Thật lòng, tôi không nghĩ giữa tôi và anh còn có thể ở bên nhau dưới danh nghĩa vợ chồng, cho nên khi anh nói một năm sau ly hôn, tôi không cảm thấy ngạc nhiên, ngược lại, còn rất bình tĩnh đáp:
– Một năm có nhiều quá không?
– Vừa đủ để Hằng Phong tìm được người điều hành mới.
Anh ngẩng đầu nhìn tôi, điềm đạm nói thêm một câu:
– Với cả tôi nghe nói thời gian còn lại của ông cũng chỉ trên dưới một năm.
Tôi với em cố gắng đến lúc đó để ông toại nguyện.
Tôi lặng lẽ mỉm cười, đến lúc này mà anh vẫn nghĩ cho công ty và ông nội tôi, thực sự, tôi không biết phải nói cảm ơn hay xin lỗi anh nữa.
Thêm cả, một năm không quá dài, nhưng tôi sợ ràng buộc anh, làm lỡ dở chuyện tình cảm của anh với người con gái anh yêu, nên đề nghị:
– Vâng.
Em biết rồi.
Thế thì trong một năm này, em có một đề nghị, anh xem có được không?
– Em nói đi.
– Chúng ta sống cùng nhà, trước mặt người khác thì giả vờ diễn một chút.
Còn lại, cuộc sống riêng của anh em sẽ không can thiệp, cuộc sống riêng của em, anh cũng đừng can thiệp.
Đôi bên muốn quen biết ai, ở bên cạnh ai cũng không liên quan gì đến nhau.
Nghe xong câu nói này, ánh mắt anh bất chợt trở nên phức tạp.
Anh nhìn tôi rất lâu, rất lâu, tựa như đang muốn mổ xẻ nội tâm tôi chỉ bằng một cái nhìn sắc bén.
Tôi thì sợ bị anh phát hiện nên đành gượng gạo cười:
– Đằng nào một năm nữa cũng ly hôn, can thiệp nhiều vào cuộc sống riêng của nhau cũng không hay lắm.
Đến lúc lỡ như quen với sự có mặt của nhau rồi thì ly hôn lại mất công hụt hẫng.
Nên em nghĩ làm thế là hợp lý rồi.
– Ừ.
Anh lạnh nhạt dời mắt đi, hờ hững hỏi thêm:
– Ngoài những việc đó ra, em có đề nghị gì nữa không?
Tôi rất muốn hỏi sau này anh định ở đâu, có còn về thăm ông nội nữa không, nhưng không làm sao mở miệng nổi, cuối cùng chỉ nói:
– Em muốn cưới xong vẫn đi làm bình thường.
– Còn gì nữa?
– Hết rồi, chỉ thế thôi.
Anh đặt đũa xuống bàn, rút một tờ khăn giấy lau miệng.
Mặc dù từ nhỏ đến lớn không được ai dạy dỗ phép tắc, nhưng sự từ tốn, điềm đạm và lịch sự của anh như xuất phát từ trong xương, ở anh bao giờ cũng có một phong thái gì đó cao quý hơn hẳn một đứa con gái sinh ra đã gối đầu trong nhung lụa là tôi.
Anh bảo:
– Tôi thì có một vài đề nghị thế này.
– Vâng.
– Thứ nhất, tạm thời bây giờ chúng ta ở đây.
Nhà có rất nhiều phòng, em cứ chọn một phòng em thích nhất rồi dọn đồ vào ở đó.
Tôi với em ngủ riêng.
– Vâng.
– Thứ hai, chuyện một năm sau chúng ta ly hôn, chỉ tôi và em biết.
– Vâng.
– Thứ ba, sau hôm nay mối quan hệ của tôi với em sẽ không thể giống như trước được nữa, nhưng nếu em có khó khăn gì thì cứ nói với tôi.
Dù thế nào, chúng ta cũng vẫn là người nhà.
Tôi cắn một miếng cá, mùi vị rất ngon, nhưng chẳng hiểu sao tôi ăn cứ như bò nhai rơm, không nếm ra được hương vị gì.
Hai chữ “người nhà” đã từng khiến tôi ghét cay ghét đắng, tôi không muốn làm em gái anh, nhưng bây giờ, vẫn có thể làm người nhà của anh có lẽ là một niềm an ủi lớn lao đối với tôi và ông rồi.
Tôi hít sâu một hơi rồi nói:
– Anh này.
– Ừ.
– Những chuyện ông đã làm, em thay mặt ông, …
Còn chưa nói hết câu, anh đã ngắt lời:
– Hôm nay tạm thời đừng nói đến những chuyện không vui.
Ăn cơm đi.
– Vâng.
Tôi nghĩ sau đám cưới chắc hẳn anh cũng rất mệt mỏi, với cả cũng sốc vì chuyện nhận cha mẹ nên cũng không nhắc đến nữa.
Ăn xong, tôi chủ động dọn dẹp bát đĩa, lúc cất đồ đạc, mở tủ ra thấy bên trong có một chiếc khăn thêu hình bướm.
Chồng tôi là người chúa ghét những thứ rườm rà và “bánh bèo” thế này, cho nên chắc hẳn món đồ này vẫn là của chị ấy.
Tôi không muốn đụng đến, chỉ lặng lẽ lấy một chiếc khăn khác lau dọn.
Lúc xong xuôi đi ra lại tình cờ nghe thấy anh đang nói chuyện điện thoại với ai đó, Thành xoay lưng về phía tôi, không rõ nét mặt, nhưng vẫn có thể nghe được ngữ điệu của anh rất dịu dàng:
– Ừ, anh biết rồi.
– …
– Được rồi, cứ ở đó đi.
Anh đến ngay.
Cúp điện thoại xong, quay lại thấy tôi đang đứng ngay sau lưng thì ánh mắt anh sượt qua vẻ ngạc nhiên.
Tuy nhiên, chỉ hai giây sau lại trở về vẻ lạnh lùng như cũ:
– Tôi có việc phải đi ra ngoài, em ở nhà ngủ trước đi.
– Vâng.
Tôi không hỏi đêm tân hôn anh đi đâu, chỉ vào nhà lấy chìa khóa ra đưa cho anh:
– Anh đi cẩn thận.
Thành liếc chìa khóa rồi lại nhìn vẻ mặt bình thản của tôi, trầm mặc vài giây rồi mới hắng giọng:
– Ừ.
Đừng chờ tôi.
– Vâng.
Anh vội nên đi rất nhanh, chẳng kịp tắm rửa đã lấy xe đi rồi.
Đợi sau khi nhà cửa trống không chỉ còn lại mình tôi, tôi mới lấy điện thoại gọi về cho ông nội một cuộc.
Hỏi thăm vài câu xong, ông chần chừ một hồi mới dám nhắc đến anh:
– Thằng Thành có nói gì con không?
– Anh ấy không nói gì cả.
Chỉ bảo giờ cưới nhau rồi, vợ chồng nên ở riêng.
Ông, thời gian này ông chịu khó ở một mình nhé.
Đợi đến khi mọi chuyện lắng xuống, con sẽ bảo anh ấy về thăm ông.
– Trước khi cưới, nó đã nói với ông là sẽ ở riêng rồi.
Ông cứ tưởng hai đứa sẽ ở đây vài tháng rồi mới ra riêng.
Nhưng giờ mọi chuyện đã ra như thế, cứ tạm thời không gặp nhau là tốt nhất.
Đầu dây bên kia có tiếng thở dài rất khẽ:
– Quỳnh Chi, con xin lỗi nó giúp ông.
Nói với nó, cả đời ông có tội với nó.
Ông không mong nó tha thứ, chỉ mong nó hãy phân định rạch ròi giữa người nào có tội, người nào không.
Tôi biết, trước đây ông vì thương bố tôi, sau này vì thương tôi cho nên mới khiến mọi chuyện đi đến bước đường này.
Dù sao tất cả cũng không thay đổi được nữa, tôi có giận, có trách ông cũng chẳng có tác dụng gì.
Thế nên tôi chỉ bảo:
– Ông, đợi khi nào ông gặp anh ấy, ông nói với anh ấy thì tốt hơn.
Bây giờ ông cứ giữ gìn sức khỏe.
Vợ chồng con không ở bên cạnh ông nữa, ông phải tự chăm sóc bản thân đấy.
Đừng suy nghĩ nhiều rồi lại ốm ra.
Ông mà ốm là không chờ được anh ấy đâu.
– Ừ, ừ, ông biết mà.
Ông biết mà.
Giọng ông tôi đã bắt đầu lạc đi, tôi có thể nghe ra vô vàn sự đau lòng và mất mát trong đó:
– Quỳnh Chi, thằng Thành là người tốt.
Ông tin nó sẽ hiểu con không có lỗi.
Nhưng dù sao chuyện này cũng rất sốc đối với nó.
Nên con cứ lựa lời an ủi nó nhé.
Lúc này, nó mới là người cần con nhất.
– Vâng, con biết rồi ạ.
Ông nội, ông ngủ sớm đi.
Thực ra, ông nội tôi không hề biết rằng, giờ phút này, người anh cần ở bên không phải tôi, người an ủi anh cũng không phải tôi.
Đêm tân hôn của chúng tôi anh đã không về nhà, tôi thao thức chờ đợi cho đến tận khi trời mờ sáng mới nghe được tiếng xe anh đi vào gara.
Không có âm thanh mở cửa nhà, cũng không có tiếng bước chân đi lên cầu thang.
Tôi đứng trên ban công nhìn xuống thấy anh đang lặng lẽ ngắm mấy chậu hoa nho nhỏ trong sân, trên tay cầm một điếu thuốc, thỉnh thoảng đưa lên miệng rít một hơi thật dài.
Khói thuốc quanh quẩn quanh khuôn mặt anh, không thể nhìn rõ được biểu cảm, nhưng quen nhau hơn 20 năm, đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy anh hút thuốc.
Như thế cũng đủ hiểu tâm trạng của anh nặng nề thế nào.
Lúc ấy, tự nhiên trong đầu tôi lại xuất hiện một ý nghĩ rất kỳ lạ.
Tôi nghĩ nếu ông bụt hiện lên cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước chúng tôi sớm được ly hôn.
Không ai ràng buộc ai, cũng chẳng ai giày vò ai như bây giờ nữa.
Nhưng thật đáng tiếc chẳng có ông bụt nào cả, mà chúng tôi mới chỉ kết hôn một ngày, vẫn còn 364 ngày nữa chưa thể ly hôn.
Tôi không muốn làm phiền anh nên cứ ở lì trong phòng đến tận 8h sáng mới lững thững xuống nhà.
Lúc này, Thành cũng vừa vào bên trong, khi nhìn thấy tôi, anh cũng chỉ liếc một cái:
– Dậy rồi à?
– Vâng.
Hôm qua mệt, ngủ ngon quá.
Anh về lâu chưa?
– Về được một lúc rồi.
Trên người anh vẫn là bộ đồ mặc hôm qua, với người sạch sẽ như anh, chắc hẳn mặc đồ hai ngày sẽ rất ngứa ngáy.
Tôi biết thế nên bảo:
– À, trong phòng em có sẵn nước nóng đấy.
Anh lên tắm đi.
– Ừ.
Trong lúc anh đi tắm, tôi lục tủ bếp định làm món gì đó ăn sáng.
Nhưng từ nhỏ đến lớn tôi không có mẹ dạy dỗ, ở với ông nội thì có thím giúp việc phụ trách nấu nướng, thành ra cũng chẳng biết nấu món gì.
Cuối cùng, tôi pha hai tô mì ăn cho tiện.
Nhưng tính tôi hậu đậu, lúc bê tô nóng thì bị bỏng.
Tôi vội vàng phi đến vòi nước, xả nước lạnh cho đỡ đau, đang nhăn nhó thì nghe tiếng người nói:
– Sao thế?
– À, em rửa tay.
Tôi làm ra vẻ như không có chuyện gì, cười cười tắt vòi nước rồi đi lại bàn ăn:
– Em có pha mì đấy, đợi tý em bê ra bàn cho.
Hôm nay anh đã đi làm lại chưa?
– Ừ, lát nữa tôi đến công ty.
Nói rồi, bỗng dưng anh xoay người bỏ ra ngoài.
Tôi cứ tưởng anh không thèm ăn đồ tôi nấu, ai ngờ lúc sau khi anh quay trở lại, trên tay đã cầm một hộp xịt bỏng.
Thành kéo tay tôi:
– Xả nước lạnh chỉ có tác dụng làm dịu cảm giác nóng.
Xịt cái này thử xem.
– À…
Bị phát hiện, tôi xấu hổ không dám cãi, chỉ im lặng để anh xịt chai Panthenol vào tay tôi.
Ngày trước, nếu tôi bị đau kiểu gì cũng khóc ầm ỹ ăn vạ anh, nhưng bây giờ suốt cả quá trình tôi đều im lặng.
Thành lật tay tôi mấy vòng, thấy không vấn đề gì mới bảo:
– Được rồi.
Ra ghế ngồi đi.
Tôi bê đồ ăn ra cho.
– Vâng.
Tay trái của tôi đau, cầm thìa không nổi nên tôi chỉ ăn bằng đũa, xì xà xì xụp.
Trước đây vì mẫu người anh thích là phụ nữ hiền thục nên tôi rất thích giả vờ ngoan ngoãn dịu dàng, bây giờ tôi phát hiện ra, mình có nỗ lực đến mấy thì cũng chẳng thể nào làm anh yêu được, cho nên tôi không giả vờ nữa.
Tôi cũng sẽ chẳng buồn đau khi anh không thuộc về tôi.
Thành thấy tôi ăn nhồm nhoàm mới đẩy hộp khăn giấy về phía tôi:
– Ăn từ từ thôi.
– Vâng.
Mì này ngon quá.
Ở siêu thị không có loại này.
Anh mua ở đâu thế?
Anh hơi mất tự nhiên liếc tô mì, sau đó lại nhìn khóe miệng dính đầy dầu mỡ của tôi, khẽ hắng giọng một tiếng:
– Cái này là bạn tôi mua.
– À…
Bỗng dưng tôi lại không thấy mì ngon nữa, ăn thêm vài miếng nữa rồi thôi.
Lúc đứng lên định dọn đồ, nhưng anh đã nhanh tay dọn trước.
Tôi cũng chẳng muốn hành hạ cái tay đau của mình nên đành mặc kệ anh, chỉ quanh quẩn dọn dẹp ở bếp.
Lát sau, rửa bát xong, anh mới đưa cho tôi một tờ giấy.
Tôi liếc thấy đó là vé xem bộ phim mới nhất của Marvel, địa điểm công chiếu là ở Singapore, mới ngạc nhiên hỏi anh:
– Cái gì đây ạ?
– Tôi bận, không đưa em đi tuần trăng mật được.
Em rủ bạn đi cùng cho vui.
– À… không cần đâu.
Thực ra, tôi rất thích xem phim Marvel, nhất là mấy phim bom tấn mới vừa ra rạp.
Việt Nam chưa mua được suất chiếu sớm của bộ phim này nên anh mới cất công tìm mua vé ở tận Singapore cho tôi.
Mỗi tội, trăng mật mà đi với bạn thì đâu có vui vẻ gì, hơn nữa, tôi cũng không có hứng nên đáp:
– Ngày mai em cũng đi làm rồi.
Không đi xem được.
Hay là anh cho người khác vé này đi.
Anh quay đầu lại nhìn tôi, đầu mày hơi nhíu lại:
– Em đi làm sớm thế à?
– Vâng.
Ở công ty nhiều việc lắm.
Với cả em không nói xin nghỉ để làm đám cưới nên sếp chỉ cho nghỉ 3 ngày thôi.
Tôi cố ý nói dối thế để anh không nghi ngờ, may sao Thành cũng chỉ nhìn tôi vài giây rồi nói:
– Bạn bè tôi bận hết rồi.
Vé này em cầm lấy, cho ai thì cho.
– Vâng.
Thế cũng được ạ.
Hôm đó, anh không những đưa cho tôi vé xem phim, mà lúc sau còn lấy từ cốp xe ra một giỏ hoa quả rất to và mấy túi đồ bổ, dặn tôi mang về đưa cho ông nội tôi.
Anh nói bận không đến được, nhưng tôi hiểu bây giờ là thời điểm nhạy cảm, anh không muốn gặp ông vào lúc này nên mới để tôi về một mình.
Dù sao, anh vẫn còn để ý đến chuyện “lại mặt nhà gái” mà mua quà cho ông tôi thế này là quá tốt rồi, tôi không ý kiến gì, chỉ nói:
– Cảm ơn anh.
Tý nữa em sẽ mang về cho ông.
– Quỳnh Chi.
– Dạ.
Anh đóng cốp xe lại, bình thản nói với tôi:
– Không cần tỏ ra khách sáo với tôi.
Cứ bình thường là được rồi.
– À… vâng.
Cuối cùng, anh vẫn đi làm bằng taxi, nhường xe để tôi quay về bên nhà ông nội.
Ông tôi có lẽ cũng ngóng trông hai đứa về lại mặt nên cả sáng cứ quanh quẩn đứng ngoài sân chờ.
Vừa thấy xe tôi đi vào đã vội vàng chạy ra:
– Quỳnh Chi về rồi đấy à?
– Vâng, trời lạnh, sao ông lại đứng ngoài đây.
Ông vào trong nhà đi không gió đấy, ngoài này gió to lắm.
Ông nội tôi không đáp, chỉ ngó nghiêng nhìn vào trong xe, không thấy Thành cùng đến thì ánh mắt lộ ra vẻ thất vọng.
Nhưng ông cũng hiểu nên không hỏi, chỉ gật đầu:
– Vào nhà đi, ông bảo thím Chung nấu mấy món con thích ăn.
– Có sườn chua ngọt không ông?
– Có, có.
Cháu gái ông thích ăn nên lúc nào cũng phải có chứ.
Vào nhà đi con.
Tôi với ông không ai bảo ai, đều không nhắc đến những chuyện vừa xảy ra nữa.
Hôm ấy, tôi ở chơi với ông đến tận buổi chiều thì hai cô của tôi đến.
Bình thường, các bà ấy chẳng mấy khi ngó ngàng đến bố, nhưng lúc nào nghe phong phanh ông lập di chúc hay chia cổ phần là mang quà cáp đến chất đống ở nhà, nói mấy lời nịnh nọt nghe buồn nôn.
Hôm nay cũng vậy, cô cả đi cùng cô út đến, vừa thấy tôi đã nói mát:
– Ôi, cháu gái lấy chồng về lại mặt ông nội đấy à? Sao? Ngày đầu cưới xong cảm giác thế nào hả cháu?
– Cảm ơn các cô đã hỏi thăm.
Cảm giác cưới chồng của cháu thì vẫn bình thường.
Nhưng cháu thấy thay vì hỏi một người khỏe mạnh cưới chồng ra sao thì các cô nên hỏi thăm sức khỏe của ông trước đi.
Ở nhà này, ông mới là người ốm, cần các cô hỏi thăm nhất đấy.
– À thì hỏi thăm ông thì kiểu gì cũng phải hỏi rồi.
Chủ yếu cũng phải hỏi cháu, vì nghe được tin tức hot quá mà.
Cô út nhìn tôi, cười cười đầy ẩn ý:
– Nghe nói chồng cháu nhận bố mẹ rồi à?
Tôi nghĩ chắc hai bà cô này nghe lỏm câu được câu mất, không biết rõ nội dung sự tình nên mới dám nói trước mặt ông nội thế này.
Mà ông nghe xong thì đột nhiên nổi giận đùng đùng, giậm cây gậy gỗ xuống đất, quát to:
– Các chị đến đây để hóng chuyện hay làm gì? Muốn đến thăm nhà thì vào, còn hóng chuyện thì đi về cho tôi.
Hôm nay tôi mệt, không tiếp chuyện nổi các chị.
– Ấy bố, bọn con chỉ quan tâm cái Quỳnh Chi thôi mà.
Nó là cháu gái, cưới chồng thì các cô như bọn con phải lo chứ.
Mà thằng Thành nhận bố mẹ cũng là chuyện tốt mà, bố mẹ Quỳnh Chi mất sớm, giờ nó có thêm bố mẹ chồng cũng coi như được an ủi chứ sao.
– Thôi cảm ơn lòng tốt của các chị.
Nếu các chị có lòng thì tặng quà hồi môn cho cháu các chị đi.
Hôm qua tôi chưa thấy các chị tặng Quỳnh Chi cái gì đâu.
Hai bà cô nghe thế thì chột dạ nhìn nhau, tôi biết thừa tính bọn họ, chỉ thích lấy của người ta chứ không bao giờ nỡ bỏ ra cái gì.
Tôi cũng chẳng muốn nhận thứ gì của hai bà cô này, với cả cũng chẳng muốn ông giận nên bảo:
– Thôi, cưới xong rồi, còn tặng quà gì nữa.
Với cả con có đủ hết rồi, không cần các cô tặng gì đâu.
Hai bà cô nghe xong thì giả lả tươi cười:
– Ấy, sao Quỳnh Chi lại nói thế, phải tặng quà chứ.
Hôm nay hai cô biết con về lại mặt nên mang quà đến đây.
Hôm qua vội quá quên chuẩn bị.
– …
– Mà thằng Thành đâu, không đến cùng con à?
– Anh ấy bận đi làm, không đến được ạ.
– Ôi thế hả? Thôi, thế thì đợi khi nào có cả thằng Thành rồi trao luôn một thể, không đến khi nó lại nghĩ cô cháu mình dấm dúi cho nhau.
Trong lòng tôi thầm cười nhạt, nhưng chẳng muốn đôi co, chỉ quay sang dìu ông ra vườn uống trà Kim Qua Cống.
Ở chơi đến tận khi trời bắt đầu tối, tôi mới lái xe ra về.
Định bụng sẽ vào siêu thị mua ít đồ về nấu cơm, nhưng vừa đi được một đoạn thì nhận được tin nhắn của Thành.
Anh nói buổi tối sẽ về muộn, dặn tôi ăn cơm ở bên ấy với ông.
Tôi cũng chẳng muốn anh phải lo cho mình nên không nói đã về rồi, chỉ ậm ừ qua loa rồi lái xe thẳng về nhà, ăn tạm mấy cái bánh quy rồi leo lên giường đi ngủ.
Tôi có cái bệnh ham ăn ham ngủ, với cả sau tối hôm qua, tôi đã xác định rõ ràng rằng anh có ở cùng nhà cũng sẽ không ngủ chung với tôi, cho nên tôi cũng không chờ đợi nữa.
Nằm ngủ thẳng cẳng đến tận khi chuông báo thức reo mới tỉnh giấc.
Rửa mặt xong xuôi, đến khi xuống nhà thì thấy anh đã chuẩn bị đồ ăn sáng rồi.
Một suất trứng ốp lết và bánh mì nướng phô mai, trên bàn, còn có một cốc sữa nóng và cafe đá.
Vừa thấy tôi mặt mày ngái ngủ đi xuống, anh mới ngẩng lên khỏi màn hình điện thoại:
– Đồ ăn sáng xong rồi, ăn đi rồi đi làm.
Thấy anh không có ý định đứng dậy, tôi mới hỏi:
– Anh không ăn à?
– Không.
Tôi đang giảm cân.
Nói thật, người chồng tôi rất đẹp.
Không phải theo kiểu cơ bắp cuồn cuộn như mấy huấn luyện viên tập gym, mà là điển hình của đàn ông vai rộng eo thon, mặc sơ mi trắng quyến rũ khỏi phải nói.
Hồi còn ở bên nhà ông nội, có mấy lần tôi nhìn trộm anh thay áo, thấy bụng anh có sáu múi gì gì đó, suýt nữa tôi đã xịt máu mũi rồi.
Giờ anh đòi giảm cân, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc tiếc.
Tôi bảo:
– Anh có béo đâu mà giảm cân.
Thành không trả lời, chỉ bảo tôi:
– Dạo này công ty đang chạy nhiều dự án, buổi trưa và tối tôi không ăn cơm ở nhà.
Em về ăn cơm với ông cho tiện.
– Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Tam Đảo hả anh?
– Ừ.
Vừa khánh thành hôm qua, hôm nay bắt đầu khởi công.
– Vâng.
Em biết rồi.
Tôi uống một hớp sữa, rất thành thật nói:
– Công việc bận như thế thì anh không cần giảm cân đâu, ăn nhiều mới có sức.
Với cả người anh đẹp rồi, bụng 6 múi rồi còn gì, giảm cân xấu đi đấy.
– Sao em biết.
Tôi suýt nữa thì sặc, cúi đầu ho lấy ho để.
Sợ bị anh phát hiện ra trước đây mình đã từng nhìn trộm, còn chưa ho xong đã xua tay lia lịa:
– Em đoán.
Thành liếc tôi, hừ lạnh một tiếng:
– Ăn đi.
Ăn uống xong xuôi, lúc chuẩn bị đi làm tôi mới phát hiện ra trong gara đã có thêm một chiếc xe khác.
Bình thường, Thành hay đi Bungati, nhưng hôm qua tôi lái xe này về nhà ông nên có lẽ anh đã đi chiếc Kia Morning kia về.
Anh hỏi tôi:
– Em muốn đi xe nào?
Tất nhiên là tôi chọn ngay chiếc Kia Morning.
Hồi mới về nước, ông nội có bảo tôi về làm việc ở Hằng Phong, nhưng tính tôi ngông nghênh, lại không thích được bao bọc thái quá nên đã chọn đến một công ty tầm trung làm việc.
Để tránh đồng nghiệp soi mói, tôi chỉ đi một chiếc xe 4 chỗ cà tàng đi làm.
Trước lúc đám cưới, ông nội sợ mất mặt nên đã thanh lý luôn chiếc xe này của tôi, giờ không biết tổng giám đốc Hằng Phong vang danh một cõi kiếm được đâu chiếc Kia Morning đời 2018 này.
Anh đưa chìa khóa xe cho tôi, khẽ nói:
– Cái này cho em mượn, làm hỏng phải tự bỏ tiền ra sửa.
– Em biết rồi.
Tôi định nói cảm ơn, nhưng lại sợ anh mắng khách sáo nên chỉ cười hì hì, nhận chìa khóa rồi lên xe phóng đi làm.
Sếp thấy tôi lù lù xuất hiện thì trợn mắt:
– Sao em bảo nghỉ 2 tuần đi mổ ruột thừa cơ mà? Mổ chưa? Sao hôm nay lại đến?
– Bác sĩ chẩn đoán nhầm nên em không phải mổ nữa.
Em chỉ nằm viện hai ngày rồi đi làm thôi.
Mấy hôm nay có tin tức gì hot không sếp?
Sếp tôi còn rất trẻ, lại xì teen như thanh niên nên nhân viên rất quý.
Anh ấy nhìn tôi như đầu đến chân một lượt bằng ánh mắt quái dị, xong mới nói:
– Em chắc chắn là không bị ruột thừa đấy chứ?
– Em chắc chắn mà.
Sếp tôi giao việc, nhưng cả buổi cứ lẩm bẩm hỏi tôi địa chỉ bệnh viện để tránh.
Tất nhiên tôi không dám nói thật, chỉ bảo lúc đó đau quá nên quên mất nhìn tên bệnh viện rồi.
Sếp tôi tra khảo không được, cuối cùng ấm ức ném cho tôi cả một xấp tài liệu dày, nhai xong chừng ấy hồ sơ cũng tốn tận một tuần trời.
Trong một tuần này mối quan hệ của tôi và Thành vẫn chẳng có gì thay đổi.
Tôi đã về muộn, anh còn về muộn hơn, có hôm nửa đêm mới nghe được tiếng xe của anh về nhà, có lúc sáng sớm đã đi, thỉnh thoảng lắm mới có một lần đụng mặt lúc ăn sáng.
Anh luôn có thói quen dậy sớm, dù ngủ muộn đến đâu thì ngày hôm sau cứ đúng 6 giờ sẽ dậy, gấp chăn gối gọn gàng rồi mới ra sân tập thể dục.
Còn tôi, phải hẹn 3 lần đồng hồ mới mắt nhắm mắt mở bò dậy lúc 7h.
Không thèm gấp chăn gối, lề mề trong phòng tắm hơn 20 phút mới đầu bù tóc rối lững thững đi xuống.
Hôm nay chẳng biết động trời gì mà 7 rưỡi rồi mà tôi vẫn thấy anh ở nhà.
Thành thấy tôi thì chỉ ngẩng đầu lên nhìn một cái, còn tôi thì ngượng ngùng lấy tay cào lại mái tóc:
– Hôm nay anh không phải lên Tam Đảo à?
– Hôm nay chủ nhật, lên muộn một tý cũng được.
– À vâng
– Hôm nay em có thời gian không?
– Làm gì hả anh?
Anh hé miệng, định nói gì đó nhưng cùng lúc này điện thoại trên bàn lại đổ chuông.
Tôi theo phản xạ liếc qua màn hình, thấy vẫn một chữ Uyên nhấp nháy trên đó.
Trong lúc anh còn đang chần chừ chưa nhận điện thoại thì tôi nói:
– Sáng nay em phải đến công ty chạy deadline rồi.
Chế.t, muộn giờ rồi, em phải đi luôn đây.
Anh tự ăn sáng rồi đi làm nhé.
Nói xong, tôi chạy bay chạy biến lên phòng, thay quần áo rồi phi ra khỏi nhà.
Nhưng sự thực là hôm nay tôi được nghỉ nên cứ lái xe lang thang ngoài đường, ông nội lại về quê thắp hương nhà thờ tổ, thành ra tôi chẳng biết phải đi đâu.
Lượn lờ đến tận giữa trưa, đoán Thành đã đi làm rồi nên tôi mới vòng về nhà.
Không ngờ vừa mới mở cửa thì thấy một chiếc xe đỗ xịch ngay trước cửa nhà chúng tôi.
Chị chồng và mẹ chồng tôi bước xuống xe, hai người họ lần nào gặp tôi cũng như kiểu nhìn thấy kẻ thù không đội trời chung, không lườm nguýt cũng lạnh nhạt nói:
– Vào nhà đi, tôi muốn nói chuyện với cô.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...