Chiếc Lexus chạy theo đường Giải Phóng, tới bến xe Nước Ngầm thì ngoặt sang trái, chạy ra đường cao tốc, bỏ lại sau lưng một đám bụi mù cùng với thành phố có những con đường tấp nập xe cộ và nồng nặc không khí ô nhiễm để đi tìm chút hơi thở trong lành, thoáng đãng và sạch sẽ của biển. Phan vặn lớn Volume để át đi tiếng Việt đang càu nhàu bên cạnh, vẫn là Noctu e cung đô thăng thứ với sự trình diễn của Horowitz. Phan gắt lên:
- Nếu cậu còn lảm nhảm như con mẹ hàng rong thế nữa, tớ sẽ tắt phéng nó đi đấy. Suốt ngày chỉ nghe mỗi cái đĩa này thôi mà không thấy chán à?
- Ừ nhỉ? Vì sao tớ cứ lảm nhảm như đàn bà thế nhỉ? Tớ cũng chả biết được. Tớ chỉ nhớ là tuần trước có một thằng điên đến nhà tớ, khóc lóc, kêu gào ầm ĩ, nằng nặc bắt tớ đi làm cho được. Rồi hôm nay, đùng một cái lại đến hất tung đống sổ sách công việc của tớ đi, lôi tớ sềnh sệch như kéo mũi Bò bắt đi ra biển cho kỳ được. Lạ thật đấy, cậu có biết vì sao tớ lại lảm nhảm thế không?
- Mai là Noel, ông tướng ạ. - Phan nhẹ nhàng giải thích, dù anh không nói thật lý do anh kéo Việt ra biển. Cả hai đang có những chuyện bất ổn, dù là cách này hay cách khác. Vậy nên anh hi vọng chuyến đi này sẽ giúp cả hai xả hết mọi phiền muộn, và tìm lại cân bằng trong cuộc sống - Tụi mình hẹn nhau ra biển vào Noel mà? Không nhớ sao?
- Nói cho tớ biết tụi mình ở đây là gồm những ai nào? Theo tớ biết thì Thảo đang ở quê, còn Hạnh thì... - Giọng của Việt thôi không còn vẻ cằn nhằn bực bội nữa, mà chùng xuống khi nhắc tới Hạnh, giọng nói có sự pha lẫn giữa nuối tiếc và nhung nhớ.
- Cô ấy sẽ ổn thôi, người như cô ấy sẽ luôn được may mắn và hạnh phúc.
- Hay thật, cậu còn học cả nghề thầy bói nữa cơ đấy? Nhân tiện, hỏi giúp tớ ông thần may mắn của cậu địa chỉ của cô ấy với? Cậu biết làm sao ông ấy có địa chỉ của cô ấy không? Sau khi tớ đã làm đủ mọi cách mà cũng không được?
- Ôi! Tớ yêu cái sự vui tính của cậu biết bao? - Phan đáp trả.
Bất chợt, chiếc Lexus nghiêng hẳn sang một bên, lạng mạnh qua trái, suýt nữa lao hẳn lên dãy phân cách giữa đường để tránh chiếc xe khách đi cùng chiều đang đột ngột tấp vào đường để đón khách mà không hề có một tín hiệu xin đường nào báo trước. Việt ném ra phía sau một tiếng hét giận dữ, "Đi đứng thế à? Chúng mày sợ sống như thế là quá thọ rồi hay sao? Hay là chúng mày sợ đã trễ hẹn đi uống Café với Thần Chết? Mẹ kiếp!". Câu chửi khiến Phan dù vẫn chưa hết giật mình hốt hoảng cũng phải mỉm cười vẻ rất thú vị "Cậu dễ thương thật đấy". "Thì bạn cậu mà", Việt cũng không vừa.
Tấm biển xanh thật to với dòng chữ "thành phố Vinh xin kính chào quý khách" báo hiệu cho chiếc Lexus rằng nó đã đi gần đến điểm cuối của cuộc hành trình. Phớt lờ mời lời chào đó, nó kiêu hãnh rẽ sang trái, bon bon trên con đường chạy thẳng ra biển. Phan không chọn con đường mới chỗ núi Cấm ngắn hơn để đi ra biển. Mà anh chọn đường này bởi đây là con đường ngày xưa anh vẫn thường đi ra biển cùng Thảo. Đôi lần, có cả Vũ nữa, khi lúc còn bé, nhà Thảo và nhà Vũ cùng tổ chức đi chơi biển, và anh được cho đi cùng. Nhưng bây giờ, chỉ còn anh và Thảo là có thể đi trên còn đường này nữa mà thôi. Nghĩ tới Vũ, anh không nén được tiếng thở dài.
Hóa ra Cửa Lò mùa đông không vắng khách lắm như Phan vẫn lầm tưởng. Bằng chứng là con đường Bình Minh chạy men theo bãi biển vẫn tấp nập người qua lại. Người Việt Nam nổi tiếng với sự cần cù và sáng tạo, và để minh chứng cho đức tính sáng tạo của mình. Vào ngày Noel, thay vì ở nhà sum họp gia đình như ý nghĩa nguyên bản của nó, thì họ lại kéo hết ra đường để vui chơi hoặc tranh thủ đi du lịch ở đâu đó. Thói quen đó tạo nên một đặc trưng riêng mang phong cách rất Việt Nam cho một ngày lễ xuất phát từ phương tây.
Phan ngăn không cho Việt rẽ vào một khách sạn khá sang trọng trên đường, anh ra hiệu cho Việt đi tiếp. Chiếc xe lướt qua khách sạn Hoa Đồng Tiền, bỏ mặc luôn tấm bảng hiệu quảng cáo đầy vẻ khêu gợi của khách sạn Bưu Điện lại phía sau. Đi tới cuối con đường Bình Minh, thì rẽ trái đi vào con đường đất nhỏ. Khi tới trước một ngôi nhà hai tầng ẩn mình dưới những hàng cây Phi Lao xanh thẫm, bao quanh bằng một hàng rào được trồng bằng Tre ken đặc thì dừng lại. Nhà của anh họ Phan, mùa này vẫn đang để trống, những người họ hàng được nhờ trông nom thi thoảng mới sang quét dọn, chăm sóc. Anh đang đi xuất khẩu lao động, còn chị đang đi làm thuê ở Sài Gòn, lũ trẻ thì đang ở nhà bà Ngoại ngay gần đây. Phan giải thích trong ánh mắt đầy vẻ nghi ngờ của Việt rằng, nếu ra biển chỉ để thuê một khách sạn, ăn hải sản, thuê một cái phao, và ngâm mình dưới biển. Thì tốt hơn hết là anh nên đến một nhà hàng nào đó ở Hà Nội, gọi một đĩa hải sản và yêu cầu một chậu nước muối để ngâm mình. Đã ra tới biển, thì phải thực sự như là sống ở biển.
- Vậy, điều hay ho mà cậu vừa nói, cậu đã đọc trong trang bao nhiêu của cuốn cẩm nang giới thiệu và hướng dẫn du lịch thế?
- Sự nghi ngờ của cậu khiến tớ thấy tội nghiệp cậu, bạn thân mến ạ. Không tin vào người khác là một thứ khuyết tật đáng buồn.
- Thì tớ đang cố đây. - Việt bướng bỉnh, môi anh trề ra còn giọng thì kéo dài, anh nhấn mạnh ở cuối mỗi câu nói. - Nhưng cậu lại là một ông bác sỹ tồi trong lĩnh vực này, trừ phi cậu có thể liệt kê được những điều hay ho sẽ làm cho tớ cảm thấy như là thực sự sống ở biển.
- Sẽ có danh sách cho cậu ngay thôi, nhưng đợi tớ đi sang nhà bà cô tớ để lấy chìa khóa đã. Trong khi chờ đợi, cậu khởi động dần đi là vừa.
- Để làm gì? - Việt hét với theo.
- Để thực sự như là sống ở biển, - Phan cũng hét lên đáp trả - cậu muốn như thế mà? Nhớ không?
Bốn chiếc cần câu dài khoảng 3 - 4 mét, trong đó hai cái có máy quăng, hai cái gắn những chiếc rường câu trông giống con tôm bằng nhựa phản quang được nhuộm các màu sắc khác nhau. Phía dưới rường câu có móc một chùm lưỡi câu trông rất sắc bén. Một chiếc đèn măng sông có tán khá rộng, hai chiếc vợt lớn, hộp mồi câu và một vài thứ dụng cụ lạ mắt khác nữa mà Phan vừa mang về khiến Việt tròn mắt ngạc nhiên không hiểu anh đang làm gì? Phan mặc kệ, không thèm giải thích, anh hất mặt ra phía bãi biển, nơi có hòn đảo Lan Châu nằm im lìm trên sóng như một chú Cóc lớn. Có lẽ cũng vì thế mà dân nơi này còn gọi nó là đảo Cóc.
Phan lẳng lặng kéo tay Việt đi về phía bờ biển. Đang là cuối chiều, ánh mặt trời đang bò dần về phía chân trời và thủy triều đang chơi trò chơi giành đất với bãi cát. Thường thì sau một đợt rét đậm, nhiệt độ sẽ trở nên ấm áp hơn vào những ngày sau. Vậy nên cả hai đã thấy lác đác dăm ba người chỉ mặc áo khoác thu đông mỏng qua lại trên đường.
Trên bờ biển, một chiếc thuyền thúng đang dập dềnh đùa giỡn với sóng nước. Việt nhìn chiếc thuyền tròn vo như một chiếc thúng lớn với vẻ mặt hiện rõ sự háo hức. Nhưng khi Phan bắt đầu đưa tay chèo, khiến chiếc thuyền quay tròn vì lâu lắm anh lại mới điều khiển thứ thuyền này thì Việt la lên oai oái vì chóng mặt và hốt hoảng. Phan hét lên, "Cậu muốn thực sự sống ở biển mà? Hãy cố tận hưởng đi", rồi cười lớn.
Khi đã chèo thuyền cách xa bờ biển khoảng một trăm mét, Phan móc hai chú tôm rảo tằm vào lưỡi câu, rồi quăng một ít mồi xả xuống mặt biển. Anh nhấn một chiếc cần câu vào tay Việt, giảng giải cho Việt cách câu những chú cá Tráp đen trên biển. Anh nói với Việt rằng bí quyết quan trọng nhất là phải kiên nhẫn khi chờ đợi, tinh tế khi cảm nhận những tín hiệu của cá cắn mồi và dứt khoát khi giật cần. Nếu may mắn, biết đâu Việt có thể cậu được vài chú cá Mú, cá Ngát, hay thậm chí là cá Hồng cũng nên. Biết đâu đấy?
- Có loại cá nào khoảng 55 kí lô, mặc bikini khêu gợi và chân dài tới nách không? Thật là điên rồ khi lênh đênh trên biển trong thời tiết này. Đúng là cái đồ hâm, trời không mưa cũng mặc áo mưa.
- Thay vì lảm nhảm những điều vớ vẩn, sao cậu không làm thử đi xem nào? Cậu tưởng du khách nào cũng có được cái may mắn này đấy hả? Người ta thì phải trả tiền, còn cậu thì được miễn phí, còn đòi hỏi gì nữa nào? Khi đêm xuống, nếu may mắn, chúng ta sẽ câu được mực nháy.
- Mực nháy? Là thế nào? Bằng cách nào?
- Tớ có mang bốn chiếc cần, ông bạn ạ. Hai cho câu cá, hai cho câu mực. Cậu biết vì sao người ta gọi là mực nháy không? Là vì những chú mực khi vớt lên vẫn còn trong suốt, trong thân mình có những hạt lân tinh nhấp nháy. Nhưng bây giờ người ta hay gọi là mực nhảy.
- Ra vậy. Đã hiểu. Nhưng cậu hẹn bọn mực của cậu hôm khác được không? Lạnh điên lên được, với lại sóng to quá, đầu tớ quay như chong chóng vì say sóng rồi.
- Yên tâm, tớ cũng chỉ nói là hi vọng có mực thôi, chứ câu mực thường phải mùa hè. Vì thế tớ mới bảo là nếu may mắn mà. Thôi, ngồi yên mà câu cá đi, rồi cậu sẽ cảm ơn tớ.
- Cậu cứ xin chuyển hộ khẩu đến rừng mơ đi nhé. - Việt lẩm bẩm trong khi thả cần xuống biển - điên rồ!
Chiếc thuyền thúng khe khẽ dập dềnh nhảy múa theo từng cơn nhấp nhô của sóng biển. Phan phá lên cười vì vẻ mặt tiếc nuối ngẩn ngơ như một đứa trẻ đánh rơi mất quà của Việt sau mỗi cú giật cần mà chỉ nhận được chiếc lưỡi câu trơ trụi đã bị rỉa hết mất mồi. Hóa ra trò câu cá cuối cùng lại khiến Việt say mê hơn cả Phan, dù Phan mới chính là kẻ sát cá thứ thiệt.
Việt chăm chú ngắm từng nhịp nhấp nhô của phao câu, anh hét lên phấn khích, anh chẹp lưỡi tiếc rẻ. Thậm chí, anh cay cú trước nụ cười đắc thắng của Phan mỗi khi Phan giật thêm được một chú cá nữa. Cuối cùng, khi mặt trời đã bắt đầu ghé thăm những ngọn Phi Lao trên bãi cát, thì Việt cũng có dịp hét toáng lên phấn khích vì lưỡi câu của anh rõ ràng là đã dính một chú cá Tráp đen cực to. Vì, "nó kéo cong hết cần câu của tớ rồi, láo thật, xem tao đây này". Việt hét lên rồi đứng bật dậy trong tiếng can ngăn vội vã của Phan. Nhưng đã quá muộn, chiếc thuyền thúng tròng trành dữ dội khi bị mất cân bằng bởi hành động bột phát của Việt và hất anh ngã nhào xuống mặt nước đang chuyển dần sang màu đen thẫm khiến bọt nước bắn lên cả mặt Phan.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...