Quãng đường hơn 100 km từ Hà Nội tới Hải Phòng được Việt giải quyết chỉ trong hai tiếng chạy xe. Hai bên con đường dẫn vào thành phố, những cây hoa Phượng được trồng thành hàng dài san sát như muốn giải thích cho du khách lý do vì sao Hải Phòng được mệnh danh là thành phố Hoa Phượng Đỏ.
- Em đã từng có bảy năm tuyệt vời trong cuộc đời ở dưới những tán cây này - Hạnh vươn mình ra ngoài cửa sổ xe, bất chấp sự phản đối của Việt - Đó là quãng thời gian học sinh đầy kỷ niệm. Có lẽ anh chưa từng biết cảm giác đạp xe dưới những tán cây, cố gắng tránh những sợi nắng chói chang của mùa hè luồn lách qua được tán lá rất dày của hoa Phượng chiếu xuống đất. Tự hỏi mình xem nắng vàng hay phượng đỏ rực rỡ hơn? Và mơ màng mơ ước khi có một cánh phượng nào đó rơi trên đầu. Bởi mọi nữ sinh của thành phố này đều tin rằng, nếu vô tình có một cánh Phượng Vỹ rơi xuống tóc, hãy mơ ước, và điều ước sẽ thành hiện thực.
- Vậy, anh đoán là em đã mơ một bạch mã hoàng tử?
- Sai rồi, và đừng hòng hi vọng em sẽ chia sẻ ước mơ đó với anh.
- Ôi! Anh không phải là người lạc quan đến thế đâu. - Việt cười phá lên nhưng nín ngay khi nhìn thấy gương mặt vừa chuyển từ sự mơ màng sang lo lắng của cô, anh an ủi - Bọn mình gần đến nơi rồi, em đừng sốt ruột nhé, mình sẽ gặp Mẹ em ngay thôi.
- Không! Em có sốt ruột đâu.
Hạnh nói rằng cô không sốt ruột, nhưng những ngón tay dài của cô đang tố cáo cô khi chúng cứ gõ gõ liên hồi lên đầu gối của cô. Con đường nhỏ dẫn vào Thành phố chạy men theo bờ con sông Cấm đục ngầu phù sa. Dưới lòng sông, từng chiếc tàu vận tải lớn đang im lìm, lập lờ theo từng cơn sóng. Dòng sông chạy thẳng ra cảng biển, nơi là động lực, là nguồn sống và cả sự phồn vinh của thành phố quê hương Hạnh. Chiếc xe quặt ngang, bon bon trên đường Nguyễn Đức Cảnh, men theo bờ hồ Tam Bạc, ngày xưa là một nhánh của con sông Cấm chạy trong lòng thành phố. Phía xa xa, bức tượng nữ tướng Lê Chân sừng sững với một thanh gươm đeo bên hông trông thật uy nghi, án ngữ ngay giữa một công viên với những hàng cây Dừa cảnh cao vút soi bóng xuống mặt hồ hình chữ nhật được kè đá cẩn thận. Việt rẽ vào đường Nhà Thương, chạy giữa những hàng kệ cao ngất ngưởng chất đầy áo quần xuất khẩu bị lỗi được bán với giá chỉ vài ba chục ngàn đồng. Anh tấp xe vào lề đường, chỗ có một biển chỉ dẫn khá lớn, chữ vuông vức và được trát nổi: "Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp".
Việt mở cửa xe cho Hạnh rồi cho cô biết anh đã quyết định sẽ cùng Hạnh ghé vào thăm mẹ cô đã, rồi mới bắt đầu công việc sau, dù sao anh cũng không vội. Nhưng cô đáp lại anh bằng sự phản đối:
- Sếp cứ đi việc của mình đi, công việc là quan trọng. Rồi ghé thăm mẹ em sau cũng được, mẹ em không sao đâu ạ.
- Này! Anh tưởng tụi mình là bạn? Sếp chỉ là để gọi ở công ty, trong công việc. - Việt dịu dàng - Anh thích em coi anh là bạn hơn, được chứ? Hứa đi.
- Vâng! Anh cứ đi cho xong công việc đi, ghé thăm mẹ em sau cũng được, công việc là quan trọng mà anh.
- Bây giờ không còn sớm nữa, với lại đầu tuần, chắc mọi người cũng bận, anh ghé qua đó vào buổi chiều cũng được. Em cho anh số phòng mẹ em nằm, anh đi mua chút quà, rồi anh lên sau.
- Anh quà cáp làm gì? Như thế là khách sáo đấy nhé, tụi mình là bạn, anh nhớ không?
- Chưa từng quên, em yên tâm. Anh là bạn em, nghĩa là con cháu trong nhà, thế anh mới mua quà chứ? Cân cam, quả quýt thôi mà. Em cứ lên với mẹ trước đi.
Việc mua "cân cam, quả quýt" như Việt nói hóa ra không đơn giản chút nào. Mấy bà bán hoa quả thấy một cậu trẻ, ăn mặc lịch sự, lại lớ nga lớ ngớ thì tha hồ mà nói thách, mà đùa giỡn, trêu chọc. Còn Việt thì lạc giữa một mê hồn trận những trái cây đủ màu mà anh chỉ biết đến chúng khi chúng được cắt gọt sạch sẽ và nằm gọn gàng trên đĩa.
Khi Việt tìm được phòng của mẹ Hạnh, thì anh thấy cô đang ngồi đó, bên một bà lão đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Cô đang khóc, những giọt nước mắt âm thầm rơi xuống. Dường như trong cả giờ đồng hồ khi anh đi mua đồ, cô vẫn cứ ngồi như vậy mà ngắm nhìn mẹ mình, không dám đánh thức bà dậy. Trên chiếc bàn cạnh giường, Monitor theo dõi bệnh nhân đang chạy đường nhịp sóng điện tim với những chóp nhọn của đồ thị sóng QRS và chiếc đèn trên đỉnh máy phát ra thứ ánh sáng nhấp nháy màu xanh hòa với tiếng tích tích của nhịp tim cứ vang lên đều đều, vô cảm. Cuối chiếc giường bà cụ đang nằm, là gương mặt một cậu bé, không, thật ra là gương mặt của một chàng trai trẻ. Một gương mặt đặc trưng của bệnh nhân bị bệnh Down, cậu có gương mặt phì nộn, nụ cười ngờ nghệch, và nhất là cặp mắt, cặp mắt xếch với cái nhìn ngớ ngẩn và vô hồn. Cậu đang ngồi trên ghế, mặt úp xuống giường bệnh, tay mân mê một con Robot bằng nhựa mà chắc là Hạnh vừa mua cho. Vừa chơi, vừa vỗ tay cười hềnh hệch, khoái trá, như một đứa trẻ mới lên 7, lên 8. Cậu chẳng thể biết rằng có một người đang đứng ở cửa, nhìn chị cậu khóc thật xót xa.
Việt nhìn Hạnh, rồi lại nhìn bà cụ. Hạnh từng nói mẹ cô chỉ khoảng 55 tuổi, nghĩa là cũng tầm tuổi mẹ anh, ấy vậy mà nhìn người đàn bà này xem. Gương mặt hằn đầy nếp nhăn, khắc khổ, cứ như thể mọi nhọc nhằn của cuộc sống đã chiếm cứ và đặt dấu ấn lên từng nếp nhăn hiện hữu trên đó. Trong mỗi nếp nhăn của bà, anh dám thề rằng bất cứ một nhà văn hiện thực nào cũng đủ tư liệu để có thể viết được một câu chuyện dài cả trăm chương. Những câu chuyện về nỗi cay đắng, cực khổ trong cuộc sống. Và như để tô điểm cho khuôn mặt vốn đầy vẻ khắc khổ và đầy tính hiện thực ấy, là mái tóc lấm tấm bạc, khiến trông bà như đã quá 70.
Việt bước tới bên Hạnh, đặt tay lên vai cô, khẽ gật đầu cảm thông và chia sẻ. Cô nín khóc, ngượng ngùng đưa tay chùi nước mắt và khẽ mỉm cười cảm ơn anh. Cùng với nụ cười đó, dường như mọi khoảng cách vô hình, giữa ông chủ và nhân viên vẫn luôn được Hạnh xây dựng đã biến mất. Giữa họ chỉ còn là tình cảm thân thiết của hai người bạn, những người bạn cảm thông và chia sẻ lẫn nhau.
Trong khi Việt còn chưa kịp tìm được một lời nào để an ủi Hạnh thì bà mẹ tỉnh dậy, gương mặt như dãn ra đôi chút khi nhìn thấy hai người. Bà cố nở nụ cười, nhưng thà bà đừng cười còn hơn, vì khi nhìn thấy bà cười, Hạnh lại bật khóc, khóc nức nở. Tiếng khóc khiến cho cậu em ngơ ngác ngưng trò chơi yêu thích lại, chăm chú nhìn cô rồi cũng bật khóc, khóc ngon lành như thể cậu cũng có điều gì oan ức lắm. Hoặc giả cậu thấy người tốt đã cho cậu đồ chơi đang khóc, và cậu cần thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động tương xứng. Việt khẽ vỗ vai Hạnh, anh bối rối, điểm yếu của anh, dù sao cũng là sợ con gái khóc. Người Mẹ cố gắng run rẩy đưa cánh tay không phải gắn dây truyền dịch lên khẽ vuốt tóc cô:
- Kìa! Sao chị lại khóc, mẹ không sao đâu mà, chỉ chóng mặt chút thôi.
- Con xin lỗi, chỉ là... - Hạnh cố nín khóc, nhưng sự nỗ lực của cô chỉ có tác dụng ngược lại, cô nức nở. - Con xin lỗi.
- Ô hay! Tôi đã làm sao đâu mà chị phải khóc? Chị bận rộn công việc, mẹ có bao giờ trách chị đâu nào? Mà... - Bà ngước lên nhìn Việt - Đây là...
- Cháu là Việt, bạn của Hạnh ạ - Việt đỡ lời - Bác đã thấy đỡ hơn chưa ạ?
- Anh Việt đấy ư? Quý hóa quá, anh về thăm mẹ đấy à? Hạnh cứ kể về anh luôn, - bà dừng lại một chút, tiếp lời - mẹ cũng muốn gặp anh một lần. Đừng cho là mẹ già rồi đâm ra lẩm cẩm nhé, nhưng hai đứa định khi nào thì cho tôi có cháu bế bồng?
- Ô kìa mẹ - Hạnh ngắt lời, bối rối, rõ ràng là mẹ cô nhầm Thái Việt với Hoàng Việt, sự nhầm lẫn khiến cô cảm thấy đau nhói - Đây không...
- Chị còn phấn đấu, còn học hành gì nữa? Bằng tuổi chị, mẹ đã có hai anh trai của chị rồi đấy. - Bà nén tiếng thở dài, ánh mắt già nua nhìn mãi phía xa xăm - Tiếc là cái chất độc của Ba chị đưa về từ chiến tranh, đã không cho tụi nó sống. May mà đến chị thì không sao, vậy mà em của chị...
Bà lại thở dài, nhìn cậu em đang mân mê con Robot, nước mắt ứa ra từ đôi mắt già nua đầy nếp nhăn.
- Mẹ còn hi vọng vào mỗi chị thôi, mà mẹ không sống được bao nhiêu nữa rồi...
- Mẹ... - Hạnh lại thổn thức, mỗi lời nói của mẹ như một mũi dao cứa vào lòng cô.
- Tụi con biết rồi ạ - Việt lại ngắt lời, trong tình huống này, thà cứ để người bệnh phấn chấn tình thần thì tốt hơn. Tinh thần thoải mái, vui vẻ cũng là phương thuốc tuyệt vời. Bà cụ đang bệnh, nếu biết chuyện của Hạnh với Hoàng Việt, chắc chắn chẳc ích lợi gì, lại thêm suy nghĩ, chỉ làm cho bệnh nặng hơn - Tụi con sẽ cố, mẹ cứ yên tâm nghỉ ngơi đi.
- Anh...
Hạnh nhìn Việt, đôi mắt mở to, bối rối. Không phải cô không hiểu ý của Việt, nhưng rõ ràng việc anh làm khiến cô cảm thấy khó xử. Việt chỉ nhìn cô, cười nhẹ và nháy mắt đẩy ẩn ý, bàn tay anh lại đặt trên vai cô, bóp nhẹ.
- Thưa mẹ, con có một phòng khám khá lớn ở thành phố này. Con xin phép mời mẹ qua bên con điều trị có được không ạ? Dù sao ở đó tụi con có điều kiện để chăm sóc mẹ. Chứ ai lại để mẹ ở đây thế này?
- Không cần đâu, mẹ không sao mà...
- Kìa mẹ, tụi con muốn chăm sóc mẹ tốt hơn mà. Với lại, dù sao Hạnh cũng là bác sỹ, con cũng vậy. Có điều kiện, ai lại để mẹ nằm đây, em nhỉ?
Hạnh mím môi, vẻ lúng túng thấy rõ, cô không biết phải trả lời Việt thế nào, cũng không biết là mình đang vò trong tay tấm Drap giường bệnh.
- Ơ, em nghĩ là... à, vâng! Mẹ nên chuyển sang bên kia, ở đó có điều kiện tốt hơn mà mẹ.
- Thôi thì tùy anh chị, mẹ cũng già rồi, trời cho thế nào thì chịu vậy, chỉ là... em của chị... - Bà lại nhìn đứa út của mình, xót xa - Trông cả vào anh chị đấy...
- Kìa mẹ...
Hạnh lại bật khóc, khóc nức nở, không biết cô khóc vì thương mẹ, thương em, hay vì đau xót cho cả bản thân mình nữa? Có lẽ là cả hai. Việt thở dài, anh ước có ai đó giúp anh hết nỗi sợ nhìn những người mà anh thương yêu khóc. Đổi lại, dù anh có phải trả cả gia tài của mình, hẳn anh sẽ đồng ý mà không hề do dự.
Ngột ngạt vì mùi Cloramine B dùng để sát trùng trong phòng bệnh, Việt bước ra ngoài hành lang, gió thổi khá mạnh, và trời hơi lạnh. Thi thoảng anh vẫn bị cảm giác bất lực gặm nhấm. Những lúc như thế, thường thì anh tìm đến Phan và cả hai kéo nhau ra quán Cafe vỉa hè ở Nguyễn Du, để cho hương hoa Sữa và gió hồ Hale thổi bay đi mọi phiền muộn. Tiếc là giờ này Phan đang ở cách anh cả trăm cây số, và chắc là anh đang làm việc, không thể có mặt ở đây được.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...