đứng bật dậy.
“Sâu quá mất.”
“Nóng quá mất.”
Sinh viên Bắc Kinh hưởng ứng.
Đám sinh viên bên dưới đều cười ồ lên, còn các thầy thì mặt mày xanh lét.
Tấm vải ngăn giữa bục giảng bị tháo xuống, hai nhóm không còn chỉ thấy bóng người bên kia qua tấm vải mỏng, khi nhìn rõ mặt đối phương, biểu hiện đều vô cùng kinh ngạc.
Nhìn nhau một hồi xong, da mặt dần dần giãn ra; thử bắt đầu chuyện trò, rồi dần dần có tiếng cười.
Cuối cùng đôi bên bắt tay, lại còn khẽ ôm nhau.
Sinh viên trên bục giảng cùng cúi đầu chào, bên dưới rộ lên tiếng vỗ tay rào rào.
“Mấy bạn lên diễn đừng bày trò nữa,” thầy Trương vỗ vỗ ngực, “đừng dọa tôi lên cơn đau tim.”
Tiết mục tiếp theo là của hai sinh viên, một người phía Đài Loan, một người phái Bắc Kinh.
“Nhị Bát Đao” sinh viên Bắc Kinh nói.
“Tam Cước Mao” sinh viên Đài Loan nói.
“Đăng đài liền cúi chào,” hai người cùng đồng thanh.
Có lẽ là tấu hài, tôi nghĩ.
“Ở Đài Loan, có một bài đồng dao mà mãi tớ không hiểu, muốn thỉnh giáo cậu.”
“Thỉnh giáo thì không dám. Cùng cậu suy ngẫm chút thôi.”
“Cổng thành cổng thành bánh trứng gà, ba mươi sáu thanh đao. Cưỡi ngựa trắng, cầm thanh đao, bước vào cổng thành liền ngã nhào.”
“Bánh trứng gà là cái gì? Ba mươi sáu thanh đao là cái gì?”
“Không biết, hồi nhỏ hát thế đấy.”
“Cậu hát nhầm rồi. Cổng thành cổng thành bao trượng cao, ba mươi sáu trượng cao. Cưỡi ngựa lớn, cầm thanh đao, bước vào cổng thành vòng một vòng. Thế này mới đúng này.” “Ba mươi sáng trượng là gần một trăm mét, cao gần ba mươi tầng lầu, trên đời có tường thành nào cao đến thế sao?”
“Trẻ con nhỏ người mắt bé, nhìn tường thành thấy vô cùng cao, hợp lô gíc thế còn gì.”
“Hợp lô gíc?”
“Chắc chắn là hợp.”
“Vậy thì thêm một bài nữa?”
“Cậu nói đi.”
“Một hai ba, tới Đài Loan, Đài Loan có núi A Lý. Núi A Lý, có cây thần, năm sau nhất định về Đại lục.”
“Cái này thì tớ chưa nghe bao giờ. Về Đại lục là ý gì?”
“Ý là phản công Đại lục đó.”
Đột nhiên nghe “binh” một tiếng, thầy Chu phía Đài Loan bỗng nhiên đứng dậy, va trúng cạnh bàn.
Thầy Ngô đang ăn sủi cảo cũng sặc luôn, miệng ú a ú ớ, tay chỉ cậu sinh viên Đài Loan trên bục giảng.
“Từ nhỏ đã được chính phủ Quốc Dân Đảng ở Đài Loan truyền bá tư tưởng này hả?”
“Đúng thế, cậu thấy sao?”
“Quả là thấm thuần đấy!”
Thầy Trương phía Bắc Kinh không ngồi yên nổi nữa, đứng bật dậy nói: “Hai em diễn cho tử tế, đừng nói bừa nữa.”
“Các thầy sợ mất hồn rồi, chúng ta đổi chủ đề đi?”
“Được, đổi thì đổi.”
“Nghe nói tiếng Đài Loan các cậu dùng để chửi người là hay nhất.”
“Quả đúng thật. Cảnh giới cao nhất của chửi người là không cần dùng đến những từ bẩn thỉu, trong tiếng Đài Loan dù có là lời tốt đẹp khen ngợi người ta, cũng có thể dùng để chửi được. Ví dụ như, mẹ mày khá đấy. Câu này cũng là để chửi.”
“Mẹ mày khá đấy? Đây cũng là câu chửi?”
“Đúng thế. Tiếng Đài Loan nói là: Má mày khá nha.”
“Mạ may khá nha?”
“Gần đúng rồi đấy.”
Sinh viên Đài Loan phía dưới bị giọng trọ trọe của sinh viên Bắc Kinh trên bục giảng chọc cười ha hả.
“Câu này từ đâu mà có?”
“Sau trận chiến Giáp Ngọ, Đài Loan bị cắt cho Nhật Bản. Người dân Đài Loan dâng thư gửi Quang Tự, trong thư có câu này.”
“Sao lại dùng thế?”
“Hỏi thăm sức khỏe mẹ Quang Tự có khá không?”
“Hả?”
“Chính là thỉnh an Từ Hy ấy.”
Hai cậu cười hi hi, tiếp tục tán hươu tán vượn, đám sinh viên ngồi dưới thỉnh thoảng lại rộ lên cười như sấm.
Khó khắn lắm mới tán xong, các thầy dường như đều thở phào nhẹ nhõm.
“Mình muốn biểu diễn nghệ thuật dân gian,” cậu em khóa dưới tôi bước lên bục giảng nói.
“Rất hay,” thầy Chu, thầy Ngô, thầy Trương cùng đồng thanh. Ngay đến thầy Lý cũng gật gật đầu.
“Mình cần một trợ thủ. Anh!” Cậu ta chỉ tay về phía tôi. “Chính là anh đấy.”
Tôi vừa lên bục giảng, cậu ta bèn đưa tôi một viên kẹo thơm miệng, nói: “Xin hãy xé lớp giấy bọc.” Tôi xé xong, hai ngón tay nhón lấy viên kẹo, cậu ta nói: “Xin hãy giơ cao.” Tôi giơ tay lên cao ngang ngực, cậu ta chùn lưng ngửa cổ ra sau, hai tay chắp sau lưng, rồi chầm chậm xích lại gần tôi, sau đó dùng môi cắp lấy viên kẹo, tôi bèn thả tay.
Đôi môi cậu ta mím chặt, duy trì tư thế chùn lưng ngửa cổ, đi một vòng trên bục giảng.
Cuối cùng cậu ta đưa tay phải móc viên kẹo trong miệng ra, đứng thẳng người, cúi chào một cái: “Cảm ơn mọi người.”
“Cậu đang làm cái gì đấy?” tôi hỏi.
“Đây là kẹo cao su Mũi tên xanh,” cậu ta chỉ vào cái vỏ bao, “vì thế tiết mục mình vừa biểu diễn chính là một tiết mục nghệ thuật dân gian vĩ đại – ‘Nuốt tên’.” Toàn thân tôi cứng đờ, chết lặng tại chỗ.
“Mình còn có thể nhai nát mũi tên nữa kìa.” Cậu ta lại bỏ viên kẹo vào mồm, rồi nhai rau ráu
Khốn kiếp! Tự mình mất mặt chưa đủ, lại còn kéo theo cả tôi cùng mất mặt.
Tôi vươn hai tay tóm lấy cổ cậu ta, nói: “Nuốt vào cho tôi!”
“Bảo vệ…” cậu ta hổn hển gọi, “bảo vệ…”
Tôi mặt đỏ phừng phừng bước xuống dưới, Noãn Noãn cười cười nói: “Tiểu đệ của anh sáng tạo thật đấy.”
Trên bục giảng lại có một nhóm sinh viên đang diễn tích Kỷ Hiểu Lam và Văn Loan.
Còn có một cậu sinh viên lấy bút mực đen viết lên áo: Văn Loan chi mộ, bởi vì cậu ra đóng vai bia mộ.
“Em Văn Loan, anh đến muộn rồi, hãy tha thứ cho anh nhé!” Kỷ Hiểu Lam vừa nói vừa gõ gõ vào “Văn Loan chi mộ”, tỏ ra đau khổ.
Rõ ràng là bi kịch đến tận cùng, mà lại diễn thành kịch siêu hài.
Điểm này giống hệt diễn viên trong phim thần tượng Đài Loan, lúc nào cũng đem bi kịch diễn thành hài kịch.
Từ diễn xuất của sinh viên Bắc Kinh trong nhóm này có thể thấy, phim thần tượng Đại lục có lẽ cũng lành ít dữ nhiều.
Năm cậu con trai quỳ bò trên mặt đất, lưng bằng san sát, chân tay giao nhau, nhìn khá giống một bức tường thành.
Một cô bạn gào khóc: “Phu quân ơi!” thế rồi năm cậu con trai ngã lăn ra đất, tường thành sụp đổ.
Đây chính là tích nàng Mạnh Khương khóc đổ Vạn Lý Trường Thành với hiệu ứng Montage * Còn có một nhóm diễn kịch lão binh Quốc Dân Đảng về quê thăm người thân.
* Montage: dựng phim
“Tôi đã đi được 40 năm rồi, vì sao con mới 38 tuổi?”
“Nó quá nhớ ba, nên quên lớn đấy mà.”
Nhóm chúng tôi cũng thảo luận xem nên biểu diễn gì?
Tôi nói để bốn người thay nhau đóng Phật Mại Đạt La, Noãn Noãn đứng trước Phật cầu nguyện: Xin mau mau hạ sinh nhân gian.
Rồi tôi đóng vai đứa bé vừa chào đời, lại để một người cầm đèn pin rọi vào trán tôi, thế là trên đầu thành có Phật quang.
“Để tớ đóng vai Phật Tương lai hạ sinh nhân gian, là có sức thuyết phục nhất,” tôi nói.
“Im miệng” Noãn Noãn và các thành viên khác nói.
Mọi người trong nhóm bàn tán sôi nổi, trước sau đều chẳng có chủ ý nào chắc chắn.
“Trở lại cái đơn giản nhất cho rồi, cứ hát một bài” Noãn Noãn nói.
“Hát bài gì?” tôi hỏi.
“Đảm bảo mọi người đều biết hát” Noãn Noãn úp úp mở mở.
Đến lượt nhóm chúng tôi lên biểu diễn, Noãn Noãn nói: “Chúng tớ sẽ hát bài “Có lẽ vào mùa đông’.”
“Không được!” đám sinh viên bên dưới nói.
“Sao lại không được?” Noãn Noãn nói.
“Muốn hát cũng nên để tất cả cùng hát!” Nói rồi mọi người bèn xông hết lên bục giảng, còn kéo luôn cả bốn thầy lên theo.
Có người hét 1, 2, 3, hát!
Hơn năm chục cái mồm bèn cùng lúc cất tiếng:
Nhẹ nhàng thôi, anh sẽ rời xa em, xin hãy lau đi giọt lệ nơi khóe mắt
Đêm dài vô tận, mai dài đằng đẵng, em yêu ơi xin chớ khóc vì anh
Con đường phía trước dù quá lạnh lùng, xin hãy mỉm cười chúc phúc cho anh
Dù gió thổi, dù mưa bay, anh vẫn nhớ em trong mưa gió
Tháng ngày không có em, anh sẽ càng thương cảm chính mình
Năm tháng không có anh, em hãy nhớ chăm sóc bản thân
Em hỏi anh khi nào trở lại nơi cũ, anh cũng thì thầm tự hỏi mình
Chẳng thể là lúc này, không biết khi nao, anh nghĩ có lẽ vào mùa đông
Chẳng thể là lúc này, không biết khi nao, anh nghĩ có lẽ vào mùa đông.
Anh nghĩ có lẽ vào mùa đông…
Tiếng hát vừa dứt, tâm trạng mọi người cũng phấn khích hơn, đứng trên bục cười đùa hò reo.
Như thể vừa vào được chung kết World Cup, mà sáng hôm sau lại đấu chung kết luôn, người nào người nấy chí khí cao ngút, nhiệt huyết tăng ngùn ngụt.
Chỉ thiếu mỗi ánh tà dương ngoài cửa sổ nữa thôi.
Dần dần, mọi người nhớ ra đây chẳng phải dạ tiệc mừng công gì, mà là bữa tiệc trước đêm chia tay.
Sáng sớm mai, 8 giờ, sinh viên Đài Loan đã phải lên xe ra sân bay, để bắt chuyến bay lúc hơn 10 giờ.
Tâm trạng thay đổi trong nháy mắt, khi mọi người ý thức được sắp phải xa nhau, tiếng cười nhỏ dần, nụ cười cũng nhạt dần.
Sau đó bắt đầu chụp ảnh chung, lưu lại điện thoại và e-mail.
Có người còn chạy về ký túc xá cầm quà ra tặng nhau, coi như kỷ niệm.
Những món quà chủ yếu nho nhỏ như thẻ điện thoại, bưu thiếp…
Không khí trở nên có phần tế nhị, mang chút bùi ngùi.
Tôi không khỏi nhớ lại thời cấp III từng tham gia hoạt động dạng trại hè.
Buổi tối trước hôm hoạt động kết thúc, thường sẽ đốt lửa trại, mọi người đều vây quanh đống lửa hát bài “Nối vòng tay lớn”.
Không khí lúc đó khiến ai ai cũng rưng rưng, rất ít người có thể bảo toàn được đôi mắt.
Như thể sắp phải chia xa với những bạn bè tốt nhất trong đời, sắp mất đi tình yêu, hận không thể biến thành Từ Chí Ma*, dùng con chữ diễn tả nội tâm dồi dào, tràn đầy cảm xúc của mình.
* Từ Chí Ma: Từ Chí Ma (1897-1931), nhà thơ hiện đại.
Đáng tiếc không có ai là Từ Chí Ma, nên chỉ có thể mặc cho những xót xa trong lòng xâm chiếm toàn bộ cơ thể.
Thế rồi xuống núi được một tuần, nụ cười và gương mặt của những bạn bè trên núi cũng bắt đầu nhạt dần.
Một vài bạn nữa mắt đã đỏ hoe, còn có người khe khẽ lau nước mắt.
Tôi đã sớm qua cái tuổi cầm thanh huỳnh quang lắc trái lắc phải mỗi đêm văn nghệ; cũng tin rằng những xúc cảm ngập tràn chẳng thể chối bỏ chỉ là sản phẩm tạo ra từ không khí ly biệt.
Tôi tự nói với mình, đây sẽ là ký ức đẹp đẽ trong tương lai, nhưng không cần thiết phải đổi bằng nước mắt.
Nhỡ may bất cẩn không khống chế được cảm xúc của mình, tôi nhất định sẽ miệt thị cười mình ấu trĩ.
“Tớ ở Nam Đầu, nếu sau này cậu tới Đài Loan, tớ sẽ dẫn cậu tới đầm Nhật Nguyệt chơi.” Nghe một bạn nữ Đài Loan vừa quệt nước mắt vừa nói, tôi bỗng nhớ ra Noãn Noãn cũng muốn tới thăm Noãn Noãn, đột nhiên cảm thấy cay cay sống mũi.
Định thần lại, tôi lặng lẽ rời khỏi giảng đường.
Tôi đi tới một chỗ gần như đã không còn nghe thấy âm thanh gì từ phía giảng đường, ngẩng đầu lên nhìn bầu trời đêm.
Trời đêm ngày mai sẽ chẳng còn giống thế này nữa rồi, tôi thầm nghĩ.
“Lương Lương.” Tiếng Noãn Noãn vang lên sau lưng.
Tôi quay đầu lại, Noãn Noãn đưa tôi một tờ giấy.
“Anh vẫn chưa viết điện thoại và e-mail cho em đâu đấy” Noãn Noãn nói.
Tôi ngồi xổm xuống, tì giấy lên chân trái, viết điện thoại và e-mail, rồi đứng lên đưa tờ giấy cho em.
“Cả địa chỉ nữa,” Noãn Noãn không nhận lấy tờ giấy, chỉ cười, “có thể em sẽ viết thư.”
Tôi lại ngồi xuống, tờ giấy đổi sang đặt lên chân phải, viết địa chỉ, rồi lại đứng lên đưa cho em.
“Em không phải viết à?” Noãn Noãn hỏi.
“Dĩ nhiên là có rồi.” Tôi sờ khắp túi trên túi dưới, cũng không tìm ra nửa tờ giấy, đành rút trong ví ra một tờ tiền, đưa cho Noãn Noãn.
“Vinh hạnh thật,” Noãn Noãn nói, “có thể viết lên tiền.”
“Làm vậy ví của anh lúc nào cũng sẽ có tiền.”
“Hả?”
“Vì tờ tiền này lúc nào cũng sẽ nằm trong ví anh” tôi nói.
“Nếu anh đổi ví thì sao?”
“Tờ tiền này cũng sẽ chuyển nhà theo.”
“Nếu ví anh bị móc thì sao?”
Tôi vội vàng móc tờ tiền ra, tỉ mỉ ghi nhớ hàng chữ tiếng Anh và chữ số bên trên.
“Đừng lo,” tôi nói, “anh đã thuộc làu làu rồi.”
Gần bên có một chiếc ghế đá, tôi và Noãn Noãn bèn bước đến đó, ngồi xuống cạnh nhau.
“Anh biết vì sao phải hát ‘Có lẽ vào mùa đông’ không?” Noãn Noãn hỏi.
“Anh biết,” tôi nói. “Lúc ở sông Hộ Thành Tử Cấm Thành, em hỏi anh lúc nào mới đưa em tới Noãn Noãn, anh trả lời có lẽ vào mùa đông.”
“Anh nhớ là tốt rồi.” Noãn Noãn cười rất vui vẻ.
“Noãn Noãn,” tôi hỏi, “mắt em vẫn ổn chứ?”
“Mắt em?” Noãn Noãn chớp chớp mắt. “Không sao. Mắt em làm sao cơ?”
“Phải tạm biệt bao nhiên bạn như thế, anh nghĩ chắc em sẽ buồn mà khóc.”
“Chỉ cần còn có thể gặp lại, mọi sự chia ly đều là tạm thời” Noãn Noãn nói.
Thái độ của Noãn Noãn rất ung dung, không nhận ra chút dao động nào.
“Vì sao sẽ còn gặp lại?” tôi hỏi.
“Anh quên rồi à?” Noãn Noãn nói: “Bên bờ Thập Sát Hải, anh từng nói nếu em làm việc ở Bắc Kinh, anh sẽ đến Bắc Kinh tìm em.”
“Anh nhớ lúc đó có gió, vậy nên có thể coi như lời hứa gió bay.”
“Lương Lương, anh…”
Noãn Noãn đột nhiên căng thẳng, mặt đỏ bừng lên, mắt cũng hơi hoe đỏ.
“Anh đùa thôi” tôi vội vàng nói.
“Là lúc nào rồi mà còn đùa nữa?”
“Noãn Noãn, em biết đấy, anh là người cơm có thể không ăn, nhưng đùa thì không thể dừng được.”
“Em không biết. ”
“Luận ngữ nói rồi: Quân tử vô chung thực chi i nhân, tháo thứ tất vu thi, điên bái tất vu thị*. Anh chính là loại quân tử điển hình, lúc vội vàng sẽ đùa, lúc khốn cùng cũng vẫn đùa.”
* Quân tử vô chung thực chi i nhân, tháo thứ tất vu thi, điên bái tất vu thị: Luận ngữ/ Thiên IV: Lý nhân. Nghĩa là: Nhân cũng là đức tính quan trọng của người quân tử, người quân tử không thể xa rời nhân dù trong bất cứ hành vi nào.
“Luận ngữ mà dùng thế à?” Noãn Noãn lườm tôi một cái.
“Bất kể thế nào,” tôi cười gượng, “vừa rồi là đùa thật đấy.”
“Được,” Noãn Noãn nói, “giờ không có gió, anh nói xem, anh có đến Bắc Kinh tìm em không?”
“Lúc không gió anh không dám hứa gì” tôi nói.
“Này!”
“Em xem, anh lại đùa đấy, thời tiết này quả là không gì bằng được.”
“Anh có nói hay không?”
“Em đợi từ từ đã. Anh phải vui chơi trong tiết trời không gì bằng này mấy giây, mới nói được.”
“Rốt cuộc anh có nói không đây?”
“Sao gió vẫn chưa đến nhỉ?”
“Mau nói!”
“Nếu em làm việc ở Bắc Kinh, anh sẽ tới Bắc Kinh tìm em,” tôi nói.
“Lúc nào đến?”
“Vừa hát xong đấy, có lẽ vào mùa đông.”
Noãn Noãn cuối cùng cũng bật cười.
“Vậy nên em mới nói, chỉ cần còn gặp lại, mọi sự chia ly đều là tạm thời” Noãn Noãn nói.
Em nói xong, bèn ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm, dáng vẻ bình yên.
Tôi và Noãn Noãn có lẽ sẽ còn gặp lại nhau, nhưng khoảng thời gian ở giữa ấy sẽ là bao lâu, tôi không biết; tôi chỉ biết ngày mai một khi đã lên xe, khi bóng hình Noãn Noãn dần mất hút cuối tầm mắt, tôi sẽ bắt đầu nhớ em.
Mà cái gọi là ngày mai thực ra chẳng qua chỉ là màn đêm trước mắt chuyển từ tối sang sáng mà thôi.
“Cũng may. Giờ có mạng Internet rồi.” Giọng tôi nghe như tự an ủi chính mình.
“Đúng thế” Noãn Noãn nói.
“Đúng rồi, Đài Loan gọi là đường mạng cơ, em biết không?”
“Đương nhiên là biết” Noãn Noãn dài giọng. “Sao mà cứ toàn nói đâu đâu.”
“Anh sợ em không biết thôi. Không nhỡ anh viết thư cho em trên đường mạng, em lại chạy ra đường cái chờ nhận thư thì sao.”
“Em còn chưa ngốc thế đâu.” Noãn Noãn khẽ hứ một tiếng.
“Có mạng thì thuận tiện hơn nhiều rồi” tôi nói.
“Mạng dùng để liên lạc thông tin thì rất tiện, nhưng dùng để liên lạc tình cảm thì…” Noãn Noãn lắc lắc đầu.
“Sao nói vậy?” tôi hỏi.
“Khoảng cách giữa trái tim nếu xa xôi như thế, dù mạng có nhanh cỡ nào cũng vô dụng” Noãn Noãn nói.
“Noãn Noãn,” tôi nói, “có lúc em nói chuyện mang cả triết lý vào, ngẫu nhiên cũng ra chân lý đấy.”
“Không phải ngẫu nhiên ra chân lý,” Noãn Noãn cười tôi, “mà là tất thuộc chân lý.”
“Nếu như nam nữ trên đời đều có thể đối với nhau chân thành, thuần khiết,” tôi ngẩng đầu nhìn màn đêm, “tới lúc đó mạng Internet có thể ngậm cười mà đứt rồi.”
“Đúng thế” Noãn Noãn nói.
“Sao lần này em không phản bác anh?”
“Vì em cũng nghĩ như vậy mà.” Noãn Noãn bật cười.
“Trước khi mạng Internet còn chưa ngậm cười mà đứt, anh sẽ viết thư cho em” tôi nói.
“Em biết rồi” Noãn Noãn nói.
Sau đó chúng tôi đều im lặng, chỉ đơn giản là cùng ngồi bên nhau.
Tôi bắt đầu nhớ lại từng chút từng chút những kỷ niệm mấy ngày nay, nghĩ mãi nghĩ mãi, bất giác mỉm cười.
“Anh nhớ đến đoạn nào rồi?” Noãn Noãn hỏi.
“Hả?”
“Không phải anh đang nhớ lại mấy hôm nay chúng ta đã làm những gì, nói những gì à?”
“Em biết anh đang nghĩ gì à?”
“Em biết.” Noãn Noãn nở một nụ cười thần bí.
Vừa qua 12 giờ đêm, đúng ra mà nói, hôm nay đã phải rời Bắc Kinh rồi.
Noãn Noãn đứng dậy nói muộn rồi, tôi gật đầu, cũng đứng lên theo.
Mới đi được hai bước, đột nhiên nhận ra đây có lẽ là chút thời gian cuối cùng tôi và Noãn Noãn ở riêng bên nhau.
Tôi muốn nói gì đấy, nói gì cũng được, nhưng lời đến miệng rồi lại vẫn nuốt trở lại.
Thế này không được, trong lòng tôi nhất định có mấy lời chỉ có thể nói bây giờ, không nói về sau sẽ chẳng còn cơ hội nữa.
Tuy tôi từng nói với cậu em khóa dưới, tôi sẽ không nói với Noãn Noãn rằng tôi thích em; nhưng giờ có phần xúc động, muốn vượt ra khỏi cái khung vuông tôi tự vẽ nên trong lòng.
Tôi tự nhận mình có tâm can của một tay đua xe, dòng máu của một tay cờ bạc, nhưng lúc này đây lại chẳng thể duy trì nổi nhịp tim và nhiệt huyết bình thường được nữa.
“Noãn Noãn.” Tôi thu hết dũng khí mở lời: “Em biết đấy.”
Noãn Noãn quay lại nhìn vẻ mặt của tôi, gật đầu nói: “Ừ. Em biết.”
Noãn Noãn, anh cũng biết.
Anh biết em hiểu anh muốn nói điều gì.
“Sớm mai trên đường dài, tiếc tấm lòng lúc này.” Noãn Noãn nói.
Tôi dừng bước.
“Đây là câu thơ của Tiền Chung Thư,” Noãn Noãn lại nói.
Ngày mai đã phải lên đường đi xa, đêm nay cảnh này tình này, tôi có muốn quên cũng không tài nào quên nổi.
“Noãn Noãn,” tôi nói, “Anh hứa.”
“Em biết” Noãn Noãn nói
Chúng tôi nhìn nhau cười, rồi ai về phòng nấy.
Về ký túc xá, tôi định tắm một cái rồi mới sắp xếp hành lý.
Vừa hay gặp đúng cậu em khóa dưới trước cửa nhà tắm, tôi hỏi: “Cậu nói với Vương Khắc chưa?”
“Nói rồi ạ” cậu ta trả lời. “Em tặng cho cô ấy bức thư pháp Tài tử, rồi nói: Tớ là tài tử, cậu có đồng ý làm giai nhân của tớ không?”
“Vương Khắc nói thế nào?”
“Cô ấy chẳng nói gì cả,” cậu ta nói. “Em đợi mười phút, cô ấy nửa chữ cũng chẳng nói, nét mặt cũng chẳng thay đổi gì, thế là em đi luôn.”
“Nghĩ theo chiều hướng tích cực, ít ra cô ấy còn chưa cho cậu một cái tát,” tôi nói.
“Đúng thế,” cậu ta lầm bầm nói, “nghĩ theo hướng tích cực.”
Tắm xong, vừa về phòng ký túc, Từ Trì và Cao Lượng lập tức tặng quà cho tôi.
Từ Trì tặng tôi bốn thanh đánh dấu sách bằng gỗ, bên trên có vẽ cảnh sông núi chim muông; Cao Lượng tặng tôi một bộ ba tấm phiếu Tàng thư.
Tôi vội vàng cảm ơn rồi nhận lấy, nhớ ra mình cũng nên có gì đó đáp lễ, nhưng lại chẳng có gì trong tay.
Đành rút trong ví ra hai tấm thẻ điện thoại, vừa may bên trên có in hình danh thắng ở Đài Loan.
“Đài Loan có hai loại thẻ điện thoại công cộng, hai cậu giữ làm kỷ niệm nhé.” Tôi ngại ngùng nói: “Rất xin lỗi, tôi không chuẩn bị quà gì, bỏ quá cho nhé.”
Từ Trì và Cao Lượng đều cười cười, nói không sao.
Tôi bắt đầu sắp xếp hành lý, đồ đạc tám ngày cũng kha khá.
Cao Lượng cẩn thận nhắc tôi chớ quên mang theo chứng nhận đồng bào Đài Loan và vé máy bay, Từ Trì nói: “Nhắc anh ấy làm gì? Tốt nhất là để anh ấy không đi nổi.”
Tôi sắp xếp xong, kéo dây khóa va ly, đút giấy chứng nhận và vé máy bay vào chiếc ba lô nhỏ mang theo người.
“Ngủ sớm đi, mai còn phải dậy sớm, máy bay không đợi đâu đấy” Cao Lượng nói.
Tôi định nói rồi lại thôi.
“Đừng có bày trò khóc lóc rưng rức, quyến luyến không rời, mau ngủ đi” Từ Trì nói.
Nằm trên gường, những suy nghĩ cứ ùa đến dữ dội, thật khó chìm vào giấc ngủ.
Vừa mới mơ mơ màng màng thì trời đã sáng, đánh răng rửa mặt, rồi đến nhà ăn ăn sáng.
Điều khác với mấy ngày trước đó là, trong nhà ăn im lặng như tờ.
Ăn xong bữa sáng thì quay về ký túc xá, kéo va li, đeo ba lô, xuống cổng trường đợi xe.
Sinh viên Bắc Kinh không cần lên xe cũng có mặt, dường như đều muốn tiễn các bạn Đài Loan trong chặng cuối cuộc hành trình.
Từ xa đã thấy Noãn Noãn chạy lại, em chạy tới bên tôi rồi thở hồng hộc, đưa tay ra nói: “Cho anh.”
Tôi đón lấy, là một món quà nhỏ được bọc kín, rất nặng.
“Chẳng phải cái gì quý giá đâu, anh không chê thì nhận lấy đi” Noãn Noãn
“Đây là?”
“Ba hôm trước mua ở Đại Sách Lan ấy.”
Tôi nhớ lại lúc đó Noãn Noãn đột nhiên bảo tôi đợi em mười phút, hóa ra là để chạy đi mua thứ này.
Tôi rất hối hận mình đã chẳng chuẩn bị quà gì tặng cho Noãn Noãn, trong lúc luống cuống lại rút trong ví ra một tờ tiền.
“Lại là tiền à?” Noãn Noãn nói.
“Cái này cho em.” Tôi đưa tờ 100 Đài tệ màu đỏ cho Noãn Noãn.
“Cho em tiền làm gì?”
“Không không không,” tôi nói, “em đừng coi nó là tiền, em xem trên này có chân dung Tôn Trung Sơn, nếu sau này em nhớ đến Tôn Trung Sơn, thì không cần phải đường xá xa xôi chạy đến lăng mộ Trung Sơn ở Nam Kinh nữa.”
“Được.” Noãn Noãn nhận lấy tờ tiền, bật cười. “Cảm ơn anh.”
Xe đến rồi, phải lên xe thôi.
“Noãn Noãn, em phải sống cho tốt nhé. Đừng học theo Văn Loan” tôi nói.
Noãn Noãn có lẽ đến sức để trừng mắt với tôi cũng không còn nữa, vẻ mặt có chút bất lực.
“Được.” Noãn Noãn mỉm cười. “Em sẽ cố.”
Lên xe, ngắm nhìn kỹ từng khuôn mặt, từng bàn tay đang vẫy qua cửa kính xe. Tôi tin rằng mấy tháng sau, thậm chí mấy năm sau, tôi sẽ vẫn nhớ những nụ cười này.
Từ Trì cũng vẫy vẫy tay, miệng nói: “Đi đi đi đi, đừng quay lại nữa nhé.”
Đúng là tên cả ngốc.
Ánh mắt tôi cuối cùng dừng lại ở Noãn Noãn.
Noãn Noãn chỉ khẽ mỉm cười, không vẫy tay.
Xe nổ máy, bánh xe mới lăn nửa vòng, Noãn Noãn đột nhiên vẫy tay cật lực.
“Lương Lương!” Noãn Noãn hét lớn: “Tạm biệt!”
Khoảnh khắc vẫy tay ấy, Noãn Noãn đột nhiên sống động hẳn lên.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...