Án Tử Một Tình Yêu - The Death Of A Love

Đêm về, Du lại thao thức và lại nghe tiếng khóc nỉ non cùng tiếng thở dài ưu sầu. Du nhớ đến lời quản giáo Lành, về việc chờ đợi những buổi bình minh. Chính Du cũng đang chờ cái ngày mình bị đưa ra trường bắn. Một mặt Du nhận thức tội lỗi của mình và chấp nhận bản án tử, nhưng mặt khác bản năng sống khiến cô cũng mang nỗi sợ hãi. Du không muốn nghĩ thêm về điều ấy, liền mở nhật kí ra viết. Mở đầu là một câu hỏi.

Ngày... tháng... năm...

Bác sĩ có biết tử tù sợ nhất là gì không?

Đó chính là ngủ.

Tử tù không thể ngủ và luôn chờ đợi buổi sáng hôm sau vì sợ mình sẽ là người tiếp theo bị mang ra trường bắn. Chỉ khi tiếng bước chân của quản giáo dừng trước một cửa buồng giam nào đó mà không phải của họ thì họ lại thở phào nhẹ nhõm, tự nhủ mình lại có thêm một ngày để sống. Và buổi sáng hôm ấy trôi qua, đối với họ, trở nên quý giá.

Bác sĩ, tôi cũng đã bắt đầu thức đêm và chờ ngày. Vì tôi sợ cái chết.

Lúc giết người xong, tôi sợ hãi đến mức muốn tự sát. Nhưng từng ngày, từng ngày trôi qua khi mà tôi không biết ngày nào mình bị xử bắn, thì giờ đây tôi lại muốn sống thêm nữa. Có lẽ càng kề cận cái chết thì người ta càng khao khát được sống.

Tôi nghĩ về cái chết, về thứ được gọi là kết thúc. Kiếp người này của tôi sẽ hoàn toàn chấm dứt, cái tên Vân Du không tồn tại nữa, hay những người thân yêu mà tôi mãi mãi chẳng thể gặp lại. Và còn nỗi đau của họ khi tôi mất đi.

Cảm giác đó thật đáng sợ bác sĩ à.

Mỗi đêm trước khi ngủ, tôi lại nhủ thầm rằng, nếu như đêm nay là đêm cuối cùng mình còn sống thì sẽ thế nào?

Chỉ là một dòng suy nghĩ thôi cũng khiến tim tôi quặn thắt.

Nhật kí tù nhân 3969.

Du lật ra trang cuối của nhật kí, nhìn bức hình vẽ của bé Oanh mình dán vào đó. Những ngón tay khẽ khàng miết nhẹ trên từng nét chì nguệch ngoạc, Du rơi nước mắt.

*****

Đồng Văn yên lặng ngồi chờ ở phòng thăm. Gần mười ngày qua, kể từ khi Vân Du bị tuyên án tử hình, Văn ăn không ngon ngủ không yên. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh Du bị đưa ra trường bắn là lòng Văn đau đớn đến ngạt thở. Bản thân không muốn mọi chuyện kết thúc trong bi kịch nên Văn quyết tâm đến thăm Du, và dù biết cô sẽ từ chối yêu cầu của mình nhưng anh vẫn muốn thử với chút hi vọng nhỏ nhoi sau cùng.

Trong lúc chờ đầu óc Văn cứ trống rỗng, thậm chí lúc Du đã xuất hiện đằng sau tấm kính thì anh cũng chẳng hay biết.

- Chào bác sĩ, thật bất ngờ khi bác sĩ lại đến thăm tôi.

Văn nhìn Du, hình như cô gầy hơn thì phải, gương mặt vẫn u uất và buồn bã làm sao. Thời gian trước, có lúc Du đã thay đổi trở nên vui vẻ, cởi mở hơn nhưng bây giờ dáng vẻ đó đã mất. Có cảm giác mọi thứ lại quay về lúc ban đầu, khi Du mới vào Trại giam.

- Trông cô hơi xanh xao, cô vẫn khỏe chứ?


- Tôi ổn mà, bác sĩ đừng lo. Bác sĩ gặp tôi có chuyện gì không?

Hơi chồm người về phía trước, Văn cố gắng giữ giọng rõ ràng:

- Tôi biết, dù có nói bao nhiêu lần cũng sẽ không thay đổi được kết quả. Nhưng tôi vẫn muốn thử lần nữa... Chỉ còn một ngày nữa thôi là cô sẽ không còn quyền được kháng án, tôi mong cô hãy tranh thủ thời gian còn lại mà yêu cầu luật sư đề đơn kháng án!

Trước khi đến đây, Du cũng đoán được phần nào Văn sẽ đề cập đến chuyện kháng án.

- Bác sĩ vốn biết rõ câu trả lời là gì mà.

- Nếu không kháng án thì chí ít cô cũng nên viết đơn xin ân xá.

- Câu trả lời vẫn chỉ là một thôi bác sĩ, tôi không làm như thế đâu.

Nếu không kìm chế bản thân thì hẳn Văn đã đập tay thật mạnh xuống mặt bàn rồi. Văn trách Du sao cố chấp đến vậy, quyết dồn chính mình vào con đường chết mới thỏa lòng. Liệu Du chết rồi thì bà Nhuệ và bác sĩ Dương có sống lại? Nếu nói đó là sự trừng phạt thì Văn vẫn sẽ bất chấp tất cả, thậm chí rơi vào mù quáng, để chỉ giúp Du được sống. Du từng bảo bản án tử là công bằng, thế Du có từng nghĩ cái chết của mình lại là điều bất công với những ai yêu thương cô?

Cùng với nỗi thương tâm, Văn bất giác thốt lên một cái tên nghe nhẹ hẫng:

- Du à... xem như tôi khẩn khoản xin Du lần cuối cùng, hãy viết đơn xin ân xá.

Tròn xoe mắt, Du ngạc nhiên bởi lần đầu tiên chàng trai đó đã gọi tên mình một cách đầy khẩn khoản đến thế. Nghe đầy tha thiết mà cũng đớn đau làm sao.

- Bác sĩ...

- Tôi đến đây không phải với tư cách là bác sĩ. - Văn cắt ngang lời đối phương - Du hãy nhìn tôi đi, với vai trò là một chàng trai bình thường đang mang nỗi đau sắp mất đi cô gái quan trọng nhất. Tôi cũng có một trái tim biết yêu thương, Du hiểu không?

Ở bên kia tấm kính ngăn cách, Du chợt nhận ra một thứ cảm xúc đang dâng trào khiến tim mình choáng ngợp. Du muốn bật khóc nhưng lạ thay, có điều gì đã ngăn những giọt nước mắt ấy tuôn trào. Du biết phải làm gì để đáp lại lời tỏ bày của Văn? Cũng như bất lực trước nỗi đau đớn đang khuấy động bên trong lòng Du?

Văn nhẹ nhàng áp bàn tay lên tấm kính ngăn, như chờ một lời hồi đáp, nói thật khẽ:

- Nếu không thể vì tôi thì Du cũng nên vì con gái mình, hãy cố gắng sống.

Trước vẻ lặng thinh của Du, Văn dường như đã hiểu ra: Cuối cùng mọi nỗ lực từ mình đã trở nên công cốc! Đến lúc này Văn không còn cách nào để ngăn con tim đừng chảy máu. Lặng lẽ cúi đầu, Văn cố chịu đựng sự giằng xé dữ dội, giọng thật trầm:

- Lẽ nào, tôi không có ý nghĩa gì trong cuộc đời của Du...?


Du quan sát dáng vẻ Văn đang gồng mình chịu đựng thương đau thì nỗi xót xa vỡ òa tràn lấp tim cô. Du nấc khẽ một tiếng thật nghẹn ngào, từ từ đưa bàn tay lên định áp vào bàn tay Văn vẫn đang mở ở bên kia tấm kính. Đó sẽ là minh chứng từ một lời hồi đáp thầm lặng. Thế nhưng khi ngón tay sắp chạm vào sự liên kết sau cùng đó thì Du liền ngừng lại. Sẽ thật bất công nếu Du cứ cho Văn những hi vọng hão huyền!

Yêu thương thật sự phải là thứ tình cảm có trách nhiệm.

Với một tử tù sắp chết như Du thì sao có thể làm tròn trách nhiệm ấy với Văn?

Du nhớ con cáo trong truyện Hoàng tử bé, cảm hóa nhau làm chi để giây phút chia li chỉ còn nước mắt. Du không muốn tưởng tượng cảnh Văn rồi sẽ giống con cáo đó, cứ ngồi chờ đợi trong vô vọng dù biết rõ đối phương sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Để ai đó bước chân vào cuộc đời mình, sau đó lại quay về với nỗi cô đơn còn lớn hơn lúc đầu.

Sau cùng Du rút tay lại, kết thúc sự hồi đáp tình cảm đó. Nghe Du gọi, Văn ngước lên và thấy cô mau chóng đứng dậy nhìn mình với đôi mắt ráo hoảnh, sáng ngời.

- Tôi thật sự cảm ơn tấm chân tình của bác sĩ, cũng như suốt thời gian qua anh đã luôn giúp đỡ tôi. Dẫu biết là tàn nhẫn đối với bác sĩ nhưng tôi sẽ tiếp tục chờ đến ngày trả án. Vậy nên... chúng ta đừng gặp nhau nữa. Tôi muốn mình từ giờ không xuất hiện trước mặt bác sĩ. Xin hãy giữ gìn sức khỏe.

Dứt lời, Du cúi chào rồi lập tức xoay lưng đi. Trước khi rời khỏi phòng thăm, Du thấy Văn đứng lặng yên nhìn theo mình và gọi khẽ khàng:

- Vân Du...

Lúc cánh cửa chưa kịp đóng lại, vào khoảnh khắc thật ngắn ngủi thôi Du đã khắc ghi tỉ mỉ từng đường nét trên gương mặt của Văn. Cũng giống như con cáo nhìn cánh đồng lúa mì và nhớ đến mái tóc màu vàng kim của Hoàng tử bé, thì Du cũng sẽ cất giữ hình ảnh chàng trai đó vào sâu trong tim mình. Từng đường nét quá đỗi thân thương ấy sẽ an ủi Du vào những ngày sau cuối của cuộc đời.

*****

Khoảng thời gian ở buồng giam tách biệt, Du đều đặn viết nhật kí. Cứ cách hai, ba ngày là Du lại gửi gắm tâm sự vào trang giấy, những dòng chữ không bao giờ nhận lại lời hồi âm từ phía đối phương. Nhưng Du vẫn viết, như thể được ai đó san sẻ. Và đây là điều duy nhất Du có thể làm trong những đêm thao thức vì chờ đợi, vì mong nhớ, vì khổ đau.

Ngày... tháng... năm...

Bác sĩ, mấy ngày nay tôi rất nhớ con gái. Tôi không biết Hoàng Oanh hiện nay như thế nào, có khỏe không, có chịu ăn cơm đầy đủ không. Tôi thấy con trong phiên tòa vài ngày trước. Lúc đầu con bé vô tư lắm nhưng khi thấy tôi bị áp giải ra xe, nó liền bật khóc và cố len qua đám đông người đang bu quanh, để có thể ôm lấy tôi.

Trông cảnh bé Oanh vừa khóc vừa gọi mẹ, tôi không kìm lòng được mà rơi nước mắt. Tim như bị ai lấy dao đâm. Tôi có tội quá bác sĩ! Tôi không đáng làm mẹ! Tôi khiến con gái mình chịu khổ! Rồi đây nó sẽ sống ra sao khi bị người đời khinh miệt, khi có một người mẹ từng là tử tù? Tôi chưa từng hối hận khi sinh ra bé Oanh, nhưng giờ đây tôi lại thấy hối hận thay cho con vì có người mẹ tội lỗi là tôi.

Giá như bé Oanh làm con của một người khác chứ không phải tôi, thì tốt biết bao.

Nhật kí tù nhân 3969.

*****

Ngày... tháng... năm...


Bác sĩ, tôi vừa viết thư xin lỗi cha mẹ của bác sĩ Dương. Đây là lá thứ năm, và dĩ nhiên tôi không nhận được lá thư hồi âm nào của họ.

Nếu nói rằng tôi không thất vọng thì đó chỉ là nói dối. Tôi trách bản thân nhưng vẫn mong được họ tha thứ vì tôi muốn bản thân vơi bớt đi cảm giác tội lỗi. Tôi quá ích kỷ và quá tham lam phải không? Phiên tòa hôm đó, tôi thấy cảnh họ ôm di ảnh con trai rồi gào khóc, còn lao đến muốn đánh tôi cho thỏa nỗi căm phẫn. Họ gọi tôi là ác quỷ. Khi đó tôi biết, cả cuộc đời này họ sẽ không bao giờ thứ tha cho tôi.

Giá như khi ấy, tôi có thể đứng trước họ mà quỳ xuống, dập đầu tạ tội. Nhưng tôi sợ lắm, đến mức muốn bỏ chạy thật xa. Và tôi chỉ biết im lặng chứ không nói một lời xin lỗi nào cho đến lúc bị áp giải lên xe. Tôi thấy mình hèn nhát.

Nhật kí tù nhân 3969.

*****

Ngày... tháng... năm...

Hôm nay tôi biết bác sĩ đã ở phòng thăm chờ tôi nhưng hãy tha thứ vì tôi đã cố chấp không đến gặp. Tôi nhất định sẽ không để chúng ta gặp nhau thêm lần nào nữa. Đây là điều tốt nhất dành cho bác sĩ. Khi mà bác sĩ đã giúp tôi thật nhiều mà tôi lại chẳng thể làm được gì ngoài việc nói cảm ơn. Mong bác sĩ có thể hiểu và không trách tôi. Tôi luôn mong bác sĩ vui vẻ, hạnh phúc và sống thật tốt.

Bác sĩ còn nhớ về truyện Hoàng tử bé? Những lần gặp bác sĩ, tôi sợ bản thân rồi sẽ giống con cáo hay anh chàng phi công, lúc Hoàng tử bé rời xa. Khi chia li, thế nào cũng sẽ có người phải khóc. Và mỗi lần gặp bác sĩ, tôi lại muốn được sống! Nên sự gặp gỡ đối với tôi vào lúc này là điều thật tàn nhẫn.

Bác sĩ biết không, bây giờ mỗi buổi sáng tôi đã bắt đầu lắng nghe tiếng bước chân của quản giáo, chờ đợi xem có phải hôm nay là đến lượt mình bị đưa ra trường bắn. Càng ngày tôi càng cảm nhận rõ cái chết đang cận kề. Tôi bỗng phát hiện ra, mình đang sợ hãi khi mỗi ngày lần lượt trôi qua...

Nhật kí tù nhân 3969.

*****

Du bước vào phòng thăm với vẻ sốt ruột vì vừa được báo có thân nhân đến thăm. Trước đó, Du khẩn khoản xin được gặp con gái trong phòng không có kính ngăn cách để được ôm con vì biết đâu đây sẽ là lần gặp cuối cùng. Cán bộ phòng thăm cũng thương tình nên chấp nhận. Đến nơi, Du mừng rỡ khi thấy Hoàng Oanh đang ngồi cùng ông Thạch ở phía bên kia bàn thăm. Bé Oanh cũng sung sướng vì thấy mẹ xuất hiện. Tức thì nó nhảy ra khỏi lòng ông ngoại, lao ù đến chỗ mẹ. Du mau chóng cúi xuống đón lấy con gái, ôm thật chặt. Bé Oanh vừa khóc vừa gọi:

- Mẹ Du! Mẹ Du ơi!

- Ừ mẹ đây, con gái ngoan của mẹ. Nín đi con!

Bé Oanh vùi mặt vào cổ Du, khóc nức nở. Còn Du chỉ biết vỗ về con bằng những lời an ủi dịu dàng và cố nuốt nước mắt vào trong lòng. Khóc thỏa sức một lúc lâu, bé Oanh rời khỏi lòng mẹ nhưng tay vẫn ôm cổ mẹ, thút thít hỏi:

- Mẹ về với Oanh đi mà! Đừng ở trong đây nữa! Mẹ ở lâu quá chừng, về với con đi!

Nghe bé Oanh nài nỉ mà Du thấy xót xa tận cùng, bản thân vẫn chưa biết phải nói sao với con. Du chưa đủ can đảm để buột ra cái câu "mẹ sẽ không về nữa" cho nó nghe. Né tránh bằng việc im lặng, Du lau nước mắt nước mũi tèm lem trên mặt bé Oanh rồi bế nó lên, đi lại ngồi xuống ghế. Đối diện, ông Thạch trông cảnh con gái và cháu gái ôm nhau chẳng rời mà lòng đớn đau như bị cắt từng khúc ruột. Du bị kết án tử hình rồi, ông sẽ mãi mãi mất con. Đứa cháu đáng thương của ông cũng vĩnh viễn mất mẹ.

- Du à, sao con không kháng án? Hoặc chí ít cũng viết đơn xin ân xá chứ con!

Vẫn ôm chặt bé Oanh, Du nhìn ông Thạch bằng dáng vẻ bình thản lạ lùng:

- Cha cũng biết tội tôi chẳng đáng được tha thứ, viết đơn xin ân xá để làm gì.

- Du ơi Du, là cha có lỗi với con! Con chịu khổ vậy đủ rồi, người đáng bị trừng phạt là cha chứ không phải con!


- Ở trên đời này, không phải bất cứ ai có tội thì đều bị trừng phạt thích đáng. Cha có lỗi với tôi nhưng pháp luật nào đâu bắt tội cha được. Và chuyện năm đó cũng chẳng ai biết ngoài một kẻ đã về thế giới bên kia và một kẻ sắp chết. Còn tôi, tội ác mà tôi gây ra biết bao nhiêu người chứng kiến, khiến bao nhiêu người căm phẫn. Vì thế tôi phải lãnh bản án mà mình đáng phải nhận.

Đôi mắt thản nhiên của Du, đối với ông Thạch như chứa hàng ngàn lời trách cứ. Nó càng làm ông thấy mình là kẻ tội lỗi. Nhìn lại kết cục ngày hôm nay, ông chính là một phần nguyên do khiến con gái đánh mất cả cuộc đời khi tuổi còn rất trẻ. Ông chửi bản thân là người cha khốn nạn. Con người không có lòng dũng cảm thì sẽ mất tất cả.

- Du ơi, cha biết mình chẳng đáng tha thứ nên cha không mong được con thứ tha! Nhưng con hãy tin rằng, suốt phần đời còn lại cha sẽ sống trong ăn năn, ân hận!

Du nhìn người cha nước mắt giàn giụa, đang dập đầu xuống hai mu bàn tay đặt trên bàn rồi nói với giọng nghẹn ngào. Du từng căm hận và từng nghĩ, mình sẽ không bao giờ tha thứ cho người đàn ông này khi ông nhẫn tâm đứng nhìn cô bị cưỡng bức, chỉ bởi hèn nhát. Nhưng giờ đây, sau tất cả những chuyện đã xảy ra, khi mọi vết thương dường như được chữa lành và ngay cả khi chỉ còn những ngày sống ít ỏi thì Du lại chẳng muốn phải căm hận ai, thù ghét ai nữa. Du nhớ Đồng Văn từng viết, vị tha là một điều gì đó thật đẹp đẽ!

- Tôi... tha thứ cho cha.

Ông Thạch chậm rãi ngẩng mặt lên, đôi mắt mờ căm ừng ực nước chợt sáng bừng. Du cảm nhận sự bình lặng trong lòng, chấp nhận để nỗi đau và quá khứ ngủ yên, rành rọt:

- Nếu, cha hứa sẽ mãi mãi chăm sóc yêu thương Hoàng Oanh, không để con bé chịu sự tổn thương nào. Cha hãy hứa, sẽ dùng cả cuộc đời còn lại của cha để bảo vệ con bé... Thì, tôi chấp nhận tha thứ cho cha.

Hai giọt lệ nóng hổi chảy dài trên gương mặt tĩnh lặng của Du, vẻ như đã không còn mang nỗi oán hận nào nữa. Người con gái ấy, ngay lúc này, chấp nhận buông bỏ mọi lỗi lầm. Về phía ông Thạch, lúc nghe con gái nói hai từ tha thứ thì ông bật khóc, gật đầu.

Cuối cùng, Du quay qua nhìn Hoàng Oanh. Bàn tay run rẩy vuốt nhẹ mái tóc mềm mại và gương mặt tròn ngây thơ đó, Du lấy hết can đảm để nói với con:

- Oanh à, mẹ xin lỗi vì không thể ở bên con được nữa. Mẹ yêu con, rất nhiều!

Có lẽ hiểu được những gì mẹ nói hay sao mà bé Oanh mếu máo:

- Mẹ Du không về với con nữa ạ? Mẹ ghét Hoàng Oanh rồi sao mẹ?

- Không phải! Mẹ yêu con lắm nhưng... mẹ đã làm sai và không thể về nhà được rồi.

Du ôm chầm lấy bé Oanh và cũng khóc theo. Con bé bấu chặt lấy mẹ như chẳng muốn rời xa, cứ thế bật khóc rất to. Nhưng cái ôm sau cùng của hai mẹ con không thể kéo dài khi cán bộ phòng thăm báo đã hết giờ.

Du quyến luyến không nỡ buông con ra. Bé Oanh cũng vậy, hai tay ôm cứng ngắc.

Trông thế, hai cán bộ phải bước đến tách hai mẹ con rời nhau. Họ kéo Du đi, còn ông Thạch phải giữ lấy cháu gái. Bé Oanh khóc thảm thiết, đột nhiên quỳ xuống chắp hai tay.

- Mấy chú ơi, thả mẹ Du của con về đi mà! Con xin mấy chú! Mẹ Du biết sai rồi, mẹ hối hận rồi! Con và mẹ xin lỗi mấy chú!

Mặc ông Thạch khuyên ngăn, bé Oanh vừa khóc lớn vừa liên tục chắp hai tay vào nhau như thể cầu xin hai cán bộ kia. Mặt nó ướt nhem nước mắt nước mũi, miệng cứ nói:

- Con xin lỗi mấy chú! Con xin lỗi giùm mẹ Du mà! Mẹ Du biết lỗi rồi!

Dẫu cũng xót xa trước hành động ngây thơ của đứa trẻ nhưng hai cán bộ buộc phải làm đúng nhiệm vụ. Và có lẽ, họ đã cố ý dẫn Du rời khỏi phòng một cách chậm rãi, hệt như muốn nữ tử tù được nhìn thấy con thêm chút nữa.

Trông cảnh bé Oanh chắp tay xin lỗi cán bộ mà lồng ngực Du muốn vỡ tung bởi cảm xúc đớn đau tận cùng. Du đưa tay bịt chặt miệng để kìm những tiếng nức nở sắp bật ra trong cổ họng nghẹn ứ. Và Du cứ ngoái nhìn con gái cho đến lúc cánh cửa khép lại. Thậm chí khi đã đi xa, Du vẫn nghe văng vẳng âm thanh nức nở đó cồn cào cả ruột gan.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui