Tôn Mạnh bàn:
- Hay ta dùng lối bao vây, lâu ngày chúng hết lương, ắt phải đầu hàng.
Lê Văn lắc đầu:
- Không ổn rồi. Khi ta bao vây, lương hết, e chúng lấy lương của dân ăn, như vậy dân chết đói trước. Khi chúng thực sự hết lương đầu hàng thì không còn người dân nào nữa.
Hà Thiện-Lãm hỏi Đào Hiển:
- Đào huynh! Huynh có biết nhà nào của dân, nhà nào của bọn Hồng-thiết giáo không?
Đào Hiển chỉ lên bản đồ:
- Biết chứ, đây huynh đệ xem này: Căn nhà nào có dấu khoanh tròn là nhà của Hồng-thiết. Còn căn nhà nào có gạch chéo là nhà của dân.
Thiện-Lãm hỏi Lý-nhân-Nghĩa:
- Ta có thể dùng lối phóng mã-não, hoàng-thạch đốt nhà chúng được không?
- Kể đốt thì đốt được, nhưng khi nhà của chúng cháy, chúng sẽ đuổi dân ra rồi vào nhà dân mà ẩn thân, rút cuộc dân chúng lại khổ.
Lê Văn nói:
- Trước khi tìm được kế đánh vào, ta hãy cho bao vây làng đã, để chậm thì chúng trốn mất. Sau khi bao vây, chúng ta chia người thành năm toán, cứ một toán tấn công, bốn toán nghỉ. Như vậy ta đặt chúng vào thế bị động. Chỉ ba bốn ngày, chúng mệt nhừ, ta nhân đó tấn công, ắt thành công.
Hà Thiện-Lãm ra lệnh:
- Lê Văn, Trần Anh đánh cửa Bắc. Đào Hiển, Tôn Mạnh đánh cửa Nam. Lý Nhân-Nghĩa, Tôn Trọng, quận chúa Trường-Ninh đánh cửa Đông. Tôi với Tôn Quý, Lưu Tường, quận chúa Hồng-Phúc đánh cửa cửa Tây. Công chúa Bình-Dương tiếp ứng các mặt. Mỗi mặt ta chia người làm năm đội, mỗi đội tấn công một ngày.
Chàng nói với các tướng chỉ huy thú :
- Về hổ, báo, voi các em phân chia đều cho bốn cửa. Riêng chim ưng thì dùng để tuần phòng. Thôi, xin các em lên đường cho.
Các thiếu niên dẫn quân bao vây làng Yến-vĩ. Tại cửa Tây, Hà Thiện-Lãm cho đốt ba pháo lệnh rồi tung lên trời. Sau khi ba tiếng pháo nổ, các cửa cùng cho voi đi trước xông vào. Lập tức sau những ụ bằng rơm giáo chúng Hồng-thiết dùng tên bắn ra như mưa. Các quản tượng vội cho voi lui lại, vì sợ chúng bị thương.
Cứ như thế, sau hai giờ quân bên ngoài lại tấn công một lần, khi thì xua voi đi trước, khi thì xua hổ, xua báo đi trước, khi thì dùng pháo thăng thiên, dùng tên bắn hoàng-thạch vào trong. Cuộc công hãm được ba ngày, thì có chim ưng đưa thư của Khai-Quốc vương, truyền:
Cuộc giao chiến giữa quân triều với phản loạn tại Trường-yên rất gay go. Nếu hạ được Yến-vĩ ngay thì hạ, bằng không phải bỏ về tiếp viện Trường-yên.
Thiện-Lãm nhờ Lê Văn đi các cửa mật ra lệnh cho chư tướng chuẩn bị rút quân. Lê Văn đang đi qua hông phía Đông của làng, thì gặp đúng lúc các cửa bắn pháo thăng thiên tấn công. Khi pháo nổ đồng loạt, tiếp theo là tiếng chó tru bên trong. Chàng chú ý thấy dưới chân một lũy tre có bốn năm con chó đang cụp đuôi nằm bên nhau rên rỉ. Một tia sáng loé trong đầu. Chàng trở về cửa Đông gặp Lý Nhân-Nghĩa:
- Lý tướng quân, tôi có cách đánh vào trang Yến-vĩ rồi.
- Thiếu hiệp có cách gì?
- Tôi đi tuần thấy một chỗ có năm, sáu con chó chui ra ngoài lũy tre ẩn núp. Như vậy ắt có lỗ xuyên qua lũy vào trong. Chỉ cần sao ta âm thầm dùng thuốc độc trộn với cơm, ném cho mấy con chó. Chúng ăn vào, chỉ lát sau là lăn ra chết. Bấy giờ ta theo lỗ chó chui dùng dao cắt tre cho thành lỗ lớn, rồi thình lình lùa đoàn hổ, báo vào trong, ta đánh quặt ra chiếm các cổng, mở cửa cho quân vào.
Lý Nhân-Nghiã mừng lắm:
- Trước hết ta thám thính xem đã. Người thám thính võ công phải thực cao mới được.
Lê Văn nói nhỏ với Mỹ-Linh:
- Chị với em hành sự đủ rồi.
Chàng với Mỹ-Linh tới chỗ mấy con chó núp. Lê Văn vận sức ném mươi nắm cơn qua hào vào bụi tre. Quả nhiên mấy con chó xúm vào tranh nhau ăn. Khoảng nhai dập miếng trầu, chúng đều gục xuống không động đậy nữa. Mỹ-Linh, Lê Văn tung mình vượt qua hào. Lê Văn lần theo lỗ chó chui vào. Nhưng chỉ được nửa trượng thì lỗ nhỏ quá, không đi nổi. Chàng rút dao ngắn vận sức cắt tre. Không khó nhọc, chàng chỉ cắt có ba cây, thì chui lọt vào trong. Mỹ-Linh cũng chui theo. Vào trong rồi, hai người thấy đây là một khu vườn trồng toàn cam. Sau khi ghi nhận mọi chi tiết, hai người lại chui ra.
Hai chị em trở về cửa Bắc hội họp cùng chư tướng, trình bầy chi tiết cuộc thám thính.
Lý Nhân-Nghiã nói với Thiện-Lãm:
- Xin châu trưởng cho tiểu tướng mượn kiếm lệnh.
Thiện-Lãm rút kiếm trao cho Lý Nhân-Nghĩa. Lý Nhân-Nghiã cầm kiếm lệnh rồi nói:
- Lê thiếu hiệp đã tìm ra phương pháp đánh làng đêm nay. Bây giờ là giờ Dậu. Chư tướng cho tấn công vào các cửa ráo riết, để địch không có thời giờ tuần tra. Trong khi đó Lưu Tường mang thực nhiều rơm tẩm bùn, cho voi chở đến hông phía Đông, rồi ném xuống lấp hào. Khi hào lấp xong thì cho voi trở về vị trí cũ. Sau đó rút tất cả hổ, báo về cửa Đông. Đến đây thì tôi cho phát năm tiếng pháo, các cửa lại tấn công như vũ bão. Các vị thiếu hiệp Đào Hiển, Lê Văn, cùng công chúa Bình-Dương mỗi vị dẫn theo một trăm võ sĩ đột nhập theo đường đặc biệt vào nhập làng trước, rồi bảo vệ cho châu trưởng Thiện-Lãm, châu phó Lưu Tường xua hổ, báo vào trong. Khi tất cả lọt vào rồi, thì chia lực lượng làm ba. Thiếu hiệp Đào Hiển cùng các võ sĩ đi đốt nhà bọn Hồng-thiết giáo. Trong khi công chúa cùng châu trưởng dẫn đoàn hổ đánh vào phía sau quân giữ cửa Đông. Thiếu hiệp Lê Văn cùng châu phó Lưu Tường xua đoàn báo đánh vào sau lưng đám quân giữ cửa Bắc.
Chàng ngừng lại cho chư tướng theo kịp, rồi tiếp:
- Khi phá vỡ cửa Bắc, thì thiếu hiệp Trần Anh cùng một đội quân giữ cửa chắc, để không cho tàn quân chạy trở ra. Còn toàn quân tiến vào quặt sang cửa Tây. Tại cửa Đông thiếu hiệp Tôn Trọng giữ cửa, để quân chúa Trường-Ninh với tôi đánh quặt sang cửa Nam.
- Còn chư tướng trấn cửa Nam, cửa Tây, hãy dùng tre, gai lấp cửa ra vào, rồi dùng voi, với hổ, báo trấn bên ngoài, cần giữ thực chắc, không cho chúng thoát khỏi làng.
Chàng hỏi Mỹ-Linh:
- Xin công chúa ban chỉ dụ.
- Theo như tin tức, thì đạo rút theo Đặng Trường có Vũ Hào, Thạch Nan-Biện võ công chúng rất cao. Trong khi đó hiện diện tại đây chỉ một tôi với Văn đệ đủ khả năng loại trừ chúng. Vậy nếu cánh quân nào gặp chúng, ta dùng hổ, báo vây lấy, rồi đốt pháo thăng thiên báo cho tôi với Văn đệ biết.
Nàng hỏi Thiện-Lãm:
- Em có ý kiến gì không?
- Chúng ta phải bàn cho rõ, khi bốn cửa bị tràn ngập, phản ứng của chúng sẽ ra sao? Tôi nghĩ, một là chúng bỏ hàng ngũ chạy lẫn vào với dân chúng. Trường hợp này ta phải mất công thanh lọc, e thời gian không quá một ngày. Hai là chúng tập trung lại, phá vòng vây ra ngoài. Trường hợp đó, ta không nên dồn chúng vào đường cùng, cứ để cho chúng chạy, ta sẽ dùng voi đuổi theo. Vả hiện khắp hương đảng đều thù hận chúng, chúng chạy đâu cho thoát?
Trần Anh hỏi Thiện-Lãm:
- Anh Lãm này, anh học binh pháp bao giờ, mà dùng binh hay quá vậy?
Thiện-Lãm ghé miệng vào tai Trần Anh:
- Trên đường đi sứ, Khai-Quốc vương tìm được bộ Dụng binh yếu chỉ, Thuận-Thiên thập hùng thi nhau nghiên cứu, nên ta có kiến thức như đại tướng. Ta sẽ dạy cho em sau. Thôi lên đường.
Chỉ lát sau, các tướng đâu về đó, Lý Nhân-Nghĩa đốt pháo lệnh. Cả bốn cửa cùng xua quân tiến đánh. Lần trước mỗi lần, họ chỉ xung phong lấy lệ, rồi lui ra. Nhưng lần này họ dùng hỏa pháo, tên lửa bắn vào mấy ụ rơm phía trong. Ụ rơm bốc cháy. Đám quân thủ phải liều chết lăn xả vào cứu hỏa.
Trong khi đó, Mỹ-Linh, Lê Văn, Đào Hiển cùng điểm ba đội võ sĩ phái Đông-a, mỗi đội hơn trăm người. Nàng dặn dò họ chi tiết cuộc tấn công, cùng ứng phó khi có biến cố, nhất là mật khẩu trong đêm, vì sợ ngộ nhận với các cánh quân khác. Sau khi ôn, tập rồi, tất cả hướng phiá Đông. Lưu Tường đã lấp xong hào. Hổ, báo để trong cũi, do xe chở tới đang chờ.
Đào Hiển quen đường, chui qua lũy vào trước. Thấy không có gì trở ngại, chàng huýt sáo, Lê Văn chui vào theo. Vừa lúc đó có tiếng quát lớn:
- Ai? Đứng lại!
Một ánh kiếm sáng loáng hướng cổ Đào Hiển. Chàng kinh hãi nhảy lui lại, thì ánh kiếm đuổi theo hướng ngực chàng. Chàng lộn liền hai vòng tránh kiếm, thì kiếm lại lia dưới chân. Chàng vội tung mình lên cao tránh, thì kiếm quang bao trùm hạ bàn. Chàng tự than:
- Mạng ta cùng rồi.
Nhưng chàng đáp xuống an toàn, chưa hết kinh ngạc thì nghe bên cạnh có tiếng vũ khí chạm nhau, chàng nhìn sang: Lê Văn đang đấu kiếm với kẻ tấn công. Trong bóng tối, không biết kẻ đó là ai, nhưng chàng biết kiếm pháp y cao minh khôn lường.
Mỹ-Linh cùng một đội võ sĩ phái Đông-a đã vào trong. Nàng đang đứng lược trận. Biết Mỹ-Linh lòng dạ nhân từ, Lý Nhân-Nghĩa nhắc:
- Công chúa. Xin công chúa kiềm chế tên này, vì kiếm pháp y rất cao minh, e Lê công tử khó hạ y trong vòng vài trăm chiêu. Ta phải thắng gấp, bằng không tụi nó kéo đến thì đội võ sĩ không vào trong nổi. Không thể nhân nhượng, dùng võ đạo với ma đầu Hồng-thiết giáo được.
Mỹ-Linh tỉnh ngộ, nàng rút kiếm ra nói:
- Văn đệ lui lại.
Lê Văn vừa lui, thì kiếm Mỹ-Linh đưa vào ngực người kia. Trong bóng tối y không biết Mỹ-Linh là ai, nhưng y cũng nhận ra nàng là một thiếu nữ. Y khinh thường dùng hai tay kẹp sống kiếm của nàng. Mỹ-Linh không thu, cũng chẳng đổi chiêu, nàng dùng Vô-ngã tướng thiền công. Kẻ kia kẹp được kiếm Mỹ-Linh, y mừng thầm, vận khí bẻ gẫy. Nhưng khí ra đến đâu, bị Vô-ngã tướng thiền công chuyển vào người Mỹ-Linh mất. Thấy sự lạ, y dồn hết chân khí ra, nhưng y dồn ra bao nhiêu, chân khí mất bấy nhiêu. Kinh hãi y định thu chân khí về, mà không được.
Đào Hiển sợ Mỹ-Linh tha cho tên ma đầu này, chàng vung tay túm ngực y liệng xuống đất. Lê Văn điểm vào huyệt Á-môn khiến y không nói được nữa. Chàng lại điểm thêm huyệt Dương-lăng-tuyền, thế là y ngã lăn ra. Bấy giờ nàng mới nhận ra y là Đinh Hiền, đệ nhất kiếm khách của Hồng-thiết giáo. Trước đây trong lần đột nhập vào tổng đàn Hồng-thiết giáo, nàng đã đấu với y, rồi bắt sống y. Sau đại hội Lộc-hà, y được ân xá, và giữ một chức rất cao trong Lạc-long giáo.
Thình lình có tiếng quát, rồi đuốc đốt lên sáng rực. Một giọng nói khàn khàn, trầm trầm:
- Buông vũ khí, bằng không ta ra lệnh nhả tên.
Mỹ-Linh, Lê Văn, Đào Hiển kinh hãi nhìn quanh: Trên nóc nhà, trên cây, hàng ngàn tiễn thủ cung dương, mũi tên chĩa. Một người đứng trên nóc nhà chỉ huy bọn tiễn thủ. Y chính là gã Thạch Nan-Biện. Y nói vọng xuống:
- Đứng sát lại với nhau, buông vũ khí xuống.
Mỹ-Linh, Lê Văn, Đào Hiển đưa mắt nhìn nhau chưa kịp có quyết định gì, thì có tiếng quát lớn:
- Buông tên.
Sau tiếng quát, mọi người nằm rạp sát mặt đất tránh tên. Nhưng không có mũi nào bắn tới, mà đám tiễn thủ trên nóc nhà, trên cây ngã lộn xuống đất. Người nào cũng bị trúng tên ở lưng, ở trán. Lê Văn tinh mắt, chàng nhận ra có một đội tiễn thủ khác, cổ quàng khăn trắng, đã bắn đám tiễn thủ Hồng-thiết giáo. Biết là người nhà, chàng hô lớn:
- Xông vào.
Đào Hiển vọt mình lên trước, Mỹ-Linh, Lê Văn cùng đám đệ tử Đông-a tả xung hữu đột, chỉ trong khoảng nhai dập miếng trầu, đám tiễn thủ Hồng-thiết giáo bị giết hết.
Đào Hiển cùng đội võ sĩ tiến vào giữa làng. Đám này nhanh chóng đánh lửa, châm vào đuốc, đốt những dẫy nhà của đám giáo chúng Hồng-thiết giáo. Mỹ-Linh, Thiện-Lãm xua đội hổ quặt sang cửa Đông. Lê Văn, Lưu Tường xua đội báo xung sang cửa Bắc. Mỹ-Linh nhìn lên nóc nhà, xem ai đã cứu mình, nàng chỉ thấy Thạch Nan-Biện đang đối chưởng với một người, mà từ đầu đến chân trùm kín bằng chiếc áo đen thui. Người này dùng võ công Hoa-sơn.
Tại cửa Đông, Lý Nhân-Nghĩa đang cùng Tôn Trọng, Trường-Ninh tấn công ráo riết, nhưng không lọt vào trong cửa được bởi người trấn tại đây là hai nhà sư trẻ Trí-Nhật, Trí-Nguyệt, con trai của Nguyên-Hạnh, võ công chúng rất cao thâm.
Hai bên đang giao chiến ác liệt, thì phía sau có nhiều tiếng gầm gừ, rồi hàng trăm con cọp xông vào trận. Đám giáo chúng đang chống trả với các đợt tấn công, người người mệt đứt hơi, thì phía sau bị cọp ào đến vồ. Kinh hoảng, họ bỏ hàng ngũ chạy về phía Nam. Tôn Trọng, Trường-Ninh thúc voi tràn vào trước, rồi đánh quặt sang cửa Nam.
Hai nhà sư Trí-Nhật, Trí-Nguyệt quát lên một tiếng xông vào tấn công Mỹ-Linh. Mỹ-Linh nghĩ đến Đỗ Lệ-Thanh, không muốn thẳng tay với hai đứa con của bà, nàng phẩy tay một cái, chưởng cửa Trí-Nhật hướng người Trí-Nguyệt. Trí-Nguyệt kinh lãi thu chiêu về đỡ chưởng của anh. Binh một tiếng, cả hai anh em lui lại đưa mắt nhìn nhau. Trí-Nguyệt hỏi:
- Sư huynh, tại sao sư huynh lại đánh đệ.
Trí-Nhật chỉ Mỹ-Linh:
- Tự... tự con kia dùng tà thuật.
Cả hai anh em cùng nhảy lại xuất chiêu tấn công Mỹ-Linh. Mỹ-Linh cười nhạt, nhảy lùi ra ngoài vòng vây của đội hổ. Anh em Trí-Nhật, Trí-Nguyệt đứng giữa đoàn thú, nhe nanh gầm gừ, miệng đỏ lòm. Trường-Ninh hô lớn:
- Buông vũ khí đầu hàng, bằng không ta cho hổ ăn thịt liền.
Anh em Trí-Nhật, Trí-Nguyệt đưa mắt nhìn: Làng Yến-vĩ biến thành biển lửa. Đám giáo chúng Hồng-thiết đã biến đâu mất. Xa xa tiếng vũ khí chạm nhau chan chát đưa lại. Hai anh em chưa có quyết định gì, thì Mỹ-Linh tung mình vào điểm lên huyệt Kiên-ngung hai người. Hai anh em Trí-Nhật, Trí-Nguyệt ngã lăn xuống đất. Võ sĩ trói lại.
Tại cửa Bắc, Lê Văn, Lưu Tường xua hổ nhanh chóng đánh lui đám đệ tử Hồng-thiết tại đây. Tên tướng chỉ huy tỏ ra có bản lĩnh. Y hô giáo chúng rút lui vào giữa làng. Còn y đi đoạn hậu. Trần Anh thúc voi dẫn đầu đoàn quân đuổi theo, rồi đánh quặt sang cửa Tây.
Lê Văn ngạc nhiên vô cùng, vì tại cửa Tây không thấy một giáo chúng Hồng-thiết nào, cũng không thấy một giáo chúng Lạc-long thuộc quyền của Tôn Quý đâu. Chàng để lại một toán giáo chúng Lạc-long giáo cho Trần Anh trấn tại đây, rồi dẫn số còn lại đánh vào trung ương. Tại trung ương, đuốc đốt sáng rực. Đám giáo chúng Lạc-long cùng đệ tử Đông-a đang vây tròn một đám giáo chúng Hồng-thiết ước hơn nghìn người.
Trong vòng vây, người trùm khăn đen vẫn đấu với tên Thạch Nan-Biện. Lê Văn lại bên Mỹ-Linh. Chàng hỏi:
- Chị thấy trận đấu thế nào?
- Võ công của người trùm khăn dường như là võ công Hoa-sơn bên Trung-nguyên lại pha lẫn với võ công Đông-a, nội công thì cực kỳ phực tạp. Còn tên Thạch Nan-Biện y hoàn toàn xử dụng võ công Hồng-thiết giáo. Bản lĩnh y hơi thấp hơn Đỗ Xích-Thập một chút, nhưng cao hơn Phạm Trạch. Từ nãy đến giờ họ đấu với nhau đã trên một trăm chiêu, mà chưa phân thắng bại. Vậy Văn đệ vào giải quyết chiến trường đi thôi, để lâu e việc cứu Trường-yên gặp khó khăn.
Lê Văn nhún mình tung lên cao rồi nhảy xuống cạnh người trùm khăn đen với Thạch Nan-Biện. Chàng quát lên một tiếng:
- Ngừng đấu !
Rồi chắp hai tay xỉa vào giữa hai người. Ầm một tiếng, hai người bật lui lại. Lê Văn cười ha hả:
- Hai vị tạm ngừng đấu. Tại hạ xin có đôi lời phân giải với hai vị.
Thạch Nan-Biện chỉ người trùm khăn đen:
- Mi phân giải với ta thì cứ việc phân. Còn cái tên kia đã lĩnh của ta trước sau mười chiêu Nhật-Hồ độc chưởng, thì chỉ lát nữa đây y sẽ phải kêu cha gọi mẹ, rồi chết, thì cần gì phân biện !
Người trùm khăn cười khúc khích, rồi xòe hai bàn tay ra. Hai bàn tay y trắng mà nhỏ, thon mà hồng mịn vô cùng, chứng tỏ y không bị trúng độc. Thình lình Thạch Nan-Biện kêu lên tiếng ai rồi nhăn mặt tỏ vẻ đau đớn. Y quát lớn lên:
- Mi là ai? Phải chăng mi là người phái của phái Đông-a, mi đã dùng phản Nhật-Hồ độc chưởng? Tại sao mi không dám chiềng mặt ra?
Y nói đến đây, lại bật lên tiếng ái rồi thét lên lanh lảnh. Y đến trước một người mặt vàng như nghệ run run:
- Sư huynh cứu đệ với.
Mỹ-Linh nói nhỏ với Lê Văn:
- Người trùm khăn kia xử dụng thần công phản Nhật-Hồ độc chưởng bằng nội lực Đông-a, thì tên mặt vàng kia làm sao biết nội công Đông-a mà thu lại để cứu y.
Không ngờ người mặt vàng để tay lên đầu Thạch xoa một cái, Thạch rùng mình, bao nhiêu cái đau đớn biến mất. Lê Văn nhanh mắt, nhận ra y xử dụng võ công Đông-a, đó là chiêu Phong đáo sơn đầu. Y dùng bàn tay hút nội lực trên người Thạch, cứu Thạch.
Thạch Nan-Biện hất hàm cho người trùm khăn đen:
- Chúng ta tái đấu, nên chăng?
Người trùm khăn đen mỉm cười, không trả lời, tay ra chiêu Phong ba hợp bích. Thạch Nan-Biện dường như đã ê càng. Y bước lùi hai bước, rồi rút kiếm đưa vào cổ người kia. Người kia vọt lên không, trong khi lơ lửng trên không y lộn liền ba vòng, tay rút kiếm. Khi y rơi xuống thì đưa kiếm vào ngực Nan-Biện. Nan-Biện kêu lên tiếng ủa đầy vẻ kinh ngạc, vì y nhận ra chiêu kiếm của đối thủ thuộc Hoa-sơn kiếm pháp .
Lê Văn hỏi nhỏ Mỹ-Linh:
- Chị thấy thế nào, liệu người kia có thắng được Nan-Biện không?
Mỹ-Linh lắc đầu:
- Khó quá. Người này dường như còn trẻ, công lực tuy cao, nhưng y đấu với Nan-Biện đã mấy trăm chiêu, thì nguyên khí hao tổn rồi. Nay y dùng kiếm pháp Hoa-sơn là loại kiếm pháp lấy kiếm chiêu khắc địch, lấy mau thắng chậm, khi xử dụng rất hao nội lực; trong khi đó Nan-Biện xử dụng kiếm khí nhiều hơn. Đáng lẽ người kia phải biết lợi dụng điều đó, đánh như mưa sa, như sóng vỗ thắng đối thủ ngay trong năm mươi chiêu đầu mới phải. Đằng này y không biết lợi dụng điều đó. Kìa em nhìn xem...
Quả nhiên kiếm của người kia bắt đầu chậm lại, Nan-Biện lợi dụng tấn công tới tấp. Mỹ-Linh nói nhỏ vào tai Lê Văn:
- Chị muốn giúp người kia một tay. Em có mang tiêu theo không?
Lê Văn hiểu ý bà chị, chàng gật đầu:
- Chị muốn em thổi tiêu, rồi chị dùng Lăng-không truyền ngữ xử dụng Mê-linh kiếm pháp tấn công Nan-Biện chăng?
- Ừ, em thổi tiêu mau.
Giữa lúc hai cao thủ đang đấu kiếm, một chết một sống thì Lê Văn rút ống tiêu ra tấu bản nhạc bình dân Chăn trâu lúc bình minh. Tiếng tiêu của chàng vang đi rất xa, mọi người đều khoan khoái. Riêng Nan-Biện, y nghĩ thầm:
- Tên ôn con này ban nãy xử dụng một chiêu Thiên-vương chưởng, nội lực cực hùng hậu. Không biết tại sao y lại tấu nhạc để làm gì?
Mỹ-Linh chờ cho Lê Văn tấu hết một đoạn, rồi nàng dùng Lăng-không truyền ngữ xử dụng chiêu Hoa lạc phong suy hướng tai Nan-Biện. Bị chiêu kiếm khí trúng tai, Nan-Biện choáng váng rùng mình một cái, đom đóm mắt toé lên. Y bật lui liền ba bước, thì Mỹ-Linh lại xuất chiêu Hoa khai kiến nhật, lần này Nan-Biện suýt ngã, y nhảy liền ba bước. Người kia dường như hiểu Lê Văn tấu nhạc giúp mình, y đánh liền ba chiêu. Đến chiêu thứ tư thì Nan-Biện đang lảo đảo, kiếm trúng ngực y đến xoẹt một tiếng, máu phun ra như vòi nước.
Tên mặt vàng như nghệ xuất chiêu đánh vào ngực người trùm khăn. Người trùm khăn xuất một chiêu trong Hoa-sơn chưởng đỡ. Bùng một tiếng, người trùm khăn đen bật lui liền ba bước, chân lảo đảo. Mỹ-Linh kinh hãi tự hỏi:
- Tên mặt vàng là ai, mà công lực dường như ngang với Đỗ Xích-Thập, Lê Ba vậy kià?
Nàng chưa kịp can thiệp thì có tiếng quát lớn:
- Ngừng tay!
Tiếng quát làm mọi người ù tai, chóng mặt. Rồi một người quần áo nâu từ trên cây gần đó nhảy xuống ngăn giữa tên mặt vàng và người trùm khăn đen, tay phát chiêu chưởng Đông-a. Ai cũng tự hỏi:
- Chưởng phát từ xa như vậy, sao có kết quả mà cũng phát.
Y nghĩ chưa dứt, thì người kia đã phát chiêu Thiên-vương chưởng Thiên-vương trấn thiên. Chiêu sau dồn chiêu trước mạnh đến long trời lở đất. Tên mặt vàng còn đang ngỡ ngàng, thì chưởng đã bao trùm người. Y biết rằng nếu y đỡ chưởng đó thì sẽ nát thây ra mà chết. Y vội lăn tròn người xuống đất bốn vòng liền. Chưởng trúng đất đến ầm một tiếng, lủng thành hố sâu. Người ấy ôm lấy người bịt mặt nhảy lui lại, dầy vẻ thân thiết.
Qua một chiêu, dù phe Hồng-thiết, phe Lạc-long hay đệ tử Đông-a đều tự hỏi:
- Trông dáng người này dường như còn trẻ, mà sao công lực mạnh đến thế này?
Lê Văn nói nhỏ vào tai Mỹ-Linh:
- Người này xử dụng võ công Đông-a, Sài-sơn bằng nội lực Đông-a. Công lực y không thua sư bá Tự-An làm bao, có lẽ ngang với ông kẹ Thông-Mai.
- Có phải Thông-Mai không?
- Không, vì anh Thông-Mai cao hơn người này một chút.
Tên mặt vàng cười khành khạch, hỏi người áo nâu:
- Tên ôn con kia, mi...mi đánh trộm ta mà đắc thế một chiêu. Nào chúng ta hãy đấu với nhau ngàn chiêu.
Người áo nâu cười nhạt, y xuất chiêu Phong đáo sơn đầu của phái Đông-a tấn công tên mặt vàng. Tên mặt vàng cũng xuất chiêu Phong ba hợp bích của phái Đông-a rồi chuyển qua chiêu Thiên-vương kị mã đánh lại. Hai người dùng võ công Đông-a đấu với nhau. Mỹ-Linh hỏi Lê Văn:
- Văn đệ! Văn đệ nghe nhiều, biết rộng, Văn đệ thử đoán xem hai người này là ai? Họ thuộc phái Đông-a hay Sài-sơn?
Lê Văn lắc đầu:
- Chị coi kià, tên mặt vàng xử dụng võ công Đông-a có những chỗ không hoàn toàn đúng. Y lại dùng nội công Hồng-thiết. Còn người áo nâu chuyên dùng nội lực Đông-a rất tinh vi. Nhưng cứ một chiêu Đông-a, một chiêu Sài-sơn.
Đấu được trên trăm hiệp, Lê Văn bảo Lý Nhân-Nghiã:
- Tên mặt vàng sắp chết rồi. Đợi y lạc bại, tướng quân cho bắt hết đám thủ hạ y còn sót, đừng để chúng chạy thoát.
Lý Nhân-Nghĩa lui lại truyền lệnh. Y để ý thấy người trùm khăn đen cũng đang ra lệnh cho đám tiễn thủ của y chuẩn bị tác chiến. Lê Văn tinh mắt, chàng thấy đám người này khoảng hơn nghìn, nhưng dường như họ thuộc nhiều môn phái khác nhau, mỗi môn phái trang phục một loại quần áo riêng, nhưng họ đều trùm khăn đen che kín mặt. Chàng đến bên y người thủ lĩnh chắp tay xá:
- Thiếu hiệp đã trợ giúp anh em tại hạ. Xin thiếu hiệp cho biết đại danh, để anh em tại hạ ghi nhớ công đức.
Người đó lắc đầu tỏ ý không muốn trả lời. Một mùi u hương từ người y bốc ra thơm ngát, Lê Văn cười thầm:
- Thì ra y là thiếu nữ.
Người áo nâu với tên mặt vàng vẫn quay tròn đấu với nhau. Thình lình người áo nâu quát lên một tiếng, y phát chiêu Sài-sơn, rồi chuyển sang Đông-a mạnh kinh người. Tên mặt vàng nghiến răng đỡ. Ầm một tiếng y choáng váng lùi lại. Người áo nâu phát tiếp chiêu Thiên-vương chưởng, rồi chuyển sang chiêu Trùng-dương nộ lãng của phái Đông-a. Tên mặt vàng biết rằng mình đỡ chiêu đó ắt nát thây ra mà chết. Y tung mình nhảy lên cao tránh. Người áo nâu hướng hai tay lên không, một tay phát chỉ, một tay phát chưởng. Chỉ trúng trán tên mặt vàng, bốp một tiếng, óc lẫn máu vọt ra khỏi đầu y. Y đang quay trên không thì chiêu chưởng đã tới, bịch một tiếng, người y gẫy làm đôi, văng đi mỗi nơi một mảnh. Mặt nạ y rơi ra, mọi người bật lên tiếng ái chà vì y chính là Đặng Trường.
Mọi người đang há hốc miệng ra kinh hãi, thì nhóm người bịt mặt đã xông vào đám đệ tử Hồng-thiết giáo, họ ra tay nhanh không thể tưởng tượng được. Cứ mỗi chiêu một tên mất mạng. Lạ một điều họ chỉ giết đám đội trưởng toán trưởng. Còn đám giáo chúng kia thì bình yên.
Người áo nâu nhấp nhô mấy cái, y đã cắt đầu Đặng Trường với Thạch Nan-Biện bỏ vào cái túi đeo trên lưng. Y vẫy tay cùng người trùm khăn đen với đồng bọn phóng mình ra phía cửa Tây, phút chốc biến mất vào đêm tối.
Mỹ-Linh hỏi Đào Hiển:
- Đào sư huynh! Người mặc áo nâu có thể là một trong Thiên-trường ngũ kiệt không? Võ công người này thực tinh diệu, nội công lại cao thâm khôn lường.
Đào Hiển lắc đầu:
- Thưa công chúa người này nhất định không thể là một trong Thiên-trường ngũ kiệt, vì y ta dùng võ công Sài-sơn, Đông-a hỗn hợp.
Mỹ-Linh chợt nhớ lại, có lần Thanh-Mai đã nói với nàng rằng: Phụ thân nàng cùng các sư thúc rất cao ngạo, nên không bao giờ xử dụng võ công phái khác. Mà người này xử dụng đến bốn thứ võ công: Đông-a, Sài-sơn, Cửu-chân, Hoa-sơn, thì không thể là Thiên-trường ngũ kiệt. Nàng hỏi Đào Hiển:
- Trong phái Đông-a còn vị nào võ công cao ngang với Thiên-trường ngũ kiệt không?
Đào Hiển lắc đầu:
- Không. Ngoài Thiên-trường ngũ kiệt ra, chỉ có bẩy đệ tử của đại sư bá. Trong bẩy vị thì đại sư huynh Trần Phụ-Quốc tức Vương Văn, tam sư huynh Trần Trung-Đạo đều đang ở Trung-quốc. Nhị sư huynh Trần Bảo-Dân hiện trấn ở Trường-yên. Tứ sư huynh là đô đốc Đoàn Thông; ngũ sư huynh là Chiêu-thảo sứ Ngô An-Ngữ; lục sư huynh là Trần Thông-Mai, thất sư tỷ là Khai-Quốc vương phi. Xét kỹ ra người này võ công cao muốn hơn đại, nhị, tam sư huynh.
Lê Văn tiếp lời Đào Hiển:
- Cả người áo nâu với người trùm khăn đen đều còn rất trẻ. Người áo nâu là đàn ông vì cơ thể y tiết ra mùi khét khét. Còn người trùm khăn đen là phụ nữ, người bà ta tiết ra u hương thoang thoảng. Có lẽ họ là hai vợ chồng.
Mỹ-Linh bật cười hỏi:
- Tại sao họ không thể là anh em. Tại sao em lại quyết đoán họ là vợ chồng?
Lê Văn chù mỏ ra trêu Mỹ-Linh:
- À, em biết vì em là thầy thuốc. Bất cứ người đàn bà đẹp nào cũng tiết ra hương thơm đặc biệt. Nhưng giữa hương thơm của thiếu nữ với thiếu phụ có chỗ hơi khác.
Lý Nhân-Nghiã cầm mũi tên chìa ra:
- Tên của đội tiễn thủ này có khắc phù hiệu, tiểu tướng chưa hề thấy phù hiệu này bao giờ.
Mỹ-Linh cầm lên xem, thấy chuôi mũi tên khắc hình con chim ưng bay trên đỉnh ngọn núi. Nàng hỏi Lê Văn:
- Văn đệ kiến thức vô biên, Văn đệ có biết phù hiệu này của môn phái, bang hội nào không?
Lê Văn đáp:
- Trong các môn phái, thì phù hiệu phái Đông-a vẽ hình chim ưng. Ngày xưa phái Thiên-sơn cũng lấy hiệu chim ưng đang bay. Còn phù hiệu núi thì có phái Nga-mi, Trường-bạch, Hoa-sơn bên Trung-nguyên. Phù hiệu chim ưng bay trên núi em chưa từng nghe nói bao giờ.
Lý Nhân-Nghĩa ra lệnh thu quân, chàng cùng Thiện-Lãm kiểm điểm lại tù binh, cùng tổn thất bên mình, chàng ngạc nhiên vô cùng, vì số giặc chết chưa tới nghìn. Số bị bắt, cùng đầu hàng khoảng nghìn nữa. Vậy số còn lại ba nghìn nữa chúng đi đâu?
Về phía đệ tử Đông-a, Lạc-long giáo, chỉ có hơn trăm người bị thương. Nhưng về phiá châu Thượng-oai, mười người chết, cùng năm chục bị thương.
Thiện-Lãm nói với Đào Hiển:
- Đây thuộc phạm vi phái Đông-a, xin sư huynh cùng chư huynh đệ kiểm soát lại, bắt hết dư đảng Hồng-thiết giáo. Còn đám tù binh này đệ giải về kinh định đoạt.
Bỗng có tiếng kêu la ầm ĩ ở phiá cửa Tây. Mỹ-Linh, Lê Văn, Nhân-Nghiã cùng chạy ra xem: Trần Anh đang ôm Tôn Quý, Lưu Tường ôm người quản tượng của Quý. Cả hai người thân thể bê bết những máu.
Lê Văn nhấp nhô mấy cái lại bên Trần Anh, chàng đỡ Tôn Qúy để nằm dài xuống bãi cỏ, rồi xem xét. Máu chảy ra ở phiá lưng, rõ ràng y bị kiếm đâm từ phía sau ra phía trước. Chàng vội điểm vào mấy huyệt cầm máu, rồi lấy cao trị thương dán lên. Chàng bắt mạch. Mạch nhảy rất yếu, vì máu ra nhiều quá. Mỹ-Linh hỏi:
- Còn hy vọng gì không?
- Vết thương không trúng tạng phủ, duy mất máu nhiều quá, nếu có nhân sâm, kỷ tử với phục linh thì trị được.
Chàng xem vết thương quản tượng, rồi nói:
- Kiếm đâm trúng dưới nách, xuyên vào tim, y chết lâu rồi.
Mỹ-Linh móc trong bọc ra một hộp thuốc trao cho Lê Văn:
- Hôm ở Biện-kinh, lúc sư tổ của em rời vườn thượng uyển ra đi, có trao cho chị hộp thuốc này. Người bảo rằng để trị bệnh cho những người kiệt sức. Em xem có dùng cho Quý được không?
Lê Văn bóp vỡ viên thuốc ra rồi bỏ vào miệng nếm thử. Chàng gật đầu:
- Thuốc bổ khí đây. Y kinh nói : Khí vi huyết chi sư. Nghiã rằng: Khí là thầy của huyết. Muốn bổ huyết, cần bổ khí đã.
Chàng cậy miệng Tôn Quý ra, rồi bỏ vào ba viên thuốc. Chàng bảo Mỹ-Linh:
- Nội công của chị là Thiền-công. Chị hãy để tay vào huyệt Trung-uyển của Quý rồi dồn chân khí sang cho thuốc chạy khắp các kinh mạch.
Mỹ-Linh xoè tay để vào huyệt Trung-uyển Tôn Quý rồi vận Vô-ngã tướng công truyền vào. Khoảng nhai dập miếng trầu, Tôn Quý rùng mình mở mắt ra. Lê Văn cùng các y sĩ băng bó cho những người bị thương. Chàng nói với Đào Hiển:
- Trong trận chiến vừa qua chúng ta có nhiều người bị thương.
Thương tích không nặng cho lắm, vậy đệ để họ với mấy y sĩ ở lại đây, nhờ đại ca lo liệu dùm. Bọn đệ phải tiếp cứu Trường-yên.
Lê Văn, Hà Thiện-Lãm, Lý Nhân-Nghiã kéo Mỹ-Linh ra chỗ vắng. Mỹ-Linh kinh ngạc hỏi:
- Có truyện gì không?
Thiện-Lãm hỏi:
- Chị không thắc mắc gì tại cửa Tây ư?
- Không.
- Khi thiết kế, Lý tướng quân đã định rằng: Chúng ta tấn công vào cửa Bắc, Đông. Còn cửa Nam thì Tôn Mạnh dùng voi cùng đội Lạc-long giáo trấn không cho giặc chạy ra. Tại cửa Tây, thì Tôn Quý với quận chúa Hồng-Phúc dùng tre rào kín, rồi xử dụng đội thiếu niên Lạc-long trấn phía ngoài. Thế mà khi Lê Văn, Trần Anh đuổi giặc tới đây chẳng thấy một bóng người bên ta, mà cửa lại mở rộng. Ban nãy em quan sát, thì thấy rõ ràng giặc thoát ra bằng cửa này. Em có hỏi đội Lạc-long giáo của Quý tại đây, họ nói rằng quận chúa Hồng-Phúc lệnh cho họ mở cửa tấn công về phía Nam. Em hỏi quận chúa thì quận chúa mắng em là tên mọi rợ ở rừng không có tư cách gì hỏi người.
Mỹ-Linh nắm tay Thiện-Lãm;
- Chị xin lỗi em về vụ Hồng-phúc.
Mỹ-Linh hỏi Lê Văn:
- Văn đệ nghĩ sao?
Lê Văn cười nhạt:
- Chúng ta thiết kế chui qua lũy tre, trời không biết, thần không hy, tại sao bọn Hồng-thiết giáo biết trước mà phục cung nỏ tại đây?
Mỹ-Linh gọi Hồng-Phúc lại, nàng hỏi:
- Em với Tôn Quý trấn tại cửa Tây. Lệnh ban ra rằng phải dùng tre lấp cửa, rồi cho voi, hổ, cùng đội Lạc-long giáo giữ chắc đừng để giặc thoát ra. Tại sao nay cửa lại mở, để giặc rút về phía này? Em với Quý ngồi cùng voi, thế Quý bị kiếm đâm sau lưng lúc nào, em có biết không? Ai đâm Quý? Tại sao quản tượng lại bị đâm vào nách?
Mặt Hồng-Phúc lạnh như tiền:
- Tên mọi Tôn Quý ra lệnh mở cửa, rồi xua quân tấn công vào. Trong khi xung sát, quản tượng với nó bị đâm lúc nào em không rõ.
Lý Nhân-Nghiã lắc đầu:
- Thưa quận chúa...quận chúa ngồi sau Tôn thiếu hiệp với quản tượng, mà Tôn thiếu hiệp với quản tượng bị trọng thương, không lẽ quận chúa không thấy?
Hồng-Phúc quát lên:
- Mi chỉ là một viên tướng hiệu nhỏ, mà cũng muốn tra vấn ta ư? Bộ mi không muốn sống nữa rồi.
Mỹ-Linh thấy cô em nổi chứng, nàng đành nín nhịn không thắc mắc nữa. Hà Thiện-Lãm mời chư tướng lại hội. Chàng truyền lệnh:
- Chúng ta khẩn cấp tiếp cứu Trường-yên ngay. Đạo quân Thượng-oai đi tiền đội. Chị Mỹ-Linh, anh Lê Văn, Lưu Tường, quận chúa Trường-Ninh với tôi theo đạo này. Đạo thứ hai gồm giáo chúng Lạc-long giáo. Vì Tôn Quý bị thương nặng, đội Lạc-long giáo của y trao cho Lý tướng-quân chỉ huy. Quận chúa Hồng-Phúc theo đạo này.
Hồng-Phúc quát lên:
- Ta đường đường là quận chúa phủ Khai-Thiên vương. Ta không nghe lệnh tên mọi. Ta đi tiên phong.
Hà Thiện-Lãm đưa mắt nhìn Mỹ-Linh hỏi ý kiến. Mỹ-Linh an ủi:
- Thôi Hà đệ cho chị chịu lỗi về vụ này, để cho Hồng-Phúc đi đầu.
Hai đạo quân rầm rộ lên đường. Thiện-Lãm cho chim ưng bay trước tuần phòng. Chàng viết thư báo cáo tình hình, rồi sai chim ưng mang đi cho Khai-Quốc vương.
Đi được khoảng hai chục dặm, tiền quân quay lại báo:
- Dường như phía trước vừa có trận đánh, xác người chết nằm la liệt, máu chưa đông hết.
Mỹ-Linh, Lê Văn vội lên trước xem xét. Lê Văn quan sát qua, rồi nói:
- Đám người chết đều là giáo chúng Hồng-thiết vừa rút lui từ Yến-vĩ sương sen. Hầu hết chúng chết vì tên.
Lê Văn cầm mũi tên soi vào đuốc, chuôi mũi tên có khắc hình chim ưng bay trên núi. Lý Nhân-Nghĩa kinh hãi nói:
- Thì ra vẫn cặp vợ chồng ban nãy ra tay. Thưa công chúa, thần đoán như thế này: Cặp vợ chồng Ưng-sơn dường như là người Việt. Không biết bằng cách nào họ ẩn vào trong làng Yến-vĩ sương sen trước. Rồi không biết cơ duyên từ đâu đến, họ biết rõ việc chúng ta bị nội phản, bị phục kích, họ phối trí tiễn thủ cứu chúng ta. Sau khi giết chết Đặng Trường, Thạch Nan-Biện họ đuổi theo đám tàn quân Hồng-thiết giáo, rồi giết chết chúng tại đây.
Hồng-Phúc cau mặt:
- Ngu dốt mà lại ra mặt dạy khôn mọi người. Ta hỏi mi: Nếu bảo cặp vợ chồng khả ố kia đuổi theo giết giáo chúng Hồng-thiết, thế sao không giết chết cả năm nghìn người, mà chỉ giết có hơn nghìn?
Lý Nhân-Nghĩa đáp:
- Thưa quận chúa, Hồng-thiết giáo chia ra từng toán mười người. Mười toán thành đội trăm người. Mười đội thành đạo nghìn người. Có lẽ khi rút, họ chia ba đạo chạy ba ngả. Chẳng may đạo này gặp cặp vơ chồng Ưng-sơn, nên bị giết hết.
Lưu Tường nói với Thiện-Lãm:
- Anh Lãm, hổ, báo, ưng của mình từ chiều đến giờ chưa cho ăn...
Thiện-Lãm hiểu liền:
- Tường mở cũi cho chúng đánh chén một bữa no nê đi.
Mỹ-Linh nghe Thiện-Lãm đối đáp với Lưu-Tường, nàng ớn da gà, phát rùng mình. Nhưng nàng nghĩ lại:
- Những người này chết thì cũng chết rồi. Để cho thú ăn thịt họ vẫn hơn giết lợn, trâu, bò cho thú ăn, sát nghiệp còn nặng hơn.
Nàng lẩm nhẩm đọc kinh vãng sinh cho đám người chết.
Khi đi qua khu rừng thông ven sông, Mỹ-Linh chỉ vào phía trong nói:
- Kia là đất thiêng của phái Đông-a. Kể từ đời tổ Tự-Viễn về khai sáng ra vùng này, bao nhiêu người thuộc con cháu Trần gia đều chôn tại đây. Hồi chị với chị Bảo-Hòa, anh Thiệu-Thái đến Thiên-trường, thím Thanh-Mai dắt vào đây lễ tổ. Đất có thần, nhà có chủ. Chúng ta qua đây cũng nên vào lễ tổ phái Đông-a cho phải đạo.
Thiện-Lãm cho quân cứ tiếp tục lên đường, chàng với Mỹ-Linh, Lê Văn, Trường-Ninh rẽ vào rừng thông. Không biết nghĩ sao, Hồng-Phúc cũng theo vào. Dưới ánh đuốc chập chờn, hàng nghìn ngôi mộ đủ loại lớn nhỏ nằm im lìm. Tiếng thông reo vi vu, như tiếng vọng của biết bao âm hồn thì thào. Tại giữa nghĩa địa có ngôi từ đường rất lớn. Mỹ-Linh vẫy hai em xuống ngựa rồi thắp hương. Nàng kinh ngạc biết bao, khi thấy trong nhà từ khói hương nghi ngút, nến thắp sáng trưng như ban ngày.
Nàng để ý thấy trên bàn thờ có đến hai con trâu, bốn con lợn và mười con gà đặt trên bàn cùng xôi, hoa quả. Lê-Văn kinh ngạc:
- Rõ ràng trước chúng ta đã có người vào đây lễ, dường như họ mới ra đi. Nhưng không biết là ai?
Mỹ-Linh vẫy các em quỳ gối lễ tám lễ. Thấy Hồng-Phúc đứng nhìn, mặt cau có, nàng hỏi:
- Đất có chủ, khi em qua đây, cũng nên kính lễ người xưa cho phải đạo lý.
Hồng-Phúc xì một tiếng:
- Có ai vô duyên như chị em nhà cô không. Mình đường đường là công chúa, quận chúa lại đi thì thụp lạy trước bài vị bọn quê mùa ăn cướp này. Nếu quả chúng linh thiêng, thì cứ gọt đầu ta đi. Ta không lạy chúng.
Mỹ-Linh không muốn nói truyện với cô em hung dữ; nhớ đến Thanh-Mai, Tự-Mai, Mỹ-Linh kéo Thiện-Lãm, Lê Văn, Trường-Ninh tìm mộ bà Cao Huyền-Nga (vợ Trần Tự-An) để thắp hương cho phải đạo. Vừa tới mộ bà, bất giác Mỹ-Linh đứng dừng lại, vì ngay trước mộ có cái bệ xây bằng đá, trên bệ đặt một bát hương, hương khói nghi nghút. Trên bàn còn bầy ngay ngắn mấy cái đầu lâu. Lê Văn vốn can đảm, chàng soi đuốc lại nhìn cho rõ, bất giác chàng bật lên tiếng kêu:
- Ối! Này đầu tên Đặng Trường, Hoàng Văn, Phạm Trạch, Thạch Nan-Biện, Ngô Bách-Vân.
Mỹ-Linh bớt sợ, nàng cùng các em chắp tay lễ bốn lễ. Nàng khấn:
- Bá mẫu sống đã không lấy làm sướng, thì chết cũng siêu sinh về thế giới Cực-lạc cho yên ổn.
Nàng ngồi xuống tụng bài kinh A-di-đà, trong khi Trường-Ninh, Thiện-Lãm, Lê Văn tụng theo. Lê Văn nói:
- Nhất định cặp vợ chồng Ưng-sơn có liên hệ với phái Đông-a, nên mới đem đầu bọn ma về tế mộ bà Cao Huyền-Nga, vì hồi sinh tiền, chính chúng làm nhục bà đủ điều, đến phải tự tử.
Mỹ-Linh trầm tư:
- Không biết họ là ai? Nhất định không phải ông Thông-Mai với bà Bảo-Hòa, vì hai ông bà ấy cao hơn cặp vợ chồng này nhiều. Lại càng không thể là Tự-Mai, vì võ công người này cao hơn Tự-Mai một bậc.
Ba chị em trở lại từ đường. Không thấy Hồng-Phúc đâu, Mỹ-Linh lên tiếng gọi:
- Hồng-Phúc! Hồng-Phúc!
Không có tiếng đáp lại. Bỗng Thiện-Lãm bật lên tiếng úi chà, rồi chỉ lên ngọn cây phía trước từ đường: Hồng-Phúc bị trói hai chân, treo ngược trên cành cây. Mỹ-Linh tung người lên, đưa một nhát kiếm, dây đứt, nàng đỡ lấy Hồng-Phúc. Hồng-Phúc bị trói chân, trói tay, dẻ nhét đầy miệng, đầu bị gọt nhẵn bóng.
Mỹ-Linh vội cắt dây trói cho em. Nàng hỏi:
- Hồng-Phúc! Cái gì đã xẩy ra?
Mặt Hồng-Phúc lạnh như tiền, ả không nói, không rằng tung mình lên ngựa, rồi ra roi phi khỏi rừng thông. Mỹ-Linh, Lê Văn, Thiện-Lãm, Trường-Ninh cũng lên ngựa trở lại với đoàn quân. Thiện-Lãm bàn:
- Nhất định là cặp vợ chồng Ưng-sơn đã mang thủ cấp bọn ma đầu về tế mộ bà Cao Huyền-Nga, rồi cũng chính cặp vợ chồng này ra tay trừng phạt Hồng-Phúc. Có lẽ vì nể chúng ta, nên họ không h.... (bản gốc thiếu.)
Đang đi thì có chim ưng mang lệnh của Khai-Quốc vương tới. Thiện-Lãm, Lý Nhân-Nghiã cùng mở thư ra coi. Hai người đọc xong rồi, Thiện-Lãm nói với Mỹ-Linh:
- Lệnh Khai-Quốc vương cho biết, vương đuổi theo Vũ-Đức vương tới gần Trường-yên thì ngừng lại, không tiến quân nữa. Vì tiến lên ắt có giao tranh khủng khiếp, mà số người chết lên tới hàng vạn. Vương tạm đóng quân ở bờ sông, chờ đô đốc Phạm Tuy về đánh chiếm Thanh-hóa, khiến quân Đàm Toái-Trạng hỗn loạn thì vòng vây Trường-yên tự mở ra. Bấy giờ ta đuổi theo đánh chúng cũng vừa. Vậy đêm nay ta đóng quân tại đây nghỉ dưỡng sức đã.
Tôn Trọng đề nghị:
- Chúng ta đóng quân ngay dốc núi này, dựa lưng vào sườn, lại có suối lấy nước uống nữa, như vậy tiện lắm.
Trần Anh đang cắt cử quân tuần tiễu, canh gác, thì Lưu Tường lắc đầu:
- Không cần. Xung quanh trại, tôi bố trí mười toán cánh gác. Mỗi toán có ba đệ tử Thượng-oai ngủ dưới gốc cây với cặp hổ. Trên cây có một đội ưng đậu. Trên vùng trời lại có mấy cặp ưng bay tuần phòng. Bất cứ người, vật đột nhập, chúng sẽ báo liền.
Mỹ-Linh, Trường-Ninh, Hồng-Phúc có mấy nữ binh theo hầu, lo mắc võng cho ba chị em ngủ. Thiện-Lãm, Lê Văn ngủ chung một lều.
Bấy giờ đã sang canh ba. Sau một ngày chiến đấu, mọi người đặt mình xuống là ngủ say liền. Chỉ riêng Lê Văn, những biến cố xung quanh vụ Tôn Quý bị ám hại làm chàng không ngủ được. Chàng nghĩ thầm:
- Trong đội quân này, thì chị Mỹ-Linh với Mình là người thông minh nhất. Nhưng chị Mỹ-Linh bản tính chân thật, không thể nhìn ra sự thực. Còn mình, mình phải tìm cho ra lẽ. Nhất định Hồng-Phúc có liên quan đến việc Tôn Quý bị ám hại.
Chàng nằm im hướng mắt về phía mấy chị em Mỹ-Linh nằm ngủ. Dù mắt buồn ngủ rí lại, nhưng chàng nhất định không ngủ. Không phải chờ lâu, trong bóng đêm, chàng thấy rõ Hồng-Phúc xuống khỏi võng hướng về phía suối. Nhìn trước, nhìn sau không có ai, Hồng-Phúc lấy châm vạch lên cây, ý chừng như viết chữ. Sau đó nàng bới đất ở gốc cây rối xuất trong túi ra cái hộp chôn xuống. Việc xong xuôi, nàng âm thầm trở về chỗ ngủ.
Nhanh nhẹn Lê Văn chạy lại bới gốc cây, lấy cái hộp bỏ vào túi, rồi về chỗ. Chàng nằm xuống, rồi ngủ thiếp đi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...