Ba Chị Em Nhà Họ Tống
Nguyên Tác: Nguyễn Vạn Lý
Chương 31: Hai Chị Em, Hai Chiến Tuyến (2)
Nguồn: vietshare
Trái với Khánh Linh, một người bị săn đuổi hăm dọa tứ phía, Mỹ Linh đã trở thành một sức mạnh trong hậu trường chính trị. Người của Tưởng Giới Thạch biết được tính tình hay thay đổi và kiêu hãnh của Mỹ Linh, thường lấy lòng Mỹ Linh bằng những nghi lễ rất long trọng. Ánh hưởng của Mỹ Linh đối với Tưởng trong hai chục năm đầu lên xuống tùy theo lòng trung thành của Tưởng, và sự thành công của bà tạo được sự ủng hộ của ngoại quốc cho chế độ của Tưởng. Mỹ Linh đã viết những bài báo dài đăng trên các tạp chí Mỹ có lợi cho Tưởng.
Hai năm sau ngày cưới, Mỹ Linh nhắc lại lời hứa rửa tội theo đạo Thiên Chúa của Tưởng. Mỹ Linh không còn chờ lâu được nữa. Thân mẫu bà đã 61 tuổi rồi, và sức khoẻ suy kém. Một điều nhiều người ngạc nhiên là bà Tống Giáo Nhân về sau lại đặc biệt quý chàng rể út họ Tưởng nhất. Bà nghĩ rằng thiên mệnh đã đặt vào gia đình nhà họ Tống, vì liên tiếp hai con gái bà, Khánh Linh và Mỹ Linh, đã đạt được địa vị mẫu nghi thiên hạ. Nhà họ Tống có hai người con rể nối tiếp nhau làm tổng thống nước Trung hoa. Bà cho đó là đặc ân của gia đình bà.
Ngày 23- 10- 1930, Tưởng rửa tội tại nhà thờ Tống Charliẹ Quần chúng Trung hoa vô cùng kinh ngạc trước tin này, nhưng người Mỹ thì rất hoan hỉ. Sau tám năm chống đạo Thiên Chúa một cách cực đoan tại Trung hoa, thì bây giờ với sự rửa tội của Tưởng, công việc của các nhà truyền giáo có vẻ thuận lợi rõ rệt. Mục tiêu rửa tội của Tưởng vẫn còn là một bí ẩn, nhưng bà Tống Giáo Nhân thì rất đỗi hài lòng. Năm 1931, bà từ trần trong niềm mãn nguyện.
Những bài báo của Mỹ Linh về những vấn đề quốc sự Trung hoa, sự chiến đấu chống lại những sứ quân phong kiến và cộng sản của Quốc dân đảng, và về những viện mồ côi, đã gây được một ấn tượng tốt về Trung hoa tại ngoại quốc. Một chuyên viên Úc châu, W. H. Donald, được mời trở lại làm cố vấn cho Quốc dân đảng. Donald đã thành thực chỉ trích sự hiểu biết rất giới hạn của Tưởng và Mỹ Linh về Trung hoa. Theo Donald thì Tưởng biết rất ít về đất nước của mình, chưa đi hết các tỉnh. Tưởng có thể giỏi đối phó với các sứ quân và chỉ huy quân đội, nhưng Tưởng không biết dân chúng Trung hoa đang nghĩ gì và muốn gì. Tưởng hoàn toàn tùy thuộc vào những báo cáo của thuộc hạ, và chỉ ngồi trong văn phòng rồi ra mệnh lệnh.
Trong khi đó thì tại biên giới hai tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến, Mao Trạch Đông đang xây dựng một nước cộng hòa sô viết với sự hậu thuẫn của nông dân. Mao thành công lôi cuốn được sự ủng hộ của nông dân, và như vậy Tưởng rất khó mở một cuộc chiến tranh thắng lợi chống lại cộng sản và thống nhất đất nước. Tưởng không có khả năng kêu gọi được sự hưởng ứng của quần chúng. Trái lại Tưởng còn có những hành động rất phản tuyên truyền. Một hôm Tưởng đến một làng hẻo lánh và trông thấy một người dùng lá quốc kỳ quấn ngang lưng. Khi được hỏi tại sao xúc phạm đến quốc kỳ như thế, người đó tự nhận là một đồ tể chuyên nghề giết heo, và cho biết quấn quốc kỳ ngang lưng như vậy là vì quốc kỳ màu đỏ nên máu heo có dính vào cũng không làm hoen ố thêm. Tưởng giận sùi bọt mép, và đòi treo cổ bác đồ tể đó ngay.
Mỹ Linh không có ảnh hưởng gì đối với người Trung hoa. Bà chỉ được người ngoại quốc chú ý. Mỗi khi đi đâu, bà chỉ thường nói chuyện với các nhà truyền giáo, các hội quán phụ nữ. Cuối năm 1933, Mỹ Linh nhất định đòi ra mặt trận tại vùng Giang Tây. Lúc đó lực lượng cộng sản đang chịu những tổn thất to lớn sau những chiến dịch tiêu diệt của Tưởng. Nhưng quân của Tưởng không đủ sức đuổi cộng quân ra khỏi căn cứ địa an toàn của họ. Khi không có sự hiện diện của quan sát viên ngoại quốc, quân đội của Tưởng tàn phá làng mạc, đốt ruộng vườn và xử tử những nông dân nào không chịu bỏ làng ra đi. Khi Mỹ Linh đến thì bà được báo cáo rằng những sự tàn phá đó là do cộng sản gây ra. Mỹ Linh không tiến xa hơn nữa để biết rõ sự thực.
Các chiến dịch cuối cùng của Tưởng do tướng von Seeckt của Đức quốc xã chỉ huy tỏ ra thành công. Hitler rất thích chủ trương của Tưởng chỉ nhằm tiêu diệt cộng sản trong nước hơn là đương đầu với quân xâm lăng Nhật Bản.
Tướng von Seeckt dùng một chiến thuật rất tốn kém khiến Tưởng càng ngày càng phải đòi thêm tiền từ bộ trưởng tài chánh Tống Tử Văn. Hans von Seeckt đã đòi Tưởng phải xây hàng trăm dậm đường xa lộ tiến vào an toàn khu của cộng sản tại Giang Tây, xây những pháo đài, rồi đưa xe tăng tấn công quân cộng sản cùng với sự yểm trợ của pháo binh và không quân. Chiến dịch của Hans von Seeckt gây nạn đói cho dân chúng trong vùng cộng sản. Tưởng tung vào trận đánh 700 ngàn quân để chống lại 150 ngàn quân cộng sản. Kết quả là 60 ngàn quân cộng sản bị tiêu diệt và trên một triệu dân chúng bị giết hoặc chết đói. Cuối cùng Mao Trạch Đông và hồng quân của khu sô viết Giang Tây phải bỏ căn cứ, làm một cuộc chạy trốn lên vùng núi non hoang giá của Thiểm Tây, lập căn cứ mới và chờ cơ hội phục thù. (Xin đọc cuốn Vạn Lý Trường Chinh, cũng của Nguyễn Vạn Lý.)
Phong Trào Đời Sống Mới và Đạo Quân Áo Xanh
Trong một cuộc họp với các nhà truyền giáo, Mỹ Linh biết chính phủ Nam Kinh muốn có được sự ủng hộ tài chánh của tây phương thì Tưởng cần phải đưa ra những chương trình xã hội. Mỹ Linh lập tức nắm lấy cơ hội này và thành lập Phong Trào Đời Sống Mới. Mỹ Linh bắt đầu bằng bốn đức tính của người Trung hoa: Lịch sự - phụng sự - lương thiện - danh dự. Mỹ Linh thay đổi những đức tính này cho giống với quan niệm của giới trung lưu tại Hoa kỳ. Phong Trào Đời Sống Mới của Mỹ Linh rất giống với nguyên tắc sống lịch sự của người Mỹ, và dùng những khẩu hiệu kêu gọi người Trung hoa theo một nếp sống mới. Những khẩu hiệu này gồm có: Đừng khạc nhổ, An toàn trước đã, Coi chừng bước chân, Giữ tay mặt, Sắp hàng tại đây, Không khí mát và ánh nắng mặt trời, Đánh răng, Uống sinh tố, Yêu quý láng giềng, Tiết kiệm...
Nhiều người Trung hoa đã là nạn nhân của Phong Trào Đời Sống Mới. Từng nhóm hướng đạo sinh mang theo những thùng gỗ, đứng canh ngoài đường phố. Khi một người đi ngang qua mà đội nón bèo nhèo, miệng ngậm điếu thuốc lá thì lập tức một hướng đạo sinh chặn người đó lại, bước lên chiếc thùng gỗ, lột nón người đó ra, vuốt cái nón cho thẳng lại và giật điều thuốc từ miệng nạn nhân và liệng xuống rãnh nước. Xong rồi, người hướng đạo sinh kính cẩn chào nạn nhân, và bước xuống khỏi cái thùng gỗ và chờ nạn nhân khác.
Người Trung hoa rất khó chịu với cảnh như vậy, nhưng người ngoại quốc rất tán thưởng. Các viên chức chính phủ nhận biết chiến dịch này sẽ được lòng Tưởng phu nhân nên đều tích cực tham gia. Các tiểu đội cảnh sát đánh đập bất cứ ai dám khạc nhổ nơi công cộng. Khạc nhổ là một thói quen của người Trung hoa, và luật lệ mới của Phong Trào Đời Sống Mới bắt được rất nhiều người vi phạm mỗi ngày. Ngay cả những người không đi ngay ngắn cũng bị chỉ trích. Những người đi ăn nhà hàng mà uống thêm rượu, hoặc gọi quá nhiều món ăn và cho bồi tiền típ là lập tức bị lính lôi ra đường đánh đập, vì không theo khẩu hiệu Tiết Kiệm của bà Tưởng. Nhiều nhà hàng đã phải bán rượu bằng những bình trà để che mắt các hướng đạo sinh đứng canh chừng.
Những thiếu nữ dùng son môi, hoặc mang nón và áo đầm thì bị cảnh sát giữ lại, rồi đóng dấu "Ăn Mặc Kỳ Cục" bằng mực đỏ lên người. Các thợ hớt tóc, uốn tóc cho khách hàng, hoặc bán những bộ đồ tắm hở hang, đều bị sỉ nhục trước đám đông. Các khẩu hiệu của Phong Trào Đời Sống Mới được viết khắp nơi, tận hang cùng ngõ hẻm. Tuy nhiên Phong Trào Đời Sống Mới cũng thực hiện được nhiều việc ích lợi, như vệ sinh công cộng, xây cống và phát triển hệ thống nước máy. Các tục lệ cổ hủ như đốt pháo, đốt vàng mã cho người chết bị cấm chỉ. Mọi người được khuyên phải rửa tay, rửa mặt ba lần một ngày, phải tắm gội ít nhất mỗi tuần một lần, phải rửa và luộc rau trước khi ăn, và không nên hút thuốc lá.
Mỹ Linh cố gắng không hút thuốc lá trước công chúng, cho đúng với những khẩu hiệu của bà trong Phong Trào Đời Sống Mới do chính bà phát động. Nhưng thực ra Mỹ Linh nghiện thuốc lá của Anh và hút liên miên tại nhà riêng, hoặc tại những nơi không ai trông thấy. Tưởng Giới Thạch cũng đứng sau hỗ trợ cho chiến dịch của vợ, kêu gọi nông dân không được khạc nhổ và bắt xe lửa phải chạy đúng giờ. Tưởng muốn quần chúng phải tuân theo kỷ luật, và không ngần ngại dùng hình phạt đánh đập tàn nhẫn những ai vi phạm lời kêu gọi của Phong Trào Đời Sống Mới. Phương châm của Tưởng có ba điều chính: Chủ nghĩa quốc gia, Tuyệt đối tin tưởng vào Lãnh Tụ Tối Cao, và Quân sự hóa quần chúng.
Tưởng rất khâm phục Hitler. Hitler tổ chức đạo quân Áo Nâu thì Tưởng cũng lập đạo quân Áo Xanh. Đạo quân Áo Xanh thoát thai từ tổ chức mật vụ của hai anh em Trần Quả Phu và an ninh quân đội của Thái Lý. Trần Quả Phu thành lập được một hệ thống tình báo bao gồm hầu hết mọi ngành trong chính phủ. Thái Lý được coi là người đáng sợ nhất Trung hoa trong suốt hai mươi năm. Thoạt đầu Thái Lý là một phụ tá của Bố già Đỗ Đại Nhĩ. Sau đó Thái Lý vào học tại trường Hoàng Phố. Thái Lý được giao phó ngành phản gián chống lại Nhật Bản và cộng sản. Bề ngoài Thái Lý trông rất hiền lành, lúc nào cũng mỉm cười. Dưới quyền Thái Lý là một trăm ngàn nhân viên an ninh và hai trăm ngàn dân anh chị Lục Hội.
Hai tổ chức mật vụ của Trần Quả Phu và Thái Lý được đội quân Áo Xanh hỗ trợ. Đội quân Áo Xanh bắt chước đường lối đảng Hắc Long của Nhật. Nhiệm vụ của đội quân Áo Xanh là ám sát chính trị, thủ tiêu những "Kẻ thù của quốc gia." Đội quân Áo Xanh chỉ có khoảng mười ngàn người và do các sĩ quan gốc Lục Hội chỉ huỵ Tất cả đều tham gia nghi lễ trích máu ăn thề.
Phong Trào Đời Sống Mới mà Mỹ Linh rất hãnh diện chỉ là sự tiếp nối của đội quân Áo Xanh, với mục đích kỷ luật hóa Trung hoa cho tham vọng của Tưởng và phe nhóm. Khi mật vụ của Trần Quả Phu tra tấn và thắt cổ Đặng Diễn Đạt thì không phải chỉ một mình Khánh Linh xúc động đau đớn. Nhiều nhà trí thức từng cộng tác với Tưởng, như viện trưởng đại học Bắc Kinh, tự nhận đã lầm đường, đang phục vụ giúp đỡ một con quái vật. Họ liên kết với Khánh Linh, nhưng cuối cùng phần lớn đều bị ám sát hoặc bị ghép vào những tội mà họ không hề phạm, và bị kết án tử hình. Sáu nhà văn trẻ, trong đó có chồng của nhà văn nổi tiếng Đinh Linh, chống lại Tưởng bị đạo quân Áo Xanh bắt được. Sáu người bị bắt phải đào một cái hố rộng. Khi họ đào xong, họ bị những người Áo Xanh trói chân tay, liệng xuống hố và chôn sống.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...